Quá giang
Trân Văn
3-2-2018
Không ai ngờ số người, số vụ quá giang đội tuyển U23 Việt Nam, ăn theo thành tích của họ tại Giải vô địch U23 châu Á lại đông đến như vậy…
***
Sau khi vắt kiệt sức trong trận tranh cúp với đội tuyển U23 Uzbekistan vào chiều 27 tháng 1, đội tuyển U23 Việt Nam quay về Việt Nam vào sáng 28 tháng 1. Chuyện đội tuyển U23 Việt Nam hiện diện tại trận chung kết đã khiến kế hoạch di chuyển của cả đội từ phi trường Thường Châu (Trung Quốc) về phi trường Nội Bài (Việt Nam) thay đổi. Những “người hùng” tại Giải vô địch U23 châu Á không quay về bằng phi cơ của Vietnam Airlines như dự tính vì hãng hàng không Vietjet cử hẳn một “chuyên cơ” sang đón họ. “Chuyên cơ” không chỉ khiến công chúng sôi lên vì giận, Vietjet phải lên tiếng xin lỗi vì để những vũ công ăn mặc hở hang, ưỡn ẹo giống như mời chào các cầu thủ trẻ, Cục Hàng không Việt Nam phải vội vàng xử phạt Vietjet,… mà còn làm dấy lên thắc mắc về việc chọn… “chuyên cơ”.
Người sử dụng Internet tại Việt Nam đã chuyển cho nhau xem bài viết “Có quá rẻ – cái giá của sự đánh đổi” mà Bích Hà Trần, cựu nhân viên Vietnam Airlines, đưa lên facebook. Facebooker này nhận định, Vietjet đã giựt chuyện đón đội tuyển U23 Việt Nam từ tay Vietnam Airlines để quảng bá cho mình là một hành vi thiếu đạo đức trong kinh doanh. Chi phí cho một chuyến bay từ Việt Nam sang Trung Quốc đón đội tuyển U23 Việt Nam dưới dạng “chuyên cơ” chỉ vài ngàn Mỹ kim – quá rẻ so với chi phí quảng cáo để đạt tới hiệu quả gây sự chú ý tương đương nơi hàng trăm triệu người. Vậy thì ngoài chuyện tán thành đề nghị dùng “chuyên cơ”, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) có biết đòi thêm gì cho mình hay không, khoản đó nếu có thì có tương xứng không, ai hoặc những ai dính líu tới việc nhận lời, giúp Vietjet hưởng lợi lớn một cách thiếu minh bạch như vậy, họ hưởng bao nhiêu?
Từ những thông tin, nhận định của Trần Bích Hà, chỉ riêng trên facebook của Binh Hà Trần đã có cả ngàn facebooker cho rằng, đây là chuyện cần phải làm rõ nhưng có viên chức nào muốn làm và sẽ làm tới nơi, tới chốn?
Dẫu được ưu đãi bằng “chuyên cơ” nhưng rõ ràng đội tuyển U23 Việt Nam đã phải cõng Vietjet, cho Vietjet… quá giang và chẳng phải chỉ có… Vietjet!
Trên đường từ phi trường Nội Bài về Hà Nội, thiên hạ thấy ông Nguyễn Lân Trung, cựu Phó Chủ tịch VFF đứng trên sàn chiếc xe buýt hai tầng như… lãnh đạo đội tuyển U23, vung tay chào người hâm mộ tích cực, hào hùng hơn cả những “người hùng”. Bị công chúng chỉ trích, báo giới chất vấn, ông Trung phân trần rằng ông được “tổ chức phân công” để dẫn dắt đám đông bày tỏ tình cảm, sự tri ân với đội tuyển U23 Việt Nam. Phó Chủ tịch, phụ trách truyền thông của VFF vội vàng cải chính, không phân công ông Trung làm chuyện đó!
Sau hành trình kéo dài gần năm tiếng từ phi trường Nội Bài về trung tâm thành phố Hà Nội, nhịn tiêu, nhịn tiểu, bí bách tới mức, cảnh sát giao thông phải cung cấp… xô cho các thành viên trong đội tuyển tiêu, tiểu vào đó, đội tuyển U23 Việt Nam chưa được nghỉ ngơi. Họ được đưa đến lăng của ông Hồ Chí Minh để dâng hương và báo công, rồi vào Văn phòng Chính phủ nhận huân chương.
Xem trận chung kết giữa đội tuyển U23 Việt Nam với đội tuyển U23 Uzbekistan, nhiều người xót xa vì đó là lần thứ ba, cầu thủ của đội tuyển U23 Việt Nam tiếp tục phải lăn xả tới phút 120, đặc biệt là ở trận cuối cùng phải quần thảo với đối phương trong tuyết. Ai cũng biết sức người có hạn nhưng lạ là giới hữu trách ở Việt Nam không nghĩ đến chuyện để họ nghỉ ngơi. Gặp gỡ đội tuyển U23 Việt Nam ngày hôm sau, khi họ vừa tiếp tục phơi thân nhiều giờ trong thời tiết chỉ chừng 10 độ C, ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Việt Nam bảo rằng, ông biết “các bạn và các em đang rất đói và mệt” nhưng vì ông vui, nhân dân vui, ông tin các thành viên của đội tuyển U23 “có đói cũng vui” nên ngoài chuyện trao huân chương, Thủ tướng Phúc cầm đọc cho hết một… xấp giấy dày.
Dường như viếng lăng, dâng hương, nhận huân chương, việc Thủ tướng ráng đọc cho hết xấp giấy – giống như đề nghị quá giang – kéo dài quá mức nên Chương trình Giao lưu nghệ thuật nhằm vinh danh đội tuyển U23 diễn ra ở sân vận động Mỹ Đình đã khai mạc chậm hơn dự trù hàng giờ, khiến vài chục ngàn người đội mưa, chịu lạnh đứng ngóng. Tiếng là chương trình do Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp thực hiện nhưng nhiều cá nhân, kể cả báo chí nhận xét, chương trình thiếu chuyên nghiệp, bát nháo như một đêm văn nghệ ở… hội chợ. Các thành viên trong đội tuyển U23 Việt Nam – đối tượng được vinh danh – chỉ làm những tấm đệm cho những viên chức đăng đàn và Đài Truyền hình Việt Nam có cơ hội tăng lượt người xem, thu hút quảng cáo.
Cuối buổi vinh danh, Lương Xuân Trường, Đội trưởng đội tuyển U23 Việt Nam, thú thật, suốt ngày, cả đội chưa được ăn bữa nào đúng nghĩa. Tuy Trường bảo rằng anh không đói nhưng ống kính truyền hình cho thấy, dù tên của Trường được cả MC lẫn khán giả cùng hô nhưng phải mất khoảng nửa phút và được đồng đội lưu ý, Trường mới nhận ra thiên hạ gọi tới mình.
Đó mới chỉ là những vụ quá giang xảy ra trong ngày 28 tháng 1. Từ 29 tháng 1 đến giờ, các thành viên của đội tuyển U23 Việt Nam còn phải vào trụ sở Quốc hội, hầu chuyện Chủ tịch Quốc hội, để Chủ tịch Quốc hội xoa đầu. Chia nhau hầu chuyện báo giới…
***
Thành thật mà nói, những vụ quá giang đã tiếp thêm lửa để những người sử dụng Internet tại Việt Nam hăm hở luận bàn khi những trận cầu nảy lửa của Giải vô địch U23 châu Á đã chấm dứt. Nguyễn Huỳnh Duy xem ứng xử “có đói cũng vui” của Thủ tướng Phúc là bằng chứng cho thấy “có thực mới vực được đạo” đã lỗi thời, chỉ “vui” là đủ để sánh vai bạn bè năm châu tiến vào “cách mạng công nghiệp 4.0”. Phạm Đoan Trang đăng lại tấm ảnh chụp đội tuyển U23 Việt Nam lọt thỏm giữa một rừng những cá nhân trán bóng, bụng bự khi họ được chở tới Văn phòng Chính phủ kèm thắc mắc: Mấy ông bà này là ai? Chúng tôi không biết! và đề nghị: Mấy ông bà đi ra đi! Bạn bè của Trang có người bảo đó là “Đội Kền Kền”, có người gọi đó là hiện tượng “giây máu ăn phần”. Có người như Aikido Tropic bình: Ăn không chừa thứ gì, kể cả diện tích khung hình! Dường như sợ nhiều người không hiểu thành ngữ “giây máu ăn phần”, Cong Thang Vu viết hẳn một status riêng.
Giữa sự rộn ràng của phong trào quá giang, Nguyen Chuong tán về Thánh Gióng. Theo đó, dẹp xong giặc Ân, Thánh Gióng cưỡi ngựa về trời, không chịu ở lại “mừng công” vì “cõi trần nhung nhúc bọn “lục súc tranh công”, nếu “ở lại, bọn lục súc sẽ biến công trạng của Gióng thành… công lao của chúng. Chi bằng tách ra một cõi, người đời mới không lẫn lộn”.
Thế các thành viên đội tuyển U23 Việt Nam – những “người hùng” thì sao? Cho đến giờ này, họ chỉ cảm ơn người hâm mộ và hứa sẽ cố gắng hơn trên các sân cỏ. Tuy nhiên theo Nguyen Dan – người quan sát buổi truyền hình trực tiếp buổi “mừng công” do Quốc hội Việt Nam tổ chức hôm 29 tháng 1 – thì “mặt các cầu thủ nhìn rất buồn”. Tuy bà Ngân (Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội), không cầm giấy đọc như Thủ tướng Phúc và nói khá hơn nhưng các cầu thủ chẳng hào hứng chút nào. Có cầu thủ nói chuyện riêng, có cầu thủ thì dành khoảng thời gian đó để ký tên cho người hâm mộ.
***
Nhà văn Phạm Thị Hoài vừa đưa lên trang facebook của bà vài suy nghĩ về bóng đá và thời cuộc. Trong đó: Bóng đá là điều kỳ vĩ duy nhất trong cuộc đời không can thiệp vào cuộc đời. Nó khép lại với tiếng còi kết thúc. Trước khi tấn công một đất nước, không kẻ ngoại xâm nào nghiên cứu lòng ái quốc bóng đá và số lượng cờ trên má hay trên mông người hâm mộ ở đó. Ai hèn vẫn hèn. Ai ngu vẫn ngu. Ai lười vẫn lười. Ai đê tiện vẫn đê tiện. Ai ăn cắp vẫn ăn cắp. Ai vơ vét vẫn vơ vét. Ai thích nhậu nhẹt hơn rèn luyện thân thể vẫn nhậu nhẹt. Ai chém gió vẫn chém gió. Ai đạo đức giả vẫn đạo đức giả. Ai nuốt lời vẫn nuốt lời. Ai xấu trai vẫn xấu trai. Kẻ độc tài vẫn độc tài. Lòng người chia rẽ vẫn chia rẽ. Thực phẩm bẩn vẫn bẩn. Tham nhũng vẫn tham nhũng. Bệ rạc vẫn bệ rạc. Lầm than vẫn lầm than. Trái bóng tròn vô can. Phép màu chỉ diễn ra trên sân cỏ. Tôi mến bóng đá vì sự vô dụng khổng lồ của nó. 90 phút yêu nước vô hại là đủ và cần chấm dứt, khi trái bóng ngừng lăn.