Tin khắp nơi – 16/02/2018
Hàng không mẫu hạm Mỹ tới Philippine
Vào thứ sáu ngày 16 tháng 2, hàng không mẫu hạm Mỹ USS Carl Vison đã ghé thăm Philippines trong chuyến đi vào vùng Tây Thái Bình Dương của tàu.
Đi cùng với hàng không mẫu hạm là khu trục hạm có tên lửa dẫn đường USS Michael Murphy. Có khoảng 5,500 thủy thủ trên cả hai tàu.
Theo dự kiến hai tàu sẽ tham gia các hoạt động với cộng đồng trong thời gian ghé thăm Manila.
Phó Đô đốc John Fuller, chỉ huy nhóm tàu Carl Vinson, trong tuyên bố đưa ra vào cùng ngày, nói rằng Hoa Kỳ cảm ơn sự hỗ trợ từ phía chính phủ và người dân Philippines. Ông hy vọng hai bên sẽ tiếp tục xây dựng mối quan hệ hữu nghị lâu dài giữa hai nước.
Theo thông báo của nhóm tàu Carl Vinson, nhóm tàu đang hoạt động ở khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương để cùng làm việc với các đối tác và đồng minh, thúc đẩy tự do trên biển và cải thiện an ninh khu vực.
Nhóm tàu Carl Vinson được Hoa Kỳ triển khai vào khu vực biển Đông vào giữa lúc Bắc Kinh đang gia tăng việc xây dựng các cơ sở quân sự của mình trên các đảo nhân tạo mà nước này chiếm giữ.
Biển Đông là khu vực đang có tranh chấp về chủ quyền giữa Trung Quốc với một số nước trong khu vực bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan. Trung Quốc là nước đòi đến 90% diện tích khu vực biển quan trọng này của thế giới.
Hoa Kỳ từ trước đến nay vẫn phản đối việc Bắc Kinh tiến hành quân sự hóa biển Đông và kêu gọi các bên không nên phá vỡ hiện trạng.
Phó Đô đốc Fuller nói với báo giới trên tàu Carl Vinson rằng sự có mặt của Mỹ trong khu vực là quan trọng. Ông nhấn mạnh với sự xuất hiện của nhóm tàu Carl Vinson, sự hiện diện của Mỹ ở biển Đông là rõ ràng và khẳng định hải quân Mỹ đang hoạt động tại đây.
Trước đó, trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tới Việt Nam vào hồi cuối tháng 1, hai bên đã thảo luận việc cho phép hàng không mẫu hạm Mỹ tới thăm cảng Đà Nẵng của Việt Nam trong tháng 3 tới. Đây là lần đầu tiên một hàng không mẫu hạm Mỹ sẽ tới thăm Việt Nam sau nhiều thập niên.
Đã có những lo ngại về khả năng Trung Quốc sẽ lên tiếng phản đối khi hàng không mẫu hạm Mỹ tới thăm Việt Nam. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 26/1 đã chính thúc lên tiếng hoan nghên quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Mỹ.
Trước đó, nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis tới Việt Nam và Indonesia, tờ Hoàn Cầu Thời báo của Trung Quốc đã có bài viết cảnh báo Mỹ đừng quá tự tin về vai trò của Mỹ tại khu vực biển Đông. Tờ báo viết ‘Hoa Kỳ không còn thống soái ở biển Đông’ và đừng quá tự tin về việc các nước ASEAN sẽ theo chính sách của Mỹ.
Pháp không muốn nhận lại
các phần tử thánh chiến người Pháp
Các quan chức Pháp vẫn kiên quyết sẽ không chấp nhận việc hồi hương các phần tử thánh chiến người Pháp sau khi chúng bị bắt trên các chiến trường ở Syria và Iraq để truy tố ở Pháp.
Sau gần một tuần thảo luận căng thẳng giữa các chính phủ phương Tây về số phận của các chiến binh nước ngoài bị giam giữ ở vùng Levant (đông Địa Trung Hải), Hoa Kỳ đề nghị các nước có công dân là những phần tử này hãy nhận trách nhiệm về chúng, song đề nghị này vẫn bị các chính phủ Pháp và Anh từ chối.
Một quan chức cao cấp của Pháp nói với VOA: “Chúng tôi chưa có tiến bộ gì về một thỏa thuận tổng thể về vấn đề này”.
Ông nói rằng Paris lo ngại các chiến binh bị hồi hương sẽ cố sử dụng các tòa án cho mục đích tuyên truyền bằng cách chế giễu nền công lý của Pháp và chất vấn về tính vô tư của tòa án, cũng như lo ngại rằng một khi ở trong tù, chúng sẽ tìm cách cực đoan hóa các tù nhân khác. Các quan chức Pháp nói các vấn đề pháp lý cũng rất phức tạp để truy tố những kẻ khủng bố là người Pháp về các vụ khủng bố thực hiện ở nước ngoài.
Nhà ngoại giao Pháp, người từng tham gia các cuộc thảo luận cấp cao về vấn đề này với các đối tác Mỹ và châu Âu, cho biết: “Việc truy tố sẽ rất khó khăn vì gần như không thể thu thập chứng cứ trên các chiến trường”.
Có ước tính cho thấy số lượng công dân Pháp thuộc vào hàng đông nhất trong số các chiến binh nước ngoài tham gia nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo và các phe thánh chiến khác ở vùng Levant. Người ta cho rằng hơn 300 phần tử thánh chiến Pháp đã tử trận ở Syria hoặc Iraq, ước tính có khoảng 500 đến 600 kẻ bị mất tích hoặc bị bắt giữ, chủ yếu nằm trong tay người Kurd ở Syria.
Giữa tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đã bàn đến vấn đề phải làm gì với “hàng trăm” kẻ thánh chiến đang bị cầm giữ ở miền bắc Syria.
Ông Mattis nói sau cuộc gặp với 13 đối tác quốc tế ở Rome: “Điểm mấu chốt là chúng ta không muốn [những kẻ thánh chiến] quay trở lại đường phố Ankara, Tunis, Paris hay Brussels. Đó là một vấn đề quốc tế, nó cần phải được giải quyết bởi tất cả các bên tham gia”.
Cả Pháp lẫn Anh vẫn không dao động trước lời đề nghị của ông Mattis rằng các quốc gia có công dân phải nhận trách nhiệm về những kẻ thánh chiến bị bắt.
Instagram thuận theo yêu cầu kiểm duyệt của Nga
Trước đó, Nga đưa ra yêu cầu kiểm duyệt Internet đối với các dịch vụ của Facebook, cụ thể là hạn chế quyền truy cập các bài viết liên quan đến các cáo buộc tham nhũng do ông Alexei Navalny đưa ra.
Phản ứng từ Instagram của Facebook ngược lại với YouTube của Google.
YouTube cũng được yêu cầu chặn một số video clips trước hôm thứ Tư 14/2.
Nhưng YouTube không làm theo.
Facebook ‘giúp TQ công cụ kiểm duyệt’
Chủ tịch Quang kêu gọi quản lý chặt internet
Hải quan tịch thu ‘sách nhạy cảm chính trị’
Họ đã phản kháng lại kiểm duyệt ra sao?
Kiểm soát mạng: VN học Trung Quốc được không?
Các tranh cãi nổ ra sau khi Tổ chức Chống tham nhũng của ông Navalny đăng tải một video trên YouTube tuần trước, cho thấy tỉ phú Oleg Deripaska gặp gỡ Phó thủ tướng Nga Sergei Prikhodko trên một chiếc du thuyền.
Đã có hơn năm triệu lượt xem đoạn video này.
YouTube không bình luận về vấn đề này.
Các nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) địa phương được cho là không có khả năng chặn các bài đăng cụ thể trên Instagram và YouTube.
Điều đó đã dẫn đến suy đoán rằng các ISP có thể đã chặn hoàn toàn các dịch vụ này.
Một số ISP đã chặn website riêng của ông Navalny nhằm tuân thủ mệnh lệnh của cơ quan quản lý truyền thông Nga Roskomnadzor.
‘Đáng xấu hổ’
Ông Navalny bị cấm không được tham gia tranh cử vào tháng tới vì bị kết án liên quan tới tội gian lận trong một vụ án mà ông nói là có động cơ chính trị.
Ông viết trên Twitter, buộc tội Instagram đã thuận theo một “yêu cầu kiểm duyệt bất hợp pháp”.
“Thật đáng xấu hổ, @instagram!”, ông viết.
Một phát ngôn viên của Facebook nói sẽ không thảo luận chi tiết cụ thể vụ việc nhưng khẳng định họ quyết định tuân thủ các yêu cầu của Roskomnadzor.
“Khi chính phủ tin rằng điều gì đó trên Internet vi phạm luật pháp, họ có thể liên lạc với các công ty và yêu cầu chúng tôi hạn chế quyền truy cập vào nội dung đó”, người phát ngôn nói.
“Chúng tôi minh bạch về bất cứ nội dung nào chúng tôi hạn chế theo yêu cầu của chính phủ và luật pháp địa phương trong Báo cáo minh bạch.”
Gần đây nhất Nga được nhắc đến trong báo cáo minh bạch của Facebook là từ tháng 6/2017 trong đó Facebook cho hay đã chặn 156 nội dung trong sáu tháng.
Roskomnadzor nói vẫn đang chờ YouTube ‘có hành động’ đối với các video mà cơ quan này muốn chặn.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43081680
Đô đốc Harry Harris: ‘Trung Quốc có ý đồ
phá vỡ trật tự quốc tế ở Châu Á
Đô đốc Harry Harris, người có triển vọng trở thành Đại sứ Hoa Kỳ tại Úc, mạnh mẽ đả kích tham vọng bành trướng của Bắc Kinh tại Châu Á.
Lên tiếng trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ hôm 14/2, Tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Á Châu-Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harris, nhấn mạnh chính phủ của Tổng thống Trump phải hành động để chống trả ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
“Ý đồ của Bắc Kinh đã rõ như ban ngày. Nếu làm ngơ, chúng ta sẽ lãnh hậu quả.”
Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ nói ông lo ngại Trung Quốc giờ sẽ ra sức “phá hoại nền trật tự quốc tế dựa trên pháp luật.”
Là người mang hai dòng máu Mỹ-Nhật, ông là vị chỉ huy cao cấp nhất của các lực lượng Mỹ tại khu vực Á Châu-Thái Bình Dương. Đô đốc Harry Harris nổi tiếng là người trực ngôn. Cộng đồng quốc tế biết ông vì những lời bình luận về chính sách của Mỹ tại Châu Á -Thái Bình Dương thường xuyên khơi lên phản ứng giận dữ từ Bắc Kinh, đặc biệt là những lời kêu gọi mạnh mẽ của ông, rằng phải có hành động trên Biển Đông.
Theo đài truyền hình CNN, quyết định bổ nhiệm ông Harris vào chức Đại sứ Hoa Kỳ tại Úc, nếu được quốc hội chuẩn thuận, có thể làm leo thang cuộc đấu tranh tranh giành ảnh hưởng tại Châu Á. Các chuyên gia nói Đô đốc Harry Harris có thể hối thúc chính phủ Úc siết chặt hợp tác quân sự với đồng minh truyền thống Mỹ.
Đầu tháng Hai năm nay, tin tức loan báo Tổng thống Trump đã chọn Đô đốc Harry Harris cho chức Đại sứ Hoa Kỳ tại Úc, vốn đã bị bỏ trống gần 18 tháng nay sau khi cựu đại sứ John Berry kết thúc nhiệm kỳ tại Úc vào tháng 9/2016. Chiếc ghế đại sứ tại Canberra là một trong nhiều chức vụ trọng yếu tại Châu Á vẫn bị chính phủ của Tổng thống Trump để trống.
Đô đốc Harry Harris, 61 tuổi, ra đời tại Nhật Bản, cha ông là người Mỹ và mẹ là người Nhật. Gia đình bên cha có truyền thống nhiều đời phục vụ quân chủng hải quân. Về nguồn gốc hai dòng máu của mình, Đô đốc Harry Harris từng tuyên bố: “Tôi không nhìn thế giới qua lăng kính của một người Mỹ gốc Nhật.Tôi nhìn thế giới qua lăng kính người Mỹ.”
Tốt nghiệp Học viện Hải quân Hoa Kỳ, ông học thêm các chương trình hậu đại học tại các trường đại học nổi tiếng, kể cả Đại học Georgetown, Trường Kennedy thuộc Đại học Harvard, và Đại học Oxford của Anh.
Ông được bổ nhiệm Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương vào tháng Năm 2015.
Trong một lần xuất hiện trước quốc hội, ông miêu tả Trung Quốc bằng những từ ngữ như “khiêu khích và bành trướng”, và từng tố cáo Trung Quốc là “xây một Vạn lý Trường thành bằng cát”.
(Theo CNN, Fox)
SpaceX sắp phóng 2 vệ tinh truyền internet đầu tiên
SpaceX sẽ tiếp tục phóng tên lửa Falcon 9 vào cuối tuần này. Tên lửa dự kiến phóng đi từ California vào sáng 18/2, mang theo vệ tinh quan trắc trái đất có tên Paz của Tây Ban Nha.
Tên lửa cũng sẽ mang theo 2 vệ tinh là các mẫu thử nghiệm do SpaceX chế tạo để thử công nghệ truyền dẫn internet từ vũ trụ.
Việc đưa lên vệ tinh thử nghiệm này, có tên Microsat-2a và Microsat-2b, là bước đi lớn đầu tiên trong kế hoạch dài hạn của SpaceX về chế tạo vệ tinh truyền dẫn internet.
Công ty muốn tạo ra mạng lưới khổng lồ gần 12.000 vệ tinh hoạt động với sự phối hợp nhịp nhàng trong quỹ đạo bên trên trái đất, truyền internet tới các anten thu trên bề mặt hành tinh.
4425 vệ tinh sẽ ở cách trái đất 1126 km, 7518 vệ tinh khác sẽ ở cách 320 km và hoạt động trên một tần số vô tuyến khác. Toàn bộ số lượng vệ tinh khổng lồ sẽ liên tục chuyển động quanh hành tinh và về lý thuyết sẽ truyền dẫn tín hiệu đến bất kỳ chỗ nào trên trái đất.
SpaceX tiên liệu rằng hệ thống này, có tên là Starlink, sẽ mang lại lợi nhuận lớn. Các dự báo tài chính mà Wall Street Journal có được hồi năm 2017 cho thấy công ty dự kiến sẽ có hơn 40 triệu thuê bao dịch vụ vào năm 2025, đạt lợi tức 30 tỷ đôla trong năm đó.
Sẽ có nhiều vấn đề phức tạp đối với hệ thống mà SpaceX cần phải xử lý trước. Công ty cần có khả năng đồng thời phối hợp hàng ngàn vệ tinh không ở trong quỹ đạo địa tĩnh, đồng nghĩa là chúng sẽ không đứng ở một vị trí cố định bên trên hành tinh.
Tiếp đó là cần có công nghệ cần thiết để thu được internet ở trên bề mặt trái đất. Các vệ tinh sẽ liên tục di chuyển qua các vùng đất khác nhau, do đó các anten thu sẽ cần phải nhanh chóng tìm ra vệ tinh nào sẽ kết nối tốt nhất tại một thời điểm cụ thể.
(theverge.com, mercurynews.com)
https://www.voatiengviet.com/a/spacex-sap-phong-2-ve-tinh-truyen-internet-dau-tien/4257443.html
Thượng viện bác các dự luật di trú
sau khi Trump dọa phủ quyết
Thượng viện Hoa Kỳ ngày 15/2 không xúc tiến được bất cứ dự luật nào để bảo vệ những người nhập cư “Dreamer”, không đạt đủ 60 biểu quyết thuận cần có đối với cả bốn đề xuất, trong đó có một dự luật được Tổng thống Donald Trump ủng hộ và hai dự luật lưỡng đảng.
Một loạt các cuộc biểu quyết được đưa ra sau khi ông Trump đả kích đề xuất hàng đầu của lưỡng đảng là “một thảm họa hoàn toàn” và Nhà Trắng dọa sẽ phủ quyết dự luật vốn được cho là có nhiều cơ may nhất vượt qua được một Thượng viện bị chia rẽ sâu sắc.
Kết quả này kết thúc một tuần Thượng viện dành ra để cứu xét vấn đề di trú và khiến tương lai của 1,8 triệu người trẻ tuổi, được đưa đến Mỹ bất hợp pháp lúc còn nhỏ (Dreamer), càng thêm bất định. Trước đó họ đã được bảo vệ khỏi bị trục xuất theo một chương trình được ban hành dưới thời Obama mà ông Trump đã ra lệnh đến ngày 5 tháng 3 là phải chấm dứt.
Đề xuất được ông Trump hậu thuẫn nhận được ít sự ủng hộ nhất trong số cả bốn đề xuất, khiến phe Dân chủ phàn nàn rằng lối tiếp cận không thỏa hiệp của Tổng thống đang đánh chìm các nỗ lực lưỡng đảng trong Quốc hội.
Ông Trump nói rằng bất kỳ dự luật nhập cư nào nhằm bảo vệ các Dreamer cũng phải bao gồm ngân quỹ để xây dựng bức tường biên giới với Mexico, kết thúc chương trình xổ số visa và áp đặt những hạn chế lên visa cấp cho gia đình của những người nhập cư hợp pháp. Ông trước đó kêu gọi ủng hộ một dự luật của thượng nghị sĩ Cộng hòa Chuck Grassley, nhưng dự luật đó chỉ có 39 người ủng hộ.
“Cuộc biểu quyết này là bằng chứng cho thấy kế hoạch của Tổng thống Trump sẽ không bao giờ trở thành luật. Nếu ông ta ngưng đánh chìm các nỗ lực lưỡng đảng, một dự luật tốt sẽ thông qua được,” Lãnh đạo Thiểu số Dân chủ Chuck Schumer nói.
Dự luật lưỡng đảng dẫn đầu, được soạn thảo bởi một nhóm do Thượng nghị sĩ Cộng hòa Susan Collins lãnh đạo, lẽ ra sẽ bảo vệ những Dreamer và cũng bao gồm ngân khoản trị giá 25 tỉ đôla để tăng cường an ninh biên giới và thậm chí có thể xây dựng bức tường biên giới với Mexico mà ông Trump đã hứa hẹn từ lâu.
Nhưng Nhà Trắng chỉ trích dự luật này, nói rằng nó sẽ làm suy yếu việc thi hành luật hiện hành và sẽ tạo điền kiện cho người nhập cư bất hợp pháp tràn vào. Bộ An ninh Nội địa và Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions cũng đã đả kích dự luật này. Nó không thông qua được trong cuộc biểu quyết tỉ lệ 54-45.
Một dự luật hạn hẹp hơn chỉ tập trung vào những Dreamer và an ninh biên giới, của Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain và Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Coons, thất bại trong cuộc biểu quyết 52-47. Một dự luật thứ tư, tập trung vào việc trừng phạt “các thành phố ẩn náu” không hợp tác với nỗ lực chấp hành luật di trú liên bang, cũng không giành đủ 60 biểu quyết thuận.
Quan chức Triều Tiên tái xuất dù từng có tin bị xử tử
Một quan chức Triều Tiên, mà trước đây từngcó tin ông này đã bị chính quyền hành quyết, đã gây kinh ngạc khi xuất hiện trong các hình ảnh truyền hình công bố hôm 15/2, sau nhiều tháng vắng bóng đầy bí ẩn.
Hwang Pyong-so, cựu tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị thuộc quân đội Triều Tiên, đã xuất hiện trong đoạn video do đài truyền hình nhà nước Triều Tiên công bố hôm 15/2. Ông Hwang, lần cuối xuất hiện công khai vào tháng 10/2017, đã xuất hiện trong video, đứng vỗ tay với các quan chức chủ chốt khác, hãng thông tấn Yonhap cho biết.
Video này cho thấy một buổi lễ dành cho ông Kim Jong Il, lãnh tụ quá cố của Triều Tiên và là cha của ông Kim Jong Un. Hiện chưa rõ video được ghi chính xác vào thời điểm nào.
Sự xuất hiện trở lại của ông Hwang có thể là dấu hiệu đầu tiên cho thấy người một thời là cánh tay phải của nhà độc tài Kim Jong Un đang giành lại vai trò chính trị nổi bật trong một chế độ khó lường. Tin tức về những rắc rối của ông Hwang xuất hiện vào giữa tháng 11/2017 khi cơ quan gián điệp của Hàn Quốc nói rằng vị phụ tá hàng đầu này và vị phó của ông ta là Kim Won-hong đã bị đuổi khỏi vị trí của họ vì có “thái độ không thuần khiết”.
Cơ quan gián điệp nói ông Hwang đã bị “trừng phạt”, nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Có tin ông Kim Won-hong đã bị đưa đến một trong những trại tù của Triều Tiên. Còn về ông Hwang, nhiều hành động của ông Kim sau các vụ bắt giữ những phụ tác hàng đầu khác bị cáo buộc tham nhũng gợi ý rằng ông Hwang có thể đã bị hành quyết.
Trong khi đó, các chuyên gia khác cho rằng ông Hwang đã trải qua lớp cải tạo giáo dục ý thức hệ, theo Yonhap.
Ông Hwang là một trong những người quyền lực nhất ở ngoài gia đình ông Kim vào năm 2014. Ông Hwang được cho là khoảng 65 tuổi và người ta thường thấy ông đeo kính.
(Yonhap, Fox)
https://www.voatiengviet.com/a/quan-chuc-trieu-tien-tai-xuat-du-tung-co-tin-bi-xu-tu/4257566.html
Thủ tướng Ấn thăm vùng biên tranh chấp, TQ phẫn nộ
Trung Quốc hôm thứ Năm bày tỏ phẫn nộ về một chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới bang Arunachal Pradesh hẻo lánh của Ấn, nơi mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền. Bắc Kinh khuyến cáo Ấn nên dừng mọi hành động có thể làm phức tạp thêm tranh chấp.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với khu vực phía đông dãy Himalaya là “Nam Tây Tạng,” và họ đã lên án các cuộc thăm viếng của các nhà lãnh đạo Ấn Độ là những nỗ lực nhằm củng cố các tuyên bố chủ quyền của Ấn Độ.
“Quan điểm của Trung Quốc về vấn đề biên giới Trung Quốc-Ấn Độ là nhất quán và rõ ràng,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói trong một thông cáo được Tân Hoa Xã loan tải.
“Chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ công nhận cái gọi là Arunachal Pradesh và kiên quyết phản đối chuyến thăm của nhà lãnh đạo Ấn Độ đến khu vực tranh chấp này,” ông Cảnh nói.
“Chúng tôi sẽ đệ trình kháng nghị nghiêm khắc với phía Ấn Độ,” ông nói.
Ông Modi đến đây trong một chuyến thăm các bang đông bắc của Ấn Độ.
“Tôi vui mừng đến thăm Arunachal Pradesh và tiếp xúc với những người dân tuyệt vời của bang này,” ông Modi nói trong một dòng tweet đăng trên Twitter.
Trung Quốc và Ấn Độ đã cải thiện quan hệ trong những năm gần đây nhưng vẫn còn ngờ vực sâu sắc về tranh chấp biên giới trầm trọng lâu năm, vốn đã khơi ra một cuộc chiến ngắn ngủi vào năm 1962.
Quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã đối đầu ở một khu vực tranh chấp khác của biên giới vào năm ngoái.
Phát ngôn viên Trung Quốc nói Trung Quốc và Ấn Độ đã đạt được sự đồng thuận quan trọng về quản lý thỏa đáng các tranh chấp, và hai bên đang nỗ lực để giải quyết tranh chấp biên giới thông qua đàm phán và tham vấn.
“Phía Trung Quốc kêu gọi phía Ấn Độ tôn trọng cam kết của mình và tuân thủ đồng thuận có liên quan, và tránh thực hiện bất kỳ hành động nào có thể làm phức tạp thêm vấn đề biên giới,” ông Cảnh nói.
Ông Modi dự kiến sẽ thăm Trung Quốc vào tháng 6 để dự một hội nghị thượng đỉnh của khối an ninh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải do Trung Quốc và Nga lãnh đạo.
Ông đã khánh thành một trung tâm hội nghị tại thủ phủ Itanagar của bang Arunachal Pradesh và cho biết chính quyền bang đã chuẩn bị một lộ trình phát triển xuất sắc cho đến năm 2027.
Đến lượt Mỹ tố cáo Nga tung mã độc
tấn công phương Tây năm 2017
Ngày 6/02/2018, phát ngôn viên điện Kremlin một lần nữa lại lên tiếng bác bỏ lời cáo buộc của Mỹ, theo đó quân đội Nga là thành phần đứng sau vụ tấn công bằng mã độc « NotPetya » đã khiến thế giới thiệt hại hàng tỉ đô la. Trước đó, phủ tổng thống Nga cũng đã bác bỏ cáo buộc tương tự đến từ Luân Đôn.
Đối với Nhà Trắng, chính Nga là chủ mưu trong vụ tấn công tin học bằng mã độc hồi tháng 6/2017, vừa làm tê liệt một phần hạ tầng cơ sở của Ukraina, vừa phá hoại các hệ thống máy tính tại Mỹ và châu Âu trong đó có nhiều máy chủ của các tập đoàn lớn.
Washington đồng thời cho rằng vụ tấn công tin học đó sẽ phải lãnh hậu quả quốc tế.
Trước Hoa Kỳ, cơ quan an ninh mạng của Anh cũng xác định các mục tiêu ban đầu của vụ tấn công bằng mã độc “NotPetya” là Ukraina, tuy nhiên mã độc nhanh chóng lan rộng, ảnh hưởng cả mạng lưới kinh doanh của châu Âu và Nga.
Điện Kremlin đã nhanh chóng bác bỏ các cáo buộc trên, bị phát ngôn viên Dmitry Peskov cho là vô căn cứ. Đối với phía Nga, những lời tố cáo nằm trong chiến dịch bài Nga đang được phương Tây tiến hành.
Theo hãng Reuters, lời tố cáo ngắn nhưng dữ dội của Mỹ nhắm vào Nga là một điểm mới lạ, vì đây là lần đầu tiên mà chính phủ Hoa Kỳ đã đổ lỗi cho Nga về cái được coi là một trong những vụ tấn công mạng tệ hại nhất từ trước đến nay. Trước chính quyền, các chuyên gia an ninh mạng đã quy trách nhiệm cho Nga.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180216-den-luot-my-to-cao-nga-tung-ma-doc-tan-cong-phuong-tay-nam-2017
Mỹ ép châu Âu tự lo quốc phòng
nhưng không muốn bị cạnh tranh về vũ khí
Khoảng 20 nguyên thủ và lãnh đạo chính phủ châu Âu cùng tham gia Hội nghị an ninh hàng năm Munich, Đức, vào cuối tuần này, 17-19/02/2018, trong bối cảnh nước Mỹ của Donald Trump chủ trương « co cụm », giảm bớt gánh vác về an ninh và kêu gọi các đồng minh châu Âu tăng cường khả năng « tự lo » về quốc phòng. Đây cũng là một trong những nội dung chính trong cuộc họp của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong hai ngày 14 và15/02, tại Bruxelles.
Từ lâu, Washington luôn yêu cầu các nước đồng minh châu Âu phải tăng ngân sách để cùng « chia sẻ gánh nặng » quốc phòng với Mỹ. Sau khi tăng thêm 40% ngân sách cho việc triển khai quân nhân Mỹ tại châu Âu (European Deterrence Initiative) năm 2018, Hoa Kỳ mới thông báo tăng thêm 35% (khoảng 6,5 tỉ đô la) cho quốc phòng năm 2019.
Theo tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, quyết định của Mỹ nhằm « thúc đẩy các đồng minh châu Âu nỗ lực hơn nữa để đảm bảo an ninh cho chính họ ». Năm 2014, NATO đã quyết định, trong vòng 10 năm, mỗi nước thành viên phải đạt được mức tối thiểu cho chi phí quân sự là 2% GDP và hơn một nửa số nước thành viên phải đạt được mức này vào năm 2024. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Jens Stoltenberg, « đã có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm ». Trên thực tế, mới chỉ có 8 trên tổng số 29 nước thành viên NATO có thể đảm bảo được mức chi 2% GDP cho quốc phòng vào năm 2018 và có thể đạt đến chỉ tiêu 15 nước cho đến năm 2024.
Trước sức ép của Hoa Kỳ, các nước châu Âu đã có phản ứng. Tuy nhiên, cách thức tăng cường khả năng « tự lo » về quốc phòng của các đồng minh châu Âu lại làm Mỹ lo ngại : Liên Hiệp Châu Âu muốn phối hợp phát triển ngành công nghiệp quốc phòng.
Từ Bruxelles, thông tín viên RFI Pierre Benaze cho biết thêm thông tin :
« Trong chuyên cơ đưa bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đến Bruxelles, ông James Mattis cho biết sẽ nhấn mạnh đến việc tăng ngân sách quốc phòng. Ngoài ra, một trong các trợ lý của ông nói thêm là các dự án về mặt quốc phòng của Liên Hiệp Châu Âu cũng không nên gây hại cho NATO.
Những lời cảnh báo này trực tiếp nhắm đến thượng đỉnh « Quốc phòng châu Âu » gần đây nhất diễn ra vào tháng 12/2017, khi châu Âu nêu lên một số dự án và khả năng cùng tài trợ nếu được, đặc biệt cho ngành công nghiệp vũ khí của lục địa này.
Các nước đồng minh châu Âu cố trấn an và khẳng định không có bất kỳ rủi ro nào về trùng lặp vô ích hoặc khả năng cạnh tranh. Nhưng theo đại sứ Mỹ tại NATO, thực ra Washington lo ngại về hình thức bảo hộ châu Âu. Và có thể đây là điểm yếu gây khó chịu vì ngoài mục tiêu 2% GDP cho quốc phòng, còn có mục tiêu 1/5 tổng chi phí được giành cho đầu tư trang thiết bị.
Cho đến nay, các thành viên châu Âu vẫn phụ thuộc nhiều vào ngành công nghiệp quốc phòng của Hoa Kỳ. Hoạt động bán vũ khí của Mỹ cho các lực lượng quân sự châu Âu có thể sẽ giảm đi nếu Liên Hiệp Châu Âu đạt được mục tiêu thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng ».
Theo AFP, mối lo ngại chính của Mỹ là châu Âu chuyển qua mua vũ khí khí tài của châu Âu. Một nhà ngoại giao châu Âu đáp lại : « Phải có một quan hệ cân bằng, vì các nước châu Âu không thể cung cấp trang thiết bị quốc phòng trên lãnh thổ Mỹ ».
Dù còn phải giải quyết nhiều bất đồng, nhưng theo một nhà ngoại giao châu Âu, « cần phải duy trì sự thống nhất của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, vì một số nước khác muốn can thiệp » dù không chỉ đích danh nước Nga.
Báo cáo thường niên về tương quan quân sự trên thế giới – The Military Balance 2018, của Viện Nghiên Cứu Chiến Luợc Quốc Tế – IISS, công bố ngày 14/02 vừa qua, nhận định rằng Nga tiếp tục sử dụng vũ lực đối với các nước láng giềng và ở nước ngoài và các nỗ lực vươn lên về quân sự của Nga, cũng như Trung Quốc, làm thay đổi thế cân bằng quân sự hiện hữu.
Syria : Hội Đồng Bảo An
sẽ bỏ phiếu một nghị quyết về ngừng bắn
Thụy Điển và Koweit trình bày với các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc một bản dự thảo nghị quyết sửa đổi kêu gọi 30 ngày ngừng bắn tại Syria để đưa cứu trợ nhân đạo đến cho người dân. Dự thảo đã được sửa đổi nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của Nga.
Văn bản mới, mà AFP đọc được ngày 16/02/2018 quy định rằng lệnh ngừng bắn sẽ không áp dụng cho tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo và các nhóm Al Qaeda. Điều đó cho phép chính phủ Syria tiếp tục các cuộc tấn công, đặc biệt là ở tỉnh Idleb. Một cuộc bỏ phiếu được dự kiến vào tuần tới.
Trong lúc đó, trên hiện trường, một đoàn cứu trợ nhân đạo đầu tiên đã đến được khu vực Đông Ghouta gần Damas.
Thăm Liban, ngoại trưởng Mỹ cực lực đả kích lực lượng Hezbollah
Trong khi đó thì Ngoại trưởng Mỹ đang công du khu vực tìm giải pháp cho hồ sơ Syria.
Viếng thăm Liban hôm qua, 15/02/2018 ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết ông đã nỗ lực tìm cách giải quyết tranh chấp biên giới giữa Liban và Israel. Ông cũng đánh giá cao vai trò của quân đội Liban mà Washington là nước hỗ trợ tài chính chủ yếu.
Tuy nhiên dù đã công nhận rằng Hezbollah là một phần của “tiến trình chính trị” ở Liban, ngoại trưởng Mỹ ngay tại thủ đô Beyrouth đã cực lực đả kích lực lượng thuộc phong trào Hồi Giáo Shia, có đại diện trong chính phủ. Ông nói :
“Nước Mỹ coi Hezbollah là một tổ chức khủng bố trong hơn hai mươi năm … Hezbollah không chỉ là một mối quan tâm của riêng nước Mỹ, mà Liban cũng phải lo lắng về những hành động của Hezbollah và kho vũ khí to lớn của lực lượng đang khiến Liban bị chú ý một cách tiêu cực.
Sự can dự của Hezbollah vào các cuộc xung đột khu vực đe dọa an ninh của Liban và gây mất ổn định trong khu vực. Sự hiện diện của Hezbollah ở Syria còn duy trì tình trạng đổ máu, xua đuổi người dân vô tội khỏi nơi cư ngụ, và củng cố chế độ dã man của Assad. Sự can thiệp của Hezbollah ở Irak và Yemen cũng thúc đẩy bạo lực.
Đây là lý do tại sao chúng tôi kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo Liban hành động để duy trì sự cam kết của chính phủ Liban, tách mình ra khỏi các xung đột khu vực. Cộng đồng quốc tế đòi hỏi rằng tất cả các bên ở Liban phải tôn trọng cam kết, trong đó có Hezbollah. Tổ chức này phải dừng hoạt động của mình ở nước ngoài nhằm giảm bớt căng thẳng trong khu vực”.
Quan hệ Đức-Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa thể được sưởi ấm
Quan hệ Berlin và Ankara lạnh nhạt từ nhiều tháng qua đã phần nào “tan băng”, nhưng cuộc gặp hôm qua, 15/02/2018, giữa thủ tướng Đức và đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ tại Berlin cho thấy đối thoại hai bên không mấy hiệu quả.
Thông tín viên RFI tại Berlin, Pascal Thibaut cho biết thêm chi tiết :
Quan hệ Đức-Thổ còn phải mất thêm thời gian để được sưởi ấm. Đúng là thủ tướng Merkel đã có tiếp đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim, nêu bật tầm quan trọng của đối thoại. Tuy nhiên đối thoại rõ ràng không cho thấy có tiến triển. Quả thực là căng thẳng từ nhiều tháng qua không thể ngày một ngày hai biến mất.
Việc trả tự do cho nhà báo Đức-Thổ bị giam giữ từ một năm nay Deniz Yücel, đối với bà Merkel, là một tiền đề để quan hệ song phương trở lại bình thường. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tỏ mong muốn là Tư pháp nước ông sẽ có tiến triển trên hồ sơ này trong khi mà bản luận tội vẫn chưa có.
Bà Angela Merkel nhấn mạnh là các cuộc thảo luận về mở rộng vấn đề thuế quan giữa Châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn dậm chân tại chỗ. « Vấn đề chỉ được bàn đến khi mà chúng tôi thấy là Nhà Nước pháp quyền được cải thiện ở Thổ Nhĩ kỳ ». Thủ tướng Đức ngầm chỉ trích những biện pháp đưa ra từ sau cuộc đảo chính hụt tháng 7/2016.
Cuộc họp báo chung của hai thủ tướng đã bị một nhà báo Kurdistan khuấy động : người này trưng hình ảnh nạn nhân ở Afrin, Syria, khẳng định đây là do các cuộc oanh kích quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Thủ tướng Binali Yildirim, không chút nao núng, tố cáo nhà báo là đã lấy hình ảnh từ những sự kiện khác.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180216-quan-he-duc-tho-nhi-ky-van-chua-the-duoc-suoi-am
Đức tổ chức Hội nghị An ninh Munich 2018
Hàng chục nhà lãnh đạo, quan chức quốc phòng và ngoại giao thế giới tham gia Hội nghị An ninh Munich thường niên trong ba ngày từ tối thứ Sáu 16/02 đến Chủ nhật 18/02/2018.
Chương trình nghị sự sẽ tập trung vào tình hình quốc phòng của châu Âu, căng thẳng giữa Mỹ và các nước thành viên NATO cũng như vai trò của Nga thông qua các cuộc xung đột ở Syria và Ukraina.
Theo hãng tin AP, bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis dẫn đầu phái đoàn Mỹ đến dự hội nghị. Ngoài ra còn có thủ tướng Anh Theresa May, thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, thủ tướng Irak Haider al-Abadi, tổng thống Ukraina Petro Poroshenko, cùng với ngoại trưởng các nước Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.
Hội nghị An ninh Munich thường là cơ hội để các lãnh đạo trao đổi trong khuôn khổ phi chính thức. Đại diện của Nga, Ukraina, Pháp và Đức đã thông báo sẽ gặp nhau để bàn về cuộc xung đột tại Ukraina.
Phát biểu với báo giới, nhà tổ chức Wolfgang Ischinger hy vọng « thêm một lần nữa, Munich sẽ góp phần vào quá trình đàm thoại giữa Matxcơva và Washington, giữa Matxcơva với các nước khác liên quan, như Ukraina và nhiều điểm nóng khác trên thế giới », vì theo ông, « cần phải thực tế, thế giới dường như đang trong giai đoạn xấu về vấn đề ổn định toàn cầu ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180216-duc-to-chuc-hoi-nghi-an-ninh-munich-2018
Mỹ sẽ không đánh « hộc máu mũi » Bắc Triều Tiên
Hoa Kỳ không có ý định đánh phủ đầu Bắc Triều Tiên để trừng phạt chế độ Bình Nhưỡng do phát triển chương trình vũ khí hạt nhân. Thông tin được nhiều nghị sĩ Mỹ khẳng định ngày 15/02/2018 sau khi được một số quan chức Nhà Trắng cho biết.
Hãng tin AFP nhắc lại, nhiều cơ quan truyền thông Mỹ từng đưa tin một số quan chức Nhà Trắng nhắc đến chiến dịch đánh phủ đầu, mang tên « Mũi đẫm máu », với mục tiêu là hăm dọa lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un.
Tuy nhiên, theo thượng nghị sĩ Cộng Hòa tiểu bang Idaho, James Risch, « rất nhiều quan chức cao cấp trong chính phủ đã nói với chúng tôi là không có chiến lược « Mũi đẫm máu »và chưa bao giờ nhắc đến chiến lược này ». Thông tin cũng được thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen khẳng định.
Vẫn theo truyền thông Mỹ, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis ủng hộ chiến lược quân sự, trong khi ngoại trưởng Rex Tillerson thiên về giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột.
Về phần phó tổng thổng Mike Pence, trái ngược với thái độ « phớt lờ » phái đoàn Bắc Triều Tiên tại lễ khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang, ông lại tỏ ra dịu giọng hơn khi trả lời trang thông tin Axios của Mỹ về quan điểm của Hoa Kỳ. Theo đài KBS (Hàn Quốc), ông Pence nêu khả năng đối thoại với Bình Nhưỡng, nhưng nhấn mạnh : đối thoại không phải để đàm phán, mà để hiểu nhau hơn. Phó tổng thống Mỹ tiếp tục khẳng định quan hệ Washington-Bình Nhưỡng sẽ không thay đổi chừng nào quốc gia này vẫn theo đuổi tham vọng hạt nhân.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180216-my-se-khong-danh-%C2%AB-hoc-mau-mui-%C2%BB-bac-trieu-tien