Tin Biển Đông – 04/02/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 04/02/2018

Trung Cộng sẽ phủ sóng 4G+

trên Hoàng Sa và Trường Sa trong tháng 5

Hải Quân Trung Cộng và các công ty viễn thông của nước này đang hợp tác để phủ sóng 4G+ lên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Trung Cộng chiếm đóng ở Biển Đông và đang tranh chấp với nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Nhật báo Philippine Star trích tin của Tân Hoa Xã đưa ra hôm Thứ Sáu 2/2 cho hay, Hải Quân Trung Cộng đã ký hợp đồng với ba hãng viễn thông lớn nhất của Bắc Kinh, nhằm “nâng cấp toàn diện” hệ thống thông tin liên lạc dân sự trên các đảo và bãi đá ở Hoàng Sa và Trường Sa. Dự án này được nhắm hoàn tất trong tháng 5. Dự án được cho là sẽ gia tăng đáng kể số trạm viễn thông trên các đảo và bãi đá.

Tân Hoa Xã nêu tên những nơi sẽ được xây thêm trạm tiếp vận sóng 4G+, bao gồm đảo Phú Lâm, bãi đá Chữ Thập và bãi san hô Vành Khăn. Hãng thông tấn nhà nước Trung Cộng nói việc nâng cấp này là để cải tiến điều kiện sống của người dân và quân đội trên các đảo và bãi đá, cũng như dự trù cung cấp hỗ trợ cho ngư nghiệp, đáp ứng khẩn cấp, tìm kiếm và cứu nạn trên biển và các nỗ lực cứu trợ nhân đạo trong các vùng biển lân cận.

Theo nhóm Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á AMTI của Trung Tâm Nghiên Cứu Và Chiến Lược Quốc Tế CSIS, tất cả các công trình được Trung Cộng bắt đầu hoặc hoàn tất kể từ đầu năm 2017 đến nay trên các đảo và bãi đá ở Biển Đông, đều là những cơ sở vĩnh viễn, có thể được sử dụng trong các mục đích quân sự.

Huy Lam / SBTN

http://www.sbtn.tv/trung-cong-se-phu-song-4g-tren-hoang-sa-va-truong-sa-trong-thang-5/

 

Trung Quốc đẩy mạnh

thử nghiệm thiết bị quân sự công nghệ mới

Thu Hằng

Theo nhiều nguồn tin báo chí khác nhau, gần đây Trung Quốc đang liên tục tiến hành thử nghiệm và triển khai một số công nghệ mới trong thời gian gần đây nhằm « bảo vệ an toàn hàng hải ».

Trang tin South China Morning Post ngày 03/02/2018, dẫn nhật báo Trung Quốc Quốc, Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân, ca nô không người lái Huster-68 đã được thử nghiệm lần đầu tiên vào ngày 02/03, phỏng theo một cuộc tuần tra hàng hải cùng với nhiều tầu khác, ở thành phố Đông Quản (Dongguan), tỉnh Quảng Đông (Guangdong).

Ca nô dài 6,8 mét, đạt được vận tốc 92,6 km/giờ, do trường đại học Khoa học-Kỹ thuật Hoa Trung phát triển, được cho là một thiết bị quan trọng trong việc « bảo vệ lợi ích hàng hải của Trung Quốc, quản lý việc sử dụng nguồn tài nguyên biển và có tham vọng hoạt động trên quy mô quốc tế », theo website của trường đại học trên.

Thiết bị thứ hai là một loại pháo điện từ, dường như đang được Trung Quốc thử nghiệm. Trang Business Insider, đăng lại nhiều bức ảnh chụp tại xưởng đóng tầu Vũ Xương (Wuchang) ở tỉnh Hồ Bắc, nơi thường được Hải Quân Trung Quốc tiến hành nhiều vụ thử vũ khí, cho thấy một tầu đổ bộ lớp 072III được trang bị một súng điện từ có kích thước và hình dạng khá giống với nguyên mẫu của Hải Quân Mỹ.

Loại vũ khí này có thể bắn đạn mà không cần thuốc súng nhờ năng lượng từ và đạn bắn ra có thể đạt đến vận tốc âm thanh. Tuy nhiên, Hoa Kỳ đang giảm dần đầu tư vào chương trình phát triển loại vũ khí này, với chi phí đã lên đến khoảng 500 triệu đô la.

Còn tại vùng Biển Đông, Tân Hoa Xã ngày 02/02 cho biết Hải Quân Trung Quốc và ba tập đoàn viễn thông lớn nhất Trung Quốc đã ký thỏa thuận « hiện đại hóa toàn bộ » hệ thống viễn thông dân sự. Dự án được ký kết sẽ tăng số lượng các trạm viễn thông trên các đảo hiện bị Bắc Kinh chiếm đóng ở Hoàng Sa và Trường Sa, gồm đảo Phú Lâm, đá Chữ Thập, đá Vành Khăn.

Trong một bản báo cáo ngày 14/12/2017, tổ chức Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải (CSIS) tại Washington từng khuyến cáo tất các cơ sở trên các thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng đều nhằm mục đích quân sự.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180204-trung-quoc-thu-nghiem-hang-loat-thiet-bi-quan-su-cong-nghe-moi