Tin khắp nơi – 21/02/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 21/02/2018

Trump thúc đẩy lệnh cấm lẫy đạn bắn liên thanh

Tổng thống Trump ký lệnh cấm ‘bump stock’, các thiết bị cho phép một khẩu súng bắn liên thanh hàng trăm phát đạn trong vòng một phút.

Thiết bị bump stock được hung thủ vụ xả súng buổi hòa nhạc ở Las Vegas năm ngoái sử dụng để giúp súng bán tự động của ông ta bắn nhanh và liên tục như súng máy.

Phát biểu tại Nhà Trắng, ông Trump cho biết đã chỉ đạo Sở Tư pháp soạn thảo một đạo luật để cấm các thiết bị này.

Trump ủng hộ kiểm tra lý lịch người mua súng

FBI bị chỉ trích vì vụ xả súng ở Florida

Mỹ: Sinh viên kêu gọi thắt chặt kiểm soát súng

Florida: FBI và giáo viên từng được cảnh báo về kẻ xả súng

Mỹ: Xả súng ở trường trung học, 17 người chết

Ông Trump nói sự an toàn của trường học là “ưu tiên hàng đầu” đối với chính quyền của ông.

Tranh cãi về kiểm soát súng lại được xới lên sau vụ xả súng trường học tuần trước ở Florida.

Trump nói gì?

Trong một sự kiện hôm thứ Ba 20/2, ông Trump nói đã chỉ đạo Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Jeff Sessions hoàn tất các hướng dẫn mới để ban hành lệnh cấm thiết bị bump stock.

Ông nói: “Chìa khoá của tất cả những nỗ lực này, như tôi nói trong các bài phát biểu sau vụ xả súng, là chúng ta không thể chỉ hành động để cảm thấy như đang tạo ra sự khác biệt. Chung ta phải thực sự tạo ra sự khác biệt.”

“Chúng ta phải bỏ qua những mâu thuẫn và tranh luận mệt mỏi, tập trung vào các giải pháp và các biện pháp an ninh hiệu quả và làm cho những người thực thi pháp dễ dàng hơn trong việc bảo vệ con cái và sự an toàn của chúng ta.”

Thiết bị bump stock là gì

Chúng có thể được mua với giá chỉ 100 đôla mà không cần kiểm tra lý lịch hình sự.

Thiết bị này được tay cờ bạc 64 tuổi sử dụng để bắn liên tiếp vào đám đông nghe hòa nhạc ngoài trời ở Las Vegas tháng 10/2017, khiến 58 người chết, hơn 500 người bị thương.

Đây được coi là vụ xả súng tồi tệ nhất tại Hoa Kỳ do một cá nhân thực hiện.

Phân tích âm thanh cho thấy kẻ tấn công, Stephen Paddock, đã bắn 90 viên đạn trong vòng 10 giây từ phòng của ông ta ở khu nghỉ mát Mandalay Bay.

Tại sao Quốc hội không cấm bump stock?

Cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đều đồng tình cấm thiết bị bump stock sau vụ xả súng kinh hoàng ở Las Vegas.

Tuy nhiên, luật cấm bump stock và các thiết bị khác dùng để đẩy nhanh tốc độ bắn của súng bán tự động đã bị đình trệ.

Cục Rượu, Thuốc lá, Vũ khí và Chất nổ Hoa Kỳ đã xem xét một quy định về thiết bị bump stock từ tháng 12/2017, thu hút hơn 35.000 ý kiến.

Các đề xuất cấm bump stock được đưa ra với kết quả trái ngược ở cấp tiểu bang, bao gồm ở Nam Carolina, Illinois, Washington và Colorado.

Những nỗ lực trước đây nhằm đưa ra biện pháp kiểm soát súng sau nhiều vụ xả súng hàng loạt đã không thành công trong Quốc hội Hoa Kỳ.

Trump xem xét các biện pháp kiểm soát súng khác?

Thứ Ba 20/2, Nhà Trắng cho biết đã nghĩ đến việc xem xét lại độ tuổi giới hạn của người mua súng trường tấn công kiểu AR-15, giống loại được sử dụng trong vụ xả súng tuần trước ở Parkland, Florida.

Người phát ngôn Nhà Trắng, bà Sarah Sanders, khi được hỏi về yêu cầu độ tuổi, nói: “Tôi nghĩ chắc chắn đó sẽ là điều chúng tôi sẽ đặt lên bàn để thảo luận và chúng tôi hy vọng sẽ bàn thảo về vấn đề này trong vài tuần tới.”

Giới hạn độ tuổi ở hầu hết các tiểu bang Hoa Kỳ khi mua AR-15 là 18.

Vào cuối tuần, ông Trump nói rằng ông ủng hộ một dự luật lưỡng đảng nhằm cải thiện việc kiểm tra tại chỗ trước khi ai đó có thể mua một khẩu súng.

Đạo luật này dự kiến sẽ vá lỗ hổng trong hệ thống kiểm tra lý lịch của FBI, nơi đã xử lý hơn 25 triệu đơn đăng ký sở hữu súng vào năm ngoái.

Những sai sót trong cơ sở dữ liệu này bị phơi bày sau vụ xả súng trường học ở Florida tuần trước, được cho là thực hiện bởi tay súng 19 tuổi có tiền sử rối loạn sức khỏe tâm thần. Thiết bị bump stock không được sử dụng trong cuộc tấn công này.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-43137553

 

Clooney tặng 500 ngàn đôla

cho diễn hành cải cách luật súng

George và Amal Clooney cho biết họ sẽ đóng góp 500.000 đôla để hỗ trợ những học sinh diễn hành để yêu cầu chính quyền phải có hành động thích hợp về việc kiểm soát súng.

Hai vợ chồng tài tử Clooney cho biết họ cũng tham gia biểu tình với các học sinh từ trường trung học Marjory Stoneman Douglas High School trong cuộc biểu tình ngày 24/3 ở thủ đô Washington.

“Cuộc sống của con cái chúng ta phụ thuộc vào nó,” họ nói trong một văn bản.

Cuộc biểu tình được đặt tên “March for Our Lives” được tổ chức sau vụ bắn súng vào trường học này tuần trước ở Florida.

Qua văn bản, ông Clooney cho biết: “Gia đình chúng tôi sẽ có mặt ở cuộc biểu tình ngày 24/3 để sát cánh cùng thế hệ thanh niên rất đáng ca ngợi này từ khắp nơi trên đất nước, và nhân danh hai con Ella và Alexander của chúng tôi, chúng tôi đang quyên góp 500,000 đô la để giúp tài trợ cho sự kiện đột phá này. “

Amal Clooney, vợ George Clooney một luật sư nhân quyền, sinh một cặp song sinh vào năm 2017.

Mỹ: Sinh viên kêu gọi thắt chặt kiểm soát súng

FBI bị chỉ trích vì vụ xả súng ở Florida

Oprah Winfrey thông báo rằng bà tặng một số tiền tương đương với sự đóng góp của Clooneys.

“George và Amal, tôi hoàn toàn đồng ý với các bạn,” Oprah Winfrey nói trong một tweet.

Đạo diễn Hollywood Steven Spielberg cũng cam kết sẽ quyên góp thêm 500.000 đôla nữa.

Sự kiện “March for Our Lives” là một trong những cuộc biểu tình sẽ diễn ra trên khắp Hoa Kỳ trong cùng một ngày.

Những cuộc biểu tình này được tổ chức phần chính là bởi các em học sinh, những người nói rằng mục đích biểu tình là nhằm thách thức các chính trị gia có hành động khắt khe hơn về việc kiểm soát súng.

Gia đình nhà Clooney được biết là thường hay đóng góp cho các mục đích chính trị.

Trump ủng hộ kiểm tra lý lịch người mua súng

Mỹ: Xả súng ở trường trung học, 17 người chết

Nam diễn viên của phim Ocean’s Eleven cùng vợ đã trao một triệu đôla cho Trung tâm Luật Nghèo nàn Miền Nam, một cơ quan giám sát cực hữu, sau cuộc biểu tình của nhóm da trắng tối ưu ở Charlottesville, Virginia năm ngoái.

Cuộc xả súng tuần trước tại Parkland, Florida, khiến 17 học sinh và nhân viên chết, là vụ bắn súng trường học gây chết người thảm khốc nhất kể từ năm 2012.

Hôm thứ ba, hàng trăm học sinh đã đi đến thủ đô của Florida tại Tallahassee để yêu cầu lệnh cấm mang súng trường.

Ông Trump năm ngoái từng khẳng định là ông sẽ ‘không bao giờ’ xâm phạm quyền vũ trang của người dân.

Tuy nhiên, hôm thứ Ba, ông đã ra lệnh cho Bộ Tư pháp Mỹ cấm sửa đổi súng như khí cụ ‘bump stock’ – cho phép một khẩu súng nhả đạn liên tục được sử dụng trong vụ thảm sát ở Las Vegas vào tháng 10 năm ngoái.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-43123470

 

Công bố nội dung sửa đổi của TPP-11

Bản chi tiết cuối cùng về Hiệp định thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhằm mục tiêu giảm bớt các rào cản thương mại ở 1 số quốc gia đã được công bố vào thứ Tư 21/2, đánh dấu sự thúc đẩy đáng kể việc Hoa Kỳ tái gia nhập.

AFP cho biết New Zealand đã công bố văn bản chính thức của TPP, hay còn gọi là TPP-11, với nội dung đã được soạn thảo lại sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh rút khỏi hiệp định vào tháng 1 năm ngoái.

Bộ trưởng Thương mại New Zealnd, ông David Parker nói rằng những thay đổi so với văn bản ban đầu bao gồm việc đình lại các điều khoản của 22 mặt hàng liên quan đến các lĩnh vực như quyền sở hữu trí tuệ và trợ cấp của người đóng thuế.

Cũng theo ông David Parker, việc công khai bản chi tiết này sẽ giúp giai đoạn rà soát, kiểm tra lại tốt hơn trước khi nó chính thức được ký tại Santiago vào ngày 8/3/2018. Ông David cho biết chính phủ New Zealand đã làm việc rất tích cực để công khai nội dung của bản TPP sửa đổi càng sớm càng tốt.

Theo Bộ trưởng Thương mại Úc, Steve Ciobo, thỏa thuận mới này sẽ loại bỏ hơn 98% thuế quan thương mại ở một khu vực thương mại có GDP khoảng 13 nghìn tỷ USD.

11 quốc gia hiện tại tham gia TPP là Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam, chiếm 13,5% nền kinh tế toàn cầu.

Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP được thành hình sau nhiều vòng đàm phán của 12 nước, trong đó có Hoa Kỳ và được sự ủng hộ mạnh mẽ của chính phủ Barack Obama.

Tuy nhiên chỉ ít ngày sau khi nhậm chức, Tổng Thống Donald Trump ký sắc lệnh rút khỏi hiệp định vì lấy lý do hiệp định không có lợi cho nước Mỹ. Do đó, TTP hiện giờ được gọi là TPP 11 (vì chỉ còn 11 nước) hoặc TPP trừ 1 (vì không còn Hoa Kỳ).

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/text-of-revised-pacific-trade-deal-released-02212018092059.html

 

Thủ lĩnh dân chủ Hong Kong ra tòa

Nhà hoạt động dân chủ Hong Kong, Lương Thiên Kỳ, bị đưa ra xét xử hôm thứ tư 21/2 với cáo buộc tội gây bạo loạn và kích động bạo loạn trong cuộc biểu tình hồi năm 2016 ở quận Mong Kok.

Anh Lương Thiên Kỳ, 26 tuổi, cựu thủ lĩnh trẻ của một nhóm ủng hộ Hong Kong độc lập bị Tòa án Hong Kong hồi tháng trước đã nhận tội tấn công cảnh sát và bị tạm giữ từ đó đến nay.

Nếu bị kết án là có tội, Anh sẽ đối mặt mức án cao nhất lên đến 10 năm tù giam của tội gây bạo loạn tại Hong Kong.

Tại phiên xử, các công tố viên đã đưa ra một loạt video clip nhằm cáo buộc  rằng Lương Thiên Kỳ và các một hoạt động khác đã đưa ra những bài phát biểu qua loa phóng thanh nhằm kích động đám đông.

Hong Kong vốn trước kia là thuộc địa của Anh. Vào năm 1997, Hong Kong được Anh trao trả về cho Trung Quốc với một thỏa thuận là Hong Kong sẽ được cai quản theo chính sách một quốc gia hai thể chế.

Tuy nhiên các nhà hoạt động dân chủ ở Hong Kong cho rằng Bắc Kinh đang gia tăng việc can thiệp vào sự tự chủ của Hong Kong. Những cuộc biểu tình kéo dài hàng tháng trời hồi năm 2014 đã nổ ra ở Hong Kong với sự tham gia của nhiều nhà hoạt động dân chủ trẻ đòi độc lập cho Hong Kong.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/hong-kong-activist-on-trial-over-riots-02212018091524.html

 

Nhật Bản phát hiện Bắc Hàn vi phạm lệnh cấm của UN

Nhật Bản vừa báo cáo lên Liên Hợp Quốc việc Bình Nhưỡng vi phạm lệnh cấm vận của Hội Đồng Bảo An sau khi Nhật phát hiện việc chuyển hàng hóa từ một tàu có chữ Trung Quốc sang một tàu Bắc Hàn.

Bộ Ngoại giao Nhật hôm thứ ba ngày 20/2 cho biết một máy bay tuần tra của quân đội và một tàu hộ tống đã quan sát việc chuyển hàng hóa giữa hai tàu vừa nói trên biển Hoa Đông vào chiều thứ sáu ngày 16/2.

Cụ thể, hải quân Nhật thấy tàu Yu Jong 2 của Bắc Hàn nằm ngay cạnh một tàu nhỏ hơn không rõ thuộc nước nào trên vùng nước quốc tế cách Thượng Hải khoảng 250 km . Tàu nhỏ hơn có tên Trung Quốc là Min Ning De You 078, tạm dịch là tỉnh Phúc Kiến, thành phố Ningde, tàu chở dầu 078.

Bộ Ngoại giao Nhật cho biết, sau khi đánh giá tình hình tổng thể, chính phủ Nhật Bản nghi ngờ các tàu này đang chuyển hàng hóa cấm từ tàu sang tàu. Tokyo cho biết nước này đã thông báo nghi vấn này lên Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc.

Đây là lần thứ 3 trong năm nay Tokyo cho biết đã phát hiện được việc chuyển hàng hóa từ một tàu của Bắc Hàn, vi phạm lệnh cấm của Liên Hợp Quốc liên quan đến chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân của nước này.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/japan-reports-suspected-north-korea-sanctions-breach-02212018090350.html

 

Nhật mua thêm ít nhất 20 máy bay F-35A?

Nhật Bản có kế hoạch mua thêm ít nhất 20 máy bay chiến đấu tàng hình F-35A trong sáu năm tới, một phần hoặc tất cả sô đó có thể sẽ được mua trực tiếp từ tập đoàn Lockheed Martin ở Hoa Kỳ, hơn là lắp ráp trong nước, ba nguồn tin cho hay.

“Tính đến ngân sách và lịch sản xuất, việc mua thêm khoảng 25 chiếc máy bay là phù hợp”, một trong những nguồn thông tin nắm về kế hoạch cho biết.

Các nguồn tin nói mua máy bay hoàn chỉnh từ Hoa Kỳ, với giá khoảng 100 triệu đôla mỗi chiếc, sẽ tiết kiệm cho Nhật khoảng 30 triệu đôla mỗi chiếc.

Đợt mua này sẽ bổ sung cho đơn đặt hàng trước đó để mua 42 chiếc máy bay chiến đấu, phần cùng loại, phần lớn các máy bay này đang được chế tạo dựng tại nhà máy “lắp ráp và kiểm tra lần cuối” ở Nhật do Mitsubishi Heavy Industries vận hành, hãng này là nhà thầu quốc phòng hàng đầu Nhật.

Trong cuộc họp báo hôm 20/2, khi được hỏi liệu Nhật Bản có dự định mua thêm máy bay chiến đấu F-35 hơn hay không, Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera nói: “Chúng tôi chưa lên kế hoạch và chúng tôi đang đánh giá xem chúng tôi cần loại máy bay chiến đấu nào”.

Bộ Quốc phòng Nhật sẽ công bố hai phúc trình quốc phòng trước cuối năm nay, phác thảo các mục tiêu an ninh và kế hoạch mua hàng quân sự của Nhật Bản trong 5 năm bắt đầu từ tháng 4 năm 2019.

Chiếc đầu tiên trong số 42 chiếc F-35A mà Lực lượng Phòng vệ Trên không của Nhật Bản (ASDF) đặt mua sẽ được triển khai tại Căn cứ Không quân Misawa ở miền bắc Nhật Bản.

Nhật Bản cũng muốn tự chế tạo máy bay chiến đấu tàng hình, có tên là F-3, mặc dù chi phí tốn kém để phát triển chiếc máy bay quân sự này có nghĩa là nước này có lẽ cần tìm đối tác nước ngoài để chia sẻ chi phí.

https://www.voatiengviet.com/a/nhat-mua-them-it-nhat-20-may-bay-f35a/4263996.html

 

Ngăn chặn âm mưu xả súng tại trường học California

Nhà chức trách cho biết đã ngăn chặn âm mưu của một học sinh toan xả súng tại một trường trung học ở Nam California.

Sở Cảnh Sát Quận hạt Los Angeles hôm 20/2 cho hay một nhân viên bảo vệ tại Trường Trung học El Camino ở Whittier đã vô tình nghe được rằng một “học sinh bất mãn” đe doạ sẽ xả súng ở trường hôm 23/2, chỉ hai ngày sau vụ 17 người bị bắn chết tại một trường trung học ở Florida.

Phát ngôn viên của cảnh sát, bà Nicole Nishida, nói với hãng tin AP rằng nhân viên cảnh sát đã phát hiện ra “nhiều khẩu súng và đạn dược” sau khi lục soát nhà của học sinh trong cuộc.

Các quan chức từ chối cung cấp thêm chi tiết và dự kiến tổ chức họp báo vào sáng 21/2.

(CBS News, Houston Chronicle)

https://www.voatiengviet.com/a/ngan-chan-am-muu-xa-sung-tai-truong-hoc-california/4263812.html

 

Công tố viên tăng áp lực

lên các phụ tá tranh cử của Trump

Công tố viên đặc biệt Robert Mueller ngày 20/2 tăng áp lực lên hai cựu phụ tá vận động tranh cử của ông Trump để có được sự hợp tác trong cuộc điều tra về việc có thể có thông đồng với Nga, đồng thời cho biết đã truy tố hình sự đối với một luật sư về tội khai gian với các nhà điều tra.

Luật sư Alex van der Zwaan, con rể của một trong những người giàu nhất nước Nga, đã nhận tội tại Tòa án Liên bang Washington D.C., về tội khai man với văn phòng công tố viên đặc biệt. Một thẩm phán đã ấn định ngày xử ông này là ngày 3 tháng 4 tới.

Vụ này liên quan đến việc của ông van der Zwaan, 33 tuổi, cư trú tại London, vào năm 2012, giúp cho hai ông Paul Manafort và Rick Gates, hai nhân viên cao cấp của chiến dịch vận động tranh cử 2016 cho ông Trump, trong những công việc có liên hệ đến Ukraine.

Hai cựu phụ tá này bị cáo buộc âm mưu rửa tiền, và không đăng ký là nhân viên hoạt động cho nước ngoài có dính líu đến công việc của một đảng Ukraine thân Nga.

Cáo buộc đối với ông van der Zwaan không đề cập đến cuộc vận động tranh cử của ông Trump hay cuộc bầu cử năm 2016.

Tuy nhiên các chuyên gia luật pháp nói việc truy tố này sẽ làm áp lực thêm đối với hai cựu phụ tá của ông Trump để hai người này cộng tác với ông Mueller khi ông xem xét liệu có phải Nga nỗ lực ảnh hưởng đến cuộc bầu cử có lợi cho ông Trump bằng cách xâm nhập email của những đảng viên cao cấp đảng Dân chủ và phát tán những tin thất thiệt và tuyên truyền trên mạng hay không.

Vụ truy tố luật sư này dường như nhấn mạnh đến mức độ mở rộng của cuộc điều tra do ông Mueller dẫn đầu.

Hôm 16/2, ông Mueller đã truy tố một cơ quan tuyên truyền của Nga và 13 người Nga về những tội bị cáo buộc có liên hệ đến việc can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016.

Theo Reuters

https://www.voatiengviet.com/a/cong-to-vien-tang-ap-luc-len-cac-phu-ta-tranh-cu-cua-trump-/4263093.html

 

Luật sư nhận tội khai gian

trong cuộc điều tra Nga-Trump

Một luật sư ở London ngày 20/2 nhận tội khai gian với các nhà điều tra Mỹ về các mối liên hệ với ông Rick Gates, một cựu phụ tá vận động tranh cử cho Tổng thống Donald Trump. Đây là một phần trong cuộc điều tra mở rộng về cáo giác Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016.

Văn phòng Công tố viên đặc biệt Robert Mueller sớm ngày 20/2 tiết lộ các cáo buộc chống lại luật sư Alex Van der Zwaan, và tại một tòa án ở Washington sau đó vị luật sư này đã nhận tội.

Luật sư này là con rể của tỷ phú Nga, German Khan, từng làm việc cho công ty luật danh tiếng Skadden, Arps, Slate, Meagher & Flom cho tới khi hãng luật này loan báo sa thải ông hồi năm ngoái. .
Văn phòng của ông Mueller cáo buộc luật sư này, trong khi làm việc cho công ty luật Skadden, đã khai gian rằng lần cuối cùng ông liên lạc với ông Gates là giữa tháng 8/2016. Công ty luật Skadden được Bộ tư pháp Ukraine vào năm 2012 thuê soạn một phúc trình biện bạch việc truy tố cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko, người bị buộc tội tham ô và lạm dụng quyền lực. Bà Tymoshenko từng bị bỏ tù, nhưng sau đó được xóa án.

Các công tố viên cho rằng ông Van Der Zwann đã gian dối khi ông nói ông không biết lý do tại sao một bức email vào tháng 9/2016 giữa ông và một người vô danh không được giao nộp cho văn phòng Công tố viên đặc biệt Mueller, mà thực chất, trước đó ông Zwann đã xóa bỏ email này. Ông Van Der Zwann cũng bị truy tố vì không khai báo trung thực những lần liên lạc gần nhất giữa ông với ông Gates và người vô danh vừa kể.

Ông Rick Gates và ông Paul Manafort, cựu chủ tịch chiến dịch tranh cử cho ông Trump, đã bị truy tố vào tháng 10 năm ngoái vì công việc tư vấn của họ tại Ukraine, phục vụ cho cho cựu Tổng thống Viktor Yanukovych do Nga hậu thuẫn. Ông Yanukovych đã bị lật đổ trong một phong trào nổi dậy vào năm 2014 và ông phải trốn sang Nga sống lưu vong.

Tuần trước, ông Mueller cũng đã truy tố 13 công dân Nga và ba tổ chức của Nga vì đã tiến hành chiến dịch ‘chiến tranh thông tin’ bất hợp pháp nhằm phá vỡ cuộc bầu cử năm 2016 của Hoa Kỳ, trợ giúp cho ông Trump đắc cử tổng thống. Ông Mueller cũng đã buộc tội ông Michael Flynn, cựu cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump và ông George Papadopoulos, cố vấn ngoại giao, với cáo buộc gian dối các nhà điều tra về mối liên hệ của họ với Nga.

https://www.voatiengviet.com/a/luat-su-nhan-toi-khai-gian-trong-cuoc-dieu-tra-nga-trump/4263088.html

 

Lại có 90 nữ sinh Nigeria bị Boko Haram bắt mang đi?

Hơn 90 nữ sinh Nigeria bị cho là mất tích sau khi nhóm phiến quân Hồi giáo Boko Haram tấn công một ngôi làng ở vùng đông bắc bang Yobe, Reuters dẫn 2 nguồn tin cho biết ngày 21/2.

Nếu được xác nhận, đây sẽ là một trong những vụ mất tích lớn nhất kể từ khi Boko Haram bắt cóc hơn 270 nữ sinh ở thị trấn Chibok hồi năm 2014. Cuộc tấn công này lúc đó đã thu hút sự chú ý của thế giới vào cuộc nổi dậy kéo dài 9 năm ở Nigeria, dẫn đến cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới, theo Liên Hiệp Quốc.

Reuters dẫn lời 2 người am hiểu tình hình hôm 20/2 cho biết là trường học điểm danh thấy vắng 91 nữ sinh.

Một nhân chứng từ làng Gumsa gần đó nói: “Tôi thấy các cô gái khóc lóc và kêu cứu trong ba chiếc xe Tata”. Nhân chứng này bị buộc phải chỉ lối đi cho nhóm phiến quân ra khỏi khu vực và sau đó được thả về.

Reuters không thể kiểm chứng lời khai của nhân chứng rằng nhóm nổi dậy Boko Haram đã bắt cóc các nữ sinh trong một cuộc tấn công vào Dapchi vào đêm thứ Hai tuần này.

Cảnh sát và Bộ giáo dục Nigeria phủ nhận có bất cứ vụ bắt cóc nào, nhưng phụ huynh và các nhân chứng khác nói với Reuters rằng một số cô thiếu nữ vẫn đang mất tích.

Có 7 phụ huynh xác nhận với Reuters rằng con gái họ nằm trong số những người mất tích.

Các phần tử chủ chiến Boko Haram đến Dapchi vào tối thứ Hai 19/2 trên xe tải. Một số xe có gắn súng hạng nặng và được ngụy trang thành xe quân sự, theo lời các nhân chứng.

Nhóm phiến quân chạy thẳng tới trường học, nổ súng từng cơn, khiến học sinh và giáo viên hốt hoảng bỏ trốn. Các nhân chứng cho biết một số học sinh đã trở về Dapchi sau khi trốn trong bụi rậm qua đêm.

Hai nguồn tin cho Reuters biết lực lượng an ninh Nigeria đã bắt đầu công việc tìm kiếm và giải cứu các nạn nhân.

Tuy nhiên, Ủy viên cảnh sát bang Yobe Sumonu Abdulmaliki hôm 20/2 nói với các nhà báo rằng Boko Haram không bắt cóc bất cứ cô gái nào ở Dapchi, mà chỉ bắt mang đi 3 người.

Bộ giáo dục của bang cho biết không có trường hợp bị bắt cóc nào, nhưng trường Dapchi đóng cửa một tuần để học sinh đoàn tụ với gia đình.

Kể từ khi Boko Haram bắt đầu cuộc nổi dậy của họ vào năm 2009, hơn 20.000 người đã bị giết và hai triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa ở vùng đông bắc Nigeria để đi lánh nạn.

Vào tháng 4 năm 2014, khoảng 270 nữ sinh bị bắt cóc tại trường học ở Chibok. Khoảng 60 em trốn thoát được ngay sau đó, một số em khác được thả sau các cuộc thương lượng. Khoảng 100 em được tin là vẫn còn bị giam cầm.

Tháng trước, nhóm chủ chiến Boko Haram phát tán một đoạn video cho thấy một số cô gái bị bắt cóc ở Chibok còn đang bị giam cầm, nói rằng họ không muốn trở về nhà.

Các nhóm cứu trợ cho biết Boko Haram đã bắt cóc hàng ngàn người lớn và trẻ em, nhưng nhiều trường hợp như vậy không gây được sự chú ý.

https://www.voatiengviet.com/a/lai-co-90-nu-sinh-nigeria-bi-boko-haram-bat-mang-di/4264101.html

 

Triều Tiên hủy cuộc gặp với phó tổng thống Mỹ

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence trong chuyến công du hai nước châu Á hồi trước đây trong tháng này đã đồng ý sẽ bí mật gặp gỡ cới các quan chức Bắc Triều Tiên khi ông có mặt ở Hàn Quốc tham dự Olympic mùa đông Pyeongchang 2018.

Nhưng trong ngày 10/2, khi còn chưa đầy 2 giờ đồng hồ nữa trước cuộc gặp được sắp xếp cho ông Pence với bà Kim Yo Jong, em gái của lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un, cùng với ông Kim Yong Nam, nguyên thủ trên danh nghĩa của Triều Tiên, phía Bắc Triều Tiên đã thông báo hủy cuộc gặp – theo thông báo của văn phòng Phó Tổng thống Pence .

Quyết định của Triều Tiên hủy cuộc họp được đưa ra sau khi Phó Tổng thống Pence đã dùng chuyến công du này để tố giác tham vọng hạt nhân và để loan báo rằng sẽ có thêm các biện pháp nghiêm khắc nhất đối với Bình Nhưỡng, đồng thời nhân chuyến công du này đẩy mạnh hơn nữa quan hệ đồng minh với Nhật Bản và Hàn Quốc.

Quyết định hủy cuộc gặp gỡ của Triều Tiên được đưa ra trong diễn biến lãnh tụ Kim Jong Un, thông qua người em gái, mời Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sang Bình Nhưỡng để “sớm” bắt đầu đàm phám – một diễn biến có phần chắc sẽ khiến cho Washington sửng sốt, trong lúc chính quyền của Tổng thống Trump đang dẫn đầu một chiến dịch “gia tăng áp lực tối đa” để buộc chế độ Kim Jong Un bỏ chương trình hạt nhân. Tổng thống Moon, thông qua người phát ngôn, nói rằng ông sẽ dàn xếp đi thăm Triều Tiên.

(Nguồn: Washington Post, The Guardian)

https://www.voatiengviet.com/a/trieu-tien-huy-cuoc-gap-go-voi-pho-tong-thong-my/4264057.html

 

Tin tặc : Bắc Triều Tiên

ngày càng hung tợn hơn Trung Quốc

Minh Anh

Công ty an ninh mạng Hoa Kỳ FireYeo, ngày hôm qua, 20/02/2018, cho biết đã nhận diện được một nhóm tin tặc-gián điệp bị nghi ngờ phục vụ lợi ích của Bắc Triều Tiên.

Các chuyên gia của FireYeo đặt tên nhóm này là APT37 (mối đe dọa cao và kéo dài) và cảnh báo, tin tặc Bắc Triều Tiên ngày càng hung dữ hơn các đồng nghiệp Trung Quốc.

APT37 « chủ yếu có cơ sở tại Bắc Triều Tiên ». Các mục tiêu lựa chọn để tấn công « phù hợp với lợi ích của Nhà nước Bắc Triều Tiên ». Các chuyên gia nhận định với mức độ tin cậy cao là « APT37 hành động với sự ủng hộ của chính phủ Bắc Triều Tiên ».

Dường như hoạt động từ năm 2012, nhóm APT37 ban đầu « chỉ nhắm tới các lĩnh vực của chính phủ, quân đội, công nghiệp quốc phòng và các cơ quan truyền thông » của Hàn Quốc. Sau đó, nhóm này mở rộng phạm vi hoạt động, trong năm 2017, nhắm vào các quốc gia như Nhật Bản, Việt Nam và ở Trung Đông, trên nhiều lĩnh vực, từ hóa chất cho đến thông tin, truyền thông.

Theo giới chuyên gia, Bắc Triều Tiên đã huy động hàng ngàn tin tặc trình độ cao tấn công các doanh nghiệp, định chế Hàn Quốc và kể cả các tổ chức giúp đỡ người tị nạn Bắc Triều Tiên, đồng thời, tìm kiếm nguồn thu nhập ngoại tệ vì bị quốc tế trừng phạt.

Khả năng hành động của tin tặc Bắc Triều Tiên đã được thấy rõ qua vụ tấn công vào website của Sony Pictures Entertainment, năm 2014, được cho là nhằm trả thù vì công ty này phát hành bộ phim « The Interview », chế nhạo lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180221-tin-tac-bac-trieu-tien-ngay-cang-hung-ton-hon-trung-quoc

 

TT Abbas kêu gọi quốc tế đưa ra sáng kiến mới

giải quyết xung đột Palestine-Israel.

Minh Anh

Hôm qua, 20/02/2018, lần đầu tiên, kể từ 2009, tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã phát biểu tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, kêu gọi quốc tế nhanh chóng đưa ra một sáng kiến mới, chống lại sự bá quyền của Mỹ, trong hồ sơ Palestine-Israel.

Theo lãnh đạo Palestine, Hoa Kỳ không còn đủ tư cách làm trung gian thúc đẩy giải quyết xung đột sau khi tổng thống Donald Trump thừa nhận Jérusalem là thủ đô của Israel.

Từ trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York, thông tín viên Marie Bourreau gửi về bài tường trình :

« Cơ quan quyền lực Palestine, trước đây, cho biết là sẽ bác bỏ kế hoạch hòa bình do Hoa Kỳ đưa ra. Lần này, tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đi xa hơn và kêu gọi Liên Hiệp Quốc hỗ trợ tổ chức một hội nghị quốc tế nhằm định ra các tiêu chí, phạm vi mới, ngay từ giữa năm 2018, để giải quyết cuộc xung đột với Israel. Ông nói : Giờ đây, một quốc gia hoặc một Nhà nước không thể giải quyết được một cuộc xung đột khu vực hoặc quốc tế nếu không có sự tham gia của các đối tác quốc tế khác.

Jared Kushner và Jason Grenblatt, hai nhà đàm phán Mỹ trong hồ sơ Palestine-Israel cũng có mặt một cách tượng trưng trong cuộc họp của Hội Đồng Bảo An để nghe lãnh đạo Palestine đề xuất lộ trình giải quyết xung đột. Ngay lập tức, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley đã bác bỏ đề xuất này. Bà tuyên bố : Ngài có thể lựa chọn đi cùng với chúng tôi đàm phán để tiến tới một thỏa hiệp, tạo ra một tiềm năng lớn để cải thiện cuộc sống của người dân Palestine…Nhưng chúng tôi không chạy theo Ngài. Thưa tổng thống, ngài có quyền lựa chọn.

Thế nhưng, ông Mahmoud Abbas đã rời khỏi phòng họp Hội Đồng Bảo An từ lâu. Tổng thống Palestine đã từng tuyên bố không gặp bất kỳ quan chức nào của Hoa Kỳ chừng nào Washington không từ bỏ quyết định thừa nhận Jerusalem là thủ đô của Israel ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180221-tong-thong-abbas-keu-goi-quoc-te-dua-ra-sang-kien-moi-giai-quyet-xung-dot-palestine

 

Syria : Mặt trận Afrin,

nguy cơ đối đầu Damas-Ankara và tính toán của Nga

Minh Anh

Tình hình chiến sự Syria ngày càng có vẻ phức tạp và “rối như mớ bòng bong”.Cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào lực lượng Kurdistan mà Ankara coi là “khủng bố” tại Afrin, phía bắc Syria từ một tháng nay hôm qua đã có thêm một diễn biến mới : Chính quyền Damas thông báo triển khai lực lượng thân chính phủ Syria tại vùng tự trị Afrin.

Nhiều câu hỏi lớn đang được ra : Liệu một cuộc đối đầu trực diện Thổ Nhĩ Kỳ-Syria có diễn ra hay không ? Nếu có, hệ quả sẽ ra sao ? Nga đang tính gì trong cuộc xung đột này ?

Nhưng câu hỏi đầu tiên cần phải nêu là chế độ Damas được lợi gì khi liên kết với Đơn vị bảo vệ Nhân dân YPG chống Thổ Nhĩ Kỳ tại Afrin ? Theo giải thích của ông Julien Théron, chuyên gia về Quan hệ Quốc Tế với báo mạng L’Orient-Le-Jour, « chế độ Bachar Al Assad muốn chứng tỏ là đang làm chủ lãnh thổ và biên giới quốc gia ».

Thế nhưng, thực tế trên hiện trường cho thấy, ít ra là đến lúc này, chưa có nguy cơ xẩy ra đụng độ quân sự trực tiếp giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, theo như nhận định của thông tín viên Alexandre Billette từ Ankara.

« Trước hết đó là một cuộc chiến truyền thông đang diễn ra từ nhiều ngày qua, giữa một bên là các quan chức Syria và Kurdistan cùng thông báo bắt đầu một chiến dịch can thiệp vũ trang thực sự. Và bên kia là Thổ Nhĩ Kỳ, với tổng thống Recep Tayyip Erdogan đang cố giảm nhẹ tình thế khi cho biết có vài chiếc xe tải nhẹ đã bị pháo binh đẩy lùi…

Hiện tại, đối đầu trực diện chưa xảy ra ngoại trừ những « phát pháo cảnh cáo » này theo như phát biểu của Ankara… Liên lạc trực tiếp giữa hai quân đội vẫn chưa có, bởi vì mới chỉ có các dân quân tự vệ đến Afrin chứ chưa phải là những binh sĩ Syria thường trực theo đúng nghĩa. Đó dường như là những dân quân tự vệ thân Iran tại vùng Aleppo. »

Vẫn theo chuyên gia Julien Theron, « Afrin giờ giống như là nhiều con rắn đang tự cắn đuôi mình ». Chưa có một cuộc chiến nào mà ở đó, lợi ích, tính toán của các bên lại đan xen, chồng chéo nhau đến như vậy.

Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh của khối NATO, mở chiến dịch tấn công lực lượng YPG của Kurdistan. Trong khi lực lượng này đang bị Nga và Thổ Nhĩ Kỳ xem như là một công cụ thao túng của Mỹ, có ý đồ thành lập một quốc gia cho người Kurdistan.

Mặt khác, Thổ Nhĩ Kỳ vừa hợp tác với Nga trong hồ sơ Syria, vừa hỗ trợ quân nổi dậy chống chế độ Bachar Al Assad, vốn dĩ được Nga bảo trợ.

Về vai trò của Hoa Kỳ, có rất ít khả năng là Mỹ sẽ can thiệp vào cuộc xung đột này để bảo vệ người Kurdistan. Giới quân sự Mỹ cho rằng sự hiện diện của quân đội Mỹ bên cạnh lực lượng Kurdistan chỉ giới hạn trong khuôn khổ cuộc chiến chống khủng bố. « Tham gia vào cuộc xung đột giữa YPG và Thổ Nhĩ Kỳ không phải là chuyện của Hoa Kỳ » như nhận xét của ông Aron Lund, chuyên gia về Syria thuộc trung tâm tư vấn Mỹ Century Foundation, được tờ L’Orient – Le Jour trích dẫn.

Vậy, Nga đang « chơi trò chơi » gì tại Syria và cụ thể là tại Afrin ? Thông tín viên Alexandre Billette cho biết :

« Thắc mắc lớn nhất hiện nay : đó là vai trò của Nga. Không có nước này không có điều gì có thể thực hiện. Không có Nga, chính quyền Damas có lẽ cũng không thể gởi lực lượng tự vệ đến Afrin… Dường như Matxcơva gián tiếp bật đèn xanh cho Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào đánh Afrin cách nay một tháng. Trên cả cuộc đối đầu trực diện giữa Damas và Ankara, đó còn là một ván cờ đã được Nga bày ra tại Afrin ngày hôm qua ».

Hôm qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã cho biết rõ là không muốn Syria can thiệp vào Afrin, và không có gì có thể cản trở được quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong bối cảnh đó, chính sách của Nga đối với người Kurdistan sẽ tác động lên chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau khi cứu được chế độ của tổng thống Bachar Al Assad, dường như Nga muốn làm cho các bên liên quan hiểu được là không có họ thì không giải quyết được vấn đề Afrin, tức là cả Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng người Kurdistan YPG đều cần đến Nga, qua đó, giảm nhẹ vai trò của Hoa Kỳ trong hồ sơ Syria.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180221-syria-mat-tran-afrine-nguy-co-doi-dau-damas-ankara-va-tinh-toan-cua-nga

 

Pháp lo ngại thảm họa nhân đạo tại Syria

Phát biểu trước Quốc Hội, ngày hôm qua, 20/02/2018, ngoại trưởng Pháp Yves Le Drian tuyên bố : « Tình hình tại Syria xấu đi đáng kể » và cảnh báo nguy cơ thảm họa nhân đạo.

Lãnh đạo ngành ngoại giao Pháp đã có phản ứng như trên sau khi quân đội chính phủ Syria và đồng minh Nga, từ ngày 05/02, đã mở một cuộc tấn công dữ dội vào khu vực Đông Ghouta, cứ địa cuối cùng nằm trong tay phe nổi dậy, ở ngoại ô Damas. Theo thống kê của tổ chức Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria, được AFP trích dẫn, các vụ ném bom, nã pháo liên tục đã làm ít nhất 250 thường dân thiệt mạng, trong đó có nhiều trẻ em.

Nhiều tổ chức của Liên Hiệp Quốc đã lên án chiến dịch oanh kích dữ dội nhắm vào Ghouta.

Ngoại trưởng Yves Le Drian nói :

« Tình hình tại Syria đã xấu đi một cách đáng kể. Tình hình sẽ còn tồi tệ hơn. Nếu không có những yếu tố mới, chúng ta sẽ chứng kiến một thảm họa nhân đạo. Tiến trình chính trị bị bế tắc. Đằng sau cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà Nước Hồi Giáo, ưu tiên của chúng ta, cuộc nội chiến ở Syria vẫn tiếp diễn và ngày càng trở nên nghiêm trọng, bởi vì cuộc xung đột giờ đây mang tầm kích khu vực.

Pháp cho rằng Hội Đồng Bảo An phải hành động ngay từ bây giờ, để có được lệnh hưu chiến mang tính nhân đạo, giúp tránh những tổn thất nặng nề.

Mặt khác, nước Pháp cũng nhận thấy rằng sau thất bại của hòa đàm tại Sotchi, do Nga chủ trì, thì cần phải nối lại đối thoại Geneve.

Chính vì thế, theo yêu cầu của tổng thống, trong những ngày tới, tôi sẽ tới  Matxcơva và Teheran. Tình hình hiện nay rất khẩn cấp ».

http://vi.rfi.fr/phap/20180221-phap-lo-ngai-tham-hoa-nhan-dao-tai-syria

 

Cuba : Chủ tịch Raul Castro tiếp nghị sĩ Mỹ

Mai Vân

Chủ tịch Cuba Raul Castro vào hôm qua, 20/02/2018 đã tiếp một phái đoàn nghị sĩ Mỹ đến đảo để trao đổi về những vụ « tấn công vào thính giác » bí ẩn, ảnh hưởng đến các nhà ngoại giao Mỹ ở La Habana. Thông cáo chính thức của phía Cuba chỉ nêu « các bên trao đổi về những chủ đề liên quan đến lợi ích hai quốc gia », mà không đi sâu vào chi tiết.

Theo AFP, phái đoàn do thượng nghị sĩ đảng Dân Chủ Patrick Leahy dẫn đầu đã đến Cuba vào hôm Chủ Nhật hầu bàn một loạt vấn đề, trong đó có các cuộc tấn công bí ẩn vào thính giác nhắm vào các nhà ngoại giao Mỹ ở La Habana từ cuối 2016 đến mùa hè 2017.

Đoàn được ông Carlos Fernandez de Cossio, viên chức cấp cao đặc trách Hoa Kỳ ở bộ Ngoại Giao Cuba đón tiếp, và được khẳng định là « không có bất kỳ bằng chứng nào về các vụ tấn công các nhà ngoại giao Mỹ ở Cuba ».

Cho đến nay, Washington cho rằng 24 nhà ngoại giao Mỹ ở Cuba đã bị tấn công, có những triệu chứng mất thính giác, mất ngủ v.v… Theo AFP, một số nhà ngoại giao Canada cũng bị triệu chứng tương tự.

Thượng nghị sĩ Leahy là một trong những người cổ vũ cho việc sưởi ấm quan hệ với Cuba.

Đoàn nghị sĩ Mỹ kết thúc chuyến thăm Cuba vào hôm nay.

Đấu tranh cho nhân quyền

Còn tại Genève (Thụy Sĩ) vào hôm qua, 20/02/2018, nhân hội nghị thường niên về nhân quyền và dân chủ « Geneva Summit for Human Rights and Democracy », nhà đấu tranh nhân quyền Cuba, Guillermo Farinas, đã lên tiếng kêu gọi châu Âu phải tỏ thái độ cứng rắn đối với Cuba. Ông nói :

« Điều mà người dân Cuba cần là sự đoàn kết tương trợ. Và nhất là châu Âu không thể đồng lõa với chính quyền Cuba. Từ nhiều năm qua Hoa Kỳ đã cho thấy là họ không hề thỏa hiệp với Cuba. Hội nghị về nhân quyền và dân chủ này tại Genève nhằm cho thấy nhân quyền là một giá trị phổ quát, và phải được bảo vệ trong mọi tình huống ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180221-cuba-chu-tich-raoul-castro-tiep-nghi-si-my

 

Philippines : Manila lo ngại

vì Mỹ xem Duterte là khắc tinh của dân chủ

Tú AnhĐăng ngày 21-02-2018 Sửa đổi ngày 21-02-2018 13:45

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte không phải là con người « độc đoán »và rất lo âu về bản báo cáo của tình báo Mỹ, xem ông là một trong những nhà độc tài của Đông Nam Á. Trên đây là tuyên bố của phát ngôn viên phủ tổng thống Philippines, một tuần sau khi Cơ quan tình báo Mỹ DNI công bố bản dự báo tình hình dân chủ 2018 trên thế giới.

Hôm nay 21/02/2018, trong cuộc họp báo tại Manila, phát ngôn viên Harry Roque cho biết chính phủ Philippines « đọc kỹ » bản báo cáo của cơ quan tình báo Mỹ và với « ít nhiều âu lo ».

Theo Reuters, bản báo cáo của Cơ quan tình báo Mỹ DNI xếp tổng thống Philippines cùng danh sách với thủ tướng Cam Bốt Hun Sen, tập đoàn quân sự Thái Lan và cuộc khủng hoảng sắc tộc Rohingya ở Miến Điện là những « chướng ngại » cản trở dân chủ : Xu hướng cai trị độc đóan, nạn tham ô tràn lan và tệ nạn ưu quyền đặc lợi đe dọa nhân quyền và dân chủ trong năm 2018. Theo nhận định của giới tình báo Mỹ công bố hôm 13 tháng Hai, thì tổng thống Philippines có khả năng « đình chỉ bản Hiến pháp » và tuyên bố thành lập « chính quyền cách mạng ».

Phát ngôn viên phủ tổng thống Philippines khẳng định là « không có một chính phủ cách mạng hay tình trạng thiết quân luật ở Philippines », bởi vì tổng thống Duterte « tôn trọng luật pháp, Hiến Pháp và không phải là một bạo chúa ».

Dân Philippines muốn ghi đảng Cộng Sản vào danh sách « khủng bố »

Trong khi đó, không ít người dân Philippines ủng hộ quyết định của tổng thống Duterte ngưng hòa đàm với phe cộng sản nổi dậy. Theo Reuters, bản kiến nghị yêu cầu tư pháp xếp đảng Cộng sản Phi và lực lượng võ trang « Quân đội nhân dân mới » vào danh sách các tổ chức khủng bố, trong bối cảnh đối thoại tại Na Uy bế tắc. Theo tổng thống Duterte, phe cộng sản chỉ tìm cách « tranh thủ thời gian để chờ cơ hội lật đổ chính phủ ».

Bản kiến nghị gửi tòa án vào ngày hôm nay, đúng vào ngày tổng thống Philippines dùng cơm với một nhóm du kích về đầu hàng và mời họ đi thăm thủ đô Manila, các khu thương mại lần đầu.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180221-philippines-manila-lo-ngai-vi-my-xem-duterte-la-khac-tinh-cua-dan-chu