Tin Biển Đông – 07/02/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

ASEAN muốn tránh đụng TQ trên bầu trời Biển Đông?

Khối ASEAN đang hy vọng sẽ có được kết quả đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử với Trung Quốc, nhưng việc đạt thỏa thuận trong vòng một năm là điều không thực tế, bộ trưởng quốc phòng Singapore nói hôm thứ Tư, 7/2/2018.

Các bộ trưởng quốc phòng hôm thứ Ba đã thảo luận một nội dung then chốt, nhằm phát triển một bộ quy tắc nhằm kiểm soát các vụ chạm trán không định trước (Code of Unexpected Encounters – CUES) ở trên không, theo báo Strait Timescủa Singapore.

Việt Nam cũng đang ‘xây cất ở Biển Đông’

Trung Quốc lại xây dựng ở Hoàng Sa?

Đâu là toan tính của TQ ở Biển Đông?

Trung Quốc và 10 thành viên ASEAN hồi tháng Tám năm ngoái đã đưa ra được một thỏa thuận khung cho vùng biển có tranh chấp, nơi Bắc Kinh đang kiểm soát phần lớn nhưng một số nước khác cũng tuyên bố chủ quyền, nhằm xây dựng bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), và đã xúc tiến đàm phán kể từ đó.

“Chúng tôi hy vọng là sẽ vấn đề này sẽ được giải quyết, nhưng đó là chủ đề rất, rất phức tạp,” hãng tin Reuters dẫn lời ông Ng Eng Hen nói với các phóng viên sau phiên họp của bộ trưởng quốc phòng các nước.

“Tranh chấp đã kéo dài cả thế kỷ. Việc trông đợi sẽ đạt được bộ quy tắc ứng xử trong vòng một năm là không thực tế,” ông nói.

Một số thành viên ASEAN có tranh chấp trên biển từ lâu nay đã muốn có một bộ COC mang tính ràng buộc pháp l‎ý và có hiệu lực thi hành đối với Trung Quốc.

TQ: ‘Xong dự thảo Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông’

ASEAN họp về Biển Đông ‘bất lợi’ cho VN

Bên cạnh việc đàm phán về COC, các bên hồi năm ngoái đã đưa ra một CUES trên biển.

Tuy nhiên, ông Ng nói, việc có một bộ quy tắc ứng xử cho phi cơ các nước cũng mang tầm quan trọng không kém, Strait Times tường thuật.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cảnh Sảng, phát biểu sau tuyên bố của ông Ng, rằng Bắc Kinh đã phối hợp với các nước trong khối ASEAN nhằm xây dựng một bộ quy tắc ứng xử làm hài lòng tất cả các quốc gia trong khu vực.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã nhanh chóng mở rộng việc triển khai quân sự tại Biển Đông.

Cũng hôm thứ Tư, lực lượng không quân nước này nói rằng các chiến đấu cơ Su-35 của Trung Quốc gần đây đã tham dự một cuộc tuần tra chiến đấu ở Biển Đông.

Tuyên bố của không quân Trung Quốc không nêu thời gian diễn ra cuộc tuần tra, cũng như địa điểm cụ thể nào ở Biển Đông.

Đâu là toan tính của TQ ở Biển Đông?

TQ tiếp tục cơi nới đảo và phản đối Mỹ

Từ Biển Đông đến Một Vành đai của TQ

Gần đây, báo Daily Inquirer của Philippnes công bố những hình ảnh mà họ nói rằng cho thấy Bắc Kinh đã gần như hoàn tất việc cải tạo, cơi nơi bảy rặng đá mà Manila tuyên bố chủ quyền ở Quần đảo Trường Sa thành những pháo đài trên đảo.

Hầu hết các hình ảnh mà Daily Inquirer có được được chụp trong thời gian từ tháng 6 tới 12/2017 cho thấy các bãi đá đã được xây thành các đảo nhân tạo và đang trong giai đoạn cuối cùng của hoạt động phát triển thành các căn cứ không quân và hải quân.

Malaysia, Brunei, Việt Nam, Philippines và Đài Loan là các bên tuyên bố chủ quyền từng phần ở Biển Đông.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-42967953

 

Các ‘pháo đài’ trên Biển Đông của Trung Quốc

sẵn sàng hoạt động

Trung Quốc bị tố cáo là đã xây những “pháo đài” trên các đảo mà họ bồi đắp trong Biển Đông. Các bức không ảnh mà một nhật báo Philippines có trong tay được các chuyên gia mô tả là ‘chi tiết và đầy đủ nhất’ về các hoạt động của Trung Quốc nhằm quân sự hóa các đảo trên Biển Đông.

Báo Philippine Daily Inquirer nói các bức không ảnh đã được các nguồn tin dấu tên trao lại cho các phóng viên của tờ báo, phần lớn được chụp trong thời gian từ tháng Sáu tới tháng 12 năm 2017, cho thấy các hoạt động xây dựng của TQ trên khắp quần đảo Trường Sa, quần đảo đang trong vòng tranh chấp giữa TQ với nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Báo The Inquirer nói những hình ảnh này cho thấy một chiến dịch xây dựng ráo riết “không hề bị hạn chế” của Trung Quốc nhằm phóng xa quyền lực của nước này trên khắp tuyến hàng hải giàu tài nguyên ở Biển Đông, nơi qua lại của các thương thuyền quốc tế vận chuyển hàng hóa trị giá lên tới hàng nghìn tỉ đôla mỗi năm.

Một số tấm ảnh chụp các tàu hàng và tàu tiếp tế mà tờ báo nói hình như được dùng để vận chuyển các vật liệu xây dựng tới các đảo mà Trung Quốc đang kiểm soát. Một số tấm ảnh khác cho thấy các công trình do Trung Quốc xây gồm phi đạo, hăng ga chứa máy bay, tháp kiểm soát, vòm radar, và các tòa nhà nhiều tầng mà Trung Quốc đã xây trên các bãi đá như đá Chữ Thập, đá Subi, đá Vành Khăn, Gaven, Gạc Ma…

Tờ The Inquirer miêu tả các bãi đá đó giờ đã trở thành những “đảo pháo đài.”

Bà Bonnie Glaser, chuyên gia về các vấn đề an ninh tại Châu Á -Thái Bình Dương, miêu tả các tấm không ảnh này là “đầy đủ nhất, chi tiết nhất từng có” về những tiền đồn quân sự của Trung Quốc trong Biển Đông.

Báo Thanh niên cũng đăng tải một băng video mà tờ báo cho biết đã được quay hồi tháng trước tại đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa.

Video cho thấy một tòa nhà màu trắng cao chừng 30 m, có trang bị súng phòng không. Ngoài ra còn có một ngọn hải đăng lớn và một cơ sở radar đã hoàn tất. Tờ báo cho biết đảo nhân tạo do Trung Quốc xây tại đây đang trong tình trạng sẵn sàng hoạt động, và phơi bày cách thức Bắc Kinh đã biến đảo nhân tạo này thành một cơ sở quân sự.

Đảo Gạc Ma đã nằm trong tay của Trung Quốc kể từ sau cuộc hải chiến giữa Trung Quốc và Việt Nam hồi năm 1988.

https://www.voatiengviet.com/a/phao-dai-trung-quoc-tren-bien-dong-san-sang-hoat-dong/4241776.html

 

ASEAN và Trung Quốc sẽ tập trận chung trong năm 2018

Tại hội nghị không chính thức Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN ở Singapore diễn ra hôm 7/2, các nước ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí tiến hành tập trận chung trong năm 2018.

Hãng tin Kyodo dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh cho biết như vậy.

Thông tấn xã Việt Nam trích nguồn tin ASEAN cho biết hai bên đã nhất trí tiến hành ‘Cuộc tập trận hàng hải ASEAN – Trung Quốc” hai lần trong năm nay.

Cũng theo Thông tấn xã Việt Nam, cuộc tập trận đầu tiên sẽ diễn ra tại vùng biển của Trung Quốc vào tháng 10. Cuộc tập trận thứ hai diễn ra ở vùng biển của một nước ASEAN, nhiều khả năng là Philippines và vào cuối tháng 11 hoặc 12.

Tại cuộc gặp các Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN ở Philippines hôm 24/10 năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore cũng đã nói tới khả năng các nước ASEAN và Trung quốc sẽ có cuộc tập chung trên biển để xây dựng lòng tin giữa hai phía. Ông cho biết Trung Quốc và ASEAN đã có những thảo luận bên lề cuộc họp về khả năng này

Hôm 31/10 năm ngoái, Trung Quốc và 6 nước ASEAN cũng đã tham gia một cuộc diễn tập chung về cấp cứu trên biển ở ngoài khơi tỉnh Quảng Đông. Việt Nam, Malaysia, Singapore và Indonesia đã không tham gia cuộc tập trận này.

Hồi năm 2015, Trung Quốc cũng đã đề nghị các nước ASEAN tiến hành tập trận chung nhưng một số nước thành viên ASEAN đã từ chối vì cho rằng Bắc Kinh muốn tập trận ở vùng nước có chủ quyền chồng lấn.

Biển Đông là khu vực hiện đang có tranh chấp về chủ quyền giữa Trung Quốc và một số nước thành viên ASEAN bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, và Brunei.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/asean-and-china-to-hold-joint-exercise-in-2018-02072018092259.html

 

Trung Quốc khoan thăm dò và khai thác tại biển Đông

Trung Quốc mới đây cho biết nước này đã hoàn tất việc khoan sử dụng nhiệt độ và áp suất cao ở khu vực Biển Đông nhằm tìm kiếm nguồn năng lượng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của nước này.

Ông Lý Trung, Kỹ sử trưởng Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) nói với Đài phát thanh Quốc gia Trung Quốc rằng việc khoan thành công là bằng chứng hơn nữa cho thấy nước này đã làm chủ công nghệ khoan nhiệt độ và áp suất cao, hỗ trợ mạnh mẽ cho việc thiết lập khu vực dự trữ khí đốt tự nhiên ở biển Đông.

Ông Lý cho biết biển Đông là khu vực có trữ lượng dầu khí lớn trong khi việc khai thác được coi là khó khăn nhất thế giới. Vì vậy việc khoan thành công khu vực này có ý nghĩa lớn.

Theo đài phát thanh Quốc gia Trung Quốc, nước này đã tiến hành khoan ở vùng trũng Yingghai tại biển Đông mà Việt Nam gọi là Bể Sông Hồng. Đây là khu vực vào năm 2012 CNOOC cho biết đã tìm được một mỏ khí lớn.

Việt Nam vào năm 1996, trong chương trình hợp tác với BP cũng đã tìm cách đánh giá trữ lượng khí ở khu vực bể Sông Hồng. Kết quả đánh giá cho thấy khu vực này có tiềm năng thu được khoảng 420 tỷ mét khối khí thiên nhiên.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/china-completed-high-temp-high-pressure-drilling-02072018091840.html

 

Biển Đông:

Singapore không hy vọng sớm có bộ Quy Tắc Ứng Xử

Trọng Nghĩa

Sau một cuộc họp của các bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN tại Singapore vào hôm nay, 07/02/2018, bộ trưởng Quốc Phòng Singapore Ng Eng Hen xác định là khối Đông Nam Á đang hy vọng đẩy nhanh tốc độ đàm phán về một bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông với Trung Quốc. Tuy nhiên, theo ông, không nên chờ đợi là thỏa thuận sẽ đạt được trong năm nay.

Phát biểu với báo chí, bộ trưởng Quốc Phòng Singapore giải thích thêm rằng Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông là một « vấn đề rất, rất phức tạp », liên quan đến một « tranh chấp từ một thế kỷ nay ».

Đọc thêm : Tạm lắng năm 2017, liệu Biển Đông sẽ lại dậy sóng trong năm tới?

Vào năm ngoái 2017, Trung Quốc và khối ASEAN đã thông qua khuôn khổ đàm phán về vấn đề này, và ca ngợi sự kiện này như là một bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, theo hãng tin Anh Reuters, việc hai bên không nhất trí được là bộ luật quy tắc phải mang tính chất ràng buộc, về mặt pháp lý, đã làm dấy lên nghi ngờ về hiệu quả của văn kiện này.

Đối với một số nước đang có tranh chấp với Trung Quốc tại Biển Đông, việc ký kết một bộ quy tắc có tính ràng buộc là một điều quan trọng, vì cho đến nay, Trung Quốc thường xuyên bị tố cáo vi phạm chủ quyền, ngăn chặn đánh bắt hải sản hay thăm dò dầu khí tại những khu vực rộng lớn đang có tranh chấp mà Bắc Kinh tự nhận chủ quyền.

Trong bối cảnh đó, tại cuộc họp cấp ngoại trưởng ở Singapore, một số quốc gia ASEAN đã bày tỏ thái độ quan ngại về các hoạt động của Trung Quốc trong các khu vực tranh chấp tại Biển Đông, trong đó có các hoạt động bồi đắp, xây dựng cơ sở.

Theo hãng tin Pháp AFP, một tuyên bố chung sau hội nghị, dù không nêu đích danh Trung Quốc, đã đề cập đến những hoạt động cải tạo đất đá của Bắc Kinh trên Biển Đông, xem đấy là những hành vi phá hoại lòng tin tưởng lẫn nhau.

Tuyên bố nói rõ là hội nghị các ngoại trưởng « đã ghi nhận những quan ngại từ phía một số ngoại trưởng về việc bồi đắp và các hoạt động khác tại khu vực, vốn làm xói mòn lòng tin lẫn nhau, khiến căng thẳng gia tăng, đồng thời có thể làm tổn hại hòa bình, an ninh và ổn định khu vực ».

Vào tháng 12/2017, Trung Quốc đã lên tiếng biện minh rằng các hoạt động xây dựng của họ trên Biển Đông là công việc « bình thường », sau khi một trung tâm nghiên cứu Mỹ công bố ảnh vệ tinh mới cho thấy các hoạt động triển khai hệ thống radar cùng các thiết bị khác của Trung Quốc tại đây.

Với Singapore làm chủ tịch luân phiên ASEAN, vấn đề tranh chấp Biển Đông đã được nêu lên trở lại, trái với năm ngoái, khi chủ tịch Philippines luôn tìm cách ém nhẹm hồ sơ này.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20180207-bien-dong-singapore-khong-hy-vong-som-co-bo-quy-tac-ung-xu