Người Việt ở Đức và mật vụ Việt Nam sau vụ Trịnh Xuân Thanh…
LTS: Dưới đây là bản dịch bài báo mang tựa đề gốc “Người Việt ở Đức – Và rồi có thư mời ăn tiết canh ngan” đăng trên trang điện tử của tuần báo Đức Die Zeit (Thời Đại), một trong số vài tờ báo danh tiếng đứng hàng đầu ở nước Đức và có tầm vóc hướng dẫn dư luận. Tựa đề do dịch giả đặt.
____
Tác giả: Vanessa Vu
Dịch giả: Kim Mi
19-2-2018
Tại Việt Nam nhà nước kiểm soát tất cả hệ thống truyền thông. Ngay tại nước Đức người Việt Nam cũng không nên nói và viết lên sự thật – Nếu nói hết, họ sẽ bị hăm dọa và tấn công.
Nằm sâu trong lòng Đông Bá Linh, một hành lang tối và hẹp trong một tòa nhà xây bằng gạch nung dẫn đến văn phòng làm việc của Lê Trung Khoa. Bức tường hai bên hành lang treo đầy các bảng quảng cáo cho những dịch vụ bán vé máy bay giá mềm và chuyển tiền về Việt Nam. Sau nhiều cánh cửa là những văn phòng nhỏ, nơi đó người ta đang làm việc gõ phím và gọi điện thoại. Ông Lê đang làm việc trong một văn phòng đó, nằm ở cuối dãy. COMD Softwareentwicklung (Phát triển phần mềm) được viết bằng những chữ cái lớn mầu đỏ trên cánh cửa. “Tôi phải bấm nút nào để thêm vào hai món khai vị?”, một người đàn ông mặc áo khoác mùa đông màu đen hỏi. Ông Lê kiếm tiền bằng công việc lập trình cho máy tính tiền của các tiệm ăn, siêu thị và tiệm làm móng. Nhưng đó không phải là nguyên nhân đã khiến cho ông ta khó chịu với nhà nước Việt Nam và đồng thời phải lo sợ cho tính mạng của mình.
Ông Lê còn là Tổng Biên tập của tờ Thời Báo, một tờ báo điện tử tiếng Việt được đọc nhiều nhất tại Châu Âu. Trong những năm đầu thập niên chín mươi ông ta đến du học tại Weimar về thiết kế phương tiện truyền thông. Trong một dự án của Đại học ông đã đem chương trình phát thanh Việt Nam vào nước Đức. Hồi đó hệ thống truyền thanh chỉ có ở dạng analog, ông Lê đã số hóa những chương trình phát thanh và đưa lên mạng. Qua việc này ông đã giúp người Việt sống tại nước Đức được nghe những tin tức mới nhất từ quê hương. Sau đó ông Lê thành lập tờ báo mạng Thời Báo. Ông mong muốn tạo nhịp cầu đối thoại giữa hai nước với nhau, theo lời ông Lê.
Nhà nước Việt Nam hài lòng với tầm ảnh hưởng vượt qua biên giới này. Ở Việt Nam không có tự do báo chí. Mặc dù hiến pháp bảo đảm tự do ngôn luận, nhưng nhà nước lại kiểm soát tất cả hệ thống truyền thông. Họ cũng đã nhanh chóng liên lạc với ông Lê và đề nghị một thỏa thuận. Ông Lê được phép chuyển tải những bản tin của truyền thông nhà nước như của Vietnamnet, đổi lại ông ta phải cung cấp cho họ những thông tin của các cơ quan nước Đức liên quan đến Việt Nam và người Việt.
Với niềm tin và không vụ lợi, suốt mười năm dài ông Lê đã làm báo theo đúng ý của nhà nước Việt Nam. “Nhưng vẫn thiếu điều gì đó”, ông Lê cất tiếng nói sau khi giải thích cho người khách hàng về các nút bấm phối hợp, rồi ông đặt mình ngồi xuống cạnh bàn kính tròn nằm giữa văn phòng. “Còn thiếu sự trung thực. Hệ thống truyền thông nhà nước không tường thuật những điều thực sự xảy ra”. Nhiều bài tường thuật từ Việt Nam đã tâng bốc mối quan hệ giữa hai nước và loan truyền những tin thất thiệt. Một ví dụ, vào tháng 7/2017 truyền thông Việt Nam đưa tin, bà Thủ Tướng Đức sẽ đón tiếp Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc trong dịp Hội Nghị Thượng Đỉnh G20 ở Hamburg. Làm như là ông Phúc là một trong những nhân vật vĩ đại. “Nhưng điều đó không trung thực. Một cuộc đón tiếp chính thức tại Dinh Thủ Tướng đã không hề được lên kế hoạch”. Lần đầu tiên trong cuộc đời, ông Lê đã viết trên tờ Thời Báo điều trái ngược với truyền thông nhà nước bằng những lời quả quyết, khác với trước đây – nhiều lắm là ông chỉ dùng từ ngữ ám chỉ mà thôi.
Sự hồi đáp đến nhanh.
Ông Lê thanh toán phần lớn chi phí cho tờ báo bằng tiền thu nhập từ Công ty phần mềm của mình. Chỗ làm việc của ông chỉ là một cái bàn viết nằm trong góc văn phòng. Ông ngồi viết các bản tin giữa những cành lan, những máy camera canh phòng và những màn hình cảm ứng của máy tính tiền. Trên tờ báo, ông cũng cho đăng quảng cáo lấy tiền để chi phí cho sở thích của mình [tờ Thời Báo].
Những quảng cáo bị dừng lại
Từ khi ông Lê đưa bản tin chính thức vào tháng 7/2017 thì các khách hàng đăng quảng cáo thường xuyên lâu năm đã quay mặt với ông. “Những doanh nhân đã gọi điện thoại cho tôi bảo rằng họ không có vấn đề cá nhân gì với tôi. Nhưng họ không thể tiếp tục đăng quảng cáo lâu hơn trên báo của tôi”, ông Lê bảo vậy. Ông ta phỏng đoán: “Hình như họ sợ rằng quảng cáo của họ sẽ bị xem như là một sự hỗ trợ cho việc làm của tôi”.
Đó mới chỉ là sự bắt đầu. Nhà nước Việt Nam đã hủy hợp đồng hợp tác với ông. Số truy cập vào xem báo từ Việt Nam, nơi ông có nhiều bạn đọc nhất, đã bị giảm hẳn. Giờ đây tại Việt Nam người ta muốn đọc được tờ Thời Báo thì phải sử dụng một số tiểu xảo kỹ thuật.
Ngoài ra, một nhân viên sứ quán đã gọi điện thoại cho ông Lê: Ông nên xóa bản tin lập tức, vì rất có thể sẽ có một cuộc tiếp kiến giữa ông Phúc và bà Merkel. Đòi hỏi này không được ông Lê đáp ứng. Ông ta giữ nguyên quan điểm của mình: Một cuộc đón tiếp chính thức không được lên chương trình và một cái bắt tay bên lề Hội nghị Thượng đỉnh lại là một việc hoàn tòan khác. Do đó mà Đại Sứ Quán đã thu hồi giấy mời ông Lê đến tham dự buổi tổ chức trong khách sạn sang trọng Ritz-Carlton, nơi mà ông Thủ Tướng sẽ có bài nói chuyện với cử tọa.
Không những chỉ Sứ Quán không hài lòng về bản tin G20, qua Facebook ông Lê còn nhận được các lời lẽ xúc phạm và đe dọa giết chết. “Tao mời mày đến ăn tiết canh ngan”, một người đàn ông viết tin nhắn riêng đến ông Lê. Sau đó người này đã viết công khai [trên Facebook], mời ông Lê đi ăn tiết canh ngan. Ăn tiết canh ngan, đó là một cách người Việt nói ẩn ý: tao giết mày.
Công Tố Viện vào cuộc điều tra
Người gửi tin nhắn không xa lạ. Trên trang Facebook người này đã đăng tải rất nhiều hình ảnh mà chính người này đã chụp chung với ông Đại sứ Việt Nam Đoàn Xuân Hưng. Hình ảnh cho thấy hoặc là họ đang cùng ngồi ăn tối hoặc vai kề vai với cốc bia trong tay hoặc đứng bên nhau với cây đánh golf trên sân golf. Tờ Zeit Online đã thỉnh ý Đại sứ quán Việt Nam ở Đức xin bình luận về những tấm ảnh này và hỏi ông Đại sứ có biết về hoạt động của người này không. Đại sứ quán đã không trả lời thư điện tử của tờ báo.
Dưới sự theo dõi đặc biệt
Không ngại sự đe dọa, ông Lê vẫn tiếp tục con đường phê phán. Ví dụ như ông đăng báo ý kiến riêng của ông về vụ Trịnh Xuân Thanh. Người cựu quan chức tham nhũng có lẽ đã bị bắt cóc tại Đức mang về Việt Nam. Tối thiểu là cũng có các nhân chứng khai với cảnh sát rằng tại công viên Tiergarten ở Bá Linh họ thấy một người đàn ông và một phụ nữ bị lôi kéo vào xe ô tô bằng vũ lực. Khi ông Trịnh nói trên đài truyền hình nhà nước Việt Nam là tự nguyện từ Đức Quốc trở về Việt Nam để đầu thú, thì ông Lê là người đầu tiên công khai đặt câu hỏi về việc tự đầu thú này. Và ông ta đã cho đăng tải ý kiến phản bác của bà Luật sư Đức của Trịnh Xuân Thanh.
Bài báo này cũng đưa tới một hệ quả: Một số người Việt tổ chức biểu tình sau khi xem chương trình truyền hình Việt Nam gây tranh cãi đó. Họ biểu tình ủng hộ những nguyên tắc của nhà nước pháp quyền, ông Lê đã tường thuật trên báo như thế. Không lâu sau đó xuất hiện trên mạng xã hội một số hình chụp lén ông Lê khi ông ta đứng quan sát cuộc biểu tình, khi ông rời khỏi cuộc biểu tình và khi ông liền sau đó ngồi trong quán cà phê để viết bài tường thuật. Rõ ràng đã có người nào đó bí mật theo dõi và chụp hình ông.
Cả hai trường hợp đều được ông Lê tố cáo với Cảnh Sát, ông cũng chỉ rõ ra rằng trong vụ đe dọa giết người có mối liên hệ với sứ quán Việt Nam. Hiện Công tố viện đang điều tra. Cơ quan Bảo Vệ Hiến Pháp cũng được thông báo. Ít nhất là trường hợp Trịnh Xuân Thanh bị nghi bắt cóc cho thấy rằng, “mật vụ Việt Nam đặc biệt theo dõi một số người nhất định nào đó”, một nữ phát ngôn viên của cơ quan Bảo vệ Hiến pháp đã trả lời câu hỏi của báo Zeit Online. Nhà chức trách đang điều tra những chỉ dấu trong công việc phòng vệ phản gián, ngoài ra bà ta không thể cho biết thêm chi tiết.
Bây giờ có cả sự đe dọa ngay trong nước Đức
Ông Lê không phải là người duy nhất bị đặt dưới sự theo dõi đặc biệt. Bà Hoàng Thị Mỹ Lâm là người tỵ nạn thuyền nhân đến nước Đức từ miền Nam Việt Nam cách đây 37 năm. Cho đến bây giờ bà vẫn công khai phản đối chế độ XHCN độc đảng. Lúc đầu bà chỉ là một “con cá nhỏ”, bà ta nói. Từ 2014 bà là Chủ Tịch của Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn gồm có 25 Hội địa phương trực thuộc. Với chức danh đó bà tổ chức biểu tình dưới lá cờ trước đây của miền Nam Việt Nam, màu vàng với ba sọc đỏ nằm ngang. Trong tất cả mọi năm bà có thể bị theo dõi vì tư tưởng đối kháng nhưng mặc dù thế bà vẫn cảm thấy an toàn, theo lời bà Hoàng. “Công an Việt Nam có thể nhiều nhất là đe dọa những hội viên của chúng tôi khi về thăm quê hương hay là làm khó dễ các thân nhân của những người này tại Việt Nam. Nhưng họ chưa bao giờ đi đến mức, can thiệp đến chúng tôi trên nước Đức”.
Nhưng điều này đã thay đổi từ khi vụ Trịnh Xuân Thanh xảy ra. “Nếu mật vụ Việt Nam đi đến mức độ bắt cóc ông ta bằng vũ lực – thì làm sao những kẻ này để chúng tôi yên? “, bà Hoàng đặt câu hỏi. Sau đó ít lâu thì thực sự bà ta bị tấn công trong một cuộc biểu tình do bà tổ chức.
Ngay khi bà Hoàng gửi thư mời cho cuộc biểu tình truyền thống hàng năm, bà đã nhận cả trang viết dài đe dọa. Kẻ đối thủ mắng bà bác sĩ vừa mới nghỉ hưu là “bác sĩ thất nghiệp” là “chó” và “kẻ phản bội”. Ngoài ra kẻ lạ mặt cũng đe dọa sẽ phá cuộc biểu tình. Bà Hoàng và các hội viên của bà được cảnh sát bảo vệ, nhưng vài kẻ vẫn lỳ lợm quấy phá. Một phụ nữ đã chửi tục và hất chiếc điện thoại ra khỏi tay của một phụ nữ tham dự cuộc biểu tình. Cảnh sát đã cảnh cáo và đuổi bà ta ra, sau cuộc biểu tình người đàn bà này trở lại, xô đẩy bà Hoàng và nhục mạ, theo lời kể của bà Hoàng. “Bây giờ chúng tôi phải cẩn thận hơn”, bà Hoàng nói. “Tôi không rõ, người đàn bà này ghét chúng tôi từ trong thâm tâm hay là bà ta được thuê bằng tiền để đe dọa chúng tôi”.
Cho tới bây giờ những kẻ trung thành với nhà nước Việt Nam chỉ theo dõi người bất đồng chính kiến, cao lắm là họ chỉ buông lời xúc phạm. “Bây giờ họ sẵn sàng sử dụng bạo lực”. Về vụ này Công tố viện cũng đang điều tra.
Việt Nam gia tăng đàn áp người bất đồng chính kiến
Một người thứ ba, mà sự đe dọa cũng không xa lạ gì đối với ông, là nhà văn Bùi Thanh Hiếu, đồng thời cũng nổi tiếng là Người Buôn Gió. Tới năm 2013 ông viết Blog ở Việt Nam về tham nhũng, cướp đất và các vụ xử án oan. Ông ta dẫn chứng tài liệu về những hành vi bất hợp pháp của Công an, cho phổ biến các tài liệu nhạy cảm, nêu tên kẻ có tội. Sau đó ông bị bỏ tù- và ông quyết định đào tẩu. Bây giờ ông Bùi viết Blog từ nơi lưu vong – nước Đức. Tài liệu ông còn có đủ, theo lời ông Bùi. Các độc giả vẫn trung thành với ông: 60.000 tới 70.000 người truy cập trang của ông hằng ngày. Nhưng ở nước Đức hiện nay ông ta không còn cảm thấy an toàn nữa trước nguy cơ bị truy đuổi.
Đặc biệt là trên mạng ông cảm nhận được sự trấn áp, theo lời ông Bùi. Trang Facebook của ông thường xuyên bị xóa và trang Blog bị khóa. Đồng thời có rất nhiều các trang Facebook giả mang tên ông và ảnh của ông được tạo dựng lên nhằm làm cho độc giả của ông bị rối loạn. “Nhưng cuối cùng thì độc giả của tôi vẫn tìm lại được trang của tôi”, ông Bùi nói.
Cuối tháng mười hai nhà nước Việt Nam công bố, quân đội tăng thêm lực lượng 47 gồm hơn 10.000 người chỉ để chiến đấu trên mạng Internet. “Trong mỗi giờ, mỗi phút và mỗi giây chúng ta phải sẵn sàng, tích cực chống các quan điểm sai trái trên không gian mạng”, Tướng Nguyễn Trọng Nghĩa nói với báo Tuổi Trẻ. “Bảo vệ Tổ quốc thì … tác chiến bây giờ không chỉ trên bộ, trên biển, trên không nữa mà có tác chiến trên cả không gian mạng”.
Trên mặt chính thức thì nhà nước muốn ngăn chận các vi phạm hình sự trên Internet và sự tấn công của Hacker như nhiều quốc gia khác, tuy nhiên tại Việt Nam có những tội danh như “tuyên truyền chống lại nhà nước” hay là “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước”. Tổ chức nhân quyền FIDH (Fédération internationale des ligues des droits de l’Homme) và VCHR (Vietnam Committee on Human Rights) nhìn nhận có một sự “leo thang đáng báo động về việc bắt giam người, xử án không công bằng và dùng bạo lực chống những Người bảo vệ nhân quyền, Blogger và Xã hội dân sự”. Trong năm 2017 đã có ít nhất 46 người bị bắt vì bày tỏ quan điểm chính trị của họ hoặc vì tham dự các cuộc biểu tình ôn hòa.
Rốt cuộc sự việc lại còn tệ hại hơn nhiều, theo lời ông Bùi. Sự đe dọa trên Internet, ngay cả sự chạm trán đôi khi trên đường đi, ông ta có thể làm ngơ. Những chuyện đó so với các việc xảy ra ở Việt Nam là không đáng kể. Vì vậy ông cố gắng không để tâm đến những sự cố này trên nước Đức. Ông không có gì để sợ. Ở Việt Nam ông chỉ còn một bà mẹ già, nếu bị hỏi thì bà chỉ khai với cơ quan nhà nước là bà không biết gì cả.
Cám ơn sự can đảm
Nhà báo Lê Trung Khoa thì không phải là không lo lắng. Ông không để cho các con của ông đi một mình đến trường. Vợ của ông bảo ông hàng ngày là ông nên ngưng sinh sự với nhà nước Việt Nam và hãy tập trung lo cho văn phòng kinh doanh của mình. “Nhưng tôi chỉ viết sự thật”, ông Lê nói. “Chúng ta đang sống ở đây dưới luật pháp Đức, chúng ta có tự do báo chí. Không ai có thể ngăn cấm tôi viết ra sự thật tại đây”. Ông tin tưởng vào nhà chức trách Đức, vào cảnh sát và vào nền tư pháp của Đức. “Nếu tôi bị ám sát, thì kẻ sát nhân sẽ bị xử theo luật Đức”, ông Lê nói.
Và việc làm của ông đã có hiệu quả. Ngay khi có một số người ra mặt xa lánh ông, nhưng vẫn có nhiều độc giả đến văn phòng của ông để bắt tay và cám ơn sự can đảm của ông.
Cũng tại Chợ Đồng Xuân, nơi khuôn viên chợ lớn nhất đầy hàng hóa Việt Nam và các dịch vụ trong nước Đức, ông Lê nhận thấy có sự thay đổi. Trước đây các quan chức nhà nước Việt Nam được đón tiếp tốn kém với tiệc tùng to lớn và trịnh trọng chụp hình. Bây giờ không còn như vậy nữa. Các buổi lễ ít hơn, các cửa hàng kinh doanh có doanh thu cao cũng rút lại việc tặng tiền làm quà. “Họ đã nhìn thấy sự thật và bây giờ họ không muốn dính líu gì đến những người đó nữa”.
Người Việt ở Đức và mật vụ Việt Nam sau vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc