Tin Việt Nam – 04/02/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 04/02/2018

Ông Trịnh Xuân Thanh lại muốn ‘gần vợ con’ ở Đức

Cựu quan chức dính líu tới hai vụ án nói hôm 3/2 rằng ông muốn “gần vợ con” và “chết trong vòng tay gia đình”.

Trong phần nói lời cuối cùng trước tòa trong vụ xử “tham ô tài sản tại Công ty Bất động sản Điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land)”, ông Trịnh Xuân Thanh cho biết ông “nhiều tháng mất ngủ, nhớ vợ, nhớ con, nhớ bạn bè”.

Nguyện vọng của bị cáo là sau khi có án với bị cáo, có thể cho bị cáo về gần với vợ con, nếu có chết thì chết trong vòng tay vợ con.

Ông Trịnh Xuân Thanh nói.

Cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty xây lắp dầu khí Việt Nam còn nói rằng ông “bị thấp khớp rất nặng, có khả năng biến chứng đột quỵ, đột tử”.

“Nguyện vọng của bị cáo là sau khi có án với bị cáo, có thể cho bị cáo về gần với vợ con, nếu có chết thì chết trong vòng tay vợ con”, ông Thanh nói.

Tin tức cho hay, vợ con ông Thanh vẫn đang ở Đức, nơi cựu quan chức tỉnh Hậu Giang từng bỏ trốn rồi được cho là bị bắt rồi đưa về Việt Nam năm ngoái.

Ông Thăng và Thanh ‘cầu cứu’ Tổng bí thư Trọng?

Luật sư Đức của ông Thanh nêu đích danh Tổng bí thư Trọng

Trong phần nói lời cuối cùng, ông Thanh còn kêu gọi hội đồng xét xử “xem xét khách quan” và trích lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về chuyện “xử lý có tình, làm sao người bị xử lý tâm phục khẩu phục”, theo báo Tuổi Trẻ.

Trong khi đó, báo chí trong nước trích lời cơ quan công tố đề nghị “có hình phạt đích đáng” đối với ông Thanh.

Theo dự kiến, tòa sẽ ra phán quyết đối với ông Thanh cũng như một số bị cáo khác trong vụ PVP Land, trong đó có ông Đinh Mạnh Thắng, em trai của ông Đinh La Thăng, vào ngày 5/2.

VOA Việt Ngữ từng liên hệ với luật sư người Việt của ông Thanh, nhưng bất thành.

Trong một vụ án khác, ông Thanh đã bị kết án tù chung thân hôm 22/1 trong vụ xử cùng với ông Đinh La Thăng.

Bà Petra Isabel Schlagenhauf, nữ luật sư người Đức của ông Thanh, nói rằng “đó là phiên tòa không công bằng”, nhất là khi thân chủ của mình đã “bị bắt cóc mang về xử tại Việt Nam”.

Tin cho hay, ông Thăng hôm 3/2 đã kháng cáo mức hình phạt 13 năm tù giam vì các sai phạm thời còn nắm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Theo VnExpress, trong đơn, cựu ủy viên Bộ Chính trị này cho rằng bản án sơ thẩm đó “quá khiêm khắc” và “chưa xem xét đầy đủ, công bằng, khách quan và giới hạn phạm vi trách nhiệm của ông”.

https://www.voatiengviet.com/a/ong-trinh-xuan-thanh-lai-muon-gan-vo-con-o-duc/4238325.html

 

Tấm visa đến trễ cho bệnh nhân gốc Việt

Bà Helen Huỳnh vừa qua đời hôm 26/1, dù người em gái đã qua Hoa Kỳ kịp thời để tiến hành phẫu thuật ghép tế bào tủy, con gái lớn Yvonne Ái-Vân Murray cho BBC biết.

“Tôi chưa thấy ai khóc như bố tôi. Ông ấy gào lên như một đứa trẻ. Tháng Ba này đáng lẽ là kỷ niệm 35 năm ngày cưới bố mẹ tôi, cũng là sinh nhật 62 của mẹ tôi và sinh nhật 4 tuổi của con trai tôi,” Yvonne nói với BBC hôm 1/2.

Em gái phụ nữ Việt bị nan y có visa vào Mỹ

Người Việt ở Mỹ: Nếu bị trục xuất, Việt Nam có nhận?

Người Việt ở Mỹ nói về phiên tòa Đinh La Thăng

Bà Helen Huynh bị ung thư máu. Các bác sỹ nói bà có thể được chữa trị bằng cách hiến ghép tế bào gốc.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy, em gái út của bà Helen là người có mẫu tủy trùng khớp 100%.

Sau bốn lần bị từ chối visa, cuối cùng bà Thúy đã đến Hoa Kỳ vào cuối tháng 9/2017.

Tuy nhiên, sau đó bà Helen bị biến chứng sau phẫu thuật. Đến cuối tháng 12, bà Helen bị nhiễm trùng đường tiết niệu rồi lan đến phổi. Bà mất hôm Thứ Sáu, 26/1.

“Mỗi lần chạy hóa trị (chemo) là mẹ tôi lại yếu đi dần. Nếu như dì tôi có visa sớm hơn thì cơ hội sống sót cho mẹ tôi cũng cao hơn. Mẹ tôi có tới hai lần ung thư thoái lui (remission) nhưng dì tôi chỉ đến kịp vào lần thứ hai để phẫu thuật cấy ghép.”

“Mẹ tôi cứ liên tục nói bà chỉ muốn sống thêm một, hai năm để con tôi có thể nhớ mặt bà. Bà nói bà không dám xin 5-7 năm,” Yvonne khóc nấc trên điện thoại.

Yvonne nói bà vẫn chưa dám cho người em gái bị bệnh Down biết. “Con bé quá ngây thơ, mẹ tôi lúc còn sống là người chăm sóc cho nó.”

Bà Helen cùng chồng là ông Huỳnh Thơ Viện sang Mỹ định cư hồi 1991, theo tờ Washington Post. Ông Viện trước là quân nhân thuộc quân lực Việt Nam Cộng hòa và từng bị đi trại cải tạo 8 năm sau khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ.

Mong muốn thủ tục visa y tế tốt hơn

Bà Yvonne nói rằng cách thức làm việc của các cơ quan kiểm soát nhập cư Hoa Kỳ hiện nay trong việc xét duyệt đơn xin visa y tế là điều “không thể chấp nhận được”, bởi chưa thực sự đề cao quyền lợi của người dân Mỹ.

“Hầu hết người dân Mỹ đang muốn đặt ‘Hoa Kỳ trên hết’ và chúng tôi là công dân Hoa Kỳ,” Yvonne nhắc lại thông điệp của Tổng thống Donald Trump.

“Khi Lãnh sự quán Hoa Kỳ từ chối visa cho những người có thể giúp cứu sống công dân Hoa Kỳ thì điều đó thật là sai trái! Họ đơn thuần chỉ phải đóng một con dấu và một người có thể được cứu, vậy mà họ không làm,” bà nói.

Dự luật di trú ‘ảnh hưởng hàng trăm ngàn người Việt’

Campuchia: Chuyện ‘tước quốc tịch’ dân gốc Việt

Bà cho BBC biết từ những trải nghiệm trong chính gia đình mình, bà nay đang nỗ lực vận động “với hy vọng có thể thay đổi thủ tục xin visa y tế”.

“Tôi đang làm việc với Tổ chức Công lý cho Người Mỹ gốc Á (AAAJO),” bà nói.

“Thị thực y tế phải được ưu tiên hơn thị thực du lịch. Một người qua đây để giúp chữa bệnh phải được ưu tiên hơn một người qua đây chỉ để đến Las Vegas.”

Trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt, đã từng có những trường hợp tương tự như câu chuyện của gia đình bà Yvonne

Darren Cường Trần, hiện sống ở Hawaii, cho BBC biết mẹ ông cũng bị chẩn đoán bị ung thư máu vào 2012. Người duy nhất có mẫu tủy phù hợp là một người cậu ở Việt Nam.

Tuy nhiên, người cậu này từng ở quá hạn thị thực trong một lần đến California nên việc trở lại Hoa Kỳ rất khó khăn.

Darren cho biết ông may mắn có một người bạn giúp ‘lén đưa mẫu máu’ của người cậu sang Hoa Kỳ.

“Đưa mẫu máu sang Hoa Kỳ rất là khó, bạn tôi phải nhờ một người quen ở bộ phận hải quan ‘thông qua’ tất cả.”

Sau khi biết mẫu tủy trùng khớp, Darren phải trình bày trường hợp gia đình và xin được lá thư từ một thượng nghị sĩ California.

“Cậu tôi nói nhờ có lá thư đó mà người phỏng vấn visa cậu tôi ngay lập tức nói cậu tôi được cấp thị thực,” Darren nói với BBC.

Tuy nhiên, mẹ ông không có thời gian thoái lui ung thư (remission) nên cuộc phẫu thuật không diễn ra và bà qua đời không lâu sau đó.

Darren cho biết ông ủng hộ hành động của Yvonne, vì ông cho rằng không phải ai cũng ‘may mắn’ như ông trong việc tìm ra người hợp tủy và được cấp visa trong thời gian ngắn.

Bà Yvonne cũng chia sẻ với BBC về một trường hợp khác, một phụ nữ gốc Việt ở Pittsburgh, Pennsylvania, cần ghép thận. Người có thể cho thận là một cháu trai của bệnh nhân, 19 tuổi, ở Việt Nam. Tuy nhiên, đơn xin visa nhập cảnh đã bị Lãnh sự quán từ chối.

“Tôi thấy câu chuyện của gia đình tôi đã được dịch sang tiếng Nga, tiếng Bồ Đào Nha. Tôi chắc chắn lãnh sự quán Việt Nam cũng đã biết. Vậy mà họ vẫn tiếp tục làm như vậy. Điều này là không thể chấp nhận được,” bà Yvonne nói.

Tuy nhiên, Yvonne nói bà không nghĩ các cơ quan kiểm soát nhập cư của Hoa Kỳ “phân biệt chủng tộc” mà chỉ là bộ máy hành chính cồng kềnh, rườm rà.

“Về phần tôi, tôi đang cố gắng truyền tải câu chuyện của chính tôi, để nhiều người Mỹ gốc Việt gặp phải trường hợp này, có thể liên hệ tôi và cùng nhau đưa ra vấn đề,” bà Yvonne nói.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42902404

 

Thanh niên bị bắn chết khi đánh bạc,

hàng trăm người vây trụ sở công an huyện ở Hải Dương

Công an huyện nổ súng trong khi bắt giữ một nhóm thanh niên đang chơi bài trong nhà, khiến một thanh niên tử vong. Hàng trăm người thân của nạn nhân đã mang theo xe tang cùng cờ và trống kéo tới trụ sở công an huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương để chất vấn.

Tin cho hay vào chiều Thứ Bảy 3 tháng 2, thi thể của Tăng Đức L., 22 tuổi, cư dân xã Gia Hòa, huyện Gia Lộc, được đưa về tới nhà để lo hậu sự. Trước đó, vào hôm Thứ Sáu, L. đang cùng một nhóm bạn ngồi chơi bài trên tầng hai ngôi nhà của một người cùng thôn, thì bị công an huyện Gia Lộc ập vào bắt. Báo mạng Infonet trong nước đưa tin, anh L. bỏ chạy thì công an rượt theo. Sau đó có tiếng súng nổ. Theo báo mạng Gia Đình Và Xã Hội, có người nghe thấy tới hai tiếng súng. L. ngã xuống rãnh nước cạnh nhà. Anh được đưa vào Bệnh Viện Đa Khoa tỉnh Hải Dương rồi chuyển lên Bệnh Viện Việt Đức Hà Nội, nhưng không qua khỏi với vết đạn xuyên qua đầu.

Anh Tăng Đức Lưu, 31 tuổi, anh ruột của nạn nhân, cho biết khi anh cùng người thân và một công an viên đưa thi thể L. về đến cổng, thì gia đình và họ hàng ai cũng phẫn nộ. Vì cho tới lúc đó, vẫn chưa có một giới chức công an nào đến thông báo cho gia đình biết chuyện gì đã xảy ra. Theo Infonet, công an tỉnh Hải Dương hôm Chủ Nhật mới lên tiếng cho biết đang điều tra vụ nổ súng.

Huy Lam / SBTN

http://www.sbtn.tv/thanh-nien-bi-ban-chet-khi-danh-bac-hang-tram-nguoi-vay-tru-so-cong-an-huyen-o-hai-duong/

 

Trung Quốc và Việt Nam có thể

lập hệ thống kiểm soát cửa khẩu chung

Minh Anh

Nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 04/02/2018 dẫn lời một quan chức Trung Quốc cho biết Bắc Kinh và Hà Nội đang thảo luận lập một hệ thống « Hai quốc gia, một trạm kiểm soát ». Dự án dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động vào tháng 5 năm nay.

Theo giải thích của ông Giản Hưng Siêu, phó thị trưởng thành phố Phòng Thành Cảng, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, với nhật báo Hồng Kông, hệ thống kiểm soát cửa khẩu này như đề xuất của Bắc Kinh đã được hai nước bàn thảo từ nhiều năm qua.

Ông Giản Hưng Siêu cho biết thêm là hệ thống này vấp phải vấn đề thực thi chủ quyền, do việc « khi bên nào tiến hành kiểm tra [ở cửa khẩu], thì bên đó có hiệu lực thực hiện chủ quyền đối với bên kia. Đó là một vấn đề khó giải quyết vì cả hai bên đều không muốn buông bỏ quyền này ».

Vẫn theo ông Giản Hưng Siêu, Việt Nam và Trung Quốc dự định mở thí điểm hai trạm kiểm soát cửa khẩu chung. Điểm đầu tiên là tại Phòng Thành Cảng, vùng biên giới Đông Hưng – Móng Cái. Điểm thứ hai là tại cửa khẩu Hữu Nghị Quan giữa thành phố Lạng Sơn của Việt Nam và Bằng Tường của Trung Quốc.

South China Morning Post nhận định, với việc phát triển hệ thống « Hai quốc gia, một trạm kiểm soát », Trung Quốc hy vọng thúc đẩy nhanh hơn nữa kết nối thương mại và quan hệ đối ngoại với các quốc gia láng giềng phía Nam.

Đó là các nước thuộc Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á – ASEAN. Khối này không chỉ là đối tác thương mại hàng thứ ba của Trung Quốc mà còn là một trong những nền thị trường năng động, có mức tăng trưởng cao nhất thế giới.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180204-trung-quoc-va-viet-nam-co-the-thiet-lap-he-thong-kiem-soat-cua-khau-chung