Tin khắp nơi – 06/02/2018
Tên lửa khổng lồ của SpaceX sẵn sàng phóng thử
Elon Musk, CEO của Space X, một công ty chuyên sản xuất thiết bị vũ trụ, chuẩn bị phóng thử tên lửa mạnh nhất thế giới hiện nay: Falcon Heavy, vào rạng sáng ngày 7/2 theo giờ Việt Nam.
Do tỷ lệ thất bại cao của các chuyến bay được thử nghiệm trước đó, người ta chỉ sử dụng hàng hoá tượng trưng trong chuyến bay này.
Chiếc Tesla mui trần màu đỏ Musk đang sử dụng kèm theo một hình nộm mặc bộ đồ phi hành gia trên ghế ngồi lái sẽ được phóng đi.
Đây là một ý tưởng quảng cáo 2 trong 1 vì Musk cũng là đồng sáng lập hãng Tesla Motor.
“Chiếc xe thực hiện chuyến hành trình cách xa Trái Đất 400 triệu km với vận tốc 11km/s,” ông phát biểu với báo giới hôm thứ Hai.
“Chúng tôi ước tính nó sẽ duy trì quỹ đạo tại đó hàng trăm triệu năm, thậm chí vượt ngưỡng một tỷ năm.”
Tên lửa Falcon Heavy được cấu thành từ 3 tên lửa Falcon 9, có tổng cộng 27 động cơ đẩy Merlin, đủ khả năng mang 64 tấn hàng hoá lên quỹ đạo tầm thấp của Trái Đất.
http://www.bbc.com/vietnamese/media-42957867
Trung Quốc thử thành công tên lửa đánh chặn
Trung Quốc hôm 6/2 cho biết nước này đã thử thành công hệ thống đánh chặn tên lửa vào giữa lúc đang có những căng thẳng về chương trình hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên và các tranh chấp trên biển với những nước khác.
Thông báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết vụ thử hôm 5/2 đã đạt được những mục tiêu đặt ra nhưng không nói cụ thể đó là mục tiêu nào và cũng không cho biết địa điểm phóng thử là ở đâu trên đất Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng nói vụ thử chỉ là phòng vệ và không nhắm vào bất cứ nước nào.
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dẫn tuyên bố từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết tên lửa được phóng đi từ mặt đất, phá hủy thành công tên lửa đạn đạo giả định trong giai đoạn giữa chuyến bay.
Trung Quốc hiện đang phản đối mạnh mẽ việc Nam hàn cho Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD trên đất Nam Hàn và nói rằng Trung Quốc sẽ có những biện pháp đáp ứng.
Trung Quốc thời gian qua cũng gia tăng sự hiện diện quân sự trên các đảo nhân tạo ở biển Đông hiện đang có tranh chấp với một số nước khác ở châu Á. Ngoài ra, Trung Quốc cũng thường xuyên điều tàu tuần tra vào vùng nước gần Nhật Bản ở biển Hoa Đông nơi hai nước có tranh chấp chủ quyền.
Chứng khoán Mỹ lao dốc khiến toàn cầu bán tháo
Chứng khoán Mỹ rơi vào tình trạng tồi tệ nhất trong hơn sáu năm qua hôm 5/2 gây làn sóng bán tháo trước quan ngại trước lãi suất tăng cao.
Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones giảm 1.175 điểm, tương đương 4,6% đóng cửa ở mức 24.345,75 điểm.
Nhà Trắng trấn an các nhà đầu tư rằng họ tập trung vào “các nguyên tắc cơ bản của kinh tế dài hạn”.
TBT Trọng muốn làm rõ tài sản của bà Thoa
Bình luận về tỷ phú bất động sản ở VN
Bầu cử Anh ảnh hưởng gì tới kinh doanh châu Á
Từ thời điểm được bầu vào tháng 11/2016, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viết trên Twitter vài lần về sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán Mỹ để minh chứng cho sự cải thiện thị trường.
David Kuo, giám đốc điều hành của hãng Tư vấn Tài chính Motley Fool nói: “Sự phục hồi của thị trường có thể là do những tin kinh tế tích cực”.
Sự sụt giảm của chỉ số Dow Jones trong ngày 5/2 đạt mức lớn nhất kể từ tháng 8/2011, thời điểm thị trường giảm do hậu quả của “Thứ Hai Đen” – ngày hãng Standard & Poor hạ xếp hạng tín dụng của Mỹ.
Công ty có vốn Thái mua nhiều cổ phần Sabeco?
Hãng túi khí Nhật Takata nộp đơn phá sản
Vụ bán cổ phần Sabeco có diễn biến mới
VN muốn tăng tốc cổ phần hóa DNNN
Điều đó xảy ra sau khi Quốc hội Mỹ bác kế hoạch cứu trợ ngân hàng trị giá 700 tỷ đôla sau khi ngân hàng đầu tư Lehman Brothers sụp đổ.
Sự sụt giảm chỉ số Dow Jones đi cùng chỉ số S&P 500 giảm 4,1% và Nasdaq giảm 3,7%.
Tại London, chỉ số FTSE 100 của các công ty hàng đầu cũng giảm 1,46% hay 108 điểm.
Trong phiên đầu tuần ở châu Á hôm 6/2, chỉ số Nikkei 225 của Nhật sụt 4,8% trước khi phục hồi nhẹ, trong khi chỉ số S&P/ASX 200 của Úc giảm 2,7%. Tại Nam Hàn, Kospi mất 2,3%.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-42935451
Máy bay chở khách của Trung Quốc
sẽ được chuyển giao vào năm 2021
Trung Quốc sẽ chuyển giao chiếc máy bay chở khách do chính nước này tự chế tạo lần đầu tiên cho khách hàng vào năm 2021.
Ông Lu Zheng, Phó Giám đốc phụ trách bán hàng và Marketing của Tập đoàn Máy bay Thương mại của Trung Quốc (COMAC) cho biết hãng này có kế hoạch sẽ hướng tới thị trường Trung Quốc đầu tiên trước khi hướng tới các thị trường tiếp theo là Đông Nam Á và châu Phi.
Phát biểu tại Triển lãm hàng không Singapore diễn ra vào hôm 6/2, ông Lu cho biết máy bay C919 với sức chứa 168 hành khách của hãng sẽ có thể rẻ hơn những máy bay tương tự của những hãng cạnh tranh.
Theo ông Lu, máy bay C919 đã được bay thử lần đầu vào tháng 5 năm ngoái và lần hai vào tháng 12. Tất cả những lần bay thử đều thành công.
Người đại diện COMAC cũng cho biết hiện hãng đã nhận được 785 đơn đặt hàng C919, bao gồm 34 đơn đặt hàng từ nước ngoài bao gồm Đức, Thái Lan.
Nam Hàn sẽ không sử dụng cờ có hình đảo tranh chấp
Nam Hàn sẽ không sử dụng lá cờ có hình những đảo đang tranh chấp với Nhật Bản tại thế vận hội Mùa Đông ở Pyeongchang. Bộ Quốc phòng Nam Hàn công bố quyết định này hôm 6/2 sau khi Nhật Bản lên tiếng phản đối.
Trước đó hai miền Nam Bắc Triều Tiên đã thống nhất sẽ diễu hành chung tại lễ khai mạc Olympics vào ngày 9/2 với lá cờ liên Triều trong đó có một chấm thể hiện nhóm đảo Dokdo mà Nhật Bản gọi là Takeshima. Hai bên cũng dự định sẽ sử dụng là cờ cho đội hockey trên băng nữ của hai nước.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nam Hàn Noh Kyu-duk nói với báo giới rằng lập trường cơ bản của nước này là tôn trọng quyết định của Ủy ban Olympics Quốc tế (IOC) về việc sử dụng lá cờ bán đảo Triều Tiên. Mà cụ thể là cho các sự kiện do IOC chủ trì.
Trung Quốc nói giam ông Quế Dân Hải
theo luật hình sự
Trung Quốc hôm thứ ba ngày 6/2 thừa nhận đã bắt giữ nhà xuất bản sách ở Hong Kong quốc tịch Thụy Điển, ông Quế Dân Hải theo luật hình sự.
Ông Quế, năm nay 53 tuổi, bị cảnh sát Trung Quốc bắt giữ khi đi trên tàu đến Bắc Kinh khoảng hai tuần trước. Đi cùng ông lúc đó có 2 đại diện ngoại giao Thụy Điển khác.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói tại cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh rằng ông Quế đã vi phạm luật Trung Quốc nên giới chức có thẩm quyền của Trung Quốc đã sử dụng các biện pháp hình sự bắt buộc để bắt giữ ông Quế. Tuy nhiên người đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không cho biết cụ thể ông Quế phạm tội gì.
Trước đó, hôm 5/2, Thủ tướng Thụy Điển Margot Wallstrom đã gọi vụ bắt giữ ông Quế là can thiệp thô bạo, vi phạm các nguyên tắc quốc tế cơ bản về hỗ trợ lãnh sự.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói chỉ trích của Thụy Điển là vô trách nhiệm. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng nói rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận những phát biểu vô trách nhiệm từ phía Thụy Điển và mạnh mẽ yêu cầu phía Thụy Điển phải kiềm chế, không làm những việc phương hại đến sự tôn trọng giữa hai bên và quan hệ chung hai nước.
Ông Quế là một trong 5 người xuất bản sách ở Hong Kong nổi tiếng bởi những sách về đời tư của các lãnh đạo Trung Quốc.
Ông đã từng bị Trung Quốc bắt giữ hồi năm 2015 khi đang đi du lịch Thái Lan. Ông bị kết tội liên quan đến một tai nạn giao thông gây chết người và đưa lậu sách vào Hoa Lục.
Trung Quốc sau đó cho biết nước này đã trả tự do cho ông Quế vào tháng 10 năm ngoái. Tuy nhiên con gái ông Quế là cô Angela Quế nói với hãng tin AFP là ông vẫn bị giam giữ tại nhà ở thành phố Ninh Ba ở Trung Quốc.
Cô Quế lo ngại là cha của mình sẽ bị đưa ra tòa và chịu một án tù dài hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe của ông.
Các nhà hoạt động dân chủ Hong Kong được tự do
Thủ lãnh phong trào dân chủ Hong Kong là anh Hoàng Chi Phong cùng hai nhà hoạt động dân chủ hàng đầu khác của Hong Kong không còn phải chịu án tù theo phán quyết của tòa tối cao Hong Kong vào hôm 6/2.
Hoàng Chi Phong, La Quán Thông và Châu Vĩnh Khang bị bắt giữ hồi tháng 8 năm ngoái vì vai trò của họ trong phong trào đòi dân chủ Cây Dù vàng ở Hong Kong hồi năm 2014.
Tòa sơ thẩm ở Hong Kong sau đó đã tuyên Hoàng Chi Phong và La Quán Thông chịu hình phạt lao động công ích và Châu vĩnh Khang chịu án treo. Sau đó chính phủ Hong Kong đã can thiệp khiến tòa phúc thẩm ra phán quyết mới bắt cả ba người phải chịu án tù từ 6 đến 8 tháng. Cả ba người sau đó đã kháng án.
Chánh án tòa Tối cao Hong Kong Geoffrey Ma hôm 6/2 nói rằng hình phạt mà tòa đưa ra đối với 3 người trước kia nặng nề hơn mức hình phạt đã đưa ra trước đó với những vi phạm tập trung đông người.
Trung Quốc nỗ lực xâm nhập khu vực sông Mekong
Kính Hòa RFA
Giữa tháng Giêng năm 2018, sau cuộc họp lần thứ hai của tổ chức Lan Thương Mekong, Trung Quốc và 5 quốc gia dọc sông Mekong bao gồm Myanmar, Lào, Thái Lan, Cam Pu Chia và Việt Nam, cùng ký một tuyên bố chung về sự hợp tác Lan Thương Mekong, một sáng kiến do Trung Quốc đưa ra, nhằm hợp tác phát triển toàn bộ sáu quốc gia dọc sông Mekong.
Trong khi đó trong vùng này đã có một tổ chức được thành lập từ rất lâu là Ủy ban Sông Mekong, có cùng một mục đích như Trung Quốc tuyên bố trong sáng kiến của mình. Ủy ban này bao gồm Việt Nam, Lào, Cam Pu Chia, và Thái Lan.
Trung Quốc không gia nhập Ủy ban sông Mekong
Tại sao Trung Quốc không tham gia Ủy ban sông Mekong mà lại thành lập một tổ chức hợp tác mới, bộ phận báo chí của Ủy ban sông Mekong trả lời chúng tôi qua một email:
Lan Thương Mekong là một sáng kiến của Trung Quốc để mở rộng ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á lục địa, các nước dọc hạ lưu sông Mekong.
-Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp.
“Ủy ban Sông Mekong luôn mong muốn hai đối tác là Myanmar và Trung Quốc gia nhập như là những thành viên của Ủy ban. Chúng tôi đã thông qua nhiều phương cách để có thể làm được điều đó, như là nghiên cứu chung, gặp gỡ đối thoại,… Sắp tới đây chúng tôi có một hội nghị thượng đỉnh của Ủy ban với sự tham gia của các nhà lãnh đạo những quốc gia thành viên, để tái khẳng định sự cam kết của những nhà lãnh đạo cũng như vạch hướng tương lai cho Ủy ban Sông Mekong. Chúng tôi mong muốn các vị đại diện cao cấp của Myanmar và Trung Quốc sẽ đến tham gia cùng chúng tôi.
Nhưng điều đó không do chúng tôi quyết định, cũng giống như chuyện tại sao họ không tham gia Ủy ban Sông Mekong, và Trung Quốc lại thành lập tổ chức Hợp tác Lan Thương Mekong.”
Theo thông tin từ báo chí, tại cuộc họp lần thứ hai của tổ chức hợp tác Lan Thương Mekong, Ủy ban Sông Mekong không được mời tham dự. Tuy vậy ông Phạm Tuấn Phan, hiện đứng đầu Ủy ban này nói với báo chí Cam Pu Chia là Ủy ban Sông Mekong sẽ mời Myanmar và Trung Quốc tham dự hội nghị thượng đỉnh của các quốc gia thành viên vào tháng Tư tới đây tại thành phố Siam Reap, Cam Pu Chia.
Vấn đề gia nhập Ủy ban sông Mekong của Myanmar và nhất là Trung Quốc đã được nhiều nhà nghiên cứu nhấn mạnh từ lâu. Ông Nguyễn Ngọc Trân, cựu đại biểu Quốc hội Việt Nam, từng phụ trách một chương trình qui hoạch đồng bằng Sông Cửu Long viết cho chúng tôi vào tháng 11 năm 2017 rằng sự tham gia của hai nước này vào Ủy ban Sông Mekong là một sự bức thiết, vì vai trò quan trọng của họ ở thượng nguồn. Ông còn nhấn mạnh rằng cần phải đi xa hơn là 6 quốc gia dọc lưu vực Mekong phải ràng buộc với nhau bằng những qui định mang tính pháp lý.
Nhưng việc ràng buộc pháp lý lại là điều mà Trung Quốc e ngại, theo một nhà nghiên cứu Đông Nam Á là ông Paul Chambers tại Đại học Naresuan, Thái Lan. Ông nói rằng Trung Quốc đã từ chối gia nhập Ủy ban Sông Mekong, nơi có mục đích đảm bảo những vấn đề về an sinh cho dân chúng khu vực vì sợ rằng Ủy ban này sẽ có quyền bắt Trung Quốc phải tuân thủ. Thay vào đó ông Chambers cho rằng Tổ chức Hợp tác Lan Thương Mekong giống như cái túi tiền cấp phát cho các nước Đông Nam Á, để họ ủng hộ Trung Quốc xâm nhập vào Đông Nam Á.
Một nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện làm việc tại Singapore là Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp cũng có quan điểm là Trung Quốc dùng sáng kiến Lan Thương Mekong của mình để phát triển ảnh hưởng tại các quốc gia ASEAN:
“Lan Thương Mekong là một sáng kiến của Trung Quốc để mở rộng ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á lục địa, các nước dọc hạ lưu sông Mekong. Đây cũng là cách để mà cạnh tranh với Nhật Bản, vì Nhật Bản cũng có một sáng kiến (cho khu vực này) gọi là GMS.”
GMS là tên viết tắt theo tiếng Anh, Great Mekong Subregion, có nghĩa là Tiểu vùng Mekong mở rộng. Chương trình này được Nhật Bản với sự trợ giúp của Ngân hàng phát triển châu Á, bắt đầu những dự án cơ sở hạ tầng đầu tiên trong khu vực từ năm 1992.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu ở Đại học Cần thơ cũng nghi ngờ thiện chí của Bắc Kinh, ông nói với chúng tôi sau Tuyên bố Phnom Penh về khung làm việc của Tổ chức Lan Thương Mekong:
“Hình như là cái cách của chính phủ sáu nước dọc Sông Mekong có vẻ như là thuận theo sáng kiến của Trung Quốc. Chúng tôi cũng đang theo dõi xem là thực tế các sáng kiến đó có đem lại lợi ích gì cho người dân hay không, hay là nó nằm trong một chiến lược lớn hơn của Trung Quốc.”
Hai tổ chức sẽ tồn tại song song?
Vậy trong tương lai sẽ có hai tổ chức tồn tại song song là Ủy ban sông Mekong với bốn quốc gia thành viên bình đẳng, và Tổ chức hợp tác Lan Thương Mekong với Trung Quốc đứng đầu trong tư cách đồng chủ tịch thường trực?
Vai trò của Ủy ban Sông Mekong sẽ trở nên lu mờ hơn, bởi vì thực sự bây giờ nguồn tài chính hỗ trợ cho Ủy ban Sông Mekong hoạt động ngày càng thu hẹp hơn.
-Tiến sĩ Lê Anh Tuấn.
Ông Lê Anh Tuấn trả lời câu hỏi này:
“Vai trò của Ủy ban Sông Mekong sẽ trở nên lu mờ hơn, bởi vì thực sự bây giờ nguồn tài chính hỗ trợ cho Ủy ban Sông Mekong hoạt động ngày càng thu hẹp hơn. Trong khi đó Trung Quốc có nguồn tiền mạnh hơn, họ tung ra làm những hoạt động bao trùm, làm cho vai trò của Ủy ban Sông Mekong không còn như ngày xưa nữa.”
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp thì cho rằng hai tổ chức này có thể tồn tại song song, làm thành các kênh liên lạc giữa những nước thành viên của mỗi tổ chức.
Ủy ban sông Mekong thì hoan nghênh những sáng kiến của tổ chức hợp tác Lan Thương Mekong, và đồng thời tiếp tục kêu gọi Trung Quốc và Myanmar tham gia Ủy ban sông Mekong.
Sự xâm nhập của Trung Quốc trên lục địa Đông Nam Á
Trở lại ý kiến cho rằng Tổ chức hợp tác Lan Thương Mekong là một công cụ để Trung Quốc xâm nhập xuống Đông Nam Á lục địa, mới đây trên trang web mang tên Những mối đe dọa toàn cầu tiềm ẩn, chuyên phân tích những nguy cơ được cho là không được báo chí và dư luận nhắc đến nhiều, tác giả Jeremy Luedi cho rằng sự xâm nhập của Trung Quốc dọc theo sông Mekong mang một mối đe dọa tiềm ẩn, có thể so sánh với những xung đột ở Biển Đông.
Nhưng ông Lê Hồng Hiệp không hoàn toàn đồng ý như thế:
“Một bên là liên quan đến các tranh chấp lãnh thổ, có thể gây bùng phát các xung đột, rồi có sự can dự của các cường quốc bên ngoài. Vấn đề ở Sông Mekong chủ yếu là vấn đề tài nguyên nước, giữa các quốc gia với nhau, cũng có thể gây căng thẳng nhưng khả năng gây xung đột ít hơn nhiều, và hầu như không có sự can dự của các cường quốc bên ngoài.”
Một nhà quan sát người Việt khác từ Hawaii, Hoa Kỳ, Tiến sĩ Vũ Hồng Lâm, có phần đồng ý với ông Luedi, ông cho chúng tôi biết sự so sánh của ông về áp lực của Trung Quốc tại Biển Đông và Sông Mekong, trong đó Biển Đông nặng nề hơn, nhưng áp lực của Trung Quốc dọc theo Sông Mekong cũng là rất lớn.
Kết thúc bài phân tích của mình vào tháng Bảy năm 2017, ông Luedi đưa ra một minh chứng cho nổ lực của Trung Quốc xâm nhập vùng Đông Nam Á lục địa, đó là Bắc Kinh đã thực hiện một bộ phim tốn kém hàng thứ hai tại Trung Quốc trong năm 2016, đó là bộ phim Chiến dịch Mekong với số vốn thực hiện là 173 triệu đô la Mỹ. Bộ phim này mô tả những binh sĩ đặc nhiệm của Trung Quốc xâm nhập vào vùng rừng núi Đông Nam Á dọc theo sông Mekong để tiêu diệt bọn buôn lậu ma túy, bọn cướp có vũ trang, để bảo vệ cho công dân Trung Quốc xuống vùng này làm ăn và sinh sống.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/china-penetrates-mekong-02052018131447.html
Phó TT Pence mời bố của sinh viên bị tù ở Triều Tiên
tới dự Olympic
Bố của sinh viên Mỹ qua đời sau khi bị giam giữ trong nhà tù ở Triều Tiên sẽ tới Hàn Quốc trong tuần này để tham dự lễ khai mạc Thế vận hội Olympic mùa đông với tư cách khách mời của phó Tổng thống Mike Pence, theo AP.
Washington Post cho biết chuyến đi của ông Fred Warmbier tình cờ trùng với chuyến thăm của phó Tổng thống Pence tới Hàn Quốc để chặn nỗ lực tuyên truyền của Triều Tiên và tiếp tục gây sức ép nhằm ngăn chặn tham vọng hạt nhân của quốc gia cộng sản này.
Phó Tổng thống Pence dẫn đầu đoàn Mỹ tham dự Olympic mùa đông tại PyeongChang.
Hai đoàn thể thao của Triều Tiên và Hàn Quốc dự kiến sẽ diễu hành chung dưới lá cờ thống nhất tại lễ khai mạc Thế vận hội và ông Warmbier sẽ ngồi bên cạnh phó Tổng thống Pence và phu nhân trên khán đài trong lễ khai mạc.
Con trai của ông Warmbier, Otto, một sinh viên Đại học Virginia, bị giam giữ ở Triều Tiên với cáo buộc đánh cắp một áp phích tuyên truyền. Các quan chức cho biết Otto Warmbier bị tổn thương não một cách bí hiểm trước khi anh được đưa trả về Mỹ vào năm ngoái và chết chỉ vài ngày sau đó.
Triều Tiên phủ nhận đã tra tấn Warmbier.
Cha mẹ của anh là những khách mời ngồi bên cạnh Đệ nhất Phu nhân Mỹ tại buổi phát biểu của Tổng thống Donald Trump về Thông điệp Liên bang vào tháng trước.
Trong Thông điệp Liên bang, Tổng thống Trump đã nêu lên sự đối xử tàn bạo của chính quyền Kim Jong Un đối với Otto Warmbier, người đã bị lao động khổ sai trong thời gian bị giam giữ ở Bình Nhưỡng trước khi bị hôn mê và được đưa về Mỹ.
Mỹ để ngỏ khả năng gặp quan chức Triều Tiên
bên lề Olympic Mùa Đông
Chính quyền của Tổng thống Trump để ngỏ khả năng diễn ra một cuộc gặp gỡ giữa Phó Tổng thống Mike Pence với các quan chức Bắc Triều Tiên bên lề Thế vận hội mùa đông ở Hàn Quốc trong tuần này.
Phó Tổng thống Pence hôm nói hôm thứ Hai 5/2:
“Về bất kỳ sự tương tác nào với phái đoàn Bắc Triều Tiên, tôi không yêu cầu có một cuộc họp, nhưng chúng ta sẽ chờ xem.”
Lên tiếng trước đó ở Peru, Ngoại trưởng Rex Tillerson cũng có những phát biểu tương tự khi được hỏi liệu ông Pence có sẽ gặp phía Triều Tiên hay không trong sự kiện thể thao ở Hàn quốc.
Trước khi lên chuyên cơ dành cho Phó Tổng thống được gọi là Air Force Two, trực chỉ Nhật Bản, nơi ông sẽ đến vào tối thứ ba, ông Pence lưu ý rằng: “Tổng thống Donald Trump đã nói ông luôn luôn tin tưởng vào đối thoại. Nhưng chúng ta hãy chờ xem điều gì sẽ xảy ra. Thông điệp của tôi, bất kể khung cảnh ra sao, bất kể ai có mặt, cũng vẫn không thay đổi.”
Có mặt trong một hanga chứa máy bay với phông là một chiếc chiến đấu cơ F-22 tại Joint Base Elmendorf-Richardson, Phó tổng thống Mỹ nói với các nhà báo rằng nếu gặp bất cứ quan chức Bắc Hàn nào, ông sẽ nói với họ rằng nước họ phải “dứt khoát” từ bỏ vũ khí hạt nhân và các chương trình tên lửa đạn đạo theo ý nguyện của các quốc gia trong khu vực và của Hoa Kỳ.
Chủ tịch nước Triều Tiên Kim Yong Nam sẽ dẫn đầu phái đoàn cấp cao của Bình Nhưỡng tới dự Thế vận hội Mùa Đông. Là người nắm một chức vụ chỉ có tính cách nghi lễ, dự kiến ông Kim Yong Nam sẽ tham dự lễ khai mạc Olympic.
Chuyến đi của ông Pence đến vùng Đông Bắc Á là nhằm mục đích phản công lại chiến dịch tấn công ngoại giao của Bắc Triều Tiên tại Thế vận hội mùa đông.
Một giới chức của Toà Bạch Ốc nói với các nhà báo trước khi ông Pence lên đường rằng Hoa Kỳ nhất quyết không “cho phép chế độ Bắc Triều Tiên lợi dụng dịp này để cướp đi thông điệp đó bằng những lời tuyên truyền của họ”,
Có mặt tại Tokyo và Seoul trong tuần này, Phó Tổng thống Mỹ sẽ tìm cách đẩy mạnh điều mà chính quyền Mỹ cho là một “chiến dịch tăng áp lực tối đa chống lại Bình Nhưỡng để tìm cách buộc Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân và các chương trình tên lửa đạn đạo.
Điều này diễn ra tại một thời điểm khi mà hai miền bán đảo Triều Tiên đang tương tác vời nhau, và có tin tường trình về sự bất đồng giữa Washington và Seoul về hướng tiếp cận với miền Bắc.
Một quan chức Mỹ nói:
“Chúng ta đã từng chứng kiến các chiến dịch tấn công ngoại giao lấy lòng như thế này của miền Bắc trước đây và những chiến dịch đó chưa từng dẫn tới bất kỳ giải pháp thực lòng nào hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa”.
Ông Pence được báo cáo về các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo hôm thứ Hai tại một căn cứ hỗn hợp ở Alaska trong một trạm dừng chân để tiếp nhiên liệu trước khi đáp Air Force Two trực chỉ Nhật Bản.
Tại Tokyo, ông sẽ có buổi họp báo tại Bộ Quốc phòng Nhật Bản và gặp Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Ông Abe sẽ mở yến tiệc khoản đãi Phó Tổng thống Mỹ.
Có mặt tại Seoul vào ngày thứ Năm, ông Pence sẽ hội đàm với Tổng thống Nam Triều Tiên Moon Jae-in, và dùng cơm trưa với ông Moon.
Các quan chức chính quyền nói rằng các cuộc thảo luận giữa ông Pence với các ông Abe và Moon sẽ rất quan trọng, một phần trong mô thức hoạt động của Hoa Kỳ là “duy trì mối liên lạc mật thiết” với các đồng minh liên quan tới Bắc Triều Tiên.
Tổng thống Trump đã nói chuyện riêng qua điện thoại với các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc hôm thứ Sáu vừa rồi, chủ yếu thảo luận về tình hình với Triều Tiên.
Vài giờ sau, ông Trump tiếp đón 8 người đào tị khỏi Triều Tiên tại Phòng Bầu dục.
Vào ngày thứ Năm, ông Pence sẽ dự lễ khai mạc Olympic ở Pyeongchang, Hàn Quốc, trong cương vị người lãnh đạo chính thức của phái đoàn Hoa Kỳ.
Những nhân vật khác cũng có mặt trong phái đoàn chính thức của Mỹ gồm: Phu nhân Phó Tổng thống Karen Pence; Đại Tướng Vincent Brooks, Tư Lệnh lực lượng Mỹ và Liên Hiệp Quốc trên bán đảo Triều Tiên, Người tiền nhiệm của ông Brooks, Đại tướng hồi hưu James Thurman, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Ed Royce; Đại biện Lâm thời tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Seoul Marc Knapper; và Sara Hughes, vận động viên Mỹ đoạt Giải quán quân Olympic môn trượt băng nghệ thuật năm 2002.
Ông Fred Warmbier sẽ là khách mời đặc biệt của Phó Tổng thống Pence tại lễ khai mạc Olympic, ông là cha của Otto Warmbier, một sinh viên Mỹ bị bỏ tù ở Bắc Triều Tiên rồi sau đó qua đời năm ngoái ngay sau khi trở về Hoa Kỳ trong tình trạng hôn mê.
Theo một quan chức Toà Bạch Ốc thì hình ảnh ông Fred Warmbier bên cạnh Phó Tổng thống Pence có mục đích “nhắc nhở thế giới về những hành động tàn bạo xảy ra ở Bắc Triều Tiên”.
Phái đoàn Hoa Kỳ sẽ chứng kiến các vận động viên Nam và Bắc Triều Tiên cùng nhau bước dưới một lá cờ chung, thể hiện một nước Triều Tiên không chia cắt.
Hai miền bán đảo Triều Tiên cũng sẽ có một đội khúc côn cầu nữ chung, cùng tham gia các trận tranh tài.
Bản ghi nhớ của phe Cộng hòa
khơi dậy tranh cãi vụ Nga-Trump
Uỷ ban Tình báo Hạ viện ngày 5/2 chuẩn bị chấp nhận sự đáp trả của đảng Dân chủ đối với một bản ghi nhớ của đảng Cộng hòa được công bố mới đây cáo buộc FBI thiên vị chống Tổng thống Donald Trump. Ông Trump cáo buộc giới chức Dân chủ cao cấp trong Ủy ban đã tiết lộ tin mật.
Bảng ghi nhớ của đảng Cộng hòa được Tòa Bạch Ốc bạch hóa ngày 2/2 gây nên một ‘trận chiến’ giữa Tổng thống Trump và FBI. Cơ quan Điều tra Liên bang này chống lại việc công bố bảng ghi nhớ, nêu lên những quan ngại về tính xác thực cũng như loại bỏ những sự kiện của bảng ghi nhớ.
Đảng Dân chủ nói 4 trang tài liệu của đảng Cộng hòa đã trình bày sai lạc những thông tin tối mật và nhằm làm giảm uy tin của công tố viên đặc biệt Robert Mueller trong cuộc diều tra về khả năng thông đồng giữa Moscow và cuộc vận động tranh cử của ông Trump để làm chệch hướng cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016.
Đảng Dân chủ đã chuẩn bị một bảng ghi nhớ phản công lại mà Ủy ban sẽ duyệt xét vào cuối ngày 5/2, hai nguồn tin cho Reuters biết.
Ủy ban đang tiến hành một trong ba cuộc điều tra của Quốc hội về việc Nga có can thiệp để ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Tổng thống 2016 hay không.
Thành viên dân chủ cao cấp nhất trong Ủy ban, dân biểu Adam Schiff, dẫn đầu việc chỉ trích bảng ghi nhớ của đảng Cộng hòa. Ông nói với chương trình ABC News ngày Chủ Nhật 4/2 là bảng ghi nhớ của đảng Cộng hòa là “một đòn chính trị giáng vào FBI để phục vụ cho Tổng thống.”
Mỹ-Ấn tăng cường hợp tác
Tư lệnh không quân Mỹ, đại tướng David L. Goldfein, tuyên bố Không quân Ấn Độ và Hoa Kỳ sẽ tăng cường hợp tác hoạt động để bổ sung cho các quyền lợi chiến lược của hai nước trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng.
Gọi Ấn Độ là một “đối tác chiến lược trung tâm” của Hoa Kỳ trong vùng, ông nói hai Không lực lớn nhất thế giới đang cùng nhau chuyển trọng tâm về vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, đồng thời xác nhận là trật tự căn cứ trên luật pháp phải được gìn giữ tại hải lộ thiết yếu này.
Đại tướng Goldfein đã có những cuộc thảo luận sâu rộng với Tư lệnh không quân Ấn Độ B.S Dhanoa và các giới chức cao cấp Bộ Quốc phòng trong chuyến viếng thăm 3 ngày tới Ấn.
Ông nói Liên minh ‘Bốn bên’ giữa Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia sẽ giúp cho hợp tác giữa Không quân Mỹ và Ấn Độ sâu rộng hơn.
Đại tướng Goldfein từ chối cam kết khi được hỏi là liệu Hoa Kỳ có tăng cường sự có mặt tại Biển Đông hay không.
Ông nói: “Chúng tôi muốn tiên đoán được về phương diện chiến lược, nhưng không đoán trước được về phương diện hoạt động. Tôi sẽ không chia sẻ với đối thủ về ý định của chúng tôi. Nếu chúng tôi tăng cường hay giảm bớt sự có mặt của chúng tôi, thì đó là điều chúng tôi sẽ làm tại thời điểm và nơi chốn chúng tôi chọn.”
(Nguồn PTI/New Delhi The Asian Age Online)
https://www.voatiengviet.com/a/my-an-tang-cuong-hop-tac/4240669.html
Trump: Không nhận công dân bị Mỹ trục xuất, k
hỏi nhận viện trợ
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa đe dọa cắt viện trợ và áp đặt chế tài lên các nước từ chối nhận công dân của họ bị Mỹ trục xuất.
Tại buổi gặp gỡ các giới chức Bộ An ninh Nội địa hôm 2/2, nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định rằng ông biết cách đảo chiều.
“Nếu họ không nhận lại công dân của họ, chúng ta sẽ ban hành lệnh trừng phạt, sẽ áp đặt thuế quan lên các nước đó,” ông Trump nhấn mạnh.
Ông còn quả quyết thêm rằng: “Họ sẽ phải nhận lại công dân của họ khẩn trương tới mức chóng mặt.”
Tổng thống Trump cũng dọa sẽ cắt viện trợ cho các nước không hợp tác, trong đó có Trung Quốc và Sierra Leone.
Ngoài ra, ông Trump cũng đe dọa ngưng viện trợ cho những nước sản xuất ma túy vì “không phải là bạn của chúng ta.”
Vẫn theo lời ông Trump, Mỹ gửi những gói viện trợ khổng lồ và hàng tỉ tỉ đô la cho các nước trong khi “họ lại đổ ma túy vào đất nước chúng ta và cười vào mặt chúng ta.”
Ông Trump cam kết sẽ có hành động “hết sức mạnh tay.”
Tổng thống Trump nói chính sách di trú của ông là rất cần thiết để bảo vệ biên giới Mỹ.
Tại cuộc họp bàn tròn với quan chức hàng đầu Bộ An ninh Nội địa, vị Tổng thống theo đảng Cộng hòa tuyên bố công tác của giới hữu trách an ninh nội địa sẽ dễ dàng hơn 100% nếu có luật thỏa đáng.
Tòa Bạch Ốc đề nghị mở đường cho khoảng 1,8 triệu người trẻ đang sống ở Mỹ bất hợp pháp được tiến tới nhập tịch, để đổi lại, chính quyền Trump muốn có hàng tỉ đô la xây tường biên giới với Mexico và xóa bỏ nhiều diện bảo lãnh thân nhân nhập cư Mỹ cũng như ngưng chương trình xổ số visa.
Phe Dân chủ chỉ trích kế hoạch của ông Trump và gọi chính sách đó là ‘chết từ trong trứng nước.’
Theo AP
Mỹ: Xuất hiện dự luật di trú mang tính ‘thỏa hiệp’
Hai Thượng nghị sĩ ngày 5/2 tiết lộ một dự luật lưỡng đảng có tính cách thỏa hiệp về di trú nhằm bảo vệ những di dân “Dreamer” (tức những người vào Mỹ bất hợp pháp khi còn nhỏ) và đồng thời cũng tăng cường an ninh biên giới với Mexico.
Tuy nhiên, dường như Tổng thống Donald Trump đã bác bỏ dự luật ngay tức thì. Ông Trump tuyên bố bất cứ thỏa thuận nào cũng phải bao gồm việc cấp ngân quỹ để xây dựng bức tường dọc theo biên giới Mexico mà ông đề nghị lâu nay. Ông Trump cũng đổ lỗi cho đảng Dân chủ gây bế tắc trong vấn đề di dân.
Dự luật do Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain và Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Coons đề nghị có phạm vi nhỏ hẹp hơn so với kế hoạch do ông Trump đưa ra hồi tháng trước vốn bị các đảng viên cực đoan của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa chống đối.
Dự luật không đề nghị thay đổi sâu rộng hệ thống di trú và không bao gồm ngân khoản cho việc xây dựng bức tường, nhưng kêu gọi một phương thức để các Dreamer tránh khỏi bị trục xuất và được nhập tịch Mỹ, trong khi cũng tăng cường an ninh biên giới. Dự luật này sẽ dựa vào một số công cụ đa dạng, không chỉ là bức tường, để bảo đảm an ninh biên giới phía nam của nước Mỹ.
Trong một tuyên bố chung với Thượng nghị sĩ McCain, Thượng nghị sĩ Coons nói: “Dự luật …giải quyết hai vấn đề trọng yếu chúng ta đang đối mặt: bảo vệ những người thuộc diện DACA và đảm bảo an ninh biên giới.
Dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama thuộc đảng Dân chủ, theo chương trình DACA, những Dreamer được bảo vệ không bị trục xuất.
DACA sẽ hết hạn vào ngày 5/3 sau khi Tổng thống Trump hủy bỏ chương trình này vào mùa thu năm ngoái và yêu cầu Quốc hội đưa ra một giải pháp trước 5/3 năm nay.
Tháng trước, một Tòa án đã ngăn chặn chính quyền ông Trump chấm dứt chương trình DACA. Kháng cáo của chính quyền Trump hiện đang chờ phán quyết của Tối cao Pháp viện.
Dự luật Mcain-Coons tương tự như dự luật của hai đảng được đưa ra vào cuối tháng trước tại Hạ viện, hy vọng sẽ được chính thức giới thiệu cuối ngày 5/2.
Dự luật được đưa ra vào lúc Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát tìm cách tránh một đợt đóng cửa chính phủ nữa, khi ngân quỹ tạm thời cho chính phủ hoạt động hiện nay hết hạn vào ngày 8/2 tới.
https://www.voatiengviet.com/a/my-xuat-hien-du-luat-di-tru-mang-tinh-thoa-hiep/4240660.html
Chính khách Mỹ phản đối ‘Viện Khổng Tử’
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio thúc giục 5 trường học ở Florida chấm dứt đối tác với các chương trình được nhà nước Trung Quốc tài trợ giảng dạy văn hóa, ngôn ngữ và lịch sử Trung Hoa.
Ông Rubio tố cáo các chương trình mệnh danh là ‘Viện Khổng Tử’ đang bóp méo việc giảng dạy lịch sử Trung Hoa.
Thượng nghị sĩ Rubio viết rằng: “Ngày càng có nhiều người quan ngại về những nỗ lực càng lúc càng lấn lướt của chính phủ Trung Quốc dùng các ‘Viện Khổng Tử’ và các phương tiện khác để gây ảnh hưởng lên các định chế hàn lâm nước ngoài và tư duy phản biện về các chính sách hiện tại cũng như lịch sử đã qua của Trung Quốc.”
Thư của ông Rubio kêu gọi Cao đẳng Miami-Dade, Đại học North Florida, Đại học South Florida, Đại học West Florida và trường Trung học Cypress Bay của quận hạt Broward chấm dứt các chương trình đào tạo vừa kể.
Trong thư, nghị sĩ Rubio dẫn bình luận của ông Lý Trường Xuân, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan cao nhất của đảng cộng sản Trung Quốc, cũng là người từng nắm giữ hệ thống tuyên truyền của Trung Quốc, vào năm 2011 nói rằng các ‘Viện Khổng Tử’ này đã “góp phần rất quan trọng vào công tác cải thiện quyền lực mềm của chúng ta.”
Hiện có hơn 100 viện như thế này trên khắp nước Mỹ, đặc biệt tăng nhanh trong những năm gần đây.
“Trước chiến dịch lấn lướt của Trung Quốc nhằm xâm nhập học đường Mỹ, bóp nghẹt sự tìm hiểu tự do và phá vỡ quyền tự do bày tỏ ý kiến ở nội địa lẫn ở nước ngoài, tôi trân trọng yêu cầu quý vị chấm dứt các thỏa thuận về ‘Viện Khổng Tử’,” ông Rubio nhấn mạnh trong thư.
Các trường liên hệ nói những chương trình đối tác này là cách để mở rộng các khóa giảng dạy về bộ môn văn hóa.
Theo Politico / Miami Herald
https://www.voatiengviet.com/a/chinh-khach-my-phan-doi-vien-khong-tu-/4240240.html
Qũy Dự trữ Liên bang Mỹ có tân Chủ tịch
Ông Jerome Powell tuyên thệ nhậm chức ngày 5/2 trở thành Chủ tịch thứ 16 của Quỹ Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, với cam kết ủng hộ tăng trưởng kinh tế và một thị trường việc làm lành mạnh.
Ông Powell, 65 tuổi, kế nhiệm bà Janet Yellen, phụ nữ đầu tiên lãnh đạo ngân hàng trung ương của Mỹ trong lịch sử 100 năm của định chế này.
Tổng thống Donald Trump chọn ông Powell sau khi quyết định phá vỡ truyền thống hiện tại và không để cho bà Yellen làm thêm một nhiệm kỳ thứ nhì 4 năm.
Bà Yellen là Chủ tịch đầu tiên của Quỹ Dự trữ Liên bang trong 40 năm qua không được tái chỉ định thêm một nhiệm kỳ nữa.
Đề của của Tổng thống được Thượng viện chấp thuận đầu tháng này và nhiệm kỳ của ông sẽ kết thúc vào tháng hai năm 2022.
Ông Powell nói “Hiện giờ, tỷ lệ thất nghiệp thấp, kinh tế đang tăng trưởng và lạm phát thấp. Tôi cũng vui mừng báo cáo rằng hệ thống tài chính của chúng ta hiện nay mạnh và mau phục hồi hơn rất nhiều so với thời kỳ trước cuộc khủng hoảng tài chính khởi sự khoảng 10 năm trước. Chúng tôi định giữ vững xu thế này.”
Quỹ Dự trữ Liên bang dự kiến sẽ tăng lãi suất lên ba lần trong năm nay, đợt đầu tiên có thể bắt đầu từ tháng sau.
Theo Chicago Tribune/AFP
https://www.voatiengviet.com/a/quy-du-tru-lien-bang-my-co-tan-chu-tich-/4240238.html
Công dân Trung Quốc buôn lậu Ipad, Iphone giả vào Mỹ
sắp ra tòa
Một công dân Trung Quốc đang lưu trú tại Mỹ bằng visa du học ngày 2/2 nhận tội làm người phân phối hàng giả trong đường dây vận chuyển và tuồng lậu các mặt hàng điện tử như điện thoại Iphone và máy tính bảng Ipad giả từ Trung Quốc vào Hoa Kỳ.
Thông cáo báo chí của Bộ Tư pháp Mỹ cho biết Jianhua “Jeff” Li, 43 tuổi, nhận tội trước thẩm phán Kevin McNulty ở New Jersey rằng có âm mưu đưa hàng giả và nhãn mác giả nhập cảnh Mỹ, âm mưu chuyển lậu hàng vào Hoa Kỳ và vận chuyển hàng lậu.
Ông Li sẽ bị xét xử vào cuối tháng 5 tới đây.
Theo hồ sơ vụ án, từ tháng 7 năm 2009 tới tháng 2 năm 2014, ông Li, thông qua công ty Dream Digitals của bản thân, đã thông đồng với Andreina Becerra, Roberto Volpe, Rosario LaMarca, và nhiều người khác vận chuyển lậu từ Trung Quốc sang Mỹ hơn 40 ngàn thiết bị và phụ kiện điện tử, trong đó có iPad, iPhone, cùng với bao bì-nhãn mác giả nhãn hàng của công ty Apple.
Để qua mắt hải quan Mỹ, ông Li đã vận chuyển các thiết bị riêng, nhãn mác riêng, sang tới Mỹ mới lắp ráp.
Ông Li đã nhận các khoảng chi trả tổng cộng lên tới hơn 1,1 triệu đô la doanh thu từ các tài khoản Mỹ chuyển vào tài khoản ngân hàng của ông ta.
Ba tòng phạm Becerra, Volpe và LaMarca cũng nhận tội trong âm mưu này. LaMarca bị tuyên án 37 tháng tù ngày 20/7 năm ngoái. Becerra và Volpe đang chờ ngày xét xử.
Tường rào biên giới :
Dấu hiệu sợ hãi khủng bố và làn sóng di dân
Hàng rào kẽm gai và tường ngăn cách đang trở thành công cụ để các nước bảo vệ đường biên và chủ quyền trước mối đe dọa khủng bố và di dân. Trong một thế giới bị giằng co giữa tiến trình toàn cầu hóa ngày một phát triển và thu mình bảo vệ bản sắc, những thành lũy này ngày càng xuất hiện nhiều, song song với những biện pháp an ninh.
Khi bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, châu Âu và phương Tây từng nghĩ là Chiến tranh lạnh đã chấm dứt và sự chia rẽ giữa các dân tộc đã biến mất. Vậy mà gần 30 năm sau, số lượng tường và hàng rào lại tăng lên gần như khắp nơi trên thế giới. « Bức tường lớn nhất, đẹp nhất » có thể sẽ là dự án kéo dài « bức tường của Bush » ngăn cách biên giới Mỹ và Mêhicô và được tổng thống Trump nâng thành thách thức chính trị quan trọng trong nhiệm kỳ của ông.
Thế giới có khoảng 70-75 bức tường biên giới
Tác giả Rémy Ourdan, trên nhật báo Le Monde (05/02/2018), nhận định chính sách « Đường biên – Tường rào là lời đáp trả cho những nỗi sợ mới ». Số lượng tường hoặc hàng rào chiếm từ 6% đến 18% trên tổng số hơn 250.000 km biên giới đường bộ trên trái đất. Tuy nhiên, con số này giao động tùy theo « định nghĩa » rào cản, đường biên của mỗi nhà nghiên cứu.
Ông Rémy Ourdan lấy ví dụ thống kê của nhà nghiên cứu chính trị Elisabeth Vallet, thuộc đại học Québec ở Montréal (UQAM), « trên thế giới, có khoảng 70 đến 75 bức tường đã được xây hoặc thông báo sẽ được khởi công, riêng những bức tường đã tồn tại trải dài khoảng 40.000 km ». Con số này thấp hơn, khoảng 60 bức tường, theo thẩm định của hai nhà báo phụ trách bộ phận bản đồ và đồ họa của nhật báo Le Monde. Còn với một số chuyên gia khác, chỉ có khoảng 20 hoặc 10 hàng rào trên thế giới.
Tuy nhiên, các chuyên gia này đều có chung một nhận định : thời kỳ xây tường đang trở thành trào lưu. Từ hàng rào, chướng ngại vật, tường thật cho đến những « bức tường điện tử, tường ảo » như Brazil đang muốn thiết lập ở biên giới với 10 nước, tất cả đều phản ánh thực trạng thế giới chính trị hiện nay.
Theo nhà nghiên cứu Elisabeth Vallet, có ba nguyên nhân giải thích cho trào lưu này : hậu quả từ sau loạt khủng bố của Al Qaida nhắm vào Mỹ ngày 11/09/2001 ; nhu cầu đảm bảo an ninh trước mối đe dọa thánh chiến và nhập cư ; khẳng định chủ quyền và biên giới quốc gia. Bà giải thích :
« Sau khi số lượng tường tăng cao từ năm 1945 – và còn khoảng 15 hàng rào ngăn cách kể từ khi bức tường Berlin sụp đổ – hiện tượng này trở nên phổ biến trong những năm 2000. Từ năm 2003 số lượng tường tăng nhanh sau sự kiện 11/09, nhưng thực ra việc xây dựng này đã bắt đầu từ trước năm 2001 và nguyên nhân sâu xa có lẽ là do toàn cầu hóa. Tường rào là lời đáp trả tức thì của các chính trị gia trước tâm trạng mất quyền kiểm soát lãnh thổ của người dân, làn sóng nhập cư và các giá trị quốc gia ».
Nhà nghiên cứu Alexandra Novosseloff, kiêm chuyên gia của Liên Hiệp Quốc, cũng có cùng nhận định : « Năm 2001 là thời điểm quan trọng đối với thế giới. Những bức tường mới được xây dựng để chống chọi những nỗi sợ toàn cầu mới, như khủng bố và di dân. Chúng là một trong những giải pháp an toàn trong quan điểm an ninh của thế giới ». Nhà nghiên cứu Pháp Michel Fourcher nhấn mạnh « khẳng định đường biên giới là điều không tránh được : nếu vẫn còn những vấn đề về an ninh, thì sẽ còn nhu cầu về bảo vệ. Và công việc bảo vệ đầu tiên, chính là đường biên giới ».
Xu hướng xây tường bảo vệ chủ quyền, chống khủng bố và di dân
Trào lưu dựng tường biên giới trở nên phổ biến sau Thế Chiến II, khi thế giới bị chia thành hai cực tư tưởng : cộng sản và tư bản. Berlin trở thành biểu tượng của giai đoạn này, từ 1961 đến 1989. Hiện thế giới vẫn còn một đường biên giới hàng rào kẽm gai thể hiện rõ tư tưởng Chiến tranh lạnh, ngăn cách hai miền Triều Tiên, được dựng từ năm 1953 và là « bức tường » cổ nhất trong thế giới hiện đại. Tuy nhiên, bức tường này lại nhằm ngăn chặn người dân trong nước tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
Số lượng tường rào biên giới tăng dần từ thập niên 2000 và do nhiều yếu tố khác nhau. Một số tường là kết quả của chiến tranh, như giữa Israel và Liban, giữa Koweit và Irak, hoặc bên trong một số thành phố như Belfast hay Bagdad. Ngoài ra, hàng rào an ninh được Israel xây từ năm 2002 tại Cisjordanie là một trong những « bức tường » gây nhiều tranh cãi nhất thế giới, bị Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc lên án năm 2003 và bị Tòa án Công lý Quốc tế La Haye phản đối năm 2004.
Một số khác nhằm mục đích phân chia biên giới chưa chính thức tồn tại, như tường ngăn Maroc với Tây Sahara, ngăn Thổ Nhĩ Kỳ với Chypre, ngăn Ấn Độ với vùng Cachemire. Cuối cùng, còn có những tường rào nhằm ngăn làn sóng nhập cư như tường ngăn Ấn Độ với Bangladeh, giữa Hoa Kỳ và Mêhicô, giữa Tây Ban Nha và Maroc, hoặc giữa hai thành phố Ceuta, Melilla (thuộc Tây Ban Nha) với phần lãnh thổ Maroc ở Bắc Phi.
Châu Âu phòng thủ
Hàng rào ngăn cách Ceuta, Melilla không phải là chướng ngại vật chống di dân duy nhất trên lãnh thổ châu Âu, mà hiện còn nhiều hàng rào như vậy được dựng lên tại Hy Lạp, Bulgari, Hungary.
Pháp cũng đang cố tìm cách ngăn chặn người nhập cư vượt biển Manche sang Anh Quốc, với dự án xây một bức tường kéo dài cao 4 mét ở Calais. Vậy mà, vào năm 2015, thông qua phát biểu của ngoại trưởng Laurent Fabius, Pháp từng chỉ trích hàng rào mà Hungary xây ở biên giới Serbia là « đi ngược lại với các giá trị của châu Âu ». Một bức tường chia rẽ ngay trong lòng Liên Hiệp Châu Âu còn trái ngược với những giá trị căn bản về sự liên kết giữa các dân tộc và quyền tự do đi lại. Theo cách gọi của nhà nghiên cứu Elisabeth Vallet, đây là « bức trường thành văn minh : một bức tường giữa một quốc gia phương Bắc và một quốc gia phương Nam », để ngăn làn sóng nhập cư đến từ phương Nam.
Về mặt chính trị, xây một bức tường thường được cho là cách thể hiện sức mạnh, nhưng thực ra, lại là một dấu hiệu thể hiện điểm yếu. Dĩ nhiên, theo nhà nghiên cứu Alexandra Novosseloff, « một bức tường không bao giờ hiệu quả trong dài hạn. Nhưng đôi khi, nó mang lại hiệu quả trong ngắn hạn, hoặc tạo cảm giác là giới chính trị đã làm điều gì đó ».
« Bức tường Bush » mà tổng thống Trump đang muốn kéo dài là một ví dụ, giúp giảm một nửa số người nhập cư trái phép từ Mêhicô và Trung Mỹ. Tuy nhiên, minh chứng điển hình nhất vẫn là bức tường Berlin, được xây trong vòng một đêm (12-13/08/1961). Trước khi có bức tường, hàng tháng có khoảng 30.000 người Đông Đức trốn sang Tây Đức và sau khi bức tường xây xong, người dân Đông Đức bị khép kín trong suốt 28 năm.
Châu Âu cũng phải đối mặt với hiện tượng tương tự như ở Mỹ, như nhận định của Michel Fourcher : « Chính sự hiểu biết thế giới đẩy mạnh quá trình di dân : người ta biết rằng « ở bên kia » tốt hơn, vì vậy họ cứ đi. Những hàng rào chống nhập cư chỉ làm chậm lại hoặc đổi hướng các luồng nhập cư mà thôi ». « Giữa Ceuta, Melilla, quần đảo Canaries, Hy Lạp, giữa những đường biên giới trên bộ và Địa Trung Hải, đó là một hệ thống bình thông nhau. Không một bức tường nào có thể ngăn chặn làn sóng di dân đến châu Âu », theo ghi nhận của Alexandra Novosseloff.
Trong một xã hội bị giằng xé giữa một bên là tiến bộ của toàn cầu hóa và bên kia là bảo vệ bản sắc, dường như ý muốn phòng vệ đằng sau bức tường ngày càng thắng thế. Bức tường là biểu hiện của sự sợ hãi, là biểu tượng của sự đối chọi giữa một bên là người chu du thế giới, bị buộc tị nạn hoặc di dân tự nguyện và bên kia là một Nhà nước thu mình phòng thủ.
Vạn Lý Trường Thành, bức tường biên giới chính trị đầu tiên
Vạn Lý Trường Thành chính là bức tường chính trị đầu tiên trên thế giới. Được khởi công vào thế kỷ thứ VII-TCN, bức tường trải dài đến 50.000 km trong nhiều triều đại và có vị thế khác nhau tùy theo từng giai đoạn lịch sử : chiến tuyến, chiến lũy, biên giới.
Ngoài ra, còn phải kể đến những bức tường lớn khác mang tính chính trị trong quá khứ, như phòng tuyến biên giới thời La Mã cổ đại xây từ thế kỷ I-TCN đến thế kỷ III. Hoàng đế Julius Cesar là người châu Âu đầu tiên xây tường biên giới. Dưới thời hoàng đế Hadrianus, khoảng 7.000 km thành lũy đã được xây dựng. Từ đó, những bước tường vẫn được nhắc đến trong lịch sử của các triều đại, vương quốc, Nhà nước, qua nhiều thế kỷ và ít được nhắc đến hơn vào thế kỷ XX.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180206-tuong-rao-bien-gioi-dau-hieu-so-hai-khung-bo-va-lan-song-di-dan
Vũ khí hóa học Syria :
Đấu khẩu Mỹ-Nga ở Hội Đồng Bảo An
Theo AFP, đại diện Hoa Kỳ và Nga đã đấu khẩu gay gắt vào ngày 05/02/2018 tại Hội Đồng Bảo An, nhân cuộc họp về vũ khí hóa học ở Syria. Hai bên đối đầu trên một văn bản dự thảo mà Hoa Kỳ đưa ra nhằm lên án chế độ Damas trong khi Nga đề nghị một số bổ sung.
Đại sứ Mỹ Nikki Haley tố cáo thẳng thừng Nga muốn bao che chế độ Damas gây trở ngại cho việc trừng phạt.
Chế độ Damas bị Mỹ tố cáo đã sử dụng chất chlore trong các cuộc tấn công ở đông Ghouta, ngoại ô Damas, làm 20 người thiệt mạng có cả trẻ em vào ngày 01/02, và ngay ngày 05/02, cũng lại ở Ghouta làm ít nhất 29 người chết.
Theo tổ chức Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria OSDH, có một số thường dân tại chỗ bị nghẹt thở, dấu hiệu là có sử dụng chất hóa học.
Bà Haley cho là đã “có bằng chứng rõ ràng là chế độ tổng thống Assad sử dụng khí chlore chống lại dân tộc của ông nhiều lần trong những tuần qua và cho đến ngày hôm qua (05/02)“.
Hoa Kỳ đã chuyển đến 14 thành viên Hội Đồng Bảo An một dự thảo văn bản lên án việc sử dụng vũ khí hóa học, nhưng theo các nhà ngoại giao, Nga đã muốn bổ sung và cho là cần thêm thời gian. Bà Haley đã quy tội Nga làm chậm trễ một tuyên bố lên án mà nạn nhân là trẻ em Syria.
Đại diện Nga Vassily Nebenzia tố cáo ngược lại “một chiến dịch tuyên truyền nhắm vào chính phủ Syria”, lên án “những cuộc tấn công mà thủ phạm cũng chưa bị nhận diện”.
Trong tình hình đối đầu căng thẳng, các nhà ngoại giao không hy vọng Hội Đồng Bảo An thông qua được văn kiện gì lên án việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria.
Liên Hiệp Quốc kêu gọi ngưng bắn
Vào ngày 06/02, đại diện Liên Hiệp Quốc ở Syria lên tiếng kêu gọi các bên ngưng bắn ít ra trong một tháng, để chuyển cứu trợ nhân đạo đến những nơi cần thiết, đến những người bị bệnh và bị thương.
Trong một thông cáo, nhà điều phối cứu trợ nhân đạo của Liên Hiệp Quốc nêu bật tình trạng bi đát ở nhiều vùng và cảnh báo về một thảm họa nếu không kịp ứng phó.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180206-vu-khi-hoa-hoc-syria-dau-khau-my-nga-o-hoi-dong-bao-an
Điều tra Nga :
Hạ Viện Mỹ chấp thuận công bố tài liệu của đảng Dân Chủ
Phải chăng chiến tranh « ghi chép mật » khai màn tại Mỹ ? Tiểu ban tình báo Hạ Viện hôm thứ Hai 05/02/2018 đã đồng ý công khai một tài liệu do các dân biểu Dân Chủ ghi chép để phản bác nội dung một tài liệu của phe Cộng Hòa chỉ trích FBI thiếu khách quan, gây bất lợi cho tổng thống Trump trong cuộc điều tra về tai tiếng Nga can dự vào bầu cử Mỹ.
Theo Reuters, dân biểu Adam Schiff cho biết quyết định của Tiểu ban Tình báo Hạ Viện, đã được toàn thể thành viên Dân Chủ và Cộng Hòa chấp thuận. Tài liệu này được chuyển sang Nhà Trắng vào ngay chiều thứ Hai 05/02.
Tổng thống Donald Trump có thời hạn 5 ngày để quyết định giải mật như ông đã làm với tài liệu của một dân biểu Cộng Hòa hồi tuần trước. Theo tổng thống Trump, bản ghi chép của dân biểu Cộng Hòa là bằng chứng minh oan cho ông.
Tài liệu của phe Dân Chủ phản bác từng điểm nội dung của đồng viện Cộng Hòa tố cáo FBI và bộ Tư Pháp Mỹ có thái độ « bên trọng bên khinh » trong cuộc điều tra về tai tiếng Nga thông đồng trợ giúp Donald Trump hạ đối thủ Hillary Clinton .
Cũng theo dân biểu Adam Schiff, Nhà Trắng không có lý do để ngăn chận việc công bố tài liệu của các dân biểu Dân Chủ.
Luật sư khuyên Trump thận trọng
Còn theo AFP, các luật sư của tổng thống Mỹ khuyên ông từ chối lời mời của công tố viên đặc biệt Robert Muller ra điều trần về vụ tai tiếng thông đồng với Nga. Ít nhất là bốn luật sư và cố vấn thân cận lo ngại ông Donald Trump do nông nổi, dễ bị cáo buộc tội nói dối pháp luật.
Nhân danh Allah,
khủng bố Abdeslam thách thức công lý Bỉ
Salah Abdeslam, thủ phạm sống sót duy nhất trong vụ thảm sát 130 người tại Pháp tháng 11/2015 và nổ súng chống cự cảnh sát Bỉ vào tháng 03/3016, bị kết án 20 năm tù.
Trong phiên xử vụ án thứ hai tại Bỉ, Salah Abdeslam, công dân Pháp gốc Maroc và một tòng phạm phải trả lời về vụ nổ súng chống cự nhân viên công lực gây thương tích cho ba cảnh sát Bỉ vào tháng 03/2016.
Theo AFP, trong phiên xử ngày 05/02/2018 tại toà tiểu hình, Salah Abdeslam chọn thái độ im lặng, thách thức. Phát biểu duy nhất là lời tuyên bố « chỉ tin vào Allah nên không sợ công lý của con người ».
Nữ biện lý Kathleen Grosjean của tòa án Bruxelles đề nghị hình phạt nặng nhất trong thẩm quyền của tòa tiểu hình tại Bỉ là 20 năm tù giam. Vụ xử sẽ tiếp tục vào thứ Năm tới.
Phiên toà Bruxelles chỉ là màn thứ nhất. Salah Abdeslam còn phải trả lời công lý Pháp về loạt khủng bố tại Paris năm 2015, giết chết 130 người.
http://vi.rfi.fr/phap/20180206-nhan-danh-allah-khung-bo-abdeslam-thach-thuc-cong-ly-bi
Pháp nhức đầu vì đảo Corse,
nhưng không sợ kịch bản Catalunya
Hôm nay, 06/02/2018, lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến thăm đảo Corse trong hai ngày, một chuyến đi mang tính chất rất nhạy cảm trong bối cảnh áp lực của phe dân tộc chủ nghĩa đang gia tăng kể từ sau thắng lợi của phe này trong cuộc bầu cử địa phương vào tháng 12 vừa qua.
Nếu như tại Tây Ban Nha, chính phủ trung ương ở Madrid đang điên đầu với vùng Catalunya, thì tại Pháp, chính phủ trung ương ở Paris cho tới nay cũng mất ăn mất ngủ vì đảo Corse bất trị. Trong suốt nhiều thập niên, bạo động vẫn không chấm dứt trên đảo Corse với tổng cộng hơn 4.500 vụ khủng bố, mà tuyệt đại đa số chỉ gây thiệt hại vật chất. Đỉnh điểm của làn sóng bạo lực này là vụ ám sát tỉnh trưởng đảo Corse Claude Erignac vào tháng 02/1998.
Tác giả của phần lớn các vụ khủng bố đó là Mặt Trận Giải Phóng Dân Tộc Corse (FNLC), một tổ chức đòi độc lập cho đảo này. FNCL đã buông vũ khí từ năm 2014, nhưng một số nhân vật dân tộc chủ nghĩa vẫn dọa là bạo động sẽ tái diễn nếu chính quyền trung ương ở Paris không đáp ứng các yêu sách của họ.
Sau khi phe dân tộc chủ nghĩa giành thắng lợi trong cuộc bầu cử địa phương vào tháng 12 vừa qua, một số người lo ngại kịch bản Catalunya sẽ xảy ra đối với đảo Corse. Thế nhưng, hiện giờ khả năng này chưa thể xảy ra.
Thứ nhất, khác với Catalunya, ở đảo Corse, phe chủ trương độc lập cho tới nay chỉ chiếm thiểu số, kể cả sau cuộc bầu cử địa phương vừa qua. Thứ hai, về mặt kinh tế, dân số, đảo Corse không thể được so sánh với Catalunya, một vùng có trọng lượng kinh tế lớn hơn nhiều. Catalunya có thể sống một mình, trong khi, nếu tách ra khỏi nước Pháp, đảo Corse khó mà sống sốt. Thứ ba, về mặt định chế, vùng Catalunya vốn đã có quyền tự trị cao hơn rất nhiều so với đảo Corse, nên họ mới dám đi thêm một bước đến độc lập.
Các lãnh đạo hiện nay của đảo Corse không đòi độc lập mà chỉ yêu cầu chính phủ trung ương chính thức công nhận tính đặc thù của vùng lãnh thổ này bằng cách ghi điều đó vào Hiến Pháp. Họ cũng đòi đảo Corse có một quy chế giống như Nouvelle-Calédonie hay Martinique, tức một quy chế thuế khóa và xã hội chuyên biệt. Nói cách khác, họ đòi một quy chế tự trị rộng rãi cho đảo này.
Để gia tăng áp lực buộc chính phủ của tổng thống Macron đối thoại với họ về quy chế tự trị đó, phe dân tộc chủ nghĩa hôm Chủ nhật vừa qua đã huy động hàng ngàn người ủng hộ xuống đường. Khi ra tranh cử tổng thống, ông Macron đã từng tuyên bố rằng « chỗ của đảo Corse là nằm trong nền Cộng Hòa », ám chỉ là ông sẽ không bao giờ chấp nhận cho đảo Corse được độc lập. Tuy nhiên, ông có vẻ sẵn sàng phân cấp lập quyền nhiều hơn cho đảo Corse và không loại trừ khả năng sửa đổi Hiến Pháp theo hướng đó. Những người thân cận với tổng thống Macron nay cũng khuyên ông nên tỏ ra mềm dẻo, nên công nhận tính đặc thù của đảo Corse. Các lãnh đạo đảo Corse đang chờ nghe bài phát biểu của tổng thống Macron ngày mai để biết rõ ý định của nguyên thủ quốc gia Pháp.
http://vi.rfi.fr/phap/20180206-phap-nhuc-dau-vi-dao-corse-nhung-khong-so-kich-ban-catalunya