Tỉnh Vĩnh-Long

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tỉnh Vĩnh-Long

(Kỹ-niệm chuyến đi Vĩnh-Long ngày thứ năm, 10-5-1962, nhằm ngày 07-4- năm Nhâm-Dần và về hai ngày hôm sau).

Vĩnh-Long là một tỉnh lâu đời nhưng mới được mở-mang.
Vừa bước xuống xe tại bến Vĩnh-Long-Saigon, ta thấy ngay được cái vẻ thu-hút của thành-phố. Những ngôi nhà lầu rất tân-thời, sáng-sủa được dựng lên dọc theo bờ lộ, chẳng khác gì các khu-phố nổi tiếng ở các tỉnh khác.

Tôi bắt đầu đi bộ từ ngã ba Nhân-Vị (còn gọi là Ngã ba Cần-Thơ) để về chợ Vĩnh-Long. Tất cả những con đường ở đây đều rất trù-phú, dân-cư đông-đúc nên nhà cửa san-sát vào nhau và vì thế nên sự buôn-bán thịnh-vượng thấy rõ.

Trên bước lộ-trình dài non hai cây số, tôi thấy được nào là trường Sư-phạm để đào-tạo các giáo-chức chuyên-nghiệp, nào là trường Sinh-ngữ, trường Trung-học công-lập, trường kỹ-thuật dạy nghề, và những trường Tiểu-học công, tư đều đông-đảo học-sinh.

Chợ Vĩnh-Long cũng bằng như chợ Cần-Thơ nhưng sáng-sủa và mới-mẻ hơn. Vòng qua khỏi chợ, tôi đi thêm một đổi đường thì tới cầu Khưu-Văn-Ba, đấy là một chiếc cầu sắt nhỏ, hai bên có đường dành riêng cho người đi bộ. Cầu nầy bắt ngang qua một con rạch nhỏ và từ đấy có thể coi là ranh-giới tiếp với ngoại-ô. Xe có thể theo con đường nầy mà chạy xuống tỉnh Vĩnh-Bình tức là tỉnh Trà-Vinh cũ.

Cách cây cầu ba trăm thước là trụ-sở Ấp Chiến-lược được sơn phết với màu sắc sặc-sỡ. Ðối-diện với trụ-sở là hậu-cứ của Ðại-đội 359 Biệt-Ðộng-Quân, gồm một tập-hợp của sáu dãy nhà lợp thiếc, vách ván. Doanh-trại ở giữa khoảng đồng cỏ rộng, có xây pháo-đài và các trạm gác, xung-quanh là đồng ruộng lớn mênh-mông.

Tôi thông-thả bước qua chiếc cầu ván nhỏ để vào trại. Một người lính gác thấy tôi bước vào liền đi ra hỏi lớn:

– Xin lỗi, anh đi tìm ai ?
– Dạ, tôi tìm Chuẫn-Úy Quách-Văn-Hứ
– Xin lỗi, anh là chi của ổng ?
– Tôi là em

Người lính vừa chỉ vào một căn trại ở trong sâu vừa nói:

– Nhà ổng đó, anh vào trong ấy sẽ gặp ổng
– Cám ơn anh

Từ trong nhà bước ra, anh tôi mĩm cười khi trông thấy tôi, trong cái mĩm cười ấy có thoáng vẻ cãm-động. Nhìn anh tôi, nhìn đôi mắt sáng long-lanh, nhìn chiếc càm vuông-vức hàm chứa một nghị-lực dũng-mãnh khiến ai cũng có thể nói rằng anh là một người rất dữ, nhưng trên gương mặt anh lúc nào cũng có một nụ cười hiền-lành, chính cái điểm nầy đã điều-hòa cho khuôn mặt kia trở nên hiền-hậu và vui-vẻ, trẻ-trung.
Ðã mấy tháng trời xa cách, giờ mới được gặp lại, anh em nhìn nhau mà mừng mừng, tủi tủi.

Thành-phố Vĩnh-Long về đêm cũng vui-vẻ lắm, các quán kem, quán giải- khát luôn luôn tấp-nập người ra, kẻ vào. Tuy không so được với Chơ-Lớn, nhưng ở đây cũng thuộc vào loại tỉnh vui ở các miền Hậu-Giang. Dạo phố chán, khách có thể vào ngồi nghỉ chân, hóng gió ở đài kỹ-niệm chiến-sĩ trận-vong. Ðài xây giữa công-viên sát bên hông chợ, có băng đá mài, có trồng nhiều loại cây kiễng trông mát-mẻ và đẹp mắt.

Ðộ 2 giờ khuya hôm ấy thì có lịnh hành-quân. Sau hồi còi, tất cả mọi người trong trại đều thức giấc và nhộn-nhịp cả lên. Chẳng bao lâu, họ đã sửa-soạn xong, súng ống và dụng-cụ chiến-đấu đã sẳn-sàng. Họ ăn vội ít chén cơm thì tiếng còi tập-hợp ré lên đồng thời xe cũng lù-lù hiện đến ngoài lộ. Tiếng gọi nhau, tiếng cười nói vui-vẻ, tiếng chân chạy thình-thịch trên đất khô tạo một bầu không-khí vui-tươi, rạo-rực. Mãi đến giờ tôi mới thấy giờ phút hành-quân là giờ phút vui-vẻ nhứt của người chiến-sĩ, không có một vẻ gì nhúc-nhác hay buồn-bả, sợ-sệt trên gương mặt của mọi người. Anh tôi nắm tay tôi, mĩm cười và nói rất khẽ: 

– Em vào ngủ đi, trời còn sớm lắm !

Tôi khẽ gất đầu nhưng không vào, đứng dựa lưng vào cánh cửa hồi-hợp nhìn anh tôi và đoàn người đi nhanh ra xe. Tiếng xe rồ máy, đèn chiếu sang và từ từ chạy tới trong trời khuya âm-u, lạnh-lùng và buồn-bả. Cảnh-vật trở lại im-lặng và lạnh-lẽo quá, tôi nghẹn-ngào bước vào nhà.

Sáng hôm sau, khi thức dậy thì mặt trời đã lên khá cao, ánh sáng xiên qua kẽ vách làm căn phòng sáng-sủa hẳn lên, tôi choàng dậy và cảm thấy mệt-mỏi trong mình. Tôi cau mày nhớ lại đêm hôm mình cứ trằn-trọc mãi đến lúc quá mệt thì ngủ thiếp đi hồi nào không hay. Trán tôi nóng bừng lên và đầu nhức như bưng.

Hai hôm sau, hai hôm lo-âu và chờ-đợi thì có tin cuộc hành-quân chấm-dứt và Ðại-đội sắp trở về.
Kễ sao cho hết nổi vui-mừng của những người thân-nhân, khiến ai nấy đều lo sửa-soạn cơm nước và nhôn-nhao hẳn lên. Trại trở nên sống-động và linh-hoạt.

Vào khoảng một giờ chiều thì đoàn xe trở về trong tiếng hò-reo in-ỏi. Tôi đứng lặng người và nghẹn-ngào muốn rơi nước mắt khi thấy anh tôi đang nhanh-nhẹn đi về hướng tôi. Sau những ngày hành-quân vất-vả, gương mặt người lính trở nên rắn-rỏi hơn vì mưa nắng.

Ba giờ chiều hôm ấy, tôi xin từ-giã anh tôi để trở về Saigon, anh tôi theo đưa tới bến đò Mỹ-Thuận. Dọc đường, anh không ngớt kễ lại những lúc đụng độ nẫy lửa vừa qua và những nổi vui-buồn của người lính chiến. Tôi chăm-chỉ nghe đến khi xe tới bến đò rồi mà vẫn không hay.

Khi mọi người và xe cộ đã lên cả trên đò, sân bến trở lại vắng-vẻ lạ ! Ðò từ từ tách bến. Tôi đứng vịn thành đò và buồn buồn quay mặt nhìn về phía bến Vĩnh-Long. Anh tôi vẫn còn đứng trên bến đò và lặng-lẻ nhìn theo. Chiếc đò cứ xa dần, xa dần. Gió chiều thổi mạnh trong trời rộng mênh-mông, tiếng máy đò kêu đều đều buồn-bả như muốn gởi hết cả tâm-sự trên trời rộng sông dài.
Mặt nước trắng bạc, xa-xăm phản-chiếu ánh mặt trời thấp-thoáng, phơi bày sự trinh-trắng của lòng nước và sự trù-phú, thịnh-vượng của vùng đất Cữu-Long-Giang.

Ðò đã quá nửa sông, hình-ảnh anh tôi nhỏ dần trên bến vắng, tóc bị ngược về một phía và vạc áo phất-phơ vì gió lộng. Tôi đưa mắt đăm đăm nhìn về hướng chân trời, một cánh buồm trắng ngà lẽ-loi tiến một cách chậm-chạp hiền-lành, tôi nghỉ đến anh tôi, đến cuộc sống hải-hồ ở lại của một người anh đầy gian-nan, nguy-hiễm, lòng tôi xốn lên và chua-xót. Tự nhiên tôi thở dài, hai giọt nước mắt từ từ lăn xuống má !…

Ngoài kia, một cánh chim chiều đang lạc bạn bay nhanh.

Quách Văn Hà
(Saigon, 10 – 11 – 1963)