Đọc báo Pháp – 14/02/2018
Groudinine, đối thủ « cộng sản » của ông Putin
Liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống sắp tới tại Nga, Le Figaro mô tả nhân vật « Groudinine, đối thủ ‘cộng sản’ của ông Putin ». Ứng cử viên này là một nhà triệu phú đỏ, đang ngự trị trong « nông trang tập thể » theo kiểu Disneyland, quảng bá cho « chủ nghĩa xã hội của thế kỷ 21 ».
Đặc phái viên của Le Figaro mô tả tại nông trang Lênin, mô hình hợp tác kiểu mẫu ở ngoại ô Matxcơva, mỗi ngày đều là Noel. Dưới những bông tuyết, phía sau cánh cổng trang trí một quả dâu khổng lồ, người ta có cảm giác đây là một vương quốc Disney. Nhưng thay cho chú chuột Mickey quen thuộc, lại là các nhân vật trong truyện cổ tích Pútkin, và các phim hoạt hình thời xô-viết.
Nông trang tập thể Lênin có 350 công nhân, là nơi cư ngụ của 8.000 người, mà chủ nhân là Pavel Groudinine, 57 tuổi. Tuy không phải là đảng viên, nhưng ông lại đại diện đảng Cộng Sản Nga (KPRF) ra ứng cử, và đang là ứng cử viên đầy hứa hẹn chỉ sau Vladimir Putin, trong các cuộc thăm dò dư luận. Đảng Cộng Sản đã chọn lựa nhà triệu phú này, thay vì tổng bí thư đảng Guennadi Ziouganov, 73 tuổi.
Tuy là triệu phú, nhưng ông Groudinine lại hứa hẹn sẽ quốc hữu hóa hàng loạt lãnh vực kỹ nghệ và tài chính. Làm giàu qua việc tư nhân hóa bừa bãi trong thập niên 90 như nhiều nhà giàu mới khác, ông hứa hẹn nếu đắc cử sẽ săn lùng giới tài phiệt. Pavel Groudinine chuyên về nông sản thực phẩm nói chung, và đặc biệt là trồng dâu, với doanh số 57 triệu euro. « Tổng thống tiềm năng » chủ trương phân phối lại nguồn lực cho « quần chúng »
Các đại biểu Đại hội Kômsômôn quốc tế lần thứ 6 khi đi tham quan nông trang Lênin đều khen ngợi doanh nghiệp hiện đại này. Chẳng hạn đại biểu Ấn Độ cho rằng : « Đó là một cơ sở hạ tầng hoàn toàn dành cho giai cấp công nhân, một mô hình kiểu mẫu cho nước Nga và cho thế giới ».
Natalia Grigorieva, một người cộng sản từ Novossibirsk nhận xét : « Pavel Groudinine là hiện thân của chủ nghĩa cộng sản thế kỷ 21. Không giống như các ông chủ khác hưởng thụ của cải, ông dành tài sản của mình để phục vụ người dân ». Một ưu điểm khác nữa là « Groudinine nói chuyện chậm rãi, nhẹ nhàng giống như Stalin », và ông cũng để râu giống như cố lãnh tụ cộng sản quá cố.
Tuy vậy cách hoạt động của nhà triệu phú đỏ chẳng có gì là sáng tạo. Nông trang Lênin, mua lại với giá rẻ mạt sau khi Liên Xô sụp đổ, được chia ra những mảnh nhỏ bán lại với giá rất đắt cho các nhà đầu tư. Pavel Groudinine chiếm 44% cổ phần, và bố trí con trai vào chiếc ghế quan trọng là quản lý địa ốc.
Các căn hộ tại đây được bán bằng nửa giá thị trường cho 350 « xã viên », cộng thêm số tiền vay không tính lãi trả dần trong 15 năm. Đại đa số các gia đình khác phải mua đúng giá, và con em họ muốn vào khu vui chơi dành cho trẻ em hàng tháng phải trả phí 25.000 rúp (357 euro), trong khi xã viên chỉ mất 40 euro.
Maxim Souraikin, ứng cử viên cộng sản thứ nhì trong cuộc bầu cử tổng thống lần này, đã ly khai khỏi đảng, tố cáo : « Groudinine không phải là người cộng sản. Đó là một nhà tư bản đóng vai dân chủ xã hội ».
Trong bài phóng sự « Vua dâu đối mặt với ông chủ điện Kremlin », thông tín viên nhật báo La Croix tại Matxcơva cũng ghi nhận bên cạnh những lời ca ngợi, còn có không ít chỉ trích. Một người về hưu cho biết đã bị tước đoạt tài sản trong giai đoạn tư hữu hóa thập niên 90, một cựu nhân viên phàn nàn về những hứa hẹn đã bị nuốt lời, một nhà buôn mỉa mai về cuộc sống vương giả của giám đốc Groudinine…
Nhiều câu hỏi được đặt ra đối với gia tài của Pavel Groudinine (thu nhập 2,2 triệu euro trong sáu năm gần đây), chủ yếu nhờ đầu cơ địa ốc chứ không phải trồng dâu. Tuy nhiên theo La Croix, trong một nước Nga thiên tả nhưng cởi mở trước thực tế tự do, ứng cử viên Groudinine có thể chinh phục được một lớp cử tri đã mệt mỏi với chế độ của ông Putin, và lo ngại trước sự giảm sút phúc lợi xã hội trong hai năm suy thoái kinh tế.
Vẻ đẹp tự nhiên của phụ nữ Bắc Triều Tiên
chinh phục Hàn Quốc quen « dao kéo »
Nhìn sang một nước mang danh cộng sản là Bắc Triều Tiên, Le Monde cho biết « Phụ nữ miền Bắc mê hoặc phương Nam ».
Từ khi Kim Yo Jong, em gái của lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un vào Hàn Quốc cho đến khi ra đi, các caméra không ngừng chĩa vào cô : lễ khai mạc Thế vận hội Pyeongchang, bốn cuộc gặp với tổng thống Moon Jae In, buổi trình diễn của đoàn ca nhạc nữ Samjiyon…
Truyền thông Seoul cũng rất chú ý đưa hình ảnh của 230 nữ cổ động viên Bắc Triều Tiên, đoàn Samjiyon và trước đó là ngôi sao nhạc pop nữ Hyon Song Wol. Hiện tượng này phản ánh sự quan tâm của nam giới Hàn Quốc đối với phụ nữ Bắc Triều Tiên. Một chuyên gia truyền thông giải thích : « Ở miền Nam, giải phẫu thẩm mỹ quá phổ biến, còn vẻ đẹp của các cô gái miền Bắc tự nhiên hơn, cổ điển hơn ».
Israel đối đầu trực diện Iran tại Syria
Còn tại Trung Đông, bài xã luận của Le Monde nói về « Israel trước các cuộc chiến ở Syria ». Vụ không kích của Israel hôm 10/2 vào Syria, sau khi một máy bay không người lái của Iran xâm nhập vào không phận Nhà nước Do Thái, rồi vụ một chiếc F16 của Israel bị bắn hạ, một lần nữa lại nhắc nhở rằng không chỉ có một, mà là nhiều cuộc chiến tại Syria.
Bằng chứng là cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào vùng đất Kurdistan ở Syria cách đây một tháng, Mỹ không kích vào quân đội Bachar Al Assad đang đánh vào Lực lượng Dân chủ Syria ở miền đông… Vụ đối đầu trực diện đầu tiên giữa Iran và Israel, cho thấy sự bắt rễ của Iran vào Syria là một thử thách an ninh quan trọng đối với Tel Aviv.
Nhà nước Do Thái cần phải nỗ lực chứng tỏ sự khả tín của Không Quân nước mình, sau khi lần đầu tiên từ 35 năm qua, một chiến đấu cơ bị bắn rơi. Le Monde cho rằng nguy cơ xung đột lan rộng đang tăng lên : thử hình dung nếu chiếc F16 bị hạ trên lãnh thổ Syria và các phi công bị bắt, thì sự thể sẽ ra sao ?
Johnny Hallyday :
Vợ sau và 2 con nuôi thừa kế gia tài, con ruột đi kiện
Tại nước Pháp, sự kiện đang được chú ý là việc thừa hưởng gia tài của ca sĩ nhạc rock nổi tiếng Johnny Hallyday, qua đời vào cuối năm ngoái. Hai người con ruột của ông là Laura Smet và David Halliday chuẩn bị khởi kiện, vì Johnny Hallyday để lại toàn bộ gia sản cho người vợ sau, bà Laetitia và hai bé gái con nuôi gốc Việt, Jade 13 tuổi và Joy, 9 tuổi.
Trong bài « Johnny Hallyday, gia tài tẩm thuốc độc », Le Figaro nhận định cuộc chiến này là lâu dài và phức tạp. Nếu áp dụng luật Mỹ, thì hai người con ruột sẽ trắng tay, còn nếu áp dụng luật của Pháp, chú trọng tính huyết thống, Laura Smet và David Hallyday có thể hy vọng thương lượng trên thế mạnh. Như vậy địa chỉ thường trú là chi tiết mang tính quyết định.
Johnny Hallyday đã đưa vợ và hai bé Jade, Joy sang Los Angeles sống trong những năm 2000, nhưng năm ngoái ông quay về Pháp chữa bệnh và qua đời tại đây.
Nếu các thẩm phán cho rằng ca sĩ người Pháp thường xuyên ở California, thì sẽ phải áp dụng đúng theo di chúc của ông. Ngược lại, luật pháp của Pháp cấm việc truất quyền hưởng gia tài của con cái. Người vợ sau cùng chỉ được một phần tư, số còn lại phải chia đều cho các con, dù là con ruột hay con nuôi. Le Monde trong bài « Johnny, lúc chết lại càng ‘Mỹ’ hơn »đặt vấn đề là liệu có thể không để lại gì cho những người con của mình bằng cách chuyển sang cư ngụ tại một đất nước xa lạ.
Con người sẽ tái ngộ Chị Hằng ?
Trên lãnh vực khoa học, Le Monde tìm cách trả lời câu hỏi « Vì sao con người quay lại với Mặt Trăng?»
Thật khó thể tưởng tượng là nửa thế kỷ sau chương trình Apollo, vào thời buổi của trí thông minh nhân tạo và công nghệ vi tính, lại không thể gởi người lên thăm Chị Hằng. Lý do đầu tiên là tài chính. Không còn sự chạy đua sôi nổi giữa Hoa Kỳ và Liên Xô trong thập niên 60 và thời thế cũng đã đổi thay : Đối với phi thuyền Apollo, nước Mỹ đã huy động tổng lực trong mười năm trời, còn bây giờ thì không thể mơ nổi. Trở ngại thứ hai là kỹ thuật : Không thể để các phi hành gia chịu đựng những rủi ro như trong chương trình Apollo trước đây.
Tuy vậy nhiều người vẫn đặt niềm tin vào « tập hai » của cuộc chinh phục Mặt Trăng, sau quyết định ngày 11/12/2017 của tổng thống Mỹ Donald Trump. Riêng giám đốc cơ quan CNES của Pháp trông cậy vào chương trình thám hiểm Hỏa Tinh bằng các phi thuyền tự động. Ông nói : « Người ta thích cái mới. Mặt Trăng thì đã lên rồi. Cần nhớ rằng trong hai vụ phóng phi thuyền Apollo sau cùng, phải trả tiền cho các nhà báo mới được đưa tin ».
« Finding Phong », bộ phim về người chuyển giới Việt
Trong bình diện điện ảnh, nhiều tờ báo Pháp giới thiệu bộ phim tài liệu « Finding Phong » của hai đạo diễn Trần Phương Thảo và Swann Dubus-Mallet, nói về một nam thanh niên người Việt quyết định tìm lại giới tính đích thực của mình qua việc giải phẫu chuyển giới.
Bộ phim bắt đầu theo kiểu nhật ký, với tự sự của nhân vật, rồi sau đó theo thể loại phim tài liệu cổ điển. Chuyến đi Thái Lan của Phong chiếm vị trí chính của phim, và Le Monde cho rằng những trao đổi với người thân của nhân vật là rất cảm động. Libération cho biết người mẹ không hề muốn con trai thay đổi giới tính, bà nói : « Con trai giống như gạo tẻ nuôi sống chúng ta mỗi ngày, còn con gái như gạo nếp, thỉnh thoảng mới dùng đến ». Tờ báo nhấn mạnh đến sự cảm thông đáng ngạc nhiên của người cha, và sự do dự của gia đình, đã đóng góp vào sự phong phú của bộ phim, nhưng điều đáng tiếc là phim dừng lại với cuộc giải phẫu. Các đạo diễn giải thích : « Nếu quay lại giai đoạn mới trong cuộc sống của nhân vật, thì phải mất đến mười năm », nhưng theo Libération thì « Tại sao lại không thể ? »
Bạo lực, cải cách tú tài, việc làm : Tựa chính báo Pháp
Tựa chính các báo Paris hôm nay tập trung cho thời sự nước Pháp. Le Figaro lo lắng trước « Sự gia tăng đáng lo ngại của bạo lực vô cớ » : mỗi ngày có 777 vụ bạo hành kiếu này xảy ra tại Pháp, cho thấy môi trường xã hội đang xuống cấp. Về giáo dục, Le Monde đặt vấn đề « Cải cách kỳ thi tú tài : Giáo chức lo ngại những gì ? ». Nếu chính phủ ấn định năm môn thi trong đó có phần thi vấn đáp, thì giáo viên các môn khoa học, hóa lý, sử địa, kinh tế lo ngại giờ học sẽ bị giảm.
Trên lãnh vực kinh tế, nhật báo Les Echos cho biết tin vui « Việc làm : Nước Pháp thoát khỏi mười năm khủng hoảng » : số nhân viên trong lãnh vực thương mại đã tương đương với năm 2007, và tiền lương tương đối khá.
Về điện ảnh, nhật báo Công Giáo La Croix chạy tựa « Đức tin ở trung tâm nghệ thuật thứ bảy », với bài phỏng vấn đạo diễn Xavier Giannoli về bộ phim nói về sự kiện Đức Mẹ hiện ra, được trình chiếu tại các rạp kể từ hôm nay.
Libération nhìn sang « Bagdad thời hậu chiến ». Vào lúc một hội nghị quốc tế đang diễn ra tại Koweit để tài trợ cho việc tái thiết Irak, tờ báo mô tả một thủ đô bị tàn phá bởi nhiều năm chiến tranh và nạn khủng bố.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180214-groudinine-doi-thu-%C2%AB-cong-san-%C2%BB-cua-ong-putin
Tin đọc nhanh
(AFP) – Nhóm Lima đòi Venezuela dời ngày bầu cử tổng thống mới. Một liên minh gồm 14 quốc gia khu vực châu Mỹ và vùng biển Caribê, ngày 13/02/2018, đã yêu cầu chính phủ Venezuela đưa ra một lịch trình bầu cử mới, mà chính quyền Venezuela dự trù vào ngày 22/04 sắp tới. Đối với nhóm Lima, « không thể có bầu cử tự do và công bằng nếu không có sự tham gia đầy đủ của các đảng phái chính trị ». Nhóm 14 quốc gia này còn đòi hỏi « một cuộc bầu cử dân chủ, minh bạch và đáng tin cậy, với sự tham gia của tất cả các nhà hoạt động chính trị Venezuela », kể cả những người đang bị bắt giam hoặc bị quản thúc tại gia.
(Reuters) – Mỹ yêu cầu LHQ đòi quân đội Miến Điện chịu trách nhiệm về tội « thanh lọc sắc tộc ». Lời kêu gọi được đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc đưa ra ngày 13/02/2018 nhân một cuộc họp của Hội Đồng Bảo An. Theo bà Nikki Haley, « Các thế lực trong chính phủ Miến Điện đã phủ nhận việc thanh lọc sắc tộc tại bang Rakhine ». Tuy nhiên, việc thúc đẩy hành động của Hội Đồng Bảo An chắc chắn sẽ bị các cường quốc có quyền phủ quyết tại hội đồng là Nga và Trung Quốc chống đối. Cả Bắc Kinh lẫn Mátxcơva đều cho rằng tình hình tại bang Rakhine ổn định và kiểm soát được.
(Reuters) – Đàm phán thương mại Mỹ-Canada về thỏa thuận NAFTA căng thẳng. Cuộc đàm phán phải dừng lại vào hôm qua 13/02/2018, khi Canada và Mêhicô tìm cách giải quyết những yêu sách của phía Mỹ. Thời hạn kết thúc đàm phán dự kiến vào đầu tháng Ba đã được kéo dài sang tháng Tư, nhưng người trong cuộc không tin có thể đạt kết quả gì, ngay cả khi kéo dài thêm. Trưởng đoàn đàm phán Canada Steve Verheul bất bình cho là mục tiêu của Mỹ là làm suy yếu Canada và Mêhicô, thay vì để thỏa thuận tổng trị giá 1.200 tỷ đô la thương mại có lợi cho cả 3 quốc gia.
(Reuters) – Công đoàn Hàn Quốc dọa đình công nếu nhà máy General Motors (GM) đóng cửa. Ngày 14/02/2014, công nhân nhà máy hãng GM tại Hàn Quốc đã phản đối kế hoạch đóng và đe dọa biểu tình, đình công. Hãng xe Mỹ hôm 13/02/2018 cho biết sẽ đóng của nhà máy ở Gunsan, tây nam Hàn Quốc, vào tháng 5. Nhà máy này sử dụng 2.000 công nhân. Công đoàn tại đây xem quyết định của GM là ‘bản án tử hình’, đòi GM rút lại kế hoạch, đồng thời kêu gọi đấu tranh.
(AFP) – Philippines giảm cường độ bạo lực trong chiến dịch chống ma túy. Cảnh sát Philippines vào hôm nay, 14/02/2018, nói rằng đã có biện pháp đặc biệt, kể cả camera đeo theo người, hầu giảm hành vi bạo lực trong những chiến dịch chống ma túy. Tòa án hình sự quốc tế đang điều tra về những lời tố cáo việc đã có hàng ngàn người bị sát hại một cách phi pháp. Phát ngôn viên cảnh sát, John Bulalacao, tỏ vẻ tin tưởng lần này là các chiến dịch sẽ hiệu quả hơn và ít gây tranh cãi, tuy là ‘không thể hoàn toàn không đổ máu’.
(AP) – Trung Quốc chính thức truy tố cựu ủy viên Bộ Chính Trị về tội nhận hối lộ. Thông báo về quyết định truy tố ông Tôn Chính Tài, cựu bí thư Thành ủy Trùng Khánh, được loan báo trên trang web của Tòa Án Tối Cao Trung Quốc ngày 13/02/2018. Như vậy, nhân vật 54 tuổi, từng là thành viên trẻ nhất trong Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Trung Quốc, đã trở thành người cao cấp nhất bị truy tố trong chiến dịch bài trừ tham nhũng được chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tung ra từ 6 năm qua. Theo Tân Hoa Xã, cáo trạng nêu rõ ông Tôn Chính Tài đã lợi dụng chức vụ để trục lợi, nhận những khoản tiền và tài sản lớn khi đang tại chức. Ông Tôn bị tạm giam và bắt đầu bị điều tra từ cuối tháng 7 năm ngoái.
http://vi.rfi.fr/tong-hop/20180214-tin-doc-nhanh