Tin khắp nơi – 14/02/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 14/02/2018

Phe Cộng hòa ở Thượng viện

ủng hộ kế hoạch di trú của ông Trump

Các Thượng nghị sĩ Cộng hòa ngày 13/2 kịch liệt chỉ trích các đảng viên Dân chủ đang tìm cách bảo vệ những di dân tới Mỹ bất hợp pháp từ nhỏ (thường được gọi là “Dreamer”) trong lúc Lãnh tụ Khối Đa số ở Thượng viện, Mitch McConnell, ủng hộ yêu cầu của Tổng thống Donald Trump đòi mạnh tay thay đổi chính sách di dân của nước Mỹ.

Khi tuyên bố ủng hộ Luật giữ lại Mỹ các di dân được đưa vào Hoa Kỳ bất hợp pháp khi còn nhỏ, Thượng nghị sĩ McConnell cũng ủng hộ mạnh mẽ việc xây tường dọc theo biên giới với Mexico và hạn chế gắt gao các diện bảo lãnh thân nhân.

“Đề nghị này được sự ủng hộ của tôi và trong các tranh luận công bình trong tuần này, tôi tin là luật đáng được sự ủng hộ của các Thượng nghị sĩ sẵn sàng vượt qua ý riêng của mình và thực sự là làm luật,” ông McConnell, thuộc đảng Cộng hòa nói trong một diễn văn tại Thượng viện.

Tuy nhiên, ngay cả một số Thượng nghị sĩ Cộng hòa cũng không mấy tin tưởng là những thay đổi sâu rộng và căn bản trong luật di trú Mỹ có thể được Thượng viện thông qua trước ngày 15/2 theo như yêu cầu của Thượng nghị sĩ John Cornyn đưa ra vào cuối ngày 12/2.

Cũng trong ngày 12/2, Thượng nghị sĩ Dân chủ Dick Durbin, người lãnh đạo việc ủng hộ các Dreamer, cho báo giới biết theo ông, việc Thượng viện biểu quyết sớm về luật di trú sẽ bắt đầu bằng những biện pháp mở rộng và những biện pháp này sẽ không nhận được 60 phiếu thuận cần thiết để vượt qua rào cản về thủ tục.

Thế là, theo ông Durbin, các Thượng nghị sĩ sẽ buộc phải hướng về trọng tâm với một khuynh hướng ôn hòa.”

Tuy nhiên ít nhất cho tới nay, đảng Cộng hòa đang giữ một lập trường cứng rắn. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Tom Cotton trả lời phỏng vấn của Fox News khẳng định kế hoạch di trú của ông Trump “không phải dùng để tranh luận. Đây là một kế hoạch tốt nhất và là đề nghị cuối cùng.”

Điều này trái ngược với những tuyên bố của Tổng thống Trump trong những ngày gần đây, trong đó có tuyên bố vào sáng ngày thứ Ba 13/2 với dòng tin trên Twitter rằng “Các cuộc thương thuyết về DACA đang khởi sự.”

Trong cuộc điều trần trước Ủy ban Ngân sách Thượng viện ngày 12/2, Giám đốc Ngân sách Tòa Bạch Ốc, Mick Mulvaney, nói ông nghĩ là một thỏa thuận về luật di trú sẽ đạt được “và chúng ta sẽ có được ngân khoản đầy đủ để xây bức tường biên giới” tốn khoàng 18 tỉ đô la trong vòng 2 năm.

Thượng nghị sĩ Durbin và những Thượng nghị sĩ Dân chủ khác đã bàn đến khả năng có một đạo luật mở đường cho những Dreamer tiến tới nhập tịch và tăng cường an ninh biên giới, và đạo luật này có thể bao gồm việc xây dựng thêm hàng rào biên giới và những trang bị công nghệ ngăn chặn di dân bất hợp pháp.

https://www.voatiengviet.com/a/phe-cong-hoa-o-thuong-vien-ung-ho-ke-hoach-di-tru-cua-ong-trump/4252731.html

 

Giới nông nghiệp Mỹ

muốn hiến kế về việc tái gia nhập TPP

Một tổ chức đại diện hơn 95% nông trại, trại chăn nuôi và lĩnh vực chế biến thực phẩm ở Mỹ ngỏ ý sẵn lòng chia sẻ những ý tưởng cụ thể về khả năng để Hoa Kỳ tái gia nhập Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP.

Nhóm Công tác châu Á-Thái Bình Dương thuộc Tổ chức Đối thoại Thực phẩm và Nông nghiệp Thương mại gởi thư đề nghị hỗ trợ Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer. Động lực của bức thư xuất phát từ tuyên bố mới đây của Tổng thống Trump tại Davos, Thụy Sĩ, cho biết ý muốn “thương thuyết những thỏa thuận thương mại có lợi, song phương với tất cả các nước…kể cả những nước trong TPP.”

Bức thư chỉ ra rằng có “những lý do hết sức thuyết phục để đảm bảo rằng các nông dân, nông gia chăn nuôi, những nhà kinh doanh nông nghiệp, giới bán lẻ, công nhân và người tiêu dùng Mỹ được hưởng lợi” từ những cơ hội thương mại trong vùng châu Á-Thái Bình Dương.

11 quốc gia đã đồng ý thành lập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) kể từ khi Mỹ rút ra khỏi TPP. Các nước còn lại bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chi-lê, Nhật Bản, Malaysia ,Mexico, Peru, Singapore, Việt Nam và New Zealand.

Thư của nhóm công tác nói việc thi hành CPTPP vào tháng 6 tới đây sẽ đặt Hoa Kỳ vào tình trạng bất lợi rõ ràng khi mà các nước khác được tiếp cận các thị trường TPP với thuế quan thấp và theo những điều khoản ưu đãi.

“Trước sự tuột dốc của giá nông phẩm và lợi nhuận giảm làm tổn hại nông thôn Hoa Kỳ, không thể đợi đến thời điểm nào khác tệ hại hơn,” nhóm công tác nói. “Các nhà sản xuất lương thực và nông nghiệp Mỹ đang đối mặt với những rào cản đáng kể trong những thị trường này, vốn là điều có thể giải quyết được trong khuôn khổ những quy định được cải thiện và những tiêu chuẩn cao hơn qua việc tái giao dịch với các nước TPP.

https://www.voatiengviet.com/a/gioi-nong-nghiep-my-muon-hien-ke-ve-viec-tai-gia-nhap-tpp/4252332.html

 

Olympics: Kim Jong-un kêu gọi thêm hòa giải

Nhà lãnh đạo Bắc Hàn kêu gọi “làm ấm hơn nữa” bầu không khí hòa giải ấm áp với Nam Hàn mà Thế Vận Hội mùa Đông đã tạo ra.

Ông Kim Jong-un, người gây nhiều căng thẳng quốc tế với các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa, đã ca ngợi việc Nam Hàn tiếp đãi phái đoàn vận động viên Bắc Hàn tại Thế vận hội ở Pyeongchang.

Tổng thống Nam Hàn, ông Moon Jae-in, trong khi đó nói rằng Mỹ sẵn sàng đàm phán với Bắc Hàn.

Nam Hàn đề xuất hội đàm cấp cao với Bắc Hàn

Bắc Hàn mở lại đường dây nóng với Nam Hàn

Bắc Hàn diễu binh một ngày trước Olympics

Ông không giải thích thêm chi tiết và có thể muốn nhắc tới lời bình luận của Phó Tổng Thống Mỹ Mike Pence trên chuyến bay trở lại Washington, D.C từ Thế Vận Hội.

“Nếu anh muốn nói chuyện, chúng ta sẽ nói chuyện,” tờ Washington Post dẫn lời ông Pence.

Mặc dù sự tham dự của Bắc Hàn tại Thế vận hội được xem là đánh dấu một sự nồng ấm trong quan hệ đôi bên, cũng có những lo ngại rằng nó đã khiến Bắc Hàn giành được chiến thắng về mặt tuyên truyền.

Kim Jong-un nói gì nữa?

Ông cảm ơn phía Nam Hàn vì “ưu tiên đặc biệt” dành cho đội tuyển của Bắc Hàn tại Thế Vận Hội, hãng thống tấn xã của Bắc Hàn KCNA tường thuật.

Kim Jong-un cũng đưa ra “những chỉ dẫn quan trọng” về cách làm thế nào để “làm ấm nồng” “bầu không khí hoà hợp và đối thoại ấm cúng “.

Một bức ảnh do hãng tin KCNA phổ biến cho thấy ông Kim được em gái và chủ tịch của Bắc Hàn là Kim Yong-nam đứng hai bên, cả hai cùng khoác tay ông.

Bắc Hàn đã đạt được những thắng lợi tuyên truyền nào?

Bà Kim và ông Kim Yong-nam là phái đoàn cao cấp nhất từ Bắc Hàn đến thăm Nam Hàn kể từ Chiến tranh Triều Tiên vào những năm 1950.

Hai quốc gia chưa từng bao giờ ký một hiệp định hòa bình và đang trong tình trạng không tin tưởng nhau.

Bắc Hàn mời tổng thống Nam Hàn thăm Bình Nhưỡng

Mỹ và Nam Hàn ‘duy trì áp lực với Bắc Hàn’

Hôm thứ Bảy, bà Kim trao một bức thư từ anh trai của mình cho Tổng Thống Moon Jae-in, mời ông đến thăm Bình Nhưỡng.

Nếu hội nghị thượng đỉnh diễn ra, đó sẽ là cuộc họp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo Hàn Quốc trong hơn một thập niên.

Sự xuất hiện của bà Kim tại Thế vận hội đã bị chỉ trích rộng rãi, vì bà nằm trong danh sách trừng phạt của Hoa Kỳ liên quan tới các cáo buộc liên quan đến các vi phạm nhân quyền ở Bắc Hàn.

Bà dẫn đầu phái đoàn của Bắc Hàn và hiện giờ đã trở về nhà.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-43054947

 

Thượng viện Mỹ lo ngại

gián điệp về sở hữu trí tuệ từ Trung Quốc

Trung Quốc đang cố gắng tiếp cận các công nghệ nhạy cảm của Hoa Kỳ thông qua các công ty viễn thông, học viện và các doanh nghiệp liên doanh.

Hãng thông tấn Reuters hôm thứ Tư 14/2 dẫn lời cảnh báo của Các Thượng nghị sĩ và điệp viên của Mỹ đưa ra tại phiên điều trần của Thượng viện vào ngày trước đó 13 tháng 2.

Theo lời Thượng Nghị Sĩ Richard Burr, Chủ tịch Uỷ ban Tình báo Thượng viện, thì ông lo lắng về sự lan truyền ở Hoa Kỳ hoạt động mà ông gọi là ” phản gián và các nguy cơ về an ninh thông tin đi kèm hàng hoá, dịch vụ của một số nhà cung cấp nước ngoài”.

Ông Richard nhấn mạnh rõ thêm ông đặc biệt quan tâm đến các công ty viễn thông của Trung Quốc, như Hoa Vi và ZTE Corp, là những công ty được biết đến với mối quan hệ đặc biệt với chính phủ Trung Quốc.

Theo Reuters, các công ty Trung Quốc trong những năm gần đây đã bị kiểm soát chặt chẽ hơn ở Hoa Kỳ bởi chính phủ Mỹ lo ngại rằng có thể có đường dây gián điệp trong các công ty đó. Tuy nhiên phía Trung Quốc luôn phản đối điều này.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/Us-senators-concerned-about-chinese-access-to-intellectual-property-02142018081719.html

 

Bất Ổn Trên Thị Trường Hoa Kỳ

Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA

Sau 10 ngày đầy biến động làm các thị trường thế giới bàng hoàng, thị trường chứng khoán Hoa Kỳ đã có dấu hiệu phục hồi nhưng hết ổn định như trước đây. Chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa còn dự báo nhiều điều đáng quan ngại khác trên mục Diễn đàn Kinh tế trước khi ta bước qua năm Mậu Tuất.

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa trong chương trình Diễn đàn Kinh tế vào cuối năm Đinh Dậu khi mọi người đang chuẩn bị mừng Xuân đón Tết. Thưa ông, vụ thị trường chứng khoán Hoa Kỳ sụt giá quá mạnh đã gây bàng hoàng trong 10 ngày qua cho nên Nguyên Lam xin ông trình bày cho tại sao lại có hiện tượng ấy và hậu quả sẽ là gì trong thời gian tới…

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Vẫn biết Tết nhất thì ai cũng thích chuyện vui, nhưng trong ngành truyền thông của chúng ta, nhiều khi mình vẫn phải nhìn vào chuyện nhức đầu cho tương lai! Đầu tiên, tôi xin trở lại “Điểm lật 2008”, là khi kinh tế toàn cầu bị Tổng suy trầm sau vụ khủng hoảng vào Tháng Chín tại Hoa Kỳ. Vì nạn suy trầm đó, các ngân hàng trung ương lớn như Hoa Kỳ và Âu Châu đã học theo Nhật Bản mà hạ lãi suất tới số không, thậm chí xuống số âm, và bơm tiền qua biện pháp mua công khố phiếu, gọi là “quantitative easing”, hay “tăng mức lưu hoạt có định lượng” để kích thích sản xuất và tiêu thụ. Sau đó, lãi suất vẫn được duy trì ở mức quá thấp trong quá lâu, có nơi tới gần 10 năm, và gây lệch lạc trên thị trường. Lãi suất ngắn hạn quá thấp làm giảm phân lời trái phiếu là thị trường vay tiền và khiến giới đầu tư đưa tiền qua thị trường cổ phiếu. Giá cổ phiếu tăng vọt trong mấy năm liền nên gây ảo tưởng thịnh vượng thật ra vẫn tập trung vào giới đầu tư có tiền, trong khi mức sống và công việc của giới lao động trung lưu chưa cải tiến.

Nói về thị trường cổ phiếu, thông thường thì sau giai đoạn tăng giá liên tục chừng gần một năm, thể nào cũng có lúc sụt giá

– Nói về thị trường cổ phiếu, thông thường thì sau giai đoạn tăng giá liên tục chừng gần một năm, thể nào cũng có lúc sụt giá, người ta gọi là “điều chỉnh” hay correction, có thể tới 10% rồi mới lại lên. Thị trường Hoa Kỳ đã lên giá trong hơn hai năm, nhất là từ khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống và ban hành biện pháp giản lược hành chánh rồi cải tổ thuế vụ. Vì vậy, ai cũng tin là mọi sự sẽ tốt đẹp hơn mà quên chuyện “điều chỉnh” bình thường. Khi xảy ra thì thiên hạ hốt hoảng, vì vụ điều chỉnh này còn có sự cộng hưởng của bốn yếu tố rắc rối khác.

Nguyên Lam: Thưa quý thính giả, khi ông mà nói như vậy là có lẽ để báo trước chuyện nhức đầu đấy! Nguyên Lam xin mời ông trình bày về bốn yếu tố đó.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Khi thấy thị trường lên giá vùn vụt thì không ai muốn bị lỡ chuyến tầu nên cố nhảy vào mua cổ phiếu, số mua này càng đẩy giá lên trời. Bản thân tôi thì cho rằng giá cổ phiếu tại Hoa Kỳ hiện là quá cao so với triển vọng sinh lời của các công ty, tính qua tỷ số bình quân giữa giá cổ phiếu và số cổ tức chi cho các cổ động gọi tắt là P/E, có thể là cao quá thực giá 50% chứ không ít và sau khi sụt mất 10% vào tuần trước thì có khi còn sụt nữa. Đấy là yếu tố thứ nhất, sự chủ quan và lạc quan của thị trường về triển vọng lên giá liên tục.

– Tôi cứ hay nói đến chuyện “nhân-duyên” trong thị trường; nhân là nguyên nhân khiến thị trường có thể lên hay xuống giá, duyên là cái biến cố làm việc lên xuống giá ấy xảy ra. Trong gần 10 năm trời kinh tế hồi phục chậm rồi tình hình có vẻ khả quan từ một năm nay và hôm Thứ Sáu mùng hai, thống kê về nhân dụng do Bộ Lao Động Hoa Kỳ công bố xác nhận chuyện đó. Trong Tháng Giêng, thị trường lao động tuyển thêm hơn 200 ngàn việc làm và mức lương bình quân quy ra toàn năm tăng được 2,9%. Đấy là một tin vui về kinh tế, mà lại khiến thị trường e ngại nạn lạm phát, là điều người ta quên bẵng. Khi sợ lạm phát, giới đầu tư bèn lý luận tiếp rằng ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất làm phí tổn vay mượn của doanh nghiệp sẽ tăng và doanh lời sẽ giảm. Vì vậy, họ bán cổ phiếu và bước qua thị trường trái phiếu làm phân lời trái phiếu đột ngột tăng, loại có kỳ hạn 10 năm đã mấp mé gần 3% là điều chưa từng có từ nhiều năm nay. Cổ phiếu sụt giá hôm mùng hai và mùng năm là vì vậy. Nhưng ta chưa thấy hết những cái duyên rất vô duyên khác!

Nguyên Lam: Tức là cũng còn nhiều yếu tố tác động cùng lúc khiến cho các thị trường mới biến động, trong một ngày có khi lên xuống cả ngàn điểm làm người ta không hiểu vì sao nữa. Các yếu tố đó là gì, thưa ông?

Nguyễn Xuân Nghĩa: – Trên thị trường cổ phiếu người ta còn có một lối đánh cược lạ, về mức biến động của thị trường trong tương lai và quy vào một chỉ số viết tắt là VIX trên thị trường giao dịch có hạn kỳ tại Chicaco, gọi là Cboe. Sau nhiều năm thấy cổ phiều tuần tự lên giá trong ổn định, người ta đánh cược về chỉ số biến động này, nào ngờ chỉ số đó, cũng được gọi là “chỉ số hãi sợ”, lại lên tới mức báo động và sẽ còn gây bất ngờ nữa sau khi làm nhiều người cháy túi.

Nhìn rộng ra ngoài, chúng ta còn thấy sự phá sản của tầng lớp ưu tú có quyền và có tiền

– Đã vậy, trong lãnh vực mua bán chứng khoán, người ta còn áp dụng “thuật toán” hay algorithm, để máy điện toán quyết định về việc mua hay bán. Khi gặp chuyện bất thường như xảy ra tuần qua thì cả người lẫn máy bị loạn chiêu và đổ lỗi cho yếu tố này hay yếu tố nọ!

Nhìn rộng ra ngoài, chúng ta còn thấy sự phá sản của tầng lớp ưu tú có quyền và có tiền, từ ngân hàng trung ương tới các doanh nghiệp. Họ đánh sụt lãi suất tới sàn, thổi lên trái bóng cổ phiếu và khi bóng xì thì quy trách cho ai đó và nói rằng tình hình kinh tế vẫn khả quan.

Nguyên Lam: Nguyên Lam chỉ thấy cả thế giới cứ nói đến sự suy tàn của Hoa Kỳ chứ sau một tuần biến động trên thị trường Mỹ thì các thị trường khác cũng bị tuột giá trong một chuỗi kinh hoàng, cho đến Thứ Sáu mùng chín mới có vẻ hoàn hồn và Thứ Hai 12 thì lên giá được một chút. Thưa ông, tình hình rồi sẽ ra sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Chúng ta còn mất thêm vài ba tuần nữa thì mới thấy hết sự thể, chứ mọi dự đoán vẫn là quá sớm. Sau khi các cổ phiếu lên giá được 30% trong năm qua và vừa nhả ra 10% trong có một tuần thì đấy là sự điều chỉnh bình thường, nhưng nếu kể thêm các yếu tố như tôi vừa trình bày thì ta nên thận trọng.

– Thông thường, ta ít thấy cổ phiếu sụt giá mà lãi suất lại tăng. Khi thị trường chứng khoán sụt giá trong một chu kỳ điều chỉnh thì lãi suất cũng giảm. Lần này có khi lại khác vì ngân hàng trung ương Hoa Kỳ sẽ nâng lãi suất và hút lại lượng tiền quá lớn đã bơm ra để ngăn ngừa nguy cơ lạm phát. Và chúng ta rơi vào một vòng luẩn quẩn khi nhìn tới hiệu ứng của đạo luật thuế vụ do Tổng thống Donald Trump đã ban hành ngày 22 Tháng Chạp và những tranh luận về ngân sách trong tuần qua!

Nguyên Lam: Nguyên Lam biết đây là loại đề tài qúa chuyên môn nên có thể khó hiểu cho thính gỉa của chúng ta nhưng nếu ông không giải thích thì ai sẽ làm công việc đó?

Nguyễn Xuân Nghĩa: – Trước hết, đạo luật thuế vụ đang bắt đầu được áp dụng với hậu quả dự toán là số thu cho ngân sách liên bang Hoa Kỳ sẽ giảm 1.500 tỷ trong 10 năm tới, tính đổ đồng thì mỗi tháng thiếu cỡ 12 tỷ rưỡi cho tới khi việc giảm thuế sẽ kích thích đầu tư và sản xuất khiến ngân sách thu thêm được thuế, là điều có thể có, mà chưa lập tức. Bây giờ, giữa cơn biến động của thị trường chứng khoán thì Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ cho biết năm nay bộ phải vay chừng 955 tỷ đô la và với dự luật ngân sách cho hai năm tới vừa được thông qua mờ sáng Thứ Sáu mùng chín, và được ông Trump lập tức ban hành để bộ máy công quyền không bị tê liệt thì trong hai năm tới, bội chi ngân sách sẽ lên tới 300 tỷ đô la. Nói nôm na là công quỹ liên bang thiếu khoảng một ngàn 200 tỷ trong vài năm tới, và sẽ phải đi vay.

Có khi ta lại gặp viễn ảnh suy trầm vào cuối năm 2019, trước một năm Hoa Kỳ có tổng tuyển cử!

– Chuyện ấy nó liên hệ đến sự thăng giáng của thị trường thế giới. Ngày xưa, khi lãi suất nằm dưới sàn thì tiền lời thanh toán không là vấn đề cho nên Chính quyền Barack Obama cứ thoải mái đi vay. Ngày nay, sự thể đã khác khi ta thấy phân lời trái phiếu tăng vọt, tức là tiền lời đi vay sẽ đắt hơn… Giới đầu tư có vẻ thấy ra điều ấy nên mới dao động bất thường như vậy vì từ nay chính quyền liên bang sẽ vay ai, và nếu nhà đầu tư cho nhà nước vay thì không thể dùng khoản tiền đó cho các doanh nghiệp.

Nguyên Lam: Nguyên Lam không ngờ là câu chuyện lại rắc rối đến vậy vì từ vụ lãi suất hay phân lời đang làm thị trường chấn động sau nhiều năm lạc quan tếu như ông thường nói thì chúng ta lại trực diện với một vấn đề khác là món nợ của chính quyền liên bang Hoa Kỳ!

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Thưa rằng đấy mới là chuyên ta nên theo dõi trong vòng chu chuyển giao dịch toàn cầu đứng đầu là nước Mỹ! Các dân biểu nghị sĩ Mỹ ưa tăng chi để mua phiếu cử tri làm ngân sách bị bội chi và nhà nước phải đi vay, kết quả là các cuộc tranh luận về ngân sách như chúng ta đang thấy. Nhưng ngoài mâu thuẫn về ngân sách tại lưỡng viện Quốc hội, ta nên thấy Bộ Ngân Khố hay Bộ Tài Chánh Mỹ còn có một chức năng là vay tiền trên thị trường trái phiếu để thanh toán nhu cầu của ngân sách liên bang.  Khi ngân hàng trung ương Hoa Kỳ hạ lãi suất tới sàn thì Bộ Ngân Khố thoải mái đi vay và khi định chế này mua công khố phiếu để bơm tiền theo chính sách quantitative easing thì còn gửi tiền lời về cho Bộ Ngân Khố. Bây giờ, sự thể dễ dãi ấy không còn nữa, và chỉ cần phân lời đi vay tăng 50 điểm căn bản hay 0.50% là số bội chi ngân sách sẽ vọt lên trời. Vì vậy, cuộc tranh luận về ngân sách tại Hoa Kỳ cũng làm các thị trường dao động khi cổ phiếu cao giá của Mỹ sẽ còn điều chỉnh, nôm na là còn sụt giá.

Nguyên Lam: Chưa qua năm mới mà ông đã dự báo chuyện ghê người như vậy! Ông kết luận thế nào về tương lai?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Vấn đề thật ra nó đơn giản thôi, là quan hệ giữa khách nợ là người đi vay và chủ nợ là người cho vay. Thị trường trái phiếu hay thị trường tín dụng là nơi các thành phần này gặp nhau và các khách nợ cạnh tranh với nhau để vay được chủ nợ theo điều kiện có lợi nhất cho mình. Tại Hoa Kỳ, Bộ Ngân Khố là một khách nợ phải cạnh tranh với trái phiếu của các doanh nghiệp để vay được rẻ hơn, mà trái phiếu của các doanh nghiệp cũng phải cạnh tranh với các loại giấy nợ có phân lời cao hơn. Trong gần 10 năm qua, giới đầu tư có tiền cho vay bị thiệt vì phân lời quá thấp. Bây giờ, khi lãi suất và phân lời cùng tăng, khách nợ trả tiền lời thấp sẽ phải tái tài trợ với phân lời cao hơn và bị khốn đốn. Lúc đó, có khi ta lại gặp viễn ảnh suy trầm vào cuối năm 2019, trước một năm Hoa Kỳ có tổng tuyển cử! Nhưng thôi, ta cứ ăn Tết đã và nên tin rằng biến động tài chính sẽ tiếp tục, với hiệu ứng lan tỏa qua xứ khác…

Nguyên Lam: Nguyên Lam cùng chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa xin kính chúc quý thính giả một năm Mậu Tuất an lành hạnh phúc và xin hẹn quý vị năm tới, cũng vào ngày giờ này…

https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/market-volatilities-02142018100304.html

 

Bộ trưởng QP Mỹ thúc ép châu Âu về chi tiêu quân sự

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis hôm 14/2 sẽ thúc ép các đồng minh châu Âu tuân thủ cam kết tăng ngân sách quân sự cùng lúc Hoa Kỳ tuyên bố sẵn sàng tăng chi tiêu quốc phòng của mình ở châu Âu.

Ông Mattis được tiên liệu sẽ có lập trường cứng rắn với các đồng minh trong cuộc họp buổi trưa, bà Katie Wheelbarger, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ chuyên trách an ninh quốc tế, nói với các phóng viên.

Lần đầu tiên, các quốc gia NATO đã đệ trình kế hoạch cho thấy cách thức họ sẽ đạt mục tiêu chi tiêu 2% sản lượng kinh tế cho quốc phòng hàng năm vào năm 2024, sau khi Tổng thống Donald Trump đe dọa rút lại sự ủng hộ dành cho các đồng minh chi tiêu ít.

15 trong số 28 quốc gia, ngoại trừ Hoa Kỳ, giờ đây có chiến lược để đáp ứng mức tiêu chuẩn mà NATO đã nhất trí lần đầu hồi năm 2014.

Dữ liệu của NATO cho thấy Anh, Hy Lạp, Romania và các nước Baltic là Estonia, Latvia và Lithuania đều đạt hoặc sắp đạt được mục tiêu 2%, trong khi Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong số những quốc gia sẽ sớm đạt được.

Tây Ban Nha cho biết sẽ không đạt được mục tiêu năm 2024. Bỉ, Hà Lan, Luxembourg, Ý, Bồ Đào Nha, Na Uy và Đan Mạch cũng không đáp ứng thời hạn, trong khi Hungary kỳ vọng đạt được mục tiêu này vào năm 2026.

Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, có kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng lên tới hàng tỷ euro nhưng điều này vẫn chưa đủ để đạt mục tiêu 2% vào năm 2024.

https://www.voatiengviet.com/a/bo-truong-qp-my-thuc-ep-chau-au-ve-chi-tieu-quan-su/4254341.html

 

Nga, TQ phát triển vũ khí ‘hủy diệt’ trên vũ trụ

Trong vài năm tới, Moscow và Bắc Kinh có thể sở hữu vũ khí “hủy diệt” để sử dụng trong một cuộc xung đột tiềm tàng trên vũ trụ, các cơ quan tình báo Mỹ cảnh báo trong một báo cáo hôm 13/2.

Hai thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đang cố chế tạo ra “vũ khí chống vệ tinh như một biện pháp nhằm giảm hiệu quả quân sự của Mỹ và đồng minh”, bản báo cáo cho biết, phản ánh ý kiến của các tổ chức gồm FBI, CIA, và Cơ quan An ninh Quốc gia.

Các vũ khí chống vệ tinh, bao gồm cả tên lửa đạn đạo, được thiết kế để phá các hệ thống đặt trên vũ trụ. Chúng là một phần quan trọng của “công nghệ chống thiết bị vũ trụ”, tức là các phần cứng và phần mềm nhằm cản trở đối thủ trên vũ trụ.

“Chúng tôi đánh giá rằng, nếu một cuộc xung đột tương lai xảy ra liên quan đến Nga hay Trung Quốc, cả hai nước đó sẽ biện minh cho các cuộc tấn công vào các vệ tinh Mỹ và đồng minh, nếu cần thiết, để làm lệch bất cứ cán cân lợi thế quân sự nào mà họ cho là Mỹ có được từ các hệ thống vũ trụ phục vụ quân sự, dân sự, hay thương mại”, báo cáo cho hay.

Vẫn theo bản báo cáo, “Đặc biệt đáng quan ngại là Nga và Trung Quốc tiếp tục phóng các vệ tinh ‘thực nghiệm’ tiến hành các hoạt động tinh vi trên quỹ đạo, ít nhất một số trong số đó có mục đích tăng cường công nghệ chống thiết bị vũ trụ”.

Cả Tổng thống Nga Vladimir Putin lẫn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều có quan hệ sóng gió với Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới.

(CNBC, DNI.GOV)

https://www.voatiengviet.com/a/nga-tq-phat-trien-vu-khi-huy-diet-tren-vu-tru/4254261.html

 

TT Trump quyết định đóng cửa nhiều VP tái định cư tị nạn

Các cơ quan tái định cư người tị nạn đang chuẩn bị đóng cửa hơn 20 văn phòng trên toàn nước Mỹ và cắt giảm hoạt động ở hơn 40 văn phòng khác sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ đề nghị họ tinh giản hoạt động, theo các thông tin mà Reuters có được.

Kể hoạch đóng cửa các văn phòng, hiện đang được Bộ Ngoại giao xem xét lại, là theo quyết định của Tổng thống Donald Trump về giảm đáng kể số người tị nạn sẽ được phép vào Hoa Kỳ vào năm 2018.

Bộ Ngoại giao cho biết, số người tị nạn giảm từ mức trần 110.000 do chính quyền Obama đặt ra xuống còn 45.000 người vào năm 2018, đồng nghĩa là Mỹ không còn cần đến tổng cộng 324 văn phòng tái định cư đã hoạt động tính đến cuối năm 2017. Mức trần về người tị nạn năm nay là con số thấp nhất kể từ năm 1980.

Các văn phòng – do các cơ quan phi lợi nhuận tư nhân điều hành và làm theo hợp đồng với chính phủ Mỹ – cung cấp một loạt các dịch vụ cho người tị nạn, giúp họ tìm nhà ở và việc làm, giúp họ làm quen với thủ tục ngân hàng, chăm sóc y tế, đăng ký nhập học và các thủ tục phức tạp khác trong đời sống ở Mỹ.

Những người phản đối chương trình tái định cư nói việc tái định cư người tị nạn ở Mỹ gây tốn kém hơn là giúp đỡ những người bị thất tán ở nước ngoài.

Trong tháng 1, đã có 1.385 người tị nạn được nhận vào Mỹ, so với 6.777 trong cùng kỳ năm ngoái và 4.376 trong tháng 1/2016, theo số liệu của chính phủ.

https://www.voatiengviet.com/a/trump-dong-cua-nhieu-van-phong-tai-dinh-cu-ti-nan/4254241.html

 

Olympic Pyeongchang:

Shaun White đoạt huy chương vàng môn ván trượt

Vận động viên Mỹ Shaun White hôm thứ Tư 14/2 đã xuất sắc giành chiếc huy chương vàng thứ ba trong sự nghiệp Olympic của anh ở môn ván trượt tuyết lòng mán bằng pha biểu diễn ngoạn mục trại Olympic Pyeongchang, Hàn Quốc.

Bước vào lần trượt thứ ba trong cuộc tranh tài tại sân đấu Phoenix Snow Park, White bị Ayumu Hirano của Nhật Bản dẫn điểm trước, nhưng ngôi sao 31 tuổi của Mỹ đã thực hiện liên tiếp ba pha bay, vừa xoay người vừa lộn 360 độ bốn vòng, trong môn ván trượt lòng mán này gọi là “Ba cú xoay lộn 1440 độ” vượt qua Hirano để đoạt chiếc huy chương vàng. Hirano đoạt huy chương bạc, và Scotty James của Australia huy chương đồng.

Đây là huy chương vàng Olympic thứ ba White giành được trong sự nghiệp Olympic môn ván trượt lòng mán. Huy chương vàng đầu tiên White đoạt được là tại Olympic Turin năm 2006, và lần thứ hai 4 năm sau đó tại Olympic Vancouver. Ở Olympic Sochi năm 2014, White thi đấu không thành công, và không tiến vào được bục huy chương.

Huy chương vàng tại Olympic Pyeongchang của White còn đánh dấu chiếc huy chương vàng thứ 100 Mỹ đoạt được tại các Olympic mùa đông.

Trong các diễn biến khác tại Olympic Pyeongchang hôm thứ Tư 14/2, gió mạnh đã buộc ban tổ chức hoãn cuộc tranh tài môn trượt tuyết Alpine chữ chi bên nữ. Đây là cuộc thi thứ ba trong trong các nội dung của môn trượt tuyết Alpine bị hoãn vì thời tiết xấu. Nội dung trượt tuyết chữ chi bên nữ được dời sang thứ Sáu. Hôm thứ Hai trước đó, cuộc tranh tài ở nội dung chữ chi GS đã bị hoãn và dời sang thứ Năm.

Na Uy dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương với 11 chiếc các loại, Canada và Hà Lan cùng đứng thứ nhì với 11 chiếc, Đức đứng thứ ba với 9 chiếc, và Mỹ đang đứng thứ bảy. Tính riêng huy chương vàng, Đức đứng thứ nhất với 5 chiếc, Mỹ và Hà Lan thứ nhì với mỗi nước được 4 chiếc và Na Uy cùng với Canada thứ ba với mỗi nước đoạt được 3 chiếc.

https://www.voatiengviet.com/a/olympic-pyeongchang-shaun-white-doat-huy-chuong-vang/4254139.html

 

Nổ súng gần cổng vào Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ

Ba người bị thương sau khi bị bắn hôm thứ Tư 14/2 gần Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ – tức NSA, ngay bên ngoài thủ đô Washington, cảnh sát Mỹ cho biết.

Truyền thông địa phương tường thuật rằng một nghi can đã bị câu lưu và được trông thấy đang ngồi trên mặt đất, tay bị còng, trong khi nhiều cảnh sát vây quanh ông ta ở gần cổng vào được bảo vệ của Cơ quan An ninh Quốc gia tọa lạc tại căn cứ quân sự Fort Meade ở khu ngoại ô bang Maryland.

Gần đó, người ta trông thấy một chiếc xe SUV màu đen đầy những vết đạn, tung vào một rào cản làm bằng xi măng.

Giao thông bị chặn lại tại một con đường gần đó dẫn vào Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA), nhưng hiện chưa có thêm chi tiết mới về vụ việc này. NSA, cơ quan tình báo Mỹ phụ trách những hoạt động theo dõi và nghe lén bằng các phương tiện điện tử trên toàn cầu nhằm đối phó với các mối đe dọa khủng bố tiềm tàng.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã được báo cáo về vụ việc này.

Một tuyên bố của Toà Bạch Ốc viết: “Chúng tôi nghĩ tới và cầu nguyện cho tất cả những người bị tác động.”

https://www.voatiengviet.com/a/no-sung-gan-cong-vao-co-quan-an-ninh-quoc-gia-my-/4254116.html

 

Mỹ yêu cầu LHQ qui trách quân đội Myanmar

vì “thanh lọc sắc tộc”

Ngày 13/2, Hoa Kỳ mô tả việc Myanmar phủ nhận thanh lọc sắc tộc Hồi Giáo Rohingya là “lố bịch” và kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc qui trách nhiệm cho quân đội Myanmar và làm áp lực để nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi “công nhận những hành vi khủng khiếp xảy ra tại nước bà.”

“Các lực lượng nhiều quyền lực trong chính phủ Miến Điện đã phủ nhận việc thanh lọc sắc tộc tại bang Rakhine,” Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên hiệp quốc Nikki Haley nói với Hội đồng Bảo an.

“Để đảm bảo là không có ai làm ngược lại việc phủ nhận lố bịch của họ, những người này đang ngăn cản việc tiếp cận bang Rakhine của bất cứ ai hay bất cứ tổ chức nào có thể làm chứng về việc tàn sát của họ kể cả Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc,” bà Haley nói.

Tuy nhiên việc thúc đẩy hành động của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc chắc chắn gặp phải sự chống đối của các cường quốc có quyền phủ quyết tại hội đồng là Nga và Trung Quốc. Hai nước này đều nói vào ngày 13/2 là tình hình tại bang Rakhine ổn định và kiểm soát được.

“Gán nhãn hiệu và nỗ lực dùng những phúc trình mâu thuẫn và chủ quan của truyền thông…để tìm ra ai có tội và kết án họ chỉ đưa chúng ta rời xa một giải pháp,” phó Đại sứ Nga tại Liên hiệp quốc Dmitry Polyanskiy cảnh báo.

Gần 690.000 người Rohingya đã trốn thoát khỏi bang Rakhine và vượt sang Bangladesh kể từ tháng 8 năm ngoái, khi các phần tử nổi dậy tấn công vào các đồn an ninh gây ra một vụ đàn áp của quân đội mà Liên hiệp quốc gọi là có thể lên đến mức diệt chủng.

“Điều kiện chưa thích hợp để những người tị nạn Rohingya tự nguyện trở về Rakhine,” Cao ủy tị nạn Liên hiệp quốc Filippo Grandi nói với Hội đồng Bảo an.

Myanmar phủ nhận việc thanh lọc sắc tộc.

Myanmar nói với Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc không nên đến thăm vào tháng 2 vì “không phải là thời đểm thích hợp,” Đại sứ Kuwait tại Liên hiệp quốc Mansour Ayyad Al-Otaibi nói trong tháng này. Tuy nhiên Đại sứ Myanmar tại Liên hiệp quốc Hau Do Suan nói một số nhà ngoại giao khác đã có thể đến thăm bang Rakhine.

Phúc trình đặc biệt của Reuters được công bố vào tuần qua, đưa ra những sự kiện dẫn đến việc giết hại 10 người đàn ông Rohingya thuộc làng Din, bang Rakhine được chôn trong ngôi mộ tập thể sau khi bị chém chết hay bị bắn bởi những người láng giềng Phật Giáo và binh sĩ.

Đại sứ Hau Do Suan nói một cuộc điều tra của quân đội Myanma, được gọi là Tatmadaw phát hiện là 10 phần tử hiếu chiến thuộc Đội quân Cứu tế Arakan Rohingya bị bắt tại Inn Din và bị xử tử và chôn một ngày sau đó.

Đề cập đến 2 phóng viên Reuters bị bắt vì tường trình về người Rohingya, ông Hau Do Suan nói Myanmar công nhận tự do báo chí và nhà báo không bị bắt vào tháng 12 vì tường trình một câu chuyện, nhưng bị cáo buộc vì “sở hữu bất hợp pháp các tài liệu mật của chính phủ.”

Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Hà Lan và Kazakhstan đều kêu gọi trả tự do cho các nhà báo Reuters trong phiên họp của Hội đồng Bảo an ngày 13/2.

https://www.voatiengviet.com/a/my-yeu-cau-lhq-qui-trach-quan-doi-myanmar-vi-thanh-loc-sac-toc/4252758.html

 

Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ:

Đã đến lúc quyết định về Triều Tiên

Giám đốc tình báo quốc gia Hoa Kỳ Dan Coats ngày 13/2 tuyên bố đã đến lúc Mỹ phải hành động đối với đe dọa do chương trình hạt nhân của Triều Tiên gây ra.

“Hơn lúc nào hết, thời khắc quyết định đã đến gần, về phương diện chúng ta phải đối phó với vấn đề này như thế nào,” ông Coats nói trong một buổi điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện.

“Mục tiêu của chúng ta là giải quyết hòa bình. Chúng ta sử dụng áp lực tối đa lên Triều Tiên theo nhiều phương cách khác nhau.”

Trước đây, ông Coats từng tuyên bố trong năm nay dự kiến Hoa Kỳ sẽ còn trông thấy nhiều cuộc thử nghiệm phi đạn thêm nữa từ Triều Tiên.

https://www.voatiengviet.com/a/giam-doc-tinh-bao-quoc-gia-my-da-den-luc-quyet-dinh-ve-trieu-tien/4252739.html

 

RFI: “Trục trặc” hành chính

khiến chủ tịch-tổng giám đốc mất chức

Một chuyện bất ngờ vừa xảy đến cho RFI và công ty mẹ France Media Monde – FMM, cơ quan truyền thông công cộng Pháp, gồm cả đài truyền hình France 24, Radio MCD. FMM vừa « mất » chủ tịch – tổng giám đốc.

Chiều thứ Ba, 13/02/2018, bà Marie-Chistine Saragosse thông báo bằng thư cho tất cả nhân viên là nhiệm kỳ đã « chấm dứt ». Lý do là bà đã quên gửi kê khai tài sản riêng đến Cơ quan Tối cao vì sự minh bạch trong đời sống công cộng (Haute Autorité de transparence de la vie publique) đúng kỳ hạn, sau khi chính thức tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai, kể từ tháng 10/2017.

Trong bức thư đề lúc 23 giờ 34 phút ngày 13/02/2018, cựu chủ tịch cho biết đã « rất kinh ngạc khi nhận được tin “hết” nhiệm kỳ chủ tịch tổng giám đốc FMM ». Theo giải thích, lẽ ra bà phải gửi tờ khai tài sản cho cơ quan thẩm quyền sau khi được tái tín nhiệm, trước ngày 05/12/2017. Vấn đề là bà không biết thủ tục đã thay đổi, mà cũng không ai nhắc nhở, cảnh báo.

Dù sao đi nữa, tập đoàn truyền thông FMM vừa rơi vào một tình trạng hi hữu, mất người điều hành trong một sớm một chiều. FMM sẽ tổ chức một hội đồng hành chính đặc biệt trong thời hạn sớm nhất, để lập ra ban điều hành lâm thời, trong khi chờ đợi tình hình sáng tỏ hơn.

Bà Marie-Christine Saragosse cho biết, nếu Thượng Hội Đồng Thính Thị – Conseil supérieur de l’audiovisuel (CSA) khởi sự thủ tục bổ nhiệm lãnh đạo mới, « chắc chắn bà sẽ ra ứng cử theo các thủ tục mà CSA quy định ».

CSA có nhiệm vụ bổ nhiệm lãnh đạo các cơ quan truyền thông công cộng, sẽ có buổi họp vào chiều hôm nay, thứ Tư 14/02/2018. Trong lịch trình, chắc chắn vấn đề của FMM và RFI sẽ được bàn tới.

http://vi.rfi.fr/phap/20180214-rfi-%E2%80%9Ctruc-trac%E2%80%9D-hanh-chinh-khien-chu-tich-tong-giam-doc-mat-chuc

 

Nói dối về Putin : Ngoại trưởng Hà Lan phải từ chức

Trọng Nghĩa

Ngoại trưởng Hà Lan, ông Halbe Zijlstra, đã phải từ chức vào hôm qua 13/02/2018, sau khi thừa nhận rằng, vào năm 2016, ông đã nói dối về việc tham dự một cuộc họp vào năm 2006, trong đó ông Putin đã tiết lộ về kế hoạch mở rộng nước Nga.

Khi từ chức, ngoại trưởng Hà Lan giải thích rằng, việc nói dối đã khiến ông bị mất tín nhiệm nên ông không thể tiếp tục giữ vai trò ngoại trưởng Hà Lan.

Lời nói dối khiến ông Zijlstra phải trả giá đã được đưa ra năm 2016, khi ông nói rằng trong một cuộc họp mà ông có dự vào năm 2006, ông Vladimir Putin đã nói là ông muốn xây dựng lại nước « Đại Nga », bao gồm Belarus, Ukraina và các nước Baltic.

Ông Zijlstra thú nhận là ông không hề có mặt trong cuộc họp, mà chỉ nghe thuật lại qua một nguồn tin gián tiếp. Khi bị chất vấn vì sao lại nói dối, ông đã giải thích rằng ông làm vậy để giữ bí mật cho người đã cung cấp tin tức đó cho ông.

Hành động của ông Zijlstra đã có hệ quả là đối lập Hà Lan đã đệ trình một kiến nghị bất tín nhiệm nhắm vào chính phủ của thủ tướng Rutte, bị lên án là đã không thông báo cho Nghị Viện về vụ tai tiếng liên quan đến cựu ngoại trưởng. Bản kiến nghị tuy nhiên đã bị bác bỏ.

Về phần thủ tướng Hà Lan, ông đã gián tiếp bênh vực cho cựu ngoại trưởng của mình khi khẳng định rằng, về mặt nội dung những gì ông Zijlstra nói về Putin rất đúng.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180214-noi-doi-ve-putin-ngoai-truong-ha-lan-phai-tu-chuc

 

Mỹ lại dọa trừng phạt Bắc Kinh về thương mại

Trọng Nghĩa

Trung Quốc vào hôm nay 14/02/2018 đã lên tiếng kêu gọi tổng thống Mỹ Donald Trump là nên tránh khuấy động thương mại song phương Mỹ-Trung và giải quyết tranh chấp về thép và nhôm thông qua đàm phán. Lời kêu gọi này được đưa ra sau khi tổng thống Mỹ cho biết sẽ tăng thuế hay áp đặt hạn ngạch với thép và nhôm.

Theo hãng tin Mỹ AP, vào hôm qua, 13/02/2018, tổng thống Trump cho biết là ông đang « xem xét mọi khả năng » để đáp ứng những khiếu nại về việc thép và nhôm Trung Quốc đang được bán với mức giá thấp không hợp lý, đe dọa việc làm của người Mỹ.

Phát biểu với các nhà lập pháp Mỹ, ông Trump khẳng định rằng ông có thể hành động nhân danh an ninh quốc gia.

Gần đây, chính quyền Trump đã tăng mức thuế đối với loại phôi nhôm và thép không gỉ của Trung Quốc, để bù đắp cho những gì mà Washington coi là những khoản trợ giá không thích hợp. Hồi tháng trước, Trump cũng chấp thuận mức thuế cao hơn đối với pin mặt trời và máy giặt xuất sang Mỹ.

Thép và nhôm nằm trong số các ngành công nghiệp, mà Bắc Kinh đang cố gắng giảm mức sản xuất dư thừa, đã bị các nước khác cho là đang tràn ngập thị trường và đe doạ công ăn việc làm tại nước họ.

Play Video

Tổng thống Mỹ mới đây tiếp nhận hai báo cáo từ bộ Thương Mại, nghi ngờ Trung Quốc trợ giá ngành xuất khẩu nhôm và thép, hai nguyên liệu quan trọng với các ngành công nghiệp, từ xây dựng đến sản xuất ôtô. Dù còn hai tháng để quyết định, nhưng ông Trump đã tung ra tín hiệu mạnh mẽ, nghiêng về hướng trả đũa.

Phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm nay cho rằng thương mại Mỹ-Trung dựa trên cơ sở hai bên cùng có lợi, và những bất đồng là điều không thể tránh khỏi. Nhưng theo ông, tất cả các chính phủ nên « nỗ lực để tránh những tác động tiêu cực » lên kinh tế toàn cầu đang phục hồi.

Không chỉ nhắm vào Trung Quốc, tổng thống Mỹ hôm qua cũng đe dọa Hàn Quốc, khi cảnh báo rằng ông sẽ xem xét khả năng sửa đổi, thậm chí hủy bỏ một thỏa thuận tự do mậu dịch với Hàn Quốc.

Đối với tổng thống Mỹ, thỏa thuận thương mại tự do mà Mỹ ký với Hàn Quốc năm 2012 là một « thảm họa », và Washington sẽ đàm phán lại để tiến tới một thỏa thuận « công bằng », nếu không thì hủy bỏ hoàn toàn văn kiện này.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180214-my-lai-doa-trung-phat-bac-kinh-ve-thuong-mai

 

Syria: Pháp sẽ ”đánh”

nếu Damas thật sự dùng vũ khí hóa học

Mai Vân

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 13/02/2018, tuyên bố Pháp sẵn sàng mở cuộc tấn công nhắm vào các cơ sở của chế độ Damas, nếu « có bằng chứng rõ ràng là vũ khí hóa học bị nghiêm cấm đã được chế độ Damas sử dụng nhắm vào thường dân ở Syria ».

Phát biểu với báo chí, ông Emmanuel Macron xác định rằng Pháp « sẽ đánh vào những nơi chế tạo các loại vũ khí đó, hay những nơi tổ chức những cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học ».

Tuy nhiên, tổng thống Pháp cũng công nhận là ngày nay các cơ quan tình báo Pháp chưa tìm ra bằng chứng xác định là những vũ khí bị nghiêm cấm qua các hiệp ước, đã được chính quyền Syria sử dụng vào những vụ tấn công vào dân chúng.

Ông nói thêm : « Nhưng mà khi có bằng chứng thì tôi sẽ làm những gì đã nói », đồng thời cho rằng ưu tiên vẫn là tiêu diệt lực lượng khủng bố và thánh chiến.

Riêng về chế độ Syria, tổng thống Pháp khẳng định rằng họ sẽ phải trả lời trước  tư pháp quốc tế.

Tổng thống Pháp chủ trương có một cuộc họp quốc tế về Syria và nếu được là ở trong vùng. Ông đồng thời đưa ra một số đề nghị, nhưng không nói là đề nghị như thế nào, chỉ khẳng dịnh không nhất thiết là phải họp ở Paris.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180214-syria-phap-san-sang-danh-neu-damas-that-su-dung-vu-khi-hoa-hoc

 

Mỹ muốn

đưa Pakistan trở lại danh sách nước tài trợ khủng bố

Mai Vân

Reuters vào hôm qua, 13/02/2018, trích dẫn một viên chức Pakistan cho biết là Hoa Kỳ đang vận động đưa Pakistan trở lại danh sách các nước tài trợ khủng bố và rửa tiền. Pakistan từ mấy tháng gần đây đã cố tránh không bị đưa vào danh sách đen, vì kinh tế sẽ bị tác hại.

Hoa Kỳ từng đe dọa có thái độ cứng rắn đối với Islamabad do mối quan hệ với các phần tử Hồi Giáo cực đoan. Tháng trước, tổng thống Mỹ cắt viện trợ 2 tỷ đô la. Washington còn đe dọa những biện pháp trừng phạt khác. Pakistan luôn phản bác tố cáo của Mỹ.

Cơ chế gọi là Nhóm Đặc Trách Hành Động Tài Chính (FATF), một tổ chức liên chính phủ, trụ sở tại Paris, sẽ họp vào tuần tới, có khả năng đưa ra kiến nghị về Pakistan. Đây là tổ chức đưa ra những quy tắc chung chống nguồn tài chính bất chính.

Bộ trưởng Tài Chính Pakistan, Miftah Ismail, giải thích với hãng tin Reuters là Hoa Kỳ và Anh Quốc đã đưa ra kiến nghị vài tuần trước đây và đang thuyết phục Đức và Pháp. Trong khi đó, Pakistan cũng đang vận động các quốc gia nói trên để xin rút tên ra khỏi bản kiến nghị.

Pakistan đã từng nằm trong danh sách theo dõi của FATF từ 2012 đến 2015. Cơ chế này vừa cảnh báo rằng Pakistan có thể bị đưa trở lại danh sách, nếu không kiểm soát chặt chẽ hơn các nguồn tài trợ cho các tổ chức Hồi Giáo cực đoan.

Nếu bị đưa vào danh sách này, kinh tế gặp nhiều khó khăn, các nhà đầu tư rất e ngại, Pakistan sẽ khó được tín dụng quốc tế.

Theo phía Pakistan, FATF hiện chú ý đến việc Hai Saeed, một người ở Pakistan bị Ấn Độ tố cáo là chủ mưu vụ tấn công ở Mumbai năm 2008, làm 166 người chết. Theo bộ trưởng Tài Chính Pakistan, rõ ràng Ấn Độ đã xúi giục Hoa Kỳ trừng phạt Pakistan.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180214-my-muon-dua-pakistan-tro-lai-danh-sach-nuoc-tai-tro-khung-bo

 

Số phận nào dành cho tù binh Daech người Tây phương?

Tú Anh

Đánh thắng tổ chức Daech đã khó, nhưng thắng rồi số phận tù binh thánh chiến người Tây phương bị giam ở Irak, Syria hoặc trong tay người Kurdistan cũng không phải là chuyện dễ giải. Để mặc họ cho tòa án các nước sở tại, hay đem họ về nước xét xử? Câu hỏi nát óc này được đặt ra trong phiên họp ngày 13/02/2018 tại Roma, giữa 15 nước trong liên quân, mà Pháp là một thành viên. Không một giải pháp nào là toàn hảo, vì sao?

Đối với Hoa Kỳ, tất cả tù binh thánh chiến, dân nước nào thì đem về nước đó xét xử. Đề nghị này bị Anh Quốc bác bỏ. Luân Đôn không muốn nhận những kẻ khủng bố dùng dao hành quyết khoảng 20 nạn nhân không gớm tay, như Alexanda Amon Kotey hoặc là El Shafee el-Sheik trở về quốc đảo.

Trong các nhà tù Irak và các vùng Kurdistan-Irak, Kurdistan-Syria, số chiến binh Daech người Tây phương đã lên đến hàng trăm người, không kể 1200 gia đình với 40 quốc tịch khác nhau, chỉ riêng ở Raqqa và Deir Ezzor, miền bắc Syria.

Đối với nước Pháp, nạn nhân của nhiều vụ khủng bố đẫm máu trong những năm 2015 và 2016, quyết định đem thành viên Daech, là công dân Pháp, về nước là một bài toán khó.

Thoạt đầu, vào tháng 11/ 2017, khi Daech mất hết các thành phố lớn, và trước những lời cầu cứu thống thiết của một số phụ nữ thánh chiến muốn được hồi hương chịu tội, đừng để họ bị xử theo luật của các nước Trung Đông, tổng thống Emmanuel Macron đề nghị « giải quyết từng trường hợp ». Tuy nhiên, cho đến tháng 01/2018, phát ngôn viên chính phủ lại cho biết « những chiến binh thánh chiến bị bắt ở vùng Kurdistan-Syria sẽ bị xét xử theo luật của địa phương, nếu « tư pháp Kurdistan-Syria » đủ khả năng tổ chức phiên toà công bằng.

Thế rồi, bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Florence Parly, cũng khẳng định : « không chút xót thương cho những người đi theo Daech để giết người, bởi vì những kẻ này có biết xót thương ai ».

Tuy nhiên, các tổ chức nhân quyền chống lại quan điểm « lấy oán trả oán », thay thế cho công lý. Luật sư Patrick Baudoin, chủ tịch danh dự của Liên Đoàn Quốc Tế Nhân Quyền (IDH) phân tích : Dù cho phạm tội ác tày trời, khi một công dân châu Âu đứng trước một bản án tử hình, thì chúng ta có quyền đòi hỏi Nhà nước nắm trong tay quyền sinh sát, không áp dụng án tử hình, hoặc là chuyển can phạm về quốc gia gốc để ra toà. Theo nhà hoạt động nhân quyền, quan điểm của ông có thể không đủ sức thuyết phục, nhưng nếu Pháp vi phạm nguyên tắc mà công lý đòi hỏi, thì sẽ mất đi tính chính danh của một Nhà nước pháp trị.

Cũng trong chiều hướng này, một nhà hoạt động nhân quyền khác là Nadim Houry – chuyên gia về Syria, giám đốc chương trình chống khủng bố của Human Rights Watch – yêu cầu đem những chiến binh thánh chiến người châu Âu về châu Âu xét xử một cách minh bạch và công bằng.

Trả lời phỏng vấn đài truyền hình France 24, nhà hoạt động Nadim Houry cho biết người Kurdistan-Syria đã lập toà án chống khủng bố từ gần ba năm nay. Trong năm 2017, có 700 chiến binh Daech bị xét xử, nhưng chưa bao giờ có một người Tây phương nào. Bởi vì ưu tiên của người Kurdistan không phải là trừng phạt người nước ngoài.

Đặc điểm của « toà án » Kurdistan là không có quyền biện hộ, không có kháng án nhưng bù lại, họ thiên về hòa giải, và do vậy lắm khi tha bổng cho thánh chiến cùng sắc tộc, để sớm bình thường hóa xã hội của người Kurdistan, sau nhiều năm chiến tranh. Cũng theo lập luận này, người Kurdistan, dù là bác sĩ, thợ làm bánh mì, nếu đã chạy theo Daech vì cần tiền nuôi gia đình hay lấy lại căn nhà, thì không thể xem là kẻ có tội. Còn những phụ nữ thánh chiến Tây phương, không ai mời mà đến, còn lên mạng khuyến khích khủng bố, thì họ mặc kệ.

Do vậy, theo chuyên gia của Human Rights Watch, chính phủ Pháp cần đem công dân mình về Pháp. Vấn đề là « phải có qua có lại ». Các tổ chức Kurdistan, trong mưu đồ lập quốc, muốn Tây phương thừa nhận là một chính quyền, dự định trả tù binh thánh chiến về nước, với một tập hồ sơ pháp lý chính thức. Vấn đề là Paris có muốn tiến thêm một bước trong vấn đề ngoại giao này hay không ?

Còn giải pháp cuối cùng là « nhờ Bachar al Assad giam giữ hộ » các chiến binh thánh chiến bị bắt ở Syria. Ý kiến này cũng bị giới nhân quyền chống lại. Mượn tay một chế độ « đàn áp dân của chính mình, bằng tra tấn, bằng vũ khí hóa học và nhà tù », để giam giữ can phạm khủng bố cho châu Âu, thì theo Nadim Houry, đó là một yêu cầu « vừa bất chính, vừa phi đạo đức ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180214-so-phan-nao-danh-cho-tu-binh-daech-nguoi-tay-phuong

 

Thổ Nhĩ Kỳ – Hy Lạp : Căng thẳng trên biển Egée

Biển Egée hay Aegean, tên của một vị vua huyền sử của Hy Lạp, trở thành điểm nóng giữa hai thành viên của NATO, sau vụ va chạm mới giữa hai tàu tuần tra Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Vụ việc xảy ra trong đêm 12 rạng sáng 13/02/2018, gần quần đảo Imia, mà hai nước tranh chấp chủ quyền. Athens xem vụ va chạm này là hành động khiêu khích của Ankara.

Từ Athens, thông tín viên Charlotte Stiévenard tường thuật :

Cách nay gần một tháng, một tàu tuần dương Thổ Nhĩ Kỳ đã đụng phải một chiến hạm nhỏ của Hy Lạp ở vùng phía đông biển Egée. Lần này, tuần dương hạm Thổ đụng vào một tàu cảnh sát biển Hy Lạp. Vấn đề là nơi xảy ra sự kiện nằm ngay trong vùng xung khắc, không xa hai đảo đá có tên là Imia, từng khiến hai nước láng giềng suýt lao vào chiến tranh hồi năm 1996.

Tối thứ ba, trong cuộc điện đàm với đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim, thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras khuyến cáo Ankara là những vụ va chạm như thế « có thể làm hại trực tiếp cho mối quan hệ giữa hai nước, cũng như cho mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu ». Thủ tướng Hy Lạp cũng kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ « chấm dứt ngay những hành động vi phạm có tính khiêu khích ngày càng nhiều, trong lãnh hải và không phận Hy Lạp ».

Khác với lời lẽ cứng rắn, nhưng ngoại giao của thủ tướng Hy Lạp, dân biểu đối lập Theodoros Pangalos, nguyên là thủ tướng Hy Lạp trước năm 1996, tuyên bố một cách thẳng thừng trên đài truyền thanh Skai : « một người Thổ tốt là một người Thổ chết ».

Báo chí Hy Lạp ngay lập tức cảnh báo công luận : nhân vật chính trị này thường có những tuyên bố khiêu khích, không riêng gì về hồ sơ biên giới trên biển.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180214-tho-nhi-ky-hy-lap-cang-thang-tren-bien-aegean

 

Tình báo Mỹ khẳng định

Nga tiếp tục can thiệp vào bầu cử Hoa Kỳ 2018

Tú Anh

Bằng vũ khí đã sử dụng như tin tặc, đánh cắp thông tin và phát tán tin đồn, nước Nga của Vladimir Putin tiếp tục chiến dịch tuyên truyền tác động lên cử tri Mỹ, chia rẽ nội bộ, hầu làm thay đổi kết quả bầu cử Quốc Hội giữa nhiệm kỳ tổng thống vào tháng 11/2018. Trên đây là nhận định của giám đốc Tình Báo Quốc Gia (DNI), ông Dan Coats, và toàn thể đại diện của 6 ngành an ninh, tình báo Mỹ trong cuộc điều trần ngày thứ Ba 13/02/2018 tại Thượng Viện.

Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet tường thuật :

Các vụ can thiệp của Nga vào chính trị Hoa Kỳ không bao giờ ngưng nghỉ. Đó là ghi nhận chung trong mọi cơ quan tình báo Mỹ. Ông Dan Coasts, giám đốc Tình Báo Quốc Gia, là nhân vật đầu tiên xúc động bày tỏ trước Ủy ban Tình báo Thượng Viện. Ông khẳng định : « Đừng nghi ngờ gì cả, nước Nga cho rằng những hành động can thiệp của họ trong thời gian qua là một thành công. Matxcơva sẽ sử dụng các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ (tổng thống Mỹ) trong năm nay 2018, như là mục tiêu tiềm tàng trong các chiến dịch gây ảnh hưởng ».

Tin này cũng được giám đốc CIA xác nhận. Ông Mike Pompeo cho biết các cơ quan thuộc Trung ương Tình báo ghi nhận được « hoạt động và ý đồ của người Nga tác động lên cuộc bầu cử sắp tới ». Hai tuyên bố trên đây, tiếp theo đó, đã được bốn vị lãnh đạo tình báo khác hiện diện trong buổi điều trần xác nhận.

Vấn đề là từ khi nhậm chức tổng thống, về chuyện Nga can thiệp vào chính trường Mỹ, Donald Trump luôn luôn trả lời : « Đó là chuyện bịa của phe Dân Chủ ». Thái độ của chủ nhân Nhà Trắng làm thượng nghị sĩ Dân Chủ Angus King không khỏi lo âu : « Chúng ta không thể đối phó với mối đe dọa nghiêm trọng này, khi mà người lãnh đạo hành pháp tiếp tục phủ nhận sự thực ».

Trước Ủy ban Tình báo Thượng Viện, các nhân vật lãnh đạo an ninh tình báo Mỹ cho biết thêm là Nhà Trắng vẫn chưa đưa ra một chỉ thị nào để chống lại sự can thiệp của Nga nhân cuộc bầu cử sắp tới.

Liên quan đến mối đe dọa Bắc Triều Tiên, ông Dan Coats thẩm định là « giờ phải lấy quyết định đáp trả đã tới gần ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180214-tinh-bao-my-khang-dinh-nga-tiep-tuc-can-thiep-vao-bau-cu-my