Tin Việt Nam – 14/02/2018
Từ nông dân thành nhà bất đồng chính kiến
Ra tù, bà Cấn Thị Thêu, người từng bị giam giữ do đấu tranh giữ đất trong vụ ‘Dân oan Dương Nội’, nói mình từ một nông dân đã bước hẳn sang con đường đấu tranh dân chủ.
Trở về nhà vào những ngày giáp Tết Nguyên đán 2018, bà Cấn Thị Thêu kể lại với BBC qua điện thoại về thời gian ngồi tù.
“Trong hai lần ngồi tù tổng cộng 35 tháng, tôi đã tuyệt thực nhiều lần.”
Việt Nam: ‘Tranh chấp đất là vấn đề chính trị lớn nhất’
Những nữ tù nhân lương tâm Việt Nam
“Lần đi tù thứ hai tôi tuyệt thực liên tục 13 ngày đến mức tiểu ra máu.”
“Bạn tù chăm sóc và bao bọc tôi. Họ dìu tôi đi và canh xem tôi còn thở không.”
“Có nhiều ngày bị cắt nước họ thay nhau xách từng xô nước từ tầng dưới lên tầng trên cho tôi. Những ngày tôi ốm đau họ cũng chăm sóc rất nhiều.”
“Tôi ở nhà tù Hỏa Lò một thời gian, rồi sau bị dẫn giải ra sân bay, chuyển sang nhà tù Gia Trung ở Gia Lai cách Hà Nội cả ngàn cây số.”
“Đó là những ngày ‘địa ngục trần gian’, nhưng tình người rất cảm động.”
Bà Nguyễn Thúy Hạnh, một nhà hoạt động ở Hà Nội bình luận với BBC rằng sự kiện bà Thêu ra tù ngay trước Tết là ‘nguồn động viên tinh thần lớn cho những người đấu tranh dân chủ.’
“Hàng trăm người đã ra sân bay đón chị Thêu với tinh thần của người trong gia đình,” bà Hạnh nói.
“Đặc biệt đón chị Thêu còn có anh Đoàn Văn Vươn cũng từng bị cướp đất, đấu tranh, đi tù và đã ra tù. Việc này càng làm tăng thêm giá trị tinh thần cho những người đấu tranh dân chủ.”
Nhắc đến sự kiện hai lãnh đạo trẻ phong trào đấu tranh dân chủ Dù Vàng tại Hong Kong được chính quyền nước này trả tự do cũng trong tháng Hai, bà Hạnh nói:
“Chị Thêu ra tù đúng ngày hết hạn tù chứ không phải được thả tự do. Ở Việt Nam không có tù nhân lương tâm nào được thả trước thời hạn.”
“Dù chưa có dịp ngồi lại với nhau để bàn bạc về đường hướng hoạt động sắp tới nhưng tinh thần chung của chúng tôi là đấu tranh ôn hòa.”
‘Từ nông dân sang đấu tranh dân chủ’
Bà Thêu nói trước đây chỉ là nông dân thuần túy với ruộng vườn, nhưng do bị cướp đất và bỏ tù oan sai nên đã bước hẳn sang con đường đấu tranh dân chủ.
“Đã có những thay đổi trong tư tưởng của những người tù như tôi,” bà Thêu nói với BBC từ thôn Dương Nội.
“Khi mới lâm vào cảnh tù đày tôi rất bỡ ngỡ.”
‘Gia đình không hy vọng vào kháng cáo’
Ba người, một tổ chức nhận giải nhân quyền
Nhà hoạt động Thúy Nga ‘sắp bị truy tố Điều 88’
“Nhưng dần tần tôi đã có kinh nghiệm, học hỏi được nhiều từ những người đấu tranh và tù tội. Nhận thức của tôi cũng thay đổi.”
“Chúng tôi đấu tranh bằng nhiều hình thức như tuyệt thực, đưa ra những yêu sách buộc chính quyền phải chấp nhận.”
“Khi nào còn bất công, khi nào chúng tôi còn chưa được trả lại quyền lợi thì tôi không dừng bước.”
“Tôi là người nông dân bị đẩy vào cái thế đó. Tôi phải vùng lên đấu tranh thôi.”
“Con đường đấu tranh của chúng tôi may mắn vì được cộng đồng trong và ngoài nước, các nhà hảo tâm giúp đỡ.”
Hai lần đi tù
Bà Cấn Thị Thêu đi tù lần đầu vào 25/4/2014. Bà bị bắt trong lúc đang ghi hình lại vụ xô xát giữa người dân và lực lượng bảo vệ thu hồi đất và bị kết án chống người thi hành công vụ.
Bà được thả tháng 7/2015, nhưng bị bắt lại hơn 10 tháng sau đó do ‘gây rối trật tự nơi công cộng’.
“Lúc ấy còn tinh sương, cả gia đình đang ngủ thì hàng trăm công an với dùi cui, bình xịt đến đập cửa. Vây kín nhà,” bà Thêu kể lại.
“Họ khám người, thu điện thoại. Chồng và con tôi bị xốc nách đưa lên xe để không cho chứng kiến việc bắt tôi.”
Bà nói trước có trang trại nuôi đàn trâu bò và đào ao thả cá nên kinh tế khá ổn định.
Nay trang trại này đã được chính quyền rào dậu, đổ đất xây nhà xưởng.
“Các con tôi nay làm thuê làm mướn khắp nơi, được đồng nào thì lại tiếp tục cầm cự cho tôi đi đấu tranh đòi đất.”
Nói về dự định sau khi ra tù, bà Thêu cho hay:
“Tôi sẽ tiếp tục cùng bà con Dương Nội và những người cùng cảnh ngộ ở những tỉnh thành khác tiếp tục đấu tranh trong ôn hòa để đòi lại đất đai đã bị cướp.”
Tranh chấp đất
Năm 2016, từ New York, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế (HRW) phát đi thông cáo kêu gọi chính quyền Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc đối với bà Cấn Thị Thêu, nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai vì bà đã thực hiện các quyền của mình một cách ôn hòa.
“Xung đột giữa người dân và chính phủ về việc trưng thu đất đai đã trở thành vấn đề nghiêm trọng ở Việt Nam trong vài năm qua”, thông cáo dẫn lời ông Brad Adams, giám đốc châu Á của HRW.
“Chính phủ nên cải cách luật đất đai và cơ chế đền bù thay cho việc trừng phạt những người đi biểu tình vì bị mất đất.”
Năm 2006, Thủ tướng chấp thuận dự án quy hoạch chung thị xã Hà Đông đến năm 2020, trong đó đất nông nghiệp của phường Dương Nội chủ yếu chuyển sang thành đất đô thị.
Chính phủ nên cải cách luật đất đai và cơ chế đền bù thay cho việc trừng phạt những người đi biểu tình vì bị mất đấtBrad Adams, HRW
Gia đình bà Cấn Thị Thêu có đất nằm trong diện thu hồi cho dự án ở Dương Nội.
Dự án giải phóng mặt bằng khu vực này bắt đầu từ năm 2008, tuy nhiên người dân ở đây không chấp nhận giao đất do cho rằng giá đất của chính quyền đưa ra quá ‘rẻ mạt’.
Bà Thêu đã nhiều lần đại diện cho các nông dân Dương Nội “cất lên tiếng nói để đòi lại quyền lợi mà chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi đáng được hưởng”.
Hồi cuối năm 2013, báo chí Việt Nam ghi nhận vụ xô xát xảy ra tại lễ khánh thành cụm đô thị The Sparks Dương Nội.
Theo báo Dân Trí, công an quận Hà Đông, Hà Nội kết luận “không có việc xã hội đen hành hung, hoặc đe dọa khách hàng tham dự lễ khánh thành”.
Trước đó, trong ngày khánh thành cụm đô thị The Sparks – KĐT Dương Nội, một số công dân phản ánh việc “một số đối tượng lạ mặt nghi là của Tập đoàn Nam Cường thuê để ngăn chặn khách hàng bày tỏ bức xúc trong buổi lễ khánh thành”.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43054606
Blogger Phạm Đoan Trang được trao giải nhân quyền
RFA
Blogger-nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang được trao giải thưởng Homo Homini năm 2017 của tổ chức nhân quyền People In Need, trụ sở tại Praha, Cộng Hòa Czech.
Tên gọi Homo Homini theo tiếng Latinh dịch ra tiếng Việt là từ người đến người.
Thông cáo báo chí ra ngày 13 tháng 2 của People In Need nhắc lại câu nói của cô Phạm Đoan Trang, rằng ‘Các bạn không thể sợ hãi’. People In Need cho biết blogger Phạm Đoan Trang được chọn để trao giải Homo Homini vì lòng can đảm vững bền trong suốt quá trình theo đuổi sứ mệnh đem lại dân chủ cho đất nước của cô. Biện pháp đe dọa thường xuyên của các lực lượng, công cụ đàn áp của nhà nước, không thể làm cô nản chí.
Theo People In Need đánh giá, cô Phạm Đoan Trang đã nêu rõ những bất công mà chế độ cộng sản gây ra; đồng thời cô nỗ lực giải thích cho người dân Việt Nam biết họ có quyền đứng lên chống lại áp bức.
Cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên cho biết cảm nghĩ khi nghe tin blogger-nhà báo Phạm Đoan Trang được trao giải Homo Homini năm 2017:
“Trước tiên với tư cách là người bạn và blooger độc lập, tôi xin chúc mừng Đoan Trang được trao giải. Thứ đến tôi hoàn toàn đồng ý với Đoan Trang và những người từng được những giải thưởng như thế là giá như đừng có những giải thưởng như thế vì đó là những minh chứng cho thấy Việt Nam chưa có nhân quyền. Chừng nào còn có những giải thưởng như thế là người Việt Nam không có quyền con người. Tôi ước đến lúc nào Việt Nam đạt những giải thưởng về văn hóa, nghệ thuật hay những lĩnh vực khác chứ không phải là những giải thưởng về đấu tranh để đòi lại những quyền làm người chính đáng của mình.”
Cũng theo People In Need thì cô Phạm Đoan Trang là một trong những khuôn mặt hàng đầu trong giới bất đồng hiện thời ở Việt Nam. Cô sử dụng những ngôn từ đơn giản để chống lại đàn áp tự do, chống tham nhũng và chuyên quyền của chế độ cộng sản. Cô sử dụng mạng xã hội Facebook để đưa ra những bài viết nêu rõ thực trạng tại Việt Nam.
Gần đây blogger Phạm Đoan Trang xuất bản cuốn sách có tên ‘Chính Trị Bình Dân’, trong đó cô trình bày và giải thích những khái niệm chính trị căn bản dễ hiểu đối với mọi người. Cuốn sách bị chính quyền Hà Nội cấm lưu hành.
Vào ngày 14/2, blogger- nhà báo Phạm Đoan Trang đã viết một đoạn ngắn trên internet bày tỏ cảm tưởng của mình khi được nhận giải thưởng. Cô viết rằng mặc dù cô rất mừng vì được nhận giải nhưng cô ước đó là là một giải thưởng nào đó chứng tỏ sự văn minh, dân chủ và phát triển của đất nước. Phạm Đoan Trang viết “chừng nào, một quốc gia còn có người được trao những giải thưởng về nhân quyền – dân chủ, chừng đó, quốc gia đó còn có rất nhiều vấn đề”.
Giải thưởng Homo Homini được trao cho những đối tượng được đánh giá có những hoạt động đặc biệt trong lĩnh vực nhân quyền. Thông trường giải được trao tại buổi khai mạc Liên Hoan Phim Tài Liệu Nhân Quyền có tên One World.
Năm nay buổi lễ trao giải diễn ra vào ngày 5 tháng 3 tại Trung Tâm Quốc Tế Prague Crossroads ở thủ đô Praha, Cộng Hòa Czech.
Trước nhà báo Phạm Đoan Trang, giải cũng đã từng được trao cho 3 người Việt Nam khác là Hòa thượng Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Độ và Linh mục Thadeus Nguyễn Văn Lý. Họ đều là những người bất đồng chính kiến tại Việt Nam.
Ảnh cổ động Mừng Đảng Mừng Xuân hiện đại
gây tranh cãi
Bộ ảnh cổ động theo phong cách hiện đại được nhóm thiết kế trẻ từ Hà Nội tung ra trước dịp Tết Nguyên Đán 2018 gây ra những ý kiến trái chiều trên mạng xã hội.
Minh Sơn, trưởng nhóm thiết kế, mô tả trên Facebook cá nhân, bộ ảnh thuộc dự án ‘Mừng Đảng Mừng Xuân’ được nhóm “lên ý tưởng trong suốt hơn một năm.”
Bộ ảnh ‘Mừng Đảng Mừng Xuân’ gồm khoảng hơn 30 bức, với các biểu tượng thường thấy trong tranh cổ động truyền thống của Việt Nam như cờ đỏ sao vàng, cờ búa liềm, bông lúa…
Các tạo hình nhân vật điển hình như lính hải đảo, bộ đội, công nhân, nông dân, bác sỹ… cũng xuất hiện trong bộ ảnh.
Điểm khác biệt là các người mẫu trong ảnh trang điểm đậm, tạo dáng gợi cảm và phục trang hiện đại như váy vai trần, váy bó hoặc áo dài ren mỏng…
“Tôi muốn đây như là một đứa con kết tinh giữa lòng yêu nước nồng nàn, tình yêu nhiếp ảnh chân chính, cùng với ký ức về các bức tranh cổ động tôi thường hay bắt gặp trên những con phố thời thơ ấu,” Minh Sơn viết trên blog cá nhân.
Đảng CSVN đang ‘mềm dẻo hơn’ với đạo?
Đảng Cộng sản VN xem xét ‘tổ chức đối thoại’
Nhóm “quyết tâm mang một món ăn thật sự Việt Nam, đúng chất dòng máu ngàn năm văn hiến nhưng lại với hơi thở thời đại mới đến với tất cả mọi người nói chung và công đồng yêu nghệ thuật nói riêng.”
“Trong những ngày đất nước rợp bóng cờ hoa , chúng tôi – ê kíp thực hiện chỉ muốn hét thật to: Tôi yêu Việt Nam.”
Trên mạng xã hội, tài khoản Đỗ Đình Diện nhận xét bộ ảnh này ‘truyền cảm hứng’.
Nhưng Facebooker Quang Huy Nguyễn thì viết “đây là bộ ảnh cổ động khiến tôi cười sằng sặc’ và ‘thấy lố’.
Một người dùng mạng xã hội khác tên Tiểu Linh thì nhận xét “ý tưởng thì được nhưng chỉnh ảnh khiếp quá. Cờ đảng cầm lẫn lộn. Mẫu diễn như tượng sáp…”
BBC liên hệ Minh Sơn đề nghị được phỏng vấn về bộ ảnh nhưng không nhận được hồi đáp.
‘Ảnh hóa tranh cổ động’
Nhà báo Nguyễn Mạnh Hà, báo Tiền Phong nói với BBC ngày 14/2 từ Hà Nội rằng việc ‘ảnh hóa tranh cổ động’ như vậy là ‘điều chưa ai làm’.
“Ý tưởng cho bộ ảnh khá thú vị. Theo tôi đoán thì nhóm thiết kế có mục đích là làm thế nào chuyển tải được càng xác thực tinh thần, ý nghĩa của tranh cổ động ngày xưa thì càng tốt”, nhà báo Mạnh Hà nói.
“Nhưng do năng lực có hạn nên họ không đạt được điều này ở góc độ thẩm mỹ và hiệu quả xã hội.”
“Thoạt đầu khi mới xem bộ ảnh tôi cứ hi vọng đó là của nghệ sỹ đương đại nào đấy. Với một nghệ sỹ đương đại thì dù hình ảnh đưa ra xấu đẹp (trong quan niệm của công chúng) như thế nào thì cũng đều nằm trong ý đồ của người sáng tạo. Nhưng hóa ra chỉ là sản phẩm quảng cáo của các bạn trẻ. Nếu vậy thì phần nào họ đã đạt được mục đích là làm cho nhiều người biết đến phòng chụp của mình.”
“Có thể tác giả của bộ ảnh không định làm theo hướng giễu nhại – một thủ pháp nghệ thuật đương đại- tức là chuyển những tinh thần, thẩm mỹ cổ động thành ra một hướng khác… Nhưng những gì họ làm vô tình đẩy bộ ảnh theo hơi hướng đấy.”
“Quan sát tranh cổ động truyền thống có thể thấy hiện rõ vẻ đẹp khỏe khoắn của các nhân vật, với nét mặc lạc quan, phơi phới, yêu đời, nhìn về một hướng. Các nhân vật trong bộ ảnh dùng biểu cảm ‘mặt lạnh’ của thời trang, không hợp với tranh cổ động. Tư thế và trang phục của nhiều nhân vật khá buồn cười, không gợi tinh thần của tranh cổ động.”
“Cách tạt sáng tương phản như trong studio cũng không phù hợp, làm cho hình ảnh trở nên kịch tính như đang có một sự xung đột giằng co gì đó. Một số bức ảnh còn lấy bối cảnh đêm. Cũng có thể ê kip muốn dựng các tượng đài bằng người thật.”
“Tôi thấy có nhiều ý kiến cho rằng bộ ảnh khiến họ thấy ‘buồn cười’. Một số người thì tức giận vì cho rằng nó bôi bác tranh cổ động ngày xưa.”
“Theo tôi, một cách khách quan thì bộ ảnh tuy chưa phải là tác phẩm nghệ thuật nhưng cũng gây ra hiệu ứng thú vị. Nó khiến chúng ta hiểu giới trẻ đang hiểu như thế nào về tranh cổ động – một di sản của quá khứ và lịch sử.”
Thay đổi hình thức tranh cổ động?
Bàn về hình thức và hiệu quả của tranh cổ động Việt Nam trong thời đại mới, nhà báo Mạnh Hà cho rằng ‘nên có sự cách tân’.
“Hiện tranh cổ động kiểu cũ đã trở thành hàng hóa. Nhiều cửa hàng ở Hà Nội in hàng loạt bán cho khách nước ngoài khá đắt hàng.”
“Tranh cổ động kiểu cũ gợi lên tinh thần hoài cổ dưới góc độ thị giác. Nó cũng là một loại hình mỹ thuật và có vẻ thay đổi chậm hơn các dòng tranh khác.”
“Tuy nhiên hình thức tranh cổ động hiện nay tôi thấy cũng có thay đổi. Trên đường phố Hà Nội hiện có các pano cổ động kết hợp đồ họa và ảnh.”
“Tôi nghĩ cũng nên cách tân hình thức tranh cổ động nhiều hơn nữa trong thời đại bùng nổ truyền thông quảng cáo hiện nay.”
“Nhưng tranh cổ động ở Việt Nam phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ như thể chế.”
“Nó liên quan đến ‘người đặt hàng’ và trước tiên phải thể hiện được tinh thần và nội dung người đặt hàng muốn. Tuy nhiên dòng này vẫn có thể khởi sắc nếu thu hút được những họa sĩ tài năng tham gia thiết kế.”
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43054603
Người Việt ở đâu
trong xã hội chính trị phức tạp của Campuchia?
Thùy Linhbbcvietnamese.com
Thời gian này, Biển Hồ đang trong mùa nước xuống, người dân gọi báo cho tôi nói rằng nếu có quay lại thăm, thì sẽ phải đi xa vào trong lòng biển.
Như thế sẽ tốn tiền xăng hơn để vào bờ, sóng điện thoại và Internet cũng yếu dần, nhưng nếu không thì nước cạn, cá ít, không có miếng ăn.
Nhưng đó là cách họ đã sống từ bao đời qua. Chuyện người gốc Việt sinh sống ở Campuchia không phải là điều gì mới mẻ.
Từ xa xưa, người Việt đã có nhiều đợt di cư đến Campuchia.
Từ trước thế kỷ 19, khi Đại Việt lấn vào Chăm Pa mở rộng bờ cõi phía nam, cho đến khi Triều Nguyễn sáp nhập thêm phía Đông Campuchia vào Đại Nam.
Vào thời kỳ Pháp vẫn còn quản chế đô hộ toàn Đông Đương, không ít người Việt đã bị đưa lên Campuchia để lao động trên các đồn điền.
Chuyển biến sâu sắc và mạnh mẽ nhất gần đây là cuộc đảo chính lật đổ vương triều Sihanouk do Lon Nol cầm đầu vào đầu thập niên 1970. Hàng nghìn người Việt bị sát hại, hoặc bị nhốt trong trại tù. Khoảng vài trăm nghìn sống sót, chạy về Việt Nam để “tỵ nạn”.
Hành trình Biển Hồ 1: Bấp bênh với sóng gió
Hành trình Biển Hồ 2: Số phận không bến bờ
Campuchia ‘tước quyền công dân 70.000 người gốc Việt’
Bắt đầu từ sau 1975, cuộc chiến giữa Khmer Đỏ và nước Việt Nam cộng sản xảy ra, thêm nhiều người Việt bị đánh đuổi về Việt Nam.
Tưởng chừng lúc đó sự hiện diện của người gốc Việt trên đất Campuchia đã hoàn toàn bị xoá sổ, nhưng sau khi cuộc chiến kết thúc, nhiều bộ đội Việt Nam lựa chọn ở lại, lập gia đình, định cư tại Campuchia.
Vào cuối năm ’79 đầu ’80, những người gốc Việt tràn về Việt Nam cũng lần lượt quay trở lại Campuchia, nơi họ cho là quê hương xứ sở.
Con dê tế thần của xã hội
Lịch sử mâu thuẫn biên giới kèm theo số lượng người gốc Việt tăng dần càng khiến Campuchia có thêm lý do để tin rằng Việt Nam vẫn đang tìm cách bành trướng, nhằm “thôn tính trọn vương quốc Chùa Vàng”.
Hiềm khích nuôi dưỡng hận thù. Người Khmer bản địa từ lâu đã thường gọi người gốc Việt bằng cái tên gọi phỉ báng “Yuon”.
Đối với người Campuchia, người gốc Việt là con dê tế thần, con tốt thí, là ngọn nguồn của tất cả mọi thứ tồi tệ nơi đây. Trời nắng tại Yuon, trời mưa cũng tại Yuon, ngã xe đạp cũng tại Yuon và bị đuổi việc cũng do Yuon nốt.
Vụ việc cụ thể gần đây nhất là vào 2016, khi nhà phân tích chính trị vô cùng được yêu mến, Kem Lay, bị sát hại, người qua đường đã tìm cách ngăn cản một viên cảnh sát di chuyển thi thể.
Đám đông đột nhiên đồng loạt hét “Yuon! Thằng đó là Yuon.”
Làm sao đám đông có thể nhanh chóng và thống nhất rằng viên cảnh sát là ‘Yuon’ – mà không có bất kỳ bằng chứng nào, chỉ vì ông ta đang làm một việc bị cho là gây đe doạ đến một người hùng chính trị của họ?
“Điều này nói lên rất nhiều điều về quan điểm của Campuchia đối với người Việt,” nhà nghiên cứu Tim Frewer viết trên tờ Diplomat.
Quân cờ chính trị
Theo một báo cáo của Cơ quan Cứu trợ Tỵ nạn Jesuit (JRS) vào 2015, có gần 90% người gốc Việt không có giấy tờ tuỳ thân hợp pháp nào, nhưng 45,2% trong số họ lại có phiếu bầu cử.
Nhiều người gốc Việt chia sẻ từ những năm 2003, 2008 họ đã đi bầu, dù chưa bao giờ được thừa nhận là công dân Campuchia. Hầu hết đều bỏ phiếu cho Thủ tướng đương nhiệm của Campuchia, Hun Sen, người cũng bị phe đối lập chỉ trích là thân Việt Nam.
Đối thủ lớn nhất của Hun Sen và đảng cầm quyền Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) là Kem Sokha, đại diện cho Đảng Giải cứu Dân tộc (CNRP).
Kem Sokha và CNRP luôn cổ suý cho phong trào bài Việt, chuyên dùng những ngôn ngữ tuyên truyền kích động sự hận thù đối với cộng đồng người gốc Việt, để thu hút cử tri.
Chính vì vậy cộng đồng người gốc Việt cho Hun Sen một lượng phiếu không nhỏ, cần thiết, và ổn định.
Nhưng chuyển biến chính trị vào tháng 9, 2017, khiến cục diện chính trị Campuchia thay đổi.
Quê nhà Chủ tịch Quốc hội Campuchia ở VN?
TQ viện trợ xe bọc thép cho Campuchia
Mekong cần xã hội dân sự và nhà báo
Đối thủ của Hun Sen, người lãnh đạo của CNRP, Kem Sokha bị bắt giữ tại gia, và không lâu sau, đảng CNRP bị giải tán vì bị buộc tội phản quốc.
Với sự tan rã CNRP, Hun Sen có thể sẽ không còn cần đến số phiếu bầu của cộng đồng người gốc Việt nữa.
Ngược lại, với việc tiến hành Nghị định 129, nhằm thu hồi giấy tờ người gốc Việt cùng với ngôn ngữ đanh thép, răn đe có thể là một cách để thu hút những cử tri Khmer bài Việt.
Nhiều nhà quan sát cho rằng đây có thể là một cách của Hun Sen để thu hút các cử tri từng ủng hộ CNRP, quay sang bỏ phiếu cho ông trong cuộc bầu cử dự kiến sẽ diễn ra trong 2018.
Nỗi lo của cộng đồng gốc Việt ở Campuchia
Sam Rainsy, biểu tượng chính trị của CNRP, từng có những lời lẽ miệt thị, phân biệt người Việt, bỗng dưng quay sang chỉ trích Hun Sen vì Nghị định thu hồi giấy tờ người của gốc Việt.
Có thể nói, người gốc Việt bị tung hứng như những quả bóng chính trị, lúc thì là kẻ thù dân tộc, lúc lại là cử tri trung thành.
Trái khoáy hơn, không ít người trong cộng đồng quốc tế và người Khmer cấp tiến vốn mạnh mẽ đấu tranh cho dân chủ và công bằng tại Campuchia lại ủng hộ phe đối lập.
Đối lập Campuchia đến nhà tù gần VN
Ông Hun Sen ôm khách quá chặt?
Người phụ nữ gốc Việt sẽ là Đại sứ Pháp ở Campuchia?
Mặc cho những lời tuyên truyền bài Việt, không ít các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận vẫn cảm thấy sự tồn tại của một đảng đối lập là cần thiết để gìn giữ nền bán dân chủ ở Campuchia, vốn đang dần rơi vào bàn tay chuyên chế của Hun Sen.
Nhiều nhóm hoạt động xã hội dân chủ chuyên làm các công tác hỗ trợ người nghèo, xoá nạn mù chữ, thì lại từ chối giúp đỡ người Việt vì những hiềm khích, thù hằn.
Nhưng dù sao, đó là những vấn đề khó khăn cấp vĩ mô. Đối với những người dân vùng Biển Hồ, khó khăn trước mắt vẫn là cuộc sống lênh đênh, nay đây mai đó, vô tổ quốc.
Cái nghèo luẩn quẩn
Đa số người gốc Việt vẫn nằm trong các diện nghèo khó, sinh sống hầu hết ở trên các nhà thuyền nhà nổi ở dọc vùng Biển Hồ, có một số khá giả hơn sống trong thành thị.
Nhưng đây là mặt bằng chung của cả toàn Campuchia.
Đất nước chùa Vàng này vẫn là một trong những nước nghèo nhất Đông Nam Á và cũng là nước tham nhũng nhất khu vực này, theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế.
Những vụ việc bị ép làm tiền, đe doạ và uy hiếp, là không chỉ xảy ra đối với người gốc Việt, mà cũng xảy ra với cả người Khmer bản địa.
Tuy nhiên, người gốc Việt là nhóm thiểu số dễ bị tổn thương hơn hẳn vì những thiệt thòi về danh tính pháp lý, gây ra nhiều hệ luỵ.
Không có giấy tờ, nhiều người gốc Việt không thể mua đất, cất nhà, vay ngân hàng. Nếu có điều kiện đi học, trẻ em cũng chỉ được học đến hết cấp I, vì nếu không có giấy khai sinh, không thể học tiếp lên cấp II, III.
Tôi đã chứng kiến nhiều em bỏ học, phụ cha mẹ công việc chài lưới, đánh bắt, kiếm sống qua ngày.
Trong chuyến đi đến vùng Biển Hồ, tôi thấy nhiều thế hệ người Việt vẫn sống quanh quẩn với cộng đồng, vẫn không thể giao tiếp bằng tiếng Khmer bản địa.
Họ buộc phải phụ thuộc vào Hội người Campuchia gốc Việt để nhờ hỗ trợ khi gặp vấn đề pháp lý với quan chức địa phương.
Nhưng chính hiệp hội này cũng bị một số người cáo buộc là câu kết với quan chức Khmer để lạm thu, điều quan chức hiệp hội bác bỏ.
Cuộc sống người gốc Việt nơi đây gần như không thay đổi dù đã sinh sống qua nhiều thế hệ.
Một quan chức ngoại giao cấp cao của Việt Nam nói chính quyền Việt Nam đang rất nỗ lực trong việc đàm phán thương thảo với chính quyền Campuchia để đảm bảo quyền lợi của kiều bào, nhất là trong vấn đề thu hồi giấy tờ.
Người dân cũng cho hay một phái đoàn kiểm tra cũng vừa đến tận địa phương lấy lời khai của người dân về các vụ việc tiêu cực.
Báo Việt Nam đưa tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng vừa mới ghé thăm Siem Reap phát gạo cho bà con kiều bào.
Nhưng một số người dân tôi gặp bày tỏ lo ngại đây chỉ là những biện pháp tạm thời, chưa thể giải quyết được những vấn đề gốc rễ.
Giữa lòng Biển Hồ, người Việt cô độc giữa sóng biển mênh mông.
Họ trơ trọi giữa các đợt sóng ngầm, không hay biết phía xa còn có giông bão.
Phóng viên Thùy Linh có chuyến thăm đến Campuchia trong tháng 12/2017.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43043682
Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước bị tấn công mạng
dạng DDoS nhiều nhất thế giới
Truyền thông Việt Nam dẫn nguồn tin từ hãng bảo mật công nghệ thông tin Kaspersky như cho biết việt nam nằm trong nhóm 10 nước bị tấn công mạng dạng DDoS nhiều nhất thế giới. Theo báo cáo, Việt Nam đã bị tấn công nhiều hơn cả lãnh thổ Hongkong, nơi thường xuyên phát hiện nhiều cuộc tấn công vào các máy điện toán.
Trong các cuộc tấn công DDoS, cũng theo Kaspersky, có những cuộc tấn công kéo dài đến 146 giờ.
Tấn công DDos là tấn công từ chối dịch vụ nhằm làm cho người dùng không thể sử dụng được tài nguyên của máy tính. Nói cụ thể hơn, các cuộc tấn công này có thể làm người dùng không thể vảo được một trang mạng hay hệ thống mạng. Cuộc tấn công có thể làm gián đoạn hoặc làm chậm hệ thống.
Việc đề phòng các cuộc tấn công trên không gian mạng cũng đã được chính phủ Việt Nam nhiều lần nhắc tới, nhưng theo một số chuyên gia như ông Hoàng Ngọc Diêu sống tại Úc, nhà nước Việt Nam lo lắng nhiều đến chuyện tranh luận về quan điểm chính trị trên mạng hơn là phòng bị một cách bài bản trong vấn đề kỹ thuật, không có những chính sách toàn diện để làm chuyện này.
Cách đây không lâu Việt Nam chính thức công bố là quân đội và công an có những đội quân chuyên lo đấu tranh quan điểm trên mạng xã hội, chẳng hạn như đội quân A47 có tới chừng 10 ngàn người.
Du lịch Việt và vấn nạn khách Trung Quốc
Mỹ Lan RFA
Khách Trung Quốc tăng mạnh ở Nha Trang
Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà là một trong những điểm du lịch nổi tiếng thu hút số lượng du khách trong và ngoài nước khá nhiều đến Việt Nam. Năm 2017, Nha Trang đón gần 5,5 triệu lượt khách lưu trú, trong đó khách quốc tế đạt hơn 2 triệu lượt. Doanh thu du lịch ước đạt 17.300 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong số du khách đó người Trung Quốc chiếm lượng đông đảo và có sự gia tăng nhanh hơn so với người từ các Châu lục khác. Vấn đề du khách Trung Quốc và những tour giá rẻ dành cho đối tượng này đang gây ra một số vấn nạn cho ngành du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó, theo một số đơn vị lữ hành trong nước, du khách Trung Quốc tăng không tỷ lệ thuận so với số tiền nhóm du khách này chi tiêu tại Việt Nam.
Một hướng dẫn viên tại Nha Trang, anh Nguyễn Việt Anh, cho biết về tình trạng mà anh theo dõi được khi tham gia hoạt động này:
Lượng khách Trung Quốc đến Nha Trang hiện nay rất đông, tất nhiên họ sẽ mang lợi nguồn lợi kinh tế cho thị trường du lịch. Tuy nhiên khách Trung Quốc là thị trường bình dân và giá thấp nên hiệu quả và lợi nhuận không đem lại được như kỳ vọng. Bởi vì khách Trung Quốc họ đòi hỏi rất là nhiều trong khi số tiền họ bỏ ra thì rất thấp. Họ bỏ ra ít tiền mà lại đòi hỏi rất nhiều quyền lợi. Chúng tôi cũng cố gắng đáp ứng tuy nhiên không thể nào đáp ứng được hết vì nhiều khi có những yêu cầu hết sức phi lý.
khách Trung Quốc họ đòi hỏi rất là nhiều trong khi số tiền họ bỏ ra thì rất thấp – hướng dẫn viên Nguyễn Việt Anh
Khách Châu Âu tránh người Trung
Bên cạnh việc chi tiêu hạn chế, du khách Trung quốc xuất hiện ngày một đông đảo cũng đang khiến cho lượng khách Nga và Đông Âu vốn là thị trường tiềm năng của du lịch các tỉnh miền Nam Trung Bộ như Nha Trang, Phan Thiết, Đà Nẵng…giảm trong thời gian gần đây.
Hướng dẫn viên Nguyễn Việt Anh cho biết tiếp:
Ví dụ như một số khách đến từ châu Âu, Nga.. thì thường không khoái việc phải đi chung với khách Trung Quốc vì khách Trung Quốc rất là ồn ào, không được văn minh và lịch sự lắm và họ không được như với mặt bằng chung của các khách đến từ châu Âu. Có nhiều khách phàn nàn với chúng tôi về việc họ phải đi chung với khách Trung Quốc và họ cảm thấy không được thoải mái cho lắm.
Thực trạng vừa nêu đối với du khách Trung Quốc cũng được ông Đỗ Văn Toàn, một người kinh doanh khách sạn tại Nha Trang, thừa nhận.
Ở khách sạn họ ở rất dơ dáy, không tôn trọng tài sản, phá rối mất vệ sinh, ăn nói… làm cho người xung quanh khó chịu và bất mãn. Khách Trung Quốc khiến cho những du khách khác đặc biệt là khách Âu Châu họ không đến Nha Trang nhiều như những năm trước đây nữa.
họ ở rất dơ dáy, không tôn trọng tài sản, phá rối mất vệ sinh, ăn nói… làm cho người xung quanh khó chịu và bất mãn – chủ khách sạn
Trong thực tế một số doanh nghiệp, khách sạn bất chấp các quy định kinh doanh để bán tour, khoán khách sạn cho các đoàn khách Trung Quốc dẫn tới việc sử dụng phòng sai quy định, nhồi nhét quá nhiều khách trong cùng 1 phòng, vệ sinh không đảm bảo… Tình trạng này được cho là nguyên nhân dẫn khiến thị trường du lịch Nha Trang trở nên kém chuyên nghiệp và tạo ấn tượng khống tốt cho các du khách quốc tế khi đến đây.
Quan ngại về chỉ tiêu
Cơ quan quản lý du lịch tỉnh Khánh Hoà và bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Việt Nam nói họ hiểu rõ thực trạng vừa nêu; nhưng do thị trường khách du lịch Trung Quốc quá lớn đối với Việt Nam nói riêng và các nước trong khu vực nói chung nên chấp nhận chạy theo số lượng và thành tích để giải quyết vấn đề thúc đẩy phát triển du lịch.
Chúng tôi liên lạc với ông Vũ Thế Bình, phó chủ tịch Hiệp Hội Du Lịch Việt Nam, để hỏi thêm thông tin; nhưng ông này từ chối trả lời.
Tình hình hiện nay như vấn đề khách du lịch Trung Quốc khiến nhiều người quan ngại không biết liệu trong ba năm nữa mục tiêu thu được 35 tỷ đô la tổng giá trị từ ngành công nghiệp không khói có đạt được hay không.
Dân biểu Mỹ chúc Tết các nhà tranh đấu
đang bị giam cầm ở Việt Nam
Nhân dịp Tết Mậu Tuất, Dân biểu Liên bang Hoa Kỳ John Culberson gửi lời chúc cộng đồng người Việt tại Houston, Texas và nhân dân Việt Nam một năm mới an lành, tràn đầy hy vọng và thăng tiến.
Trong một video do Chân Trời Mới đăng tải hôm 14/2, dân biểu Culberson còn gửi một thông điệp đặc biệt đến các tù nhân lương tâm đang bị giam giữ ở Việt Nam vì những hoạt động nhằm bảo vệ nhân quyền và cổ vũ cho tự do.
Ông nói:
“Tôi chia sẻ những giá trị này với quý vị, và tôi sẽ nỗ lực vận động để quý vị được tự do, để quý vị có thể đón mừng năm mới với gia đình.”
Dân biểu đảng Cộng hòa, đại diện cho khu vực 7, bang Texas nói thêm:
“Tôi kêu gọi chính quyền Việt Nam hãy chấm dứt đàn áp các nhà hoạt động nhân quyền và thả các tù nhân lương tâm ngay lập tức.”
Theo thông tin của trang Cộng đồng người Việt Quốc gia Houston, dân biểu Culberson thường lên tiếng bênh vực cho các tù nhân lương tâm Việt Nam, gần đây nhất là trường hợp tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai, người vừa bị chính quyền Việt Nam tuyên án tù 5 năm vào tháng 1/2018.
Món quà Tết của chính phủ Mỹ cho người dân Việt Nam
Hôm 13/2, tức 28 tháng Chạp Tết Mậu Tuất, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nói chính phủ Hoa Kỳ vừa trao cho người dân Việt Nam một món quà Tết với việc bàn giao trường tiểu học Tịnh An.
Đại sứ Daniel Kritenbrink viết trên trang Facebook: “Người dân Quảng Ngãi vừa nhận được một món quà Tết đến sớm với việc bàn giao trường tiểu học Tịnh An. Lễ bàn giao là một tín hiệu tích cực nữa cho sự hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.”
Từ năm 2000, Hoa Kỳ đã hỗ trợ Việt Nam qua một loạt dự án viện trợ, sử dụng Chương trình Viện trợ Dân sự, Thảm hoạ và Nhân đạo Nước ngoài (OHDACA) của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ. Thông qua chương trình này, chính phủ Hoa Kỳ đã hợp tác với chính phủ Việt Nam để xây dựng các trường học, trạm y tế, trung tâm điều phối thiên tai và những chiếc cầu tại nhiều thị trấn, làng xã trên khắp Việt Nam.
Trường tiểu học Tịnh An là dự án thứ 6 hoàn thành tại tỉnh Quảng Ngãi, và là dự án thứ 21 tại Việt Nam. Đại sứ Mỹ nói mỗi dự án ODHACA đều tự hào vì không chỉ mang đến những kiến trúc đẹp và hiện đại, mà còn được xây với vật liệu đảm bảo mục đích kép của các công trình, là nơi cung cấp chỗ ẩn náu cho cộng đồng dân cư khi gặp thiên tai. Điều này đóng vai trò quan trọng sống còn đối với khu vực dọc bờ biển miền Trung Việt Nam, nơi thường xuyên chịu nhiều thiệt hại do mưa bão gây ra
https://www.voatiengviet.com/a/mon-qua-tet-cua-chinh-phu-my-cho-nguoi-dan-viet-nam/4253974.html
Đường dây nóng ‘chưa nhận được
tin báo tặng quà Tết trái quy định ở Trung ương’
Cục Chống tham nhũng hôm 13/2 cho biết đường dây nóng của đơn vị này đã nhận được nhiều cuộc gọi phản ánh về các hành vi nhận, biếu quà Tết trái quy định.
“Có khoảng 40 cuộc gọi đến chúng tôi, phần lớn ở các địa phương, chưa có tin báo về tặng quà Tết trái quy định ở cơ quan Trung ương”, VnExpress dẫn lời Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt cho biết cho biết.
Theo người đứng đầu cơ quan chống tham nhũng của Việt Nam, nội dung các tin báo vào đường dây nóng còn về tình trạng ăn chặn, chậm trả tiền Tết cho người lao động, gia đình chính sách.
Vẫn theo lời ông Đạt, các tin báo này sẽ được “ghi nhận và thông báo ngay cho đơn vị chức năng ở địa phương có biện pháp ngăn chặn”, đồng thời thống kê danh sách để báo cáo Thủ tướng.
Ba đường dây nóng (08.048228, 0902.386.999, 0125.698.6688 và Email: Cucchongthamnhung@gmail.com) được Cục Chống tham nhũng mở ra vào ngày 28/12 để tiếp nhận các tin báo của người dân tố cáo tham nhũng, tiêu cực và tặng quà Tết trái quy định. Tuy nhiên khi gọi vào các số điện thoại trên, VOA chỉ nhận được thông báo “Thuê bao quý khách vừa gọi hiện đang bận hoặc không nhấc máy”, hoặc được nghe nhạc, sau đó thông báo cuộc gọi bất thành.
Dịp Tết Nguyên Đán vẫn được xem là một “cơ hội vàng” để mua quan bán chức tại Việt Nam. Trong các vụ đại án nổi tiếng gần đây, các bị cáo chính như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cũng bị cáo buộc về việc biếu nhận những món quà Tết trị giá hàng tỷ đồng.
Dịp Tết Nguyên Đán 2017, đường dây nóng của Cục Chống tham nhũng cũng nhận được 56 nguồn tin tố giác tham nhũng, biếu nhận quà Tết, nhưng sau đó cơ quan này thông báo không có trường hợp biếu nhận quà trái quy định. Một số trường hợp các viên chức dự định tặng quà cho cấp trên đã bị ngăn chặn kịp thời.
Năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định nghiêm cấm các cơ quan, công chức, viên chức nhận quà tặng, nhận thay người khác hoặc thông qua cơ quan.
Tuy nhiên, việc không cho phép quan chức nhận quà cũng nhận được ý kiến trái chiều, cho rằng điều này chỉ khiến cho tham nhũng, tiêu cực được che đậy kín đáo hơn.
“Cứ để họ công khai tặng quà nhau, công khai để ai cũng thấy họ tặng nhau cái gì, công khai để thấy những hộp quà to, nhỏ thế nào”, PGS-TS. Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính, Học viện Chính trị-Hành Chính quốc gia HCM nói với Dân Việt.
Chuyên gia này cảnh báo nếu cứ “đao to búa lớn với mấy gói quà, không khéo ‘chuột lớn’ không bắt, lại vợt mấy con ‘chuột nhỏ’”, trích Dân Việt.
“Diệt chuột đừng để vỡ bình” là câu nói nổi tiếng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ông bắt đầu nói về chiến dịch chống tham nhũng tại Việt Nam vào năm 2014. Nhiều quan chức lớn của Việt Nam đã bị “diệt” trong chiến dịch vẫn đang kéo dài này. Tuy nhiên, giới phê bình quốc tế cho rằng mục tiêu chính của chiến dịch là tiêu diệt phe cánh của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Theo phúc trình của tổ chức Minh bạch Quốc tế năm 2017, Việt Nam đứng thứ hai trong số các quốc gia tham nhũng nhất châu Á, chỉ sau Ấn Độ. Những người Việt được phỏng vấn nói tham nhũng hiện là “đại dịch” của quốc gia Đông Nam Á này.
Nghi phạm bắn chết một luật sư Úc gốc Việt bị bắt
Một người đàn ông bị cáo buộc đã bắn chết một luật sư gốc Việt ở Sydney được nhiều người biết tiếng ngay giữa ban ngày, khi ông đang ngồi trong một quán cà phê ở thành phố Bankstown, một khu ngoại ô có nhiều người Việt cư ngụ ở Sydney, đã bị bắt tại phi trường quốc tế Sydney, trong khi đang chờ chuyến bay một chiều sang Bali, Indonesia.
Theo báo Sydney Morning Herald và Hệ thống truyền thanh truyền hình Úc (ABC), Luật sư Lê Đình Hồ, 65 tuổi, bị bắn chiều ngày 23 tháng Một tại quán cà phê Happy Cup từng thuộc quyền sở hữu của ông, trong một vụ được mô tả là ‘giết người máu lạnh’ ngay giữa thanh thiên bạch nhật, trước sự chứng kiến của nhiều người.
Các nhân chứng nói với cảnh sát rằng kẻ sát nhân không nói một lời nào trước khi nổ 4 phát súng, nhắm bắn luật sư Hồ ở cự ly gần. Hung thủ tẩu thoát, khách đi mua sắm tại Trung tâm thương mại Bankstown hốt hoảng tìm chỗ ẩn nấp, trong khi nhiều người đi đường vội vã chạy tới giúp nạn nhân. Luật sư Hồ qua đời sau đó tại hiện trường, bên vệ đường, bất chấp nhân viên y tế, cảnh sát và người đi đường hết lòng cấp cứu.
Cái chết của vị luật sư hình sự gốc Việt nổi tiếng lập tức làm dấy lên nhiều giả thuyết, có người nêu lên rằng trong 20 năm hành nghề ở Bankstown, ông đã từng bênh vực cho nhiều nhân vật tội phạm khét tiếng. Có nguồn tin nói ông đang gặp khó khăn tài chánh và đã phải rút tên công ty luật của ông ra khỏi sổ ghi danh các doanh nghiệp trong 6 tháng hồi năm ngoái. Một người bạn thân của ông, cùng ông điều hành một tờ báo tiếng Việt ở Sydney, nêu lên một lý do khả dĩ khác, là chính trị.
Hệ thống truyền thông ABC của Úc cũng lên tiếng về vấn đề này. Trang mạng ABC nói việc Luật sư Lê Đình Hồ là một người mạnh miệng, luôn lớn tiếng đòi thay đổi, đã khiến ông có nhiều kẻ thù.
Luật sư Hồ, một người cha có 5 đứa con, chỉ mới chào tạm biệt người vợ thứ nhì và 3 đứa con nhỏ của ông vài giờ trước khi bị bắn. Gia đình của ông chỉ biết tin dữ sau khi trở về từ Việt Nam, theo báo chí Úc.
Đài ABC miêu tả Luật sư Hồ “là một người tị nạn khao khát công bằng xã hội, không hề sợ lên tiếng và bênh vực những điều mà ông tin tưởng”. Trang mạng của ABC dẫn lời các đồng nghiệp và cộng sự của Luật sư Hồ, nói rằng mặt khác, ông cũng là một người “gây chia rẽ” trong cộng đồng người Việt ở Sydney, và là người “có nhiều bạn nhưng cũng có kẻ thù”.
Các nhân viên điều tra của Đội Homicide Squad cáo buộc người đàn ông 38 tuổi là tay súng đã “hành quyết” Luật sư Hồ.
Theo Hệ thống Truyền Thanh Truyền Hình ABC, nghi phạm đã bị bắt và câu lưu mặc dù các nhân viên điều tra đang tìm thêm chứng cứ, và chưa hoàn tất hẳn cuộc điều tra. Nghi phạm bị áp giải về trạm cảnh sát Mascot để bị thẩm vấn vào chiều thứ Ba 13/2 giờ địa phương, và bị cáo buộc về tội giết người.
Nghi phạm không được tại ngoại và dự kiện sẽ xuất hiện trước Tòa vào ngày thứ Tư 14/2, giờ địa phương.
https://www.voatiengviet.com/a/nghi-pham-ban-chet-mot-luat-su-uc-goc-viet-bi-bat/4251762.html