Chỉ có trái bóng là tròn
VOA blog – 26/01/2018
Đám đông cuồng nhiệt đổ ra đường phố Hà Nội đêm 23 tháng Giêng.
Việc đội tuyển U23 Việt Nam sẽ hiện diện tại trận chung kết giải vô địch bóng đá trẻ châu Á 2018 cùng với đội tuyển U23 Uzbekistan đã trở thành sự kiện chấn động cả sinh hoạt xã hội lẫn dư luận Việt Nam.
Người Việt ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam vừa hồi hộp, vừa sung sướng, vừa ngỡ ngàng khi chứng kiến đội tuyển U23 Việt Nam – vốn từng bị xem như vật “lót đường” ở giải vô địch bóng đá trẻ châu Á 2018 – đột nhiên trở thành “cần gạt”, gạt Úc và Syria sang một bên để bước vào tứ kết, sau đó tiếp tục gạt Iraq sang một bên khác để bước vào bán kết, mới đây gạt luôn hy vọng vô địch năm nay của Qatar.
Hoan hỉ, phấn khích dường như là điều tất nhiên và dễ hiểu nhưng giữa đám đông cuồng nhiệt tới mức, xem chiến thắng của đội tuyển U23 Việt Nam như một bằng chứng cho thấy “Việt Nam đã đặt cả châu Á dưới chân” lại khiến nhiều người lo ngại bởi… thái quá bất cập.
Nguyễn Đức Minh nhấn mạnh, nếu 99% dân số nghĩ rằng đá banh thắng là thắng tất cả, thậm chí còn đua xe, cởi đồ để ăn mừng, chẳng có ai cởi trần phản đối giá xăng tăng để “đi bão” tiết kiệm hơn thì đó là… “dân tộc vô phúc”! Minh nêu ra hàng loạt dẫn chứng cho thấy, kiểu tư duy đánh đồng chiến thắng của đội tuyển U23 Việt Nam với việc “đặt cả châu Á dưới chân” là “điên” khi kinh tế, mức sống của Nhật, Nam Hàn đã vượt xa Việt Nam, khi trẻ con của thiên hạ được ăn học miễn phí thì trẻ con Việt Nam phải đi bán vé số, khi người lớn tuổi của thiên hạ được lo chuyện an sinh thì người già ở Việt Nam phải đi móc bọc, lượm ve chai để có cơm ăn, khi Myanmar bắt đầu chuyển mình từ độc tài sang dân chủ để phát triển thì Việt Nam nghe chuyện chính trị là… “muốn đột quị”, khi hàng triệu người đổ ra đường để bày tỏ sự tự hào về Việt Nam thì Formosa tiếp tục xả chất thải độc hại vào môi trường sống, nợ nẫn quốc gia tiếp tục gia tăng, xã hội bại hoại, đạo đức thối nát và Việt Nam “tiếp tục đi giật lùi so với văn minh của nhân loại”.
Cương Kim, bạn của Nguyễn Đức Minh, góp thêm, một “bộ tộc” cuồng vui chỉ vì một đội tuyển bóng đá lứa tuổi “mầm non” chiến thắng các đội tuyển “mầm non” khác và hoàn toàn im lặng không dám hé răng khi giá xăng liên tục tăng, phí BOT lưu manh, bất công tràn lan, chứng tỏ “sức chịu đựng của chúng sanh bộ tộc đó là… vô địch”.
Nhân Tuấn Trương nhìn những biểu hiện “cuồng vui” trước các chiến thắng vừa qua của đội tuyển U23 Việt Nam tại giải vô địch bóng đá trẻ châu Á 2018 dưới một góc độ khác: Đó là bằng chứng cho thấy người Việt “khát” ước vọng. Facebooker này lý giải, người Việt ý thức rằng họ không kém, bởi nếu kém thì đã bị hòa tan vào Trung Quốc từ lâu. Người Việt luôn có khát vọng vươn lên, vượt qua thiên hạ nhưng dưới sự điều hành của Đảng CSVN – một tổ chức chính trị vong thân, dối trá (lúc thì đề cao “vô sản”, xem “tư hữu” là kẻ thù, cần phải tiêu diệt, khi thì đòi hỏi “đảng viên phải biết làm giàu” – vừa gián tiếp cổ súy “tư hữu”, vừa sỉ nhục quá khứ “vô sản” của chính mình), quốc gia giống như một “con tàu say”. Cuối cùng, khát vọng vươn lên, vượt qua thiên hạ bị hướng vào những kỷ lục bị nhiều người chỉ trích là “ruồi bu” như đòn bánh tét dài nhất, bánh chưng lớn nhất, tô hủ tiếu to nhất,… Khát vọng vươn lên, vượt qua thiên hạ bị dồn nén trong một thời gian dài bùng lên sau những chiến thắng của đội tuyển U23 Việt Nam tại giải vô địch bóng đá trẻ châu Á 2018, người Việt “cuồng vui” vì lâu lắm rồi họ mới có cơ hội “rửa mặt”…
Facebooker có nickname là Lý Luận – một thành viên của nhóm Viet Conservative & Classical Liberal cũng đánh giá các biểu hiện “cuồng vui” theo hướng gần giống với Nhân Tuấn Trương: Đám đông vẫn còn ý thức tự hào về dân tộc của mình. Chỉ đáng buồn là sự tự hào ấy về dân tộc chỉ có thể thể hiện qua những chiến thắng trong túc cầu. Ngoài túc cầu chẳng còn gì để tự hào. Việt Nam giờ là quốc gia xuất cảng cô dâu, đĩ điếm, cu li. Đảo bị chiếm, biển bị ngoại bang kiểm soát, ngư dân bị bắt, bị bắn,… người Việt chỉ biết cúi đầu chịu nhục. Lý Luận nêu thắc mắc: Có thời kỳ nào mà sự tự hào về dân tộc lại trở nên xa xỉ như thời kỳ này không? Có thời kỳ nào mà sự tự hào về dân tộc của người Việt chỉ còn có thể thể hiện qua môt môn thể thao như thời kỳ này không? Những cái không vui và tủi nhục vẫn đang đè nặng lên người Việt từ ngày này qua ngày khác, thế hệ này sang thế hệ khác và rõ ràng là không thể rũ bỏ với những chiến thắng trong bóng đá…
***
Sau cuộc đối đầu giữa U23 Việt Nam và U23 Iraq, trên mạng xã hội, một số người bắt đầu so sánh bóng đá với xã hội. Người hâm mộ bóng đá tại Việt Nam tin rằng, thành quả bất ngờ mà đội tuyển U23 Việt Nam đang gặt hái tại giải vô địch bóng đá trẻ châu Á 2018 là kết quả của việc đặt đội tuyển U23 Việt Nam dưới quyền chỉ huy của Park Hang Seo. Từ chuyện chỉ trong vòng ba tháng (từ tháng 10 năm 2017), ông Park – một người Nam Hàn – đã giúp đội tuyển U23 Việt Nam tự lột xác, không ít người liên tưởng đến vai trò cũng như trách nhiệm “dẫn dắt” Việt Nam của Đảng CSVN.
Theo facebooker Văn Thịnh Hà, nếu “Đảng ta” biết đổi thay như bóng đá thì chắc chắn người Việt sẽ có lúc được “ngẩng cao đầu”, chắc chắn ông không phải nghe những “sàm ngôn” kiểu như “Đảng ta là… đã tang”! Văn Thịnh Hà định nghĩa “thay đổi” là đoạn tuyệt với “sàm ngôn” tự cho rằng mình “vĩ đại”, đoạn tuyệt với ảo vọng “thiên tài”, tự nhận cơ chế “hổng giống ai” này là cội nguồn của các bi kịch, cách thức diều hành quốc gia trước nay khiến Việt Nam thua kém cả Lào, Campuchia là “sự dốt, kém của chính mình”. “Thay đổi” còn đồng nghĩa với việc phải xem phản biện là vì yêu nước, không phải phản động. Văn Thịnh Hà nhấn mạnh, nếu không có sự thay đổi trong cách nghĩ, cách hiểu, cách làm, chắc chắc Việt Nam sẽ luôn luôn cúi đầu, lầm lũi bước theo thiên hạ và chẳng bao giờ có quyền – dẫu chỉ một lần… ngẩng mặt!
Tương tư, Vũ Kận Veo nhận định, nếu Việt Nam có thể lựa chọn đảng cầm quyền giống như đội tuyển bóng đá có thể lựa chọn huấn luyện viên trưởng và ê kíp của ông ta, nếu dân chúng có thể thay đảng cầm quyền như thay ê kíp huấn luyện viên đội tuyển bóng đá thì giờ này, chắc chắn Việt Nam chẳng lẹt đẹt ngửi đ… thiên hạ, ngửi đ… láng giềng Lào, Campuchia như bây giờ.
Trên Diễn đàn Góc nhìn Báo chí – Công dân, Thương Nguyễn Thị nêu ra thắc mắc tương tự: Việt Nam thuê đúng Huấn luyện viên nên đội tuyển U23 Việt Nam lập được kỳ tích, giúp bóng đá Việt Nam thoát khỏi ao nhà, bơi ra biển lớn. Tại sao Việt Nam không thuê tiếp, thuê đúng những chuyên gia nước ngoài để thay thế các bộ trưởng của nhiều bộ như Giáo dục – Đào tạo, Y tế, Tài chính, Giao thông – Vận tải, Tài nguyên – Môi trường,… Theo Thương Nguyễn Thị, thuê chuyên gia nước ngoài chắc chắn sẽ ít tốt kém hơn vì không bị tham nhũng mà hiệu quả chắc chắn sẽ tốt hơn. Tuan Hoang, một thành viên của Diễn đàn Góc nhìn Báo chí – Công dân, góp thêm thắc mắc: Rõ ràng chúng ta đang bỏ tiền thuế ra để thuê đám công bộc này nhưng tại sao lại không có quyền sa thải chúng? Thu Thảo, Hongha Pham góp vào, không cần thuê chuyên gia nước ngoài, chỉ cần tuyển dụng công khai và phản biện là mọi chuyện sẽ khác vì Việt Nam có đầy người đủ đức, đủ tài nhưng không được dùng.
Trong bối cảnh càng ngày càng nhiều người đem các chiến thắng của đội tuyển U23 Việt Nam tại giải vô địch bóng đá trẻ châu Á 2018 so với thực tại, đòi xét lại cả vai trò “lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối” lẫn trach nhiệm của Đảng CSVN, tờ Nhân Dân – cơ quan ngôn luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN – vội vàng đăng bài “Thế nước mạnh, vận nước lên!”. Theo tờ Nhân Dân, chuyện “lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá nước nhà, đội tuyển U23 Việt Nam hiên ngang tiến vào trận chung kết giải bóng đá U23 châu Á 2018” cùng với “những thành tích nổi bật và toàn diện của quân dân cả nước, tạo nên những bước đột phá về kinh tế – xã hội, văn hóa, thể thao, đặc biệt là kết quả về xây dựng Ðảng và đối ngoại… trong năm 2017” chính là bằng chứng “thế nước mạnh, vận nước lên, lòng dân đồng thuận, nước nhà hưng thịnh” và chắc chắn “việc gì cũng thành công”!
Ngay lập tức, hàng loạt facebooker chỉ ra sự ngô nghê của lối trấn an “Thế nước mạnh, vận nước lên!” như Lê Phương Thảo: Vận nước đang lên! Thiệt không? Người Việt Nam có thể ngây ngô đến thế sao? Nếu đội tuyển U23 Việt Nam thua trận chung kết thì vận nước sẽ tụt xuống mức nào?.
Facebooker Lưu Trọng Văn nói thẳng “Thế nước mạnh, vận nước lên!” là “ngớ ngẩn, ngây thơ chính trị”. Đội tuyển bóng đá của Argentina vô địch thế giới nhưng Argentina vẫn chìm trong khủng hoảng. Đội tuyển bóng đá của Hy Lạp vô địch châu Âu nhưng kinh tế Hy Lạp vẫn lụn bại, nợ nần chồng chất, dâ chúng khốn khổ. Brazil – quốc gia hàng đầu thế giới về bóng đá nhưng kinh tế, khoa học, công nghệ vẫn không khởi sắc. Lưu Trọng Văn khuyến cáo: Hãy trả bóng đá cho bóng đá. Đơn giản là cuộc chơi, cuộc vui và khẳng định, “gã sẽ chọn đất nước gã giàu có, êm đềm, người dân tử tế đùm bọc tôn trọng nhau, chính thể tự do, dân chủ minh bạch như Phần Lan, Áo… mặc dù bóng đá của họ tà tà thôi”. Cũng theo Lưu Trọng Văn: “Vận nước và sự cất cánh của một quốc gia, không bao giờ và sẽ không hề phụ thuộc vào một cuộc chơi dù cuộc chơi ấy là vua các cuộc chơi. Đừng đánh lận các giá trị. Sẽ có tội với dân tộc nếu đánh lận các giá trị, đánh lạc hướng các giá trị”. Cần xem việc hàng triệu người cầm cờ đỏ ùa ra đường hò reo chiến thắng của bóng đá là một thông điệp rất rõ về lòng người. Đó là hãy dâng hiến hết mình, đá thật, đá đẹp cho màu cờ sẽ được nhân dân tôn vinh. Còn ngược lại, nhân dân sẽ nguyền rủa và không tha thứ những trò đá cuội, đá gian, đá đểu.