Tin Việt Nam – 15/02/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 15/02/2018

Người Việt hải ngoại nói về chuyện biếu quà Tết

Ngọc Lan

Không biết từ khi nào, tập tục biếu quà Tết đã thành một nét văn hóa trong đời sống của người dân Việt Nam. Khoảng từ Rằm Tháng Chạp, là người người nhà nhà đã chuẩn bị mua quà biếu Tết. Dĩ nhiên quà Tết phải được biếu trước Tết để người ta… ăn. Không chỉ vậy, văn hóa Việt Nam là người nhỏ phải biếu Tết người lớn, cấp dưới phải biếu Tết cấp trên. Đôi khi lòng thành của người đi biếu Tết còn được đánh giá qua giá trị của món quà biếu.

Tuy nhiên, ra đến hải ngoại, đặc biệt ngay tại vùng Little Saigon, nơi người dân gốc Việt sinh sống đông nhất thì chuyện biếu Tết vẫn tiếp tục được duy trì, thay đổi hay hoàn toàn biến mất tùy thuộc vào suy nghĩ, lối sống của mỗi người.

Chị Quyên Trần hiện sống ở thành phố Anaheim, sang Mỹ tròn 20 năm cho rằng “biếu Tết giống như mình cho quà với nhau, chứ không xem đó là việc bắt buộc.”

“Ngày Tết đối với chị ngày 30 rất quan trọng là tại vì chị dọn dẹp nhà cửa, chưng bông hoa xong rồi cúng mâm cơm cuối năm, thì đó là không khí Tết. Còn chuyện biếu quà Tết thì rất là nhẹ nhàng, có gì giống như mình cho với nhau chứ không coi trọng đó là việc bắt buộc phải có quà biếu qua biếu lại.”

Ông Jame Phạm, qua Mỹ năm 2000, hiện sống ở Reseda, cách Little Saigon hơn 1 tiếng lái xe, thì chỉ giữ tập tục họp mặt gia đình ngày cuối năm và mừng tuổi cha mẹ chứ không chú ý đến chuyện biếu quà Tết.

“Tôi qua đây năm 2000, qua đây thấy đời sống bên này khác hơn Việt Nam, đôi khi cũng bận rộn, rồi mấy ngày Tết nhằm vào ngày thường thành ra sau này cũng ít có đi biếu quà, chỉ có ngay ngày 30 Tết thì đi qua nhà ba má họp mặt gia đình, rồi mùng một Tết thì mừng tuổi cho ba má, vậy thôi à, chứ không có đi biếu quà cho người khác.”

Với chị Trầm Bội Phương, cư dân thành phố Irvine, sống ở Mỹ cũng gần 40 năm, thì hình ảnh các phụ huynh của các lớp học Việt ngữ mang giò chả, bánh mứt biếu Tết thầy cô giáo để tỏ lòng biết ơn khiến chị cảm thấy sự lao xao của không khí Tết.

“Tôi qua Mỹ cũng 40 năm rồi, tôi qua đây có gia đình, có chồng con, ở Mỹ cũng đi làm với người Mỹ nhiều… Bản thân tôi có sinh  hoạt tại một trung tâm dạy tiếng Việt cũng hơn 20 năm rồi. Tôi nhớ cứ mỗi lần tết đến là nhà trường cũng tặng giò thủ, bánh chưng cho thầy cô ăn Tết. Tôi cũng thấy có phụ huynh, là những người còn trẻ sinh ra ở Mỹ, ngoài 30 tuổi, cũng đi biếu Tết cho thầy cô, họ cũng mua mứt, bánh, có khi họ đặt chả để cho cũng như một cách họ tỏ lòng biết ơn mình. Mình không muốn nhận nhưng mà thấy cũng vui. Nếu tôi không sinh hoạt trong trung tâm Việt ngữ, nếu tôi trở lại sinh hoạt trong cộng đồng Việt thì không biết không khí Tết nhiều đâu.”

Trong khi đó, Bác sĩ Phạm Đỗ Thiên Hương hiện sống ở Irvine, sang Mỹ cũng gần 4 thập niên nhưng vẫn cố gắng giữ những tập tục ngày Tết, trong đó có việc biếu quà Tết dưới hình hình đơn giản hơn.

“Tôi sang đây từ năm 1980. Dĩ nhiên mình vẫn cố gắng giữ những tập tục của ngày Tết. Nói về thói quen có biếu quà Tết hay không thì Yes, vẫn còn giữ thói quen đó nhưng mà có đơn giản lại. Như ở Việt Nam thì đi biếu Tết là phải đi ngày trước Tết để biếu cho người ta ăn Tết. Xong, đến ngày Tết mình lại đến nhà chúc Tết, tức là hai chuyến khác nhau. Nhưng qua qua đây thì mình giản tiện đi, vì ai cũng bận hết, chính người tiếp mình họ cũng không có thời gian tiếp mình hai lần thành ra mình đi biếu và chúc Tết trong cùng một ngày cho đơn giản lại. Và cũng chỉ giới hạn trong họ hàng thân thích thôi, chứ không có hàng xóm như ở Việt Nam.

Quà dùng để biếu Tết của chị Thiên Hương cũng thay đổi tùy năm.

“Tùy năm, có năm biếu hoa, có năm  biếu trái cây, thật sự bây giờ mình không có biết bánh mứt như hồi xưa nữa tại vì người ta cũng không thích ăn, mình thấy cũng uổng, thành ra mức thì mình chỉ mua tí xíu tượng trưng thôi, bánh chưng, trà là những món có thể dùng để biếu tết.”

Với anh Lộc Nguyễn ở Orange thì chuyện biếu Tết cho bạn bè, người quen sẽ vô tình mang lại cho người nhận một chút phiền phức bởi người nhận cũng phải lo kiếm  một món gì đó để biếu lại, thế nên theo anh sau vài năm đầu mới qua Mỹ, người Việt Nam đa phần còn giữ tập tục biếu Tết cho người quen, tuy nhiên sau đó hình thức này sẽ từ từ bị bỏ đi.

Tuy nhiên, việc biếu quà Tết trong gia đình, đặc biệt là cho bố mẹ với anh Lộc là điều bắt buộc và phải được duy trì.

“Trong nhà chuyện biếu Tết là bắt buộc. Tại vì sao? Mình là một người con, khi Tết về, đó là dịp để mình tỏ lòng thành  của mình với ông bà. Mình mua đồ để cúng, để mang về gia đình cho ba mẹ mình cúng mà ba mẹ thì thờ ông bà tổ tiên. Thứ hai việc mua quà đó là để tỏ tình cảm của mình với người thân. Đối với mình, không phải chỉ bây giờ, mà trước đây và sau này cũng vậy, cứ mỗi năm đến dịp Tết thì việc đầu tiên là mình phải lo đi mua đồ để cúng và mua quà về cho ba mẹ mình.”

Anh Lộc cho rằng không chỉ thế hệ anh duy trì tập tục này mà các con anh cũng được dạy dỗ để duy trì văn hóa Việt này.

“Tất nhiên, chắc chắn, ngay cả bây  giờ cũng vậy, nó được gần 5 tuổi, nhưng mình đã dạy nó từ từ rồi. Tết, ngày Mùng Một là phải qua nhà ông bà. Còn chiều 30, làm gì làm, nếu nhà mình có cúng thì phải cúng trước đó một ngày, để ngày 30 là ngày cúng Tất Niên thì anh em dâu rể đều phải tụ hợp về để cúng 30 ở nhà ông bà. Sau đó đến sáng Mùng Một, làm gì làm cũng phải về nhà ông bà trước khi đi bất cứ nơi đâu. Đó là điều mình đã làm và mình tập cho con mình làm, và hướng con cháu mình và thế hệ sau này cũng phải biết nét văn hóa của người Việt Nam là như vậy.”

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/overseas-vietnamese-talk-about-tet-presents-02152018090013.html

 

Phim “Saigon ‘68”:

Phơi bày nửa sự thật bị cố tình lãng quên 50 năm trước

Hòa Ái, phóng viên RFA
Truyền thông trong nước, nhân kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân nhắc lại sự kiện bức ảnh lịch sử “Hành quyết tại Sài Gòn” (Saigon Execution) của nhiếp ảnh gia Eddie Adams, mà họ gọi là kẻ sát nhân Nguyễn Ngọc Loan hành quyết chiến sĩ biệt động giữa phố Sài Gòn gây sốc dư luận thế giới.

Đã 50 năm trôi qua, hành động hành quyết của vị tướng Quân lực Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn là một chủ đề gây tranh cãi, mặc dù tác giả tấm ảnh đoạt giải Pulitzer này từng tuyên bố rằng bức hình chỉ nói lên một nửa sự thật. Đạo diễn Douglas Sloan, cũng là nhà sản xuất phim ở Hoa Kỳ đang thực hiện phim tài liệu “Saigon ‘68” để chuyển tải phân nửa sự thật còn lại mà nhiều người không thể thấy qua bức hình lịch sử đó.

Phóng viên Hòa Ái có cuộc trò chuyện với cô Thùy Lan Phan, một điều phối viên của dự án phim, Đạo diễn Douglas Sloan và cựu Thiếu tướng Lê Minh Đảo của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa liên quan sự kiện lịch sử này.

Nhân chứng lịch sử lên tiếng

Hòa Ái: Xin chào Thùy Lan Phan. Rất cảm ơn Thùy Lan đến Đài RFA để chia sẻ với quý khán thính giả về bộ phim “Saigon ‘68’”. Hòa Ái được biết phim tài lệu này đã được trình chiếu rồi và vì sao dự án phim lại được tiếp tục nữa?

Thùy Lan Phan: Ông Douglas Sloan thực hiện một bộ phim, gọi là “Saigon ‘68”. Cách đây vài năm, phim được trình chiếu ở New York Film Festival và trên toàn thế giới. Thông thường tại các liên hoan phim thì giới chuyên môn bình luận về cách quay phim và kỹ thuật. Nhưng đặc biệt, phim “Saigon ‘68”của đạo diễn Douglas Sloan thì đề tài được quan tâm nhiều hơn so với kỹ thuật làm phim. Ông Douglas Sloan được nhận giải thưởng cho phim này và các trường đại học mong muốn ông thực hiện bộ phim dài hơn.

Ban đầu, đạo diễn Douglas Sloan chỉ phỏng vấn những người Mỹ, trong đó có các sử gia và những người làm việc trong ngành báo chí. Lúc đó thì ông Douglas Sloan làm phim “Saigon ‘68” cũng giống như các nhà làm phim ngoại quốc khác trong cùng đề tài nói về chiến tranh Việt Nam. Nhưng đạo diễn Douglas Sloan nhận ra ông cần nghe quan điểm của người Việt, nên ông muốn làm cuốn phim đặc biệt hơn và ông đã tìm đến cộng đồng người Việt. May mắn là ông đã gặp được Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích.

Những gì mà phim mang lại được, đó là tạo ra cảm hứng và một cuộc thảo luận về tính chất đạo đức của chiến tranh, và những gì đã thực sự xảy ra trong bức ảnh đó cần được được thông hiểu vào thời điểm nó được phổ biến

-Đạo diễn Douglas Sloan

Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích là một người hiền hậu và hiểu biết rất nhiều. Giáo sư Bích đã giúp ông khỏang 2 năm, nhưng không ai chịu phỏng vấn vì nói chung tấm hình “Hành quyết tại Sài Gòn” làm tổn thương rất nhiều người, nhất là gia đình của Tướng Loan.

Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích qua đời và tôi gặp ông đạo diễn Douglas Sloan tại đám tang của Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích. Tôi được nghe ông chia sẻ không biết làm gì với dự án phim này nữa nên ông cần giúp gì thì tôi giúp. Tôi tìm những người có mặt tại hiện trường và những người làm việc trực tiếp với Tướng Nguyễn Ngọc Loan là những người biết sự thật ra sao.

Hòa Ái: Thùy Lan có nhắc đến Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, ông từng giữ vai trò Giám đốc của Ban Việt ngữ Đài Á Châu Tự Do. Sau khi Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích qua đời, Hòa Ái được biết Thùy Lan là một điều phối viên của dự án phim gốc Việt duy nhất. Thông điệp của Thùy Lan muốn gửi đến khán giả của bộ phim sắp công chiếu là gì?

Thùy Lan Phan: Thông điệp của tôi là thứ nhất mình muốn nói lên sự thật. Tôi cũng hy vọng giới trẻ người Việt sau này, kể cả những người trẻ lớn lên ở Hoa Kỳ biết được sự thật về chiến tranh Việt Nam và biết được những câu chuyện của các nạn nhân trong chiến tranh. Và, tôi cũng muốn giải oan cho Tướng Loan, không phải bênh vực cho Tướng Loan mà là vì sự thật đã bị chôn vùi trong 50 năm qua.

Thông điệp của tôi là khi chúng ta nhìn thấy một bức ảnh thì nó không nói hết sự thật. Người Mỹ có câu nói là “một nửa sự thật không phải là sự thật”.

Nửa sự thật chưa được kể

Hòa Ái: Vừa rồi là chia sẻ của cô Thùy Lan Phan về dự án phim tài liệu “Saigon ‘68”. Và bây giờ, chúng tôi mời quý vị cùng gặp gỡ với đạo diễn và nhà sản xuất phim “Saigon ‘68” Douglas Sloan để tìm hiểu nhiều hơn về quá trình ông thực hiện bộ phim này. Xin chào đạo diễn Douglas Sloan, câu hỏi đầu tiên dành cho ông là cơ duyên nào ông quyết định làm bộ phim “Saigon ‘68”, thưa ông?

Đạo diễn Douglas Sloan: Tôi quyết định làm bộ phim này là vì hầu hết mọi người, trong đó có tôi tại thời điểm xảy ra vụ việc đã không biết được câu chuyện sự thật ở phía sau bức hình Tướng Loan hành quyết tên Việt cộng giết người. Đây là một lý do và lý do thứ hai nữa là vì tôi nhận thấy chúng ta đang tiếp cận thời đại mà hiểu biết bằng thị giác. Hiểu biết về xã hội là điều vô cùng quan trọng và chúng ta cần phải biết cách nhận thức qua hình ảnh.

Hòa Ái: Khán giả xem phim “Saigon ‘68” đã có những bình luận như thế nào?

Đạo diễn Douglas Sloan: Chúng tôi đã làm một phim ngắn, ban đầu là một đoạn giới thiệu để giúp gây quỹ cũng như gây chú ý cho cho dự án phim. Phản ứng của khán giả ở các liên hoan phim khác nhau trên khắp thế giới, có thể nói là vô cùng “cảm tính thị giác” (visual). Tôi nghĩ rằng đó là môt từ ngữ tốt nhất mà tôi có thể diễn tả. Mọi người phản ứng với cả hai mặt của cuộc tranh luận. Có người biện minh cho hành động của Tướng Loan xử bắn những người trong cuộc nổi dậy. Ngược lại, cũng có người cho rằng đó là tội ác chiến tranh. Nhưng tôi có thể nói một cách tổng quát rằng phim tài liệu này đã tạo nên sự quan tâm của dư luận để bàn cãi về tính chất đạo đức. Những gì mà phim mang lại được, đó là tạo ra cảm hứng và một cuộc thảo luận về tính chất đạo đức của chiến tranh, và những gì đã thực sự xảy ra trong bức ảnh đó cần được được thông hiểu vào thời điểm nó được phổ biến.

Hòa Ái: Tôi được biết ông đã gặp gỡ với nhiều nhân chứng lịch sử, là những người từng làm việc cũng như có mặt ở hiện trường nơi xảy ra sự kiện liên quan đến bức ảnh “Hành quyết tại Sài Gòn”. Những người này nói gì về nhân cách của Tướng Nguyễn Ngọc Loan?

Đạo diễn Douglas Sloan: Tất cả đều nói rằng Tướng Loan làm việc với anh em trong quân ngũ rất thân tình và ông ấy không phải là người mà có lòng dạ muốn giết người hay hành quyết ai cả. Tướng Loan chịu trách nhiệm chỉ huy hơn 70 ngàn cảnh sát cũng như phụ trách về an ninh tại thời điểm đó, tương đương với tổ chức CIA của Hoa Kỳ và Tướng Loan là một người rất mạnh mẽ, ông đã quên đi bản thân để làm tròn trách nhiệm theo những yêu cầu của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa thời đó.

Tướng Loan đã làm việc và tin cậy binh lính của ông. Một số người cho rằng tình huống xảy ra là tâm điểm của cuộc chiến và bức ảnh đó đã hủy hoại cuộc đời của Tướng Loan. Những người biết Tướng Loan mà chúng tôi được tiếp xúc nói rằng nhân cách của ông hoàn toàn ngược lại với hành động đã hủy hoại thanh danh bởi dư luận Hoa Kỳ. Một tình huống mà những người Mỹ chúng tôi phê phán chỉ qua những gì nhìn thấy trên truyền thông, thì không nên vội vã phán đoán về sự việc đã diễn ra đó.

Một, hai người đã nói với chúng tôi rằng tại thời điểm đó có thiết quân luật được ban hành, quy định nếu như một người bị bắt mà mặc quần áo thường dân nhưng có súng trong tay thì sẽ bị giống như là hành quyết và Tướng Loan chỉ thi hành luật pháp. Đây là một câu chuyện khác.

Thông điệp của tôi là muốn giải oan cho Tướng Loan…vì sự thật đã bị chôn vùi trong 50 năm qua và khi chúng ta nhìn thấy một bức ảnh thì nó không nói hết sự thật. Người Mỹ có câu nói là “một nửa sự thật không phả-Thùy Lan Phan

Bộ phim được đổi tựa là “Khoảnh khắc của sự thật” (Moment of the truth). Và, tôi nghĩ rằng rất tương tự với thời buổi bây giờ của xã hội chúng ta. Chúng ta không đón nhận thông tin bằng chữ viết nữa, mà bằng hình thức giao tiếp qua âm thanh và hình ảnh. Và chúng ta không hiểu được ngôn ngữ hình ảnh là một ngôn ngữ rất giàu cảm xúc, tác động nhanh hơn ngôn ngữ của chữ viết, bởi vì chúng ta nhìn thấy điều gì đó và lập tức chúng ta phản ứng ngay, nhanh hơn đối với những gì chúng ta đọc được.

Điều này đã xảy ra đối với bức ảnh “Hành quyết tại Sài Gòn” của Eddie Adams. Họ đã phản ứng trước khi họ biết được chuyện gì đã xảy ra. Quan trọng là cần phải có thời gian để hiểu được những gì chúng ta nhìn thấy, không nên phản ứng theo quan điểm cá nhân hoặc thực tại của chúng ta với những gì chúng ta nhìn thấy.

Hòa Ái: Bộ phim được dự kiến khi nào trình chiếu?

Đạo diễn Douglas Sloan: Chúng tôi hiện giờ đã hoàn chỉnh kịch bản phim dài 90 phút, khoảng 90% bộ phim được hoàn thành. Chúng tôi vẫn còn một số việc phải làm, như thực hiện thêm các cuộc phỏng vấn. Giống như các công ty sản xuất phim, thì chúng tôi cũng cần gây quỹ để hoàn thành bộ phim. Nếu như chúng tôi gây quỹ thành công, nhiều người lắng nghe và chú ý tới dự án phim và hỗ trợ tài chính cho chúng tôi thì hy vọng bộ phim sẽ được phát hành trong vòng 6 tháng nữa.

Người có trách nhiệm giống Tướng Loan sẽ làm gì?

Hòa Ái: Thưa quý vị, chúng ta được nghe cô Thùy Lan Phan và đạo diễn Douglas Sloan chia sẻ họ đang cố gắng thực hiện một phim tài liệu nói lên sự thật phía sau bức hình “Hành quyết tại Sài Gòn” vào năm 1968. Tiếp tục cuộc trò chuyện hôm nay, còn có sự góp mặt của cựu Thiếu tướng Lê Minh Đảo, Tư lệnh Sư đoàn 18 Bộ Binh Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, Mời quý vị nghe ông chia sẻ về vai trò của Tướng Nguyễn Ngọc Loan trong thời điểm lịch sử Biến cố Mậu Thân năm 1968 tại Sài Gòn. Xin chào cựu Thiếu tướng Lê Minh Đảo. Thưa ông, sau khi hình ảnh Tướng Loan bắn chết người chiến sĩ biệt động Sài Gòn là Nguyễn Văn Lém, tự Bảy Lốp được phổ biến thì dư luận thế giới phản đối rất dữ dội, bởi vì họ cho rằng đó là một hành động rất dã man và tàn ác. Còn dư luận ở trong nước tại thời điểm đó như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Minh Đảo: Bây giờ để nói cho có đầu có đuôi, thứ nhất là năm 1968 gọi là Mậu Thân, Cộng sản từ trong rừng họ đã đem chiến tranh vào thành phố. Họ vi phạm hiệp định ngừng bắn và thủ đô Sài Gòn lúc đó đang an bình trở thành một chiến trường rất ác liệt và đẫm máu. Tôi nói về sự liên quan của Việt Nam Cộng Hoà đối với Cộng sản, thì Việt Nam Cộng Hoà thường gọi Cộng sản Việt Nam không phải là Cộng sản đơn thuần mà gọi là Cộng sản khủng bố. Không phải chỉ Việt Nam Cộng Hoà gọi thôi. Tôi xin nói là các nước chống cộng sản như Malaysia, Anh quốc, họ gọi là Cộng sản khủng bố như chúng tôi gọi. Điều này được dẫn chứng là khi tôi đi học ở trường quân đội, học về chương trình chống du kích trong rừng, thì người Anh cũng gọi Cộng sản ở Malaysia là “CT” (Communist Terrorist) y như chúng tôi đã gọi. Và, trong luật pháp của Việt Nam Cộng Hoà từ đời Tổng thống Diệm cho đến đời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đều đặt Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật, chứ không có xét xử theo luật pháp thông thường. Thành ra, khi đặt công Cộng sản khủng bố đem đặc công vào Sài gòn, đánh vào toà Đại sứ, vào các nơi…trong đó tên khủng bố Bảy Lốp này trước đó đã giết rất nhiều đồng bào, sát hại đồng bào và xua đuổi đồng bào ra trước làn đạn để che đạn cho chúng nó thì bị bắt và đã bị hành quyết.

Ông tướng chỉ huy trưởng cuộc hành quân đó là Tướng Nguyễn Ngọc Loan. Trong một chiến trường đang sôi động như vậy, thì việc loại một tên khủng bố tại chiến trường là không có gì sai trái cả. Tôi cũng xin nói thêm về việc này, thế giới sau đó làm rùm beng, còn đối với trong nước, từ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trở xuống cho đến một người binh sĩ khắp mọi nơi trong vùng miền Nam Việt Nam, cho đến đồng bào dân chúng ở thủ đô và thậm chí cả những nhà báo độc lập tự do tư tưởng, tự do phát biểu, họ không có một sự phê phán nào về hành động loại trừ tên Bảy Lốp do tướng Loan làm; ngầm hiểu rằng tất cả mọi người trong nước chúng tôi đều đồng tình, không có gì sai trái về hành động của tướng Loan cả.

Nếu bây giờ phong trào khủng bố ở tại Timesquare, New York có một tên khủng bố Hồi giáo y như Bảy Lốp, nó thảm sát đồng bào ở đó và vị chỉ huy trưởng của một lực lượng bảo vệ an ninh tại đó thanh toán anh ta liền tại chỗ, bắn anh ta để anh ta không làm những việc gây thêm thảm khốc cho đồng bào nữa, thì vị chỉ huy trưởng đó đối với quý vị có phải là người anh hùng không?…Do đó, những vị chỉ huy nào có trách nhiệm đều phải thi hành giống như Tướng Loan
-Cựu Thiếu tướng Lê Minh Đảo

Hòa Ái: Dạ thưa, thêm một câu hỏi dành cho ông rằng trong cương vị một vị tướng và giả định sự việc đó diễn ra đối với ông thì ông sẽ hành xử ra sao?

Ông Lê Minh Đảo: Câu hỏi này thì tôi xin được nói như thế này, từ đầu cuộc chiến tranh thứ nhất cho tới chiến tranh thứ hai và thậm chí cho đến ngày tết Mậu Thân năm 1968 thì nước Mỹ được diễm phúc đặc ân của ơn trên Thượng đế ban cho cũng như các nước Âu Châu lúc đó khác với chúng tôi chịu sự đau khổ của chiến tranh, sự tàn phá của chiến tranh,  sự tàn ác của Cộng Sản khủng bố đất nước chúng tôi gần 30 năm. Do đó mà mình thấy rằng cái cách nghĩ, cách nhìn và cách giải quyết của những người Hoa Kỳ và những người Âu Châu khác hẳn với những người Việt Nam phải chiến đấu một mất một còn để gìn giữ đất nước mình. Điều này khác nhau rất nhiều.

Tôi thấy có một điều là sau khi Osama bin Laden và al-Qaeda làm một cuộc khủng bố đánh sập hai toà tháp đôi ở New York, mà chúng ta thường gọi là vụ khủng bố 911 và tiếp theo là những phong trào khủng bố lan rộng khắp thế giới, xảy ra ở Anh, Pháp và các nước trên thế giới, thì bây giờ cái nhìn của quý vị có lẽ đã khác. Quý vị có lẽ phần nào thông cảm những việc làm của chúng tôi lúc đó. Và tôi đặt thử thế này, nếu bây giờ phong trào khủng bố ở tại Timesquare, New York có một tên khủng bố Hồi giáo y như Bảy Lốp, nó thảm sát đồng bào ở đó và vị chỉ huy trưởng của một lực lượng bảo vệ an ninh tại đó thanh toán anh ta liền tại chỗ, bắn anh ta để anh ta không làm những việc gây thêm thảm khốc cho đồng bào nữa, thì vị chỉ huy trưởng đó đối với quý vị có phải là người anh hùng không? Người anh hùng mà dân chúng New York tôn vinh, quý vị có nghĩ vậy không?

Điều mà chúng ta thấy quan trọng và cách cấp bách nhất là những người chỉ huy, những người có trách nhiệm là phải bảo vệ cho đồng bào của mình khi bị khủng bố, làm thế nào tránh cho đồng bào sự thảm sát có thể do tụi khủng bố gây ra. Do đó, những vị chỉ huy nào có trách nhiệm đều phải thi hành giống như Tướng Loan cả. Ở vào trường hợp đó, những người cấp chỉ huy chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ an ninh quốc gia, chúng tôi cũng phải làm như vậy, bởi vì chúng tôi nhắc lại lần nữa là đặt Cộng sản khủng bố ra ngoài vòng pháp luật và nhiệm vụ chính yếu của chúng tôi là bảo vệ, đừng để chúng gây tan tốc cho đồng bào. Đó là ý kiến của tôi.

Hòa Ái: Xin chân thành cảm ơn cựu Thiếu tướng Lê Minh Đảo, đạo diễn Douglas Sloan và cô Thùy Lan Phan dành thời gian cho cuộc trò chuyện này với RFA.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-documentary-film-saigon-68-exposing-half-truth-deliberately-forgotten-50-years-ago-02142018144651.html

 

Công nhân và Tết

Tết Nguyên Đán đối với nhiều người lâu nay là dịp sum họp gia đình, nghỉ ngơi sau một năm lao động vất vả. Giới công nhân đi làm ăn xa càng mong mỏi được về quê đón Xuân.

Thực tế một số người lao động đón Xuân ra sao? Tình cảnh của họ lâu nay thế nào?

Kẻ vui, người buồn

Đến lúc này nhiều người đang cùng gia đình đón tết ở quê nhà hay cùng người thân du Xuân đâu đó. Thế nhưng có một số người đang đi làm ăn xa, lại không có cơ hội để về quê ăn tết cùng gia đình.

Chị Nhanh, một công nhân làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết hoàn cảnh của bản thân:

“Cũng mong muốn về quê lắm, nhưng điều kiện mình không có thì phải chịu thôi.”

Cuối năm em thấy tiền thưởng không có bao nhiêu. Vật giá ngày càng lên mà cắt giảm tiền thưởng nữa thì họ không có tiền về quê.

-Một công nhân ở Đồng Nai

Một công nhân khác làm việc tại công ty Bon Chen ở Đồng Nai cho biết lý do vì sao nhiều công nhân không thể về quê đón Tết Mậu Tuất:

“Năm nay họ muốn cắt giảm tiền thưởng tết của công nhân, nhưng do cuối năm công nhân phản đối nhiều quá nên họ không dám, họ đưa ra chính sách thưởng 1 tháng lương thay vì mọi năm là tiền thưởng tăng theo bậc. Cuối năm em thấy tiền thưởng không có bao nhiêu. Vật giá ngày càng lên mà cắt giảm tiền thưởng nữa thì họ không có tiền về quê. Một người công nhân mà muốn về quê với gia đình thì họ phải chuẩn bị từ 50 đến 70 triệu trở lên. Thành ra có nhiều người 2, 3 năm mới về một lần chứ không được về mỗi năm.”

Chị cũng chia sẻ về đời sống khó khăn của đa số công nhân tại công ty chị làm việc:

“Đa số công nhân là mượn tiền “ăn trước, trả sau”. Đó là họ mượn một khoản nợ để sống rồi sau đó lãnh lương, thưởng ra, họ phải trả với tiền lãi cao.”

Anh Trường, quê ở một tỉnh phía Bắc, hiện là công nhân tại công ty ở Khu Công Nghiệp Long Bình, Thành Phố Biên Hòa – Đồng Nai, cho biết về những khó khăn trong đời sống công nhân:

“Lương công nhân thì ít, chưa được bốn triệu bạc, mà mình phải trả tiền nhà, tiền giữ trẻ, tiền ăn, rồi các chi phí đều cao. Tôi làm thì chỉ đủ ăn.”

Công nhân gặp khó khăn không chỉ trong dịp chuẩn bị Tết mà gần như trong năm tình hình cũng không khá gì hơn. Theo thống kê của Lao Động Việt, trong năm 2017 tại Việt Nam có 314 cuộc đình công, nguyên nhân chủ yếu của các vụ đình công là do thu nhập công nhân thấp, trong khi đó lạm phát ngày càng cao, lương công nhân không đủ sống. Ngoài ra, còn các nguyên nhân khác như: chủ sử dụng lao động không trả lương đúng thời hạn, nợ lương, tăng lượng sản xuất, nhưng không tăng lương, công nhân bị ép tăng ca quá sức nhưng tiền tăng ca thấp, công nhân không đồng ý với quy định bảo hiểm xã hội, tiền thưởng Tết, điều kiện vệ sinh, an toàn lao động không được bảo đảm…

Ông Đoàn Huy Chương, một thành viên sáng lập Phong trào Lao Động Việt, một tổ chức công đoàn độc lập không chịu sự quản lý của nhà nước cho chúng tôi biết thêm về những khó khăn mà công nhân phải đối mặt trong năm 2017 cũng như dịp cận Tết Mậu Tuất 2018:

“Trong năm nay, nhiều công ty sa thải công nhân rất nhiều vào cuối năm, điển hình là công ty Bon Chen ở Tân Tạo, Bình Tân, Bình Chánh. Và có những  công ty, giám đốc trốn luôn, chẳng hạn như công ty Sao Việt ở khu công nghiệp Bàu Xéo. Hàng ngàn công nhân bị giật tiền lương, không được đóng bảo hiểm, không có tiền thưởng nên những công nhân đó không có tiền về quê ăn tết. Đó là những điển hình.”

Vai trò của công đoàn?

Gặp nhiều khó khăn, bị giới chủ đối xử không công bằng, người công nhân mong nhận được sự giúp đỡ từ phía công đoàn nhà nước, tuy nhiên nữ công nhân ở công ty Bon Chen Đồng Nai cho biết:

“Không có giúp đỡ gì. Giống như bên công đoàn, khi công nhân gặp chuyện gì, họ không có can thiệp vô. Phép năm của công nhân một năm có 12 ngày nhưng bây giờ có nhiều xưởng họ bắt công nhân phải nghỉ phép hết 5 ngày khi không có hàng.

Hôm rồi em gặp một số  các chị làm bên xưởng D cho biết bị bắt nghỉ phép 5 ngày. Họ bắt nên đành chịu vì không có hàng,họ bắt buộc phải nghỉ.”

Chúng tôi chỉ hỗ trợ họ về mặt pháp lý hoặc hướng dẫn họ cách để bảo vệ quyền lợi, chẳng hạn như hướng dẫn cách viết đơn khiếu kiện đến công ty hay đòi những quyền lợi chính đáng của họ mà bị các giới chủ bóc lột.

-Đoàn Huy Chương

Theo Chị công nhân này, phép năm là của công nhân, không phải của công ty và công nhân có quyền tự quyết. Công ty không có quyền áp đặt như vậy. Khi công ty hết hàng thì bắt buộc công ty nghỉ và cho hưởng 70% lương cơ bản theo luật lao động, chứ không có quyền bắt công nhân nghỉ phép năm của mình. Chị cho biết thêm:

“Nếu các chị công nhân nghỉ hết phép năm và phép bịnh, đến cuối năm phép năm và phép bịnh bị lố 15 ngày thì sẽ bị trừ tiền thưởng theo qui định của công ty.

Đa số công nhân ở đó là nữ. Nhiều người có con nhỏ nên nhiều khi con họ bịnh  thì họ phải nghỉ thôi. Nghỉ như vậy nên họ sẽ trừ tiền thưởng nên cuối năm họ không bao nhiêu tiền thưởng hết.”

Đối với những tổ chức độc lập chuyên hỗ trợ công nhân như Phong trào Lao Động Việt, họ cũng chỉ có thể giúp giới công nhân hiểu biết về các quyền lợi để lên tiếng chứ không thể giúp về tài chính, ông Đoàn Huy Chương thừa nhận:

“Riêng Phong trào Lao Động Việt luôn sát cánh với những người công nhân mà họ bị giới chủ sa thải hoặc áp bức. Chúng tôi không có tài chính để hỗ trợ cho công nhân vì có đến hàng ngàn người. Chúng tôi chỉ hỗ trợ họ về mặt pháp lý hoặc hướng dẫn họ cách để bảo vệ quyền lợi, chẳng hạn như hướng dẫn cách viết đơn khiếu kiện đến công ty hay đòi những quyền lợi chính đáng của họ mà bị các giới chủ bóc lột.”

Gần nhất đối với trường hợp gần 2 ngàn công nhân Công ty KL Texwell Vina tại Khu Công nghiệp Bùi Xéo, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. bị nợ lượng trước Tết, và ban giám đốc người Hàn Quốc bỏ về nước, cơ quan chức năng Việt Nam phải can thiệp giúp đỡ.

Chị Lan, công nhân Công ty KL Texwell Vina ở Đồng Nai tâm sự trên trang mạng xã hội của mình:

“Hôm nay cũng nghe sơ sơ là công đoàn, chủ tịch gì đó, em cũng không nghe rõ, là sẽ trả lương cho mọi người 50%, để cho mình tạm ứng về quê trước, còn mấy cái vụ tiền bảo hiểm, rồi công đoàn này nọ qua Tết sẽ tính tiếp. Kêu qua Tết mình vô làm bình thường trở lại.”

Tình trạng nhiều công ty sa thải công nhân hàng loạt vào cuối năm để né thưởng Tết, điển hình là công ty Bon Chen ở Tân Tạo, Bình Tân, Bình Chánh, cũng khiến cuộc sống người công nhân lao đao. Và cái khó nữa của họ là sau Tết, trở vào thành phố, họ lại phải tìm việc mới hoặc ký lại hợp đồng với công ty cũ như lúc mới làm. Và lúc này, mọi thứ quyền lợi lại bắt đầu từ đầu. Chính vì kiểu ký hợp đồng theo năm của các công ty nên đa phần công nhân là người chịu thiệt.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vtk021418-02142018130806.html

 

Chủ tịch Việt Nam và Tổng thống Mỹ điện đàm

Ông Trần Đại Quang, chủ tịch nước Việt Nam, và tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vào ngày 14 tháng 2 có cuộc điện đàm với nhau.

Nhà Trắng và Thông tấn xã Việt Nam đều loan tin vừa nêu. Trong cuộc điện đàm, nguyên thủ hai nước thảo luận về tình hình an ninh khu vực cũng như mối quan hệ quốc phòng và thương mại ngày càng tăng giữa hai phía.

Theo Thông Tấn Xã Việt Nam, Chủ tịch Trần Đại Quang chúc mừng Tổng thống  Donald Trump về những điều mà ông Quang cho là thành tựu của Hoa Kỳ trong năm đầu ở cương vị tổng thống nước Mỹ của Tổng thống Donald Trump. Hai bên cũng nói đến chuyến thăm Việt Nam vào tháng 11 năm ngoái của người đứng đầu Nhà Trắng nhân dịp Hội Nghị Cấp Cao APEC lần thứ 25. Đây là chuyến thăm được cho là đã ghi dấu ấn, tạo động lực cho sự phát triển của Quan Hệ Đối Tác Toàn Diện giữa hai nước.

Cũng theo Thông Tấn Xã Việt Nam, Tổng thống Donald Trump gửi lời chúc mừng năm mới âm lịch đến các vị lãnh đạo và người dân tại Việt Nam.

Sau khi ông Trump đắc cử tổng thống, vào ngày 14 tháng 12 năm 2016, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã gọi điện chúc mừng.

Vào ngày 31 tháng 5 năm ngoái, ông Nguyễn Xuân Phúc được Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tiếp tại Nhà Trắng.

Theo nhận định của Thông Tấn Xã Việt Nam, cuộc điện đàm vào ngày 14 tháng 2 giữa Chủ tịch Trần Đại Quang với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt-Mỹ tiếp tục phát triển.

Vào tháng 3 tới đây, hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Hoa Kỳ sẽ cập cảng Đà Nẵng. Đó sẽ là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một hàng không mẫu hạm Mỹ kể từ khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc năm 1975.

Hãng tin AFP vào ngày 15 tháng 2, 2018 dẫn lời phó đô đốc John Fuller nói với báo giới có mặt trên hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson rằng sự hiện diện của Hoa Kỳ tại khu vực Biển Đông có ý nghĩa quan trọng. Ông này cho rằng hàng không mẫu hạm đang thực hiện nhiệm vụ tại Biển Đông.

Vị chỉ huy nhóm tàu tác chiến Carl Vinson nêu rõ những quốc gia ở Thái Bình Dương là những nước hàng hải, họ coi trọng sự ổn định. Đó là lý do mà Hoa Kỳ có mặt tại khu vực này, và đây là một sự hiện diện cụ thể có thể nhận thấy được.

Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson được nói  đang tiến hành công tác mà các giới chức Mỹ gọi là nhiệm vụ thông thường đi qua vùng biển mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền gây nên căng thẳng. Đặc biệt là hoạt động cải tạo, bồi lấp đảo nhân tạo rồi xây dựng các căn cứ quân sự trên đó với ý đồ mà giới chuyên gia nói rõ nhằm kiểm soát toàn khu vực.

AFP cho biết các phóng viên được mời lên hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson vào ngày thứ tư 14 tháng 2 sau khi có chỉ trích là chính quyền của tổng thống Donald Trump bị vấn đề Bắc Hàn chi phối khiến xao nhãng cam kết đối với khu vực Biển Đông.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnamese-president-and-us-president-held-phone-talk-02152018073145.html

 

Tết Nguyên đán: Đón Tết này lại nhớ Tết xưa

Hoà Ái, RFA

Cứ mỗi độ Tết về, người dân ở Việt Nam thường có câu nói cửa miệng là “Tết năm nay không bằng năm ngoái”. Thế nhưng, những đề xuất nhập chung Tết Âm lich vào ngày Tết Dương lịch thì vẫn còn gặp nhiều tranh cãi.

Luyến tiếc Tết xưa

“Đến 30 Tết là làm mâm cơm cúng để mời ông bà về và cúng đất luôn. Và mỗi sáng của 3 ngày mùng 1, 2, 3 thì việc đầu tiên là phải thắp nhang và pha nước trà đặt lên bàn thờ cúng. Người Bắc thì thường nấu các món chân giò với măng, thịt đông, thịt kho tàu…để cúng trong 3 ngày như vậy. Đến ngày mùng 4 thì làm một mâm cúng lớn hơn, nấu món ăn mới để tiễn ông bà đi.”

Bà An Thục Đức, một người Bắc di cư vào Nam hồi năm 1954 bắt đầu cuộc trò chuyện với RFA về tập tục đón Tết cổ truyền của gia đình bà nói riêng, và của người miền Bắc nói chung như thế. Mặc dù vào thời điểm di cư, bà An Thục Đức còn nhỏ tuổi, nhưng bà vẫn không bao giờ quên được quang cảnh, tiết trời mỗi độ xuân về, Tết đến ở cố hương miền Bắc Việt Nam và bà luôn gìn giữ nếp sinh hoạt truyền thống của gia đình trong những ngày Tết suốt hàng thập niên qua.

Đến 30 Tết là làm mâm cơm cúng để mời ông bà về và cúng đất luôn. Và mỗi sáng của 3 ngày mùng 1, 2, 3 thì việc đầu tiên là phải thắp nhang và pha nước trà đặt lên bàn thờ cúng. Người Bắc thì thường nấu các món chân giò với măng, thịt đông, thịt kho tàu…để cúng trong 3 ngày như vậy. Đến ngày mùng 4 thì làm một mâm cúng lớn hơn, nấu món ăn mới để tiễn ông bà đi. – Bà An Thục Đức

Không chỉ riêng gia đình của bà cụ An Thục Đức, mà hầu như rất nhiều những gia đình người Việt ở Việt Nam đều có cùng chia sẻ họ nôn nao chờ đợi Tết khi đất trời chuyển mùa với những cơn mưa xuân lất phất trong gió bấc ở miền Bắc và với ánh nắng thanh tao vàng ngọt ở miền Nam cùng muôn hoa nở rộ đua sắc khắp nơi nơi.

Nói đến Tết Nguyên đán của dân tộc Việt thì đồng nghĩa với sự đoàn viên, sum vầy. Người Việt dù ở đâu làm gì cũng cố gắng trở về quê nhà, nơi chôn nhau cắt rốn để cùng ông bà, cha mẹ, họ hàng đón Tết vui xuân. Không khí rộn ràng chuẩn bị đón Tết, mùi khói cay từ bếp củi đun bánh chưng bánh tét trước hiên nhà, thời khắc trầm mặc phút giao mùa đêm 30, ba ngày đầu năm rộn rã tiếng tiếng cười, lời chúc lành năm mới…mãi là ký ức đẹp trong tâm thức mỗi người Việt Nam. Ông cụ Hoa Nguyễn, ở Florida, Hoa Kỳ, dù đã ngoài 80 nhưng mỗi năm ông đều sắp xếp về Lái Thiêu, Bình Dương ăn Tết. Ông cụ Hoa Nguyễn nói với RFA rằng ông rất vui vì vẫn tìm được hương vị Tết xưa:

“Là vì hồi trước tôi là hiệu trưởng trường trung học ở đây, do đó số bạn bè giáo sư cũ bây giờ cũng lớn tuổi hết rồi nhưng còn nhiều, nên về đây vui lắm, về đây gặp nhau để ôn lại những chuyện ngày xưa. Đồng thời, mọi năm tôi về để đi gọi dẫy mả (tảo mộ) ông bà vào ngày 25 Tết.”

Tết thời công nghiệp 4.0

Trong khi không ít người luôn cảm nhận cứ mỗi cái Tết đến thì lại có chút gì đó vơi đi, nhạt nhẽo hơn so với một năm trước đó và trong lúc cũng có những người tìm kiếm cho mình chút hương vị Tết của năm tháng cũ thì rất nhiều người từ trong Nam ra ngoài Bắc chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do rằng họ đón Tết Mậu Tuất này với tâm trạng không biết diễn tả thế nào. Hòa Ái cứ nhớ mãi lời của một người dân ở Sài Gòn nói là phố hoa xuân cũng nhộn nhịp, các quầy hàng bánh mứt cũng bày bán rất nhiều, nhưng những gương mặt của người qua lại trên đường trong những ngày cuối năm cứ ngơ ngác làm sao. Phải chăng nhịp sống công nghiệp quá hối hả và bận rộn nên Tết cũng không khác ngày thường là mấy? Một người bán quầy hàng Tết cho biết tình hình mua sắm trong dịp Tết những năm gần đây:

“Mấy cái Tết sau này bán chậm lại, tại vì người ta đi mua sắm trong siêu thị hết rồi. Mì gói thì những người lười biếng ra chợ ghé mua vào ngày 30 Tết. Mấy năm nay mì gói cũng bán chậm, không bán được nữa.”

Mấy cái Tết sau này bán chậm lại, tại vì người ta đi mua sắm trong siêu thị hết rồi. Mì gói thì những người lười biếng ra chợ ghé mua vào ngày 30 Tết. Mấy năm nay mì gói cũng bán chậm, không bán được nữa. – Một người dân

Đài RFA ghi nhận trên các trang mạng xã hội xuất hiện câu nói “đang yên, đành lành bỗng dưng Tết”. Nhiều cư dân mạng còn đăng tải những hình ảnh và thông tin về sinh hoạt đón Tết Mậu Tuất như là chào bán bánh mứt Tết tự làm để bạn bè tránh mua phải thực phẩm bẩn trên thị trường, kêu gọi mua hoa chưng Tết sớm để giúp nông dân không bị ùn ứ hàng mà họ mất cả năm để vun trồng, chăm sóc với hy vọng cho một cái Tết được mùa.

Đối với đa số người dân ở Việt Nam thì Tết thời hiện đại gắn liền với những dịch vụ nhanh gọn, từ việc đặt mua bánh mứt cho đến gửi lời chúc mừng năm mới bạn bè và người thân với những mẫu có sẵn trên internet và chỉ cần nhấn nút điện thoại thì có thể cùng lúc gửi đến rất nhiều người, mà không phải đi xông đất hay thăm hỏi ngày đầu năm. Và vì do được nghỉ Tết dài ngày nên xu hướng dành thời gian đi du lịch trong dịp Tết cũng gia tăng. Trong khi đó, ngày càng cũng có nhiều người không thể nào đón Tết. Một phi công của hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết anh và phi hành đoàn thỉnh thoảng đón giao thừa trên không trung và vui Tết xa nhà:

“Thường thì chúng tôi mang theo bánh mứt và nước trái cây. Sau khi máy bay đáp xuống và trong lúc chờ hành khách lên máy bay, chúng tôi có một tiệc liên hoan nho nhỏ mừng năm mới cùng với phi hành đoàn và cùng với phi công và tiếp viên hàng không của những chuyến bay khác. Chúng tôi chia sẻ những câu chuyện vui trên máy bay. Đó cũng là niềm vui trong công việc của phi công.”

Trái ngược hẳn với những người vì công việc mà không thể đón Tết cùng gia đình, thì cũng còn đó rất nhiều hoàn cảnh đón 3 ngày xuân tề tựu với con cháu. Nhưng:

“Ở đây ăn Tết cũng bình thường thôi, chứ không có ai ăn xa hoa, sung sướng hết. Nhà nào khá giả, có tiền thì đôi ba ký thịt heo, gà vịt…Còn những nhà nghèo cũng một cặp vịt cúng ông bà. Chỉ có ngày mùng một thôi, chứ ngày mùng 2, mùng 3 thì giống như ngày thường rồi.”

Vừa rồi là chia sẻ của một nông dân ở Tiền Giang và cũng là hình ảnh đón Tết của nhiều gia đình khác ở các vùng thôn quê khắp Việt Nam hiện nay. Những gia đình có người thân vào các thành phố lớn bươn chải tìm kế sinh nhai hầu như không có Tết, khi việc đi lại về quê đón Tết không phải là dễ dàng.

Một trong những nghĩa cử đẹp trong những ngày Tết cố truyền thời đại công nghiệp là Tết vì cộng đồng. Nhiều người dành thời gian để làm các công tác thiện nguyện, mang niềm vui đến cho những gia đình nghèo và kém may mắn. Nhóm VNO, một nhóm các bạn sinh viên ở Sài Gòn trong hai năm qua đã cố gắng tổ chức các “chuyến xe 0 đồng” giúp đưa những người vô gia cư, người già xa xứ lâu năm, người khuyết tật, người bán vé số, hàng rong và những bạn sinh viên nghèo về các tỉnh miền Trung đón Tết. Bạn Nhi, một thành viên của nhóm VNO cho biết tổ chức được 4 chuyến xe như vậy trong dịp Tết Mậu Tuất:

“Theo như dự tính của năm ngoái tụi em tổ chức 2 chuyến xe, nhưng vì có nhiều người đăng ký quá, do hoàn cảnh của họ khó khăn, người khuyết tật cho ên tụi em xin thêm tài trợ và đã tổ chức được 4 chuyến xe. Tụi em chở cho họ về quê, tặng kèm theo 1 phần quà, gồm dầu ăn, gạo, nếp, bánh chưng…và 1 phong bì với tiền hỗ trợ cho họ trở lại thành phố. Tại vì tụi em không xin đủ chi phí nên chỉ có thể giúp họ như vậy thôi.”

Mặc dù nhắc đến Tết, nhiều người chắt lưỡi “Tết này không vui như Tết trước” với hình ảnh của tai nạn giao thông khiến hàng chục người thiệt mạng, của công nhân mỏi mòn chờ tiền lương thưởng Tết, của những xáo trộn tất bật trong sinh hoạt và giá cả đồng loạt gia tăng, nhưng hầu như ai cũng mong Tết về, vì hễ thấy hoa đào bông mai nở thì lại ngóng trông, hy vọng cho một năm mới nữa được tốt lành, an vui và sung túc.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/lunar-new-year-celebrating-this-tet-remembering-old-on-t-02152018111752.html

 

Úc phá ổ cần sa của người Việt trị giá gần 3 triệu đôla

Cảnh sát bang New South Wales của Úc vừa đột nhập vào 6 căn nhà tại thung lũng Hunter ngày 14/2 và bắt giữ 5 người Việt Nam với hơn 1.400 cây cần sa, tổng trị giá khoảng 2,8 triệu đôla Úc.

Cảnh sát cho biết 5 người Việt bị bắt có độ tuổi từ 23 – 48, trong đó có một nam sinh viên và 1 phụ nữ. Hai trong số này là di dân bất hợp pháp.

Cuộc bố ráp được thực hiện sau 3 tháng điều tra.

Cảnh sát Úc nói 6 ngôi nhà trong cuộc là do cùng một đường dây điều hành. Các ngôi nhà được tân trang bằng tường giả và cơi nới thêm phòng để dành riêng cho việc trồng cần sa.

Một trong số 6 ngôi nhà còn có xe tập đi của trẻ em để trong nhà xe và trang trí đèn Giáng sinh bên ngoài nhằm che đậy hoạt động bên trong.

“Người nào đứng đằng sau ổ cây trồng cần sa trong nhà này đúng là liều lĩnh khi nghĩ rằng sẽ không bị phát hiện, họ đã nhầm”, Giám đốc cảnh sát điều tra Craig Jackson nói trong một tuyên bố.

Video của cảnh sát cho thấy bên trong nhà được trang bị hệ thống đèn chiếu và tưới tiêu quy mô.

Được biết mỗi ngôi nhà có khoảng 250 cây cần sa lớn bé.

Cảnh sát đã phá hủy khoảng 1.400 cây cần sa, trị giá khoảng 2,8 triệu đôla Úc, với mục tiêu “không chỉ tước đi tài sản của các tội phạm, mà còn làm gián đoạn hoạt động của đường dây trong tương lai”, theo lời ông Jackson.

Cả 5 người Việt đều bị bác đơn bảo lãnh tại ngoại, và sẽ phải ra tòa ở Maitland vào ngày 15/2.

https://www.voatiengviet.com/a/uc-pha-o-can-sa-nguoi-viet-tri-gia-gan-3-trieu-dola/4255951.html

 

Các nhà hoạt động ‘bất ngờ’

tưởng niệm cuộc chiến Việt-Trung 17/2

 

Một nhóm 6 nhà hoạt động bất ngờ tiến hành tưởng niệm cuộc chiến biên giới Việt-Trung vào sáng 30 Tết, tức ngày 15/2, ở tượng đài Lý Thái Tổ, trung tâm Hà Nội.

Lễ tưởng niệm diễn ra sớm 2 ngày so với mốc chính xác của cuộc chiến nổ ra cách đây gần 40 năm, khi Trung Quốc tung quân tràn vào nhiều tỉnh biên giới phía bắc Việt Nam vào ngày 17/2/1979.

Chúng tôi cũng ra thắp hương, xong chúng tôi căng mấy băng-rôn chủ đề vào ngày 17/2. Gồm 3 nội dung: 17/2/79 chúng tôi không quên, thứ hai là Đả đảo Trung Quốc xâm lược, thứ ba nữa là Trung Quốc là kẻ thù số 1 của Việt Nam.

nhà hoạt động Trương Văn Dũng

Truyền thông Việt Nam thời những năm 1980 mô tả chi tiết rằng Trung Quốc đã gây ra nhiều “tội ác tàn bạo” ở các tỉnh này trước khi rút quân về nước do bị Việt Nam “chống trả” và “phản công”. Sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1990, cuộc chiến hiếm khi được đề cập trên truyền thông chính thống của nhà nước.

Ông Trương Văn Dũng nói với VOA rằng ông và 5 nhà hoạt động khác phải tưởng niệm một cách “thầm lặng” hôm 15/2 là để tránh bị chính quyền “ngăn cản, đàn áp”. Ông cho biết thêm:

“Hôm nay gồm có tôi, chị Trần Thị Thảo, anh Lễ, anh Lê Anh Hùng và anh Phùng Thế Dũng. Chúng tôi cũng ra thắp hương, xong chúng tôi căng mấy băng-rôn chủ đề vào ngày 17/2. Gồm 3 nội dung: 17/2/79 chúng tôi không quên, thứ hai là Đả đảo Trung Quốc xâm lược, thứ ba nữa là Trung Quốc là kẻ thù số 1 của Việt Nam. Chúng tôi cũng lựa chọn cách là ngày hôm nay đến trước một ngày để họ không biết, họ không ngăn chặn chúng tôi”.

Ông Dũng, thành viên hội Bầu bí Tương thân, chuyên điều phối các hoạt động trợ giúp dành cho các tù nhân lương tâm, nhắc lại rằng hoạt động tưởng niệm cuộc chiến tháng 2/1979 hồi năm ngoái và các năm trước đều bị chính quyền cản trở ít nhiều.

Nhà hoạt động này thậm chí dùng từ “đàn áp”, “bắt bớ” để nói về việc nhà chức trách thủ đô ngăn cản các cuộc tưởng niệm trước đây.

Trong những năm trước đây, có những hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy một số người, được tin là làm việc cho chính quyền, đã giật vòng hoa, hoặc khiêu vũ, hoặc cắt đá gây bụi mù mịt để ngăn cản các cuộc tưởng niệm tương tự ở tượng đài Lý Thái Tổ.

Họ không thể nào nương tay, bất kể ngày nào, nhất là vấn đề này thì nhạy cảm. Và mối quan hệ của họ, của Hà Nội với Bắc Kinh, nên họ cũng không muốn làm mất lòng Bắc Kinh, nên họ sẽ bằng mọi cách ngăn cản.

nhà hoạt động Trương Văn Dũng

Bất chấp những hành động đó, ông Dũng, người tích cực hoạt động vì chủ quyền đất nước cũng như thúc đẩy dân chủ, bảo vệ dân oan, nói rằng những người như ông không bao giờ quên “những người lính hy sinh bảo vệ tổ quốc” và luôn quyết tâm tìm mọi cách để tưởng nhớ.

Ngày 17/2 năm nay trùng với mùng 2 Tết. Khi được hỏi liệu ông có cho rằng không khí vui vẻ ngày Tết có làm chính quyền “nhẹ tay” với hoạt động tưởng niệm cuộc chiến giữa Việt Nam với Trung Quốc, nếu người dân thực hiện ở khu vực trung tâm Hà Nội, nhà hoạt động Trương Văn Dũng nhận định:

“Họ không thể nào nương tay, bất kể ngày nào, nhất là vấn đề này thì nhạy cảm. Và mối quan hệ của họ, của Hà Nội với Bắc Kinh, nên họ cũng không muốn làm mất lòng Bắc Kinh, nên họ sẽ bằng mọi cách ngăn cản”.

Theo nhà hoạt động này, nếu các nhóm xã hội dân sự và người dân ra tuyên bố và kêu gọi công khai trên mạng để tụ tập và tưởng niệm, gần như có thể đoán chắc chắn rằng phía chính quyền sẽ “ngăn chặn”, “bắt bớ” trước khi việc tưởng niệm có thể diễn ra.

Sau nhiều cuộc biểu tình rầm rộ ở Hà Nội phản đối các hoạt động của Trung Quốc bị cho là xâm phạm chủ quyền Việt Nam, nhà chức trách thủ đô hồi tháng 8/2011 đã ban hành một thông báo “yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động tụ tập, biểu tình, tuần hành tự phát trên địa bàn thành phố”.

Báo chí trong tay chính quyền nói có những “thế lực chống đối Nhà nước Việt Nam” trong và ngoài nước đã “lợi dụng” tình cảm yêu nước của nhân dân để “kêu gọi, kích động, hướng dẫn quần chúng” gây mất an ninh trật tự ở Hà Nội.

Kể từ thông báo này, chính quyền đã có những động thái mạnh tay, tuy nhiên các cuộc biểu tình và tưởng niệm vẫn diễn ra nhưng phần lớn có quy mô nhỏ và diễn ra bất ngờ.

https://www.voatiengviet.com/a/cac-nha-hoat-dong-bat-ngo-tuong-niem-cuoc-chien-viet-trung-17-thang-2/4255912.html

Việt Nam 2017: Một năm nhiều chuyện đáng nhớ

1. Đối ngoại 2017, một mảng tươi với vài chấm đen

​Nổi bật nhất trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam năm 2017 là các chuyến thăm qua lại giữa lãnh đạo cấp cao nhất Việt Nam với 2 cường quốc Mỹ, Trung Quốc.

Đầu năm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc, sau đại hội đảng của Việt Nam. Tương tự, ông Tập Cận Bình thăm Việt Nam vào tháng 11. Hai bên thỏa thuận tăng cường tin cậy, hữu nghị, thúc đẩy hợp tác, duy trì cục diện hòa bình, ổn định.

Gần giữa năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Mỹ, gặp tân Tổng thống Donald Trump. Sáu tháng sau, ông Trump thăm Việt Nam. Một cố vấn cấp cao của Ngoại trưởng Mỹ nói chuyến thăm của ông Trump “làm sâu đậm mối quan hệ rất quan trọng đối với Mỹ.” Ở Hà Nội, ông Trump tái khẳng định cam kết của Mỹ hợp tác sâu rộng hơn về quốc phòng, nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của việc tiếp cận mở trên Biển Đông.

Chuyến thăm của hai lãnh đạo Mỹ, Trung diễn ra ngay sau hội nghị APEC, một điểm nhấn khác trong hoạt động đối ngoại của Việt Nam. Bất chấp Mỹ rút khỏi TPP, Việt Nam và 10 thành viên APEC khác đồng thuận thông qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Bức tranh đối ngoại Việt Nam 2017 hẳn sẽ tươi hơn nếu không có mảng tối là vụ Đức cáo buộc Việt Nam bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, khi ông này đang xin tị nạn. Việt Nam phủ nhận cáo buộc đó, nói rằng ông Thanh bị truy nã đã “tự thú.” Vụ này làm căng thẳng quan hệ hai nước nhưng dường như đã lắng xuống sau khi ông Thanh bị kết án về tội tham ô vào đầu năm 2018.

2. Các bà mẹ Việt rơi vào vòng lao lý

Trong năm 2017 Việt Nam gia tăng bắt bớ và xét xử các nhà tranh đấu nhân quyền, với ít nhất 23 nhà hoạt động trong tổng số 53 người bị bắt và kết án vì lên tiếng ôn hòa.

Trong số này có blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm) và nhà tranh đấu Trần Thị Nga (Thúy Nga), là những bà mẹ có con nhỏ, rơi vào vòng lao lý với án tù dài hạn. Mẹ Nấm bị chính quyền Việt Nam kết án 10 năm tù với tội danh “tuyên truyền chống phá nhà nước;” với cùng tội danh, nhà hoạt động Trần Thị Nga bị tuyên án 9 năm tù và 5 năm quản chế.

Vào tháng 10/ 2017, em Nguyễn Bảo Nguyên, còn gọi là Nấm, con gái blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, viết thư cho Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ, Melania Trump, nhờ can thiệp để mẹ con được đoàn tụ. Con gái 11 tuổi của Như Quỳnh nói với VOA rằng “với bức thư này, con hy vọng bà Melania sẽ hiểu được và giúp đưa mẹ về với con. Con và em rất nhớ mẹ. Rất mong bà giúp mẹ có thể trở về với con.”

Trước đó, bà Melania Trump đã vinh danh và trao giải thưởng (khiếm diện) “Phụ nữ Cam đảm Quốc tế’ cho Mẹ Nấm tại Washington D.C.

3. Người Việt ‘gây rúng động’ phi trường quốc tế

Nghi can “vồ” lấy nạn nhân từ phía sau, nhanh chóng ra tay, rồi bỏ đi như không có chuyện gì xảy ra. Vụ giết hại ông Kim Jong Nam, anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Hàn, ngay giữa thanh thiên bạch nhật ở phi trường quốc tế Kuala Lumpur đầu năm 2017, với một trong các nữ nghi can là cô Đoàn Thị Hương, nhanh chóng lan truyền khắp thế giới. Cô Hương bị cáo buộc sử dụng chất độc thần kinh để sát hại ông Kim, dù cô nói mình bị lừa, tưởng tham gia một chương trình truyền hình thực tế. Nhiều câu hỏi hiện vẫn chưa có lời đáp và diễn biến vụ giết người đã được hé lộ phần nào trong phiên tòa vẫn đang tiếp diễn.

Một vụ khác xảy ra cuối năm liên quan tới doanh nhân bị Việt Nam truy nã vì tội “tiết lộ bí mật nhà nước”: ông Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “Nhôm”. Ông này bị chặn tại phi trường Changi ở Singapore trong khi chuẩn bị tìm đường tới Đức để xin tị nạn. Dù có luật sư ở cả Singapore và Đức tìm cách ngăn không để ông bị đưa về Việt Nam, chính quyền quốc gia Đông Nam Á vẫn trục xuất người được cho là “sĩ quan tình báo của Việt Nam” vì vi phạm luật xuất nhập cảnh. Vụ việc cũng tốn giấy mực của báo chí khắp nơi nhưng hệ lụy của nó như thế nào hiện vẫn chưa rõ.

4. BOT, Đồng Tâm, và làn sóng bất tuân dân sự

Bất bình vì tiền phí vô lý dẫn đến bất tuân dân sự kéo dài của giới tài xế tại nhiều trạm thu phí BOT trong năm qua.

Vụ phản đối đầu tiên nổ ra hồi tháng Tư, 2017 ở Hà Tĩnh, lan tới Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận, Sóc Trăng, Cần Thơ, Tiền Giang.

“Chiến thuật” phổ biến nhất là tài xế trả tiền lẻ, gây ùn tắc, buộc một số trạm giảm hoặc miễn phí. Phản ứng này được xem là ôn hòa, thông minh.

“Chiến thắng” nổi bật nhất là đầu tháng 12/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo trạm Cai Lậy tạm dừng thu phí một tháng.

Nhưng đầu năm 2018, có lẽ do e sợ hệ lụy khó lường, chính quyền trở nên cứng rắn. Thủ tướng Phúc chỉ thị xử lý nghiêm những ai lợi dụng cuộc phản đối để “chống phá, làm mất an ninh trật tự, phá hoại chính sách của Đảng, Nhà nước.”

Gần thời điểm nổ ra phản kháng BOT, nông dân Đồng Tâm, một xã của Hà Nội, cũng đứng lên hồi giữa tháng Tư, chống lại việc cưỡng chế đất bất công.

Người dân nói quân đội “nhập nhèm” để lấy 59 ha đất nông nghiệp dưới chiêu bài “mục đích quốc phòng.”

Tiếc phần đất canh tác ít ỏi còn lại, người dân chống lực lượng cưỡng chế, bắt giữ 38 cán bộ, cảnh sát trong nhiều ngày, chỉ thả ra sau khi chủ tịch Hà Nội cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự nhân dân Đồng Tâm.

Sau 2 tháng, chính quyền ra quyết định khởi tố điều tra vụ “bắt người trái luật” ở xã. Nhưng do có nhiều phản ứng từ xã hội, chưa có bị can nào bị khởi tố.

5. Người Việt với nguy cơ trục xuất

Từ Campuchia…
Cuối năm 2017, chính quyền Campuchia do Thủ tướng Hunsen lãnh đạo ra chiến dịch tước giấy tờ nhắm vào 70.000 người gốc Việt. Trong tuần đầu của tháng 12/2017, hơn 1.700 gia đình gốc Việt tại tỉnh Kampong Chhnang bị thu hồi giấy tờ.

Kampong Chhnang là tỉnh đầu tiên thí điểm thực hiện chiến dịch vì là nơi có nhiều người Việt sinh sống trên các làng bè Biển Hồ. Một người Việt sống ở khu vực này nói với VOA rằng chiến dịch có thể có “động cơ chính trị” nhằm vận động cho ông Hunsen tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa trước làn sóng đảng đối lập chỉ trích ông “là con rối” của Hà Nội.

Bộ Nội vụ Campuchia nói sẽ không trục xuất người bị tịch thu giấy tờ, nhưng khẳng định nếu muốn tiếp tục lưu trú tại, họ phải đóng thuế theo quy chế di dân.
… tới Mỹ

2017 cũng đánh dấu âu lo của cộng đồng người Mỹ gốc Việt, với chiến dịch truy quét gắt gao chưa từng có đối với người bị lệnh trục xuất của chính phủ Mỹ.

Luật sư Khanh Phạm từ văn phòng BPSOS cho VOA Việt Ngữ biết đối tượng bị nhắm đến là người chưa có quốc tịch Mỹ, phạm tội hình sự, từng bị tuyên án, hay người vi phạm luật di trú tới Mỹ bất hợp pháp, lưu trú trái phép sau khi visa du học, du lịch, hay làm việc hết hạn.

Việt-Mỹ vào năm 2008 ký biên bản ghi nhớ trong đó Hà Nội đồng ý nhận người gốc Việt tới Hoa Kỳ sau năm 1995 và có lệnh trục xuất. Trên thực tế, con số Việt Nam đã tiếp nhận không nhiều và tin cho hay Mỹ đang áp lực Việt Nam nhận thêm, kể cả những người tới Mỹ trước năm 1995.

6. Doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình kiện Chính phủ Việt Nam

Từ ngày 21/8 – 27/8/2017, Tòa Trọng tài Quốc tế (ICC) ở Paris xử kín vụ một công dân Hà Lan gốc Việt, doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình, kiện Chính phủ Việt Nam với cáo buộc vi phạm thỏa thuận mà hai bên đã ký kết năm 2006.

Ông Bình, người được mệnh danh “Vua Chả Giò”, về Việt Nam đầu tư từ rất sớm, mang theo 2,328,250 đôla và 96 ký vàng. Sau một thời gian thành công, ông lại trở thành một phạm nhân bị cáo buộc tội trốn thuế, bị chính phủ Việt Nam tịch thu toàn bộ tài sản. Trước cáo buộc này, ông Bình “vượt biên” ra khỏi Việt Nam, trở về Hà Lan. Sau đó, ông kiện nhà nước Việt Nam ra Tòa trọng tài Quốc tế năm 2005. Hai bên đạt thỏa thuận ngoài tòa năm 2006, ký kết tại Singapore. Theo thỏa thuận này, ông Bình cho biết, Chính phủ Việt Nam đồng ý bồi thường 15 triệu USD và trả lại toàn bộ tài sản đã tịch thu của ông trước đây.

Gần 10 năm sau, với cáo buộc Việt Nam vi phạm thỏa thuận vì không trả lại tài sản, tháng 1/2015, ông Trịnh Vĩnh Bình lại kiện Chính phủ Việt Nam ra tòa ICC lần 2.

Cho tới nay, ICC chưa đưa ra phán quyết chính thức cho vụ kiện này.

7. Chiến dịch ‘đả hổ diệt ruồi’

Việc ông Đinh La Thăng, ủy viên của Bộ Chính Trị đầy quyền lực, “ngã ngựa” giữa năm 2017 vì các sai phạm thời còn nắm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) gây rúng động chính trường.

Nhưng trước đó, sóng gió đã nổi lên, khi ông Trịnh Xuân Thanh, vốn làm dưới quyền của quan chức từng được tung hô là “Đinh Tư lệnh”, bị truy tố “cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” và “tham ô” thời còn làm ở Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam, công ty con của PVN.

Trong khi cựu quan chức này “cao chạy xa bay” sang Đức, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố ông Thanh “không thoát được”, gây nhiều ngờ vực về khả năng truy bắt nhân vật từng “gặp nạn” từ vụ chiếc xe sang cá nhân mang biển của cơ quan nhà nước trị giá nhiều tỷ đồng. Nhưng ít lâu sau đó, phía Đức cáo buộc Việt Nam “bắt cóc” ông Thanh ở ngay thủ đô Berlin, rồi đưa về nước, trong khi Hà Nội nói ông ra “đầu thú.” Khi ông Thanh đã “lọt lưới”, sinh mệnh chính trị của ông Thăng cũng đến hồi kết.
Những tình tiết từ vụ Thăng – Thanh khiến nhiều người liên tưởng tới chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” không khoan nhượng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nhưng quyết tâm của Tổng bí thư kiêm Trưởng ban chống tham nhũng của Việt Nam còn mạnh tới đâu và liệu nó có động cơ chính trị như nhiều nhà phân tích nhận định hay không, thời gian mới có câu trả lời.

8. Nhiều ‘thái tử Đảng’ bị ‘trảm’

Năm 2017 chứng kiến nhiều vụ xử lý các “thái tử Đảng,” trong đó nổi bật nhất là vụ cách chức Bí thư Thành Ủy Đà Nẵng, Ủy Viên Trung Ương Đảng, Nguyễn Xuân Anh, xóa tên đảng viên, bãi tất cả các chức vụ; và vụ hủy bỏ các quyết định bổ nhiệm đối với Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư tỉnh Quảng Nam, Lê Phước Hoài Bảo.

Ông Nguyễn Xuân Anh sinh năm 1976, con trai cựu Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyễn Văn Chi.

Cùng với Bí thư tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị, con trai cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông Nguyễn Xuân Anh được báo chí ca tụng là một trong hai bí thư tỉnh tiềm năng và trẻ nhất Việt Nam khi trở thành Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020.

Tháng 9/2017, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận ông Nguyễn Xuân Anh chịu trách nhiệm chính trong nhiều sai phạm về mặt Đảng, nhưng dư luận để ý nhất là vụ ông nhận và sử dụng xe hơi và 2 căn nhà do tư doanh biếu.

Ngay sau vụ Nguyễn Xuân Anh là đến “hạt giống đỏ” Nguyễn Phước Hoài Bảo, con trai nguyên Bí thư tỉnh Quảng Nam, Lê Phước Thanh, bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương xóa tên đảng viên, hủy bỏ các quyết định bổ nhiệm khác.

Ông Bảo được xem là tỉnh ủy viên trẻ nhất Việt Nam, với quan lộ “thần tốc”, leo lên chức Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư tỉnh Quảng Nam chỉ trong vòng 5 tháng, ở tuổi 30.

Ngoài Nguyễn Xuân Anh, Lê Phước Hoài Bảo, một số “thái tử Đảng” khác, trong đó có Huỳnh Minh Phong, con trai nguyên bí thư tỉnh ủy Hậu Giang Huỳnh Minh Chắc cũng bị chú ý vì “quan lộ thần tốc”.

https://www.voatiengviet.com/a/cac-su-kien-noi-bat-trong-nam-viet-nam/4233217.html

 

Rúng động vụ người Việt chi 1,5 triệu USD

cho con vào trường danh giá Mỹ

Khánh An-VOA

Một phụ nữ ở Hà Nội đang bị một công ty tư vấn du học tại Mỹ kiện vì chưa trả đủ số tiền 1,5 triệu đôla chi phí để giúp đưa con bà vào các trường đại học danh giá (Ivy League) ở Mỹ. Số tiền khổng lồ này khiến một số chuyên gia giáo dục tại Mỹ phải thốt lên kêu “Trời!”, trong khi một cựu giáo sư người Việt giảng dạy tại Đại học Harvard cho rằng phụ huynh trên đã bị lừa.

Theo hồ sơ khởi kiện của Ivy Coach, một công ty tư vấn giáo dục độc lập có trụ sở ở Manhattan, bà Bùi Thị Bưởi, cư dân Hà Nội, đã cam kết trả số tiền 1,5 triệu đôla thành nhiều đợt cho công ty, với điều kiện giúp cho con gái bà là cô Vinh Ngoc Dao được nhận vào một trong các trường danh giá hàng đầu Hoa Kỳ, gồm 7 trường nội trú và 22 trường đại học, trong đó có Harvard, Princeton, và Columbia, New York Post trích dẫn đơn kiện cho biết.

Hợp đồng giữa Ivy Coach và bà Bùi Thị Bưởi được ký vào cuối năm 2016, trong đó 50% được thanh toán ngay sau khi ký hợp đồng, số tiền còn lại sẽ được thanh toán làm 3 đợt. Ivy Coach đâm đơn kiện hai mẹ con bà Bưởi vì cho rằng phụ huynh người Việt cố tình không thanh toán nửa số tiền còn lại.

Trong đơn kiện, Ivy Coach cho biết khi họ bày tỏ lo ngại về việc thanh toán tiền, bà Bưởi nói sẽ tuân thủ hợp đồng nhưng muốn thấy kết quả quyết định sớm từ các trường trước khi trả số tiền còn lại.

Công ty tư vấn Mỹ nói họ không chỉ bị mất số tiền theo như hợp đồng với gia đình bà Bưởi, mà còn mất đi các cơ hội kiếm tiền khi từ chối các khách hàng khác để tập trung lo hồ sơ cho cô Vinh Ngoc Dao. Tuy nhiên theo Giáo sư Tạ Văn Tài, người từng giảng dạy về Luật nhiều năm tại đại học danh giá Harvard, biện luận mà Ivy Coach đưa ra đã bị áp dụng sai trong vụ kiện này.

Nhận định về vụ kiện, Giáo sư Tài cho rằng gia đình bà Bưởi đã bị lừa. Ông nói: “Bọn này như vậy là lừa đảo. Không một trường Ivy League tự trọng nào mà có thể bảo đảm cho một sinh viên nộp đơn là sẽ được vô. Bởi vì họ có cả một diễn trình xét hồ sơ. Họ so sánh sinh viên nộp hồ sơ này với các sinh viên khác xem ai giỏi hơn. Điểm trung học thế nào, thi SAT ra sao. Trường thấy rất được thì mới nhận vô”.

Đơn kiện của The Ivy Coach cho biết gia đình bà Bùi Thị Bưởi “nằm trong tầng lớp quý tộc quốc tế”. Họ, cùng với “các lãnh đạo chính phủ, những người đứng đầu các ngành công nghiệp, những người nổi tiếng và những gia đình giàu có có thu nhập hàng đầu thế giới”, và con cái họ là khách hàng của công ty tư vấn này.

New York Post dẫn lời một số chuyên gia giáo dục ở Mỹ tỏ ra sửng sốt trước số tiền khổng lồ mà gia đình Việt chi cho công ty tư vấn. Mức phí này được cho là vượt quá xa mặt bằng chung của dịch vụ tư vấn tại Mỹ, khoảng 85 – 350 đôla/giờ và trọn gói vào khoảng 850 – 10.000 đôla, tờ báo trích dẫn khảo sát của Hiệp hội Tư vấn Giáo cục Độc lập vào tháng 1.

“Nhiều người tỏ ra kinh ngạc về mức phí của chúng tôi”, Ivy Coach viết trên trang web. “Một vài người thậm chí còn cười nhạo… Chúng tôi biết mức phí của chúng tôi cao, nhưng các phụ huynh coi trọng việc đầu tư để giúp cho con cái họ được nhận vào một trường hàng đầu thay vì lẽ ra chỉ được nhận vào một trường tương đối tốt… Tiền nào của nấy”, công ty tư vấn Mỹ tự tin khẳng định.

Việc tư vấn của Ivy Coach đối với con gái bà Bưởi bao gồm giúp nộp hồ sơ vào các trường đại học danh tiếng, giúp làm các bài luận theo yêu cầu, viết thư giới thiệu, hướng dẫn phỏng vấn nhập học và những thủ tục khác.

Con gái bà Bưởi hiện đang học tại trường Solebury ở bang Pennsylvania, là một trong 7 trường nội trú mà Ivy Coach nói đã giúp cho Dao gửi hồ sơ. Công ty này nói đã hoàn thành hợp đồng đối với gia đình bà Bưởi, bao gồm việc giúp làm hồ sơ nộp vào các trường Harvard, MIT, Brown, Stanford…

Sau khi vụ kiện được đưa lên báo chí Mỹ, gia đình bà Bưởi tỏ ra “không muốn nói nhiều về vấn đề này” và cho đây là một sự hiểu lầm giữa hai bên. Bà nói ngắn gọn với Zing.news rằng: “Chúng tôi đang xử lý chuyện này. Họ chỉ dọa thế thôi. Mọi chuyện không có vấn đề gì cả. Họ sẽ rút vụ việc trong vài ngày tới”.

Tuy nhiên theo Giáo sư Tạ Văn Tài, trong vụ kiện mà ông gọi là “kẻ cắp gặp bà già”, vẫn có cách để lật ngược lại theo hướng có lợi cho gia đình bà Bưởi.

Ông nói: “Tôi khuyến cáo là nhân cơ hội này mà xuất hiện trước tòa án đó, đòi lại số tiền 750 ngàn đôla đó. Cái đó gọi là counter claim, bên kia đòi như vậy, thì mình counter claim đòi lại, giải tiêu khế ước về việc đưa con mình vô cái trường Ivy League, để đòi lại số tiền mình đã đưa vì không hiểu rõ, bị lừa đảo trong vụ này”.

Với kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm tại Đại học Harvard, Giáo sư Tạ Văn Tài cho biết chỉ tính riêng số lượng sinh viên Mỹ gốc Việt tại trường này đã thuộc loại cao so với tỷ lệ cộng đồng người Việt tại Mỹ, chưa kể số du học sinh từ Việt Nam sang.

“Sinh viên Việt Nam có thể xem là một trong những thành phần giỏi nhất bởi vì tỷ lệ sinh viên Việt Nam trong tổng số sinh viên ở Harvard lớn hơn số dân Việt Nam ở Mỹ so với tổng số dân Mỹ”, Giáo sư Tài nói.

Chính vì vậy, trường đại học hàng đầu này còn tìm cách hạn chế số lượng sinh viên châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ… nhập học vì tỷ lệ quá nổi trội của họ tại trường.

Theo cựu giáo sư Harvard, nếu một sinh viên Việt Nam không đủ khả năng, không một công ty tư vấn nào có thể bảo đảm được chỗ ngồi của sinh viên này trong nhóm trường Ivy League. Còn nếu sinh viên có đủ khả năng thì việc đầu tư số tiền khổng lồ cho đầu vào các trường này lại trở nên không cần thiết.

Hiệp hội Tư vấn Giáo dục Độc lập ở Mỹ cho biết đã loại Ivy Coach ra khỏi hiệp hội vài năm nay vì biết được cách làm ăn của công ty này. “Theo quan điểm của chúng tôi, không có một lý do biện minh nào cho mức phí cao như thế”, Times Higher Education dẫn lời ông Mark Sklarow, CEO của hiệp hội nói.

https://www.voatiengviet.com/a/rung-dong-vu-nguoi-viet-chi-1-trieu-ruoi-dola-cho-con-vao-truong-danh-gia-my/4255730.html