Sự kỳ thị vùng, miền trong đảng CSVN
13-2-2018
Đây là câu chuyện rất thật, phản ảnh cái “hèn hạ” của đảng cai trị.
Cách đây nhiều năm, như tôi từng kể với mọi người, do nhu cầu làm báo tôi có liên lạc với những nhân viên của Lãnh Sự Quán CSVN ở San Francisco. Thời điểm đó, người phụ trách thông dịch cho LSQ là Phạm Xuân Hoàng Ân, con trai của ông Phạm Xuân Ẩn.
Cả TLS quán của CSVN tại San Francisco có khoảng 40 nhân viên làm việc, và hầu hết đều đến từ … Hà Nội, nhân viên gốc miền nam chỉ 1,2 người.
Có một sự phân biệt đối xử khá nặng nề trong TLS quán, các nhân viên gốc miền nam đều bị “đì” tối đa và trở thành những kẻ chỉ biết “cúi đầu nghe lệnh”.
Câu chuyện mà tôi chứng kiến là năm 2011, khi ông Trương Tấn Sang (lúc đó được gọi là “chủ tịch nhà nước VN”) đến Hawaii để tham dự hội nghị APEC diễn ra ở đây, thời điểm có ông Obama tham dự và thúc đẩy dự án TPP (Trans Pacific Partnership).
Trên nguyên tắc của nhà nước CSVN, thì khi ông “chủ tịch” đến khu vực nào đó thì đại sứ quán CSVN ở khu vực nơi đây chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên ở Hoa Kỳ, CSVN có đến 4 văn phòng, tòa đại sứ ở DC, kiêm luôn văn phòng lãnh sự quán, tòa đại sứ CSVN ở LHQ tức là New York, tòa tổng lãnh sự ở Houston và tòa tổng lãnh sự ở San Francisco.
Mỗi văn phòng phụ trách các vấn đề lãnh sự ở khu vực, theo đó tòa tổng lãnh sự San Francisco phụ trách 10 tiểu bang ở miền tây Hoa kỳ cho các vấn đề lãnh sự và tiếp đón những nhân vật “nặng ký” từ trong nước ra.
Do đó việc ông Trương Tấn Sang đến Hawaii, về nguyên tắc (Protocol) thì tòa đại sứ ở DC chịu trách nhiệm toàn bộ chuyến đi, nhưng events lại diễn ra dưới khu vực chịu trách nhiệm của tòa tổng lãnh sự quán San Francisco.
Đã có một cuộc tranh chấp về quyền tổ chức cho chuyến đi của ông Sang giữa tòa đại sứ và tổng lãnh sự quán ở San Francisco, cuối cùng theo tôi biết, thì chia ra làm việc.
Tòa đại sứ vẫn chịu trách nhiệm tổng thể công việc, nhưng sắp xếp công việc thì do tổng lãnh sự quán của CSVN ở San Francisco, theo đó việc thông dịch cho ông Sang là trách nhiệm của tổng lãnh sự quán San Francisco.
Nhưng với tin thần phân biệt đối xử trong tòa tổng lãnh sự quán San Francisco, những nhân viên gốc miền nam luôn phải chịu “quyết định” sắt máu của “cán bộ” gốc miền bắc.
Do đó vai trò thông dịch cho Trương Tấn Sang đã chuyển cho người khác, thay vì người có vai trò chính thức là Phạm Xuân Hoàng Ân, thì không được đưa lên danh sách.
Vụ này vui ở chỗ là hôm đó, tôi ngồi uống cafe với Phạm Xuân Hoàng Ân, bất ngờ nhận được cú điện thoại từ tòa tổng lãnh sự quán ở San Francisco.
Và rồi Ân hấp tấp chạy về. Vài ngày sau đó Ân gọi lại xin lỗi tôi vì phải đi gấp, và Ân kể tôi nghe.
Khi tới Hawaii chuẩn bị cho nghị trình ngày hôm sau, ông Sang hỏi ai thông dịch cho ông trong bài phát biểu, thì Tổng Lãnh Sự quán đưa cô tên Yến ra (người này gốc bắc và đến nhận chức từ Hà Nội).
Ông Sang hỏi “vậy còn thằng Ân đâu”? Đám tổng lãnh sự quán ngó nhau chưa biết trả lời thế nào? Ông Sang nổi giận nói, ông ta muốn Phạm Xuân Hoàng Ân là người thông dịch cho ông ta trong nghị trình ngày hôm sau, và kết quả nhóm tổng lãnh sự quán phải gọi điện thoại về San Francisco, mua tấm vé gấp bay qua đêm để Phạm Xuân Hoàng Ân có mặt kịp trong nghị trình (tòa lãnh sự San Francisco phải mua tấm vé lên đến hơn $1,800 bay qua đêm), và phải lấy hết background của Phạm Xuân Hoàng Ân nộp lại cho Secret Agents (cơ quan mật vụ Hoa Kỳ) để kịp cho Ân có thể vào thông dịch, vì các nhân vật có mặt trong hội nghị đều phải được kiểm tra kỹ lưỡng.
Kể lại câu chuyện này cho mọi người thấy bản chất thật sự của những kẻ cai trị của đảng cầm quyền đến từ phía Bắc, họ luôn dùng lời hoa Mỹ nhưng thuộc dạng kỳ thị và phân biệt đối xử khủng khiếp đối với những người miền nam, do đó cách họ đối xử với Phạm Xuân Ẩn là điều có thể lý giải được.
____
(*) Ghi chú: Tựa bài do Tiếng Dân đặt