Mỹ-Trung Điều chỉnh Chiến lược Thế nào?
“Biết người biết ta, trăm trận không nguy; không biết người mà chỉ biết ta, một trận thắng một trận thua; không biết người, không biết ta, mọi trận đều bại”. (Sun Tzu).
Nếu không muốn bị động và bất ngờ, phải hiểu đối phương, nhất là về tư duy và ý đồ chiến lược. Để địch tấn công rồi mới giật mình đối phó (như trận “Trân Châu Cảng”) thì quá muộn, nhất là trong bối cảnh chiến lược phức tạp như hiện nay. Sau một năm cầm quyền chập chững và “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”, chính quyền Trump bắt đầu định hình về chiến lược. Việc công bố hai văn kiện chiến lược “chiến lược an ninh quốc gia” (NSS, 12/2017) và “chiến lược quốc phòng” (NDS, 1/2018) có lẽ là một cố gắng của “trục người lớn”.
Tết Mậu Tuất (2018) là dịp để các chuyên gia nghiên cứu chiến lược Việt Nam bớt chút thời gian vui xuân, nhìn lại điều chỉnh chiến lược Mỹ-Trung trong bối cảnh mới. Ngoài hai văn kiện về chiến lược nói trên, có một số tài liệu nghiên cứu chiến lược đáng tham khảo. Ví dụ, một báo cáo của RAND Corporation gần đây khảo sát về điều chỉnh chiến lược của Trung Quốc “Đối đầu hệ thống và chiến tranh hủy diệt hệ thống: PLA định tiến hành chiến tranh hiện đại thế nào” (Systems Confrontation and System Destruction Warfare: How the Chinese People’s Liberation Army Seeks to Wage Modern Warfare, Jeffrey Engstrom, RAND, 2018).
Jeffrey Engstrom là chuyên gia phân tích cấp cao của RAND về các vấn đề an ninh khu vực và chính sách đối ngoại. Những đề tài nghiên cứu gần đây của Engstrom tập trung vào năng lực chiến tranh thông thường và hạt nhân của Trung Quốc, triển khai lực lượng và đối tác tại Đông Á. Trước khi làm cho RAND Corporation, Engstrom là chuyên gia phân tích quốc phòng tại SAIC, nghiên cứu về tiềm lực quân sự tại Đông Á. Vì tài liệu bằng tiếng Anh khá dài, nên tôi có mấy nhận xét ngắn gọn để tham khảo, và trích dịch vài đoạn để giới thiệu.
Vài nhận xét sơ bộ:
1. Tài liệu nghiên cứu này của RAND khảo sát tư duy chiến lược mới của PLA, phản ánh sự chuyển biến trong nhận thức của giới nghiên cứu chiến lược Mỹ về Trung Quốc (tuy “chậm còn hơn không”). Nó trùng hợp với thời điểm công bố hai văn kiện chiến lược là “Chiến lược An ninh Quốc gia” (NSS, 12/2017) và “Chiến lược Quốc phòng” (NDS, 1/2018). Nội dung đáng chú nhất trong hai văn kiện chiến lược này của Mỹ là coi Trung Quốc như “mối đe dọa lớn nhất” đối với an ninh quốc gia, chứ không phải là khủng bố quốc tế (như trước đây). Tuy NDS là một bước điều chỉnh chiến lược, nhưng vẫn là “rượu cũ bình mới”.
2. Trong phạm vi Eurasia rộng lớn đầy bất trắc, mà Robert Kaplan gọi là “Eurasia’s Coming Anarchy”, khái niện về “khu vực Indo-Pacific tự do và rộng mở” là tầm nhìn do Nhật khởi xướng (cụ thể là Shinzo Abe), nay được chính quyền Trump nâng lên thành chủ thuyết mới. Trong bàn cờ địa chính trị đó, “Tứ giác Kim cương” gồm tứ cường Mỹ-Nhật-Ấn-Úc là một đối trọng để hình thành thế “Hai vành đai, Hai con đường” trong phạm vi Eurasia. Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung ngày càng tăng, với hai con bài lớn đang trỗi dậy tại khu vực là Trung Quốc và Ấn Độ, bán đảo “Đông Dương” (Indochina) có vai trò ngày càng quan trọng tại Biển Đông cũng như tại “khu vực Indo-Pacific tự do, rộng mở”.
3. PLA đã chuyển trọng tâm chiến tranh từ đối đầu giữa hai quân đội trên chiến trường thành đối đầu giữa hai hệ thống vận hành. Đó là một bước chuyển biến cơ bản về tư duy chiến lược hiện đại theo hướng hệ thống hóa, vận dụng công nghệ thông tin mới vào tư duy truyền thống cũ. Đó là sự “chuyển biến” (evolutionary) chứ chưa phải “cách mạng” (revolutionary”), nên tư duy chiến lược mới của Trung Quốc vẫn còn đang hoàn thiện, phản ánh sự vận dụng linh hoạt các nguyên lý cơ bản về hệ thống như công nghệ thông tin vào tư duy chiến lược truyền thống của Trung Quốc, như Binh pháp Tôn tử trong “trận đồ bát quái”, trong “cờ vây” (“Go” board game), và trong “Tam chủng Chiến pháp” (the Three Warfare Concept)…
4. Một điều quan trọng đáng chú ý là sự chuyển biến về tư tưởng chiến lược của PLA ra đời trong bối cảnh Tập Cận Bình đã thâu tóm được quyền lực gần như tuyệt đối (bao gồm cả hệ thống điều hành PLA). Quyền lực bao trùm này được củng cố vững chắc hơn tại Đại hội Đảng lần thứ 19 (10/2017), nhất là khi Vương Kỳ Sơn “tái xuất” trở lại chính trường (làm phó chủ tịch nước) với vị trí kế cận số hai (như kịch bản ban đầu), sau một thời gian tạm lánh mặt để chờ dịp thuận lợi. Song song với chiến dịch chống tham nhũng trong nội bộ chính quyền, Tập Cận Bình đã tiến hành thanh trừng và cải tổ quân đội để làm đòn bẩy triển khai chiến lược “Một vành đai, Một con đường” tại khu vực Biển Đông cũng như Châu Á (và toàn cầu), nhằm thực hiện tham vọng lớn của thế kỷ là “Giấc mộng Trung hoa” (China Dream)…
Ngoài báo cáo của RAND nói trên, có một số bài khác về chủ đề điều chỉnh chiến lược cũng đáng quan tâm. Ví dụ bài “Hạn chế Trung Quốc Xâm lăng: Chiến lược răn đe Trung Quốc của Mỹ” (Limiting Chinese Aggression: A Strategy of Counter-Pressure, Charles Edel, American Interest, February 9, 2018), và bài “Hai Vành đai, Hai con đường” (Two Belts, Two Roads, Bruno Macaes, American Interest, February 13, 2018). Charles Edel là Senior Fellow/Visiting Scholar tại United States Studies Centre (Sydney University). Trước đó, Edel là associate professor về chiến lược tại US Naval College, trong nhóm hoạch định chính sách của Ngoại trưởng Mỹ (2015-2017). Bruno Maçães là Senior Fellow tại Hudson Institute và Senior Advisor tại Flint Global (London), tác giả của cuốn sách mới xuất bản “The Dawn of Eurasia” (1/2018). Macaes là cựu Bộ trưởng đặc trách Châu Âu của Bồ Đào Nha (2013-2015).
PLA định tiến hành chiến tranh hiện đại thế nào?
(Trích dịch báo cáo của RAND nói trên)
Lời nói đầu
Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) nay xác định và hiểu chiến tranh hiện đại là đối đầu giữa các hệ thống vận hành của đối phương chứ không chỉ giữa các quân đội. Hơn nữa, lý thuyết để thắng trong chiến tranh hiện đại của PLA thừa nhận “chiến tranh hủy diệt hệ thống” là phương thức hiện nay của chiến tranh hiện đại. Với lý thuyết này, chiến tranh không còn xoay quanh việc tiêu diệt lực lượng địch trên chiến trường, mà bên giành chiến thắng phải làm gián đoạn, tê liệt, hay phá hủy năng lực vận dụng hệ thống điều hành của đối phương. Điều đó có thể đạt được bằng các cuộc tấn công “kinetic” hoặc “nonkinetic” vào các yếu điểm của đối phương trong khi đồng thời vận dụng hệ thống điều hành mạnh hơn, năng động và hoạt dụng hơn của mình. Họ đã có được nhận thức mới này sau khi quan sát hai thập kỷ hoạt động của Mỹ sau chiến tranh lạnh và vai trò cách mạng của hệ thống công nghệ thông tin trong bối cảnh đó. Tư duy hệ thống có tác động vô cùng lớn đến năng lực của PLA hiện đang tổ chức, trang bị và huấn luyện quân đội cho các tình huống chiến tranh trong tương lai.
Báo cáo này phản ánh ý định tìm hiểu tư duy hiện nay của PLA về “hệ thống của các hệ thống” (system of systems) và “chiến tranh hệ thống” (systems warfare) cũng như các biện pháp chiến tranh hiện nay. Nó cũng làm chức năng một cẩm namg hướng dẫn về một số lớn các hệ thống và quan niệm liên quan đến hệ thống trong các nguồn của PLA. Qua xem xét các tài liệu bằng tiếng Trung, báo cáo này sẽ: (1) tìm hiểu làm thế nào mà PLA biết về việc đối đầu giữa các hệ thống và hiểu về chiến tranh nhằm phá hủy hệ thống điều hành, (2) phát hiện các thành tố của hệ thống điều hành PLA bằng cách quan sát các thành tố của nhiều hệ thống phụ tiềm ẩn khác nhau xem chúng liên kết thế nào, và (3) xem xét các hệ thống điều hành chọn lọc của PLA được phát hiện trong các văn bản của PLA, được vận dụng để thực hiện các chiến dịch như hệ thống điều hành tác chiến bằng hỏa lực. Báo cáo này chắc được sự quan tâm của các nhà phân tích quân sự và học giả của PLA, các nhà hoạch định chính sách, và bất cứ ai muốn biết rõ làm thế nào mà PLA lại biết khái quát hóa và tìm cách tiến hành chiến tranh hiện đại.
Điều quan trọng là phải nhận ra nhiều hệ thống và năng lực được đề cập trong báo cáo này chỉ là nguyện vọng. PLA tiếp tục hoàn thiện các quan điểm và học thuyết để làm cách nào thực hiện tốt nhất sự đối đầu về hệ thống và chiến tranh hủy diệt hệ thống. Hơn nữa, cần đáp ứng các thành tố khác nhau của hệ thống điều hành mà PLA đã xác định. Kết quả nghiên cứu này là sự cố gắng để hiểu một mục tiêu còn đang di chuyển và đang diễn biến.
Tác giả của báo cáo này là Jeffrey Engstrom, một chuyên gia phân tích chính sách cấp cao của RAND chuyên về an ninh Châu Á và chính sách đối ngoại, gần đây nghiên cứu năng lực quốc phòng và triển khai lực lượng của Trung Quốc tại Đông Á. Báo cáo này được các cơ quan sau bảo trợ: RAND Intelligence Policy Center, National Defense Research Institute, Office of the Secretary of Defense, the Joint Staff, the Unified Combatant Commands, the Navy, the Marine Corps, the defense agencies, the defense Intelligence Community…
Tóm tắt
Quan điểm của PLA về đào tạo, tổ chức và trang bị cho chiến tranh hiện đại trong hai thập kỷ qua đã bị tác động rất lớn bởi tư duy hệ thống. Đúng là xung đột quân sự hiện đại đã được PLA coi là sự đối đầu giữa các hệ thống, hoặc những gì được đề cập đến một cách cụ thể như là các hệ thống điều hành đối kháng. Tuy nhiên, đến nay giới quan sát Trung Quốc tại phương Tây vẫn ít chú ý đến các chủ đề nóng này. Vì vậy, báo cáo này là một cố gắng ban đầu để tìm hiểu về chủ đề nóng đang nổi lên này và cung cấp sự chỉ dẫn (guideline) về số lượng lớn các hệ thống và quan điểm liên quan đến các hệ thống được đề cập trong các nguồn tài liệu của PLA. Qua phân tích các nguồn trực tiếp (primary sources) báo cáo này muốn giải đáp một số câu hỏi quan trọng về sự quan tâm sâu sắc của PLA đối với các hệ thống đó.
Các ấn phẩm về quân sự của Trung Quốc cho thấy PLA đã thừa nhận rằng chiến tranh không còn là tranh chấp giữa các đơn vị, vũ khí, và binh chủng cụ thể, hoặc thậm chí là các hệ thống vũ khí cụ thể của các bên đối kháng, mà là tranh chấp giữa nhiều hệ thống điều hành đối địch. Kiểu tác chiến này là đặc thù độc đáo của chiến tranh hiện đại, so với trận địa là nơi xung đột xảy ra. Điều này thường được đề cập đến như là “đối đầu hệ thống” (systems confrontation). Đối đầu hệ thống không chỉ diễn ra trên các phương diện truyền thống như trên đất liền, trên biển, trên không, mà cả ngoài vũ trụ (outer space), không gian mạng (cyberspace), điện từ trường (electromagnetic), và thậm chí cả tâm lý (psychological domains).
Trong quá khứ, nếu giành được ưu thế trên một hoặc một số lĩnh vực là đủ để chiến thắng, thì đối đầu hệ thống đòi hỏi phải giành “ưu thế toàn diện” (comprehensive dominance) trên mọi phương diện/chiến trường. Trong phạm vi một số lĩnh vực mà đối đầu hệ thống diễn ra, hình thức tác chiến (forms of operations) và phương thức tác chiến (methods of combat) cũng thay đổi. Hệ thống điều hành theo cách hiểu của PLA phải “đủ đa chiều và đa năng” (sufficiently multidimensional and multifunctional) để có thể tác chiến trên mọi phương diện. Lý thuyết về chiến thắng của PLA hiện nay dựa trên chiến thắng của “chiến tranh hủy diệt hệ thống” (system destruction warfare) bao gồm khả năng làm tê liệt, thậm chí hủy diệt các chức năng cốt lõi của hệ thống điều hành của đối phương. Theo lý thuyết này, đối phương sẽ “mất ý chí và năng lực kháng cự” một khi hệ thống điều hành không thể hoạt động hiệu quả.
Lý thuyết chiến thắng được thể hiện trong Sách trắng Quốc phòng gần đây của Trung Quốc, nói rõ các quân chủng hợp thành PLA (integrated combat forces) được vận dụng để “chiến thắng khi đối đầu giữa các hệ thống” (to prevail in system-vs-system operations) gồm ưu thế về thông tin (information), tấn công chính xác (precision strikes), và hợp đồng tác chiến (joint operations). Các tài liệu của PLA gần đây đề cập đến bốn loại mục tiêu mà các nhà hoạch định chính sách PLA định nhắm tới để làm đối phương tê liệt hệ thống điều hành.
Thứ nhất, các tài liệu của PLA yêu cầu phải tấn công làm suy yếu hoặc phá vỡ (degrade or disrupt) lưu chuyển thông tin trong hệ thống điều hành của đối phương. Thứ hai, họ yêu cầu phải làm suy yếu hoặc phá vỡ các nhân tố thiết yếu trong hệ thống điều hành của đối phương, gồm hệ thống chỉ huy & kiểm soát (command & control), trinh sát & tình báo (reconnaissance & intelligence),và hỏa lực (firepower). Thứ ba, họ khuyến nghị phải làm suy yếu hoặc phá vỡ cấu trúc vận hành (operational architecture) trong hệ thống điều hành của đối phương, gồm các yếu tố thực thể trong số các năng lực kể trên, bao gồm toàn bộ hệ thống C2, tình báo, và hỏa lực. Cuối cùng, họ yêu cầu phải làm đình trệ trình tự thời gian (time sequence) và nhịp độ (tempo) trong cấu trúc vận hành của đối phương, có nghĩa là phải làm suy yếu và phá vỡ chu trình “trinh sát-tấn công-đánh giá kết quả” trong hệ thống điều hành đó.
Hệ thống điều hành của PLA không tồn tại trong thời bình, mà nó được xây dựng có chủ ý khi yêu cầu tác chiến trở nên rõ ràng. Kết quả là mỗi hệ thống vận hành là độc đáo đối với mỗi cuộc xung đột hay chiến dịch mà nó được thiết kế để triển khai, cân nhắc đến các yếu tố khác như phạm vi, quy mô, và năng lực của hệ thống điều hành của đối phương, cũng như các phương diện và điều kiện khác nhau trên chiến trường mà cuộc chiến đó đòi hỏi. Việc thực sự hình thành hệ điều hành đó bắt đầu bằng cách phối hợp “nhiều lực lượng, mô hình và yếu tố tác chiến (a wide range of operational forces, modules and elements) thông qua hệ thống tổng hợp thông tin (integrated information networks) được kết nối nhịp nhàng.
Hệ điều hành dó, dù đứng một mình hay phối hợp với các hệ thống điều hành chức năng cụ thể là thực thể thuộc cấp độ chiến dịch mà PLA hình dung để thực hiện và thắng các cuộc xung đột quân sự của Trung Quốc. Hầu hết các nguồn của PLA dường như đều nhất trí rằng hệ điều hành gồm năm hệ thống chính hợp thành: (1) hệ thống chỉ huy, (2) hệ thống hỏa lực tấn công, (3) hệ thống thông tin về đối phương, (4) hệ thống tình báo trinh sát, (5) hệ thống hỗ trợ. Tuy mô hình này rất linh hoạt, và cuối cùng phải dựa trên nhu cầu và đòi hỏi của chiến dịch được dự kiến, hoặc các hoạt động hỗ trợ sẽ triển khai, năm hệ thống thành tố đó có thể tồn tại trong một hệ điều hành tùy theo từng mức độ. Các văn bản của PLA còn chỉ rõ một số hệ thống vận hành được xây dựng trên mục đích của các hệ thống phụ (component subsystems). Một cuộc xung đột cụ thể có thể khởi động một số hệ thống điều hành. Các tình huống có quy mô nhỏ hơn có thể khởi động một hoặc hai hệ thống điều hành, trong khi các tình huống lớn hơn có thể khời động nhiều hơn. Một hệ điều hành trên thực tế có thể được xây dựng bằng một số thành tố phụ nhằm thực hiện những chiến dịch và/hoặc những nhiệm vụ tác chiến cụ thể. Các hệ điều hành đã biết bao gồm hệ thống điều hành phòng không, hệ thống điều hành chống đổ bộ, hệ thống điều hành hỏa lực, hệ thống điều hành phong tỏa, và hệ thống thông tin.
Cuối cùng, điều quan trọng là phải nhận thức được báo cáo này là một cố gắng để hiểu về một mục tiêu đang chuyển động và đang diễn biến. Thật vậy, nhiều hệ thống và năng lực được đề cập trong báo cáo này chỉ là nguyện vong. Vì vậy, nhiều thành tố trong hệ thống điều hành mà PLA hình dung vẫn chưa hình thành, và các chuyên gia của PLA còn tiếp tục tranh luận và hoàn thiện quan điểm của mình, như làm cách nào để thực hiện đối đầu hệ thống và chiến tranh hủy diệt hệ thống. Khi có khoảng cách rõ ràng giữa thực tế và nguyện vọng, chúng tôi sẽ nhấn mạnh trong bài viết, hoặc trong các phần giải thích tại cuối trang (footnotes).
Kết luận
Đối đầu về hệ thống đã được PLA thừa nhận như là phương thức cơ bản của chiến tranh trong thế kỷ 21. Chiến tranh hủy diệt hệ thống, chứ không phải là chiến tranh tiêu diệt quân đội đối phương, là lý thuyết chiến thắng của PLA hiện nay. Chiến tranh trong bối cảnh đó, dựa trên sự phát triển hệ điều hành hay các hệ điều hành ưu việt hơn hệ điều hành của đối phương và có thể tận dụng lợi thế của cách mạng tin học. Một hệ điều hành như vậy có thể tiến hành chiến tranh đồng thời trên cả bảy lĩnh vực (trên bộ, dưới biển, trên không, trong vũ trụ, không gian mạng, điện từ, và tâm lý). Điều này đòi hỏi năng lực hợp đồng tác chiến và kết nối nhuần nhuyễn tất cả các hệ thống và đơn vị thông qua hệ thống tin học rất mạnh.
Không có gì ngạc nhiên khi tư duy về “hệ thống của hệ thống” (system-of-systems thinking) đã tràn ngập hầu như tất cả mọi mặt trong quan điểm của PLA về đào tạo, tổ chức, và trang bị cho chiến tranh hiện đại trong hai thập kỷ vừa qua. Rõ ràng các trang bị và hệ thống mới đã được PLA cân nhắc dựa trên tính toán làm sao để khắc phục được những bất cập và nâng cao hiệu quả của các hệ điều hành đã được dự tính. Ngoài các hệ thống quân sự (military platforms) thường được các nguồn báo chí quốc tế ưu tiên chú ý hơn, PLA còn đang xây dựng một hệ điều hành cân bằng (well-balanced operational system). Điều này bao gồm, nhưng không hạn chế, việc phát triển và vận hành các hệ thống chỉ huy bằng tin học trong toàn bộ hệ thống chỉ huy (chain of command) trong khi tăng cường sức mạnh của mạng lưới truyền tin quân sự (military transmission network). Chính thành công hay thất bại của các mặt này cuối cùng sẽ quyết định tính hiệu quả và sức sống của hệ thống điều hành của PLA.
Tư duy hệ thống và quan điểm về hệ thống là logic dẫn đường cho các thay đổi về tổ chức gần đây. Trước hết, đó là lực đẩy mạnh (strong impetus) để chuyển từ hệ thống quân khu trước đây (MR structure) thành hệ thống chỉ huy theo phương diện (theater command structure). Hệ thống quân khu ngày càng lỗi thời đã đặt PLA vào thế bị động đối phó (reactive posture) nếu xảy ra xung đột tại biên giới Trung Quốc, vì phải khởi động hệ chỉ huy theo phương diện trong tình huống đó. Bước này đòi hỏi phải được bộ chỉ huy tối cao chấp thuận cụ thể (specific sanction) và sau đó áp đặt việc triển khai một hệ chỉ huy mới lên hệ thống chỉ huy hiện hành. Tình trạng bất cập này trong hệ thống chỉ huy đã được PLA hiểu rõ, và PLA đã xuất bản một cuốn sách cách đây bảy năm (trước khi có sự chuyển đổi vừa qua), trong đó thừa nhận rằng “trong thời bình, người ta phải xây dựng hệ thống chỉ huy hợp đồng tác chiến”, và hệ thống đó trong thời chiến phải là sự kế tục tự nhiên của hệ thống chỉ huy thời bình.
Cũng như vậy, Lực lượng Hậu thuẫn Chiến lược (Strategic Support Force) đã được thành lập để thống nhất và và nâng cao năng lực của PLA nhằm đạt được ưu thế trong lĩnh vực vũ trụ, không gian mạng, điện từ, và tâm lý. Lực lượng này là sự thừa nhận trực tiếp rằng PLA phải cạnh tranh hiệu quả trên các lĩnh vực này – hoặc ít nhất là là không thua kém – để đạt được các mục tiêu của chiến tranh trong một cuộc xung đột trong tương lai.
Điều quan trọng là phải hiểu được tư duy của PLA về chiến tranh hủy diệt hệ thống sẽ diễn biến ra sao. Quan điểm về “hệ thống của hệ thống” (system-of-systems focus) trong PLA đã tác động lớn đến kế hoach và đào tạo của PLA nhằm làm thế nào đánh bại đối phương tiềm năng. PLA đã tư duy tich cực thế nào về hệ thống chỉ huy của đối phương và và làm thế nào để thắng được họ. PLA cũng đang tạo ra một nhận thức mới, dù dựa trên thực tế hay chỉ trên giả định, về yếu điểm trong hệ điều hành của đối phương. Điều này sẽ quyết định PLA làm thế nào để chỉ đạo các cuộc tấn công nếu xảy ra xung đột, bởi vì nếu đây là các yếu điểm của đối phương (dù là thật hay giả định), thì sẽ là tiêu điểm của kế hoạch tác chiến.
Một điều quan trọng nữa là phải theo dõi diễn biến trong tư duy của PLA về phát triển và vận dụng các hệ điều hành. Để răn đe hiệu quả Trung Quốc qua một số diễn biến tình hình, ngày càng phụ thuộc vào khả năng hiểu rõ về hệ điều hành của PLA và có đủ năng lực để làm thất bại khả năng thực hiện các mục tiêu chiến tranh của PLA. Điều đó có nghĩa là phải nắm chắc được yếu điểm trong hệ điều hành của PLA liên quan đến lưu chuyển thông tin, các thành tố, cơ cấu và nhịp độ lưu chuyển, và có cách làm suy yếu đáng kể hoặc phá hủy chúng. Tương tự, việc đánh bại các hoạt động quân sự của PLA cũng phụ thuộc vào khả năng làm suy yếu hoặc phá hủy các mặt đó trong hệ điều hành của PLA. Điều này làm rõ một thực tế là hiện tượng “soi gương” (mirror imaging) khi không hiểu rõ về đối phương, có thể do năng lực kém, hay tệ hơn nữa là do chọn nhầm mục tiêu. Trong cả hai trường hợp, hiểu được hệ điều hành của PLA, các hệ thống phụ (subsystems), các đầu mối và tình trạng phụ thuộc lẫn nhau (interdependencies) là thiết yếu đối với các nhà phân tích quân sự nước ngoài.
Việc hệ điều hành tiếp tục chuyển hóa phản ánh quy luật chuyển đổi của chiến tranh. Vì chức năng mới là cần thiết, nên các hệ thống mới sẽ được phát triển và các hệ thống hiện hành sẽ được cải tiến để thực hiện các chức năng đó. Các chức năng mới rất có thể được công nhận trong các lĩnh vực tương đối mới như không gian vũ trụ, không gian mạng, và điện từ, nhưng có thể xảy ra khi công nghệ mới xuất hiện trong các lĩnh vực truyền thống. Công nghệ mới được ứng dụng trong bất cứ lĩnh vực nào đòi hỏi các biện pháp đối phó mới (new countermeasures). Ví dụ, trước thế kỷ 20, các quân đội không cần tên lửa đối không (SAMs) vì mối đe dọa từ trên không chưa có. Cũng như vậy, đến thế kỷ 20 thì các quân đội mới cần đến tường lửa (firewalls) và công nghệ mã hóa (encryption technology) để ngăn chặn mối đe dọa từ không gian mạng (cyber threats). Khi công nghệ mới (như tên lửa và máy bay siêu âm) trở thành thông thường thì PLA mới bổ xung nó vào hệ điều hành. Khi đối phương phát triển các hệ thống này, hay các hệ thống khác, nhằm đạt được ưu thế trong các lĩnh vực khác nhau, thì PLA sẽ tìm cách lập ra hệ thống mới để đối phó với các năng lực đó của đối phương. Các hệ thống và năng lực mới này để đối phó với năng lực của đối phương cũng như các hệ thống hỗ trợ cần thiết (như tình báo, trinh sát, hỗ trợ toàn diện) sẽ được bổ xung vào hệ điều hành.
Cuối cùng, như đã đề cập trên đây, tư duy chiến lược của PLA về hệ thống vẫn còn là một mục tiêu di dộng đang diễn biến. Nhiều hệ thống, năng lực, và quan điểm được đề cập trong báo cáo này vẫn còn là mong muốn (aspiration). Ví dụ, không phải tất cả các nguồn PLA đều nhất trí là hệ điều hành cần gồm bao nhiêu thành tố (subcomponents), hoặc nên thiết lập loại hệ thống tổ chức chỉ huy như thế nào (what type of command organization system). Các nhà tư tưởng hàng đầu của PLA sẽ tiếp tục tranh luận và hoàn thiện quan điểm và lý thuyết của họ về cách nào là tốt nhất để thực thi “đối đầu hệ thống và chiến tranh hủy diệt hệ thống”. Vấn đề trở nên ngày càng quan trọng là làm thế nào để biến các mong muốn và tư duy về hệ thống hiện nay trong PLA thành hiện thực của hệ điều hành trong tương lai.
Nguyễn Quang Dy
15-16/2/2018 (Tết Mậu Tuất)
(Viet-studies)