Bao giờ ông Nguyễn Phú Trọng có thể “lấy lại Hoàng Sa”?
Hương Khê (Danlambao) – Lật chồng báo cũ, bất ngờ đọc được bài trên báo Tuổi Trẻ ra ngày 02/7/2014 có tựa đề rất hấp dẫn: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đấu tranh lấy lại Hoàng Sa”.
Theo đó: Phát biểu trước đông đảo cử tri quận Tây Hồ (Hà Nội) trong cuộc tiếp xúc ngày 1-7/2014, TBT Nguyễn Phú Trọng nói: “Trung Quốc có ý đồ muốn hiện thực hóa đường lưỡi bò, độc chiếm biển Đông, muốn khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc. Chúng ta khẳng định rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Hoàng Sa thì trên thực tế Trung Quốc đang chiếm giữ trái phép, họ đã hai lần đánh chiếm Hoàng Sa và lần gần nhất là năm 1974. Chúng ta tiếp tục khẳng định chủ quyền, đấu tranh để lấy lại Hoàng Sa”(1).
Có thể xếp câu nói này của ông Nguyễn Phú Trong là một trong những phát ngôn nổi bật nhất tại VN trong những năm gần đây. Bởi vì đối với nhà nước CSVN, hễ nói đến câu “Hoàng Sa, Trường Sa là của VN” là điều cấm kỵ, là “chạm nọc”, là có tội với đảng. Y như các nho sinh thời trước “phạm húy” khi đi thi vậy, và sẽ mang tai họa vào thân.
Chính vì vậy mà những Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha, và nhiều người khác bị tù tội cũng vì dám tuyên bố “Hoàng Sa, Trường Sa là của VN”.
Con người “Thẳng ruột ngựa” như Vũ Đức Đam và Huỳnh Ngọc Sơn cũng chỉ mới dám đùn đẩy cho thế hệ sau đòi lại.
Tại cuộc đối thoại với các nhà khoa học Việt Nam vào sáng 17/5/2014, các nhà khoa học lại dành khá nhiều thời gian đặt câu hỏi cho vấn đề thời sự nóng bỏng: biển Đông.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Trung Quốc đã dùng vũ lực để chiếm Hoàng Sa và nhất định chúng ta phải đòi lại. Đời tôi, đời các bạn không đòi được thì con cháu chúng ta sẽ tiếp tục đòi lại”(2).
Cùng một luận điệu như trên, trong dịp tiếp xúc cử tri Đà Nẵng vào sáng 29/6/2014, Ông Phó CTQH Huỳnh Ngọc Sơn nói: “Chúng ta cũng đã nghĩ đến việc lấy lại, nhưng hiện nay thì chưa thể thực hiện được thì đời con cháu chúng ta sẽ làm việc đó. Bà con cử tri cũng hiểu cho các đồng chí lãnh đạo, không phải lúc nào chúng ta cũng hô hào đánh nhau. Hiện đã có phương án, giải pháp cho vấn đề Biển Đông. Khi cần chúng ta sẽ ra Nghị quyết và đã ra thì Nghị quyết phải có hiệu lực”(3).
Có lẽ ý của hai ông Vũ Đức Đam và Huỳnh Ngọc Sơn muốn nói là đến “Tết Công-gô”, thì QHVN sẽ ra “Nghị quyết”, và lúc ấy nghị quyết mới có hiệu lực!!!
Trở lại câu nói “để đời” của ông Nguyễn Phú Trọng.
Nên biết rằng, câu nói này của ông Trọng ra đời trong hoàn cảnh: Sau khi vào ngày 01/5/2014, Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế nước ta.
Sự kiện này đã làm nóng dư luận trong nước và thế giới. Ở trong nước, hình ảnh ngự trị của giàn khoan HD 981 trên vùng đặc quyền kinh tế nước ta đã thôi thúc nhân sĩ trí thức và nhân dân nhiều nơi, nhất là tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Sài Gòn, đã tập trung biểu tình để phán đối hành động ngang ngược này của nhà cầm quyền Trung Quốc vào các ngày 10 và 11 tháng 5/ 2014.
Trong đó cuộc biểu tình tại Sài Gòn lên tới hàng chục ngàn người. Những người biểu tình vừa chống Trung Quốc, vừa phản ứng với tư thế gập lưng sát đất của chính quyền Việt Nam. Chính quyền VN dã dùng lực lượng rất đông để bảo về tòa đại sứ TQ tại HN và Lãnh sứ quán TQ tại Sài Gòn.
Về dư luận quốc tế:
Ngày 8 tháng 5/2014: Ngoại Trưởng John Kerry điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, công khai gọi hành động của Trung Quốc là “khiêu khích” và “hung hăng.”
Ngày 9 tháng 5/2014: Sáu Thượng Nghị Sĩ Hoa Kỳ tố cáo hành động của Trung Quốc là “gây hấn, tạo rắc rối” và “đe dọa tự do thương mại toàn cầu.”
Ngày 7/5/2014: Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain đã ra tuyên bố chỉ trích Trung Quốc cố tình gây căng thẳng ở Biển Đông. Ông khẳng định hành động của Trung Quốc “mang tính khiêu khích,” “đáng quan ngại” và “chỉ nhằm leo thang căng thẳng ở Biển Đông.”
Thượng nghị sỹ John McCain khẳng định “các hành động của Trung Quốc dựa trên những yêu sách lãnh thổ không có cơ sở theo luật pháp quốc tế.”
Ngày 14 tháng 5/2014: Phát ngôn viên tòa Bạch Ốc Jay Carney nói tranh chấp Việt – Trung phải được giải quyết “thông qua đối thoại chứ không phải bằng hăm dọa”.
Từ 10 tháng 5 đến 15 tháng 5/2014: lần lượt Anh Quốc, Australia, Pháp, Nga đều xác định sự quan tâm sâu sắc đối với tình hình căng thẳng ở Biển Đông và kêu gọi các bên kiềm chế, giải quyết tranh chấp theo con đường hòa bình thông qua đối thoại.
Cũng trong thời gian giàn khoan HD 981 hoành hành trên vùng biển nước ta, tại Thủ đô Hà Nội đã diễn ra 2 sự kiện quan trọng:
BCHTƯ ĐCSVN khoá XI đã họp Hội nghị lần thứ chín, từ ngày 08/5 đến ngày 14/5/2014, để thảo luận, cho ý kiến về: Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Quốc hội khóa XIII họp kỳ họp thứ bảy, từ ngày 20-5/2014 đến ngày 24-6-2014, nhằm “xem xét thông qua một số luật liên quan tới người đồng tính, song tính và chuyển giới (“LGBT”) như quyền kết hôn, chung sống của các cặp cùng giới, quyền liên quan đến giấy tờ nhân thân và đăng ký hộ tịch của người chuyển giới, liên giới tính”.
Tại diễn đàn QH, mặc dù đã có một đố đại biểu QH đề nghị phải lên tiếng phản đối hành động ngang ngược này của TQ. Nhưng ĐCSVN và Quốc hội VN “câm như hến”, không hề có một phát ngôn chính thức nào nhằm lên án hành động phi pháp này của nhà cầm quyền TQ.
Việc quốc gia đại sự, giặc vào vườn nhà mình, cắm ngay cái giàn khoan vào giữa vườn và tuyên bố là đất của chúng. Thế mà QH là cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước “của dân, do dân và vì dân” ấy, là nơi tập hợp những 500 đầu óc của giới “đỉnh cao trí tuệ”, thì không lo bàn đến việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Ngược lại, QH lại “chăm chú” lo nhìn dưới đũng quần người ta để “xem xét, ngâm cứu” xem họ là đàn ông hay là đàn bà.
Sau khi chịu nhục nuốt hận mà không dám có phản ứng gì, như con giun bị xéo mãi mà không dám “quằn”. Nhưng sau đó ông Trọng lại khoe tài chịu nhục của mình bằng câu nói tại buổi tiếp xúc cử tri nói trên. Tại đây, ông Trọng đã “khua môi múa mép” khi khoe khoang rằng: “Chúng ta nói thẳng thắn, công khai giữa diễn đàn Quốc hội, cả thế giới đều biết. Chúng ta phản đối, kịch liệt lên án, yêu cầu Trung Quốc phải rút giàn khoan cùng tàu bè hộ tống ra khỏi vùng biển Việt Nam, đi vào đàm phán, đối thoại”.
Nên biết rằng, trong thời gian mà giàn khoan HD 981 đang “ngự trị” trong vùng đặc quyền kinh tế nước ta, TBT Nguyễn Phú Trọng đã 14 lần gọi đường dây nóng kết nối giữa 2 TBT của hai đảng, nhằm xin phép họ Tập chiếu cố cho ông Trọng được sang Bắc Kinh để “Yết kiến”. Nhưng đã bị họ Tập từ chối thảng thừng, và khinh bỉ không thèm trả lời.
Và vẫn cái giọng lí sự cũ mèm của kẻ quen thói “đầu môi chót lưỡi”, khi bị cử tri đề nghị phải đấu tranh với về mặt pháp lý, là đưa TQ ra tòa án Quốc tế như Philippines, thì ông Trọng nói: “Chúng ta chủ trương đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, thỏa thuận cấp cao giữa hai nước. Chúng ta sử dụng tất cả các biện pháp hòa bình, kể cả đấu tranh pháp lý”…. “Trung Quốc là một nước láng giềng lớn, muốn hay không vẫn phải sống cạnh nhau, không ai chọn được láng giềng. Vậy thì phải xử lý thế nào cho đúng”.
Lập luận này cho thấy ông Trọng đang rất ngụy biện.
Nói về mặt địa lý, thì đất nước Myanmar có chiều dài biên giới trên bộ giáp TQ gấp 1.71 lần so với VN (2185 km và 1281km). Trong dòng lịch sử, suốt những năm 60 và 70 của thế kỷ trước, TQ luôn phủ bóng lên Myanmar. Nhà nước Myanmar trong một thời gian dài bị TQ kìm kẹp, nhằm mở đường vươn ra Ấn Độ Dương. Đầu thập kỷ 90, TQ thậm chí còn đưa cố vấn quân sự sang nước này. TQ cũng đưa “củ cà rốt” ra dụ nhân dân Myanmar bằng cách đâu tư xây dựng tại đây một loạt công trình, như đường bộ, đường sắt, cảng biển, ống dẫn dầu, xây đập nước, khai thác mỏ v.v… Myanmar lúc đó gần như trở thành một tỉnh của TQ.
Thế nhưng, người dân Myanmar không lạ gì “bộ mặt thật” của bọn bành trướng Bắc Kinh. Do đó họ đã thực hiện công cuộc “thoát Trung” một cách rất ngoạn mục. Trước hết là việc nhân dân biểu tình để phản đối dự án khai thác đồng của Tập đoàn Vạn Bảo, rồi đến việc tạm ngưng xây đập Myitsone v.v…
Sở dĩ Myanmar thoát được Trung là bời vì đất nước Myanmar không bị cai trị bởi ĐCS.
Nhưng VN thì không. Chẳng những nhà nước CSVN đã bị TQ siết chặt bởi cái Vòng Kim Cô “16 chữ vàng và 4 tốt”, và ĐCSVN vẫn mơ tưởng hão huyền vào lòng tốt của kẻ ăn cướp. Vì vậy ông Trọng vẫn hy vọng vào “thỏa thuận cấp cao giữa hai nước”.
Cũng có thể trong giai đoạn giữa năm 2014 này, nội bộ ĐCSVN đang diễn ra những cuộc đấu đá rất khốc liệt. Ông Trọng lúc này đang yếu thế so với Ba Dũng trong cuộc tranh giành ghế Tổng Bí thư tại ĐHXII của ĐCSVN sẽ diễn ra vào năm 2016. Vì kế hoạch loại Ba Dũng đã bị thất bại tại Hội nghị TƯ 6 khóa XI của BCHTƯĐCSVN diễn ra hồi tháng 9/2012. Tại hội nghị này, ông Trọng đã phải khóc sụt sùi và ôm hận vì không “thịt” được Ba Dũng. Cho nên đây là dịp để ông Trọng lấy điểm trước nhân dân?
Cũng có thể tại hai hội nghị quan trọng của đảng và QH hồi tháng 5 và tháng 6/2014, Khi bị TQ “đấm vào mặt” bằng hành động cho giàn khoan HD 981 xâm phạm chủ quyền nước ta, mà ông Trọng cố chịu nhục “ngậm tăm”. Vì vậy đã bị dư luận và nhân dân lên án hết sức nặng nề. Thì đây là dịp để ông Trọng lấy lại khí thế bằng những phát ngôn bịp bợm như trên để “vuốt mặt”, và đánh lừa nhân dân rằng, ta đây vẫn “chưa bị Hán hóa”?
Cũng cần nhắc lại rằng, khi TQ cướp Hoàng Sa của VN vào ngày 19 tháng 1 năm 1974, thì hôm sau, phiên họp của Phái đoàn Liên hợp quân sự 4 bên về việc Giám sát thi hành Hiệp định Paris về VN, do Thiếu tướng Lê Quang Hòa, Trưởng phái đoàn VNDCCH chủ trì tại Sài Gòn. Trong phiên họp này, phía VNCH đã đưa văn bản đề nghị chính thức Chính phủ VNDCCH, cùng với Chính phủ VNCH ra thông cáo lên án TQ về hành động xâm lược lãnh thổ-lãnh hải của VN.
Đề nghị này còn lên kế hoạch chi tiết, trong đó yêu cầu quân Bắc Việt Nam và quân của Chính Phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam giảm áp lực tại quân đoàn 2 của VNCH. Trong đó đề nghị cụ thể không tiến công quấy rối Đà nẵng, Nha Trang và các sân bay ở khu vực này để quân lực VNCH có thể rảnh tay tập trung tái chiếm quần đảo Hoàng sa.
Ông Thiếu tướng Lê Quang Hòa đã điện về xin ý kiến Trung ương.
Đích thân ông Lê Đức Thọ phê bình “lập trường chính trị của các anh để đâu? Đang có chiến tranh, lại phối hợp hoạt động với địch à? Cuộc chiến tranh gay go của ta rất cần sự ủng hộ của Trung Quốc, mà lại nói quay sang chống bạn. Họ có giải phóng giúp ta, thì sau này cũng trả lại cho ta thôi.’’(4).
Về vấn đề Hoàng sa: Kể từ sau năm 1975, Việt Nam đã có vô số cơ hội đi kiện Trung Quốc để giải quyết vấn đề, mà Việt Nam đã không đi kiện.
Muốn kiện thì phải có đám phán trước. Nhưng VN đã không bao giờ có đám phán với TQ về vấn đề Hoàng Sa, nên không dám kiện.
Sau gần 40 năm, chưa bao giờ nhà nước CSVN dám đặt vấn đề đàm phán với phía TQ về Hoàng Sa. Vì thế, phía TQ coi việc họ chiếm Hoàng Sa của VN là chuyện đã rồi. Kể cả lúc ký Hiệp ước phân định Vinh Bắc Bộ (ngày 25/12/2000), VN cũng không ép TQ đưa vấn đề Hoàng Sa ra đàm phán trước khi 2 bên ký kết việc phân định này.Và như vậy phía TQ coi việc họ kéo giàn khoan HD 981 vào Biển Đông là chuyện đương nhiên, vì vùng đó thuộc thềm lục địa của Hoàng Sa. Cho đến khi TQ kéo giàn khoan HD 981 đặt trên thềm lục địa VN, cách đảo Lý Sơn của VN khoảng 100 hải lý, cách đảo Tri Tôn (thuộc Hoàng Sa) khoảng 20 hải lý, thì lúc đó mâu thuẫn giữa hai bên VN và TQ mới lộ ra trước công chúng.
Trong thời gian khủng hoảng giàn khoan HD-981, không những đa số nhân dân VN đòi nhà nước VN kiện TQ ra tòa án quốc tế, mà rất nhiều chuyên viên, học giả Việt Nam trong và ngoài nước, Quốc tế và cựu đảng viên Lãnh đạo đã khuyên nhà nước Việt Nam hãy chộp lấy cơ hội vàng này để kiện Trung Cộng ra tòa án quốc tế.
Câu hỏi đặt ra là tại sao VN không dám kiện TQ ra tòa án quốc tế?
Mặc từ năm 1979, TQ mở cuộc chiến tranh Biên Giới phía Bắc để “dạy cho VN một bài học”, đến năm 1984-1988 là cuộc chiến tại mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang), TQ đánh chiếm hàng loạt cao điểm Lão Sơn của VN. Và gần nhất là cuộc đánh chiếm các đảo Gạc Ma – Cô Lin- Len Đao ngày 14/3/1988, phía VN đã bị TQ đánh cho tơi tả và chiếm mất 7 đảo. Và 64 chiến sĩ của QĐNDVN phải đứng dưới cột cờ để làm bia thịt cho quân TQ ngắm bắn, vì họ nhận được lệnh “không được chống trả”. Và cho đến nay, thi hài 64 liệt sĩ ấy vẫn “an nghỉ” dưới vùng biển Gạc Ma.
Nhưng từ khi các nước cs Đông Âu sụp đổ, ĐCSVN lo sợ đảng và nhà nước này cũng sẽ sụp đổ như các nước cs Đông Âu. Vì vậy họ cầu xin TQ “bình thường hóa quan hệ” để lo đối phó tình hình trong nước, phòng khi “bão tố” nổi lên để “lật thuyền”.
Vì vậy mới có Hội nghị Thành Đô năm 1990.
Vì vậy dân ta đã có câu ca:
“Từ ngày sụp đổ Đông Âu/Đảng ta không bám đảng Tàu là tan.”
Sau hội nghị Thành Đô, những “sợi dây thòng lọng” của TQ đã tròng vào cổ lãnh đạo Việt Nam khiến Hà Nội phải nằm im trong qũy đạo của Bắc Kinh.
Khi Philippins kiện TQ, thì TQ đã đe dọa sẽ có biện pháp quân sự và kinh tế trừng phạt VN nếu VN theo chân Phipippines kiện TQ ra toà án quốc tế. Dương Khiết Trì còn dạy dỗ ĐCSVN rằng: “Đối với vấn đề trên biển hiện nay, hai bên cần phải xuất phát từ đại cục gìn giữ quan hệ giữa hai Đảng và hai nước, tránh mở rộng, làm phức tạp và quốc tế hoá vấn đề liên quan”.
Phán quyết của Tòa PCA ngày 12/7/2016 đã không chỉ giải quyết những tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc tại khu vực Trường Sa mà còn mở cho Việt Nam nhiều cơ hội pháp lý (và ngoại giao) để giải quyết Hoàng Sa, vấn đề đã bị “đông lạnh” ít ra từ năm 1975 đến nay.
Thế nhưng, trước thái độ hung hăng đe dọa chiếm đóng chủ quyền biển đảo của VN ngày một lên cao của Bắc Kinh, ĐCSVN chỉ biết phản đối bằng nước bọt và đánh giặc miệng như họ vẫn làm từ trước đến nay.
Thái độ hèn nhát của nhà cầm quyền VN còn thể hiện qua vụ VN phải cho Công ty Repsol của Tây Ban Nha ngưng việc thăm dò dầu khí tại Bãi Tư Chính thuộc lãnh thổ VN.
Talisman-Vietnam là công ty con thuộc tập đoàn năng lượng Repsol của Tây Ban Nha. Vào tháng 7/2017, công ty này đã bắt đầu khoan thăm dò ở một vị trí cách bờ biển Việt Nam khoảng 400 kilomet. Khi công ty này khoan thăm dò và phát hiện trữ lượng khí đốt rất lớn tại đây, thì TQ đe dọa sẽ dùng vũ lực tấn công quần đảo Trường Sa của VN, nếu VN không ngưng việc khoan thăm dò này. Vì vậy VN đã yêu cầu công ty Talisman-Vietnam ngừng thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của VN trên Biển Đông.
Dư luận cho rằng, việc nhà cầm quyền VN phải lùi bước trước sự đe dọa của TQ là vô cùng bất lợi đối với VN, cho thấy sự hèn nhát của nhà cầm quyền VN trong vụ tranh chấp lãnh hải với TQ. Cho thấy sự bất lực của chính quyền do Đảng CSVN lãnh đạo trước sự hung hăng bá quyền của TQ. Và qua đó, nhân dân VN sẽ thấy Đảng và Chính phủ không còn khả năng bảo vệ quốc gia và lãnh thổ được nữa.
Khi nhà cầm quyền VN rút lui dự án này do sợ sự đe dọa vũ lực của Trung Quốc, thì có nghĩa là VN đã thua hoàn toàn về mặt xác lập chủ quyền của mình.
Trước sự kiện nóng bỏng và gây cấn mà dư luận thế giới và trong nước sôi sục như vậy, nhưng nhà cầm quyền VN không hề lên tiếng xác nhận hay bác bỏ thông tin trên.
Gần một ngàn tờ báo chính thống tại VN cũng không có lấy 1 dòng viết về sự kiện này.
Có thể nói, lúc này TQ hầu như đã hoàn toàn làm chủ trên biển Đông.
Các tàu thuyền đánh cá của ngư dân VN hành nghề trên ngư trường truyền thống bao đời nay do cha ông để lại, thì nay các “tàu lạ” của TQ có thể đâm, húc, và thậm chí là bắn chết ngư dân ta, cướp ngư cụ và hải sản của họ bất cứ lúc nào.
Tháng 6/2016, khi Hạm đội hải quân Trung Quốc còn đang tập trận bắn đạn thật tại sát phía đông Nam Trường Sa, VN cho máy bay SU-30MK2 ra thăm dò. Khi máy bay đang bay trên vùng trời vùng biển nước ta, đã bị TQ nó “đòm” cho tan xác.
Sau đó đến lượt chiếc CASA 212 đi cứu bạn, cũng đã chịu chung số phận. Đây là hai chiếc máy bay thuộc loại hiện đại nhất của không quân VN. Cho đến nay, nhà cầm quyền VN vẫn không dám công khai công bố nguyên nhân hai máy bay bị rơi là do phía TQ bắn hạ, mà chí nói là “do rủi ro kỹ thuật”.
Và với chính sách “Ba không” mà ĐCSVN cho là khôn ngoan, đến nay kết quả đã thấy rõ. Chính sách đu dây đã hoàn toàn thất bại. Nhà nước CSVN đã tự cô lập mình, nên hiện nay rất cô độc.
Có thể nói, 2014 là năm tung tóe vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xông thẳng vào vùng lãnh hải Việt Nam như chốn không người và như một cú vỗ mặt nảy đom đóm vào Bộ Chính trị ĐCS VN. Thế nhưng sau đó, giới chóp bu Việt Nam có vẻ vẫn chưa tỉnh ngộ về thực chất “bạn vàng” là thế nào và vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách “đu dây chính trị”.
Nếu ông Nguyễn Phú Trọng thực tâm muốn đấu tranh về mặt pháp lí để “lấy lại Hoàng Sa” như ông từng tuyên bố trước dân, thì trước hết ĐCSVN và Nhà nước CHXHCNVN phải kiện đưa TQ ra tòa án Quốc tế như Philippines.
Muốn vậy, trước hết đảng và nhà nước VN phải khôi phục Chính thể VNCH. Vì theo Hiệp định Hiệp định Genève năm 1954, quần đảo Hoàng Sa nằm phía Nam vĩ tuyến 17, nên nó thuộc chủ quyền của nhà nước VNCH.
Vừa qua ĐCSVN cũng có động thái là trong bộ Lịch sử VN mới xuất bản, không gọi nhà nước VNCH là “ngụy quyền”, và Quân lực VNCH là “ngụy quân”. Đồng thời kêu gọi “Hòa hợp và hòa giải dân tộc”. Nhưng đó chỉ là “động tác giả” nhằm đánh lừa dư luận để kêu gọi Việt kiều về nước đầu tư, và “moi” kiều hối.
Thứ hai là nhà nước CSVN phải mở phiên tòa, đưa Phạm Văn Đồng là người đã ký cái Công Hàm bán nước năm 1958 ra xét xử, và tuyên bố rằng cái Công Hàm đó là vô hiệu.
Thứ ba: QH nước VHXHCNVN phải ra “Nghị quyết” bác bỏ Công Hàm 1958 của Phạm Văn Đồng, coi đó là hành động bán nước.
ĐCSVN và ông TBT Nguyễn Phú Trọng có đủ can đảm làm những việc đó không?
Trong khi ĐCSVN và nhà nước CSVN chưa làm chủ, chưa bảo vệ và giữ gìn trọn vẹn vùng lãnh thổ và lãnh hải còn lại của đất nước. Chưa bảo vệ cuộc sống bình yên cho bà con ngư dân hành nghề đánh bắt hải sản trên vùng biển nước nhà. Thế mà ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đòi nói chuyện lấy lại Hoàng Sa, thì đúng là giấc mơ của những kẻ không phải thần kinh thì cũng bại não.
_________________________________________
Chú thích: