Tin Biển Đông – 14/02/2018
Trung Quốc phản ứng
đối với Bộ Trưởng Quốc phòng Anh
Tờ Hoàn Cầu Thời báo của Trung Quốc hôm 13/2 chỉ trích Bộ trưởng Quốc phòng Anh về những phát biểu nhắm vào sự bành trướng của Trung Quốc ở biển Đông.
Trong buổi phóng vấn với đài ABC của Australia, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson đã bày tỏ thái độ cứng rắn chống Trung Quốc qua lời phát biểu rằng nước Anh không nên mù quáng trước tham vọng của Trung Quốc và phải bảo vệ an ninh quốc gia nước Anh.
Ông Bộ trưởng Gavin Williamson còn nhấn mạnh thêm rằng chắc chắn phải chống lại bất kỳ những động thái ác ý nào và cũng cần nhận thấy những thách thức gia tăng, không chỉ đến từ Trung Quốc mà còn từ Nga và Iran.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cho biết ông đã học được nhiều bài học của Australia trong việc đối phó với một số thách thức mà Trung Quốc tạo ra; đồng thời ông cũng xác nhận chiến hạm HMS Sutherland của Hải quân Anh sẽ khởi hành từ Úc đi qua vùng Biển Đông vào tháng tới để khẳng định quyền tự do hàng hải.
Tờ Hòa Cầu Thời Báo bình luận rằng Trung Quốc chưa bao giờ quấy nhiễu an ninh của Anh và lời tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Gavin Williamson về Trung Quốc là một điều đáng ngạc nhiên đối nhiều người dân Hoa Lục, đặc biệt là sau khi hai nước đồng ý nâng tầm mối quan hệ, gọi là “Thời đại Vàng”, qua chuyến thăm của Thủ tướng Anh Theresa May tại Trung Quốc.
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo còn nêu ra rằng Trung Quốc muốn Bộ trưởng Quốc phòng Anh cho biết mục đích rõ ràng khi cho chiến hạm đi vào khu vực Biển Đông. Động thái này có phải là khiêu khích quân sự đối với Trung Quốc hay không? Và nếu không phải là khiêu khích, thì Hải quân Hoàng gia Anh cần hành xử một cách khiêm tốn khi đi qua vùng Biển Đông.
Trước thông tin Anh cho tàu chiến vào khu vực Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 13/2 lên tiếng nói rằng tất cả các nước theo luật quốc tế đều có quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Ông cũng nói thêm là tình hình Biển Đông đã được cải thiện mỗi ngày. Vì vậy, Trung Quốc hy vọng các bên liên quan, đặc biệt là các nước bên ngoài khu vực nên tôn trọng những nỗ lực của các nước trong khu vực, không gây thêm các rắc rối.
ASEAN Trung Quốc chuẩn bị tham vấn về COC
Hiệp hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc sẽ khởi sự tham vấn về Bộ Qui Tắc Ứng Xử trên Biển Đông vào tháng Ba tới đây.
Tân Hoa Xã cho biết như vậy theo nguồn tin từ cuộc gặp lần thứ hai theo Cơ Chế Tham Vấn Song Phương giữa Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Khổng Uyển Hựu và người đồng nhiệm Philippines là Thứ trưởng Enrique Manalo, vào hôm thứ Ba 13/2 tại thủ đô Philippines.
Theo một thông cáo chung sau cuộc buổi làm việc này thì hai phía Trung Quốc và Philippines thảo luận những phương cách quản trị và tránh các sự cố trên biển, thúc đẩy đối thoại và hợp tác về các vấn đề hàng hải, nhằm duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.
Trung Quốc hiện có tranh chấp về lãnh hải với một số nước thuộc ASEAN. Trung Quốc là nước tuyên bố chủ quyền nhiều nhất, tới 90% diện tích Biển Đông.
Bộ Qui Tắc Ứng Xử Trên Biển Đông (COC) đã được hai bên bàn đến từ hơn 10 năm nay. Tuy nhiên đến tháng 8 năm ngoái hai bên mới đạt được bộ khung cho Bộ Qui tắc này. Trong cùng lúc đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục tích cực quân sự hóa các điểm chiếm đóng tại Biển Đông với các cơ sở trên các các đảo nhân tạo gồm căn cứ tiếp liệu hậu cần, đường băng giành cho máy bay chiến đấu, nhà chứa máy bay, radar…
Philippines phản đối
Trung Quốc đặt tên những thực thể dưới biển
Chính phủ Philippine phản đối việc Trung Quốc đặt tên cho một số thực thể dưới đáy biển thuộc khu vực Benham Rise, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines.
Phát ngôn viên của tổng thống Duterte cho hay hôm thứ Tư 14/2.
AP dẫn lời người phát ngôn Harry Roque Jr nói rằng Philippines đã nêu lên mối quan ngại với Trung Quốc về việc đặt tên các thực thể dưới đáy biển ở Benham Rise và có thể chính thức thông báo cho cơ quan thủy văn quốc tế.
Theo ông Harry, Trung Quốc đã đề xuất các tên gọi vào năm 2015 và năm 2017.
Về phía Bắc Kinh, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc ông Cảnh Sảng hôm thứ Tư cho biết Trung Quốc đã tham gia vào các hoạt động liên quan đến đề xuất tên gọi cho các thực thể dưới đáy biển là “phù hợp với thông lệ quốc tế” và các quy tắc của cơ quan thủy văn quốc tế.
Theo ông Cảnh Sảng, “Trung Quốc tôn trọng quyền thềm lục địa của Phi đối với khu vực Benham Rise và hy vọng các bên liên quan có thể khách quan và có trách nhiệm trong việc nhìn nhận những công tác kỹ thuật có liên đới.
AP cho biết giới chỉ trích đặt câu hỏi tại sao chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte cho phép một nhóm người từ Trung Quốc thực hiện việc nghiên cứu khoa học ở Biển Đông, nơi đang diễn ra cuộc xung đột lãnh thổ giữa Manila với Bắc Kinh.
Ông Tập Cận Bình chúc Tết binh sĩ ở Hoàng Sa
Ít ngày sau khi chúc mừng năm mới Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Trung Quốc đã liên lạc với các binh sĩ của nước này trên quần đảo Hoàng Sa tranh chấp với Hà Nội.
Ông Tập hôm 12/2 đã trò chuyện với các binh sĩ đồn trú trên quần đảo mà Trung Quốc gọi là Tây Sa qua kết nối video, và hỏi họ chuẩn bị đón năm mới ra sao, theo Tân Hoa Xã.
Đây là một phần nỗ lực động viên tinh thần các quân nhân Trung Quốc nhân dịp Tết Nguyên đán của ông Tập.
Nguyên thủ còn làm chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc này cũng nhấn mạnh tới sự trung thành của lực lượng vũ trang quốc gia đông dân nhất thế giới.
Ba ngày trước, báo chí đưa tin rằng ông Tập đã gửi lời chúc mừng năm mới tới lãnh đạo đảng của Việt Nam, trong đó tuyên bố “sẵn lòng duy trì quan hệ gần gũi với đồng chí Tổng bí thư [Trọng] trong nỗ lực chung nhằm thúc đẩy mối quan hệ Việt – Trung và nâng mối bang giao đó lên tầm cao mới”.
Ám chỉ tới các hoạt động rầm rộ xây đảo trên Biển Đông của Bắc Kinh, bạn đọc Khanh Le viết trên trang Facebook của VOA tiếng Việt: “Có mời ra thăm HS [Hoàng Sa], TS [Trường Sa] để xem sự ‘phát triển đổi mới’ của vùng biển đảo này không?”
Lãnh đạo hai nước gửi lời chúc Tết Nguyên đán cho nhau, một ngày sau khi quân đội Trung Quốc thông báo đã đưa các máy bay chiến đấu tới Biển Đông.
Ông Dương Danh Dy, chuyên gia về quan hệ Việt – Trung, nhận định với VOA Việt Ngữ rằng “Biển Đông sẽ là vấn đề lâu dài, sống còn và sống chết” giữa Hà Nội và Bắc Kinh.
Cựu quan chức ngoại giao từng làm việc nhiều năm ở Quảng Châu, Trung Quốc, nói thêm rằng Bắc Kinh sẽ “không bao giờ từ bỏ tham vọng bành trướng hơn nữa, bá quyền hơn nữa” ở vùng biển tranh chấp giữa nhiều nước.
Trung Quốc đã chiếm toàn bộ Hoàng Sa sau trận hải chiến đẫm máu làm 74 binh sĩ Việt Nam Cộng hòa bỏ mạng ngày 19/1/1974.
Hôm 11/2, Đề đốc Lâm Ngươn Tánh, người trực tiếp chỉ huy trận hải chiến chống Trung Quốc, đã qua đời ở tiểu bang Virginia, Mỹ.
Ngoài một số cơ quan báo chí hải ngoại, không một tờ báo nào ở Việt Nam đưa tin về sự ra đi của tư lệnh hải quân cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa.
Trước Tết, truyền thông Việt Nam đã đăng nhiều bài viết về không khí đón Tết Mậu Tuất ở Trường Sa.
Tin cho hay, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi thăm nhiều đơn vị vũ trang Việt Nam, nhưng không rõ có gọi điện chúc Tết các binh sĩ ở quần đảo nơi Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền hay không.
https://www.voatiengviet.com/a/chu-tich-trung-quoc-chuc-tet-binh-si-o-hoang-sa/4254001.html