Tin khắp nơi – 08/02/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 08/02/2018

Bắc Hàn diễu binh một ngày trước Olympics

Bắc Hàn tiến hành cuộc diễu hành kỷ niệm 70 năm ngày thành lập quân đội, một ngày ngay trước Thế vận hội mùa đông ở Hàn Quốc.

Cuộc diễu binh hàng năm của Bình Nhưỡng, nhằm đánh dấu sự ra đời của lực lượng vũ trang, luôn được tổ chức vào tháng Tư trong 40 năm qua.

Tuy nhiên, truyền thông Bắc Hàn đã thông báo vào đầu năm nay rằng sự kiện năm nay sẽ được diễn ra vào ngày 8 tháng Hai.

Chiến tranh Bắc Hàn sẽ ‘kinh hoàng’

Em gái Kim Jong-un sẽ tới Seoul dự Olympic

Bắc Hàn vi phạm lệnh cấm vận, thu lợi 200 triệu đôla

Bắc Hàn cử Chủ tịch Quốc hội tới Nam Hàn

Bắc Hàn đã bác bỏ những lời chỉ trích về kế hoạch tổ chức cuộc diễu hành, cho rằng không ai có quyền đặt vấn đề.

“Đó là tục lệ và là lẽ thường tình khi bất kỳ quốc gia nào trên thế giới coi trọng việc thiết lập quân đội của mình và muốn tán dương nó bằng các sự kiện hoành tráng,” tờ Rodong Sinmun, tờ báo của Đảng Lao động cầm quyền viết.

Hoa Kỳ cho rằng cuộc diễu hành không nên diễn ra vì trọng tâm nên tập trung vào Thế vận hội.

Theo thống tấn xã KCNA của Bắc Hàn hôm 8/2, Bắc Hàn nói không có ý định gặp các quan chức Hoa Kỳ trong Thế vận hội.

Các quan chức chính phủ Nam Hàn cho biết vào tháng trước rằng có khoảng 13.000 quân và 200 thiết bị đã được phát hiện gần một sân bay ở Bình Nhưỡng trong một khung cảnh có vẻ là một buổi tập dượt cho cuộc diễu hành.

Các chuyên gia nói Bắc Hàn dự kiến sẽ diễu hành tên lửa tầm xa của họ.

David Schmerler, một nhà phân tích của Bắc Hàn tại Trung tâm James Martin, cho biết: “Những gì chúng ta nên chú ý trong cuộc diễu hành là các loại tên lửa của Triều Tiên, có bao nhiêu chiếc, và chúng có thiết kế nào mới không.”

“Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải nhớ rằng không phải họ đang trưng bày cái gì có nghĩa là họ đang chế tạo thứ đó. Trong quá khứ, Triều Tiên đã nhiều lần diễu binh các loại tên lửa mà chưa bao giờ được sản xuất.”

“Năm 2012, Bình Nhưỡng giới thiệu chiếc Hwasong-13 của họ, nhưng nó chưa bao giờ được thử nghiệm và theo như những chúng tôi biết, nó đã bị bỏ rơi hoàn toàn.”

Năng lượng Olympic

Lễ kỷ niệm năm nay sẽ đánh dấu 70 năm Quân đội Nhân dân Triều Tiên, vốn được thành lập vào 8/2/1948. Trước đó, Bình Nhưỡng luôn tổ chức các cuộc diễu binh vào 25/4 hằng năm.

Cuộc diễu dinh năm nay diễn ra chỉ một ngày trước khi Thế vận hội mùa đông bắt đầu, từ 9 – 25 tháng Hai tại thành phố Pyeongchang ở Hàn Quốc.

Kim Yo-jong, em gái của nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un sẽ tham dự Thế vận hội, và chứng kiến cả hai miền Triều Tiên đi diễu hành dưới một lá cờ thống nhất tại lễ khai mạc.

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence cũng sẽ tham dự lễ khai mạc tại Pyeongchang hôm 9/2, nói rằng ông muốn “đảm bảo rằng Bắc Hàn không lợi dụng sức mạnh biểu tượng của bối cảnh [Thế vận hội] để đè lên sự thật về chế độ của họ.”

Nhà tổ chức chính của Thế vận hội Pyeongchang cho biết, cuộc diễu hành sẽ không ảnh hưởng đến “năng lượng” của Thế vận hội Olympic.

Lee Hee-beom nói thêm rằng tất cả 193 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc, bao gồm Bắc Hàn, đã ủng hộ Thỏa thuận Hưu chiến Olympic của LHQ cho Thế vận hội mùa đông.

Thoả thuận ngừng bắn sẽ bắt đầu bảy ngày trước khi khai mạc Thế vận hội mùa đông và kết thúc bảy ngày sau khi bế mạc.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-42985098

Kim Hyun-hui cảnh báo về Thế Vận hội Pyeong chang

Cựu điệp viên từng đánh bom phi cơ trước Olympics Seoul 1988 cảnh báo đừng ‘mắc mưu’ Bắc Hàn nhân Thế Vận hội Mùa Đông năm nay.

Bà Kim Hyun-hui là nữ điệp viên Bắc Hàn được giao nhiệm vụ của phá hoại kỳ Thế Vận hội Seoul 1988.

Đóng giả người Nhật, bà cùng một đồng đội Bắc Hàn đánh bom một chuyến bay của Nam Hàn từ châu Âu về Seoul năm 1987 làm 115 người thiệt mạng.

Họ đưa chiếc đài bán dẫn có thuốc nổ lên máy bay rời châu Âu bay qua Trung Đông về châu Á.

Sau đó, họ xuống máy bay, chuyến Korean Air 858 ở Abu Dhabi và bị bắt ở Bahrain.

Sau khi được chính phủ Nam Hàn ân xá, bà sống cuộc đời lạnh lẽ cùng chồng là người từng thẩm vấn bà.

Trước Thế vận hội Mùa đông sắp khai mạc ở Pyongcheong, bà bình luận:

“Mục tiêu sau cùng của Bắc Hàn là hoàn thiện vũ khí hạt nhân. Bắc Hàn sẽ không thay đổi qua đối thoại.

Họ không thể thay đổi qua đàm phán mềm mỏng. Tôi tin rằng chỉ có gây sức ép mới có hiệu quả với Bắc Hàn.”

Thế Vận hội Mùa Đông Pyeongchang khai mạc ngày 9/2 năm nay thị trấn miền núi của Hàn Quốc và sẽ có đoàn Bắc Triều Tiên tham gia.

http://www.bbc.com/vietnamese/42988522

 

‘Quan ngại’ về kính giám sát của công an Trung Quốc

Công an ở Trung Quốc đã bắt đầu sử dụng kính mát được trang bị công nghệ nhận dạng khuôn mặt để xác định nghi phạm.

Kính được kết nối với cơ sở dữ liệu về nghi phạm, giúp công an mau chóng tìm ra những kẻ lẩn trốn trong đám đông.

Tuy nhiên, có ý kiến lo ngại rằng công nghệ này mang lại nhiều quyền lực hơn cho chính phủ.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc nói loại kính này giúp công an bắt được bảy nghi can.

Trung Quốc tảo mộ ‘ảo’

Skype bị xóa tại Trung Quốc

Kiểm soát mạng: VN học Trung Quốc được không?

Chính sách “Một Trung Quốc” là gì?

TPHCM: Lắp camera nhận dạng mặt người

Công an sử dụng thiết bị mới tại một trạm xe buýt đông đúc ở trung tâm thành phố Trịnh Châu.

Bảy người bị bắt đã bị cáo buộc các tội tông xe bỏ chạy và buôn người.

Công an cũng nhận diện được 26 người sử dụng thẻ căn cước giả, tờ Nhân Dân Nhật báo của đảng Cộng sản Trung Quốc cho hay.

Công nghệ này cho phép cảnh sát chụp ảnh của một người “đáng ngờ” rồi so với ảnh được lưu trữ trong dữ liệu. Nếu hai ảnh tương thích, các thông tin cá nhân như danh tính và địa chỉ thường trú của người đó sẽ được gửi đến công an.

TQ viện trợ xe bọc thép cho Campuchia

TQ chặn WhatsApp trước Đại hội Đảng

TQ: thanh niên chết tại trại cai nghiện Internet

Trung Quốc củng cố lòng trung thành đảng viên bằng một tour thăm quan

Nhưng có lo ngại rằng các nhà lãnh đạo độc tài của Trung Quốc sẽ dùng loại kính này để theo dõi những nhà bất đồng chính kiến ​​hoặc những người sắc tộc thiểu số.

Trung Quốc là nước dẫn đầu thế giới về công nghệ nhận dạng khuôn mặt và thường xuyên cảnh báo công dân rằng các thiết bị này khiến tội phạm “hầu như không thể trốn tránh.”

Nước này đang xây dựng cái mà họ gọi là “mạng lưới camera giám sát lớn nhất thế giới”.

Ước tính khoảng 170 triệu camera CCTV đã được lắp đặt và có thêm khoảng 400 triệu camera mới sẽ được lắp đặt trong ba năm tới.

Nhiều camera sử dụng trí thông minh nhân tạo gồm công nghệ nhận dạng khuôn mặt.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-42935456

 

Canada yêu cầu xem xét lại

thỏa thuận bán trực thăng cho Philippines

Chính phủ Canada ngày 8 tháng 2 ra lệnh xem xét lại thỏa thuận bán trực thăng cho Philippines trị giá 233 triệu đô la vừa ký hôm 7 tháng 2. Động thái này được cho vì quan ngại những trực thăng này có thể được dùng cho việc chống bạo loạn.

Hãng Reuters dẫn lời Bộ trưởng Thương mại Canada ông Francois- Philippe Champagne nói với báo giới rằng ngay sau khi nhận được thông tin về thỏa thuận vừa nêu, Canada đã ngay lập tức tiến hành xem xét lại với phía cơ quan chức năng. Ông khẳng định thêm rằng Canada sẽ xem xét và đưa ra sự lựa chọn đúng đắn.

Trước phản ứng của Canada, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nói trong một bản thông cáo rằng số trực thăng này chủ yếu được dùng cho việc vận chuyển hàng hóa, binh sĩ bị thương và cho hỗ trợ nhân đạo cũng như ứng phó thiên tai. Ông khẳng định rằng Philippines sẽ không sử dụng số máy bay này cho việc tấn công hay hỗ trợ tấn công, mà cùng lắm chỉ là hỗ trợ an ninh quốc gia.

Ông Delfin Lorenzana cũng tiết lộ thêm rằng nếu Canada muốn ngưng thỏa thuận này thì Manila sẽ mua trực thăng từ một nguồn khác.

Hãng tin AFP của Pháp cũng dẫn lời phát ngôn nhân của Tổng thống Phi Rodrigo Duterte, ông Harry Roque, khẳng định rằng số trực thăng sẽ được dùng cho mục đích dân dụng, chứ không phải tấn công.

Trong khi đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết ông thực sự lo ngại về chuyện chính quyền Manila sẽ sử dụng những trực thăng này chống lại chính người dân Philippines. Ông nhấn mạnh rằng Canada có chính sách rất rõ ràng về việc bán vũ khí cho ai và vũ khí đó được dùng vào mục đích gì. Vì vậy, theo ông, Canada sẽ đảm bảo thỏa thuận với Phi hay bất cứ thỏa thuận nào khác phải tuân thủ chính sách này trước khi được thông qua.

Ngày 7/2 vừa qua, Bộ Quốc phòng Philippines cho biết đã mua 16 trực thăng Bell của Canada để hỗ trợ công tác chống phiến quân Hồi giáo và các cuộc nổi dậy ở trong nước. Số hàng này dự trù được chuyển giao cho Phi vào tháng 9 năm nay.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/canada-orders-review-of-deal-to-sell-helicopters-to-philippines-02082018090505.html

 

Bắc Hàn chưa có kế hoạch đàm phán với Mỹ

Bắc Hàn chưa có ý định gặp giới chức Hoa Kỳ trong dịp diễn ra Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang tại Hàn Quốc.

Thông tấn xã KCNA của Bắc Hàn dẫn phát biểu của quan chức Jo Yong Sam thuộc Bộ Ngoại Giao Bắc Hàn rằng Bình Nhưỡng chưa hề bao giờ xin được đối thoại với phía Hoa Kỳ; cụ thể là Bắc Hàn không có ý định gặp gỡ phía Mỹ trong thời gian có mặt tại Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang.

Ông Jo Yong Sam nhắc lại là phái đoàn miền Bắc đến Hàn Quốc chỉ với mục đích tham dự Thế Vận Hội và hoan nghênh thành công của việc tổ chức kỳ đại hội thể thao này mà thôi.

Phía Hoa Kỳ cũng không yêu cầu đàm phán với Bắc Hàn, nhưng Phó Tổng thống Mike Pence để mở khả năng tiếp xúc với đại diện chính quyền Bình Nhưỡng; mặc dù thông điện của ông Pence đối với vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là không thay đổi.

Phó tổng thống Mike Pence vào ngày 8 tháng 2 đã đến Hàn Quốc, trước lễ khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang.

Một phái đoàn cấp cao của Bắc Hàn cũng sẽ có mặt tại lễ khai mạc. Trong số này có người em gái của đương kim Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong- Un và ông Kim Yong Nam, người đứng đầu nhà nước Bắc Hàn trên danh nghĩa mà thôi.

Cô Kim Yo Jong, em gái của Chủ tịch Kim Jong-Un, cùng đoàn tùy tùng sẽ đi máy bay riêng đáp xuống phi trường Incheon ở Seoul vào chiều ngày thứ sáu.

Phía Bắc Hàn thông báo cho miền Nam là phái đoàn của cô Kim Yo Jong sẽ dùng cơm trưa với Tổng thống Nam Hàn, Moon Jae-in, vào ngày thứ bảy 10 tháng 2.

Phủ Tổng thống Nam Hàn cũng loan tin ông Moon Jae-in sẽ tiếp đoàn Bắc Hàn tại Nhà Xanh vào ngày thứ bảy.

Đây là lần đầu tiên một thành viên của gia tộc họ Kim cai trị ở Bắc Hàn đến Nhà Xanh ở Nam Hàn.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/north-korea-says-no-us-talks-planned-at-olympics-as-pence-lands-in-seoul-02082018085204.html

 

Ngũ Giác Đài lập kế hoạch cho cuộc diễu hành quân sự

‘vượt mặt’ Pháp của Trump

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump muốn tổ chức một cuộc diễu hành quân sự tại Washington còn hùng tráng hơn cả cuộc diễu hành mà ông đã được chứng kiến trong ngày Quốc khánh Pháp hồi năm ngoái. Theo tường thuật của thông tín viên Carla Babb của VOA tại Ngũ Giác Đài, cơ quan này đang hoạch định các kế hoạch cho một cuộc phô diễn sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ tại thủ đô của nước Mỹ.

Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis hôm 7/2 xác nhận cuộc diễu hành quân sự có thể được thực hiện.

“Chúng tôi đã đưa ra một số lựa chọn và sẽ gửi đến Tòa Bạch Ốc để xin quyết định”.

Quyết định có vẻ bất thình lình của tổng thống được lý giải khác nhau.

Bộ trưởng Quốc phòng Mattis nói đó là do lòng yêu mến của Tổng thống Trump đối với quân đội…

“Sự tôn trọng của Tổng thống, lòng yêu mến của ông đối với quân đội, tôi nghĩ được phản ánh trong việc ông ấy yêu cầu những lựa chọn này”.

Nhiều người khác thì cho rằng đây đơn giản là hội chứng tự yêu mình thái quá hay có khát vọng được người khác ngưỡng mộ.

Đại Tướng hồi hưu Paul Eaton nói:

“Việc này không có liên quan gì tới các quân nhân. Việc này chỉ nhằm thỏa mãn cái tôi của vị tổng tư lệnh, và cái tôi đó khá dễ bị tổn thương”.

Ông Trump thường nói ông muốn có một cuộc diễu hành quân sự của Hoa Kỳ hùng tráng hơn cả cuộc diễu hành mà ông đã được xem ở Paris hồi tháng 7 năm ngoái.

Các cuộc diễu hành quân sự hoành tráng rất hiếm thấy ở Hoa Kỳ. Gần nhất là cuộc diễu hành vào đầu những năm 1990 để đánh dấu chiến thắng của quân đội Hoa Kỳ trong Chiến tranh vùng Vịnh.

Những người chỉ trích nói các cuộc diễu hành quân sự thường được gắn liền với các chế độ độc tài, từ việc phô trương tên lửa của Triều Tiên, các lễ ăn mừng lớn tại Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moscow của Nga cách đây nhiều thập niên, cho tới những màn trình diễn mà Trung Quốc tổ chức cho ông Trump xem trong chuyến thăm của ông hồi năm ngoái.

Tướng về hưu Eaton nói quân đội có nhiều việc quan trọng hơn phải làm.

“Với những gì đang xảy ra ở Afghanistan, với chương trình rút quân ra khỏi Iraq và có lẽ cả những chuẩn bị để đối phó với Triều Tiên, quân đội thực sự không có thì giờ để lãng phí. Vì vậy nói chung, đây là một ý tưởng hết sức tồi tệ.”

Với một thỏa thuận về ngân sách tài trợ cho quân đội chỉ mới vừa được thông qua tại Thượng viện, tìm thêm nguồn tài chánh cho một ý tưởng tốn kém như vậy có thể sẽ khó khăn. Tuy nhiên, Tổng thống Trump vẫn được biết tiếng là người không dễ từ bỏ ý định của mình.

https://www.voatiengviet.com/a/ngu-giac-dai-dua-ra-lua-cho-cho-cuoc-dieu-hanh-/4244546.html

 

Phó TT Mỹ tỏ thái độ cứng rắn với Bình Nhưỡng

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence cho biết hôm thứ Năm 8/2 rằng Hoa Kỳ sẽ hành động với tinh thần “cảnh giác và sự cương quyết” khi đối mặt với các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, đồng thời nhắc lại lời cảnh cáo của chính quyền Tổng thống Donald Trump rằng trong khi Washington tìm kiếm hòa bình cho vấn đề Triều Tiên, Mỹ không loại trừ “bất cứ giải pháp nào.”

Phát biểu này được ông Pence đưa ra trước cử tọa gồm một số trong 54.000 binh sĩ trú đóng tại Căn cứ không quân Yokota ở phía tây thủ đô Tokyo, sau khi ông đến thăm quan căn cứ này và gặp Trung tướng Không quân Hoa Kỳ Jerry Martinez, Tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ tại Nhật Bản. Tại đây, ông Pence được báo cáo về khả năng chiến đấu của căn cứ nếu “giải pháp ngoại giao thất bại.”

Ông Pence nói dù quốc tế đã nhiều lần tỏ thiện chí, Triều Tiên đã đáp lại bằng cách không giữ lời cam kết, và các hành động khiêu khích. Ông Pence nêu bật tuyên bố trước đó rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tăng cường “chiến dịch gây áp lực tối đa” và cương quyết duy trì chiến dịch này cho tới khi Triều Tiên từ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của họ.

Ông Pence nói với các phóng viên:

“Chúng ta đang hiện diện tại một đất nước đã từng chứng kiến những tên lửa đạn đạo bay nang qua hai lần chỉ trong một tháng. Người dân nước này cũng đã chứng kiến nhiều tên lửa đạn đạo rơi xuống khu đặc quyền kinh tế của họ trong Biển Nhật Bản”

Ông nói “Các lực lượng Hoa Kỳ, Lực lượng Tự vệ Nhật Bản đã sẵn sàng để ứng phó với mọi tình huống. Chúng ta sẽ tiếp tục nói rõ với tất cả các bên rằng Hoa Kỳ và các đồng minh trong khu vực đang trong tư thế sẵn sàng hành động vào bất cứ lúc nào, để bảo vệ người dân và bảo vệ lối sống của chúng ta.”

Từ Nhật Bản, ông Pence đến Hàn Quốc để hội đàm với Tổng thống Moon Jae-in và dẫn đầu đoàn Hoa Kỳ tham dự Thế vận hội mùa đông 2018 ở thành phố Pyeongchang.

Các quan chức Hoa Kỳ không loại trừ khả năng phó tổng thống có thể gặp một quan chức Triều Tiên tại Thế vận hội này. Tuy nhiên, truyền thông nhà nước Triều Tiên hôm thứ Năm nói phía Triều Tiên không có ý định mở một cuộc gặp như vậy.

Ông Pence nói phái đoàn của ông không yêu cầu một cuộc gặp với Triều Tiên, nhưng nếu điều đó xảy ra, ông sẽ chuyển đi thông điệp nhất quán rằng Triều Tiên phải hoàn toàn từ bỏ các nỗ lực phóng tên lửa hạt nhân và đạn đạo, và Hoa Kỳ sẽ duy trì áp lực cho đến khi Bình Nhưỡng từ bỏ các chương trình đó mới thôi.

Phó Tổng thống Pence không đưa ra chi tiết những lĩnh vực nào của Triều Tiên sẽ bị chế tài và khi nào sẽ công bố các biện pháp chế tài này.

https://www.voatiengviet.com/a/pho-tt-my-to-thai-do-cung-ran-voi-binh-nhuong/4244444.html

 

Lãnh đạo Thượng viện Mỹ loan báo

thỏa thuận ngân sách hai năm

Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Thượng viện Hoa Kỳ hôm thứ Tư loan báo họ đã đạt được đồng thuận về một thỏa thuận ngân sách hai năm mà sẽ cấp cho cả Lầu Năm Góc và các chương trình nội địa khoản tiền vượt quá giới hạn hiện thời gần 300 tỉ đôla, chiều lòng các nghị sĩ Đảng Cộng hòa chủ trương tăng chi tiêu quốc phòng và các nghị sĩ Dân chủ muốn hàng tỉ đôla cấp cho các dự án cơ sở hạ tầng và giúp chống lại nạn lạm dụng chất gây nghiện opioid.

Thỏa thuận này có phần chắc sẽ được đưa vào một dự luật chi tiêu ngắn hạn mà đã được Hạ viên thông qua hôm thứ Ba và nhằm tránh được một vụ chính phủ đóng cửa vào nửa đêm ngày thứ Năm. Lãnh đạo Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer gọi thỏa thuận này là “một sự đột phá thực thụ.”

Nhà Trắng loan báo sự ủng hộ của mình dù có những khoản tăng lớn cho các chương trình nội địa mà các đối thủ Dân chủ của Tổng thống Donald Trump tìm kiếm.

“Dự luật này đã đạt được ưu tiên hàng đầu của chúng tôi, một sự gia tăng ngân quỹ rất cần có cho nền quốc phòng của chúng ta,” Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders nói. “Điểm mấu chốt là nhờ Tổng thống Trump giờ chúng ta có thể có được quân đội hùng mạnh nhất mà chúng ta từng có.”

Kế hoạch cũng bao gồm gần 90 tỉ đôla cứu trợ thiên tai vốn đã trễ dành cho các nơi hứng chịu bão như Texas, Florida và Puerto Rico.

Và nó sẽ nâng trần nợ của chính phủ lên để ngăn ngừa việc Mỹ lần đầu tiên không thanh toán được nợ đúng hạn chỉ trong vài tuần nữa.

Tuy nhiên nhà lãnh đạo hàng đầu của phe Dân chủ tại Hạ viện đã lên tiếng phản đối kế hoạch này.

Lãnh đạo thiểu số Hạ viện Nancy Pelosi tuyên bố sẽ phản đối dự luật ngân sách này trừ phi các nhà lãnh đạo Cộng hòa Hạ viện hứa sẽ đưa ra một cuộc biểu quyết về luật để bảo vệ những người người nhập cư “Dreamer” đang đứng trước nguy cơ bị trục xuất sau khi được đưa đến Mỹ bất hợp pháp lúc còn nhỏ.

Hạ viện hôm thứ Ba đã thông qua luật để giữ cho chính phủ hoạt động tới ngày 23 tháng 3, kết hợp dự luật chi tiêu ngắn hạn này với kế hoạch chi tiêu 659 tỉ đôla cho Lầu Năm Góc, nhưng kế hoạch của Thượng viện sẽ viết lại dự luật đó.

Các nhà lãnh đạo Dân chủ ở Thượng viện đã từ bỏ chiến lược sử dụng cuộc chiến cấp ngân quỹ để đòi nhượng bộ về vấn đề nhập cư, cụ thể là tìm kiếm sự bảo vệ mở rộng cho những người nhập cư “Dreamer.” Thay vào đó, Lãnh đạo Thiểu số Thượng viện Chuck Schumer chấp nhận một thỏa thuận mà sẽ cấp hàng tỉ đôla cho các ưu tiên khác – bao gồm chống lại nạn lạm dụng chất gây nghiện opioid – trong khi hy vọng giải quyết được bế tắc về vấn đề nhập cư vào một thời điểm sau đó.

Thỏa thuận ngân sách này sẽ giúp giải tỏa Lầu Năm Góc và các cơ quan nội địa khác khỏi tình trạng đình chỉ ngân sách mà các nhà lập pháp nói đe dọa tới sự sẵn sàng và hoạt động huấn luyện của quân đội, cũng như những ưu tiên đối nội khác như chống nạn lạm dụng chất opioid và sửa chữa hệ thống chăm sóc y tế cho các cựu chiến binh.

https://www.voatiengviet.com/a/lanh-dao-thuong-vien-my-loan-bao-thoa-thuan-ngan-sach-hai-nam/4243632.html

 

Thị trường Mỹ tăng lại sau những biến động

Chứng khoán trên thị trường Mỹ nhích lên thêm trong ngày giao dịch hôm thứ Tư 7/2 sau khi những biến động trên các thị trường giảm bớt và các nhà đầu tư đã quay lại thị trường đang hồi phục từ cú mất điểm kỷ lục của chỉ số Dow Jones hồi đầu tuần.

Chứng khoán của hầu hết các ngành đều tăng, với 10 trong số 11 ngành chính của chỉ số S&P tăng. Chứng khoán của các công nghiệp, tài chánh và hàng tiêu dùng tăng mạnh nhất.

Tuy nhiên các nhà kinh doanh chứng khoán vẫn thận trọng suy tính nguy cơ biến động lại xảy ra trong lúc họ đang phân tích liệu vụ chao đảo trên thị trường trong mấy ngày vừa qua có phải là khởi đầu cho một giai đoạn điều chỉnh giá thị trường sâu rộng hơn hay chỉ là một “cú vấp” trong thời gian thị trường tài chính Mỹ tăng liên tục 9 năm qua.

Trong ngày giao dịch “thất thường” hôm thứ Ba 6/2, chỉ số Dow Jones đã gia động đến 1.100 điểm từ đỉnh tới đáy, và chỉ số S&P 500 cũng ghi được kỷ lục tăng điểm trong một ngày kể từ trước khi Tổng thống Donald Trump lên nhậm chức hồi năm 2016.

https://www.voatiengviet.com/a/thi-truong-tai-chanh-my-tang-lai-sau-nhung-bien-dong/4243347.html

 

Gia đình giáo sư Mỹ bị Triều Tiên bắt giữ lên tiếng

Gia đình của một người Mỹ bị Triều Tiên giam giữ vừa công khai lên tiếng kêu gọi giúp đỡ.

Ông Tony Kim bị bắt tại sân bay Pyongyang vào ngày 22/4 năm ngoái trong lúc đang chuẩn bị rời Triều Tiên. Ông Kim dạy môn kế toán tại trường Đại học Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng.

Trong một video đăng trên YouTube, con trai cả của ông Kim, anh Sol, đặt câu hỏi liệu dịp Thế vận hội mùa đông ở Hàn Quốc có sẽ là một “cơ hội để chính phủ Mỹ tăng áp lực nhiều hơn để phóng thích” cha anh và hai công dân Mỹ khác bị Triều Tiên giam giữ hay không. Anh Sol cầm một tấm áp phích với hashtag #USA3 để đánh động dư luận trên truyền thông xã hội.

Gia đình anh Sol cho biết ông Tony Kim, 59 tuổi, còn có tên là Sang-duk Kim, từng được mời đến giảng dạy tại trường đại học của Triều Tiên, và đã tới đây nhiều lần để giúp đỡ các nạn nhân lũ lụt.

Gia đình ông Kim nói họ không biết lý do vì sao ông bị bắt giữ, và không nhận được tin tức gì về ông kể từ khi một giới chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ liên lạc với gia đình vào tháng 6 năm ngoái, khi sinh viên Mỹ Otto Warmbier được trả về Mỹ.

Sinh viên Warmbier, 22 tuổi, đã được phóng thích và trở về Mỹ trong trạng thái hôn mê, anh qua đời 6 ngày sau đó.

Khi tới Triều Tiên để đưa Warmbier trở về Mỹ vào tháng 6, đại diện đặc biệt của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Joseph Yun đã được thăm ông Kim và hai người Mỹ khác đang bị giam giữ tại đây, theo lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Heather Nauert.

Bà Nauert nói đó là lần cuối mà bất cứ ai từ Mỹ hoặc Thụy Điển trông thấy ba công dân Mỹ này. Thụy Điển là nước đại diện cho các lợi ích của Hoa Kỳ tại Bình Nhưỡng bởi vì Mỹ không bang giao với Triều Tiên.

Các công dân Mỹ khác đang bị giam giữ ở Triều Tiên là Kim Hak Song, cũng làm việc cho Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng tại thời điểm bị bắt vào tháng 5 năm 2017; và Kim Dong-chul, bị bắt vào tháng 10 năm 2016 và đang chịu án tù 10 năm lao động khổ sai sau khi thú nhận làm tình báo.

Phát ngôn viên của gia đình ông Kim nói:

“Trong khi chúng ta cổ vũ cho các vận động viên Olympic Mỹ, chúng ta cũng nên nhớ đến ba công dân Mỹ đang bị giam giữ cách đó chỉ vài dặm”.

https://www.voatiengviet.com/a/gia-dinh-giao-su-my-bi-trieu-tien-bat-giu-len-tieng/4243318.html

 

FED: Mỹ không cần tăng lãi suất trước giữa năm 2018

Giá cả tăng chậm ở Hoa Kỳ giúp Cục Dự trữ Liên bang trì hoãn việc tăng lãi suất cho đến ít nhất là giữa năm 2018, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) tại Chicago, ông Charles Evans, cho hay hôm 7/2.

Trong một bài phát biểu tại một hội nghị ngân hàng, ông cho biết: “Nếu chúng ta đi đến thời điểm đó và vững tin hơn là lạm phát đang tăng đều đặn, khi đó chắc chắn sẽ cần tăng lãi suất”. Ông Evans không biểu quyết về lãi suất trong năm nay nhưng ông được tham gia các cuộc thảo luận về chính sách của ngân hàng trung ương.

Năm ngoái, ông đã bỏ phiếu tại uỷ ban hoạch định chính sách của Fed và có quan điểm bất đồng về quyết định tăng lãi suất của cơ quan này vào tháng 12 vì lo ngại về tỷ lệ lạm phát thấp ở Mỹ, vốn luôn thấp hơn mục tiêu 2% của Fed trong những năm gần đây.

Các nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất vào tháng 3. Hồi tháng 12 năm ngoái, các nhà hoạch định chính sách đã ra dấu hiệu cho thấy có thể sẽ có ba đợt tăng lãi suất trong năm nay.

Hôm 6/2, ông Evans nói ông có thể vẫn ủng hộ “3 hoặc thậm chí, 4 lần” tăng lãi suất trong năm 2018, nếu mức lạm phát và các dữ liệu khác cho thấy đó là điều cần thiết.

Nói với các phóng viên sau bài phát biểu, ông nói rằng các dữ liệu kinh tế và tài chính gần đây cho thấy có nguy cơ ngày càng lớn là tỷ lệ lạm phát có thể tăng. Ông chỉ ra yếu tố tác động là lương bổng tăng và các biện pháp căn cứ trên thị trường để đo lường kỳ vọng lạm phát.

Ông Evans nói nền kinh tế Mỹ dường như khá vững chắc, và ông kỳ vọng lạm phát sẽ đạt mục tiêu 2% của Fed trước cuối năm 2019 hoặc trong năm 2020.

https://www.voatiengviet.com/a/fed-khong-can-tang-lai-suat-truoc-giua-nam-2018/4243232.html

 

Nga : Bộ Quốc Phòng

bị lên án để lộ thông tin cá nhân các binh sĩ

Tại Nga, từ nhiều ngày qua một cuộc tranh cãi đã dấy lên giữa một trang mạng thông tin và bộ Quốc Phòng. Trang mạng thông tin cáo buộc quân đội Nga đã để cho việc truy cập các thông tin cá nhân của các quân nhân quá dễ dãi, nhất là các dữ liệu mật về viên phi công Roman Fillipov, chết tại Syria ngày 03/02/2018.

Từ Matxcơva, thông tín viên Daniel Vallot giải thích :

Trang mạng thông tin Fontanka.ru đã phát hiện có một sự bất thường đáng lo ngại trên trang chủ của bộ Quốc Phòng Nga. Và điều bất thường đó là tất cả mọi người đều có thể tham khảo các dữ liệu cá nhân của các binh sĩ Nga, kể cả những người đang đóng quân ở nước ngoài. Theo trang mạng thông tin này, chỉ cần sử dụng tên và mã số của binh sĩ là có thể truy cập được vào các thông tin như cấp bậc, tiền lương và chức vụ của quân nhân đó.

Tất cả những thông tin này được tìm thấy trên một trang do quân đội lập ra để cho phép các binh sĩ truy cập dễ dàng vào các dữ liệu. Vấn đề chính ở đây là việc bảo vệ trang mạng đã không được tính đến và càng đáng lo hơn nữa là những thông tin này nếu như rơi vào tay kẻ xấu, thì có thể trở nên nguy hiểm.

Roman Fillipov, phi công chiếc Su-25 bị bắn hạ tại Syria

Vụ việc này được bắt đầu từ cái chết của Roman Fillipov, viên phi công của chiếc chiến đấu cơ Nga bị bắn hạ tuần rồi tại Syria. Quân nhân này đã cho nổ lựu đạn tự sát để tránh khỏi bị bắt sau khi máy bay rơi. Vài ngày sau cái chết của anh, trang mạng Fontanka tình cờ phát hiện ra rằng khi nạp tên và số hiệu, người ta có thể biết được tất cả các thông tin, kể cả mức lương hàng tháng của anh.

Trang mạng đã tiết lộ vụ việc khi cáo buộc bộ Quốc Phòng đã đặt chính các quân nhân của mình vào vòng nguy hiểm. « Bởi vì những thông tin này có thể sẽ rất nguy hiểm cho một binh sĩ nào đó nếu chẳng may anh ta bị bắt làm tù binh ».

Thiếu đạo đức nghề nghiệp

Những lời cáo buộc này đã không làm hài lòng bộ Quốc Phòng. Quả thật, cơ quan này đã phản ứng rất nhanh bằng một thông cáo đăng trên Facebook. Theo đó, trang mạng Fontaka đã « vượt quá giới hạn cho phép, kể cả giới hạn chuẩn mực và đạo đức nhà báo ».

Trang mạng đã đáp trả khi khẳng định là chưa bao giờ có ý định tiết lộ các dữ liệu liên quan đến viên binh sĩ chết tại Syria. Trang mạng cho rằng việc đăng điều tra chỉ nhằm một mục đích duy nhất : Làm sáng tỏ những khe hở an ninh trên trang mạng của bộ Quốc Phòng, cũng như mối nguy hiểm mà những khe hở này có thể gây ra cho các binh sĩ Nga.

Trang mạng viết : Chúng tôi không phải là tin tặc, chúng tôi chỉ là những phóng viên. Cuối cùng, Fontaka kêu gọi bộ Quốc Phòng nên đóng trang mạng đáng bị lên án này.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180208-nga-bo-quoc-phong-bi-len-an-de-lo-thong-tin-ca-nhan-cac-binh-si

 

Chuyện lạ

bên lề Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang 2018

Thanh Hà

Người Pháp mê phim và nhạc Hàn Quốc nhưng có cái nhìn như thế nào về 50 triệu dân xứ Hàn ? Vì sao không cử vận động viên đến Pyeongchang, nhưng Tòa Thánh Vatican lại gửi một phái đoàn chính thức đến dự lễ khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông 2018 ? Chưa khai mạc, ban tổ chức quả quyết Pyeongchang 2018 phá nhiều kỷ lục.

Ngôi làng Olympic của Pyeongchang từ nhiều ngày qua bắt đầu đón 2.900 vận động viên bảo vệ màu cờ của 92 quốc gia trên thế giới. Theo ban tổ chức, đây là cuộc tranh tài dành cho các trò chơi thể thao mùa đông có nhiều vận động viên tham gia nhất từ trước tới nay, có đông các quốc gia đến dự nhất mọi thời đại. Kỷ lục này tới nay do Sotchi 2014 nắm giữ : khi đó 2.800 lực sĩ đại diện cho 88 quốc gia bay đến thành phố ven bờ Hắc Hải của nước Nga.

Pyeoyhang 2018, cuộc chơi quy mô nhất mọi thời đại ?

Lần này ở Pyeongchang, nhiều quốc gia không mấy nổi tiếng trong các bộ môn thi đấu mùa đông như Đông Timor hay Ấn Độ đều hẹn nhau ở Hàn Quốc. Hai nước lớn luôn áp đảo tại các Thế Vận Hội Mùa Đông là Mỹ và Canada, như thông lệ, gửi hai phái đoàn rất hùng hậu đến Pyeongchang. 242 vận động viên mang màu cờ của Mỹ và thứ nhì là phái đoàn của Canada với không dưới 230 người.

Ngoài ra, về số các huy chương vàng, thì cũng chưa bao giờ ban tổ chức đề ra ngưỡng trao tặng 102 danh hiệu vô địch như trong mùa thi đấu năm nay.

Sự hiện diện của phái đoàn Vatican

Dù không một vận động viên nào thi đấu cho màu cờ của Vatican trên các đường băng ở Jeongseon, hay các sân trượt băng nghệ thuật tại cung Olympic Gangneung, nhưng đức cha Sanchez de Toca, nhân vật số 2 của bộ Văn Hóa đại diện cho Tòa Thánh Vatican sẽ có mặt tại Pyeongchang trong buổi lễ khai mạc.

Đáp lại lời mời của Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế, Vatican đến Pyeongchang với tư cách “quan sát viên“. Tòa Thánh không điều sứ giả đến dự Thế Vận Hội để quan sát cách tổ chức hay học hỏi kinh nghiệm với hy vọng được kết nạp vào đại gia đình Olympic trong nay mai.

Đức cha Sanchez de Toca đến Pyeongchang để quan sát “hòa bình“. Trả lời tờ báo Osservatore Romano, đại diện của đức giáo hoàng tuyên bố : “Thế Vận Hội Pyeongchang được mở ra gần đường biên giới giữa hai nước Triều Tiên, đây là đường biên giới được quân sự hóa nhất trên thế giới, và sự kiện này mang biểu tượng cao qua sự hiện diện của các vận động viên Bắc Triều Tiên”.

Theo ngài, “tình trạng hòa bình dù chỉ là tạm thời trong mùa Thế Vận Hội cho phép hy vọng mở ra một thế giới không có chiến tranh dù rằng nhiều xung đột đang diễn ra hiện nay”.

Sau cùng, tuy không có tham vọng gửi các vận động viên tranh tài tại các kỳ thi đấu Olympic, điều đó không cấm cản Tòa Thánh Vatican mở rộng quan hệ với Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế qua một số sự án như là hợp tác với CIO nhân mùa Olympic dành cho giới trẻ, thuộc lứa tuổi từ 14 đến 18. Sự kiện tới đây sẽ mở ra vào tháng 10/2018 tại Buenos Aires – Achentina, quê hương của giáo hoàng Phanxicô.

Pyeongchang 2018 : Biểu tượng hòa bình của Thế Vận Hội

Như thông lệ, mỗi mùa Thế Vận Hội đều có rất nhiều các biểu tượng đi kèm. Tại Pyeongchang lần này, ngoài sự hiện diện của phái đoàn Bắc Triều Tiên, công trình được chú ý đến nhiều nhất là Bức Tường Hòa Bình được dựng lên ở Ngôi Làng Thế Vận.

Bức Tường Hòa Bình Pyeongchang thực ra là một cây cầu. Tác giả là họa sĩ, kiến kiến trúc sư Yi Je Seok. Ông lấy nguồn cảm hứng từ một lời kêu gọi của đức giáo hoàng Phanxicô gửi tới muôn dân hãy bắc những nhịp cầu để con người xích lại gần nhau chứ đừng dựng nên những bức tường ngăn cách.

Trong buổi lễ cắt băng khánh thành công trình đầy ý nghĩa này, tác giả tuyên bố, ông « chân thành hy vọng Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang sẽ mở ra một con đường mà ở đó, hai nước Triều Tiên có thể tồn tại trong hòa bình. Những cuộc trao đổi cởi mở sẽ xóa đi những căng thẳng quân sự » giữa hai quốc gia cùng nằm trên một bán đảo.

Từ 2006, tại Thế Vận Hội Turino,- Ý, Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế đưa ra sáng kiến dựng lên những bức tường mà trên đó các lực sĩ tranh tài đều lưu lại một dấu ấn nhỏ để thể hiện quyết tâm hòa bình qua các bộ môn thể thao.

Lần này Pyeongchang phá lệ, thay Bức Tường Hòa Bình đó bằng một Chiếc Cầu Hòa Bình. Khi Olympic và Paralympic bế mạc, công trình có chữ ký lưu niệm của 2.900 vận động viên đại diện cho 92 quốc gia này sẽ được giữ lại ở thành phố Pyeongchang để đánh dấu lần đầu tiên Thế Vận Hội Mùa Đông diễn ra trên Xứ Hàn.

Một khó khăn bất ngờ vào giờ chót :1.200 nhân viên bảo vệ an ninh bị tiêu chảy

Ba ngày trước lễ khai mạc Thế Vận Hội, ban tổ chức phải vượt qua một khó khăn không nhỏ và đã phải cầu viện 900 quân nhân đến thay thế 1.200 nhân viên bảo vệ bị dịch tiêu chảy hành hạ.

Lập tức số này được đưa về một địa điểm cách rất xa ngôi làng Olympic dành cho các vận động viên quốc tế. Họ cũng phải lánh xa 13 địa điểm thi đấu và các trọng tài ở Pyeongchang để tránh mọi rủi ro lây nhiễm. Theo tin mới nhất hầu hết các bệnh nhân nói trên bị viêm ruột và đang trên đà bình phục vài giờ trước lễ khai mạc.

Hình ảnh Hàn Quốc trong mắt dân Pháp

Theo một cuộc thăm dò dư luận gầy đây, trong mắt các công dân Pháp, người Hàn Quốc rất chăm chỉ và cần mẫn. Điều đó có lẽ không sai. Theo nghiên cứu của Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế OCDE – trụ sở tại Paris, năm 2014 chẳng hạn, trung bình, một người lao động Hàn Quốc làm việc 2.124 giờ một năm, đứng hạng thứ nhì trong số các nước thành viên của OCDE, chỉ thua có người Mêhicô. Để so sánh người Pháp làm việc 1.473 giờ một năm, tức chỉ bằng 70% so với thời lượng lao động của người dân xứ Hàn. Mức trung bình của OCDE là 1.770 giờ làm việc một năm.

Nét đặc thù thứ nhì mà người Pháp gán cho nước chủ nhà Thế Vận Hội Pyeongchang là dân xứ này thích sửa sắc đẹp và không ngại giải phẫu thẩm mỹ. Dù chỉ có 50 triệu dân, Hàn Quốc là thị trường giải phẫu thẩm mỹ lớn thứ ba trên thế giới. Trung bình mỗi năm, có khoảng 1,3 triệu ca mổ để có được sắc đẹp vừa ý hơn. Hàn Quốc được mệnh danh là thiên đường của các bác sĩ thẩm mỹ và các thẩm mỹ viện. Quảng cáo tràn ngập đường phố, từ các trạm xe điện ngầm cho đến các nhà vệ sinh công cộng. Một đặc trưng khác là không chỉ có phụ nữ thích sửa sắc đẹp. Nam giới thường năng động hơn các bà, các cô.

Tỷ lệ sinh đẻ thấp nhất thế giới

Không hiểu có phải do quá lao tâm về sắc đẹp và hình dạng bề ngoài hay không, mà người Hàn Quốc có tỷ lệ sinh đẻ thấp nhất thế giới. Theo báo cáo gần đây nhất của OCDE, một phụ nữ Hàn Quốc chỉ sinh có 1,17 con, trong lúc tỷ lệ trung bình trên thế giới là 2,4. Tệ hơn nữa, OCDE dự báo trong năm 2017 lần đầu tiên số trẻ chào đời tại Hàn Quốc rơi xuống dưới ngưỡng 400.000. Vẫn theo báo cáo này, dân số Hàn Quốc bắt đầu giảm đi kể từ năm 2050. Kinh tế Hàn Quốc sẽ bị đe dọa. Các nhà dân số học giải thích : giá nhà quá cao và học phí cho con em quá tốn kém là hai nguyên nhân chính, khiến nhiều người chọn sống độc thân.

Nếu như người Pháp thích xem phim và nghe K-Pop, thì ngược lại tập quán ăn thịt chó của dân Hàn Quốc khiến không ít du khách đặt chân đến quốc gia Đông Bắc Á này ái ngại. Seoul thẩm định là mỗi năm, khoảng một triệu con chó bị làm thịt. Dù vậy hiện nay, 70 % dân cư tại đây không ăn thịt cầy ; 40 % đòi chính phủ ban hành một đạo luật cấm các hàng quán bán món “thịt cầy“. Riêng những thành phần đã nghiện món ăn “quốc hồn quốc túy” này thì yêu cầu chính phủ can thiệp để chó được hưởng những điều khoản ưu đãi như heo, bò, gà hay vịt, có nghĩa là phải được đưa vào các lò sát sinh và được hóa kiếp một cách nhân đạo !

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180208-chuyen-la-ben-le-the-van-hoi-mua-dong-pyeongchang-2018

 

Đức : Merkel bị chỉ trích

về thỏa thuận lập chính phủ liên minh

Minh Anh

Tại Đức, thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh vừa đạt được ngày 07/02/2018 chưa kịp ráo mực đã bị chỉ trích. Thủ tướng Angela Merkel bị phê phán là nhượng bộ quá nhiều đảng Xã Hội Dân Chủ SPD, nhất là trong việc giao bộ Tài Chính cho cánh tả điều hành.

Theo nội dung thỏa thuận, ngoài bộ Ngoại Giao, bộ Xã Hội, bộ Tài Chính sẽ được giao cho thị trưởng thành phố Hamburg, Olaf Scholz, thuộc đảng SPD. Nhiều nghị sĩ đảng CDU chỉ trích bà Merkel đã phạm một « sai lầm chính trị », báo chí cánh hữu thì lên án bà « trao tặng chính phủ cho SPD ».

Olaf Scholz là ai ? Từ Berlin, thông tín viên Pascal Thibaut cho biết thêm về nhân vật này.

Ông Olaf Scholz, một nhân vật có tiếng nói quan trọng trong đảng Xã Hội Dân Chủ SPD, sẽ nắm giữ bộ Tài Chính ở Berlin. Việc thị trưởng thành phố Hamburg trở thành phó thủ tướng, cho thấy rõ hơn nữa vai trò của ông. Dấn thân vào chính trị rất sớm trong các phong trào thanh niên của đảng Xã Hội-Dân Chủ, vị luật sư chuyên về luật lao động này từng là nghị sĩ trong vòng 12 năm và từng là tổng thư ký của đảng SPD dưới thời thủ tướng Schröder.

Lần đầu ông đảm nhiệm chức vụ bộ trưởng Lao Động trong chính phủ Angela Merkel là giai đoạn 2007-2009, tạo dựng được quan hệ tin tưởng với nữ thủ tướng. Năm ngoái, việc chuẩn bị cho thượng đỉnh G20 tại Hamburg đã cho thấy rõ mối quan hệ tốt đẹp này. Giữ chức thị trưởng thành phố Hambourg từ năm 2011, ông đã hai lần thắng cử tại đây và rất được lòng dân.

Dù bộ Tài Chính được chuyển cho cánh tả, nhưng không nên trông đợi một cuộc cách mạng. Olaf Scholz thuộc cánh hữu trong đảng SPD và đã ủng hộ các cải cách xã hội của Gerhard Schröder. Việc bình ổn ngân sách ghi trong Hiến Pháp được khẳng định trong thỏa thuận liên minh này.

Tuy nhiên, sau 8 năm dưới sự điều hành cứng rắn của ông Wolfgang Schäuble thuộc đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo tại bộ Tài Chính, tân bộ trưởng có thể có thái độ hòa giải hơn trên chính trường châu Âu. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây, Olaf Scholz yêu cầu Đức phải trả lời nhanh chóng các đề nghị của tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Sự ủng hộ thận trọng này được thể hiện trong thỏa thuận đạt được ngày hôm qua.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180208-duc-merkel-bi-chi-trich-ve-thoa-thuan-lap-chinh-phu

 

Pháp : Tuyết phủ trắng Paris và vùng phụ cận

Thu Hằng

Paris và vùng phụ cận bước sang ngày thứ ba trắng vì tuyết. Nhiệt độ vẫn xuống thấp, dưới -12°C ở một số địa phương, dù trời nắng đẹp. Ngày 08/02/2018, chính quyền tiếp tục kêu gọi người dân vùng Ile-de-France cẩn trọng để tránh lặp lại tình trạng rối loạn trong hệ thống giao thông công cộng như trong hai ngày qua.

Tám tỉnh thuộc vùng Paris – Ile-de-France vẫn bị đặt ở mức « báo động Cam » vì trời lạnh nên tuyết không tan, đóng băng gây nguy cơ trơn ngã. Theo cơ quan khí tượng Pháp, được AFP trích dẫn, « nhiệt độ xuống rất thấp vào lúc 5 giờ sáng thứ Năm (08/02), giao động từ -5 đến -12°C ở các tỉnh Yvelines, Val d’Oise, Seine-et-Marne », nằm khá xa thủ đô Paris.

Phương tiện giao thông công cộng chỉ bị xáo trộn nhẹ vì nhiều nhân viên không đến được chỗ làm. Hệ thống xe buýt đã hoạt động trở lại nhưng vẫn tùy vào điều kiện ở từng địa phương. Nhiều chuyến tầu RER nội đô và cao tốc vẫn bị hủy. Trên Twitter, Sở Cảnh Sát Paris vẫn khuyến cáo người dân không nên sử dụng xe hơi trong ngày hôm nay.

Sau ngày thứ Tư 07/02 rối loạn ở khắp nơi, từ đường bộ, đường sắt đến hàng không, đã xuất hiện nhiều tiếng nói chỉ trích công tác phòng chống thiên tai. Tổ chức các nhà vận chuyển đường bộ (OTRE) cho rằng « thiếu sự phối hợp và thiếu thông tin rõ ràng làm tình hình trở nên khó hiểu. Những điểm thiếu sót này cần được giải quyết trước khi một đợt tuyết mới sẽ rơi vào thứ Sáu (09/02) ».

Sau 24 giờ rối loạn, chính quyền bị người dân và các đảng chính trị đối lập chỉ trích gay gắt. Cánh hữu, đảng Những Người Cộng hòa, lên án chính phủ « không lường trước được tình hình ». Ông Benjamin Griveaux, phát ngôn viên của chính phủ, cũng thừa nhận là « khó lường được tuyết rơi dầy đến cỡ nào ».

http://vi.rfi.fr/phap/20180208-phap-tuyet-phu-trang-paris-va-vung-phu-can

 

Tên lửa siêu thanh BrahMos Ấn-Nga đe dọa Trung Quốc

Thu Hằng

BrahMos là sản phẩm của công ty Hàng không-Vũ trụ BrahMos, một liên doanh Nga-Ấn Độ, và được đánh giá là tên lửa hành trình siêu thanh nhanh nhất thế giới với tầm bắn gần 300 km. Hiện đang được trưng bày và chào hàng tại Triển lãm Hàng không Airshow Singapore, ý định xuất khẩu tên lửa BrahMos của Ấn Độ khiến Trung Quốc lo ngại.

Phát ngôn viên của BrahMos tại triển lãm Singapore cho biết nhiều cuộc đàm phán đang được tiến hành « với một số nước », nhưng tập đoàn chỉ muốn bán cho những quốc gia « đáng tin cậy » thân thiết với cả New Delhi lẫn Matxcơva.

Theo thông tin báo chí, nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Malaysia, Indonesia và Việt Nam, quan tâm đến việc mua tên lửa BrahMos. Trang CNBC của Úc chỉ đơn cử trường hợp Việt Nam để cho thấy lo ngại của Bắc Kinh trước việc tên lửa siêu thanh nằm trong tay các nước láng giềng.

Hà Nội hiện đang tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với Bắc Kinh. Vì vậy, nếu thỏa thuận bán tên lửa BrahMos cho Việt Nam thành hiện thực, Trung Quốc sẽ coi đó là một hành động leo thang vì « lần đầu tiên, Ấn Độ cho thấy ý định trang bị vũ khí cho một quốc gia ngay ở cửa ngõ Trung Quốc », theo nhận định của ông Shashank Joshi, phụ trách quan hệ quốc tế của Viện Tony Blair.

Chính quyền của thủ tướng Narendra Modi vẫn bác bỏ những thông tin cho rằng New Delhi sẽ bán tên lửa BrahMos cho Hà Nội. Một số quan chức Việt Nam lại nói úp mở rằng hai bên đang đàm phán.

Trung Quốc hoàn toàn có lý do để lo lắng trước loại tên lửa được mệnh danh là « sát thủ hành trình ».

BrahMos rất cơ động vì có thể được phóng đi từ trên bộ, trên biển và trên không, đồng thời có khả năng tấn công chính xác các mục tiêu của đối phương, như lô cốt, hệ thống radar, với hiệu quả tương tự như tên lửa hành trình Tomahawk được Mỹ sử dụng chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.

Vẫn theo giải thích của ông Shashank Joshi, trong trường hợp « Ấn Độ muốn bắn từ ngoài khơi, tên lửa có thể bắn tới bờ biển của kẻ thù. Nếu bắn từ trên không, tên lửa có thể tấn công được một số mục tiêu ở vùng Tây Tạng ». Chưa dừng ở đó, « Nga và Ấn Độ vẫn đang nghiên cứu để tăng gấp đôi tầm bắn của tên lửa. Nếu thành công, BrahMos còn linh hoạt hơn và nguy hiểm hơn », trong bối cảnh Ấn Độ và Trung Quốc vẫn chưa giải quyết được một số tranh chấp biên giới và luôn tỏ ra đối đầu trong những tham vọng chính trị.

Ngoài ra, giá bán cũng là một lợi thế khác của BrahMos. Theo nhà sản xuất, do công việc bảo trì ít tốn kém nên loại vũ khí này có giá cả hợp lý nhất trong số các hệ thống tên lửa hành trình đang tồn tại.

Ông Sameer Patil, giám đốc Trung tâm An ninh Quốc tế của tổ chức tư vấn Gateway House tại Mumbai, cũng cho rằng việc xuất khẩu loại tên lửa này sẽ khiến Bắc Kinh lo ngại vì BrahMos « sẽ nâng cấp đáng kể năng lực quân sự của bất kỳ nước nào mua chúng. Điều này còn đúng hơn đối với một số nước Đông Nam Á, hiện đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ».

BrahMos là một dự án đặc biệt hữu hiệu đối với Matxcơva, theo nhà phân tích quốc phòng Zoe Stanley-Lockman tại Singapore, và cũng là một trong số ít dự án hợp tác Nga-Ấn mà Matxcơva muốn tận dụng để thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng và hy vọng thay thế Hoa Kỳ trong việc cung cấp một số loại vũ khí cho Ấn Độ. Tuy nhiên, theo nhận định của CNBC, Matxcơva cũng duy trì quan hệ chiến lược với Bắc Kinh, vì vậy tổng thống Putin sẽ tỏ ra thận trọng trước những quan ngại của Trung Quốc về việc xuất khẩu « sát thủ hành trình » BrahMos.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180208-ten-lua-sieu-thanh-brahmos-an-nga-de-doa-trung-quoc

 

Pháp dự trù chi gần 300 tỷ euro cho quân đội

Thanh Phương

Theo dự luật về chi tiêu quân sự được đệ trình trong cuộc họp của chính phủ hôm nay, 08/02/2018, Pháp dự trù gia tăng đều đặn ngân sách quốc phòng, và sẽ chi ra tổng cộng 295 tỷ euro cho quân đội trong 7 năm từ 2019 đến 2025.

Trong hơn một thập niên qua, quân đội Pháp vẫn liên tục bị cắt giảm ngân sách, chỉ đến sau loạt khủng bố 2015 mới bắt đầu tăng trở lại. Ngân sách quốc phòng của Pháp trong năm 2018 là 34,2 tỷ, sẽ tăng đều đặn mỗi năm 1,7 tỷ euro cho đến 2022 và sau đó tăng mỗi năm 3 tỷ euro kể từ năm 2023.

Dự luật về chi tiêu quân sự cũng dự kiến tạo thêm 6.000 việc làm cho nhân viên dân sự lẫn quân sự từ đây đến năm 2025, đặc biệt là nhằm tăng cường lực lượng tình báo và lực lượng tác chiến không gian mạng.

Theo lời tổng thống Emmanuel Macron, mức tăng ngân sách quốc phòng nói trên sẽ được ưu tiên dành cho việc cải thiện cuộc sống thường ngày của khoảng 200 000 quân nhân và hiện đại hóa các thiết bị quân sự mà phần lớn nay đã rất cũ.

Nước Pháp cũng sẽ nghiên cứu việc thay thế chiếc hàng không mẫu hạm duy nhất, Charles de Gaulle. Hiện đang tạm ngưng hoạt động để được tu bổ lại trong 18 tháng, theo dự kiến, chiếc hàng không mẫu hạm này vào năm 2040 sẽ không còn được sử dụng nữa.

http://vi.rfi.fr/phap/20180208-phap-du-tru-chi-ra-gan-300-ty-euro-cho-quan-doi

 

Tổng thống Hàn Quốc

tiếp em gái lãnh đạo Bắc Triều Tiên

Thanh Phương

Phủ tổng thống Hàn Quốc ngày 08/01/2018 thông báo tổng thống Moon Jae In sẽ tiếp Kim Yo Jong, em gái của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un và tiếp ông Kim Yong Nam, nguyên thủ quốc gia Bắc Triều Tiên, một chức vụ mang tính hình thức một ngày sau lễ khai mạc Thế Vận Hội Pyeongchang.

Kim Jo Yong sẽ lấy máy bay riêng để đến sân bay quốc tế Incheon, gần Seoul, ngày mai, rồi sau đó đến dự lễ khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang (09/02-25/02). Đây là lần đầu tiên một thành viên của gia đình họ Kim, cầm quyền liên tục ở Bắc Triều Tiên từ thời Kim Nhật Thành, được tiếp tại phủ tổng thống Hàn Quốc.

Năm nay 28 tuổi, Kim Yo Jong là một nhân vật có ảnh hưởng ngày càng lớn trên chính trường Bắc Triều Tiên, theo lời bà Juliette Morillot, một chuyên gia về Bắc và Nam Triều Tiên, trả lời RFI Pháp ngữ :

« Kim Yo Jong, em gái của Kim Jong Un có một vai trò thật sự trong gia đình, bởi vì lãnh đạo Bắc Triều Tiên chỉ dựa vào những người mà ông có thể tin tưởng hoàn toàn. Cô đang nắm giữ một chức vụ quan trọng trong chính phủ Bình Nhưỡng và là một trong những phụ nữ có thế lực nhất ở Bắc Triều Tiên. Ngay từ đầu cô đã sát cánh với người anh. Ở Bắc Triều Tiên, mọi việc đều được quyết định trong khuôn khổ gia đình họ Kim.

Kim Yo Jong cũng được học ở nước ngoài. Giống như hai người anh, cô đã đi du học ở Thụy Sĩ, rồi khi trở về nước đã nắm giữ các chức vụ ngày càng cao, ban đầu là trong Ban Tuyên truyền và Cổ động của Đảng Lao động Triều Tiên và nay giữ một chức vụ cao cấp trong đảng. Có thể nói Kim Yo Jong hiện nay là một con chủ bài quyến rũ của Bắc Triều Tiên. »

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180208-em-gai-lanh-dao-bac-trieu-tien-tiep-kien-tt-han-quoc