Tin Biển Đông – 06/02/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 06/02/2018

ASEAN lo ngại

về các hoạt động của Bắc Kinh trên biển Đông

Bộ trưởng ngoại giao các nước Đông Nam Á hôm 6/2 bày tỏ lo ngại về các hoạt động của Trung Quốc trên các khu vực có tranh chấp ở Biển Đông và lưu ý rằng việc bồi đắp đất vẫn tiếp tục diễn ra thậm chí sau khi đã đàm phán với hiệp hội 10 quốc gia Ðông Nam Á, và Bắc Kinh đã nhất trí về một bộ quy tắc ứng xử.

Theo ghi nhận của Reuters, các ngoại trưởng của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đang nhóm họp tại Singapore, đã hoan nghênh việc khởi động các cuộc đàm phán trong, đồng hời kêu gọi kiềm chế các hoạt động và tránh bất cứ hành động nào có thể làm phức tạp thêm tình hình.

Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan nói: “Chúng tôi đã thảo luận các vấn đề liên quan đến Biển Đông và ghi nhận quan ngại của các bộ trưởng về việc bồi đắp đất và các hoạt động trong khu vực. Điều này làm xói mòn lòng tin, làm gia tăng căng thẳng và có thể ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và sự ổn định trong khu vực.”

Singapore là chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm 2018. Trong tuần này, nước chủ tịch ASEAN chủ trì hội nghị bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng quốc phòng của khối.

Tháng 8/2017, Trung Quốc và ASEAN đã thông qua một cơ chế đàm phán cho Bộ quy tắc ứng xử (COC) trên Biển Đông.

Cả 2 bên đều ca ngợi bước đi này là một dấu hiệu tiến bộ, với việc Trung Quốc coi các cuộc đàm phán là một cơ hội để tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau. Tuy nhiên, những người chỉ trích lại cho rằng Bắc Kinh đang câu giờ để củng cố sức mạnh trên biển.

Malaysia, Đài Loan, Brunei, Việt Nam và Philippines đều tuyên bố chủ quyền một phần hoặc toàn bộ Biển Đông, một trong những hải lộ bận rộn nhất thế giới. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết hải lộ này và đã không ngừng xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở đây.

Ngoại trưởng Singapore Balakrishnan nói giải pháp cho cho vấn đề tranh chấp Biển Đông sẽ không dễ dàng thậm chí khi đang có các cuộc đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử giữa các bên.

“Nó sẽ là một cuộc đàm phán hết sức phức tạp,” Reuters trích lời bộ trưởng Singapore nói tại một cuộc họp báo. “Việc tuyên bố chủ quyền sẽ không được giải quyết chỉ bởi vì chúng ta có một COC (Bộ quy tắc ứng xử).”

https://www.voatiengviet.com/a/asean-lo-ngai-ve-cac-hoat-dong-cua-bac-kinh-tren-bien-dong/4241093.html

 

‘Bộ tứ’ lên kế hoạch chống Trung Quốc ở Biển Đông

Một nhóm bốn quốc gia liên minh phương Tây có ý định duy trì mở cửa Biển Đông cho quốc tế sử dụng, bất chấp sự kiểm soát ngày càng tăng của Trung Quốc, và có thể sẽ đưa ra các tuyên bố cứng rắn, giúp cho các đối thủ hàng hải của Trung Quốc đồng thời tổ chức các cuộc tập trận hải quân chung gần tuyến thủy lộ tranh chấp trong năm nay, theo các nhà phân tích.

Bộ tứ Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ có phần chắc sẽ áp dụng các biện pháp này hơn là trực tiếp thách thức Trung Quốc, chẳng hạn hành động của Bắc Kinh lắp đặt cơ sở quân sự trong khu vực 500 đảo nhỏ ở Biển Đông.

Giáo sư Stuart Orr, chuyên về quản lý chiến lược tại Đại học Deakin, Australia, nói: “Thứ nhất, sự hiện diện có lẽ sẽ do Hoa Kỳ thúc đẩy”.

“Nếu được dự đoán, tôi có thể nói rằng theo sau sẽ là Ấn Độ, với Nhật Bản đóng vai trò tương tự như Australia, cung cấp hỗ trợ hậu cần tiên tiến”.

Bộ tứ muốn giữ khu vực biển giàu tài nguyên, rộng 3,5 triệu cây số vuông, ở tình trạng mở trong lúc vẫn bảo vệ mối quan hệ kinh tế với Bắc Kinh, theo nhận định của các chuyên gia am hiểu vấn đề.

Hiện tàu thuyền của nhiều quốc gia vẫn đang đi lại, đánh cá và dò tìm dầu khí ở Biển Đông.

Cảnh báo

Hồi tháng 11, lãnh đạo liên minh bốn nước đã gặp nhau ở Manila để thảo luận về việc giữ tình trạng mở ở Biển Đông.

Úc và Nhật Bản sau đó lần lượt kêu gọi một “trật tự dựa trên pháp luật” và “tôn trọng luật pháp quốc tế” ở Biển Đông.

Tại cuộc họp ngày 26/1, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói với các nhà lãnh đạo từ 10 nước Đông Nam Á, trong đó có 4 nước có tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền lãnh hải, rằng Ấn Độ cam kết làm việc với họ nhiều hơn về các vấn đề hàng hải.

Các nhà phân tích dự đoán sẽ có thêm nhiều tuyên bố được đưa ra nhằm đề phòng Trung Quốc.

Chuyên gia Ben Ho của Chương trình Nghiên cứu Quân sự tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nói:

“Điều thực tế nhất họ có thể làm là ban hành một số tuyên bố về tranh chấp Biển Đông. Thậm chí, tôi cho rằng họ cũng sẽ không nêu tên cụ thể Trung Quốc trong một tuyên bố như vậy”.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên khoảng 90% Biển Đông.

Bắc Kinh nói các dữ liệu lịch sử chứng minh yêu sách chủ quyền của họ ở Biển Đông. Luận điệu này đã bị tòa án trọng tài quốc tế bác bỏ vào năm 2016.

Tập trận chung

Các chuyên gia cho rằng sự kết hợp của bốn quốc gia có thể qua việc đưa tàu hải quân đến Biển Đông, đặc biệt dọc theo vùng ven biển các quốc gia nhỏ hơn muốn chống lại tàu Trung Quốc.

Hoa Kỳ, cường quốc quân sự hàng đầu thế giới, đã đưa tàu hải quân đến Biển Đông 5 lần dưới thời Tổng thống Donald Trump, mở rộng hoạt động từ thời người tiền nhiệm nhằm khẳng định quan điểm của Washington về tự do hàng hải ở Biển Đông.

Giáo sư nghiên cứu quốc tế Oh Ei Sun của trường Đại học Nanyang, Singapore, cho rằng Nhật Bản có thể sẽ theo bước Mỹ khi nước này đang nỗ lực “thoát khỏi những hạn chế tự đặt ra”.

Tokyo đã đưa một trực thăng mẫu hạm đi qua vùng biển tranh chấp vào tháng 6 năm 2017. Nhật Bản cũng thách thức Trung Quốc ở các đảo thuộc biển Hoa Đông. Các lãnh đạo của Tokyo đang nghiên cứu thay đổi hiến pháp để lực lượng vũ trang có thêm nhiều sức mạnh hơn.

“Bạn sẽ thấy Nhật Bản cố gắng thực hiện các cuộc viếng thăm bến cảng thường xuyên hơn và thực sự tham gia các cuộc diễn tập quân sự, cung cấp huấn luyện hay những điều tương tự cho các quốc gia này”, Giáo sư Oh nhận định.

Các nhà phân tích nói Ấn Độ và Úc cũng sẽ hỗ trợ bất kỳ động thái quân sự nào nhằm cảnh báo Trung Quốc.

Úc có thể trở thành nơi để theo dõi “những gì đang xảy ra” và cập nhật thông tin, theo Giáo sư Orr.

Theo ông Sameer Lalwani, Phó giám đốc Chương trình Nam Á của trung tâm nghiên cứu Stimson của Mỹ, Ấn Độ sẽ thực hiện các cuộc viếng thăm bến cảng và tham gia bất kỳ cuộc tuần tra hải quân nào với các nước. Ấn Độ đang cạnh tranh với Trung Quốc trong việc kiểm soát địa chính trị ở khu vực Nam và Trung Á.

“Ấn Độ cũng có thể tăng cường số lượng diễn tập quân sự, cả ở cấp quốc gia lẫn với các nước khác nhằm nâng cao trình độ, tăng cường hợp tác và khả năng về tín hiệu”, ông Lalwani nói. “Rõ ràng, sự hợp tác nhiều hơn với Hoa Kỳ sẽ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ hơn”.

Cung cấp vũ khí

Theo giáo sư Stephen Nagy chuyên về chính trị và nghiên cứu quốc tế tại Đại học Quốc tế Christian ở Tokyo, Nhật Bản sẽ “tiếp tục nâng cao năng lực” của các nước đồng minh châu Á.

Ông dự đoán sẽ có huấn luyện quân sự, các thiết bị mới và hai chuyến thăm của khu trục hạm hải quân đến Việt Nam trong năm nay, “như một thông điệp cho thấy mối quan hệ càng sâu sắc giữa hai nước”.

Việt Nam được xem là quốc gia tích cực nhất trong tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc.

Tháng 1 năm 2017, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cam kết sẽ cung cấp sáu tàu tuần tra cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.

Chính phủ Hoa Kỳ cũng dự định sẽ đưa hàng không mẫu hạm đến thăm quốc gia Đông Nam Á trong năm nay.

“Với việc Hoa Kỳ đưa tàu đến, Việt Nam và các nước khác đang được mời hợp tác về an ninh”, Giáo sư Nagy nhận định.

Ấn Độ trước đây từng giúp Việt Nam dò tìm dầu khí. Nước này có thể nhờ bộ tứ để có cơ hội phát triển kinh tế, công nghệ và quan hệ ngoại giao, theo các chuyên gia.

Phản ứng của Trung Quốc

Trung Quốc dự kiến sẽ phản ứng lại hành động của bộ tứ cùng một lúc. Nếu các nước này đưa ra tuyên bố, Trung Quốc sẽ dùng lời nói để trả đũa, chuyên gia Ho nói. Nếu các nước tổ chức tập trận quân sự, Trung Quốc có thể tăng gấp đôi việc củng cố các hòn đảo mà Bắc Kinh đang nắm giữ trong chuỗi đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Vẫn theo chuyên gia Ho, ít có khả năng Ấn Độ và Nhật Bản sẽ thúc đẩy quá mạnh vấn đề nói chung vì còn phải xử lý những tranh chấp của họ liên quan đến Trung Quốc. Ấn Độ và Trung Quốc đang tranh chấp hai khu vực ở biên giới miền núi.

Đe dọa chính của Trung Quốc đối với bộ tứ có thể là về tiềm năng kinh tế. Chẳng hạn, Australia coi Trung Quốc là đối tác thương mại số 1 của nước này, với xuất khẩu tăng 27% trong năm 2016 và 2017, theo số liệu chính thức của Úc. Chính vì vậy, chuyên gia Ho cho rằng một cuộc tập trận hải quân nhiều phần chắc sẽ không xảy ra.

Ông nói: “Tôi cho rằng Canberra có quá nhiều nguy cơ bị đe dọa về các liên kết kinh tế với Bắc Kinh để có thể có một biện pháp mạnh mẽ như vậy”, ông Ho nói. “Cuối cùng thì Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của Australia, cả về nhập khẩu và xuất khẩu, và Canberra sẽ không làm bất cứ điều gì quyết liệt để gây tổn hại cho mối quan hệ này”.

https://www.voatiengviet.com/a/bo-tu-len-ke-hoach-chong-trung-quoc-o-bien-dong/4239971.html

 

‘Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông,

Philippines nên phản đối’

Chính phủ Philippines được yêu cầu phản đối ngoại giao về việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông.

Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Roilo Golez ngày 5/2 nói Philippines không nên im lặng trước việc Trung Quốc xây dựng nhiều căn cứ quân sự trên hải lộ chiến lược này.

Những bức ảnh mới đây mà báo Inquirer có được cho thấy Trung Quốc đã tích cực xây dựng trên các đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa—như các đường băng, các trạm ra-đa và những cơ sở quân sự khác. Một số chiến hạm đậu chung quanh các bãi đá ngầm cũng được chụp hình.

Những bức ảnh này xác nhận việc quân sự hóa 3 đảo nhân tạo và đây là căn cứ để phản đối ngoại giao về việc ông Tập Cận Bình đã đảm bảo hồi năm ngoái là những đảo nhân tạo này sẽ không bao giờ được quân sự hóa,” ông Golez viết trên trang blog của ông.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đảm bảo với Tổng thống Philippines là sẽ không có việc quân sự hóa tại Biển Đông trong cuộc họp song phương của hai nhà lãnh đạo này bên lề Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương tháng 11 năm ngoái tại Việt Nam.

Căn cứ vào những hình ảnh chụp từ trên không mà tờ Inquirer có được (chụp trong khoảng thời gian tháng 7 và tháng 11 năm 2017), những đường băng Đá Vành Khăn, Đá Subi, và Đá Chữ Thập dường như đã hoàn tất hay hầu như sẵn sàng sử dụng.

Tòa án Trọng tài Quốc tế vào năm 2016 phán rằng Đá Vành Khăn nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và chỉ nước này là có quyền xây dựng những cấu trúc trên đó.

Ông Golez nói “Đá Vành Khăn nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi và đây là việc Trung Quốc tiếp tục vi phạm vùng này của chúng tôi. Đây là một mối đe dọa đối với Palawan vì Palawan chỉ cách đó có 130 dặm. Một máy bay chiến đấu phản lực đậu tại Đá Vành Khăn có thể bay đến Palawan trong vòng 15 phút.”

Vẫn theo lời ông, Đá Subi cũng là một “đe dọa to lớn” vì chỉ cách Đảo Thị Tứ có 12 dặm. Đảo Thị Tứ là đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa do Philippines chiếm đóng.

Theo cựu cố vấn an ninh quốc gia này, sự có mặt của các chiến hạm Trung Quốc trong các bức ảnh cũng là điều “rất đáng lo ngại.”

(Nguồn Global National/Inquirer)

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-quan-su-hoa-bien-dong-philippines-nen-phan-doi/4240641.html

 

Biển Đông : Manila cấm nước ngoài thăm dò

một khu vực bị tranh chấp chủ quyền

Tú Anh

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ra lệnh cấm « tất cả » người ngoại quốc thực hiện khảo sát khoa học tại một vùng biển rộng lớn ở ngoài khơi đảo Luzon nơi mà Bắc Kinh vừa tiến hành một hải vụ nghiên cứu. Quyết định này được loan báo hôm thứ Ba 06/02/2018.

Trong cuộc họp báo, phát ngôn viên phủ tổng thống Harry Roque cho biết từ nay « chỉ có người Philippines mới được quyền khảo sát, thăm dò khoa học và khai thác tài nguyên ở khu vực được gọi là Philippines Rise ».

Theo AFP, đây là một vùng biển rộng 13 triệu hecta, giàu tài nguyên thiên nhiên, nằm cách đảo Luzon, đảo lớn nhất của Philippines, 250 km. Từ năm 2012, khu vực này được Liên Hiệp Quốc công nhận là thuộc đặc quyền kinh tế của Manila trong bối cảnh bị Bắc Kinh tranh chấp chủ quyền.

Quyết định của tổng thống Duterte khá bất ngờ vì cách nay ba tuần, Philippines còn cho phép Trung Quốc thực hiện một hải vụ khoa học trong vùng tranh chấp này. Theo lệnh mới của tổng thống Philippines, chuyến thăm dò của Trung Quốc nói trên là « chuyến cuối cùng ». Tất cả giấy phép đã cấp cho các nước khác, kể cả 26 giấy phép đã cấp cho các tổ chức khoa học Mỹ, Nhật và Hàn Quốc đều bị thu hồi.

Bộ trưởng Nông Nghiệp Emmanuel Pinol cho biết thêm : Hải quân được lệnh « truy đuổi » mọi tàu nước ngoài lai vãng đến khu vực để đánh cá hay khảo sát.

Không rõ có phải do tình cờ hay không, cùng ngày, nhật báo độc lập Philippines Daily Inquirer công bố không ảnh, có lẽ do bộ Quốc Phòng cung cấp, cho thấy Trung Quốc « hầu như đã hoàn tất kế hoạch quân sự hóa Biển Đông » trong đó có các đảo đá trong vùng biển thuộc chủ quyền truyền thống của Philippines. Các bức ảnh này một lần nữa nêu lên những nghi vấn về đường lối thỏa hiệp của tổng thống Duterte với Bắc Kinh.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180206-bien-dong-manila-cam-tau-nuoc-ngoai-tham-do-mot-khu-vuc-bi-tranh-chap-chu-quyen

 

Chuyên gia Trung Quốc :

Bắc Kinh sẽ tăng cường bồi đắp ở Biển Đông

Mai Vân

Cùng lúc với việc báo chí Philippines tung thêm ảnh chụp tố cáo Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông, các chuyên gia Trung Quốc đã xác nhận rằng Bắc Kinh sẽ mở rộng các hoạt động cải tạo đất đai ở Biển Đông. Tuy nhiên, theo ghi nhận của nhật báo Singapore The Straits Times ngày 06/02/2018, các chuyên gia này cho là Trung Quốc sẽ tập trung vào việc thành lập cơ sở hạ tầng dân dụng trên các đảo nhân tạo hơn là các cơ sở quân sự.

Theo The Straits Times, trả lời Hoàn Cầu Thời Báo ngày 05/02, chuyên gia Trần Tương Miểu (Chen Xiangmiao), thuộc Viện Nghiên Cứu Nam Hải ở Hải Nam, nhận định : « Hầu hết các công trình xây dựng trên các hòn đảo ở Biển Đông đã được hoàn thành vào năm 2015, và tốc độ bồi đắp đã chậm lại. Công việc xây dựng cơ sở dân sự sẽ là trọng tâm chính…, còn phần triển khai quốc phòng tương đối nhỏ. »

Theo nhà nghiên cứu này, một số hòn đảo có khả năng được mở rộng trong tương lai thông qua việc nạo vét thêm. Điều đáng chú ý là chuyên gia Trung Quốc xác định rằng việc giảm bớt căng thẳng giữa Bắc Kinh và các nước Đông Nam Á như Philippines đã tạo « cơ hội vàng » cho Trung Quốc nâng cấp hạ tầng cơ sở trên Biển Đông.

Theo một chuyên gia khác, tiến sĩ Trang Trung Thổ (Zhuang Guotu), lãnh đạo Trung Tâm Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại Hoc Hạ Môn ở Trung Quốc, các phương tiện truyền thông nước ngoài đã « thổi phồng » công việc xây dựng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Nhân vật này đã nhắc lại gần như nguyên văn quan điểm của Bắc Kinh : « Trung Quốc có quyền xây dựng bất cứ cái gì trên lãnh thổ của mình », và nói thêm là việc Bắc Kinh triển khai quân sự tại Biển Đông chỉ để bảo vệ an ninh và lợi ích của Trung Quốc chứ không phải là hành động bành trướng quân sự.

Cả hai chuyên gia nói trên đều tố cáo Mỹ là mối đe dọa lớn nhất đối với sự ổn định ở Biển Đông.

Theo một báo cáo chính thức của Trung Quốc được công bố vào tháng 12/2017 trên trang web của Cơ Quan Thông Tin và Dữ Liệu Hàng Hải Quốc Gia Trung Quốc và tờ Nhân Dân Nhật Báo, ấn bản hải ngoại, trong năm 2017, Bắc Kinh đã xây dựng trên một diện tích khoảng 290.000 mét vuông ở Biển Đông. Các công trình mới kho chứa ngầm dưới mặt đất, tòa nhà hành chính và đài radar lớn.

Báo Philippine Daily Inquirer mới đây đã công bố một báo cáo cho thấy là Trung Quốc đã gần như hoàn tất việc chuyển bảy rạn san hô ở Biển Đông thành « pháo đài trên đảo » nhằm « thống trị » Biển Đông.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180206-chuyen-gia-trung-quoc-bac-kinh-se-tang-cuong-boi-dap-o-bien-dong

 

Hoạt động của Trung Quốc ở biển Đông

làm xói mòn niềm tin

Hoạt động tiếp tục cải tạo đá và đảo của Trung Quốc tại Biển Đông làm xói mòn niềm tin giữa các quốc gia có tuyên bố chủ quyền chồng lấn tại đó, cũng như làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Hãng tin AFP loan tin vừa nêu cho biết bộ Trưởng Ngoại giao 10 nước thuộc Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á- ASEAN, ra thông cáo sau cuộc họp một ngày tại Singapore mặc dù không nêu đích danh Trung Quốc.

AFP dẫn phát biểu của bộ trưởng ngoại giao Singapore, Vivian Balakrishnan, đưa ra trong thông cáo rằng 10 bộ trưởng ngoại giao ASEAN ghi nhận quan ngại được một số người tương nhiệm đưa ra đối với công cuộc bồi lấp đảo nhân tạo và các hoạt động tại Biển Đông. Điều này làm xói mòn niềm tin, gia tăng căng thẳng, có thể làm phương hai đến hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.

Vào tháng 12 năm ngoái, sau khi AMTI công bố những ảnh vệ tinh về hoạt động xây dựng trên các đảo tranh chấp tại Biển Đông, Trung Quốc lên tiếng bảo vệ hoạt động bồi đắp đảo tại Biển Đông và cho rằng đó là hoạt động bình thường.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/china-activity-on-reclaimed-reef-has-eroded-trust-asean-says-02062018085719.html