Tin Biển Đông – 26/02/2018
Tàu sân bay Mỹ tới Việt Nam, báo Trung Quốc lên tiếng
Hoàn cầu Thời báo dẫn lời chuyên gia Trung Quốc nói rằng sự kiện đội tàu tấn công của Mỹ tới Việt Nam đầu tháng tới cho thấy Washington tăng cường hợp tác quân sự với Hà Nội để “kiềm tỏa” Bắc Kinh.
Ngoài ra, các chuyên gia Trung Quốc còn cho rằng sự hiện diện thường xuyên của các tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông trong năm nay có thể làm trầm trọng căng thẳng khu vực và có thể dẫn tới sóng gió trong mối quan hệ Trung – Mỹ.
Nhận định trên được đăng tải hôm 26/2 sau khi truyền thông Philippines đưa tin rằng một nhóm tàu tấn công của Mỹ, do tàu sân bay USS Carl Vinson dẫn đầu, hôm 25/2 đã đi qua các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông từ hôm 23/2 và đã hiện diện trong vùng biển thuộc Quần đảo Trường Sa hôm 25/2.
‘Hoàng đế Tập Cận Bình’: Việt Nam mừng hay lo?
Ông Tập Cận Bình chúc Tết binh sĩ ở Hoàng Sa
Trang mạng Philstar.com của Philippines trích lời Thiếu tá Tim Hawkins, người phát ngôn của Hải quân Hoa Kỳ, cho biết: “Đây là những hoạt động thường lệ. Hải quân Hoa Kỳ là một lực lượng hải quân toàn cầu. Sự hiện diện của chúng tôi là nhằm đảm bảo rằng các vùng biển được thông thoáng”. Thiếu tá Hawkins cho biết 90% thương mại thế giới lưu thông trong vùng biển đang có tranh chấp, và để chắc rằng việc lưu thông hàng hải vẫn còn thông thoáng thì phải có “quốc gia nào đó thực hiện tuần tra.”
Giáo sư Li Haidong, Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Ngoại giao Trung Quốc, nói với tờ Hoàn Cầu Thời báo: “Chuyến viếng thăm thường lệ của tàu sân bay Mỹ đến vùng biển đang tranh chấp nằm trong chiến lược an ninh quốc gia mới của Tổng thống Donald Trump được công bố vào tháng 12/2017 trong đó xem Trung Quốc là “cường quốc cạnh tranh” và năm nay với các chuyến tuần tra của các tàu sân bay và máy bay Hoa Kỳ, Biển Đông sẽ chứng kiến nhiều hành động khiêu khích hơn.”
Ông dự đoán rằng mối quan hệ Trung-Mỹ sẽ chứng kiến nhiều tranh chấp trong năm nay, và điều này sẽ không chỉ giới hạn trong các vấn đề Biển Đông, nhất là khi Hoa Kỳ cố đối đầu với một Trung Quốc đang trỗi dậy.
Đây là lần thứ hai trong tháng này tàu sân bay của Hoa Kỳ vào vùng Biển Đông. Như các quan chức Mỹ nói, tàu Carl Vinson đã tiến hành một sứ mệnh thường lệ đi xuyên qua khu vực Biển Đông vào ngày 14/2, mà hãng tin AFP loan báo là một thông điệp rất trực tiếp Mỹ gửi tới Trung Quốc.
Dù phía Mỹ chưa có thông báo chính thức, Thông tấn xã Việt Nam hôm 25/2 đưa tin rằng đoàn tàu hải quân Mỹ gồm tàu sân bay USS Carl Vinson, tàu tuần dương USS Lake Champlain và tàu khu trục USS Wayne E. Meyer “sẽ thăm thành phố Đà Nẵng từ ngày 5 đến 9/3”.
Theo tờ New York Times, nhóm tàu này “đánh dấu sự hiện diện lớn nhất của lực lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam kể từ khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc vào năm 1975”.
Hoàn cầu Thời báo dẫn lởi ông Chen Xiangmiao, một nhà nghiên cứu thuộc Học viện Quốc gia về Biển Đông, nói: “Chuyến viếng thăm Việt Nam này cho thấy Mỹ có thể sẽ chuyển hướng sang Việt Nam và tăng cường hợp tác quân sự với Việt Nam để kiềm tỏa Trung Quốc, khi mà hiện nay mối quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines đang được cải thiện.”
Tờ báo từng nhiều lần chỉ trích Mỹ trích lời các chuyên gia cảnh báo rằng Mỹ, với mục tiêu cuối cùng là nhằm duy trì sự thống trị ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, có thể sẽ phá vỡ sự ổn định của khu vực.
“Trung Quốc nên thiết lập thêm các cơ sở quân sự như radar, máy bay và các tàu tuần duyên bờ biển ở Biển Đông để đối phó với những động thái khiêu khích của Mỹ”, ông Chen nói.
Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ hôm 5/2 đã tuyên bố rằng các tàu chiến Mỹ sẽ duy trì các hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông.
Đáp lại tuyên bố của Mỹ, ông Cảnh Sảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 6/2 nói: “Trung Quốc tôn trọng quyền tự do đi lại trên biển và trên không ở Biển Đông theo luật quốc tế, nhưng phản đối việc một quốc gia đe dọa hoặc làm suy yếu quyền chủ quyền và an ninh của Trung Quốc và các quốc gia ven biển khác dưới danh nghĩa tự do hàng hải và hàng không.”
https://www.voatiengviet.com/a/tau-san-bay-my-toi-viet-nam-bao-trung-quoc-len-tieng/4270676.html
Vòng Đại Siêu Cường Ghìm Nhau
Trong khi Trung Quốc bơm tiền ra lập vòng đai chiến lược toàn cầu, Nhật Bản đưa ra chiến lược mới để ngăn cản: Nhật dùng viện trợ thúc đẩy một vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Bản tin RFI ghi rằng Nhật Bản dự định dùng viện trợ phát triển để phục vụ cho chiến lược xây dựng một vùng “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Đó là nội dung chính của bản báo cáo thường niên 2017 về vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) mà chính phủ Tokyo công bố hôm 23/02/2018.
Theo bạch thư về ODA nói trên, Nhật sẽ trợ giúp các nước đang phát triển trong việc bảo đảm an toàn vận chuyển hàng hải và thực thi pháp luật trên biển, nhằm củng cố trật tự pháp quyền trong khu vực này. Để đạt được mục tiêu đó, Tokyo sẽ cung cấp cho các nước Đông Nam Á tàu tuần tra và những thiết bị để giúp các nước này tăng cường khả năng thực thi pháp luật trên biển. Sách trắng cũng cho biết là Nhật Bản sẽ phối hợp viện trợ phát triển với viện trợ nhân đạo trong nỗ lực ngăn ngừa xung đột trong khu vực.
Thông qua việc sử dụng ODA, Tokyo nhắm đến việc cải thiện các cơ sở hạ tầng trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, đồng thời giúp cho con người và hàng hóa được lưu thông dễ dàng hơn trong vùng này.
Nhật Bản hiện vẫn là một trong những quốc gia cấp viện trợ phát triển hào phóng nhất, đứng hàng thứ tư thế giới trong năm 2016 với tổng cộng 16,8 tỷ đôla, chỉ sau Hoa Kỳ, Đức và Anh Quốc. Riêng đối với Việt Nam, Nhật Bản vẫn là một trong những nhà tài trợ ODA lớn nhất.
RFI ghi rằng với việc sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức nhằm thúc đẩy việc xây dựng một vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương “tự do và rộng mở”, Nhật Bản rõ ràng là muốn giành ảnh hưởng với Trung Quốc, quốc gia hiện cũng đang vung rất nhiều tiền để chiêu dụ các nước trong khu vực, đặc biệt là các nước Đông Nam Á.
Ngoài các khoản viện trợ hào phóng, Bắc Kinh còn đang đầu tư rất nhiều vào những công trình cơ sở hạ tầng đồ sộ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là trong khuôn khổ “Sáng kiến Một Vành đai và Một Con đường” do chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng. Đây là một dự án đầy tham vọng biến Trung Quốc thành trọng tâm của một mạng lưới giao thương khổng lồ sẽ kết nối hơn 60 quốc gia.
Cũng theo chiều hướng đối trọng với Trung Quốc, Nhật Bản đã tăng cường quan hệ với ba quốc gia Hoa Kỳ, Ấn Độ và Úc. Theo một tạp chí của Úc, được hãng tin Reuters trích dẫn ngày 19/02 vừa qua, bốn nước này đang thương lượng với nhau về một dự án cạnh tranh với “Sáng kiến Một Vành đai và Một Con đường” của Trung Quốc.
Nói chung, chiến lược thúc đẩy một vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, do thủ tướng Shinzo Abe đề xướng, nay được chính quyền của tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ hoàn toàn, bởi vì Washington cũng chủ trương là phải bảo đảm quyền tự do hàng hải ở khu vực này, đặc biệt là tại vùng Biển Đông, nơi mà Trung Quốc đã xây nhiều đảo nhân tạo tại các khu vực đang tranh chấp chủ quyền.
Nhưng liệu Tokyo có thể cạnh tranh được với Trung Quốc trong việc dùng viện trợ để giành ảnh hưởng hay không? Hiện chưa thể trả lời câu hỏi này, nhưng một điều chắc chắn, theo giáo sư Yoichi Shimada, Đại học Fukui, là viện trợ phát triển của Trung Quốc không giống như của Nhật Bản. Khi viện trợ cho các nước, Bắc Kinh chỉ nhắm đến một mục tiêu là tạo công ăn việc làm cho các công ty Trung Quốc và phục vụ cho các tham vọng chiến lược của nước này. Cho tới nay, Bắc Kinh vẫn không công bố số liệu về viện trợ phát triển, nhưng theo các thẩm định thì Trung Quốc chi tiêu hàng năm cho ODA nhiều hơn cả Hoa Kỳ.
Trong khi đó bản tin BBC cũng ghi nhận về tin Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ bàn về dự án đối trọng lại Một Vành đai Một Con đường của Trung Quốc, theo Australian Financial Review hôm 19/02/2018.
Tờ báo này trích lời một quan chức cao cấp của Hoa Kỳ nói các lãnh đạo bốn nước đã bàn thảo về ý tưởng ‘tạo dự án thay thế’ cho kế hoạch của Trung Quốc.
Bản tin nói, dự án đối trọng lại với Một Vành đai, Một Con đường của Trung Quốc, đã từng được Nhật Bản đề xuất.
Nhưng nay lần đầu tiên một loạt báo chí quốc tế nhắc rằng nó được Hoa Kỳ ủng hộ.
Theo tờ báo Úc thì đây là cách bốn nước ủng hộ cho ý tưởng về khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương ngăn ảnh hưởng lan rộng của Bắc Kinh qua dự án “nằm lòng” của Chủ tịch Tập Cận Bình.