Trông người, ngẫm đến ta

Cac Bai Khac

No sub-categories

Trông người, ngẫm đến ta

FB Lê Nguyễn

23-2-2038
Học sinh bày tỏ quan điểm. Ảnh: internet
Vụ xả súng giết chết 17 người tại một trường học ở bang Florida đã khoét sâu nỗi bất an trong lòng người dân Mỹ, đặc biệt là các phụ huynh học sinh trên toàn nước Mỹ. Ngày 21.2.2018, phụ huynh học sinh và học sinh thuộc trường trung học Marjory Stoneman Douglas ở Parkland, bang Florida, đã có cuộc gặp gỡ với Tổng thống Mỹ Donald Trump để bày tỏ nỗi lo ngại về tình trạng an ninh tại các trường học. Người đứng đầu cường quốc số 1 thế giới ngồi yên lặng lắng nghe từng lời phát biểu của phụ huynh và sinh viên/học sinh trong cuộc gặp gỡ. Một trong những phương án mà chính quyền Mỹ đang nhắm tới là vũ trang cho các giáo chức Mỹ. Họ lý luận rằng nếu khoảng 20% những người có mặt tại mỗi trường học được vũ trang thì những sát thủ sẽ ít có cơ hội gây ra những cuộc thảm sát. Tuy nhiên chủ trương này đã không nhận được sự tán đồng của Liên đoàn Giáo chức Mỹ (AFT) với 1,7 triệu hội viên. Chủ tịch liên đoàn này là bà Randi Weingarten cho rằng vũ trang cho giáo chức không phải là một biện pháp phù hợp (BBC.co.uk).
Những cuộc gặp gỡ, nói chuyện thẳng thắn giữa người dân với nguyên thủ quốc gia trong sinh hoạt một nước dân chủ như Mỹ là điều không làm ai ngạc nhiên. Giữa ông Donald Trump với từng công dân Mỹ, vốn là những người bỏ phiếu bầu ông và đóng thuế nuôi bộ máy chính quyền do ông cầm đầu, có một mối quan hệ thẳng thắn và sòng phẳng, không ai mặc cảm với ai.
Song điều mang lại cho chúng ta nhiều cảm xúc hơn lại là những cuộc biểu tình do chính các em học sinh ở Florida và nhiều nơi trên đất Mỹ tổ chức để bày tỏ sự phản kháng trước bạo lực vũ khí. Các em tuần hành tại Washington D.C. với những biểu ngữ nêu rõ quan điểm, thể hiện sự phản kháng bằng cách nằm yên trong trật tự trên một bãi cỏ ngay trước Tòa Bạch Ốc. Hành động tự phát của các em nhận được sự tán đồng của các ban giám hiệu, biểu thị một ý thức công dân đúng đắn và một sự trưởng thành về mặt chính trị ngay khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường. Hành động đó sẽ không thể có được ở một nền giáo dục chủ trương nhốt chặt học sinh trong những chiếc rọ tư tưởng hẹp hòi và lạc hậu, biến họ thành “những con cừu của Panurge”, những con rối ngo ngoe dưới bàn tay điều khiển của người lớn, những người lớn chỉ biết nghĩ tới quyền lợi của bản thân, của phe nhóm, mưu toan biến tuổi trẻ thành công cụ của riêng mình.
Cung cách hành xử đúng mực, thẳng thắn của tuổi trẻ nước Mỹ là kết quả của một nền giáo dục khai phóng, lấy CON NGƯỜI làm lý tưởng phục vụ và chúng ta không ngạc nhiên chút nào khi biết rằng bây giờ và rất lâu về sau, nước Mỹ vẫn sẽ cung ứng cho nhân loại nhiều nhà khoa học đoạt giải Nobel nhất thế giới.

Trông người, ngẫm đến ta