Tin khắp nơi – 01/02/2018
Bà May tránh ủng hộ Một Vành đai của TQ
Thăm Trung Quốc để thúc đẩy thương mại, Thủ tướng Theresa May tặng Chủ tịch Tập Cận Bình phim ‘Hành tinh Xanh II’ với thông điệp môi trường.
Nhưng bà đã nhưng né tránh ủng hộ dự án Một Vành đai Một Con đường trị giá 900 tỷ USD mà Chủ tịch Tập Cận Bình coi là viễn kiến mang tính toàn cầu của ông.
Món quà bà May tặng ông Tập là bộ phim của BBC có lời nhắn của chính người dẫn chương trình, Sir David Attenborough về nhu cầu bảo vệ môi trường.
Có vẻ như chuyến thăm đầu tiên sang Trung Quốc của bà Theresa May kể từ khi lên làm thủ tướng sau bầu cử vừa qua có hai mục tiêu.
Bàn tròn thứ Năm: U23 VN ngày trở về – đón tiếp, hậu đãi và tranh cãi
Từ Biển Đông đến Một Vành đai của TQ
Bất ngờ bầu cử Anh ảnh hưởng gì tới Brexit?
Lời đe dọa ‘euro tan rã’ và cuộc gặp May-Trump
Một mặt, bà cam kết thúc đẩy thêm trao đổi thương mại Anh – Trung hiện ở mức 59 tỷ bảng một năm với các hợp đồng trị giá 9 tỷ bảng Anh
Mặt khác, bà đến thăm một cơ sở xử lý phế liệu plastic và đến cả một trung tâm nông nghiệp kiểu mới, ‘AgriGarden’ ở Bắc Kinh hôm 1/02, ngày thứ hai chuyến công du Trung Quốc của bà.
Nữ thủ tướng Anh cũng ‘điểm nhỡn’ cho một sư tử do người đóng trong lễ đón trước Tòa Đại sứ Anh ở Bắc Kinh.
‘Vì môi trường, không vì Vành đai?’
Anh Quốc nêu mục tiêu xóa bỏ toàn bộ chất phế thải plastic vào năm 2042.
Hai nước cũng đồng ý tăng nỗ lực chống buôn ngà voi.
TQ mua ‘quán bia ông Tập từng thăm’
Zimbabwe ‘luôn là bạn của Trung Quốc’
Lotte của Hàn Quốc đành rút khỏi Trung Quốc
Về thương mại, bà May muốn Trung Quốc mở thị trường rộng hơn cho hàng hóa Anh.
Hai bên cũng tăng trao đổi giáo dục, như mở các lớp mẫu giáo kiểu Anh ở Trung Quốc.
Nhân dịp này, công ty dịch vụ công nghệ y tế Medopad của Anh ký hợp đồng hơn 100 triệu bảng với đối tác Trung Quốc.
Theo các báo Anh, thủ tướng May tỏ ra muốnn giữ khoảng cách với dự án khổng lồ Một Vành đai Một Con đường nối Trung Quốc với châu Âu và châu Phi bằng đường xe lửa xuyên Trung Á và tuyến hải lộ qua Đông Nam Á sang Nam Á, nối sang Đông Phi rồi lên châu Âu.
Bà May chỉ nói Anh Quốc là “đối tác tự nhiên” cho dự án này nhưng chính phủ Anh không ký vào biên bản ghi nhớ về Một Vành đai Một Con đường.
Báo The Guardian ở Anh cho rằng bà May, lãnh đạo đảng Bảo thủ, hẳn vẫn có nghi ngại về mục tiêu chính trị của dự án này.
Tờ Financial Times thì ủng hộ bà, cho rằng thủ tướng Anh có lý do để giữ thái độ thận trọng.
Điều này khiến bà khác ông David Cameron, người tuyên bố cùng ông Tập Cận Bình mở ra ‘Kỷ nguyên vàng’ trong quan hệ hai bên.
Sau khi rời nhiệm sở, ông Cameron được Trung Quốc mời lãnh đạo một dự án mời gọi đầu tư trị giá 1 tỷ USD để tìm ngân quỹ cho Một Vành đai Một Con đường.
Trong ngày 1/02, bà May không chỉ thăm Tử Cấm Thành mà còn dùng trà với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau cuộc hội đàm chính thức.
Hôm 31/01, thủ tướng Anh đã hội đàm với người tương nhiệm Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh sau khi đã thăm Vũ Hán.
Các lãnh đạo hai chính phủ cũng bàn về vấn đề Bắc Hàn.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-42904476
Venezuela sẵn sàng ra mắt ‘tiền ảo Petro’
Hôm 31/1, Venezuela tuyên bố đã sẵn sàng ra mắt đồng tiền mã hoá Petro.
“Đây là lần đầu tiên một nhà nước phát hành một đồng tiền mã hoá, với sự hậu thuẫn chắc chắn của dầu và vàng,” theo lời ông Hugbel Roa, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Đây là sáng kiến của Venezuela nhắm phá vỡ sự bao vây tài chính cũng như những trừng phạt của Hoa Kỳ.
Hồi tháng 12, Tổng thống Nicolas Maduro tuyên bố Venezuela, đang chịu trừng phạt của Mỹ và EU, sẽ tạo ra đồng tiền điện tử.
Venezuela đang hứng chịu khủng hoảng kinh tế sâu sắc, chủ yếu do giá dầu giảm và sản lượng dầu cũng giảm.
http://www.bbc.com/vietnamese/media-42900673
Thay đổi của Facebook làm giảm số người dùng
Việc Facebook ‘đại tu’ Bảng tin (News Feed) đã khiến lượng thời gian người dùng dành cho trang giảm, đồng thời cũng giảm số người dùng ở Mỹ và Canada, Facebook cho hay.
Công ty mạng xã hội này đã có một số thay đổi trong bối cảnh ngày càng có nhiều sự dò xét đối với hoạt động kinh doanh quảng cáo của Facebook, cũng như vai trò của nó trong các chiến dịch chính trị và mức độ tác động đến xã hội.
Ông chủ Facebook Mark Zuckerberg nói rằng sự thay đổi sẽ giúp công ty này về lâu dài.
Facebook sẽ khảo sát để tăng nguồn tin ‘đáng tin cậy’
Facebook sẽ thay đổi nội dung hiển thị tin
Facebook làm đối lập Campuchia thất vọng?
Ông Zuckerberg gọi năm 2017 là “một năm mạnh mẽ… nhưng … cũng là một năm khó khăn”.
Những phát biểu này được đưa ra khi Facebook công bố kết quả kinh doanh mới nhất.
Doanh thu của Facebook tăng 47% trong năm ngoái lên hơn 40 tỷ đôla, trong khi lợi nhuận tăng 56% lên gần 16 tỷ đô la.
Lợi nhuận đạt được bất chấp việc Facebook phải đóng thêm khoản thuế 2,3 tỷ đôla theo luật thuế mới của Hoa Kỳ, trong đó bao gồm thuế đánh một lần đối với lợi nhuận thu được ở nước ngoài.
Tuy nhiên, ông Zuckerberg nói công ty này đang tranh luận rất nghiêm túc về ích lợi của các trang mạng xã hội và muốn đảm bảo rằng chúng sẽ trở nên “có ý nghĩa hơn”.
“Đó là điều mọi người muốn,” ông nói.
Facebook sẽ ưu tiên bài đăng từ bạn bè và gia đình để thúc đẩy sự tương tác giữa người dùng, đồng thời làm giảm tính nổi bật từ nội dung do các doanh nghiệp, phương tiện truyền thông và các công ty đưa lên.
Ông Zuckerberg cho biết các thay đổi này, bao gồm hiển thị ít hơn các video, đã làm giảm thời gian người dùng dành cho Facebook khoảng 5% tương đương khoảng 50 triệu giờ một ngày.
Số lượng người dùng Facebook cũng giảm nhẹ so với con số được cập nhật vào quý cuối của năm 2017.
Facebook cho hay mạng xã hội này có trung bình 1,4 tỷ người dùng hàng ngày và khoảng 2,13 tỷ người dùng hàng tháng trong tháng 12/2017.
Ở Mỹ và Canada – khu vực mang lại doanh thu quảng cáo vượt trội – số người sử dụng hàng ngày giảm khoảng 700.000 người, xuống con số 184 triệu người dùng, so với quý trước
http://www.bbc.com/vietnamese/42899343
Olympics: 28 VĐV Nga được xóa lệnh cấm thi đấu
Phán quyết bỏ lệnh cấm tham gia Olympics trọn đời với 28 vận động viên Nga ”có thể ảnh hưởng tới cuộc chiến chống doping tương lai”, theo Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC).
Toà Trọng tài về thể thao (CAS) vừa xóa bỏ quyết định cấm các động viên Nga tham gia thế vận hội của IOC, và giữ nguyên lệnh cấm với 11 vận động viên khác.
Các vận động viên Nga bị cấm tham gia sau bê bối sử dụng doping tại Thế vận hội mùa đông 2014.
1000 vận động viên Nga ‘dính doping’
Hàn Quốc vẫn muốn Nga dự Pyeongchang 2018
Sự nghiệp lẫy lừng của Usain Bolt
CAS cho rằng trong 28 trường hợp, bằng chứng về sử dụng doping là “không đầy đủ”. IOC nói họ sẽ xem xét khả năng khiếu nại lên Tòa án Liên bang Thụy Sỹ.
CAS nói thêm trong trường hợp 11 vận động viên vẫn chịu lệnh cấm một phần, có đủ bằng chứng để khẳng định “đã xảy ra vi phạm luật chống doping”.
Mặc dù vậy, CAS tuyên bố thay vì bị cấm cấm tham gia Olympic suốt đời, họ sẽ chỉ không được phép tham gia vào Thế vận hội Mùa đông tháng 2 này.
Điều này không có nghĩa là các vận động viên điền kinh từ nhóm 28 người sẽ được mời đến thi đấu tại Thế vận hội Pyeongchang, Hàn Quốc, khai mạc hôm 9/2.
Bao nhiêu vận động viên Nga bị cấm và tại sao?
Chủ tịch IOC cho biết: ” Đang có một cuộc tấn công chống quy mô lớn chống lại sự trung thực tại các kỳ Thế vận hội”.
CAS nói họ đã xem xét các lời khai của các chuyên gia, trong đó có Tiến sĩ Grigory Rodchenkov và luật sư người Canada, Richard McLaren, tác giả một báo cáo lên án việc sử dụng doping tại Nga.
Tổng cộng có 43 vận động viên Nga bị cấm thi đấu Olympic trọn đời sau khi IOC đưa ra kết luận điều tra rằng việc sử dụng doping đã được nhà nước Nga bảo trợ tại Thế vận hội Sochi 2014.
Bobsleigher Maxim Belugin là vận động viên duy nhất không khiếu nại với CAS, trong khi các trường hợp khác – Olga Zaytseva, Olga Vilukhina và Yana Romanova – đang bị “tạm treo”.
Thể thao: Phân biệt nam nữ trong thu nhập
Bắc Hàn hủy diễn văn nghệ với miền Nam
Cuộc điều tra của IOC – được biết đến với tên gọi Ủy ban Oswald, có nhiệm vụ xem xét, điều tra việc sử dụng chất kích thích – được mở ra sau những phát hiện từ báo cáo của ông McLaren.
Báo cáo này cho rằng các vận động viên Nga được hưởng lợi từ kế hoạch sử dụng chất cấm trong thi đấu được nhà nước Nga bảo trợ trong giai đoạn 2011-2015. Báo cáo nói “có một sự che đậy bắt đầu là tình trạng hỗn loạn không kiểm soát, rồi trở thành một âm mưu có tổ chức bài bản để giành huy chương”.
IOC cũng thành lập một cơ quan điều tra khác – Uỷ ban Schmid – để điều tra rộng hơn các bằng chứng trong việc sử dụng doping một cách có tổ chức.
Vì thế, IO cấm Nga đến thi đấu ở Pyeongchang, nhưng vẫn có tới 169 người Nga đã được mời tham dự như những người trung lập.
“Chúng tôi mong chờ được thi đấu” – phản ứng từ Nga.
Bộ trưởng Thể thao Nga Pavel Kolobkov nói:
“Tất cả chúng tôi đều rất vui vì công lý đã chiến thắng. Vận động viên của chúng tôi được xác nhận là những con người trong sạch liêm chính”.
Interfax dẫn chủ tịch ủy ban Olympics Nga, Alexander Zhukov nói:
“Chúng tôi rất vui vì tòa án đã khôi phục lại danh tiếng của các vận động viên và trả lại giải thưởng cho họ.”
Còn ông Kolobkov cho rằng:
“Các vận động viên đã chiến đấu cho quyền lợi của họ và cuối cùng cũng chiến thắng. Họ hạnh phúc và mong muốn được tiếp tục theo đuổi sự nghiệp thi đấu.”
“Họ mong đợi Ủy ban Thế vận hội Quốc tế chấp nhận quyết định của CAS và cho phép họ quyền vô điều kiện tham gia vào các trận đấu ở Olympic sắp tới”.
http://www.bbc.com/vietnamese/sport-42903305
Trump cho phép 6.900 người Syria ở lại Hoa Kỳ
Chính quyền Trump gia hạn việc bảo vệ tạm thời cho gần 7.000 người Syria đang sống ở Mỹ trong bối cảnh chiến tranh tiếp tục tàn phá nước họ.
Theo chương trình nhân đạo, Quy chế bảo vệ tạm thời (TPS), những người này sẽ không bị trục xuất.
Tổng thống Trump đã hủy bỏ chương trình này với nhiều quốc gia trong những tháng gần đây, ảnh hưởng đến người nhập cư từ El Salvador, Haiti và Nicaragua.
Mỹ: Thẩm phán bác luật nhập cư mới của Texas
Trump đóng chương trình bảo hộ nhập cư Daca
Trump ban hành hướng dẫn mới về di dân
Trump xem xét cấp quyền công dân cho hai triệu người
Hoa Kỳ cho biết sẽ không chấp nhận các ứng viên TPS mới đến từ Syria.
Bộ Trưởng Nội An Kirstjen M Nielsen cho hay: “Rõ ràng là tình trạng chiến sự tại Syria vẫn tiếp diễn, do đó có sự gia hạn theo luật”.
Lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump có hợp pháp?
“Chúng tôi sẽ tiếp tục xác định TPS trên cơ sở của từng quốc gia”.
Đối với những người Syria đang sống và làm việc ở Mỹ, TPS sẽ được gia hạn thêm 18 tháng. Tuy nhiên những người Syria nhập cảnh vào Hoa Kỳ sau tháng 8/2016 bị loại khỏi chương trình này bất kể điều kiện ở quê nhà xấu đến mức nào.
Các biện pháp bảo vệ được ấn định hết hạn với người Syria vào ngày 31/3.
Đầu tháng này, Bộ Nội An tuyên bố sẽ chấm dứt Quy chế bảo vệ tạm thời cho 262.500 người Salvadoria với 18 tháng để thu xếp rời nước Mỹ. Hồi tháng 11/2017, chính quyền Mỹ cho biết quy chế cho gần 59.000 người Haiti sẽ kết thúc vào năm 2019.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-42868914
Thủ lĩnh quân theo chủ nghĩa Mao Trạch Đông
ở Philippines bị bắt
Một thủ lãnh phiến quân theo chủ nghĩa Mao ở Philippines bị bắt ngay trên đường phố Manila. Lực lượng an ninh nước này cho biết như vừa nêu vào ngày 1 tháng 2 năm 2018.
Thông cáo của cảnh sát Philipiines cho biết có 2 người bị bắt. Một người có tên là Rafael Baylosis và một người đàn ông khác có mang theo vũ khí. Cả hai bị bắt vào ngày 31 tháng Một sau khi có tin báo cho lực lượng phối hợp giữa cảnh sát, an ninh với tình báo quân đội.
Ông Rafael Baylosis được xem như Tổng bí thư tạm quyền của Đội quân Tân Nhân dân, một lực lượng nổi dậy theo ý thức hệ cộng sản kiểu Mao Trạch Đông của Trung Quốc. Đội quân Tân Nhân Dân đã tiến hành cuộc chiến tranh du kích chống Chính phủ Philippines hơn 30 năm nay. Cuộc chiến tranh này đã làm 30 ngàn người thiệt mạng.
Ông Rafael có nguy cơ đối diện với bản án giết người trong một vụ thanh lọc đảng Tân Nhân dân hồi năm 1985 làm nhiều người thiệt mạng.
Manila và Đội quân Tân Nhân dân đã nhiều lần tiến hành đàm phán hòa bình, nhưng tình trạng xung đột vẫn chưa được kết thúc. Lần đàm phán cuối cùng đã bị Tổng thống Rodrigo Duterte chấm dứt vào tháng 11 năm ngoái, do đó các thủ lãnh của phe cộng sản không có quyền miễn trừ nữa.
Lý do được Tổng thống Phi đưa ra khi tuyên bố chấm dứt đàm phán là phe cộng sản đã tấn công giết chết binh lính của chính phủ trong khi cuộc thương thảo hòa bình đang diễn ra.
Theo số liệu của chính phủ Philippines thì hiện nay đội quân Tân Nhân dân đã yếu đi nhiều với quân số còn khoảng 3.800 người, so với trước đây là 20 ngàn người.
Ông Rafael Baylosis là nhân vật cộng sản cao cấp nhất bị bắt từ sau khi đàm phán hòa bình bị chấm dứt đến nay.
Australia thắt chặt quy định
đối với nhà đầu tư nước ngoài vì lo ngại Trung Quốc
Australia ngày 1/2 thông báo thắt chặt quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài mua đất nông nghiệp và cơ sở hạ tầng điện lực tại nước này. Quy định được đưa ra vào khi quan ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc lên chính quyền Canberra ngày càng gia tăng.
Theo quy định, khi mua đất nông nghiệp có giá trị hơn 15 triệu AUD (12 triệu USD), các nhà đầu tư nước ngoài cần chứng minh bất động sản này trước đó đã được rao bán rộng rãi cho người dân Australia trong một tháng, cho phép họ có đủ cơ hội để mua.
Hãng AFP dẫn lời Bộ trưởng Ngân khố Australia Scott Morrison khẳng định Australia vẫn tiếp tục chào đón đầu tư nước ngoài vào đất nông nghiệp của nước này nhưng với điều kiện hoạt động này không đi ngược lại lợi ích quốc gia của Australia.
Chính phủ Australia cũng sẽ tiến hành thắt chặt kiểm soát hoạt động nhà đầu tư nước ngoài mua cơ sở hạ tầng điện, thông qua việc thực thi hàng loạt biện pháp hạn chế mới.
Bộ trưởng Morrison nói thêm rằng hạ tầng phân phối và truyền tải điện là tài sản quan trọng của quốc gia và chuyện ai sở hữu tài sản này là một vấn đề an ninh chủ chốt của Úc. Ông Morrison cũng nhấn mạnh rằng Chính phủ Australia cam kết thực thi một chế độ đầu tư nước ngoài mở, cân bằng giữa quản lý các nguy cơ an ninh quốc gia với thúc đẩy các cơ hội việc làm và tạo điều kiện để kinh tế tăng trưởng.
Đoàn tàu chở các nghị sĩ Cộng hòa
đâm trúng xe tải, 1 người chết
Một đoàn tàu Amtrak chở các thành viên Đảng Cộng hòa của Quốc hội Hoa Kỳ từ Washington tới một khu nghỉ dưỡng ở bang West Virginia đâm trúng một chiếc xe tải chở rác hôm thứ Tư ở Crozet, bang Virginia, làm thiệt mạng một người trên chiếc xe tải, nhà chức trách cho hay.
Một người được xác nhận đã chết và một người chịu thương tích nghiêm trọng trong vụ va chạm, Tòa Bạch Ốc cho hay. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Bill Cassidy, người có mặt trên tàu, nói trên Twitter rằng có ba người trong xe tải, một người đã thiệt mạng. Hai người còn lại, một người bị thương nặng và một người bị thương nhẹ, theo lời ông Cassidy.
“Các thành viên Quốc hội và nhân viên của họ không bị thương tích nghiêm trọng,” phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc Sarah Sanders nói.
Amtrak cho biết hai nhân viên trên tàu và hai hành khách đã được đưa đến một bệnh viện địa phương với thương tích nhẹ. Dân biểu Jason Lewis của bang Minnesota đã được kiểm tra chấn thương sọ não tại một bệnh viện địa phương sau vụ tông xe.
“Tôi ổn so với các tài xế xe tải, và biết ơn về hành động nhanh chóng của các bác sĩ và những người ứng cứu đầu tiên. Tôi chia sẻ nỗi đau với thân nhân tài xế vừa tử nạn,” ông Lewis nói với Reuters.
Amtrak cho biết khi tai nạn xảy ra, chiếc xe tải đang ở trên một giao điểm đường ray. Video từ hiện trường cho thấy hình ảnh chiếc xe tải bị tông nát, rác văng tứ tung.
Đoàn tàu khi đó đang chở các nhà lập pháp tới một sự kiện hàng năm được tổ chức tại White Sulphur Springs, bang West Virginia, phía tây bang Virginia trong năm nay.
Amtrak cho biết vụ va chạm xảy ra lúc 11 giờ 20 sáng và cơ quan chấp pháp địa phương đang điều tra vụ việc. Crozet là một thị trấn nhỏ nằm giữa thành phố Charlottesville, Virginia và White Sulphur Springs.
Các nhà lập pháp cho biết vợ chồng và con cái của một số thành viên Quốc hội có mặt trên tàu. Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan có mặt trên tàu, nhưng Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mitch McConnell thì không, các nhà lập pháp nói.
Vụ tông xe là bi kịch thứ hai xảy ra với các nghị sĩ Cộng hòa trong năm qua.
Vào tháng 6 năm ngoái, một tay súng đã nổ súng tại một sân bóng chày ở thành phố Alexandria, Virginia, nơi các nhà lập pháp Cộng hòa đang tập luyện cho một trận đấu gây quỹ từ thiện hằng năm. Dân biểu Steve Scalise, nhân vật cao cấp thứ 3 của phe Cộng hòa trong Hạ viện, bị thương nặng nhưng đã hồi phục và đã trở lại làm việc. Ông không có mặt trên đoàn tàu Amtrak.
Triều Tiên: Chính quyền Trump ‘kì thị chủng tộc’
Triều Tiên phản pháo Mỹ hôm 31/1, cáo buộc chính quyền Trump là câu lạc bộ của các tỉ phú dung dưỡng một “chính sách kì thị chủng tộc” trong khi khước từ quyền tự do báo chí và bảo hiểm y tế cho người dân.
“Bạch thư về Những Vi phạm Nhân quyền ở Hoa Kỳ năm 2017” do Viện Nghiên cứu Quốc tế ở Triều Tiên công bố và được lưu truyền bởi phái bộ ngoại giao của họ tại Geneva.
Báo cáo này không đề cập đến tranh cãi giữa Triều Tiên với Mỹ với các đồng minh về các chương trình hạt nhân và phi đạn của Bình Nhưỡng, hoặc các chế tài quốc tế áp đặt lên quốc gia này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong bài diễn văn Tình trạng Liên bang đầu tiên trước Quốc hội hôm 30/1, gọi giới lãnh đạo Triều Tiên là “đồi bại.” Ông nói với người dân Mỹ rằng việc Triều Tiên theo đuổi các phi đạn hạt nhân “không lâu nữa có thể đe dọa quê hương chúng ta” và tuyên bố sẽ tiếp tục một chiến dịch gia tăng áp lực tối đa để ngăn chặn nguy cơ đó.
“Sự kì thị chủng tộc và ghét bỏ con người là những căn bệnh nguy cấp mang tính nội tại trong hệ thống xã hội của Hoa Kỳ, và chúng đã trở nên trầm trọng hơn kể từ khi Trump nhậm chức,” bạch thư của Triều Tiên nói.
“Bạo lực chủng tộc xảy ra tại Charlottesville, Virginia, vào ngày 12 tháng 8 là một ví dụ điển hình về đỉnh điểm của chính sách kì thị chủng tộc của chính quyền hiện thời,” bạch thư nói.
Ông Trump, người nhậm chức một năm trước, đã đưa toàn các tỉ phú vào nội các của mình, bạch thư nói, dẫn ra Ngoại trưởng Rex Tillerson, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnunchin và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis.
“Tổng tài sản của những người phụng sự nhân dân này ở cấp phó bộ trưởng trở lên trong chính quyền hiện thời trị giá 14 tỉ đôla,” bạch thư nói.
Bạch thư của Triều Tiên nói các quyền tự do báo chí và biểu đạt không tồn tại ở Mỹ và các cuộc trấn áp giới truyền thông đã tăng cường trong năm qua.
Nhiều người đã gia nhập hàng ngũ những người thất nghiệp và những người vô gia cư, bạch thư nói.
Mỹ là một trong số ít quốc gia không có chế độ nghỉ thai sản được trả lương, và nhiều người dân bị bệnh không có khả năng thanh toán chi phí y tế của mình, bạch thư nói thêm.
Bạch thư, được công bố vài tuần trước phiên họp chính của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Geneva, nói:
“Mỹ, ‘nước giám hộ nền dân chủ’ và ‘nước cổ xúy nhân quyền,’ đang làm rùm beng về nhân quyền nhưng không bao giờ có thể ngụy trang được bản chất thực sự của họ là một nước vi phạm nhân quyền tồi tệ.”
https://www.voatiengviet.com/a/trieu-tien-chinh-quyen-trump-ki-thi-chung-toc/4234061.html
Mỹ chuẩn bị cho các mối đe dọa tại Olympic mùa đông
Hoa Kỳ loan báo không thấy bất kỳ đe dọa cụ thể nào đối với Olympics mùa đông ở Hàn Quốc vào tháng sau dù có căng thẳng hạt nhân với Triều Tiên.
Các giới chức cao cấp trong Bộ Ngoại giao phụ trách an ninh cho đoàn vận động viên Olympic Mỹ ngày 31/1 cho báo giới biết hai năm nay đã hợp tác chặt chẽ với Hàn Quốc để chuẩn bị cho sự kiện thể thao 2018 khai diễn vào ngày 9/2 ở thành phố PyeongChang.
Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách an ninh ngoại giao Michael Evanoff khẳng định toán của ông hiểu rõ căng thẳng hạt nhân với Triều Tiên và đã chuẩn bị cho mọi tình huống.
Các giới chức Mỹ cũng ca ngợi chính phủ Hàn Quốc về công tác chuẩn bị.
Các giới chức cao cấp trong Bộ Ngoại giao cho hay khoảng 100 đặc vụ an ninh ngoại giao sẽ được điều tới Seoul và PyeongChang trong thời gian diễn ra Olympic và Paralympics, xấp xỉ con số điều động trong những sự kiện Olympic trước kia.
Đoàn Olympic Mỹ có 275 thành viên và dự kiến khoảng 60 ngàn người Mỹ sẽ dự khán các trận thi đấu, trong đó có Phó Tổng thống Mike Pence và phu nhân Karen Pence.
Triều Tiên cũng phái một đoàn vận động viên tới Olympic ở Hàn Quốc lần này.
https://www.voatiengviet.com/a/my-chuan-bi-cho-cac-moi-de-doa-tai-olympic-mua-dong-/4233656.html
Phe Dân chủ chỉ trích
chính sách di trú “không có trái tim” của ông Trump
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã dành một phần lớn trong Thông điệp Liên bang tối thứ Ba để nói về những cải cách di trú mà ông muốn chứng kiến.
Ông Trump nói kế hoạch gồm bốn phần của ông sẽ tạo ra một “hệ thống di trú an toàn, hiện đại và hợp pháp”, trong khi đảng Dân chủ mô tả lối tiếp cận của tổng thống là có tính cách “xúc phạm” và “nhẫn tâm”.
Phần đầu tiên trong đề xuất của ông Trump là tạo ra một con đường giúp cho gần 2 triệu người di dân nhập cảnh Hoa Kỳ từ khi còn nhỏ mà không có giấy tờ hợp lệ, được nhập quốc tịch Mỹ.
Gần 800.000 người trong thành phần này được bảo vệ theo chương trình DACA (Hoãn trục xuất người nhập cư bất hợp pháp khi còn nhỏ) được ban hành dưới thời Tổng thống Obama, cho phép họ được cư ngụ và làm việc hợp pháp ở Mỹ.
Hồi năm ngoái, Tổng thống Trump ra lệnh chấm dứt chương trình DACA và ra hạn cho Quốc hội tới đầu tháng 3, phải có một giải pháp lâu dài để giải quyết trường hợp những người này.
Giải thích những cải cách mà ông muốn chứng kiến, ông Trump đề cập tới những người nhập cư theo diện đó, trong khi ông tiếp tục nhấn mạnh rằng phải “tập trung vào các lợi ích tốt nhất của các công nhân Mỹ, và các gia đình Mỹ”.
Ông nói: “Trách nhiệm của tôi và nhiệm vụ thiêng liêng của mọi giới chức dân cử có mặt tại đây, là bảo vệ người Mỹ, bảo vệ sự an toàn, gia đình, cộng đồng và quyền của họ thực hiện giấc mơ Mỹ. Bởi vì người Mỹ cũng là dreamers”.
Phát biểu này lập tức gặp phản ứng của giới chỉ trích cách tiếp cận của ông Trump, trong đó có thủ lãnh Đảng Dân chủ tại Hạ viện Nancy Pelosi, người từng viết trên Twitter: “Dreamers cũng là người Mỹ”.
Dân biểu Joe Kennedy thuộc Đảng Dân chủ cũng gửi thông điệp ủng hộ thành phần nhập cảnh vào Mỹ từ lúc còn bé, trong bài phát biểu đáp lại thông điệp liên bang của ông Trump.
Ông Kennedy tuyên bố:
“Các bạn là một phần trong câu chuyện nước Mỹ, chúng tôi sẽ đấu tranh cho các bạn, chúng tôi sẽ không ngoảnh mặt quay đi.”
Tổng thống Trump nói ông đang giang tay với các nhà lập pháp của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa để đạt các mục tiêu của ông trong vấn đề di trú.
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Mark Warner nói ông đồng ý cần có một thỏa thuận lưỡng đảng về thành phần nhập cư không có giấy tờ hợp lệ vào lúc còn bé, và tăng tài trợ cho an ninh biên giới.
Ông Warner nói: “Nhưng đêm hôm nay, Tổng thống Trump đã chứng minh rằng ông không sẵn sàng ngưng chiều lòng những kẻ cực đoan, nhẫn tâm nhất, trong thành phần ủng hộ nòng cốt của ông, là những kẻ muốn hạn chế hầu hết mọi hình thức nhập cư hợp pháp”.
Kể từ khi bắt đầu chiến dịch vận động tranh cử tổng thống, ông Trump đã tiến phong đòi xây một bức tường dọc theo biên giới Mỹ-Mexico, và trong kế hoạch di trú của ông, ông muốn tăng số lượng nhân viên an ninh biên giới và chấm dứt những chính sách mà ông gọi là “bắt rồi thả” đối với những người bị bắt khi tìm cách vượt biên bất hợp pháp vào Hoa Kỳ.
Ông Trump nói “những lỗ hổng chết người” đã cho phép các băng đảng và tội phạm lọt vào Mỹ.
Ông Trump còn kêu gọi chấm dứt chương trình Xổ số Visa hay xổ số thẻ xanh, để quay sang ủng hộ một “hệ thống dựa vào kỹ năng” để đưa nhân công có tay nghề có thể “đóng góp cho xã hội của chúng ta, yêu mến và tôn trọng đất nước chúng ta”.
Trong phần cuối của kế hoạch di trú, ông Trump muốn hạn chế nhập cư theo diện đoàn tụ gia đình, chỉ được bảo lãnh vợ, chồng và con vị thành niên mà thôi.
Dân biểu Elizabeth Guzman, thuộc Đảng Dân chủ, đại diện bang Virginia, bác bỏ quan điểm của ông Trump về vấn đề di trú, bà nói ông đe dọa đưa đất nước trở lại thời kỳ khi mà con người bị đánh giá dựa trên màu da và tôn giáo, thay vì tính cách của họ.
Dân biểu Guzman chỉ trích lệnh cấm của ông Trump đối với những người đến từ Chad, Iran, Libya, Somalia, Syria và Yemen, cũng như Bắc Triều Tiên và Venezuela, cho rằng đây là một “lệnh cấm dựa trên ác cảm, vô đạo đức”, đối với người Hồi giáo.
Bà nói ông Trump đã “thay thế bình đẳng bằng sự bất khoan dung, sự tương kính bằng sự kỳ thị”.
Chính quyền của ông Trump nói lệnh cấm là điều cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia và bác bỏ những người nói rằng chính sách này và lệnh hạn chế người tị nạn nhập cảnh, là nhắm vào người Hồi giáo.
Bà Guzman nói kế hoạch di trú của ông Trump, nếu được áp dụng, sẽ “thay đổi tận nền tảng tính chất của quốc gia”, đi ngược lại các lý tưởng của những công thần lập quốc.
Bắc Kinh bác cáo buộc của Mỹ-Úc
về ‘mối đe dọa gián điệp Trung Quốc’
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm thứ Năm lên tiếng bác bỏ những cáo buộc từ Hoa Kỳ và Australia về “mối đe dọa do các hoạt động gián điệp Trung Quốc” gây ra, theo Tân Hoa Xã.
Trước đó, ngày 30/1, trong một chương trình trả lời phỏng vấn của BBC, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ Mike Pompeo nói “Trung Quốc đang tìm cách đánh cắp thông tin của Mỹ”.
Ông Mike Pompeo nói có thể thấy những nỗ lực đánh cắp thông tin tại các trường học, bệnh viện, hệ thống y tế, công ty của Mỹ và các nơi khác trên thế giới, kể cả châu Âu và Anh, thông qua các hoạt động gián điệp, những người làm việc cho Trung Quốc chống lại nước Mỹ.
Trong cùng ngày, Cơ quan tình báo Úc (ASIO) cũng cảnh báo Ủy ban Thượng viện nước này rằng mối đe dọa do gián điệp nước ngoài đặt ra hiện nay còn lớn hơn cả thời Chiến tranh Lạnh, với nhiều quốc gia tăng cường hoạt động gián điệp và những âm mưu can thiệp từ bên ngoài, đồng thời chỉ ra rằng Trung Quốc là “trọng tâm của mối quan ngại”.
Trả lời trong cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói:
“Những báo cáo như vậy nhắc tôi nhớ đến một câu nói của người Trung Hoa: ‘Suy nghĩ của bạn định hình thế giới trong mắt bạn’. Vì vậy, không có gì lạ khi nghe những nhận xét như vậy từ người đứng đầu cơ quan tình báo lớn nhất thế giới”.
Bà Hoa nói thêm: “sự thật hơn vạn lời nói”. Bà nói thế giới biết rõ ai mới là kẻ thực sự theo dõi, hoạt động gián điệp, và có ảnh hưởng lên các quốc gia khác.
Trả lời về cáo buộc của Úc, người phát ngôn Trung Quốc nói có hàng triệu người qua lại giữa Trung Quốc và Úc mỗi năm.
Bà mỉa mai: “Nếu họ coi những người này và những Hoa kiều ở Úc là gián điệp, thì chắc chắn họ đang rất là lo lắng đấy”.
Đài Loan:
Đường bay mới của TQ quyết định quan hệ tương lai
Tranh cãi với Trung Quốc về việc mở các tuyến bay mới gần Đài Loan sẽ quyết định các quan hệ tương lai giữa Đài Bắc và Bắc Kinh, Reuters dẫn nguồn chính phủ Đài Loan cho biết như vậy hôm 1/2, trong bối cảnh có bất đồng sâu sắc giữa hai bên có thể khiến cho hàng ngàn người bị kẹt lại trong kỳ nghỉ Tết Âm lịch sắp tới.
Vụ tranh cãi đang càng lúc càng gay gắt hơn khi cả hai bên liên tục tố cáo lẫn nhau sau khi hai hãng hàng không Trung Quốc hủy các chuyến bay bổ sung tới Đài Loan trong dịp Tết Âm lịch, dẫn đến tình trạng hàng ngàn người Đài Loan có thể sẽ không có vé để về nước.
Hội đồng các vấn đề Đại lục, cơ quan phụ trách về chính sách Trung Quốc của Đài Loan, nói trong tuyên bố đưa ra vào cuối ngày thứ Tư: “Con mắt của người dân rất sắc bén. Vấn đề tranh cãi này có thể được giải quyết hay không là một chỉ dấu quan trọng cho thấy cái nhìn của người dân Đài Loan về đường hướng tương lai của mối quan hệ giữa hai bên eo biển Đài Loan sẽ như thế nào.”
“Một lần nữa, chúng tôi kêu gọi phía Trung Quốc hãy trân quý mối quan hệ hòa bình và ổn định giữa hai bên. Trung Quốc cần thực hiện các biện pháp để chuộc lại thiếu sót này, hầu tránh cho vấn đề tiếp tục xấu đi”.
Đài Loan nói các đường bay mới, gần hai nhóm đảo mà Đài Loan kiểm soát nằm gần Trung Quốc, là mối đe dọa đối với an toàn hàng không, và Trung Quốc đã mở các tuyến bay này mà không có sự chấp thuận của Đài Loan, và như vậy là vi phạm các thỏa thuận trước đó giữa hai bên.
Trung Quốc lâu nay vẫn coi Đài Loan là một tỉnh ly khai, và các mối quan hệ giữa hai bên đã trở nên nguội lạnh kể từ khi bà Thái Anh Văn của Đảng Dân Tiến lên nhậm chức Tổng thống vào năm 2016.
Tư gia bà Suu Kyi ở Yangon, Myanmar bị tấn công
Người phát ngôn của nhà lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi cho biết tư gia của bà ở thành phố Yangon đã bị ném bom xăng hôm thứ Năm 1/2.
Ông Zaw Htay cho biết vụ việc xảy ra trong khi bà Suu Kyi đang có mặt ở thủ đô Naypyitaw. Vụ tấn công đã làm hư hại một phần ngôi nhà.
Ngôi nhà bên bờ hồ này là nơi bà Aung San Suu Kyi cư ngụ trong hai thập niên bị giam lỏng dưới thời chính quyền quân phiệt trước đây. Trong một thời gian dài, bà được toàn thế giới ngưỡng mộ như một biểu tượng của dân chủ.
Nhưng uy tín của bà trên trường quốc tế đã bị tổn thương và bà bị chỉ trích rộng rãi về phản ứng nửa vời của bà trước cuộc khủng hoảng nhân đạo vẫn đang tiếp diễn với người Hồi giáo Rohingya.
Gần 700.000 người Rohingya đã phải chạy sang nước láng giềng Bangladesh lánh nạn kể từ tháng 8 năm ngoái để thoát chiến dịch đàn áp tàn bạo của lực lượng an ninh Myanmar.
Các nhân chứng người Rohingya và giới hoạt động nhân quyền tố cáo lực lượng vũ trang Myanmar về các tội giết người, hiếp dâm, đốt phá làng mạc trong một chiến dịch mà LHQ và Hoa Kỳ mô tả là “thanh tẩy sắc tộc”.
Hãng tin AP hôm 1/2 cho biết thêm 5 ngôi mộ tập thể nằm rải rác khắp bang Rakhine đã được phát hiện, với hàng chục người Rohingya bị sát hại. Địa điểm này đã được phát hiện dựa trên các cuộc phỏng vấn với hơn 20 người sống sót trong các trại tị nạn ở Bangladesh và các đoạn video quay bằng điện thoại di động có ghi ngày.
Ông Bill Richardson, cựu nhân viên ngoại giao Hoa Kỳ và cựu Thống đốc bang New Mexico, vào tuần trước đã giận dữ lên tiếng cáo buộc bà Aung San Suu Kyi về những khiếm khuyết trong vai trò lãnh đạo trên phương diện đạo đức, khi ông đột ngột rút chân ra khỏi một hội đồng quốc tế được thành lập để tư vấn cho bà Suu Kyi về cách giải quyết cuộc khủng hoảng người Rohingya.
https://www.voatiengviet.com/a/tu-gia-ba-suu-kyi-o-yangon-myanmar-bi-tan-cong/4234428.html
Thủ tướng Canada không tin Mỹ sẽ rút khỏi NAFTA
Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm thứ Tư nói ông không nghĩ rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ rút khỏi NAFTA, dù tiến độ diễn ra chậm chạp tại các cuộc thương thuyết để cập nhật thỏa thuận thương mại trị giá 1,2 ngàn tỉ đôla này.
Phát biểu của ông Trudeau là một trong những phát biểu tích cực nhất từ quan chức Canada kể từ khi cuộc đàm phán bắt đầu vào năm ngoái nhằm chỉnh sửa Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ mà ông Trump gọi là một thảm họa cướp mất nhiều công ăn việc làm trong ngành sản xuất của Mỹ.
Đình chỉ NAFTA sẽ gây tổn hại nặng nề đến người lao động và các ngành công nghiệp của Mỹ, ông Trudeau nói với đài phát thanh 680 CJOB ở Winnipeg.
“Tôi tin tưởng rằng Tổng thống sẽ nhận thấy điều đó và không đình chỉ vì rời bỏ NAFTA không phải là lợi ích tốt nhất của ông ấy hay của người dân Mỹ,” ông nói.
Đại diện thương mại của ông Trump, phát biểu đầu tuần này sau vòng đàm phán thứ sáu trong tám vòng đàm phán, bác bỏ những đề xuất yêu cầu Mỹ ngưng ngăn chặn các cuộc đàm phán nhưng hứa sẽ tìm kiếm những bước đột phá nhanh chóng.
Các Bộ trưởng Ngoại giao từ Mỹ, Canada và Mexico sẽ gặp nhau tại Mexico vào ngày thứ Sáu để thảo luận về các cuộc đàm phán và các vấn đề khác, Ottawa cho biết.
Công tác tái thương thuyết thỏa thuận NAFTA bắt đầu ngay sau khi ông Trump nhậm chức cách đây một năm. Ông nói nếu thỏa thuận không thể được chỉnh sửa để có lợi hơn cho Mỹ và người lao động Mỹ thì Washington sẽ rút ra.
Chính quyền Trump đang đòi hỏi những thay đổi lớn đối với hiệp định này, và điều này đã gây nên căng thẳng với Canada và Mexico.
Trong bài diễn văn Tình trạng Liên bang hôm thứ Ba, ông Trump nói rằng “nước Mỹ cuối cùng đã sang trang mới sau hàng thập kỷ những thỏa thuận thương mại bất công,” nhưng không nêu đích danh NAFTA.
https://www.voatiengviet.com/a/thu-tuong-canada-khong-tin-my-se-rut-khoi-nafta/4233670.html
Nga: Ngưng chuyển dầu cho Triều Tiên là tuyên chiến
Không nên cắt giảm vận chuyển dầu và các sản phẩm dầu tới Triều Tiên, đại sứ Nga tại Bình Nhưỡng được hãng thông tấn RIA của Nga dẫn lời nói hôm thứ Tư. Ông nói thêm rằng việc chấm dứt hoàn toàn những chuyến vận chuyển này sẽ bị Triều Tiên diễn giải như một hành động chiến tranh.
Liên Hiệp Quốc và Mỹ đã ban hành một loạt những chế tài nhằm hạn chế Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân, bao gồm tìm cách giảm sự tiếp cận của Triều Tiên với dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế.
“Chúng ta không thể cắt giảm hơn nữa các chuyến hàng,” đại sứ Nga tại Bình Nhưỡng Alexander Matzegora được RIA dẫn lời nói trong một cuộc phỏng vấn.
Hạn ngạch do Liên Hiệp Quốc ấn định cho phép khoảng 540.000 tấn dầu thô một năm được vận chuyển vào Triều Tiên từ Trung Quốc, và hơn 60.000 tấn sản phẩm dầu từ Nga, Trung Quốc và các nước khác, ông được dẫn lời nói.
“Đây là một giọt nước giữa đại dương cho một quốc gia có 25 triệu người,” ông Matzegora nói.
Ông nói sự thiếu hụt sẽ dẫn đến các vấn đề nhân đạo nghiêm trọng, và nói thêm: “Các đại diện chính thức của Bình Nhưỡng đã nói rõ rằng một cuộc phong tỏa sẽ được Triều Tiên hiểu là một lời tuyên chiến, với tất cả những hậu quả theo sau.”
Tuần trước, Mỹ đã áp đặt thêm chế tài lên Triều Tiên, bao gồm chế tài lên bộ dầu mỏ của nước này.
Trong bài diễn văn Tình trạng Liên bang đầu tiên của ông trước Quốc hội Mỹ hôm thứ Ba, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố sẽ tiếp tục chiến dịch gây áp lực tối đa lên Triều Tiên để nước này ngừng phát triển các loại phi đạn đe dọa Mỹ.
Triều Tiên hôm thứ Bảy lên án những chế tài mới nhất của Mỹ và Thứ trưởng ngoại giao Nga Igor Morgulov nói rằng Nga không có nghĩa vụ phải thi hành các chế tài do Mỹ đưa ra.
Đại sứ Nga cũng bác bỏ các cáo buộc của Washington rằng Moscow, đi ngược lại các chế tài của Liên Hiệp Quốc, cho phép Bình Nhưỡng sử dụng các cảng của Nga để vận chuyển than.
“Chúng tôi kiểm tra lại bằng chứng [của Mỹ]. Chúng tôi thấy rằng các tàu được nhắc tới không vào cảng của chúng tôi, hoặc nếu có vào thì chúng đang vận chuyển hàng hóa không liên quan gì tới Triều Tiên,” ông được dẫn lời nói.
Reuters trước đó loan tin Triều Tiên đã vận chuyển than sang Nga vào năm ngoái trước khi đưa tới Hàn Quốc và Nhật Bản, một hành động có phần chắc đã vi phạm các chế tài của Liên Hiệp Quốc.
https://www.voatiengviet.com/a/nga-ngung-chuyen-dau-cho-trieu-tien-la-tuyen-chien/4233665.html
Phó tổng thống Mike Pence tin
đảng Cộng Hòa vẫn chiếm đa số sau cuộc bầu cử 2018
White Sulfur Springs, West Virginia. (Reuters) – Phó Tổng Thống Mike Pence đưa ra một bài phát biểu gồm nhiều từ ngữ an ủi và hy vọng, tới các nhà lập pháp đảng Cộng Hòa đang tập trung cho một khóa học chính sách tại thành phố White Sulfur Springs vào hôm qua 31/01.
Phó Tổng Thống được mời lên phát biểu sau khi chiếc xe lửa Amtrak (chở các nhà lập pháp từ Washington DC đến West Virginia) đâm sầm vào chiếc xe tải chở rác, khiến một người ngồi trên xe tải tử thương. Trong bài phát biểu, phó tổng thống đưa ra những lời khích lệ lạc quan, dự đoán rằng đảng Cộng Hòa sẽ duy trì quyền kiểm soát Hạ Viện lẫn Thượng Viện sau cuộc bầu cử Quốc Hội vào tháng 11 năm nay.
Ông Pence nói cách đây hai năm, ý nghĩ thông thường cho rằng cựu ngoại trưởng Hillary Clinton sẽ được bầu làm tổng thống, nhưng sự thật chứng minh rằng đảng Cộng Hòa đã làm nên một chiến thắng lịch sử. Vì thế, ông tin rằng họ sẽ làm nên lịch sử một lần nữa vào năm 2018.
Theo Reuters, trước đó Dân Biểu Cộng Hòa Trey Gowdy, chủ tịch Ủy Ban Giám Sát Hạ Viện tuyên bố sẽ không ra tái tranh cử vào tháng 11. Tổng cộng có tới 40 Dân Biểu Cộng Hòa tại Hạ Viện rời khỏi Quốc Hội, hoặc quyết định nghỉ hưu. Một phần nguyên nhân là vì họ sợ thất bại trước các phong trào chống đối Tổng Thống Trump. Điều đó có thể giúp đảng Dân Chủ hồi phục, và mạnh mẽ trở lại ở các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. (Mai Đức)
http://www.sbtn.tv/pho-tong-thong-mike-pence-tin-dang-cong-hoa-van-chiem-da-so-sau-cuoc-bau-cu-2018/
Vụ Nga can thiệp bầu cử Mỹ :
đảng Cộng Hòa tung đòn phản công, FBI trong tầm ngắm
Cuộc đọ sức giữa chính quyền Trump và Cục điều tra Liên bang FBI bước vào một giai đoạn mới. Vào lúc gọng kìm cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 đang dần dần siết chặt đối với những người thân cận của Donald Trump và bản thân tổng thống Mỹ chấp nhận trả lời có tuyên thệ các câu hỏi của công tố viên đặc biệt Robert Mueller, thì đảng Cộng Hòa bắt đầu phản công.
Hạ Viện Mỹ do đảng Cộng Hòa chiếm đa số thông qua việc công bố một báo cáo mật của Ủy ban tình báo của định chế này, gây bất lợi cho FBI. Báo cáo của Ủy ban do ông Devin Nunes, thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa làm chủ tịch, chỉ trích FBI « lạm quyền trong việc theo dõi chiến dịch tranh cử tổng thống ». Nhà Trắng có năm ngày để quyết định xem tài liệu này nên giữ bí mật hay không.
Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin báo chí không chính thức, dường như tổng thống Mỹ ủng hộ việc công bố. FBI, đảng Dân Chủ và bộ Tư Pháp Hoa Kỳ phản đối mạnh mẽ quyết định trên của phe Cộng Hòa với lý do có nhiều tình tiết thiếu sót « ảnh hưởng đến độ chính xác » của báo cáo.
Báo cáo nói gì ?
Theo tường thuật của giới truyền thông Mỹ được AFP trích dẫn, tài liệu của Ủy ban tình báo cho rằng bộ Tư Pháp và FBI đã « lạm dụng quyền hạn dưới danh nghĩa an ninh quốc gia để được phép theo dõi các cuộc đối thoại của ông Carter Page ». Vị cựu cố vấn đối ngoại của ban vận động tranh cử của ông Trump bị nghi ngờ làm gián điệp do những mối liên hệ thường xuyên của với các quan chức Nga.
Báo cáo còn đặc biệt nhắm vào ông Rod Rosenstein, thứ trưởng bộ Tư Pháp, người đã thuyết phục thành công tổng thống Trump cho phép kéo dài việc theo dõi. Chính ông Rod Rosenstein đã bổ nhiệm ông Robert Mueller làm công tố viên đặc biệt phụ trách cuộc điều tra. Bộ trưởng Tư Pháp Jeff Sessions, bị nghi ngờ có liên quan đến vụ án này, nên không phụ trách, giám sát cuộc điều tra. Như vậy, ngoài tổng thống Donald Trump, chỉ có ông Rosenstein mới là người có quyền bãi nhiệm ông Robert Mueller.
Vẫn theo báo cáo, Ủy ban tình báo Hạ Viện Mỹ khẳng định rằng chiến dịch theo dõi này là thiếu chính xác vì chỉ dựa vào một cuộc điều tra duy nhất từ cựu nhân viên tình báo người Anh, ông Christopher Steele, liên quan đến mối liên hệ giữa Trump và Nga.
Phe Cộng Hòa cho rằng cuộc điều tra này là thiên vị vì được tài trợ bởi một công ty ủng hộ đảng Dân Chủ lúc ấy cầm quyền. Và sau cùng, báo cáo cũng cho biết là đã có nhiều bằng chứng về việc bộ Tư Pháp Mỹ tìm cách hạ uy tín của ông Donald Trump.
Đương nhiên, phe Dân Chủ thiểu số tại Hạ Viện, đã có phản ứng mạnh mẽ, phê phán bản báo cáo « thiếu chính xác » và đưa ra một « hình ảnh lệch lạc về FBI » vào lúc công tố viên đặc biệt Mueller đang điều tra liệu tổng thống Mỹ có cản trở tư pháp hay không, nhất là trong việc bãi nhiệm ông James Comey, cựu lãnh đạo FBI hồi tháng 5/2017. Xin nhắc lại là vào thời điểm đó, ông Comey cũng đang tiến hành điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử.
Chưa biết đòn phản công của phe Cộng Hòa sẽ cho kết quả ra sao, nhưng theo tiết lộ của CNN ngày hôm qua, được Reuters trích dẫn, dường như trong một cuộc gặp riêng hồi tháng 12 năm ngoái, tổng thống Mỹ đã hỏi ông Rod Rosenstein « có ủng hộ » ông hay không, và cuộc điều tra dưới sự chỉ đạo của công tố viên đặc biêt Muller đi theo hướng nào .
CNN cho rằng cuộc trao đổi này một lần nữa làm dấy lên nhiều nghi vấn về ý đồ hiển nhiên của ông Donald Trump can thiệp vào cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller. Nếu như tổng thống Donald Trump được khuyên can, không nên cách chức ông Mueller, cuộc phản công của đảng Cộng Hòa dường như nhắm vào vị công tố viên đặc biệt, nổi tiếng là trung thực và chính trực.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180201-vu-nga-can-thiep-bau-cu-my-dang-cong-hoa-fbi
Vụ Nga can thiệp bầu cử :
FBI « quan ngại » về nội dung bản báo cáo Hạ Viện
Phải chăng Cục Điều Tra Liên Bang Mỹ (FBI) đã lạm quyền trong việc giám sát chiến dịch vận động tranh cử tổng thống của ứng viên Donald Trump ? Đây chính là nội dung bản báo cáo của Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện do đảng Cộng Hòa lãnh đạo, dự kiến sẽ được công bố nay mai nếu Nhà Trắng chấp nhận. FBI, ngày 31/01/2018, bày tỏ quan ngại về những thiếu sót trong bản báo cáo này.
Trong một thông cáo, FBI « bày tỏ lo ngại về những tình tiết thiếu sót có thể tác động đến độ chính xác của báo cáo ». Cơ quan này khẳng định chỉ được « tiếp cận hồ sơ một cách hạn chế ».
Theo AFP, Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện, do nghị sĩ đảng Cộng Hòa Devin Nunes làm chủ tịch, hôm thứ Hai 29/01 đã thông qua việc công bố một tài liệu mật gồm 4 trang. Báo cáo đã phê phán « việc lạm dụng các cơ quan tình báo trong công cuộc điều tra để đưa ra kết luận có sự can thiệp của Nga trong bầu cử tổng thống ».
Việc công bố tài liệu này hiện vẫn đang đợi ý kiến từ Nhà Trắng. Tuy nhiên, theo tuyên bố của ông John Kelly tổng thư ký Nhà Trắng trên đài Fox New thì « tài liệu mật này sẽ được công bố trong nay mai (…) và tất cả mọi người đều có thể tham khảo ».
Bộ trưởng Tư Pháp và FBI phản đối ý định trên cho rằng báo cáo này chứa đựng nhiều thông tin nhạy cảm liên quan đến hoạt động phản gián của Hoa Kỳ.
Đảng Dân Chủ đã bỏ phiếu chống, khẳng định có những điều không rõ ràng. Đảng đối lập này cho rằng báo cáo của Hạ Viện là một công cụ nhằm để đánh lạc hướng công luận vào lúc vòng vây cuộc điều tra đang dần siết chặt xung quanh những người thân cận với ông Donald Trump.
Vận động viên Bắc Triều Tiên tới Hàn Quốc
dự Thế Vận Hội Pyeongchang
Bộ Thống Nhất Hàn Quốc thông báo, hôm nay 01/02/2018, đoàn vận động viên của Bắc Triều Tiên đã tới Hàn Quốc trên chuyến bay trực tiếp từ miền Bắc để tham dự Thế Vận Hội mùa đông Pyeongchang diễn ra từ ngày 9 đến 25 tháng Hai.
Chiếc máy bay Bắc Triều Tiên chở các vận động viên đã đáp xuống sân bay gần thành phố Gangneung (đông bắc). Đoàn gồm 10 vận động viên thi đấu ở các bộ môn trượt tuyết đường trường, trượt tuyết leo núi, trượt băng tốc độ và trượt băng nghệ thuật.
Đoàn thể thao Bắc Triều Tiên tới dự Olympic mùa đông Pyeongchang sẽ gồm 45 người, trong đó có 24 vận động viên. Hai miền đã chấp nhận để Bình Nhưỡng cử một đoàn nữ hoạt náo viên và một đoàn nghệ thuật cho các hoạt động bên lề sự kiện.
Đây là chuyến bay thẳng đặc biệt đầu tiên giữa hai miền Nam-Bắc Triều Tiên, nhất là khi đang có lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc đối với Bình Nhưỡng. Ông Tae-Hyun, phát ngôn viên của bộ Thống Nhất Hàn Quốc cho biết đã phải làm việc với phía Mỹ để xin miễn trừ cấm vận.
Theo ghi nhận của AFP, khá đông người đã đến sân bay để đón các vận động viên miền Bắc với lá cờ chung hai miền và các biểu ngữ như « Chúng ta là một »
Tuần trước, 12 vận động viên đội khúc côn cầu trên băng đã tới Hàn Quốc bằng đường bộ để tập luyện với đội tuyển hỗn hợp hai miền.
Trong bối cảnh Olympic Pyeongchang, hôm nay lá cờ Bắc Triều Tiên đã được kéo lên tại khu đóng quân của đoàn Bắc Triều Tiên trong làng Olympic và các địa điểm thi đấu. Để quốc kỳ miền Bắc được kéo lên trên đất Hàn Quốc, các nhà tổ chức đã phải xin phép đặc biệt với tư pháp. Bởi vì Hàn Quốc có bộ luật quy định mọi hành động ca ngợi, cổ suy hình ảnh của Bắc Triều Tiên đều bị cấm, nếu vi phạm có thể bị kết án tới 7 năm tù. Treo cờ Bắc Triều Tiên cũng bị coi là vi phạm pháp luật.
Syria: Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục tấn công Afrin,
bác bỏ chỉ trích của TT Pháp
Chiến dịch tấn công vào lực lượng Kurdistan ở vùng Afrin, miền bắc Syria bước sang ngày thứ 13 vào hôm nay, và Thổ Nhĩ Kỳ không có dấu hiệu muốn ngừng. Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công đã tăng cường độ. Trên bình diện chính trị, Ankara đã phản bác lời cảnh báo của tổng thống Pháp Macron về một cuộc « xâm lăng » Syria.
Thông tín viên RFI, Alexandre Billette tường thuật từ Istanbul :
« Một ý tưởng “lệch lạc”, “phi lý”… Thổ Nhĩ Kỳ không đi theo logic xâm lăng Syria, mà chỉ muốn chống lại quân khủng bố. Đây là câu đáp trả của thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ sau phát biểu của tổng thống Pháp Emmnuel Macron. Ông Binali Yildirim đã hỏi ngược lại : “Thế lính Pháp hiện làm gì khi họ cũng đang ở Syria ?”
Trên chiến trường thì từ thứ Hai đầu tuần, các cuộc tấn công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường độ. Cùng với phe nổi dậy Syria thân Ankara, họ tập trung đánh vào vùng cao nằm giữa thành phố Afrin và biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Mục tiêu là đưa lực lượng Kurdistan vào gọng kềm, ngăn chận các cuộc pháo kích từ lãnh thổ Syria sang các thành phố Thổ Nhĩ Kỳ ở vùng biên giới. Vào hôm thứ Tư 31/01, một thiếu nữ người Thổ đã bị thiệt mạng ở thành phố Reyhanli. Đây là nạn nhân thứ 4 trong vòng 10 ngày.
Còn tại Afrin, theo tổ chức Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria, đã có gần 100 thường dân thiệt mạng do các cuộc oanh kích của Thổ Nhĩ Kỳ, từ khi chiến dịch được khởi động ».