Tin Việt Nam – 11/02/2018
An Giang: Sáu tín đồ Hòa Hảo bị tù vì ‘gây rối’
Sáu người trong phiên tòa hôm 9/2/2018 bị tòa án huyện An Phú, tỉnh An Giang tuyên án tổng cộng 22 năm tù, 2 năm án treo.
Các bị cáo bị kết tội “Gây rối trật tự công cộng”. Một người trong nhóm bị thêm tội danh “Chống người thi hành công vụ”.
Tuy nhiên, trước khi diễn ra phiên xử, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) có trụ sở tại New York hôm 8/2 kêu gọi giới chức “hoãn xử sáu tín đồ Phật giáo Hòa Hảo” và cần điều tra xem liệu vụ việc có phải do “nguyên nhân kỳ thị hay đàn áp tôn giáo không”.
Việt Nam: 12 năm tù vì ‘treo cờ VNCH’
Xử phúc thẩm một tín đồ Hòa Hảo
HRW lên tiếng về vụ tín đồ Hòa Hảo
Sáu người bị xử liên quan đến vụ việc xô xát giữa một số tín đồ Hòa Hảo và lực lượng cảnh sát giao thông và công an mặc thường phục ở huyện An Phú, tỉnh An Giang hồi năm ngoái.
“Vi phạm giao thông”
Báo An Giang dẫn nội dung cáo trạng, theo đó nói chiều tối 19/4/2017, có ba người điều khiển xe máy không đồng ý xuất trình giấy tờ xe theo yêu cầu của “tổ công tác tuần tra”.
Các bị cáo tuy không tham gia giao thông và đang ở cách đó chừng 100m, nhưng đã cùng nhiều người khác “kéo đến ngăn cản, xô đẩy”, báo An Giang viết, và đã hô các khẩu hiệu phản đối đàn áp tôn giáo.
Ba người đi xe máy, gồm các ông bà Trần Thanh Nhiên, Lưu Chí Hải và Mai Thị Dung, bị “tổ công tác phát hiện… vi phạm Luật giao thông đường bộ”.
Họ bị “lập biên bản vi phạm hành chính”, trong đó có hai người bị “tạm giữ giấy phép lái xe và xe mô-tô”, báo An Giang tường thuật.
Tuy nhiên, các bị cáo đã ngăn cản việc lấy xe đưa đi.
Báo An Giang nói ông Bùi Văn Trung, một trong các bị cáo, đã hô “Đả đảo cộng sản đàn áp tôn giáo”, dẫn đến việc “nhiều người khác hô theo, làm mất trật tự”.
Báo không nhắc tới việc nhóm người này là các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, cũng không nêu mối liên hệ giữa những người bị giữ xe máy, bị yêu cầu kiểm tra giấy tờ, với các bị cáo.
Tuy nhiên thông cáo của HRW nói rằng từ tối hôm trước, 18/4/2017, giới chức đã có hành vi ngăn cản người tới dự đám giỗ mẹ của một trong các bị cáo.
HRW nói cảnh sát và nhiều người mặc thường phục “dựng chốt chặn gần nhà ông Bùi Văn Trung”, “thu giữ giấy tờ” của những người tới nơi trong lúc “không lập biên bản phạt vi phạm luật giao thông”.
Còn ‘giới hạn về tự do tôn giáo’ ở VN
Nhà hoạt động Bùi Thị Minh Hằng ra tù
HRW nói những người bị ngăn cản là các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo độc lập.
Lý do phản kháng?
HRW cũng nói một trong ba người bị chặn xe hôm 19/4 là bà Mai Thị Dung, một cựu tù nhân chính trị, người từng bị tù 11 năm vì vận động cho Phật giáo Hòa Hảo.
Sự phản kháng của ông Bùi Văn Thâm, một trong các bị cáo là nhằm “cố cản” để “không cho [những người lập chốt chặn] lấy xe máy của khách” tới dự đám giỗ, HRW nói.
Ông Thâm, con trai ông Trung, đã bị đánh, khiến ông Trung và vài chục tín đồ Hòa Hảo xuống đường biểu tình.
Hôm 9/2/2018, ông Võ Văn Thanh Liêm, tọa chủ Quang Minh Tự, 74 tuổi, người chứng kiến vụ việc, xác nhận với BBC về thông tin trên của HRW.
Ông Liêm nói khi đó ông Thâm “bị đánh chảy máu miệng”.
Ông Thâm sau đó bị thêm tội danh “Chống người thi hành công vụ”.
Ông nói rằng các tín đồ Hòa Hảo không được vào tham dự phiên tòa hôm 9/2, ngoại trừ một vài thân nhân các bị cáo.
Từ 2005, ông Bùi Văn Trung, hay còn gọi là Út Trung, tự thành lập Đạo Tràng Út Trung sau khi ông và nhiều nhóm tín đồ từ chối gia nhập Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo mà nhà nước công nhận.
Ông Bùi Văn Trung từng bị bắt giữ và bị kết án 4 năm tù vì tội “Chống người thi hành công vụ” trong một vụ việc mà một số tín đồ Hòa Hảo cho rằng bị “đàn áp”.
‘Chưa LS nào bào chữa thành công các vụ Điều 258’
Báo cáo của Mỹ về tôn giáo VN ‘bị sai lệch’
Ông Trung vừa mới ra tù vào tháng 10/2016.
Trong phiên tòa hôm 9/2, những người khác cũng bị kết án gồm có vợ (Lê Thị Hên) và con gái ông Trung (Bùi Thị Bích Tuyền), cùng hai người nữa, là Nguyễn Hoàng Nam và Lê Hồng Hạnh.
Ông Trung bị 6 năm tù giam, ông Thâm 5 năm, bà Tuyền và Hạnh 3 năm tù giam, ông Nam 4 năm tù và bà Hên được hưởng 2 năm án treo, cho tội danh ‘gây rối’.
Riêng ông Thâm thêm 1 năm tù vì tội “Chống người thi hành công vụ”.
Chính phủ Việt Nam từng nhiều lần bắt và giam giữ nhiều tín đồ Phật giáo Hòa Hảo.
Họ thường bị xét xử với những tội danh không liên quan tới tôn giáo.
HRW nói với trường hợp ông Bùi Văn Trung thì đây không phải là lần đầu tiên ông và các thành viên gia đình bị đưa ra xét xử về hành vi bị cho là phạm tội phát sinh từ “các lỗi giao thông ngụy tạo”.
http://www.bbc.com/vietnamese/42999511
Bà Cấn Thị Thêu
“Tiếp tục đấu tranh giành lại đất đai đã bị cướp”
Chân Như
Vào ngày 10/2/2018, Bà Cấn Thị Thêu, người phụ nữ được nhiều người biết đến vể sự kiên quyết trong hoạt động giữ đất tại làng Dương Nội, Hà Đông – Hà Nội, cũng như lên tiếng đấu tranh cho công bằng xã hội đã mãn án 20 tháng tù giam, sau khi bà bị bắt lần thứ 2 vào ngày 10 tháng 6 năm 2016.
Tuyên bố ngay sau khi trở về nhà trước sự chào đón nồng nhiệt của người thân, bạn bè và đặc biệt là những dân oan Dương Nội bà cho biết:
“Hôm nay tôi đã thoát khỏi ngục tù cộng sản ra khỏi nhà tù nhỏ trở về nhà tù lớn, nơi có hàng triệu bà con dân oan đang ngày đêm phải rên siết dưới sự thống trị của Đảng cộng sản Việt Nam. Ngày hôm nay tôi được trở về đoàn tụ với gia đình chồng con, tôi vô cùng biết ơn toàn thể bà con dân oan, cộng đồng trong và ngoài nước, các tổ chức nhân quyền quốc tế, các tổ chức tôn giáo đã quan tâm giúp đỡ gia đình tôi trong suốt thời gian vừa qua. Kính thưa toàn thể bà con dân oan, bắt đầu kể từ ngày hôm nay tôi sẽ lại chung sức chung lòng đóng góp một chút công sức nhỏ bé để cùng với bà con đấu tranh giành lại đất đai tài sản mà chế độ Cộng sản Việt Nam đã cướp đoạt của nhân dân chúng ta, để sớm đưa những tên quan tham ra xét xử loạn tội chúng trước bàn dân thiên hạ, phải cho chúng từ quan làm dân để cho chúng không còn cơ hội cướp bóc, đàn áp, đánh đập nhân dân, bắt chúng phải chịu trách nhiệm về tất cả những tội ác mà chúng đã gây ra cho nhân dân chúng tôi, phải cho chúng nếm cảnh tù tội để cho chúng biết thế nào là một ngày bằng nghìn thu ở ngoài, khi mà trước đây chúng đã bóp chết công lý để đẩy nhiều người dân lượng thiện vào cảnh tù tội oan sai, phải cho chúng tận mắt chứng kiến nỗi đau tột cùng của các gia đình có người thân bị chúng đánh chết hoặc bị thương tích đầy người hoặc bị tù tội oan sai để chúng biết tội ác của chúng là không thể dung tha. Mong toàn thể bà con dân oan hãy đoàn kết muôn người như một để chúng ta có đủ sức mạnh đấu tranh chống lại bọn quan tham cường bào ác bá”.
“Bắt đầu kể từ ngày hôm nay tôi sẽ lại chung sức chung lòng đóng góp một chút công sức nhỏ bé để cùng với bà con đấu tranh giành lại đất đai tài sản mà chế độ Cộng sản Việt Nam đã cướp đoạt của nhân dân chúng ta ” – Cấn Thị Thêu
Mặc dù trong tù bà Cấn Thị Thêu cũng không ngưng nghỉ tranh đấu và khai dân trí cho các người bạn tù kể cả công an, chia sẻ với đài á châu tự do bà cho biết:
“Tôi cũng kể cho họ nghe về tội ác của chế độ cộng sản đã áp dụng với nhân dân chúng tôi và tôi cũng kể cho họ nghe về những nỗi khổ của nhân dân chúng tôi, những nông dân thấp cổ bé họng đã bị chính quyền dùng bạo lực của nhà tù để cướp đất của nhân dân chúng tôi. Từ chỗ đấy có rất nhiều người tù đồng cảm và chia sẻ với nỗi đau của nông dân mất đất trong đó cũng có một số những người công an, họ cũng rất đồng cảm nhưng vì miếng cơm mang áo mà họ phải theo con đường binh nghiệp thôi.”
Bà cũng cho biết vì sự đồng cảm và nhận ra đuợc sự thật mà trong những ngày bà tuyệt thực và những lúc bà đau bệnh trong trại giam bà đã nhận được sự hộ trợ và bảo bọc từ ngay chính những người bạn tù bà chia sẻ:
“Đêm là họ chia nhau ra thức, canh, lúc họ lại để bông vào mũi tôi xem tôi còn thở không, mà tôi đi đâu thường 2 người dìu tôi, quần áo các thứ họ cũng lo lắng giặt giũ, tắm rửa cho tôi. Ốm đau họ cũng chăm lo cho tôi rất nhiều, tôi cảm sốt họ nấu cháo cho tôi ăn, những ngày mất nước họ cũng xách từng thùng nước ở tầng dưới lên buồng để giúp tôi. Có những người thuộc trong giới giang hồ mệnh danh là sát thủ vì án của họ rất khủng khiếp, nhưng tôi cũng kể cho họ nghe về chuyện xảy ra ở quê tôi và tôi cũng mong muốn họ sau này hết án trở về với xã hội, mong muốn họ sẽ giúp đỡ những người yếu thế như chúng tôi, họ nói cái đấy đã ăn vào máu họ rồi, chắc chắn họ sẽ về giúp chúng tôi để chống lại bọn quan tham bạo tàn”.
Cũng xin được nhắc lại Bà Cấn Thị Thêu mãn hạn tù lần đầu vào ngày 25/7/2015. Đến ngày 10 tháng 06 năm 2016, bà bị Công an thành phố Hà Nội bắt giữ với cáo buộc gây rối trật tự công cộng khi bà và hơn 50 dân oan tập trung tại Bộ Tài nguyên Môi trường gửi đơn đòi giải quyết đất đai cho người dân Dương Nội. Bà bị đưa ra tòa ngày 20 tháng 9 với bản án 20 tháng tù với cáo buộc tội ‘gây rối trật tự công cộng’. Phiên phúc phẩm vào ngày 30 tháng 11 cùng năm giữ nguyên mức án 20 tháng tù. Sau khi có án, bà bị chuyển đến trại giam Gia Trung ở tỉnh Gia Lai vùng ở Tây Nguyên cho đến khi bà được mãn án vào ngày 10 tháng 2, 2018.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/can-thi-theu-return-home-02102018192443.html
Phỏng vấn Nhạc sĩ Việt Khang: Những ngày đầu tiên ở Mỹ
RFA: Chào Việt Khang. Trước tiên chúng tôi xin gửi lời chúc mừng anh đã đến nơi mà người ta hay gọi đó là bến bờ tự do. Xin được hỏi vào những giây phút anh bước ra khỏi chiếc phi cơ và đặt chân vào nước Mỹ, người đầu tiên và điều đầu tiên anh nghĩ đến là gì?
Việt Khang: Người đầu tiên mà Việt Khang muốn gặp nhất là anh Trúc Hồ. Anh Trúc Hồ đã mất rất nhiều thời gian và công sức để vận động cho Việt Khang suốt thời gian qua, từ khi Việt Khang còn trong tù lận. Cái sự cảm nhận của Việt Khang đối với anh Trúc Hồ là tình nghệ sĩ với nhau. Anh Trúc Hồ cảm nhận được Việt Khang, và Việt Khang cũng cảm nhận được anh Trúc Hồ. Tất cả những chuyện anh Trúc Hồ làm vì Việt Khang, Việt Khang cảm nhận được tấm chân tình. Cho đến khi Việt Khang qua đến được Hoa Kỳ thì người đầu tiên Việt Khang muốn gặp, muốn ôm để thoả cái tình cảm biết ơn của mình, là anh Trúc Hồ.
Bên cạnh đó là những anh em nghệ sĩ của Asia trước đây, cũng là những anh em đã hát những bài hát của Việt Khang trong những lần trình diễn để cho đồng bào luôn nhớ đến Việt Khang. Bên cạnh đó là cô Thục Minh, là luật sư làm việc cho ông Thượng Nghị sĩ John Mc Cain, đã bỏ nhiều công sức giúp cho Việt Khang qua được bên đây.
Cái điều mà Việt Khang nghĩ đầu tiên là mình được tự do, bình an ở 1 xứ sở chưa bao giờ mình nghĩ đến nó là gì, hình dung được nó là gì, không thể nào tưởng tượng được cái đất nước Hoa Kỳ nó rộng lớn, rất là đẹp như thế này.
Nhưng đó là những cảm xúc bên ngoài.
Còn trong nội tâm của Việt Khang khi bước chân xuống Hoa Kỳ là vừa vui vừa buồn.
Buồn, lo lắng khi nghĩ đến anh em khi còn trong trại tù cũng như những anh em mới vừa ra toà. Mình thì được như vầy, còn những anh em đó thì chịu những bản án quá nặng. Cảm xúc nó như vậy đó.
RFA: Một câu hỏi có thể là cũ với một số người, nhưng sẽ luôn mới với 1 số người trong những hoàn cảnh khác nhau. Xin được hỏi anh nghĩ thế nào khi có người cho rằng “ra đi cũng có nghĩa là ngừng đấu tranh”?
Việt Khang: Đối với Việt Khang đơn giản lắm. Thượng đế ban cho, đấng tạo hoá ban cho mỗi người 1 tài năng, 1 khả năng, 1 cái lập trường hay 1 cái sở trường khác nhau hoàn toàn. Có nghĩa là ở môi trường nào thích hợp cho người đó thì người đó mới có thể phát huy được. Thì đối với Việt Khang đơn giản mỗi người có khả năng khác nhau, thì tuỳ họ biết được vai trò của mình, trách nhiệm của mình. Ở đâu cũng được cả, miễn sao mình phát huy được khả năng của mình, để mình làm 1 điều gì đó cho cái nguyện vọng của mình. Còn cao lớn hơn nữa, to tát hơn nữa Việt Khang không dám nói. Chỉ biết là mình làm được cái gì thì mình nên làm, chứ không có những cái tuyên bố hoặc những cái hứa hẹn trong lúc mà mình chưa ổn định được.
Cuộc sống chưa ổn định được, mọi thứ nó sẽ diễn ra trong tương lai. Việt Khang luôn luôn là 1 người nghệ sĩ. Những hoài bão còn đó. Những dự tính còn đó. Những ước mơ còn đó, ước nguyện còn đó thì Việt Khang sẽ thực hiện nó tốt nhất có thể.
RFA: Như anh vừa nói, mỗi người được thượng đế, tạo hoá ban cho 1 sở trường khác nhau. Điều này đã chứng minh qua những ca khúc của anh đã đi vào trái tim của triệu triệu người Việt Nam. Quan điểm của riêng anh về vai trò của âm nhạc trong con đường đấu tranh như thế nào?
Việt Khang: Âm nhạc là tiếng nói thổn thức của lương tâm. Ví dụ những câu chuyện bình thường người ta nghe qua, đọc qua, thoáng qua thôi, nhưng âm nhạc thì nó đọng lại, đọng lại trong tâm tư của mỗi con người. Nó đọng lại và dần dần người ta cảm nhận nó 1 cách toàn diện hơn. Nó thấm từ từ để người ta hiểu được nó toàn diện hơn. Có những bài hát mấy mươi năm rồi, nhạc miền Nam Việt Nam, đến giờ này người ta hát mà tuổi Việt Khang nghe cũng hiểu được phần nào không gian thời gian thời điểm đó.
Là 1 người nghệ sĩ, ca hát, sáng tác, Việt Khang hiểu được là âm nhạc có linh hồn. Nó có 1 cái gì đó làm cho người ta thổn thức.
RFA: Hai năm trước, khi anh vừa mãn án 2 năm tù giam, chúng tôi đã có dịp phỏng vấn anh về hoàn cảnh ra đời của 3 ca khúc Việt Nam tôi đâu; Anh là ai và Trả lại cho dân. Tất cả những sáng tác đó đều là những sáng tác có thể gọi là “đối diện trực tiếp” với hiện tình của đất nước. Bây giờ rời quê hương, anh có nghĩ rằng những ca từ trong sáng tác của mình vẫn sẽ đủ sức mạnh chuyển tải thông điệp như thế?
Việt Khang: Theo Việt Khang, mỗi 1 bài hát được ra đời nó có cái duyên của nó, bắt buộc nó phải có mặt. Nói về cảm nhận của 1 người sáng tác, không phải là tự nhiên nó ra đâu, mà nó có 1 điều gì rất thiêng liêng, nó thổn thức được người tác giả và bắt buộc nó phải ra đời bằng tình cảm rất đặc biệt.
Sau này cũng vậy. Việt Khang không còn ở Việt Nam, nếu ơn trên soi sáng thì Việt Khang nghĩ Việt Khang cũng sẽ làm được.
Mình làm gì cũng vậy, nếu có ơn trên soi sáng, dìu dắt là mình làm được tất cả. Nếu không hội tụ được những điều đó thì không thể làm được. Với đức tin của Việt Khang là như vậy. Chứ Việt Khang cũng bao nhiêu người khác thôi, tại sao là có những ca khúc làm cho đồng bào thương mình đến như vậy. Việt Khang rất bất ngờ vì điều đó.
RFA: Việt Khang có thể chia sẻ câu chuyện về ca khúc Việt Nam tôi đâu của anh được 1 nhạc sĩ Nauy thực hiện trong album Unsongs gồm 12 ca khúc bị cấm hát ở 12 quốc gia?
Việt Khang: Có 1 anh nhạc sĩ tên là Pal Moddi Knutsen người Na Uy, ảnh thực hiện 1 CD gồm 12 ca khúc của 12 quốc gia khác nhau, toàn là những ca khúc bị cấm, chủ đề là Unsongs.
Ảnh được 1 đồng hương người Việt Nam ở Na Uy giới thiệu ảnh nghe bài Việt Nam tôi đâu. Ảnh vừa nghe xong thì muốn thực hiện ca khúc này trong album đó. Anh có sang Việt Nam, gặp Việt Khang tại nhà của Việt Khang để trò chuyện và làm 1 cái video. Hiện có trên Youtube cuộc phỏng vấn của ảnh với Việt Khang.
Ảnh có nhã ý lấy ca khúc đó, dịch ra tiếng Anh và hoà âm lại theo phong cách Châu Âu, đánh với lại 1 dàn nhạc rất lớn của NaUy. Ảnh lấy những ca khúc đó đi diễn 1 vòng Châu Âu và được sự đón nhận của nhiều khán thính giả khắp nơi.
Đây là 1 thông tin mà Việt Khang cũng xin chia sẻ với khán thính giả. Vừa rồi, lúc mà Việt Khang chuẩn bị đi sang Hoa Kỳ là bên đó có 1 người, thay mặt cho anh nhạc sĩ này gọi cho Việt Khang, mời Việt Khang đi lưu diễn ở Nauy vào mùa hè năm nay, cùng hát với anh nhạc sĩ này và dàn nhạc ở NaUy vào khoảng tháng 6, tháng 7 năm 2018 này. Việt Khang cảm thấy mình vinh dự và hạnh phúc lắm. Ai cũng vậy, đặt trường hợp ai trong hoàn cảnh của Việt Khang lúc này cũng thấy vinh dự, rất hạnh phúc. Điều đó càng cho Việt Khang cảm thấy mình cảm ơn ơn trên đã cho mình 1 đặc ân rất lớn.
RFA: Xin cảm ơn Việt Khang. Một lần nữa chúng tôi xin chúc mừng anh và chúc cho mọi chuyện luôn tốt đẹp ở phía trước.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Viet-khang-the-first-days-in-us-02102018201229.html
Ban giám đốc Nam Hàn lặng lẽ về nước,
gần 2,000 công nhân Đồng Nai mất tết
Gần 2,000 công nhân của một công ty may mặc ở tỉnh Đồng Nai xem như bị mất Tết, sau khi ban giám đốc người Nam Hàn lặng lẽ về nước, không trả lương và vẫn còn nợ nhiều tháng tiền bảo hiểm xã hội của công nhân.
Theo báo Người Đưa Tin, hôm Thứ Bảy 10 tháng 2, giới hữu trách tỉnh Đồng Nai tổ chức một cuộc họp để lắng nghe ý kiến của công nhân công ty KL Texwell Vina, đóng tại khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom. Vào hôm Thứ Sáu, rất nhiều công nhân đã tụ tập trước cổng công ty để đòi lương. Các công nhân cho biết thời gian gần đây, công ty chậm trả lương và không trả những khoản phúc lợi cho công nhân, nên họ rơi vào tình cảnh phải vay nợ để chi tiêu mỗi tháng.
Một số người vào hôm Thứ Sáu đến xin gặp ban giám đốc, thì mới biết các giám đốc đã không có mặt ở công ty cả tuần nay. Vẫn theo báo Người Đưa Tin, liên đoàn lao động tỉnh Đồng Nai cho biết ông Chang Jeen Kim, tổng giám đốc công ty KL Texwell Vina, cùng 11 quản đốc công ty người Nam Hàn đã chuyển hành lý về Nam Hàn vào tối Thứ Năm. Được biết liên đoàn lao động tỉnh Đồng Nai đã cử viên chức đến công ty để vận động công nhân bình tĩnh, trong khi công an tỉnh Đồng Nai đang điều tra.
Trên mạng xã hội Facebook, nhà hoạt động vì quyền của người lao động Đoàn Huy Chương nhận định rằng, có một điều trớ trêu là công ty KL Texwell Vina luôn có một công đoàn cơ sở cũng như công đoàn tỉnh Đồng Nai giám sát. Những viên chức của công đoàn được hưởng lương từ phần lương của công nhân trích ra, nhưng họ chưa bao giờ lên tiếng hay bảo vệ quyền lợi cho công nhân. Và cho đến hôm nay, khi sự việc đổ vỡ và giám đốc bỏ trốn, những người lãnh đạo của công đoàn cũng như các cấp chính quyền không có hướng giải quyết gì cho công nhân. Còn công an thì đang tìm mọi cách để ngăn cản công nhân vào bên trong công ty.
Huy Lam / SBTN
https://www.sbtn.tv/ban-giam-doc-nam-han-lang-le-ve-nuoc-gan-2000-cong-nhan-dong-nai-mat-tet/
Petrovietnam
rút đơn xin ngân hàng Mỹ tài trợ xây nhà máy điện than
Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam vừa bất ngờ ngưng tìm kiếm sự tài trợ của Hoa Kỳ để xây một nhà máy nhiệt điện chạy bằng than ở Việt Nam.
Nhật báo New York Times hôm Chủ Nhật 11 tháng 2 đưa tin, ngân hàng Export-Import Bank do chính phủ Hoa Kỳ điều hành vào hôm Thứ Năm cho biết, PetroVietnam đã rút đơn xin tài trợ cho một dự án được theo dõi sát.
Washington bị quốc tế chỉ trích vì toan tính tài trợ cho một dự án quốc tế có thể góp phần gia tăng biến đổi khí hậu. Nếu Ex-Im Bank chấp thuận việc tài trợ, PetroVietnam sẽ có cơ hội mua hàng triệu Mỹ kim tua bin và các thiết bị khác từ công ty General Electric của Hoa Kỳ cho nhà máy nhiệt điện than Long Phú 1.
Theo New York Times, hiện chưa rõ tại sao Petro Vietnam tự rút đơn xin Hoa Kỳ tài trợ. Nhưng dự án này, được cho là đang xây, đã gặp sự chỉ trích dữ dội cả trong lẫn ngoài Hoa Kỳ. Các tổ chức môi trường cho rằng nhà máy Long Phú 1 sẽ có tác động về môi trường lớn hơn ước tính trong các báo cáo của PetroVietnam.
Ngân Hàng Thế Giới World Bank và các định chế lớn khác đang ngày càng tránh xa những dự án tại các nước đang phát triển đốt nhiều than đá và các nhiên liệu hóa thạch. Trước đó, một ngân hàng tương tự Ex-Im Bank của Anh quốc đã từ chối tài trợ dự án Long Phú 1.
Về phía Hoa Kỳ, dự án còn gây tranh cãi vì được tài trợ một phần bởi Vnesheconombank, một ngân hàng Nga có liên quan tới Điện Kremlin, đã bị Hoa Kỳ trừng phạt từ năm 2014.
Huy Lam / SBTN
https://www.sbtn.tv/petrovietnam-rut-don-xin-ngan-hang-my-tai-tro-xay-nha-may-dien-than/
30 tổ chức trong và ngoài Việt Nam lên tiếng
về ‘Quyền Được Nói Và Nghe Sự Thật’
30 tổ chức ở trong và ngoài nước Việt Nam hôm 9 tháng 2 cùng ký chung một Bản Lên Tiếng Về Quyền Được Nói Và Nghe Sự Thật.
Bản Lên Tiếng xác định, nói và nghe sự thật là quyền lợi và nghĩa vụ của con người, cũng như của một nhà nước. Tuy nhiên, qua hàng loạt vụ án xử các blogger và nhà hoạt động vừa qua với những tội danh mơ hồ, nhà cầm quyền CSVN đã thẳng tay chối bỏ quyền nghe và nói sự thật của công dân.
Bản Lên Tiếng đưa ra trước Tết Nguyên Đán 50 năm sau biến cố Mậu Thân 1968 cũng đòi hỏi sự thật phải được trình bày cho công luận lúc này về trận chiến cách đây nửa thế kỷ. Nhiều chứng cứ, chứng từ và chứng nhân cho thấy đó là một sự thất bại của cộng sản về mặt quân sự và lòng người, một sự phản bội cam kết ngưng bắn vào dịp đầu Xuân, một sự chà đạp ý nghĩa thiêng liêng của Ngày Tết, một sự thảm sát rùng rợn đối với hàng vạn đồng bào vô tội. Tuy nhiên nhà cầm quyền cộng sản vẫn xuyên tạc sự thật, rầm rộ ăn mừng, coi đó là một chiến thắng, thản nhiên chối bỏ tội ác lẫn sai phạm, bất chấp nỗi khổ đau của các oan hồn lẫn gia đình họ và vết thương trên trái tim dân tộc.
Bản Lên Tiếng đòi hỏi nhà cầm quyền phải tôn trọng quyền được nói và được nghe sự thật của nhân dân, bằng việc hủy bỏ các điều luật mơ hồ của bộ luật hình sự; trả tự do cho mọi công dân đã bị kết án vì các điều mơ hồ, bất công này. Phải chấm dứt mọi hình thức bạo lực và mọi lực lượng truyền thông có mục đích củng cố và bảo vệ sự dối trá, vì điều đó chỉ gây ra hậu quả tai hại. Phải trả lại toàn bộ sự thật liên quan đến biến cố Mậu Thân, thành tâm sám hối trước tất cả những đồng bào nạn nhân của cuộc thảm sát và để cho mọi công dân tự do tưởng niệm biến cố đau thương này.
Các tổ chức ký tên dưới Bản Lên Tiếng bao gồm những tổ chức tôn giáo và truyền thông, những hội ái hữu cựu tù nhân và tổ chức tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền.
Huy Lam / SBTN
https://www.sbtn.tv/30-to-chuc-trong-va-ngoai-viet-nam-len-tieng-ve-quyen-duoc-noi-va-nghe-su-that/
Bằng Dỏm, Thuê Học Hàm…
Trần Khải
Có những chuyện trong nước mà người hải ngoại không hình dung nổi… Thí dụ, văn bằng giả quá phổ biến. Hay chuyện “thuê học hàm”…
Bản tin VOV nhan đề “Nhiều chứng chỉ, văn bằng giả được sử dụng công khai” ngày 29/9/2017 báo động:
“Rất có thể có những người sử dụng bằng cấp, giấy tờ giả đang ung dung thăng quan tiến chức, lãnh đạo những người học hành bài bản, có trình độ thực sự.
Sau hàng loạt vụ việc liên quan đến những cán bộ sử dụng bằng cấp giả, bằng cấp không hợp pháp để tiến thân bị phát giác, nhiều người cho rằng, nên tổ chức một đợt “tổng lực” rà soát bằng cấp để phát hiện, xử lý nghiêm minh.
Mới đây, chia sẻ trên báo chí, GS Phạm Minh Hạc cho hay, những năm 2002, ngành giáo dục phát động phong trào chống bằng giả. Riêng trong năm đầu, đã phát hiện tới 10.000 bằng giả. Hằng năm, việc làm này vẫn được duy trì. Tuy nhiên, việc phát hiện bằng cấp giả hiện nay không có phong trào sâu rộng như khi đó….”
Chuyện cũng lạ là “thuê học hàm”…
Báo Thanh Niên qua bản tin nhan đề “Đào tạo bậc cao ngày càng… thoáng” ngày 8/2/2018 ghi nhận chuyện thuê học hàm, trích:
“…“Thuê học hàm” giáo sư, phó giáo sư
Tiến sĩ Ngô Bá Hùng cho rằng vấn đề còn nằm ở chất lượng người hướng dẫn. Đa số cán bộ hướng dẫn nghiên cứu sinh đều quá bận rộn nên thời gian dành cho việc hướng dẫn, giám sát quá trình học tập nghiên cứu của người học còn nhiều hạn chế. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo sau ĐH.
Đã có hiện tượng thuê giảng viên để mở ngành. Một trường ĐH tại ĐBSCL đào tạo chuyên ngành phương pháp dạy văn, tiếng Việt nhưng trường không đủ yêu cầu đội ngũ theo quy định. Trường phải “thuê học hàm” PGS của một người ngoài Hà Nội để hợp thức hóa thủ tục với giá 7 triệu đồng/tháng. Thế nhưng 3 năm nay người được “thuê học hàm” chưa một lần được mời vào giảng dạy hoặc ít nhất là thăm trường.”
Cũng nên nhắc rằng báo Giáo Dục VN đã từng báo động từ năm 2014 qua bản tin “Tự chủ tuyển sinh: trường lừa, bộ ngơ, thí sinh đừng nhẹ dạ”…
Bản tin naỳ nói nhiều trường đại học và cao đẳng không tuyển được giáo sư và phó giáo sư, nên chỉ thuê các vị này để tên trong ban giảng huấn để hấp dẫn sinh viên.
Và do vậy, nhiều giaó sư và phó giáo sư cho thuê tên trên nhiều đaị học và cao đẳng…
Tới nổi, có giáo sư đứng tên trong 4 đại học.
Nghĩa là, thuê trắng trợn cho thuê học hàm, học vị.
Bản tin GDVN viết:
“…không ít trường hợp một giảng viên là “cơ hữu” cho ba, bốn trường cùng một lúc…
…Không thể bắt buộc những giảng viên nghỉ hưu chỉ được cơ hữu cho một trường, nhưng cũng không thể để các vị này “cho thuê” học hàm, học vị kiếm lời. Nếu một giáo sư có tên ở ba trường thì phần cơ hữu của vị giáo sư đó tại trường chỉ là 1/3 mà thôi.”
Không chỉ trong khuôn viên đa học, chuyện cho thuê học hàm cũng lấn sân thương mại.
Báo Người Đưa Tin và báo Đời Sống & Pháp Luật ngày 28/9/2013 kể chuyện qua bản tin nhan đề “Kỳ lạ mốt thuê học hàm học vị để khuếch trương sản phẩm”…
Bản tin này viết:
“Trong vòng chục năm trở lại đây, để đẩy mạnh doanh thu bán hàng, khuếch trương sản phẩm các doanh nghiệp, nhà phân phối thực phẩm đã không ngần ngại chi ra một khoản tiền lớn mời các nhà khoa học là các giáo sư, tiến sĩ tham gia hội thảo, quảng bá sản phẩm. Đằng sau nó, hiện có nhiều sản phẩm không như quảng cáo và vô hình chung đang gây ngộ nhận, lừa dối người tiêu dùng.
Lôi kéo nhà khoa học vào cuộc
Đi tiên phong trong lĩnh vực này không thể không kể đến đó là thực phẩm chức năng mang nhãn hiệu Noni (một loại thực phẩm được chiết xuất, cô đặc từ trái nhàu có rất nhiều ở khu vực miền Nam) được nhập khẩu từ Mỹ về phân phối và bán tại thị trường Việt Nam với mức giá 700 nghìn đồng/chai. Theo quảng cáo của nhà nhập khẩu, phân phối sản phẩm cho thấy đây là sản phẩm có khả năng hỗ trợ điều trị rất nhiều loại bệnh hiểm nghèo, kể cả căn bệnh ung thư mà cả thế giới đang bó tay….
Tại buổi hội thảo, một số chuyên gia được giới thiệu là giáo sư, tiến sĩ của nước ngoài (có quốc tịch từ Trung Quốc, Mỹ) không ngần ngại khi tuyên bố thực phẩm noni chữa những cơn đau trong cơ thể như đau lưng, cổ, đau cơ, thần kinh và những cơn đau như căng thẳng, đau nửa người….”
Than ôi, làm gì có thuốc thần chữa bá bệnh như thế. Nhưng buốn bán, thế là nhờ mấy ông giáo sư quảng cáo giùm.
Cũng nên nhắc chuyện rất lạ về một ông bằng dỏm, bằng ma: Một Tiến sĩ dỏm suốt 10 năm dùng bằng giả đi làm ở trường đại học.
Báo Giáo Dục VN ngày 27/11/2017 kể: Toàn bộ các văn bằng, chứng chỉ từ trình độ cử nhân, thạc sĩ đến Tiến sĩ của ông Huy đều là giả mạo.
Mặc dù vụ việc sử dụng bằng giả đã được chuyển cho cơ quan điều tra nhưng ông Nguyễn Hữu Tuấn Huy (trú phường Nam Dương, quận Hải Châu, Đà Nẵng) vẫn sử dụng bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ “dỏm” của mình để xin việc tại một trường đại học ở Hà Nội….
Như thế, đại học VN sẽ chạy đua với ai bây giờ?