Tin khắp nơi – 17/02/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 17/02/2018

Nga: kết tội người Nga can thiệp bầu cử Mỹ là ‘phi lý”

Cáo buộc của Mỹ nói Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2016 và việc ủy ban điều tra của Hoa Kỳ công bố một ‘cáo trạng’ kết án hơn một chục cá nhân, ba tổ chức liên quan việc can thiệp này là ‘phi lý’, một quan chức của Bộ Ngoại giao Nga lên tiếng cuối tuần này.

Donald Trump xác nhận bị điều tra

Đại bồi thẩm đoàn triệu hồi để điều tra Trump-Nga

Người Mỹ là những người rất đáng ấn tượng, họ chỉ thấy những gì họ muốn thấyDoanh nhân Yevgeny Prigozhin, ‘bạn của Putin’

Trump bị điều tra ‘khả năng cản trở công lý’

Trump cáo buộc Obama vụ ‘Nga can thiệp’

Hôm 17/2/2018, bà Maria Zakharova, người phát ngôn bộ ngoại giao Nga, được truyền thông quốc tế dẫn lời nói:

“Mười ba người can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ ư?

“Mười ba người so với cả khối ngân sách hàng tỷ đôla của các cơ quan an ninh chống gián điệp và phản gián, các phát triển và công nghệ tân tiến ư?

“Điều đó có phi lý không? Tất nhiên là như thế rồi,” bà Zakharova nói.

Một trong những người có tên và bị kết tội trong bản kết luận điều tra được công bố – Yevgeny Prigozhin, người được biết đến như là “đầu bếp của Putin”, đã phủ nhận việc can thiệp và gây gian lận bầu cử.

“Người Mỹ là những người rất đáng ấn tượng, họ chỉ thấy những gì họ muốn thấy”, ông Prigozhin được hãng tin Nga, Ria Novosti, hôm thứ Sáu dẫn lời nói.

“Tôi rất tôn trọng người Mỹ, tôi không hề bực mình vì tôi đang ở trong danh sách này. Nếu họ muốn gặp ma quỷ, thì hãy để cho họ gặp”.

Ông Prigozhin là bạn của ông Putin kể từ những năm thuộc thập niên 1990.

Ông đã xây dựng một đế chế kinh doanh và đã bị cáo buộc sử dụng các công ty để khuếch tán các ý kiến ủng hộ Kremlin thông qua các danh tính giả mạo trên mạng Internet.

‘Đánh cắp danh tính’

Donald Trump lên án James Comey

James Comey điều trần về Donald Trump

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ sẽ ra điều trần

Mười ba người Nga đã bị buộc tội can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 của Hoa Kỳ, theo một ‘cáo trạng’ là công bố mới nhất từ cuộc điều tra của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI.)

Ba trong số những người bị nêu danh cũng bị buộc tội âm mưu gian lận và năm người bị buộc tội nghiêm trọng về đánh cắp danh tính.

Những cáo buộc này được công tố đặc biệt Robert Mueller, người đang điều tra các nghi án Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ và có hay không sự thông đồng giữa ông Donald Trump, ban vận động bầu cử của ông với phía Nga.

Ba công ty Nga cũng có tên trong bản cáo trạng.

Một trong số đó là Cơ quan nghiên cứu Internet có trụ sở tại St Petersburg, trong đó bản cáo trạng gồm 37 trang nói rằng “đã có một mục tiêu chiến lược để gieo mâu thuẫn trong hệ thống chính trị Mỹ, bao gồm cuộc bầu cử tổng thống năm 2016”.

Ông Trump đã được thông báo về bản cáo trạng trước đó vào thứ Sáu, , 16/2/2018, theo Nhà Trắng.

Tổng thống sau đó đã gửi ra thông điệp trên trang Twitter rằng chiến dịch của ông đã “không làm điều gì sai phạm” và một lần nữa bác bỏ việc thông đồng với Nga.

Ông Trump cũng tỏ ra thừa nhận sự can thiệp vào cuộc bầu cử của Nga – một điều mà trước đây ông đã nghi ngờ các đánh giá của cộng đồng tình báo Mỹ.

Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin và các quan chức hàng đầu của Nga đã nhiều lần bác bỏ việc can thiệp của nước này vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-43097681

 

Anh: động đất 4,4 độ ảnh hưởng xứ Wales và England

Một trận động đất nhỏ với cường độ 4,4 độ richter đã ảnh hưởng đến nhiều phần thuộc xứ Wales và England, Anh quốc.

Tin cho hay rung lắc được cảm nhận trên khắp miền nam xứ Wales, tây nam xứ England và vùng Midlands.

Cơ quan Khảo sát Địa chất Anh nói tâm chấn cách khoảng 20km về phía bắc-đông-bắc của Swansea và đo được ở độ sâu 7,4 km.

Đài Loan: Hàng loạt dư chấn sau động đất

Đài Loan: Động đất làm đổ nhà ở Hoa Liên

Bắc Hàn: Động đất nhỏ gần nơi thử vũ khí

Nỗ lực cứu người do động đất tại Mexico

Sự kiện này chỉ xảy ra ở Anh từ 2-3 năm một lần.

Cảnh sát Dyfed Powys nói họ đã nhận được “một khối lượng cực nhiều” các cuộc gọi liên quan đến các chấn động.

Trong khi đó, cảnh sát South Wales kêu gọi công chúng tránh gọi các dịch vụ khẩn cấp trừ khi để báo thiệt hại hoặc thương tích.

Steven Clathworthy, người sống gần Bridgend, Nam Wales nói rằng ông nghe thấy một tiếng nổ lớn.

“Tất cả hàng xóm đều hỏi điều gì đang xảy ra?”, ông nói.

Bryan Jones, 72 tuổi, từ Treorchy, Rhondda Cynon Taff, nói:

“Nó như một cơn chấn động và nhưng nó đã làm cháu gái tôi quá sợ hãi – nó đã chửi thề một chút còn vợ tôi đứng dậy hỏi “Cái gì xảy ra thế? “

(Tiếp tục cập nhật)

http://www.bbc.com/vietnamese/world-43099613

 

FBI bị chỉ trích

vì không ngăn cản được vụ xả súng ở Florida

Áp lực đang dồn lên FBI vì đã không có hành động thích đáng dù đã được cảnh báo về việc nghi phạm xả súng Nikolas Cruz có thể tiến hành một cuộc tấn công.

Thống đốc Florida Rick Scott nói giám đốc FBI phải từ chức, trong khi Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions đã yêu cầu mở một cuộc điều tra và than phiền về “sự kém cỏi” của FBI.

Một số trong số gần 17 nạn nhân của vụ bắn súng hôm thứ Tư lên tiếng thất vọng trước hành động của FBI.

Hôm thứ Sáu, ông Trump và Đệ nhất phu nhân Melania Trump đã đến thăm một số người bị thương trong bệnh viện, Nhà Trắng cho biết.

Tổng thống và phu nhân sau đó cũng đến thăm phòng cảnh sát quận Broward để gặp các nhân viên cảnh sát tham gia ngặn chặn vụ tấn công.

Nikolas Cruz, 19 tuổi, đã thú nhận tiến hành vụ tấn công hôm thứ Tư tại trường trung học Marjory Stoneman Douglas ở Parkland và bị buộc tội 17 tội giết người.

Đây là vụ xả súng trường học gây chết người nhất kể từ năm 2012 và đã lại làm nổ ra các cuộc tranh luận về việc kiểm soát súng, với nhiều sinh viên từ trường tham gia.

Điều gì đã gây ra sự chỉ trích mạnh mẽ đối với FBI?

Những chỉ trích trên bắt nguồn từ việc Văn phòng Điều tra Liên bang (FBI) thừa nhận đã không theo sát tin cảnh báo về Cruz.

Hôm 5/1, một người thân thiết với nghi can đã liên lạc với FBI để cung cấp “thông tin về việc Cruz sở hữu súng, mong muốn giết người, hành vi thất thường và các bài đăng có nội dung đáng lo ngại trên mạng xã hội, cũng như khả năng Cruz sẽ tiến hành một vụ xả súng trong trường học,” theo tuyên bố của FBI.

FBI cho biết thông tin trên đáng lẽ nên được xem xét như một cảnh báo đe dọa đến sinh mạng nhưng “chúng tôi thừa nhận là những quy trình trên này đã không được tiến hành.”

Giám đốc FBI Christopher Wray nói: “Tôi cam kết sẽ tìm hiểu cặn kẽ về vụ việc này, cũng như xem xét các quá trình tiếp nhận thông tin từ công chúng.

Ông nói thêm: “Chúng tôi đã nói chuyện với các nạn nhân và gia đình, và rất lấy làm tiếc cho nỗi đau đã gây tất cả cho những người bị ảnh hưởng bởi tấm bi kịch khủng khiếp này.”

Tin tố giác vào 5/1 không phải là thông tin duy nhất mà FBI nhận được về Nikolas Cruz.

Vào tháng 9, một người đàn ông ở Mississippi đã báo cáo với cơ quan an ninh về một bình luận đáng lo ngại từ một tài khoản “nikolas cruz” trong video trên YouTube, trong đó nói rằng: “Tôi sẽ trở thành tay xả súng trường học chuyên nghiệp.”

Ben Bennight nói ông đã nói chuyện với các đại diện của FBI trong khoảng 20 phút và họ liên lạc với ông một lần nữa sau vụ xả súng ở Parkland.

FBI hôm thứ Năm cho biết họ đã tiến hành “kiểm tra” vào thời điểm đó, nhưng không thể xác định được người viết lời bình luận đó.

Ai nói gì về FBI?

Thống đốc bang Florida Rick Scott nói trong một tuyên bố rằng “thất bại của FBI trong việc ngăn chặn kẻ giết người này là không thể chấp nhận được”.

Ông nói rằng một lời xin lỗi sẽ không bao giờ đem lại cho gia đình “những câu trả lời mà họ cần” và nói rằng ông Wray phải từ chức.

“Chúng ta không ngừng quảng bá khẩu hiệu “Nhìn thấy gì đó, phải nói gì đó “, và một người can đảm đã làm điều đó với FBI, mà FBI đã không hành động,” ông nói.

Tại một tang lễ cho nạn nhân 18 tuổi Meadow Pollack, Jeff Richman, một người bạn trong gia đình, truy vấn giá trị lời xin lỗi của FBI.

“FBI đã xin lỗi? Hãy nói lời đó với các gia đình nạn nhân,” ông nói với hãng tin Reuters:

http://www.bbc.com/vietnamese/world-43095919

 

Mỹ truy tố

13 người Nga can thiệp bầu cử 2016 nhằm ủng hộ Trump

Một cơ quan Internet của Nga và 13 người Nga đã can thiệp vào chiến dịch bầu cử năm 2016 ở Mỹ trong một nỗ lực nhiều mũi nhọn nhằm ủng hộ Donald Trump và dè bỉu đối thủ Hillary Clinton, Công tố viên Đặc biệt Hoa Kỳ nói trong một bản cáo trạng công bố hôm thứ Sáu.

Các cáo buộc được công bố bởi văn phòng của ông Robert Mueller mô tả một âm mưu khởi sự vào năm 2014 nhằm phá hoại cuộc bầu cử ở Mỹ được thực hiện bởi những người giả danh trên mạng để thúc đẩy những thông điệp mang tính chia rẽ. Những người này cũng đi đến Mỹ để thu thập tình báo và tổ chức các cuộc tập hợp chính trị trong khi giả dạng làm người Mỹ.

Cơ quan Nghiên cứu Internet của Nga “đã có một mục tiêu chiến lược là gieo rắc mâu thuẫn trong hệ thống chính trị của Mỹ, bao gồm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.”

Phó Bộ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein nói với các phóng viên khi loan báo những cáo buộc rằng cuộc điều tra vẫn chưa kết thúc.

“Các Bị cáo đăng những thông tin có tính miệt thị về một số ứng cử viên, và từ đầu đến giữa năm 2016, các hoạt động của các Bị cáo bao gồm hỗ trợ ban vận động tranh cử tổng thống của ứng cử viên Donald J. Trump … và dè bỉu Hillary Clinton.”

Bản cáo trạng này không đưa ra câu trả lời cho câu hỏi liệu ban vận động tranh cử của ông Trump có thông đồng với Điện Kremlin hay không, vấn đề mà ông Mueller đang điều tra.

Trong một dòng tweet đăng hôm thứ Sáu, ông Trump đưa ra sự thừa nhận trực tiếp nhất rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử, điều mà ông thường xuyên bác bỏ.

“Nga đã bắt đầu chiến dịch chống Mỹ vào năm 2014, rất lâu trước khi tôi tuyên bố ra tranh cử tổng thống. Kết quả của cuộc bầu cử không bị ảnh hưởng. Ban vận động Trump không làm gì sai trái – không có sự thông đồng!” ông Trump viết.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova gọi các cáo buộc công dân Nga can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ là “vớ vẩn” và chế giễu ý tưởng rằng ít người như vậy có thể làm suy yếu nền dân chủ Mỹ.

“13 người chống lại ngân sách hàng tỉ của giới tình báo?” bà viết trên Facebook.

Những người Nga bị buộc tội có phần chắc sẽ không bị đưa ra tòa tại Mỹ về các cáo buộc này, bao gồm âm mưu lừa đảo Hoa Kỳ, gian lận viễn thông, gian lận ngân hàng và đánh cắp danh tính.

Bản cáo trạng phần lớn nhất quán với những kết luận của một thẩm định của cộng đồng tình báo Mỹ vào tháng 1 năm 2017, xác định Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử, và rằng mục tiêu của Nga cuối cùng bao gồm việc trợ giúp ông Trump. Vào tháng 11 năm 2016, ứng cử viên Đảng Cộng hòa này giành chiến thắng bất ngờ về số phiếu cử tri đoàn trước đối thủ Đảng Dân chủ Hillary Clinton, người thắng số phiếu bầu phổ thông.

Ông Trump chưa bao giờ chấp nhận một cách rõ ràng bản báo cáo tình báo này và đã lên án cuộc điều tra của ông Mueller về việc liệu ban vận động của ông có thông đồng với Điện Kremlin hay không là một cuộc “săn phù thủy” (ý nói bức hại về chính trị).

Một số trong số những người bị buộc tội, từng giả dạng làm người Mỹ, đã liên lạc với những cá nhân có liên hệ với ban vận động của ông Trump mà không hay biết những người này là người Nga, bản cáo trạng nói. Năm ngoái, hai cựu phụ tá ban vận động của ông Trump đã nhận tội khai man với FBI – những cáo buộc do văn phòng của ông Mueller đưa ra.

Bản cáo trạng nêu đích danh Cơ quan Nghiên cứu Internet, có trụ sở tại thành phố St. Petersburg của Nga, 13 công dân Nga và hai công ty khác.

Bản cáo trạng mô tả một hoạt động tinh vi, kéo dài nhiều năm và được tài trợ dồi dào, được gọi là “Dự án Lakhta,” của các thực thể Nga nhằm gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử mà bắt đầu khá sớm từ tháng 5 năm 2014.

Nó cho thấy mức độ tinh vi và sự hoạch định kỹ càng hơn nhiều so với những gì từng biết trước đây đằng sau những nỗ lực được nói là của Moscow nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử.

Bản cáo trạng nói rằng những người Nga này đã sử dụng bất hợp pháp số an sinh xã hội bị đánh cắp và ngày sinh của người Mỹ để mở các tài khoản trên nền tảng thanh toán kỹ thuật số PayPal và đăng lên mạng xã hội sử dụng danh tính giả.

Bản cáo trạng nói các bị cáo và những người khác đã bắt đầu sản xuất, mua và đăng các quảng cáo chính trị lên mạng xã hội ở Mỹ.

Những quảng cáo này bao gồm những nội dung như “Tôi nói không với Hillary Clinton/Tôi nói không với sự thao túng,” “Hãy tham gia #HillaryClintonForPrison2016 của chúng tôi,” “Donald muốn đánh bại khủng bố. . . Hillary muốn bảo trợ khủng bố,” và “Trump là niềm hy vọng duy nhất của chúng ta cho một tương lai tốt đẹp hơn.”

Facebook và Twitter, các công ty mạng xã hội có nền tảng được sử dụng để phát tán những nội dung này, đều từ chối bình luận về bản cáo trạng.

Người Nga cũng tìm cách đo lường tác động của các hoạt động trên mạng xã hội của họ, theo dõi số lượng khán giả ở Mỹ đạt được thông qua những nội dung đăng tải và các hình thức tương tác khác, như số lượt thích (likes), bình luận và lượt đăng lại, theo bản cáo trạng.

Cơ quan Nghiên cứu Internet được đăng ký với chính phủ Nga trong tư cách là một doanh nghiệp vào tháng 7 năm 2013 và địa điểm St. Petersburg “trở thành một trong những trung tâm hoạt động của tổ chức này” mà thông qua đó các bị cáo và những người khác “thực hiện các hoạt động can thiệp vào hệ thống của Mỹ,” bao gồm cuộc bầu cử tổng thống, bản cáo trạng nói.

Tổ chức này đã thuê mướn hàng trăm người, từ những người tạo ra những nhân vật hư cấu cho đến các chuyên gia kỹ thuật, và tới tháng 9 năm 2016 ngân sách của họ đã vượt quá 1,2 triệu đôla, văn kiện tòa án cho biết.

https://www.voatiengviet.com/a/my-truy-to-13-nguoi-nga-can-thiep-bai-cu-2016-nham-ung-ho-trump/4258695.html

 

Trung Quốc tuyên bố bảo vệ lợi ích

nếu Mỹ áp đặt trừng phạt thương mại

Trung Quốc hôm thứ Bảy cảnh báo họ sẽ có những biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của mình nếu Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại cứng rắn lên thép và nhôm xuất khẩu của Trung Quốc.

Bộ Thương mại Hoa Kỳ hôm thứ Sáu khuyến nghị áp thuế quan nặng lên Trung Quốc và các nước khác để chống lại tình trạng dư thừa thép và nhôm toàn cầu, đưa ra một loạt các lựa chọn khả dĩ trong một báo cáo cho Tổng thống Donald Trump.

Hành động này cho phép ông Trump có cơ hội giáng một đòn gây chú ý cho chính sách thương mại “Nước Mỹ trước tiên” của ông. Ông sẽ quyết định về các biện pháp này vào tháng sau nhưng đã khơi lên lo sợ về hành động trả đũa và một cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

“Nếu quyết định cuối cùng của Mỹ ảnh hưởng đến lợi ích của Trung Quốc, chúng tôi sẽ có những biện pháp cần thiết để bảo vệ các quyền của chúng tôi,” Vương Hạ Quân, một cục trưởng tại bộ thương mại Trung Quốc, nói trong một thông cáo phản hồi báo cáo của Mỹ.

Báo cáo của Mỹ trình bày những lo ngại về sản lượng thép dư thừa của Trung Quốc theo khía cạnh an ninh và quốc phòng – một cách tiếp cận và ông Vương bác bỏ.

“Các kết luận của các cuộc điều tra (của Bộ Thương mại Hoa Kỳ) là vô căn cứ và không tương ứng với thực tế,” ông nói.

Washington “không nên áp dụng dễ dãi các biện pháp hạn chế dưới chiêu bài ‘an ninh quốc gia’… một công thức mơ hồ có thể dễ dẫn đến việc lạm dụng,” ông nói.

Trung Quốc sản xuất khoảng một nửa lượng thép của thế giới nhưng cung cấp ít hơn hai phần trăm lượng thép mà Mỹ nhập khẩu.

Mỹ và EU lập luận rằng sản lượng thép dư thừa của Trung Quốc được nhà nước trợ giá rất nhiều và đã đẩy giá thế giới xuống thấp, gây tổn hại đến sản xuất trong nước của họ.

Ông Trump hôm thứ Ba cáo buộc Bắc Kinh làm kiệt quệ ngành thép và nhôm ở Mỹ, nói rằng ông “đang xem xét tất cả các lựa chọn.”

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-tuyen-bo-bao-ve-loi-ich-neu-my-ap-dat-trung-phat-thuong-mai/4258941.html

 

Thái Lan vinh danh tổng tư lệnh Myanmar

giữa khủng hoảng người Rohingya

Thái Lan hôm thứ Sáu đã trao tặng một huân chương hoàng gia cho tổng tư lệnh quân đội của Myanmar trong bối cảnh đang có những cáo buộc về những tội ác mà các lực lượng an ninh Myanmar phạm phải đối với người Hồi giáo Rohingya khiến quốc tế lên án.

Gần 700.000 người Rohingya đã tháo chạy khỏi bang Rakhine của Myanmar và đã vượt qua biên giới vào Bangladesh kể từ tháng 8 năm ngoái, khi các vụ tấn công nhắm vào các chốt an ninh của phiến quân đã khơi ra một cuộc đàn áp quân sự mà Liên Hiệp Quốc nói là ngang như một sự thanh tẩy sắc tộc, với các báo cáo về các vụ tấn công phóng hỏa, giết người và hãm hiếp.

Tổng tư lệnh quân đội Myanmar, Thống tướng Min Aung Hlaing, được trao tặng Huân chương Bạch Tượng Hiệp sĩ Đại Thập tự (Nhất đẳng) tại một buổi lễ ở Bangkok, theo thông tin từ website chính thức của vị tướng này.

Website cũng cho thấy hình ảnh của tổng tư lệnh bắt tay với người đồng cấp Thái Lan, Tướng Tarnchaiyan Srisuwan.

Đất nước Thái Lan thường trao tặng huân chương hoàng gia cho các tổng tư lệnh quân đội của các nước khác ủng hộ quân đội Thái Lan, phát ngôn viên lục quân Thái Lan, Thiếu tướng Nothapol Boonngam, nói.

“Ông ấy nhận được vinh dự này vì mối quan hệ quân sự của hai nước chúng tôi. Chúng tôi hỗ trợ các nhiệm vụ của nhau và có các chuyến thăm qua lại. Lục quân của hai nước chúng tôi có nhiều hoạt động chung,” ông Nothapol nói với hãng tin Reuters, nói thêm rằng lục quân Thái Lan đã đề nghị huân chương này cho ông Hlaing từ năm ngoái.

“Đây là vấn đề tách bạch với nhân quyền.”

Đầu tuần này, Thái Lan và Mỹ đã khởi động các cuộc tập trận quân sự Cobra Gold (Hổ Mang Vàng) hàng năm ở Thái Lan – là cuộc tập trận lớn nhất ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Thái Lan đã mời Myanmar đến quan sát các phần cứu trợ thiên tai và trợ giúp nhân đạo của cuộc tập trận Cobra Gold, khơi lên chỉ trích từ các nhóm nhân quyền đặt câu hỏi vì sao một quân đội bị cáo buộc thanh tẩy sắc tộc lại có được sự tiếp cận như vậy.

Đại sứ quán Mỹ ở Bangkok tuần này nói rằng Myanmar không tham gia bất kỳ cuộc tập trận nào.

https://www.voatiengviet.com/a/thai-lan-vinh-danh-tong-tu-lenh-myanmar-giua-khung-hoang-nguoi-rohingya/4258399.html

 

Pháp: Tổng thống Macron

muốn đa dạng hóa đối tác tại châu Á

Thu Hằng

Trong bài diễn văn chúc Tết Nguyên Đán ngày 16/02/2018, tổng thống Pháp muốn sang trang với cách thức « uể oải » trong quan hệ giữa Pháp và châu Á. Ông Emmanuel Macron hy vọng mở thêm nhiều điểm thâm nhập vào khu vực, ngoài các nước lớn như Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ.

Phát biểu trước đại diện cộng đồng châu Á tại điện Elysée, tổng thống Macron cho rằng các đối tác Pháp « từ lâu chỉ tập trung vào những nước lớn, quan trọng ở châu Á-Thái Bình Dương, như Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản ». Nhưng Pháp « cũng phải có mối quan hệ mạnh mẽ với Indonesia, Úc, Hàn Quốc, Việt Nam, Singapore, Malaysia ». Theo đánh giá của ông Macron, « cần phải quảng bá hơn nữa hình ảnh nước Pháp như là một vùng đất đổi mới, phát kiến và sáng tạo ».

Nhân dịp này, tổng thống Pháp thông báo sẽ đến Ấn Độ tham dự thượng đỉnh Liên Minh Năng Lượng Mặt Trời Quốc Tế mà Pháp là một nhà đồng sáng lập. Ông cũng sẽ tiếp thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Paris vào tháng 07/2018 nhân kỷ niệm 160 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương.

Pháp mở rộng danh sách lĩnh vực được bảo vệ

Trong lĩnh vực doanh nghiệp, cùng ngày 16/02, thủ tướng Pháp Edouard Philippe thông báo danh sách các lĩnh vực được bảo vệ sẽ có thêm trí thông nhân tạo, không gian, lưu trữ dữ liệu và bán dẫn. Các nhà đầu tư nước ngoài phải nhận được sự đồng ý của chính phủ mới được tham gia vào một công ty hoạt động trong các lĩnh vực trên.

Theo Reuters, dự thảo luật Pacte (kế hoạch hành động vì tăng trưởng và chuyển đổi doanh nghiệp) sẽ được trình lên hội đồng bộ trưởng vào ngày 18/04 nhằm « củng cố các biện pháp bảo vệ lợi ích của Pháp, đó là việc mà Trung Quốc và Hoa Kỳ đã làm từ lâu », theo phát biểu tại tỉnh Oise của người đứng đầu chính phủ Pháp.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180217-phap-tong-thong-macron-muon-da-dang-hoa-doi-tac-tai-chau-a

 

Syria: Quân Đội Thổ Nhĩ Kỳ

bị tình nghi dùng khí độc tại Afrin

Trọng Nghĩa

Lực lượng người Kaurdistan tại Syria và một tổ chức theo dõi tình hình Syria đã tố cáo Quân Đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành một cuộc tấn công bằng khí độc vào khu vực Afrin tại Syria hôm 16/20/2018, gây hại cho 6 người dân. Phía Thổ Nhĩ Kỳ chưa phản ứng, cho dù trước đó luôn phủ nhận các cáo buộc về việc tấn công vào thường dân trong các chiến dịch tại Afrin.

Theo hãng tin Anh Reuters, ông Birusk Hasaka, phát ngôn viên lực lượng YPG người Kurdistan ở Afrin, Thổ Nhĩ Kỳ đã oanh kích một ngôi làng ở phía tây bắc của khu vực Afrin, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Sau cuộc tấn công, đã có 6 người bị ngạt thở và các triệu chứng khác, dấu hiệu của hiện tượng bị trúng hơi độc.

Vào tháng trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã tung một chiến dịch trên không và trên bố đánh vào vùng Afrin nhằm vào các chiến binh người Kurdistan  ở miền bắc Syria, mở ra một mặt trận mới trong cuộc chiến tranh tại nước này.

Tổ chức Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria cũng xác nhận với hãng Reuters sự kiện lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và đồng minh trong phe nổi dậy Syria đã pháo kích ngôi làng này ngày 16/02. Theo tổ chức theo dõi chiến sự ở Syria này, các nguồn tin y tế tại Afrin cho biết là có sáu nạn nhân cuộc tấn công bị khó thở và đồng tử mắt bị nở to. Đây là các triệu chứng của việc bị trúng khí độc.

Hãng thông tấn SANA của Syria cũng trích lời một bác sĩ tại một bệnh viện Afrin, cho biết hiện tượng tương tự xẩy ra với 6 bệnh nhân.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180217-syria-quan-doi-tho-nhi-ky-bi-tinh-nghi-dung-khi-doc-tai-afrin

 

Mỹ – Hàn sẽ tiếp tục tập trận

bất chấp quan hệ Liên Triều cải thiện

Trọng Nghĩa

Trước các động thái hòa dịu hẳn của Bắc Triều Tiên, chính quyền Hàn Quốc vẫn duy trì quan điểm thận trọng. Ngày 17/02/2018, tổng thống Hàn Quốc cho rằng vẫn còn quá sớm để có quyết định dứt khoát về một hội nghị thượng đỉnh Liên Triều. Tuyên bố thận trọng này được đưa ra trong bối cảnh các quan chức Seoul xác nhận sẽ tiếp tục tập trận với đồng minh Mỹ, bất chấp những lời kêu gọi hủy bỏ liên tiếp của Bình Nhưỡng.

Theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap, phát biểu nhân dịp ghé thăm Trung Tâm Báo Chí của Thế Vận Hội PyeongChang, tổng thống Moon Jae In đã lưu ý rằng lúc này còn quá sớm để nói về thời điểm, thậm chí về sự tồn tại của một hội nghị thượng đỉnh Liên Triều, mà khả năng đã được lãnh đạo Bắc Triều Tiên gợi lên vào tuần trước.

Ngay khi ấy, tổng thống Hàn Quốc đã không trả lời ngay lời mời của Bình Nhưỡng khi nhấn mạnh đến sự cần thiết của một số điều kiện phù hợp.

Việc Bình Nhưỡng tỏ thái độ mềm mỏng với Seoul đã bị Washington hết sức nghi ngờ. Như để trấn an đồng minh Mỹ, Hàn Quốc mới đây đã xác nhận với Hoa Kỳ rằng các cuộc tập trận chung, được tạm gác trong thời gian Thế Vận Hội, sẽ được tái lập kể từ tháng Tư.

Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, Bruce Klingner, một chuyên gia cấp cao về Đông Bắc Á của Heritage Foundation tại Washington cho biết là toàn bộ quan chức Hàn Quốc mà ông có dịp tiếp xúc đều đảm bảo rằng các cuộc tập trận chung của liên quân Mỹ-Hàn sẽ tiếp tục diễn ra “như từ trước đến nay”.

Câu hỏi đặt ra là nếu các cuộc tập trận Mỹ Hàn tiếp diễn, phản ứng của Bắc Triều Tiên sẽ ra sao, có sẽ tiếp tục “mềm mỏng” với người anh em miền Nam nữa hay không?

Mới hôm trước (16/02), Bình Nhưỡng còn bắn tiếng nhắc lại yêu cầu Hàn Quốc hủy bỏ toàn bộ các cuộc diễn tập quân sự với Mỹ, vốn bị Bắc Triều Tiên cho là những cuộc tập trận nhằm chuẩn bị tấn công xâm lấn Bắc Triều Tiên. Theo hãng tin Nhật Kyodo, lời nhắc nhở được nêu lên trên trang web Uriminzokkiri của Bắc Triều Tiên.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180217-my-han-tiep-tuc-tap-tran-bat-chap-quan-he-lien-trieu-cai-thien

 

Brazil: Quân đội

được giao nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho Rio de Janeiro

Mai Vân

Tại Brazil, do việc tình trạng tội phạm gia tăng mạnh trong những tháng gần đây, đặc biệt trong thời gian lễ hội Carnaval, tổng thống Temer ngày 16/02/2018 đã ký sắc lệnh chuyển thẩm quyền bảo vệ trật tự và an ninh thành phố Rio de Janeiro cho quân đội.

Quyết định này đã gây tranh cãi vì là một biện pháp chưa từng thấy, theo đó, các lực lượng cảnh sát được đặt dưới quyền chỉ huy của quân đội.

Thông tín viên RFI tại Rio de Janeiro, François Cardonna tường thuật:

“Quân đội sẽ nắm quyền kiểm soát toàn bộ lực lượng cảnh sát. Biện pháp của tổng thống còn phải được Nghị Viện hợp thức hóa, nhưng một viên tướng quân đội đã được đề cử để đảm bảo vấn đề an ninh quốc gia. Sĩ quan này đã từng bảo đảm an ninh cho Rio vào lúc diễn ra Thế Vận Hội 2016.

Vị tướng được cử sẽ thay thế một người trong giới dân sự: bộ trưởng đặc trách an ninh công cộng vốn đã bị đình chỉ công tác. Thị trưởng Rio đang công du nước ngoài đã hoan nghênh biện pháp chưa từng thấy này.

Tình trang mất an ninh của thành phố Rio đã trở nên nghiêm trọng trong những tháng qua. Những vụ cướp bóc, hành hung xẩy ra như cơm bữa. Số lượng hành động phạm tội đã bùng lên nhân lễ Carnaval.

Đây là lần đầu tiên từ khi Hiến Pháp được thông qua năm 1988 mà chính quyền liên bang quyết định can thiệp, đưa quân đội qua nắm một định chế dân sự.

Quân đội có thể đảm trách trật tự an ninh ở Rio cho đến cuối năm. Mục tiêu, theo lời tổng thống Temer, là để tận diệt tình trạng tội pham được ông ví như là một bênh ung thư sắp lây lan ra cả nước”.

Bang Rio hiện đang ở bên bờ phá sản, ngân quỹ trống rỗng, lương công chức, trong đó có cảnh sát, bị trả trễ cả mấy tháng.

Đối với người dân Rio, cảnh trực thăng quân sự bay lượn trên không, trong lúc xe jeep và xe thiết giáp tuần tra trên đường phố đã quá quen thuộc. Những năm gần đây, quân đội thường được huy động để bảo đảm an ninh cho nhiều sự kiện hay chiến dịch, nhưng chưa bao giờ một quân nhân lại được cử cai quản toàn bộ lực lượng cảnh sát.

Người dân tỏ vẻ thông cảm, vì như giải thích của chủ một cửa hàng: “Những tên cướp tấn công vào mọi nơi, tấn công vào người đi đường, ở khu chợ, ở nhà hàng, thậm vào cả ngân hàng”.

Nhưng có người cũng phản đối, như một sinh viên 23 tuổi, cho là quyết định của tổng thống Temer phản ánh một sự quản lý tồi tệ, đưa đến tình trạng này. Theo sinh viên này, đưa quân đội vào thành phố không phải là một biện pháp tốt, vì gợi lên những năm đen tối của giai đoạn độc tài 1964-1985.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180217-brazil-quan-doi-duoc-giao-nhiem-vu-bao-dam-an-ninh-cho-rio-de-janeiro

 

Bắc Triều Tiên âm thầm kỷ niệm sinh nhật Kim Jong Il

Ngày 16/02/2018, Bình Nhưỡng đã tổ chức kỷ niệm ngày sinh của cố lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Il, cha của lãnh đạo hiện nay. Ông Kim Jong Un đến viếng Cung kỷ niệm Kumsusan, nhưng tránh mọi hành động khiêu khích trong bối cảnh Bình Nhưỡng thúc đẩy ngoại giao liên quan đến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Theo hãng thông tấn KCNA của Bắc Triều Tiên, được trang Nikkei trích dẫn, tháp tùng ông Kim Jong Un đến viếng Cung kỷ niệm Kumsusan, nơi yên nghỉ của ông nội Kim Nhật Thành và cha là Kim Jong Il, còn có ba phó chủ tịch đảng Lao Động là Choe Ryong Hae, Pak Kwang Ho và Ri Su Yong.

Đáng chú ý có lẽ là ông Hwang Pyong So, cựu tổng cục trưởng Tổng Cục Chính Trị thuộc quân đội Triều Tiên, từng có tin đồn là bị hành quyết, cũng tham gia buổi lễ trong trang phục dân sự.

Một dấu hiệu khác được cho là « hòa dịu » từ phía Bình Nhưỡng sau khi cử phái đoàn sang tham dự Thế Vận Hội mùa đông Pyeongchang : Lần đầu tiên kể từ nhiều năm qua, một số bài hát K-Pop Hàn Quốc được biểu diễn trước công chúng ở Bình Nhưỡng.

Nhiều cơ quan truyền thông của Bắc Triều Tiên đưa tin Dàn Nhạc Samjiyon của nước này đã « biểu diễn lại nhiều bài hát của miền nam » trong một buổi biểu diễn ngày 16/02 tại Bình Nhưỡng, trước nhiều quan chức của đảng và nghệ sĩ.

Trước đó, nhóm nhạc nổi tiếng của Bắc Triều Tiên đã trình diễn hai buổi nhân Thế Vận Hội tại Hàn Quốc, ở Gangneung và ở Seoul. Khoảng 120.000 người đã tìm cách có được một tấm vé trong số 1.000 vé bán ra tại Seoul.

Hai cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong Il rất hâm mộ nhạc pop Hàn Quốc. Năm 2000, nhân kỳ họp thượng đỉnh lịch sử giữa hai miền, nhiều ca sĩ và nhạc sĩ miền nam đã đến miền bắc và gặp Kim Jong Il. Lãnh đạo Bắc Triều Tiên lúc đó đã cho phép họ trình diễn khoảng 20 bài hát.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180217-bac-trieu-tien-am-tham-ky-niem-ngay-sinh-cua-kim-jong-il

 

NATO khó chịu vì các dự án phòng thủ chung của Liên Âu

Thu Hằng

Quan hệ giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên Hiệp Châu Âu là chủ đề thảo luận đầu tiên ngay trong ngày khai mạc 16/02/2018 Hội nghị An ninh Munich thường niên. Liên Hiệp Châu Âu muốn phát triển phòng thủ chung, tuy nhiên dự án này lại khiến NATO khó chịu.

Đặc phái viên RFI Pascal Thibaut tường trình từ Munich :

« Hai bộ trưởng Quốc Phòng vất vả để trấn an NATO. Bộ trưởng Quốc Phòng Đức Ursula von der Leyen nhấn mạnh : « Chúng tôi muốn ở lại trong tổ chức xuyên Đại Tây Dương và đồng thời muốn có thêm bản sắc châu Âu ». Còn đồng nhiệm Pháp Florence Parly thì nhắc đến một liên minh « cần thiết ».

Nhưng cả hai bộ trưởng đều bảo vệ một dự án quan trọng của Pháp và Đức, đó là khôi phục nền quốc phòng châu Âu. Bà Laurence Parly phát biểu : « Chúng tôi phải có quyền tự chủ chiến lược của mình, hiểu theo đúng nghĩa, tức là không buộc Hoa Kỳ phải đến giúp đỡ chúng tôi ».

Tháng 12/2017, Liên Hiệp Châu Âu thông báo một chiến lược hợp tác lâu dài về an ninh và quốc phòng để phát triển khả năng phòng thủ và đầu tư vào nhiều dự án chung. Phát triển thêm về quốc phòng cũng có nghĩa là thêm nhiều tiền.

Bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Florence Parly đã nhắc lại thông báo vào tuần trước là Pháp tính dành 2% GDP cho chi phí quốc phòng từ nay đến năm 2025. Bà Ursula von der Leyen cũng thông báo những nỗ lực mới bên phía Đức. Ngoài ra, Paris còn đề xuất thiết lập một lực lượng can thiệp chung châu Âu, có khả năng hoạt động ngoài phạm vi các cơ cấu đã tồn tại của NATO và Liên Hiệp Châu Âu.

Chừng đó dự án cũng khiến NATO và Hoa Kỳ bực tức, thậm chí là nghi ngờ. Ông Jens Stoltenberg, tổng thư ký NATO, cũng có mặt tại Munich, nhận định : « Chúng tôi hoan nghênh những sáng kiến của châu Âu nhưng những dự án này không nên bị trùng lặp với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương và cũng không phải là một giải pháp song song với NATO. Tất cả chúng ta đều phụ thuộc vào NATO. Tổ chức này đóng vai trò quan trọng cho an ninh của châu Âu. Thật đáng hoan nghênh nếu những lực lượng mới này sẵn sàng cho các chiến dịch của NATO ».

Với bà Florence Parly, đối lập Liên Hiệp Châu Âu với NATO là « một cuộc tranh luận sai lệch ». Thật hay giả thì dù sao cuộc tranh luận đã được khơi mào ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180217-nato-kho-chiu-vi-cac-du-an-phong-thu-chung-cua-lien-au

 

Mỹ: Khoảng 700.000 “Dreamers” lại có nguy cơ bị trục xuất

Thu Hằng

Số phận của gần 2 triệu thiếu niên nhập cư đến Mỹ từ nhỏ cùng gia đình vẫn chưa được định đoạt, trong khi quy chế liên quan đến họ sẽ hết hiệu lực ngày 05/03/2018. Sau ba ngày thảo luận gay gắt, Thượng Viện Mỹ đã không vượt qua được những bất đồng về dự thảo cải cách luật về những « Dreamers »này. Bốn dự thảo được đưa ra bỏ phiếu đã không thu được đa số cần thiết vào ngày 15/02.

Thông tin viên RFI Anne Corpet tại Washington cho biết :

« Người đứng đầu phe đa số Dân Chủ tại Thượng Viện thừa nhận : « Đây là một tuần đáng thất vọng. Nếu tổng thống ngừng ngấm ngầm phá hoại những nỗ lực của chúng tôi, thì có lẽ chúng tôi đã có thể đạt được một đạo luật được cả hai đảng nhất trí ».

Hai ông Mitch McConnell và Chuck Schumer đã không ngừng nỗ lực để cố đạt được một thỏa thuận chung, nhưng không một văn bản nào thu được 60 phiếu cần thiết.

Một trong những văn bản được đưa ra bỏ phiếu liên quan đến việc tháo khoán 25 triệu đô la để đảm bảo an ninh đường biên giới và dự trù tiến trình cấp quốc tịch cho những « Dreamers ». Tuy nhiên, tổng thống Donald Trump đã can thiệp bằng cách chỉ trích toàn bộ dự thảo trên không có biện pháp giúp giảm mạnh mẽ tình trạng nhập cư hợp pháp.

Văn bản mới được đề xuất này, phù hợp với các mong muốn của Nhà Trắng, đã không nhận được đủ số phiếu. Nếu không có đạo luật mới, khoảng 700.000 thanh niên nhập cư bất hợp pháp đến Hoa Kỳ khi còn nhỏ có nguy cơ bị trục xuất.

Trong một tin Tweet ngày 16/02, tổng thống Mỹ lên án phe Dân Chủ đã bỏ rơi những thanh niên này. Nhưng thực ra, chính Nhà Trắng đã bãi bỏ quy chế hợp pháp của những « Dreamers » có từ thời tổng thống Obama và như vậy, chính Nhà Trắng đã gây nên tình trạng rối ren mà họ đang phải trải qua hiện nay ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180217-my-khoang-700000-%C2%AB-dreamers-%C2%BB-lai-co-nguy-co-bi-truc-xuat