Vĩnh Long Xuân Khói Lửa – Quốc Phùng
Trong các mùa xuân tôi đã trãi qua từ thuở thiếu thời, Mậu Thân là năm để lại nhiều kỹ niệm và ấn tượng mạnh mẽ trong tôi nhất. Tôi đã thật sự đối diện và sống tận cùng với không khí chiến tranh. Thuở ấy mặc dù đất nước đang hứng chịu điêu linh tang tóc hàng ngày nhưng mặt trận có vẻ xa vời đâu đâu. Họa chăng là những chiếc trực thăng lạch bạch trên nền trời hay những đoàn công voa chở đầy lính chạy ngang nhà. Hoặc gần hơn nữa là “những đóm mắt hỏa châu” lơ lửng hướng ngoài vòng đai phi trường.
Trước đó của những năm đầu trung học tôi đã từng theo dõi “hàm thụ” một cách say sưa những trận đánh kinh hồn trên các vùng chiến thuật. Ngày ấy ngoài những cuốn sách mua hay mượn, do chổ lối xóm và cũng quen biết nhau, tôi thường hay lân la sang nhà của anh Ron, lúc ấy là trung úy thiết giáp, mang về những cuốn Chiến Sĩ Cộng Hoà, Đa Hiệu…rồi ngấu nghiến đọc. Thêm những chuyện chiến trường của Nguyễn Đình Thiều, Nguyên Vũ, Phan Nhật Nam…Nhờ đó mà tôi biết đến những A Shao, Lao Bảo, Gio Linh, Ấp Bắc, Đầm Dơi… Tôi cũng biết luôn chiếc máy bay F5A khác chiếc A37 như thế nào, trực thăng UH1 khác chiếc Cobra Gunship ra sao. Chiến xa M41 sử dụng khác M113 trong từng mặt trận và cọp Ba Đầu Rằn một thuở danh trấn giang hồ…
Cũng cần nói thêm là anh trung úy Phan văn Ron thuộc Thiết Đoàn 2 Kỵ Binh mấy năm sau vừa lên thiếu tá thì bị tử trận. Trung tướng Đỗ Cao Trí mới vừa gắn Bảo Quốc Huân Chương và vinh thăng Trung Tá cho anh buổi sáng thì cũng bị tử nạn máy bay ngay trong ngày hôm ấy! Tôi nhìn phía trên quan tài anh Ron vừa mới chuyển về quê vợ ở Tân Ngãi, Vĩnh Long ngoài hai bông mai bạc còn có một tràng hoa với dòng chữ: “Trung tướng Đỗ Cao Trí thành kính phân ưu” mà nghe lòng ngẩn ngơ. Cả người gắn huy chương lẫn người nhận huy chương đều ra người thiên cổ!…
Sáng mùng một tết chúng tôi về quê nội ở Sađéc đến gần chiều mới trở lại Vĩnh Long. Chưa vội về nhà, chúng tôi làm một chuyến “thăm dân cho biết sự tình” dưới chợ và lòng vòng những khu phố thân quen. Chổ ghé lại đầu tiên là rạp hát Vũ Đông. Lạ ghê, người ở đâu mà đông quá, nhộn nhịp hơn mọi năm rầt nhiều! Cả chục sòng bầu cua cá cọp bu nghẹt người chơi. Nhưng sao toàn đàn ông thanh niên chứ không có mấy đàn bà trẻ con. Nhìn phong cách họ thấy toàn là “dân quận” không hà!!! Da ngâm đen, tóc tai thiếu hớt chải cẩn thận, mặc quần tây cũ, áo bỏ ngoài quần, đi chân không hoặc mang dép. Dài theo đường Gia Long băng ngang trước cổng trường Tống Phước Hiệp rồi quẹo qua đường Trương Vĩnh Ký đến đất Thánh Tây…Đâu đâu cũng thấy sòng bài, bầu cua và… dân quận!!!
Tôi mang nỗi thắc mắc buâng khuâng về đến nhà. Ba tôi cũng đi thăm nhà nội nhưng về trước chúng tôi từ lâu đang lắng nghe radio. Ba tôi nói Việt Cộng đánh Huế đêm qua ngay giao thừa! Tôi chợt nghĩ đến không khí khác lạ dưới chợ hồi chiều, một cảm giác bất an đè nặng tâm tư!
*
* *
Hai giờ sáng đang chìm trong giấc ngủ thì hàng loạt tiếng nổ dồn dập, dữ dội đánh thức mọi người. Âm thanh cuống cuồng và cấp bách. Tiếng nổ có vẻ ở phía trước đang bắn vào thành thiết giáp. Cả nhà tuôn xuống nhà sau với hy vọng những bức tường che chở và chắn đạn được. Chúi nhủi xuống góc nhà một hồi, tiếng súng bên ngoài vẫn ồn ào không ngớt và càng tăng cường độ.
Tôi nghe rõ tiếng súng cộng đồng gần lắm. Cành… cành… cành… sát một bên tai! Không lẽ họ đặt súng lớn phía sau nhà mình? Đang lo sợ và hoang mang cực độ bỗng nghe bộp…bộp…bộp… Gạch, vôi, xi măng ào ào đổ xuống đầu chúng tôi! Ba tôi la lên “Chạy ra nhà trước. Căn cứ Mỹ bắn đại liên về phía nhà mình!!!”. Mặt nhà phía sau nhìn hướng về phía quận Mới có một dãi lầu cao ba tầng được Mỹ mướn làm căn cứ dân sự. Nói là dân sự chứ rào năm ba lớp. Nhân viên canh gác lô cốt súng ống dữ dằn. Trên sân thượng chất đầy bao cát lấp ló mấy họng đại liên 12 ly 7. Đây là những họng súng bắn về phía khu nhà chúng tôi. Cả gia đình lại một phen tất tả chạy lên nhà trên.
Lần này mọi người cẩn thận chui tuốt xuống sàn đi văng. Làm như lớp ván mong manh đó che chở được phia trên đầu. Văng vẳng xa xa về hướng trường Thủ Khoa Huân (xây sau này) tôi nghe tiếng súng nhỏ nổ nhiều lắm hòa lẫn tiếng hô xung phong vang dậy. Nơi đó lúc bấy giờ là một trại tiếp vận của sư đoàn 9 bộ binh và tôi có một người anh bà con đóng ở đó. Tôi lo sợ cho tính mạng của anh! Sau này hỏi lại anh trả lời là trại anh không bị tấn công. Bọn anh bắn về hướng súng của địch đang tấn công bộ chỉ huy Thiết Đoàn 2 kỵ binh và hô “xung phong” để … lên tinh thần!
Trời càng sáng tiếng súng càng thưa dần. Tôi nghe tiếng thiết vận xa M113 di chuyển ngoài lộ và từng tràng đại liên 30 trên xe bắn rào rào về hướng Tân Hạnh. Mấy người anh em “dân quận” chắc cũng rút vội về hướng ấy rồi. Tôi và anh tôi hé cửa sổ ra xem bị má tôi la quá nên vội đóng lại. Vẳng xa xa về hướng Vĩnh Long tiếng súng vẫn còn râm ran.
Trời sáng hẳn. Tôi và anh tôi vội mở cửa bước ra “thị sát” quanh nhà. Sau vườn có nhiều dấu chân bùn sình băng ngang miếng đất đi qua nhà lối xóm hướng về trại thiết giáp cách đó không xa. Một vũng máu còn tươi đọng ở bờ mương phía hông nhà, và dưới mương cỏ nằm rạp xuống như có ai kéo một thùng gì to lớn lắm…
Lối xóm bắt đầu lục tục kéo ra nghe ngóng tình hình. Dân tình coi bộ cũng có chết chóc lai rai. Một thằng bạn học chung hồi tiểu học, cháu ông tư Cắc Kè, nhà bên kia con rạch nằm tránh đạn cạnh mấy cái lu bị đạn chui giữa kẻ lu trúng ngay đầu chết ngắc!
Tin tức nhận được cho biết tỉnh lỵ Vĩnh Long chưa được giải tỏa, VC chiếm nhiều nơi, hầu hết là phố chợ chứ không phải căn cứ quân sự hay hành chánh. Tiếng súng giao tranh vẫn còn râm ran khắp thành phố. “Dân quận” đã vào được một phần Tòa Hành Chánh nhưng không qua được trại Truyền Tin và An Ninh Quân Đội. Hầu hết dân chúng bị kẹt trong tỉnh lỵ giữa hai lằn đạn. Nhất là những khu vực chung quanh Tòa Hành Chánh và Tiểu Khu. Tôi còn được nghe kể rằng những ngày cận tết, đám ma ở đâu mà sao chôn ở đất Thánh Tây nườm nượp. Nghe nói đêm đó những người anh em “dân quận” bỏ sòng bầu cua, vô đất Thánh Tây đào quan tài lên lấy súng! Rồi có phong trào “Tết Quang Trung” do nhóm sinh viên phản chiến tổ chức tại các trường trung học. Trường Tống Phước Hiệp những ngày ba mươi mùng một cũng có một nhóm “sinh viên học sinh” tổ chức nấu bánh chưng và ngủ đêm tại trường. Bánh chưng chắc để tiếp tế cho “dân quận” và rõ ràng đêm đó trường biến thành căn cứ tấn công trại lính kế bên. VC cũng bắt loa kêu gọi và vào nhà dân chung quanh hô hào giải phóng, không cho dân di tản và đặt súng bắn vào Tòa Hành Chánh và các căn cứ quân sự. Nghe nói lại là bên ty Cảnh Sát Quốc Gia chiến đấu hiệu quả nhất nhờ đầy đủ quân số vì có lệnh ứng chiến! (nhưng sao không phát giác được “dân quận” hiện diện ở khắp mọi nơi trong thành phố?!…).
Thiên hạ bảo nhau rằng khi VC làm chủ tình hình nơi phố chợ, chúng cũng lùng sục công chức, quân nhân và cảnh sát giốnh như ở Huế. Nhà nào có antenna truyền hình bị qui vào tình báo. Ông chủ tiệm răng giàu sụ Phạm Thành bị xử tử dù mấy bà vợ lay lục van xin tha mạng…
Những ngày sau đó dù phải sống trong hoàn cảnh chiến tranh bồn chồn lo lắng nhưng mà…vui! Những gia đình quen biết gia đình tôi chiều chiều tấp nập kéo đến ngủ nhờ cho… đở sợ! Có lần một trái đạn súng cối 81 ly rớt ngay sau vườn nhà. Mảnh đạn đục thủng vách tôn nhà kho như cái rổ, bứng luôn cây chanh đi chổ khác để lại một lổ sâu hoắm. Tôi thầm đếm mấy chục người ngổn ngang khắp mọi phòng trong nhà mà hết hồn!… Dĩ nhiên ba tôi có tổ chức làm “hầm trú ẩn trên cạn” nhưng nhằm nhò gì lớp đất cát mỏng te trên mặt đi văng và mấy miếng xi măng trước đây dùng làm sàn nước!… Chưa kể nếu VC chiếm khu vực của chúng tôi thì với thành phần “ác ôn” toàn là công chức quân nhân chắc chúng “xỏ xâu” không xuể!…
Mấy tuần lễ sau đó dù tỉnh lỵ chưa đi lại được thong thả nhưng lại xảy ra đợt tổng công kích đợt hai. Buổi sáng hôm ấy máy bay quầng dữ lắm, làm những người mắc kẹt bên này cầu Công Xi Heo đổ dài ra đến ngã ba Chiều Tím liều mạng tốc chạy ra khỏi vùng giao tranh. Hàng ngàn người dài dặc vượt qua Cầu Vòng chạy ra quốc lộ bốn rồi lũ lượt kéo về hướng sân Vận Động Vĩnh Long. Tôi đứng xem mà nghe lòng nao núng chuyện tản cư!
Ngày đầu tiên nghe tin Vĩnh Long đi lại được rồi tôi vội thót lên xe chạy ào xuống phố. Dọc theo sân Vận Động, trường Sư Phạm, rồi trường Kỹ Thuật tôi chưa thấy “dấu tích chiến tranh” gì cho lắm, nhưng bắt đầu từ ngã ba Cần Thơ cho đến cầu Lộ thì quả thật tang thương. Xuống dốc cầu Lộ đến trước khoảng nhà sách Minh Trí thì mới thật sự kinh hoàng! Bàn ghế vật dụng quần áo xe cộ và chướng ngại vật ngổn ngang. Phố xá tang hoang, tường vôi gạch ngói loang lổ khắp mọi nơi. Vỏ đạn vương vãi đầy đường và dọc hai bên hè phố. Từ bệnh viện tỉnh, dọc theo đường Gia Long cho đến quá cửa trường trung học tôi thấy rãi rác nhiều xác chết. Thành phố có vẻ nặng mùi.
Chợ Vĩnh Long và dãi phố dài ra cầu tàu gần Bungalow bị cháy rụi còn trơ lại những bức tường nham nhở tang thương. Đứng trước cổng trường trung học nhìn sâu vào trong, hun hút trong kia tường mái đổ vỡ nhiều chỗ, cảnh vật hoang vắng thê lương không một bóng người. Ghê quá tôi vội vòng xe trở lại không dám đi tiếp!!!
*
* *
Cả tháng sau đó tuy tình hình an ninh có vãn hồi nhưng vẫn còn pháo kích lai rai. Trường ốc, nhà cửa chưa được chỉnh trang để mọi thứ trở lại sinh hoạt bình thường. Lũ học trò chúng tôi còn nghỉ học dài dài. Đây là khoảng thời gian “thần tiên” nhất của bất cứ tên học trò nào. Thôi thì tha hồ đi rông đi rỗi, khỏi lo bài kiểm bài thi. Chợ búa vắng hoe. Mọi gia đình đều “tự túc tự cường”. Thỉnh thoảng có những người trong vườn từ những xã ấp xa xôi mang thịt trâu thịt bò chết vì lạc đạn đi bán rong ăn cũng lạ miệng.
Nhưng chiến tranh cũng làm mọi thứ trở nên trầm mặc hơn, không gian bồn chồn bất định. Giấc ngủ hằng đêm bị khuấy động bởi những tràng đạn bất chợt. Đôi khi đang ngủ say sưa bị dựng đầu dậy trong hốt hoảng bởi tiếng súng như bò rống vang dậy của loại phi cơ C119 Hỏa Long đang lượn vòng trên đầu với ánh sáng hỏa châu nghiêng nghiêng chói lòa rồi chập chờn ma quái. Có lần sáng sớm thức dậy vừa ra sau vườn tôi chợt bàng hoàng thích thú. Một cái dù trái sáng to lớn màu trắng mỏng manh đang phủ rợp giữa vườn nhà!
Tết Mậu Thân cũng mang lại cho tôi thật nhiều cảm xúc giữa thực tế tàn bạo và tinh thần dấn thân để sống còn. Tôi được trang bị để “bước vào gió sương”, và chỉ vài năm sau đó tôi đã miệt mài miên viễn lao mình vào cuộc đời với bao gian nguy chờ chực. Nhiều lần trên đường công tác hay đi nhận nhiệm sở tôi suýt bị VC chận bắt giữa đường. Tôi cũng bắt đầu cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ cho đến lúc bạc đầu. Nói theo những câu thơ của Đằng Phương:
Lúc bước chơn vào nẻo đấu tranh,
Trên đầu mái tóc hãy còn xanh.
Nửa đời nếm đủ mùi cay đắng,
Giấc mộng ngày xưa vẫn chửa thành.
Quốc Phùng