Niềm tin của người Việt hiện nay có còn không?
‘Đoàn kết’ vẫn là một cụm từ đẹp đẽ để miêu tả về người Việt Nam. Và trong trận U23 vừa qua, người ta nhận ra người Việt rất ‘Đoàn kết’, cùng đi dưới một màu cờ, cùng hô vang ‘Việt Nam vô địch’, cùng chịu cảnh tắc đường nhưng không hề bực bội,…
Hình minh họa |
Nhưng đúng như nhà văn Phạm thị Hoài nhận định, dù có ‘ngộp thở, run rẩy’, thì sau tất cả, mọi thứ dần trở về đời thường, và ai ‘hèn vẫn hèn. Ai ngu vẫn ngu. Ai lười vẫn lười. Ai đê tiện vẫn đê tiện.’
Đó là sự đoàn kết của tạm thời, đoàn kết mang tính phong trào hơn là một sự kết dính mang tính chặt chẽ trong đời sống xã hội Việt Nam. Bởi xuất phát điểm của sự đoàn kết, phải đến từ niềm tin giữa người và người với nhau.
Niềm tin bị phá vỡ
Nhưng làm thế nào để đo được lòng tin xã hội? Một cuộc khảo sát lớn với hàng tá mẫu ghi nhận về niềm tin ở các khía cạnh khác nhau có thể làm được điều đó; áp dụng xác suất thống kê cũng có thể cho thấy điều đó; và đôi khi chỉ cần qua một hiện tượng đang len lỏi trong đời sống xã hội đương đại cũng cho thấy điều đó.
Báo Thanh Hóa – cơ quan của Đảng bộ ĐCSVN tỉnh Thanh Hóa trong một bài viết ngày thứ Tư (31.01.2018) đã phản ảnh về sự nở rộ trào lưu tự trồng rau sạch tại nhà. Lý do là vì tình trạng thực phẩm bẩn bày bán tràn lan ảnh hưởng đến bữa ăn của gia đình, và vì thế, rất ‘nhiều hộ dân ở Tp. Thanh Hóa đã tận dụng khoảng đất trống trong khuôn viên nhà để trồng rau’.
Không chỉ Thanh Hóa, mà rất nhiều hộ gia đình ở các tỉnh thành khác trên cả nước cũng đã và đang chạy theo mô hình trồng rau, nuôi gà, thả cá,… tự túc này. Bởi người Việt giết nhau bằng thực phẩm bẩn, và để giờ đây, người Việt cảnh giác nhau cao độ hơn cả kẻ thù.
Từng một thời điểm, rau bị sâu ăn từng mảnh được xem xét là tiêu chí ‘rau sạch’, nhưng về sau, số lượng này quá nhỏ so với ‘rau bẩn’ nên nhiều hộ gia đình đã tìm cách tự canh tác.
Vậy là trong cái đô thị to to, có một vùng nông thôn nho nhỏ. Một hình tượng ví von cho sự nông thôn hóa đô thị tại Việt Nam.
Nhưng nếu không làm vậy, họ sẽ chết những căn bệnh mang tên ‘thực phẩm bẩn’.
Tại chợ, để đảm bảo phần thịt ‘an toàn cho gia đình’ mình, bà bán thịt có thể phải cảnh giác nhìn bà bán rau, bà bán rau cũng phải cảnh giác nhìn bà bán gia vị,… Và thế là, một cái vòng luẩn quẩn tìm kiếm giữa lợi nhuận và niềm tin xã hội.
Điều đó cũng hàm nghĩa, về bản chất – người Việt không hề tin nhau! Và cả xã hội quay cuồng bởi thuộc tính lợi nhuận, mất niềm tin, lừa lọc, và tráo đổi thứ giả dối,…
Vậy nguyên nhân là gì?
Người viết không hề muốn đổ tội cho bất kỳ nguyên nhân nào là chính yếu. Nhưng rõ ràng, khi thực phẩm bẩn lên ngôi, khi gian thương đục khoét niềm tin, khi ‘lợi nhuận’ trở thành công cụ duy nhất để người Việt bái ngưỡng thì cơ chế luật pháp và những nhân viên công lực trong cơ chế hoàn toàn không thể vô tội.
Thực phẩm bẩn từ đâu ra? Mức xử phạt có thực sự răn đe? Người bị phạt có hoàn toàn nhận thức được hành vi của mình? Tại sao thực phẩm và các loại thuốc bẩn vẫn công khai mua-bán-vận chuyển mặc dù có hẳn đội ngũ cùng hệ thống kiểm soát thị trường dày đặc?
Rõ ràng, tính không nghiêm pháp luật, tham nhũng vặt trong hệ thống công quyền (kiểm soát thị trường thực phẩm) gián tiếp tạo điều kiện cho thực phẩm bẩn tràn lan, đưa đến sự tổn hại của niềm tin trong người tại Việt Nam. Là nguyên nhân gốc rễ của hiện tượng nông thôn hóa thành thị nhằm tự bảo vệ tính mạng trong mỗi hộ gia đình Việt Nam.
Nguy cơ là gì?
Một quốc gia hùng mạnh phải bắt đầu từ điều giản dị nhất, đó là người dân có niềm tin mạnh mẽ vào tương lai phía trước. Và ngược lại thì nó là một sự thu vén lợi ích của từng cá thể trong cộng đồng mà không hề đoái hoài đến tổn hại cho người khác. Và khi đó, sự đoàn kết không đươc kiến tạo mà ngược lại bào mòn, làm sức kháng thể của dân tộc trước ngoại bang trở nên suy yếu. Hay nói như nhà văn Phạm thị Hoài thì: ‘Trước khi tấn công một đất nước, không kẻ ngoại xâm nào nghiên cứu lòng ái quốc bóng đá và số lượng cờ trên má hay trên mông người hâm mộ ở đó.’
Ánh Liên
(VNTB)
http://www.tintuchangngayonline.com/2018/02/niem-tin-cua-nguoi-viet-hien-nay-co-con.html