“Chợ Tầu” quận 13 Paris: Từ vùng công nghiệp thành khu ẩm thực châu Á

Cac Bai Khac

No sub-categories

“Chợ Tầu” quận 13 Paris: Từ vùng công nghiệp thành khu ẩm thực châu Á

Thu Hằng

Phát Thứ Sáu, ngày 16 tháng 2 năm 2018

Một quầy hàng Tết nguyên đán ở chợ châu Á, quận 13 Paris, ngày 15/02/2018. RFI / Tiếng Việt 

“Chợ Tầu” quận 13 Paris, cái tên không có gì lạ lẫm với nhiều người Việt sống tại Pháp, đặc biệt là ở Paris và vùng phụ cận. Ít nhất một lần, họ từng hòa mình trong cảnh nhộn nhịp khi đi chợ, tay bắt mặt mừng vô tình gặp người quen, hoặc chí ít một lần đã từng xuýt xoa mùi thơm của nước phở, hủ tiếu, bún bò Huế hay vịt quay Quảng Đông…

Những ai lần đầu đến Pháp, chắc cũng phải bất ngờ vì tô phở ở “Chợ Tầu quận 13”… lớn gấp ba lần so với ở Việt Nam. Rồi họ cũng quen dần với… khối lượng và đặc biệt là với hương vị phở, hủ tiếu, mì Quảng… đặc trưng của quận 13, dù biết rằng vị đã bị thay đổi so với món gốc.

Nhiều người Pháp và người Việt vẫn thường gọi tắt là “China Town” hoặc “Chợ Tầu”, nhưng nhà sử học Pierre Brocheux, một người sống hơn 40 năm ở quận 13, không đồng ý với tên gọi này :

“Điều này cho thấy những gì người Pháp nghĩ trong đầu, có nghĩa là những hình ảnh, định kiến, họ coi tất cả người châu Á là người Hoa. Khi người châu Á đến sống trong khu vực này ở quận 13, rất nhiều người cảm thấy như là sự xâm chiếm vì đúng là họ đến thành từng nhóm đông, sau đó tập trung lại với nhau. Quanh khu vực Olympiades, có một hoặc hai tòa nhà cao tầng toàn người châu Á sinh sống. Lý do là chỉ có họ mới có thể trả được tiền thuê nhà rất cao hoặc có khả năng mua lại, trong khi người Pháp lại không có đủ tiền để mua. 

Tôi vẫn nhớ, và điều này khiến tôi bực mình, là ông Georges Marchais, tổng thư ký đảng Cộng Sản Pháp thời kỳ đó còn gọi khu vực này là “Hồng Kông bên bờ sông Seine” (Hongkong sur Seine). Sau đó, nhiều người khác thì gọi là “Sài Gòn bên bờ sông Seine” (Saigon sur Seine) hoặc “Chợ Lớn bên bờ sông Seine” (Cholon sur Seine), nhưng ít phổ biến hơn là “Hồng Kông bên bờ sông Seine” hoặc “China Town”. Cụm từ “China Town” vẫn tồn tại đến bây giờ. Trong khi đó, cần phải biết là phần lớn người nhập cư sống ở khu châu Á quận 13 là đến từ xứ Đông Dương, kể cả người Hoa ở đây cũng đến từ vùng Đông Dương trước kia”.

Một nhà thờ trong khu phố châu Á, quận 13 Paris.RFI / Tiếng Việt

“Tam giác Choisy”: Khu cao ốc trên nền khu công nghiệp cũ

Trước khi trở nên sầm uất với hàng loạt cửa hiệu, nhà hàng đặc trưng châu Á, quận 13 từng là cái nôi của ngành công nghiệp xe hơi Pháp. Là một trong tám quận mới được sáp nhập vào Paris vào năm 1860, quận 13 bị gắn con số “không may mắn” vì giới quý tộc nhà giầu ở tây nam Paris (quận 16 ngày nay), không muốn mang tiếng “kết hôn ở quận 13”, cách nói kỳ thị thời kỳ đó nhằm ám chỉ “sống chung không hôn thú”. Vì vậy, thay vì phân bổ theo cách đọc như truyền thống, có nghĩa là từ trên xuống dưới và từ trái sang phải, trật tự các quận ở Paris được đánh theo hình xoắn ốc hiện hành.

Một điều ngạc nhiên là không có bất kỳ nhân vật nổi tiếng nào sinh ra và lớn lên ở quận 13, nổi tiếng bình dân, ngoại trừ Charles Garnier, cha đẻ của nhà hát Opera Paris, nhưng phải nói là ông sinh ra ở khu phố đẹp nhất quận, 46 đại lộ Gobelins.

Năm 1891, ngành công nghiệp ô tô hình thành. Công ty Panhard & Levassor lập hàng loạt nhà máy, xưởng lắp ráp, kho phụ tùng rộng mênh mông ở quận 13, dọc đại lộ Ivry. Cũng tại đây, chiếc xe hơi đầu tiên đã ra đời.

“Dĩ nhiên là phải nhắc đến Panhard & Levassor, nhà máy lớn nhất, và có thể là nhà sản xuất ô tô đầu tiên của Pháp. Ngoài ra còn có nhiều nhà máy công nghiệp luyện kim, sản xuất ô tô và nhà máy đường Say, mà hiện có một sân chơi cho trẻ con được đặt tên là “Jardin Say” vì trước đó là nền của nhà máy đường”.

Khu phố công nghiệp thu hút lao động từ khắp nơi, trong đó có cả công nhân châu Á tập trung gần Quảng trường Italie (Place d’Italie). Chu Ân Lai, từng sống số nhà 17 phố Godefroy khi làm việc ở nhà máy đường Say, sau đó ở Renault, từ 1922-1924. Nhà sử học Pierre Brocheux giải thích :

“Phố Godefroy là một con phố nhỏ. Tại đây, ông Jacques Chirac, lúc đó là đô trưởng Paris, đã khánh thành tấm biển lưu niệm với hình khắc chân dung Chu Ân Lai trên tường khách sạn nhỏ đó, nơi một nhóm mà người ta gọi là “Sinh viên-Lao động Trung Quốc” từng sống sau Thế Chiến thứ nhất, nhưng thực ra họ làm việc là chủ yếu. Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình, Lý Lập Tam (Li Lisan) và nhiều người khác đều sống trong tòa nhà đó”.

Một nhà máy cũ (phố Jean-Antoine-de-Baïf), gần bờ kè Panhard & Levassor, quận 13 Paris, hiện thuộc về trường Kiến Trúc Paris-Val de Seine. Ảnh chụp ngày 27/06/2009.CC/Pymouss

Khi tập đoàn Panhard & Levassor phải giải thể trong những năm 1960-1970 vì không cạnh tranh được với Citroen, khu công nghiệp bị bỏ trống, sau được chuyển thành đất xây dựng. “Mốt” thịnh hành thời kỳ đó là những tòa tháp chọc trời, được kiến trúc sư Le Corbusier thiết kế. Thành phố cho phá hết các nhà máy, xưởng cũ và… tiếc là cả những ngôi nhà nhỏ có mảnh vườn phía trước của giới công nhân cũng bị phá hết để phục vụ dự án quy hoạch “Italie 13” rộng 87 ha, đặc biệt tại khu “Tam giác Choisy” (Triangle de Choisy) :

“Lúc đó, khu “Triangle de Choisy” (Tam giác Choisy), giữa đại lộ Massena, đại lộ Ivry và đại lộ Choisy, hoàn toàn bị phá sạch, theo sơ đồ tái quy hoạch đô thị quận 13. Ở đó, họ xây dựng những tòa nhà chọc trời để bán hoặc cho thuê… Bên cạnh đó cũng có nhiều cửa hàng để kinh doanh. Vào thời kỳ đó, mỗi khi đi dạo, qua lớp hàng rào tôn khu “Tam giác Choisy”, tôi nhìn thấy chỉ có gạch vữa và sỏi đá”.

Theo dự án ban đầu, sẽ có khoảng 16.400 căn hộ cao cấp trong 55 tòa tháp, cuối cùng chỉ có 30 tòa nhà được hoàn thiện. Lý do là khu đô thị mới không đủ sang trọng đối với giới nhà giầu. Trong khi đa số người lao động trong khu vực không đủ tiền mua những căn hộ cao cấp, và cũng không muốn sống lạc lõng trong những tòa nhà cao chót vót. Họ chuyển ra ngoại ô sống để tiếp tục được gắn bó với những khu phố nhỏ đầm ấm, thân thiện, bỏ mặc những tòa nhà chọc trời khát dân cư. Nhà sử học Pierre Brocheux đánh giá :

“Điều này đã gây nên mặt tiêu cực trong lĩnh vực tái cấu trúc đô thị. Đây cũng là một thất bại đối với những nhà quy hoạch, tại vì rất nhiều người Pháp không có đủ điều kiện để mua được những căn hộ đó. Chính vì thế, lúc đầu, rất nhiều người không màng đến khu phố Olympiades. Cho nên, việc người châu Á có điều kiện đến sinh sống tại đó đã gây nên nhiều phản ứng tiêu cực và thái độ ngờ vực”.

Đường sắt bỏ hoang trong khu châu Á, quận 13, bên cạnh là những khu chung cư cao tầng.CC/Thierry Bézecourt

Khu Đông Dương nhộn nhịp giữa Paris

Năm 1975, cuộc chiến ở Việt Nam kết thúc, nhiều người thuộc xứ Đông Dương cũ vượt biên hoặc được cấp visa sang châu Âu và thường chọn Pháp vì nói được ngôn ngữ và có cùng tôn giáo. Khu đô thị mới hiện đại “Tam giác Choisy”, nằm trong lòng thủ đô Paris, trở thành nơi ở của hàng chục nghìn người Việt, Lào và Cam Bốt nhờ sự tương trợ của mỗi cộng đồng và nhờ… chơi hụi. Nhà sử học Pierre Brocheux giải thích thêm :

“Năm 1975 vì có nhiều người vượt biên. Sau đó là đợt nhập cư năm 1983 với rất nhiều người Việt, người Trung Quốc nhận được visa vào Pháp theo diện “đoàn tụ”. Có nghĩa là nếu một người có ông là người Hoa, thì người đó sẽ nhận được visa vào châu Âu. Phần lớn người Hoa sống ở đây là người Hoa từ ba nước Đông Dương (Lào, Việt Nam, Cam Bốt).

Tại sao họ chọn quận 13? Trước hết là vì còn chỗ ở. Như tôi nói, trong một thời gian dài, khu Olympiades không thu hút được người dân Pháp. Lúc đó ở khu “Tam giác Choisy” đã có một vài cửa hiệu nhỏ, nhưng sau này bị bán lại cho người Hoa. Và những người châu Á mới đến nhận thấy có chỗ để định cư và kinh doanh. Và thế là họ đến thành từng hội, rồi đón cha mẹ và gia đình họ. Đó là cách đoàn tụ hoàn toàn tự nhiên; một hiện tượng xã hội, nhưng rất tự nhiên.

“Họ sống chủ yếu ở khu vực “Tam giác Choisy” và hiện vẫn sống ở đó. Không thể nào gọi đó là khu biệt cư (ghetto) và cụm từ “Hồng Kông bên bờ sông Seine” cũng hoàn toàn sai, vì họ sống hòa đồng trong cộng đồng người Pháp. Điều mà tôi nhận thấy, đó là theo thời gian, từ những năm 1980, 1990, 2000, 2017, cộng đồng người châu Á lấn dần đến tận Quảng trường Italie. Ta có thể nhận thấy điều này qua số lượng cửa hàng”.

Nhộn nhịp quanh năm, khu phố châu Á còn thêm tấp nập vào dịp Tết nguyên đán. Ở đây, người ta luôn tìm được hương vị quê nhà, từ bánh chưng đến cây giò, từ mứt tết đến các loại thực phẩm khô. Còn với người dân Pháp, những điệu múa lân và múa rồng nhân dịp này luôn là cơ hội để khám phá thêm nét văn hóa phương Đông.

Tết nguyên đán 2015 trên đại lộ Choisy, quận 13 Paris.