Đọc báo Pháp – 02/02/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 02/02/2018

Trung Quốc thất bại

trong ý đồ kéo Anh Quốc vào Con Đường Tơ Lụa

Trọng Nghĩa

Trang nhất báo Pháp ra ngày 02/02/2018, chủ yếu dành cho thời sự liên quan đến Pháp, nhất là vòng công du châu Phi đang diễn ra của tổng thống Emmanuel Macron. Trong toàn cảnh đó, không hẹn mà gặp, hai nhật báo lớn Le Monde và Le Figaro đã cùng chú ý đến chuyến công du Trung Quốc của thủ tướng Anh để tìm kiếm sự giúp đỡ của Bắc Kinh trong thời hậu Brexit. Nhận định chung của hai tờ báo là Trung Quốc muốn lợi dụng thế yếu của Anh Quốc để thúc đẩy Luân Đôn ký tên vào đề án Con Đường Tơ Lụa Mới, nhưng đã không thành công.

Trong bài viết mang tựa đề « Theresa May khởi sự một chuyến thăm tế nhị tại Trung Quốc », Le Monde xác định phương trình khó mà thủ tướng phải giải đáp nhân chuyến công du : làm sao thuyết phục Bắc Kinh tăng cường giao thương với Luân Đôn sau khi Anh Quốc chia tay hẳn với Liên Hiệp Châu Âu, nhưng không bị buộc phải đáp ứng mọi yêu cầu của Trung Quốc.

Tại Bắc Kinh, thủ tướng Anh Quốc đã được tiếp đón trọng thể, và cùng với đồng nhiệm Trung Quốc Lý Khắc Cường, hai bên đã xưng tụng « Kỷ nguyên hợp tác vàng son » giữa hai nước – một thuật ngữ có từ thời George Osborne, bộ trưởng Tài Chính của chính phủ bảo thủ Anh tiền nhiệm vào cuối năm 2015.

Đáp ứng yêu cầu của Anh Quốc, thủ tướng Lý Khắc Cường đã cam kết là Trung Quốc sẽ mở rộng cửa hơn nữa để đón Anh Quốc, và quan hệ Bắc Kinh-Luân Đôn sẽ không thay đổi « chỉ vì quan hệ giữa Anh Quốc và châu Âu đang thay đổi ».

Giống như với tổng thống Pháp Macron ba tuần trước đây, Trung Quốc đã hứa mở cửa thị trường thịt bò cho Anh Quốc, bị Bắc Kinh đóng kín từ hai thập niên nay viện có chống hiểm họa « bệnh bò dại ».

Đối với Le Monde, chính sách của Bắc Kinh cho đến nay là ủng hộ sự tồn tại của Liên Hiệp Châu Âu – được xem là đối trọng với ảnh hưởng của Mỹ – nhưng cũng không ngần ngại sử dụng mọi cơ hội chính trị hoặc kinh tế để gây mâu thuẫn giữa các nước châu Âu.

Bắc Kinh đang tìm cách áp đặt trên các nước châu Âu một thỏa thuận 15 điểm liên quan đến việc thực hiện Con Đường Tơ Lụa Mới, dự án hàng đầu của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Các nước châu Âu không chê dự án đó, nhưng lo ngại rằng Con Đường Tơ Lụa Mới chỉ có lợi cho các công ty Trung Quốc, và từ chối ký kết thỏa thuận đó ngày nào mà các quy tắc và yêu cầu của châu Âu về tài chính (để tránh các khoản tín dụng rất tốn kém của Trung Quốc), về tính minh bạch trong đấu thầu, về trách nhiệm xã hội và sinh thái không được đưa vào văn kiện.

Tại Bắc Kinh, thủ tướng Anh Quốc đã không đi ngược lại lập trường chung của châu Âu, và đã từ chối ký kết bản ghi nhớ về dự án của Trung Quốc.

Trung Quốc không thể bù đắp cho mất mát vì Brexit

Cũng về chuyến công du Trung Quốc của thủ tướng Anh, nhật báo Le Figaro chạy tựa rất đơn giản « Theresa May đến Trung Quốc để tìm kiếm các quan hệ hậu Brexit ». Tuy nhiên, tờ báo xác định ngay là kể cả khi Luân Đôn có được một thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh, điều đó vẫn không tài nào bù đắp được thiếu hụt bắt nguồn từ việc Anh Quốc chia tay với Liên Hiệp Châu Âu.

Le Figaro ghi nhận sự kiện bà May được người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường, cũng như chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, long trọng tiếp đón, nhưng đã làm chủ nhà thất vọng.

Giống như tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước đó, thủ tướng Anh đã từ chối ký thoả thuận về sáng kiến ​​Con Đường Tơ Lụa Mới của Bắc Kinh. Bà đã hoan nghệnh các « cơ hội » mà dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khổng lồ này mang tới, nhưng nhắc lại sự cần thiết phải tôn trọng « các chuẩn mực quốc tế ».

Bà cũng không ngần ngại gợi lên với chủ nhà một số hồ sơ tế nhị như nhân quyền và dân chủ ở Hồng Kông trước đây là thuộc địa Anh Quốc.

Theo Le Figaro, thủ tướng May rời Trung Quốc hôm 02/02/2018 với 10 tỷ euro hợp đồng, được Trung Quốc hứa sẽ mở lại thị trường để nhận thịt bò Anh, nhiều hướng đã được mở ra để loại bỏ rào cản thương mại. Tuy nhiên, theo ghi nhận của Le Figaro, Trung Quốc chỉ chiếm hơn 4% ngoại thương của Anh, trong khi châu Âu chiếm đến 44%.

Theo những người chủ trương Brexit, tăng trưởng ngoài châu Âu sẽ mang lại những cơ hội vàng mà Anh Quốc, một khi bỏ Liên Hiệp Châu Âu, có thể nắm bắt. Thế nhưng nghiên cứu mật của chính phủ Anh về tác động của Brexit, bị rò rỉ trên báo chí tuần này, cho thấy, một thỏa thuận tự do thương mại với Hoa Kỳ chỉ giúp Anh tăng trưởng thêm 0,2%, và các hiệp ước tương tự với Trung Quốc, Ấn Độ, Australia, các quốc gia vùng Vịnh và Nam Á gộp lại cũng chỉ mang lại thêm từ 0,1% đến 0,4% tăng trưởng.

Trong khi đó thì việc chia tay với Bruxelles sẽ làm Luân Đôn mất từ 2 đến 8% tăng trưởng trong vòng 15 năm !

Đài Loan tố cáo các hành động hù dọa của Trung Quốc

Cũng nhìn về Trung Quốc, báo La Croix chú ý đến hành động « Hù dọa quân sự của Trung Quốc đã khiến Đài Loan phẫn nộ », tựa bài viết trên trang quốc tế.

Tác giả bài viết, Dorian Molovic, ghi nhận là các cuộc thao diễn trên không và trên biển chung quanh đảo từ hơn một năm nay, gây lo ngại cho Đài Bắc. Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã phải lên tiếng cảnh báo về « sự bành trướng quân sự » của Trung Quốc,

Trong lúc mà thế giới dán mắt vào bán đảo Triều Tiên trước mối đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên, thì Trung Quốc tiếp tục phô trương sức mạnh ở Biển Đông và Hoa Đông và ngày càng thường xuyên hơn chung quanh Đài loan.

Đại diện Đài Bắc ở Paris, tiếp xúc với báo giới và chuyên gia về châu Á, đã nêu bật các con số : « Từ 8/2016 đến 12/2017, Trung Quốc đã thực hiện 32 chiến dịch ở eo biển Đài Loan và chung quanh đảo. Đến tháng Giêng 2018, Bắc Kinh đã sử dụng những hành lang hàng không, trên eo biển, không thông báo với Đài Loan và bị Đài Loan phản đối… ».

Về vấn đề hành lang hàng không, La Croix nhắc lại rằng các quy định lưu thông ở eo biển Đài Loan đã dựa theo một thỏa thuận năm 2015 giữa Bắc Kinh và Đài Bắc, cho phép những chuyến bay dọc theo một đường trung tuyến ở giữa eo biển, nhưng chỉ duy nhất từ theo hướng từ bắc xuống nam.

Điều mà Đài Loan trách Trung Quốc là việc các hãng máy bay Hoa Lục sử dụng hành lang gọi là M503, theo hướng Nam-Bắc, điều không được cho phép trong thỏa thuận 2015. Theo quy định hàng không quốc tế, trong trường hợp khẩn cấp hay khi bị đe dọa, phi công phái quẹo sang phải và như thế sẽ xâm nhập không phận Đài Loan.

Công chức : Macron phá vỡ một điều « cấm kị »

Về nước Pháp, nhật báo kinh tế Les Echos đặc biệt quan tâm đến việc tổng thống Macron đang phá vỡ « một cấm kị » : phá vỡ cái khung cứng ngắt của ngành công chức.

Theo tờ báo, phá vỡ một biểu tượng không phải là không nguy hiểm, và đụng đến quy chế của công chức, như ông Macron loan báo hôm 01/02, sẽ làm dấy lên phản ứng dữ dội từ phía các công đoàn.

Tuy nhiên, mục tiêu của tổng thống Pháp là cải tổ lãnh vực công với mục đích cuối cùng là giảm thiểu chi tiêu của Nhà Nước. Cải tổ thành công thì sẽ có thể giảm khoảng 120.000 công chức. Và các cuộc thương lượng gay go với các công đoàn sẽ diễn ra trong suốt năm 2018 này.

Hoa Kỳ : Kinh tế Mỹ có tốt lên nhờ ông Trump hay không ?

Nhật báo La Croix đã nêu lên câu hỏi ở mục tranh luận. Tờ báo nhắc lại là tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới Davos vừa qua, và sau đó trong diễn văn về tình hình Liên Bang, tổng thống Mỹ đã khoe là kinh tế Mỹ đã hùng mạnh trở lại, và đó là nhờ công lao của ông.

La Croix đã trích ý kiến các chuyên gia, nhận xét rằng thực tế có phần khác với lời tự nhận của ông Trump.

Trong Diễn Văn về Tình Hình Liên Bang, ông Trump cho là « Cuối cùng thì người ta cũng thấy lương bổng tăng lên, sau nhiều năm bị khựng lai ». Tuy nhiên, theo Gregory Daco, trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế tại Oxford Economics, thực tế có hơi khác : Lương bổng tại Mỹ thực ra là đã tăng lên từ nhiều năm qua, và năm ngoái thậm chí còn tăng chậm hơn là những năm trước đó.

Còn theo Julien Marcilly, kinh tế trưởng ở hãng Coface, nếu nhìn các chỉ số kinh tế vĩ mô, phải thừa nhận là kinh tế Mỹ khá năng động. Với một tỷ lệ tăng trưởng 2,3% năm 2017, Mỹ như vậy đã kinh qua 9 năm tăng trưởng liên tục, chu kỳ thứ 3 dài nhất từ thế kỷ XX, và chỉ sau các năm 1960 và 1990. Đối với năm 2018, tăng trưởng dự báo cũng vẫn ở 2,3%, theo Coface, trong lúc một số dự báo khác còn nói đến 3%.

Nhưng phần đóng góp của ông Trump là gì ? Thật ra thì kinh tế Mỹ vực dậy là chủ yếu nhờ vào chính sách tiền tệ của Ngân Hàng Trung Ương FED, đã mau chóng quyết định giảm lãi suất chỉ đạo xuống mức zero sau khủng hoảng tài chính 2008, vực dậy được hoạt động kinh tế…

Tuy nhiên, theo chuyên gia nói trên, cũng có thể công nhận « đóng góp » của ông Trump trong 3 việc : Với những tuyên bố của ông, dù cố ý hay không, ông đã góp phần làm đồng đô la giảm sụt, điều này rất tốt cho các công ty xuất khẩu. Sau đó là việc ông đã không đưa ra biện pháp dứt khoát nào về chính sách thương mại cho dù liên tục tỏ thái độ bảo hộ mậu dịch, và thứ ba là đã thành công trong việc cải tổ thuế.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180202-trung-quoc-that-bai-trong-y-do-keo-anh-quoc-vao-con-duong-to-lua

 

Tin đọc nhanh

(AFP) – Miến Điện kiên quyết cầm tù hai nhà báo Reuters. Wa Lone, 31 tuổi và Kyaw Soe Oo, 27 tuổi không được tại ngoại hầu tra. Đây là quyết định của tòa án Rangun ngày 01/02/2018. Hai nhà báo Miến Điện làm việc cho hãng tin Anh Reuters bị chính quyền Naypiydaw khép tội sở hữu « thông tin bí mật quốc gia » chỉ vì đã đưa tin về các vụ thảm sát người Rohingya tại bang Rakhine.

(AFP) – Hội Đồng Bảo An không đến thăm Miến Điện trong tháng Hai. Trả lời báo chí ngày 01/02/2018, đại sứ Koweit, Mansour al-Otaibi, chủ tịch luân phiên của Hội Đồng Bảo An trong tháng Hai không giải thích lý do. Ông khẳng định phía Miến Điện không phản đối chuyến thăm này của Hội Đồng Bảo An. Tuy nhiên, đại sứ Koweit cho rằng các thành viên khác của Hội Đồng Bảo An vẫn có thể lên kế hoạch thăm Miến Điện khi đến phiên nắm quyền chủ tịch vào tháng Ba hay tháng Tư tới đây.

(AFP) – Pháp dự trù cắt giảm số công chức. Ngày 01/02/2018, lần đầu tiên chính phủ Pháp loan báo một kế hoạch cắt giảm dựa trên cơ sở tự nguyện. Pháp hiện có 5,4 triệu công chức, chiếm 20% lực lượng lao động. Khi tranh cử tổng thống, ông Macron đã tuyên bố muốn giảm bớt 120.000 công chức từ đây cho đến hết nhiệm kỳ, nhằm cắt giảm thâm thủng ngân sách Nhà nước.

(AFP) – Pháp: Ẩu đả tại một trại tị nạn, 4 người chết. Vụ việc diễn ra ngày 01/02/2018, lúc 15 giờ 30 phút, gần khu bệnh viện Calais, miền bắc nước Pháp, thời điểm phân phát bữa ăn miễn phí. Một người Afghanistan 37 tuổi hiện đang bị cảnh sát truy lùng được cho là thủ phạm vụ nổ súng nhắm vào người tị nạn châu Phi, làm 4 người bị thương nặng và hiện đang trong tình trạng nguy kịch. Vụ nổ súng này đã dẫn đến ba cuộc ẩu đả khác sau đó giữa cộng đồng người Afghanistan và Erythrea (châu Phi) khiến 21 người khác bị thương.

(AFP) -Tổng thống Pháp : « Không nên để mô hình dân chủ Tunisia thất bại ». Ngày 02/02/2018, ngày thứ hai trong chuyến công du Tunisia, tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định nước Pháp muốn hỗ trợ Tunisia « như giúp đỡ một người anh em », kêu gọi các doanh nghiệp Pháp gia tăng đầu tư. Ông Macron tuyên bố : « Nếu các bạn thất bại, nghĩa là chúng tôi cũng thất bại ».

(AFP) – Ngoại trưởng Mỹ công du châu Mỹ La-tinh. Ông Rex Tillerson bắt đầu chuyến công du 3 nước châu Mỹ Latinh (Mehicô, Achentina và Peru) từ ngày 01/02/2018. Trước khi lên đường, ngoại trưởng Mỹ kêu gọi các nước trong vùng hãy rút kinh nghiệm « mô hình thù địch và tham ô đã thất bại của Venezuela », thận trọng trước Nga và Trung Quốc. Tại Mehicô, ngoại trưởng Mỹ sẽ thảo luận dự án xây bức tường chống di dân và đối phó với bạo lực do các tổ chức buôn ma túy gây ra.

(AFP) – Tổng thống Mỹ sẽ tiếp thủ tướng Úc tại Nhà Trắng. Thông cáo của Nhà Trắng ngày 01/02/2018 nêu rõ cuộc gặp giữ tổng thống Mỹ Donald Trump và thủ tướng Úc Malcolm Turnbull sẽ diễn ra vào ngày 23/02. Đôi bên sẽ đề cập đến một loạt các vấn đề như quan hệ song phương, các đề tài về khu vực hay toàn cầu như chống khủng bố, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và phát triển hợp tác an ninh và quốc phòng trong vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương.

(AFP) – Tổng thống Mỹ lên án FBI « chính trị hóa » cuộc điều tra có lợi cho đảng Dân Chủ. Như thói quen, trên mạng xã hội Twitter sáng 02/02/2018, tổng thống Mỹ viết « Những vị quan chức cao cấp và các nhà điều tra FBI và các lãnh đạo bộ Tư Pháp đã chính trị hóa tiến trình điều tra có lợi cho đảng Dân Chủ và nhằm chống lại đảng Cộng Hòa ». Ông viết tiếp : « Cách đây ít lâu đấy dường như là điều không thể nghĩ tới ».

(AFP) – Iran: Gỡ khăn trùm tại nơi công cộng, khoảng 30 phụ nữ bị bắt. Theo nhiều nguồn tin địa phương ngày 01/02/2018, khoảng 30 phụ nữ đã công khai gỡ khăn trùm tại thủ đô Teheran cũng như tại nhiều thành phố khác để phản đối đạo luật bắt buộc mang khăn trùm được áp đặt từ cuộc cách mạng Hồi giáo 1979. Thông cáo của cảnh sát Iran cho biết những người này bị bắt vì tội gây rối trật tự công cộng.

(Le Monde) – Băng tan đe dọa sự tồn tại của loài gấu Bắc cực. Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ và Canada công bố ngày 02/02/2018 trên tạp chí Sciences báo động tình trạng băng tan ở Bắc cực đe dọa sự sống của loài gấu trắng ở đây. Theo khảo sát, hiện tượng trái đất ấm dần làm băng tan nhanh sẽ làm giảm lượng đến loài hải cẩu, vốn dĩ chiếm đến 90% nguồn thức ăn của loài gấu Bắc cực.

(AFP) – Thợ mỏ được cứu thoát ở Nam Phi. Sau hơn 30 giờ bị kẹt trong lòng đất do bị cúp điện, khoảng 1.000 thợ mỏ trong một mỏ vàng ở Nam Phi đã được đưa lên trên một cách an toàn ngày 02/02/2018. Tối thứ Tư 31/01, một cơn bão dữ dội đã ập đến làm cúp điện, khiến các than máy của mỏ vàng này không hoạt động được nữa. Đến sáng 02/02, đường điện mới được tái lập.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180202-tin-doc-nhanh