Tin Việt Nam – 10/02/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 10/02/2018

Một người tố cáo tham nhũng ở Thái Nguyên

bị bắt về tội ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ’

Công an tỉnh Thái Nguyên hôm Thứ Sáu 9 tháng 2 bắt giữ và khởi tố nhà hoạt động Nguyễn Văn Trường với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước” theo điều 311 bộ luật hình sự của chế độ.

Báo Công An Nhân Dân trích dẫn cáo trạng rằng, từ tháng 6 năm 2017, ông Nguyễn Văn Trường đã “lợi dụng quyền tự do dân chủ” trong việc khiếu nại tố cáo, quay các video clip, viết bài phát tán trên mạng xã hội Facebook với nội dung bôi nhọ, hạ uy tín, vu khống, công kích, xúc phạm một số cá nhân, cơ quan nhà nước ở trung ương và ở tỉnh Thái Nguyên.

Được biết ông Nguyễn Văn Trường, 42 tuổi, ở phường Phú Xá, thành phố Thái Nguyên, từng tố cáo một số viên chức công an tỉnh Thái Nguyên về tội cướp tài sản của dân, cấu kết với nhau lập đường dây chạy án, toa rập để cố tình bỏ sót tội phạm. Qua trang Facebook Vietlive.tv và kênh YouTube cùng tên, ông Nguyễn Văn Trường tố cáo đích danh giám đốc công an tỉnh Thái Nguyên công khai bao che cho đội trưởng đội hình sự kinh tế và ma túy, công an huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, trong việc chiếm đoạt tài sản của chính ông Trường gồm hàng hóa và một chiếc xe hơi.

Trong một đoạn phim mới đăng tải hôm 3 tháng 2, ông Nguyễn Văn Trường tố cáo không chỉ viện kiểm sát, mà cả hệ thống công quyền tỉnh Bắc Giang là bao che hành vi phạm tội của đồng bọn và lừa bịp người dân.

Huy Lam / SBTN

https://www.sbtn.tv/mot-nguoi-to-cao-tham-nhung-o-thai-nguyen-bi-bat-ve-toi-loi-dung-quyen-tu-do-dan-chu/

 

Thanh niên nhập viện cấp cứu

sau khi ‘tự va vào dùi cui và súng’ của công an

Một thanh niên đi nhậu cùng bạn bè ở tỉnh Đồng Tháp bị công an xét hỏi giữa đường. Trong lúc phân bua, anh bị công an viên dùng dùi cui đánh và dùng súng bắn thủng bụng. Nhưng báo cáo của phía công an nói rằng thành niên này đã “tự va đầu liên tục vào dùi cui”, rồi “bỗng dưng có tiếng súng nổ”, và người thanh niên bị trúng đạn.

Sự việc xảy ra vào tối Thứ Năm 8 tháng 2, khi thanh niên tên Nhí đi nhậu cùng nhóm bạn ở thành phố Sa Đéc. Trên đường về, khi đến trước cửa tiệm massage Đại Ngọc trên tỉnh lộ 848, thuộc phường An Hòa, thì họ bị một đại uý tên Phong yêu cầu dừng lại kiểm tra giấy tờ. Theo lời kể của một người dân, đại uý tên Phong yêu cầu hai thanh niên xuất trình giấy tờ tuỳ thân, đòi xử phạt vì sử dụng bia rượu trong lúc lái xe. Tuy nhiên, hai thanh niên yêu cầu viên đại uý phải xuất trình giấy tờ chứng minh là công an. Từ đó dẫn đến tranh cãi giữa hai bên, và đại uý Phong đã dùng dùi cui vụt vào đầu, vào mặt Nhí, làm vỡ mũ bảo hiểm, toét đầu gây chảy máu và gãy mấy cái răng. Sau đó, hai thanh niên phản kháng thì viên đại uý rút súng bắn vào bụng của Nhí.

Hiện thanh niên này đang được cấp cứu tại bệnh viện Sa Đéc mới một lỗ thủng do đạn bắn ở mạng mỡ. Nạn nhân có dấu hiệu buồn nôn, chóng mặt nên gia đình yêu cầu bác sĩ cho chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy ở Sài Gòn.

Công an CSVN tiếp tục là đề tài chế diễu, phản bác của cư dân mạng, với những lời báo cáo chạy tội ấu trĩ, dối trá. Cách đây không lâu là báo cáo một người dân “tự ngã vào giầy của công an” cho nên bị chấn thương.

Huy Lam / SBTN

https://www.sbtn.tv/thanh-nien-nhap-vien-cap-cuu-sau-khi-tu-va-vao-dui-cui-va-sung-cua-cong-an/

 

Tết thế nào cho phụ nữ VN đỡ vất vả?

Minh Thưbbcvietnamese.com

Tết Nguyên Đán là dịp rất bận rộn cho các chị em phụ nữ Việt Nam, thậm chí nhiều người còn ‘sợ Tết’ vì phải lo ‘trăm thứ việc’.

BBC Tiếng Việt hỏi chuyện nhà báo Thu Hà, trong dịp trước Tết Mậu Tuất, khi nhiều phụ nữ đang tất bật lo toan vì ‘sức ép’ phải có cái Tết chu toàn.

Bà Thu Hà, nhà báo của tờ Hoa Học Trò, nói về kinh nghiệm giúp chị em có cái Tết mệt ít vui nhiều.

Bánh chưng, bánh tét ở ta, ở Mỹ?

Có nên gộp Tết Dương lịch với Tết ta?

Có nên gộp Tết Dương lịch với Tết ta?

1. Cái gì vui thì mới làm

Có những phụ nữ may mắn đã có cách ăn Tết rất thoải mái, vui vẻ và được chồng con, bố mẹ đỡ đần nhiều việc. Nhưng với những ai thấy thực sự mệt mỏi, thậm chí cô độc và tủi thân khi phải chuẩn bị Tết thì có thể thay đổi cách ăn Tết, theo bà Thu Hà.

Dù mỗi gia đình, mỗi vùng ăn Tết có khác nhau, nhưng theo bà Thu Hà, một nguyên tắc chung cho chị em là “cái gì thực sự vui thì hãy làm”.

“Những gì không ảnh hưởng đến sức khỏe, tương lai của con cái hay hạnh phúc gia đình thì có thể thay đổi được,”

2. Thay đổi tập quán và thói quen

“Đã gọi là tập tục thì có thể biến đổi, cái gì nó phù hợp với cuộc sống bây giờ thì sẽ được giữ lại và phát triển, còn những gì không phù hợp thì sớm muộn sẽ phải thay đổi.”

“Chẳng hạn, làm cỗ nhỏ lại,” bà Thu Hà nói.

“Trước đây một mâm cỗ hoàn hảo phải có tám đĩa tám bát” nhưng theo và đây là một lượng thức ăn quá nhiều cho một gia đình nhỏ.

Một ví dụ khác bà nói tới là chuyện cúng rất nhiều trong ngày 30 và mồng một Tết. “Bây giờ nếu vẫn muốn giữ các bữa cúng đó thì có thể chỉ cúng đơn giản thôi, ví dụ một cái bánh chưng và một đĩa giò thôi. “

Tập tục đốt vàng mã cũng là điều khó khăn với một số phụ nữ trẻ mới lấy chồng. “Hồi tôi mới lập gia đình, tôi rất khó nhớ cái gì đốt ở đâu và ngày nào,” bà Hà tâm sự.

“Cái đó bây giờ các sư thầy cũng nói là không hẳn là một tập tục tốt đẹp của mình, người âm cũng không nhận được cái mà mình đốt. Cái mà mình nhìn thấy ngay trước mắt là nó rất hại môi trường – từ cây để làm giấy, in ấn đến khi đốt đều có hại.”

Mua vàng mã còn vừa tốn kém vừa vất vả, cho nên chị em có thể “bớt chuyện đốt vàng mã và tiền âm phủ lại,” bà Hà khuyên.

Một số tập tục thói quen khác có thể thay đổi trong dịp Tết được bà Hà kể đến còn có: kiêng cữ (kiêng tuổi xông nhà, kiêng quét nhà v.v); ép người khác phải ăn uống, mua sắm theo ý mình; hỏi thăm, chúc tụng xâm phạm đời tư của người khác và thậm chí quá coi trọng người già, quá coi thường người trẻ.

3. Bỏ kỳ vọng được mọi người khen

Bà Hà kể trước đây bà làm nhiều việc trong dịp Tết “đến mức kiệt sức” để mong nhận được lời khen “vợ hiền dâu đảm”.

“Khi làm một mâm cỗ hoàn hảo thì hay được khen, nhưng để được một lời khen thì đổi lại là mình phải vất vả một tuần trời.”

“Nên bỏ bớt kỳ vọng mình được khen, mà thậm chí còn chấp nhận mình bị chê. Ông bà cô dì chú bác có thể sẽ không ủng hộ ngay chuyện mình ăn Tết đơn giản đâu.”

Bình luận về nỗi vất vả của chị em quanh mâm cỗ ngày Tết, bà Hà nói: “Từ trước đến giờ các ông không phải làm nên các ông cứ tưởng việc đó là việc nhẹ. Thực ra là những việc đó là cực kỳ mất sức và cực kỳ nặng luôn.”

Bà Hà kể trước đây bà phải cố làm để nhận được lời khen vì bà nghĩ nếu không được khen thì mình là vô nghĩa. Nhưng giờ đây bà đã thay đổi quan điểm và ăn Tết đơn giản hơn nhiều.

“Điều nổi bật ở nhiều phụ nữ thay đổi thành công là họ biết được giá trị của họ.”

“Có thể là họ giỏi việc đồng áng, nuôi heo giỏi hay bất kỳ một việc nào đó khác mà họ có thể tự tin về nó.

“Nếu biết được như vậy thì dù có bị chê mâm cỗ không ngon hay rửa chén không chăm thì họ vẫn còn tự tin vào giá trị của họ. “

Nhà báo Thu Hà cho rằng điều quan trọng là phụ nữ phải tự tin. “Mà muốn tự tin thì họ phải tiếp xúc nhiều với những người phụ nữ khoáng đạt, đi ra ngoài, và hiểu biết.”

“Chính những người này sẽ nói cho phụ nữ biết giá trị của họ thực ra rất là phong phú, rất cao chứ không chỉ nằm ở mấy việc như rửa chén, lau nhà, nấu nướng.”

4. Khuyến khích con cái giúp việc nhà

Ở Việt Nam, Tết là dịp chị em phải làm nhiều việc nhà hơn nhưng con cái cũng ở nhà nhiều hơn. “Đó là cái mệt nhưng cũng là cơ hội để ba mẹ làm cùng với con”, bà Hà nhận xét.

“Nếu ba mẹ cùng làm việc nhà với con, nó sẽ thấy vui hơn và thích làm hơn.”

Bà Thu Hà nhấn mạnh các phụ huynh nên tôn trọng thành quả lao động của con, mặc dù lúc mới làm có thể “xấu” hay “chưa hoàn hảo”.

“Nhiều cha mẹ sợ ngày Tết con làm hỏng hay bể đồ sẽ xui, nhưng nếu con không biết làm, con vụng về, con vô cảm mới là điều xui nhất.”Nhà báo Thu Hà

“Nên dành lời khen cho con trong cả quá trình làm việc, làm cái gì tốt là khen luôn chứ không phải đến phút cuối cùng mới khen,” bà Hà khuyên.

Nhà báo này nói các bậc cha mẹ cũng nên trân trọng thành quả lao động và có thể khoe với hàng xóm hay những ai tới chơi để động viên con.

“Cha mẹ cũng nên cho các còn quyền được sai, được làm hỏng, làm bể, làm cháy đồ.

“Nhiều cha mẹ sợ ngày Tết con làm hỏng hay bể đồ sẽ xui, nhưng nếu con không biết làm, con vụng về, con vô cảm mới là điều xui nhất.”

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43007705

 

Tại sao làm ‘ẩm thực Việt lai Pháp’ ở Paris?

Quốc PhươngBBC Tiếng Việt

Ba người thành lập nhà hàng Ăn đi Ăn đi nằm ở quận 20, Paris của Pháp nói với BBC về việc vì sao họ chọn cách làm các món ăn Việt – Pháp, hay Việt lai Pháp, ở nhà hàng của họ và được thực khách chấp nhận.

Khi được hỏi về thị hiếu ẩm thực của người Pháp khi đến với đồ ăn Việt Nam, Phạm Hồng Nhật, con trai của cố đạo diễn Phạm Kỳ Nam và diễn viên điện ảnh Thanh Tú, trước hết nói với Tọa đàm trực tuyến của BBC Tiếng Việt hôm 06/2/2018 rằng “món cơm của nhà hàng Ăn đi Ăn đi không thuần Việt mà là Pháp lai Việt”.

Chuyến hành hương tìm bát phở ‘ngon nhất Việt Nam’

Mạn đàm về ẩm thực Việt – Pháp tại Paris

Việt Nam: Thực phẩm ‘bẩn’ tồn tại ‘hàng chục năm’

Doanh nhân Nhật mở chuỗi nhà hàng pizza tại Việt Nam

Rồi anh thừa nhận: “Cái đó là khó nói vì Paris là thành phố toàn cầu nơi người dân khắp nơi đến sinh sống nên sẽ có nhiều gu ẩm thực khác nhau”.

Người có ba thế hệ trong gia đình sống ở Pháp ‘từ thời ông nội tôi’ chia sẻ với khán giả BBC Việt ngữ theo dõi cuộc tọa đàm về bí quyết ‘nấu nướng thế nào để món ăn ngon mà dễ’, anh nói:

“Quan trọng nhất là phải thích đồ ăn mình làm; thứ hai là phải chọn mua đồ ăn tươi; và thứ ba là phải nấu theo gu của mình vì mỗi người có gu khác nhau.”

‘Mới nhưng không quá lạ’

Xa quê nhớ nước mắm

Việt Nam – ‘ngã tư nghệ thuật’ của Đông Nam Á

Liệu văn học Việt có thể ‘vươn ra thế giới’?

Tú Kim, một khách mời tại Tọa đàm nêu cảm nhận về lý do nhiều của người Pháp tìm đến ẩm thực Việt, cô giải thích:

“Vì đồ ăn Việt mới nhưng không quá lạ,” nữ học viên gốc Việt ở khoa Việt học tại Đại học Paris 7 nói.

Còn dịch giả Yves Bouillé, người đứng sau nhiều đầu sách tiểu thuyết, tác phẩm văn học, văn chương Việt Nam dịch sang tiếng Pháp thì cho rằng vì “Pháp có mối liên hệ lịch sử với Việt Nam” và “đồ ăn Việt có hương vị ngon”, hơn nữa lại “không quá béo và dễ ăn”.

Khi được hỏi ‘nhận xét như thế nào về đồ ăn Việt Nam trong các nhà hàng ở Paris?’, Tú Kim nói:

“Có nhiều đồ ăn Việt Nam không thể tìm thấy ở Paris” và cô đưa ví dụ món chả lá lốt chỉ hiện diện ở ba nhà hàng tại Paris.

Đồng quan điểm với Tú Kim, dịch giả văn học Yves Bouillé, người tiết lộ trong một Tọa đàm trực tuyến từ trước về văn chương Việt rằng anh quan tâm tới Việt Nam chính là vì ‘đồ ăn Việt’, bổ sung thêm:

“Còn tôi thì thấy là bánh đa cua và bún thang là hai món khó tìm thấy ở các nhà hàng Việt tại Paris.”

Về kinh nghiệm mở nhà hàng ăn, cho rằng Paris là thành phố nổi tiếng với rất nhiều nhà hàng từ khắp nước trên thế giới ‘nên mức độ cạnh tranh khá cao’, đầu bếp Phạm Hồng Nhật chia sẻ:

“Không phải chuyện dễ vì có nhiều nhà hàng ở Paris”, do đó để được chấp nhận và thành công, thì theo anh: “May mắn là quan trọng nhất và thứ hai là phải tạo sự khác biệt với các nhà hàng khác.”

Nguyễn Việt, đồng quản lý nhà hàng này, thì nói: “Quan trọng là món ăn mình làm phải có bản sắc và phải làm ăn thành thật.”

Đầu bếp Nhật cho hay tại ‘Ăn đi. Ăn đi‘, họ sử dụng bếp mở, nghĩa là khi các đầu bếp thao tác, sào nấu, thực khách có thể trực tiếp mục kích ‘việc bếp núc’ của họ.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43006353

 

BOT tại Việt Nam: Hiện tượng hoạt động vô chính phủ

Hòa Ái, phóng viên RFA

Thực trạng các dự án BOT trong năm vừa qua nổi lên như một vấn đề nóng tại Việt Nam. Dư luận đặc biệt quan tâm đến phản ánh của dân chúng về các sai phạm của BOT cũng như Chính phủ giải quyết như thế nào trong năm mới 2018?

Phản ánh của dân được ghi nhận

Phát khởi từ cuộc biểu tình của người dân địa phương phản đối trạm BOT qua cầu Cầu Bến Thủy, Nghệ An thu phí dịch vụ đường bộ không đúng luật, bằng nhiều biện pháp như dùng xe ô tô với băng rôn, khẩu hiệu và dùng tiền lẻ từ tháng 12 cuối năm 2016 kéo dài cho đến đầu tháng 4 năm 2017.

Hình thức phản kháng dân sự của những người dân cư trú tại các huyện Hưng Nguyên và Nghi Xuân, thị xã Hồng Lĩnh cùng thành phố Vinh đã được Bộ Giao thông-Vận tải, chủ đầu tư và chính quyền địa phương điều chỉnh theo yêu cầu hợp lý của dân chúng và có hiệu lực từ hạ tuần tháng Tư năm ngoái.

Xuyên suốt trong năm 2017, truyền thông trong nước liên tiếp đưa tin liên quan đến hành động phản kháng dân sự tương tự ở các trạm BOT khắp từ Bắc đến Nam, phản đối thu phí quá cao hoặc trạm thu phí đặt sai vị trí, mà đỉnh điểm diễn ra tại trạm BOT Cai Lậy, Tiền Giang.

Tôi có thể nói, chứ không khẳng định, là có lợi ích nhóm ở trong đó. Người cho phép người ta thu phí trên con đường không đáng nên thu thì không phải cho miễn phí đâu. Người đó phải có lợi gì thì mới cho phép. Muốn ngăn chặn việc này thì phải minh bạch ra. Các dự án phải hỏi ý kiến dân, phải điều tra xã hội học

-TS. Phạm Sỹ Liêm

Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Nguyễn Văn Thể, khi còn giữ vai trò Thứ trưởng của Bộ này, ký phê duyệt dự án BOT Cai Lậy, đặt trạm thu phí trên Quốc lộ 1 và bắt đầu thu phí từ đầu tháng 8 năm 2017. Tuy nhiên, trạm BOT Cai Lậy phải buộc tạm ngừng thu phí trong sau khoảng 3 tháng rưỡi vì gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của dân chúng, không chỉ riêng những người di chuyển qua trạm BOT này do đường xây một nơi mà trạm đặt một nẻo, khiến người dân không đồng thuận. Vào sáng ngày 30 tháng 11, trạm BOT Cai Lậy thu phí trở lại nhưng các tài xế dùng tiền lẻ trả phí nên diễn ra tình trạng ách tắc giao thông nặng nề ở hai đầu trạm, buộc trạm BOT phải liên tục xả trạm. Vào tối ngày 4 tháng 12, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định tạm dừng thu phí tại trạm BOT Cai Lậy từ 1 đến 2 tháng để làm rõ mọi vấn đề và đề xuất các phương án phù hợp thực tiễn.

Trong cùng tình cảnh gặp phải sự phản đối những bất cập một cách quyết liệt của cánh tài xế và người dân địa phương, các trạm BOT Tào Xuyên, Thanh Hóa; BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ, Hà Nam; BOT Ninh An, Khánh Hòa; BOT Cà Ná, Ninh Thuận; BOT Biên Hòa, Đồng Nai…đồng loạt giảm giá phí. Thậm chí, Chính quyền tỉnh Thái Nguyên còn đề xuất với Bộ Giao thông-Vận tải dỡ bỏ trạm BOT Bờ Đậu, đặt trên Quốc lộ 3 cũ.

Chính phủ giải quyết

Liên quan về thực trạng BOT tại Việt Nam, dư luận xã hội đồng lên tiếng cho rằng Chính phủ và Bộ Giao thông-Vận tải cần giải quyết gốc rễ của vấn đề, chứ không phải là các giải pháp tạm thời mỗi nơi mỗi kiểu. Một số chuyên gia trong nước khẳng định nguyên nhân chính là do tất cả các dự án BOT đều được chỉ định thầu cũng như không có sự minh bạch, do đó khó tránh khỏi xảy ra tình trạng tham nhũng và lợi ích nhóm. Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây Dựng, Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm nói với RFA điều quan trọng là phải minh bạch với người dân:

“Tôi có thể nói, chứ không khẳng định, là có lợi ích nhóm ở trong đó. Người cho phép người ta thu phí trên con đường không đáng nên thu thì không phải cho miễn phí đâu. Người đó phải có lợi gì thì mới cho phép. Muốn ngăn chặn việc này thì phải minh bạch ra. Các dự án phải hỏi ý kiến dân, phải điều tra xã hội học. Đằng này các ông lại tự quyết với nhau. Đây là chuyện không đếm xỉa gì đến ý của dân cả, quan có ý kiến quan cứ làm. Dân mà phản đối thì nói dân ngu, dân hỗn…”

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận đa số dân chúng tại Việt Nam đều trông đợi trong năm mới 2018, Chính phủ sẽ quyết liệt giải quyết những bất cập của các dự án BOT qua các đề nghị và kêu gọi của giới chuyên gia liên quan đến lợi ích nhóm. Tuy nhiên, trong buổi họp báo vào chiều ngày 18 tháng Giêng của Bộ Giao thông-Vận tải, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định vận hành BOT có thể sai thủ tục, có thể chọn vị trí nhầm nhưng đảm bảo không có tham nhũng và tư túi. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể còn chuyển tải lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về BOT với các ban ngành trong buổi sáng cùng ngày:

“Thủ tướng có chỉ đạo rằng phải khẳng định BOT là một chủ trương đúng. Hiện nay chúng ta làm, sắp tới chúng ta vẫn làm. Ai làm sai thì người đó phải chịu trách nhiệm. Xin thưa các đồng chí là chủ trương này, chúng ta không dừng. Bởi vì dừng là chúng ta không có nguồn vốn để phát triển.”

Người đứng đầu ngành giao thông vận tải của Việt Nam tuyên bố tại buổi họp báo rằng Bộ Giao thông-Vận tải cam kết không tiếp tục làm BOT trên đường hiện hữu, độc đạo nữa. Bộ trưởng Bộ Giao-thông-Vận tải cũng cho biết Thủ tướng yêu cầu bí thư, chủ tịch tỉnh phải trực tiếp chỉ đạo bảo vệ trạm thu phí để có thể tiếp tục thu hút đầu tư BOT.

Tại cuộc họp báo của Bộ Công An vào chiều ngày 24 tháng Giêng, Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải yêu cầu Bộ Công An phối hợp với chính quyền địa phương bảo đảm an ninh trật tự tại các trạm thu phí BOT, theo Công điện số 82 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Công An-Thượng tướng Tô Lâm yêu cầu xem xét, xử lý ngay những thành phần lái xe có hành vi cản trở giao thông, phá hoại trang thiết bị tại trạm thu phí BOT; các cá nhân, tổ chức có hành vi gây rối, chống phá.

Cánh tài xế cũng như người dân mong muốn một cuộc hội thảo tọa đàm bàn tròn. Nói chung là có đại diện của Chính phủ, chủ đầu tư BOT và những người dân cùng các tài xế ngồi lại họp bàn với nhau để giải quyết những khúc mắc, xem xét ai sai ai đúng

-Đỗ Thanh Tao

Trước các thông tin vừa nêu từ phía Chính phủ, những người từng thực hiện phản kháng dân sự đối với các dự án BOT trong năm qua bày tỏ nguyện vọng của họ là Chính phủ tổ chức các cuộc hội thảo để giải quyết các vấn đề liên quan. Anh Đỗ Thanh Tao, một tài xế nói với RFA:

“Bây giờ cánh tài xế cũng như người dân mong muốn một cuộc hội thảo tọa đàm bàn tròn. Nói chung là có đại diện của Chính phủ, chủ đầu tư BOT và những người dân cùng các tài xế ngồi lại họp bàn với nhau để giải quyết những khúc mắc, xem xét ai sai ai đúng. Phía Chính phủ sai thì Chính phủ chịu trách nhiệm. BOT sai thì BOT phải chịu trách nhiệm. Và, tài xế hay dân sai do quậy phá…thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.”

Trong khi đó, không ít người dân từng chia sẻ với chúng tôi rằng họ sẽ tiếp tục kiên trì đấu tranh chống lại những sai trái của các trạm BOT vì sự công bằng xã hội, cho biết đã bắt đầu làm đơn khiếu nại tập thể gửi cho các cơ quan chức năng từ địa phương đến Trung ương. Một người dân, ở Biên Hòa-Đồng Nai, nói với chúng tôi có khoảng 70 tài xế cư ngụ tại đia phương đồng ký tên gửi cho Thanh tra Chính phủ:

“Chúng tôi đã gửi đơn cho Thanh tra Chính phủ, đề nghị phải thanh tra lại việc ai cho phép, ai ký đơn cho trạm thu phí Trảng Bom. Bởi vì, trạm BOT Trảng Bom đang thu với mức thu là 1500 tỷ đồng của mục đầu tư dự án giao thông, thì phải thuộc Thủ tướng Chính phủ cho phép. Tuy nhiên, hiện bây giờ trạm BOT Trảng Bom thu 1500 tỷ đồng cho đường tránh Biên Hòa là do Phó Cục trưởng ký. Chúng tôi đang có trong tay giấy tờ này. Nên yêu cầu Thanh tra Chính phủ là vì vậy.”

BOT đầu năm 2018 vẫn hỗn loạn

Những ngày đầu năm 2018, truyền thông quốc nội tiếp tục loan đi các tin tức về tình trạng náo loạn, kẹt xe nghiêm trọng và phải xả trạm nhiều lần tại trạm BOT Sông Phan-Sông Lũy, Bình Thuận; BOT Cần Thơ-Phụng Hiệp, BOT Cần Thơ-An Giang và BOT Sóc Trăng.

Hồi ngày 5 tháng Giêng, Chủ tịch thành phố Cần Thơ yêu cầu BOT Phụng Hiệp-Cần Thơ phải xả trạm, nếu không thì sẽ cưỡng chế.

Vào ngày 7 tháng Giêng, Thứ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Nguyễn Nhật, dẫn đầu đoàn công tác làm việc với chủ đầu tư dự án BOT Sóc Trăng cho báo giới biết thực hiện giảm thu phí tại trạm này, nhưng tăng thời gian thu phí từ 18 năm 2 tháng lên 23 năm 10 tháng.

Ngày 8 tháng Giêng, Ngân hàng Nhà nước phát đi thông báo không ủng hộ chuyện thanh toán tiền lẻ mệnh giá 100 đồng tại các trạm BOT và sẽ không đưa tiền mới in mệnh giá nhỏ ra lưu thông trong dịp Tết Nguyên đán.

Ngày 3 tháng Hai, Tổng giám đốc Công ty chủ đầu tư trạm BOT Ninh An, Khánh Hòa cho hay Bộ Giao thông-Vận tải không đồng ý đề xuất miễn phí đối với ô tô loại 1 của 16 xã, phường thuộc thị xã Ninh Hòa khi qua trạm này, theo sự đồng thuận giữa người dân địa phương với chính quyền và chủ đầu tư.

Chúng tôi đã gửi đơn cho Thanh tra Chính phủ, đề nghị phải thanh tra lại việc ai cho phép, ai ký đơn cho trạm thu phí Trảng Bom. Bởi vì, trạm BOT Trảng Bom đang thu với mức thu là 1500 tỷ đồng của mục đầu tư dự án giao thông, thì phải thuộc Thủ tướng Chính phủ cho phép. Tuy nhiên, hiện bây giờ trạm BOT Trảng Bom thu 1500 tỷ đồng cho đường tránh Biên Hòa là do Phó Cục trưởng ký
-Người dân ở Đồng Nai

Ngày 9 tháng Hai, Giám đốc Công ty chủ đầu tư trạm BOT Cai Lậy cho biết mặc dù đã hết thời hạn tạm dừng thu phí từ 1 đến 2 tháng theo lệnh của Thủ tướng Chính phủ, nhưng vẫn chưa hoạt động trở lại trong thời gian Tết Mậu Tuất, do phải chờ quyết định của cấp có thẩm quyền.

Một trong những thông báo mới nhất, đặc biệt gây chú ý trong dư luận là đề nghị của Tổng cục Đường bộ Việt Nam đặt biển “Cấm dừng xe quá 5 phút” cách cabin thu phí của các trạm BOT khoảng 50 mét được thực hiện và có hiệu lực từ ngày 25 tháng Giêng.

Phó cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 4, ông Nguyễn Văn Thành nói rằng quyết định này là hoàn toàn đúng thẩm quyền và đúng quy định theo quy chuẩn quốc gia về báo hiệu đường bộ. Ông Nguyễn Văn Thành còn cho biết các xe vi phạm sẽ bị xử phạt hành chánh, và trong trường hợp xe nào đã bị xử phạt rồi mà còn cố tình tiếp tục vi phạm thì sẽ bị xử lý hình sự, có thể bị phạt từ 3 đến 10 năm tù theo Điều 260 Bộ luật Hình sự.

Việc đặt biển cấm vừa nêu gặp phải sự phản đối của giới chuyên gia. Báo giới dẫn lời của Đại tá Trần Sơn, thuộc Cục Cảnh sát giao thông rằng biển “Cấm dừng xe quá 5 phút” là mang tính áp đặt vì chưa bao giờ thấy áp dụng ở Việt Nam.

Trao đổi với RFA về thông tin này, một số tài xế cho biết có một vài trạm BOT đã đặt biển “Cấm dừng xe quá 5 phút”, thế nhưng họ chưa rõ việc chế tài như thế nào khi họ trả tiền lẻ hay tiền có mệnh giá lớn, thì thời gian đếm tiền hay thối tiền của nhân viên thu ngân tại trạm BOT dài hơn 5 phút không do họ gây ra.

Chúng tôi xin được kết thúc bài ghi nhận về thực trạng BOT tại Việt Nam với ý kiến của một vài chuyên gia cho rằng Chính phủ phải nhanh chóng giải quyết minh bạch, để trong năm mới 2018 không còn tái diễn tình trạng hỗn độn tại các trạm BOT như trong năm vừa qua, mà họ gọi là hoạt động một cách vô chính phủ.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/bot-in-vietnam-aphenomenon-of-anarchy-02092018123513.html

 

Tù nhân lương tâm Cấn Thị Thêu

được tự do sau 20 tháng tù giam

Vào sáng ngày 10 tháng 02 năm 2018, tù nhân lương tâm Cấn Thị Thêu đã được mãn hạn tù tại trại giam Gia Trung (Pleiku) sau 20 tháng tù giam, với cáo buộc tôi danh “gây rối trật tự công cộng” theo điều 245, bộ luật hình sự.

Theo ghi nhận phóng viên SBTN, anh Trịnh Bá Phương, ông Trịnh Bá Khiêm (là con trai và chồng bà Thêu), nhà hoạt động Bùi Thị Minh Hằng đã có mặt trước trại giam Gia Trung ở tỉnh Pleiku để chào đón bà Cấn Thị Thêu lúc ra tù.

Trong khi đó, ở quê nhà bà Cấn Thị Thêu tại phường Dương Nội, Tp Hà Nội có rất đông bà con dân oan, nhiều người dân xung quanh đã chuẩn bị tinh thần, cờ hoa, mở hội ăn mừng chào đón người tù được mệnh danh là “anh hùng” về với bà con.

Anh Trịnh Bá Tư, chia sẻ nỗi vui mừng khi người mẹ chuẩn bị được tự do: “Chỉ còn 3 tiếng nữa là mẹ tôi sẽ rời khỏi trại giam Gia Trung về với gia đình, bố và anh trai tôi đã đáp chuyến bay tới sân bay Pleiku chiều ngày hôm qua và đang có mặt ở cổng trại chờ làm thủ tục đón mẹ tôi về. Sau khi rời trại mọi người sẽ đi chuyến Pleiku – Hà Nội và có mặt ở Dương Nội vào khoảng 16h. Gia đình và bà con Dương Nội xin gửi lời mời tới những người bạn đã từng đồng cảm, giúp đỡ chúng tôi về Dương Nội chung vui cùng gia đình và bà con nông dân trong ngày mẹ tôi trở về.”

Nhà hoạt động Lê Vi đã mô tả bà Cấn Thị Thêu như sau: “Bà được người dân biết đến là nguồn lửa, thủ lĩnh của phong trào nông dân Dương Nội. Bà còn là hình mẫu của một sự dấn thân đầy quả cảm, can trường. Khởi phát từ sự phản kháng của một nông dân mất đất, nhưng không dừng ở việc đòi đất. Cấn Thị Thêu đã trở nên như một biểu tượng bất khuất của phong trào dân quyền. Một phụ nữ bất khuất, trong một gia đình bất khuất. Một “tinh thần Cấn Thị Thêu” (chữ dùng của nhà văn Phạm Đình Trọng) hai lần ngục tù không thể khuất phục.”

Xin được nhắc lại, dân oan Cấn Thị Thêu bị nhà cầm quyền Hà Nội bắt hồi tháng 6/2016 với cáo buộc tội danh “gây rối trật tự công cộng” và bị toà sơ thẩm kết án 20 tháng tù giam. Bà tiếp tục kháng án lên toà phúc thẩm nhưng bị y án sơ thẩm.

Trước đó, bà Cấn Thị Thêu đã từng bị giam 15 tháng tù giam cùng chồng bà là ông Trịnh Bá Khiêm trong vụ án bị cáo buộc tội danh “chống người thi hành công vụ” theo điều 257. Trong vụ án này, chồng bà bị kết án 12 tháng tù giam. Sau khi mãn hạn tù, bà Cấn Thi Thêu tiếp tục dấn thân, hoạt động mạnh mẽ trong việc bảo vệ dân oan, giúp người dân oan khiếu kiện đất đai bị nhà càm quyền tước đoạt, tổ chức biểu tình trước trụ sở tiếp dân Hà Nội để kêu oan,..

Nguyên Nguyễn/SBTN

https://www.sbtn.tv/tu-nhan-luong-tam-can-thi-theu-duoc-tu-do-sau-20-thang-tu-giam/

 

Chiêu ‘mua rễ hồ tiêu’ của thương lái Trung Quốc

tái xuất tại VN

Khánh An-VOA

Cơ quan chức năng huyện Chư Pưh, Gia Lai, vừa lên tiếng cảnh báo người dân phải “cẩn trọng, tránh ảnh hưởng đến kinh tế và an ninh trật tự” trước tình trạng tái xuất hiện thương lái Trung Quốc đi thu gom mua rễ cây tiêu ở địa phương. Cơ quan phụ trách về lĩnh vực nông nghiệp nói đây có thể là “hành vi phá hoại” tái diễn từ những năm trước.

Trong báo cáo gửi UBND huyện Chư Pưh, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) huyện cho biết “Thời gian gần đây trên địa bàn thị trấn Nhơn Hoa diễn ra hoạt động thu gom, mua gốc rễ hồ tiêu với số lượng lớn khoảng 500 kg”.

Phá hoại

Báo Thanh Niên trích dẫn văn bản này cho biết thêm rằng “Việc thu gom gốc rễ hồ tiêu mục đích không rõ ràng và có dấu hiệu bất thường sẽ gây nên tình trạng người dân phá bỏ vườn tiêu để lấy rễ, đào trộm rễ tiêu để bán, gây thiệt hại đến sản xuất trồng trọt, ảnh hưởng đến trật tự an ninh nông thôn và phát triển kinh tế xã hội địa bàn tỉnh”.

Những sản phẩm nông nghiệp rất kỳ quặc mà Trung Quốc mua ở Việt Nam qua một số thương lái Trung Quốc mang tính chất phá hoại đối với kinh tế [Việt Nam].

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Tin cho hay gần đây huyện Chư Pưh bắt gặp một thương lái Trung Quốc đến thu mua rễ cây tiêu từ một nông dân trong huyện. Thương lái này đã bỏ đi khi cơ quan chức năng đến, trong khi chủ hộ nông dân nói họ thu gom rễ để ủ làm phân bón chứ không phải để bán cho thương lái Trung Quốc.

Phòng NN&PTNT huyện Chư Pưh cảnh báo đây có thể là hành vi phá hoại tái diễn của thương lái Trung Quốc đối với cây loại cây mang tính chiến lược kinh tế của địa phương này.

Năm 2013, thương lái Trung Quốc cũng đến huyện Chư Pưh và một số nơi khác ở Tây Nguyên để thu mua rễ tiêu với giá 40.000 đồng/kg. Nông dân Việt Nam đã đổ xô đào cây tiêu lên để lấy rễ bán. Hậu quả là cả một khu vực rộng lớn trồng tiêu bị phá hủy.

Trước đó, năm 2012, các thương lái Trung Quốc cũng đã “dùng tay người Việt” triệt hạ nhiều khu rừng khi người dân đổ xô vào rừng hái lá kim cương để bán cho thương lái Trung Quốc, khiến loại dược liệu quý này rơi vào nguy cơ cạn kiệt.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, từng nhiều lần lên tiếng về các chiêu thu mua của các thương lái Trung Quốc mang tính chất “phá hoại” nền kinh tế Việt Nam. Bà nói với VOA:

“Những sản phẩm nông nghiệp rất kỳ quặc mà Trung Quốc mua ở Việt Nam qua một số thương lái Trung Quốc mang tính chất phá hoại đối với kinh tế [Việt Nam]. Ví dụ như mua rễ cây, mua sừng móng trâu, hay quả cau non… Không rõ để làm gì, nhưng họ làm như vậy là phá hoại cả một nền sản xuất của Việt Nam”.

Lũng đoạn

Tháng 8 vừa qua, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam ra cảnh báo về tình trạng “lũng đoạn” của doanh nghiệp Trung Quốc đối với thị trường hồ tiêu Việt Nam.

Hiệp hội này nói có bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang điều khiển thị trường hồ tiêu bằng cách cho nhiều doanh nghiệp đến ký hợp đồng mua tiêu với bất kỳ giá nào, sau đó hối thúc thực hiện hợp đồng để các doanh nghiệp Việt Nam phải gấp rút đi gom hàng, nhưng lại khất lần việc thanh toán tiền với lý do “ngân hàng đang kiểm tra hồ sơ”.

Trong thời gian các công ty Việt Nam lo gấp rút gom tiêu để bán thì nhóm người Trung Quốc này lại tỏa đi các địa phương để thu mua tiêu và hứa hẹn bán cho các đại lý với giá thấp hơn giá thị trường. Các đại lý thấy lợi nên mua để bán lại cho các nhà xuất khẩu. Đến lúc này, người Trung Quốc bắt đầu giam hàng, không bán cho đại lý nữa, viện lý do không có hàng, khiến giá tiêu trên thị trường bị đẩy lên rất cao. Lúc này, họ tung hàng ra bán cho đại lý kiếm lời.

Đến khi các doanh nghiệp Việt Nam thu gom đủ tiêu để bán theo hợp đồng, thì tất cả các thương lái Trung Quốc đều “không liên lạc được”, trong khi tiền hợp đồng thì chưa thanh toán.

Hiệp hội Hồ tiêu cảnh báo các doanh nghiệp Việt Nam phải “thận trọng” khi giao dịch với doanh nghiệp Trung Quốc. Hiệp hội này nói các thương lái Trung Quốc cố tình tạo biến động trồi sụt giá cả, khiến thương lái trong nước không dám mua bán, từ đó thu lợi từ việc “làm giá” theo ý đồ của họ.

Theo nhận định của bà Phạm Chi Lan, xét về khía cạnh đầu tư nước ngoài, “Trung Quốc hoàn toàn không phải là một nhà đầu tư lớn”.

Bà nói: “Họ không bỏ bao nhiêu vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, mà chủ yếu vào Việt Nam qua các kênh khác, về thương mại, xuất khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam, thắng thầu các công trình, dự án tại Việt Nam”.

Cả trong nhập khẩu lẫn xuất khẩu, Trung Quốc đều có những mô thức kinh doanh, sản phẩm mang tính “chèn ép”, khiến các ngành nông nghiệp, công nghiệp Việt Nam không phát triển được. Chính những ảnh hưởng tiêu cực này đã dẫn tới làn sóng “thoát Trung” mà nhiều người dân Việt Nam cổ vũ, theo bà Phạm Chi Lan.

https://www.voatiengviet.com/a/chieu-mua-re-ho-tieu-cua-thuong-lai-trung-quoc-tai-xuat-tai-vn/4247151.html