Tin Biển Đông – 27/01/2018
Trung Quốc lên tiếng vụ tàu sân bay Mỹ thăm Đà Nẵng
Hôm 26/1 Trung Quốc lên tiếng nói họ không phản đối chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ đến Đà Nẵng dự kiến vào tháng 3/2018.
Hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định như vậy và nói thêm rằng miễn là những sự hợp tác đó có lợi cho hòa bình và ổn định khu vực.
Khi được hỏi liệu Trung Quốc có lo ngại gì về việc hàng không mẫu hạm Mỹ đến Việt Nam, bà Hoa Xuân Oánh nói Trung Quốc luôn luôn tán thành khi thấy các nước tăng cường quan hệ hợp tác trên tinh thần hữu nghị.
Trước đó, hãng tin AP nhận định chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ có phần chắc sẽ làm Trung Quốc tức giận bởi vì Bắc Kinh có thể coi đây là một động thái của Mỹ nhằm tăng cường sức mạnh quân sự trong khu vực.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng thuộc đại học George Mason, bang Virginia, nói với VOA rằng thông thường Trung Quốc phản ứng rất dữ dội về những động thái quân sự của Mỹ ở Biển Đông:
“Khi Hải quân Mỹ tuần tra tự do hàng hải thì Bắc Kinh đã phản ứng rất dữ dội. Người phát ngôn của Trung Quốc từng nói sẽ không thể nhân nhượng vấn đề Biển Đông và họ chuẩn bị sẵn sàng để thắng Mỹ nếu có cuộc chiến tranh xảy ra.”
Trước chuyến thăm của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Jim Mattis tới Việt Nam, Tân Hoa Xã nhận định ông Mattis đang mưu tìm một mối quan hệ chặt chẽ hơn với Hà Nội bằng việc tăng cường các quan hệ giữa hai quân đội.
Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc nhận định với VOA rằng tàu sân bay này sẽ cập cảng Tiên Sa, nơi trước đây là căn cứ hải quân của Mỹ ở Đà Nẵng trong chiến tranh Việt Nam.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp của viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS nói với VOA rằng chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ đến Việt Nam sẽ là biểu tượng cho hợp tác chiến lược Việt – Mỹ trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy và thách thức trên Biển Đông:
“Con tàu không chỉ dừng ở ngoài khơi mà sẽ cập cảng. Đây là một thông điệp về sự tin cậy càng ngày càng lớn giữa hai nước về mặt chiến lược và cũng là một cái biểu tượng cho các quan hệ ngày càng phát triển giữa hai nước trong bối cảnh hai bên có thêm sự tương đồng về mặt lợi ích chiến lược trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy và thách thức các lợi ích của hai bên, đặc biệt là trên Biển Đông.”
Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis hôm 25/1 dự kiến tàu chiến Mỹ sẽ ghé cảng Đà Nẵng vào tháng 3 năm nay.
https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-len-tieng-vu-tau-san-bay-my-tham-da-nang/4226597.html
Biển Đông: Nga Nhảy Vô Tiếp TC
Vi Anh
Không còn nghi ngờ gì nữa, TT Trump và Bộ Trưởng quốc Phòng Mỹ Mattis đều công khai tuyên bố tại Thủ đô Washington của Mỹ, rằng Nga và Trung quốc là hai “đối thủ” Mỹ phải tập trung đối phó. TT Trump chỉ mặt đặt tên «Trung Quốc và Nga đang thách thức sức mạnh, ảnh hưởng và lợi ích của nước Mỹ, họ đang cố phá hoại an ninh và phồn thịnh của nước Mỹ» trong bài diễn văn về “Chiến lược an ninh quốc gia” ngày18/12/2017.
Và ngày 19/1/2018, Bộ Trưởng QP Mattis tuyên bố “Chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành chiến dịch chống chủ nghĩa khủng bố như đang làm ngày hôm nay, nhưng sự cạnh tranh của các cường quốc khác như Trung Quốc và Nga, giờ sẽ là trọng tâm của an ninh quốc gia, chứ không phải chủ nghĩa khủng bố.”
Mới đây Bộ Trưởng Quốc Phòng Nga Sergei Shoigu công du và Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Cựu Tướng 4 sao Thuỷ quân Lục Chiến Mattis cũng công du Đông Nam Á mà Biển Đông là điểm nóng nhứt có thể thành chiến trường một cuộc chiến tranh vùng của thế giới. Hai ông tướng Nga và Mỹ đều ghé VNCS là chế độ cộng sản như TC, nhưng bị TC xâm lấn, xâm chiếm biển đảo nhiều nhứt. Nhiều dấu chỉ gần đây cũng cho thấy rõ ràng Nga hậu CS và Tàu hiện CS đang cấu kết và phối hợp nhau trong việc chống Mỹ, ở Á châu Thái bình dương là diện và Biển Đông là điểm.
Một, Nga hậu CS và TC hiện CS từ lâu đã liên minh với nhau và cam kết với nhau là không cho thế lực bên ngoài [ám chỉ Mỹ] can thiệp vào các tranh chấp ở Biển Đông. Tin AP, trong chuyến công du Bắc Kinh, ngày 29/04/2016, trước báo giới, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Ngoại trưởng TC Vương Nghị đã đồng loạt lên tiếng tố cáo chống Mỹ về “sự can thiệp” từ bên ngoài vào Biển Đông và bán đảo Triều Tiên. Chủ trương các tranh chấp biển đảo phải giải quyết song phương giữa hai nước trong vùng, là chủ trương của TC, lợi cho TC vì TC có thể ỷ mạnh hiếp yếu.
Thêm vào đó, cả Nga và TC đều phản đối và yêu cầu Mỹ từ bỏ việc bố trí hệ thống phòng chống hoả tiễn THAAD tại Hàn Quốc, nhằm đối phó với những manh động ngày càng hung hăng của CS Bắc Triều Tiên, xuyên qua những vụ thử hoả tiễn và nguyên tử trong thời gian gần đây.
TT Putin của Nga và Chủ Tịch Bình của TC đã phối hợp vận động được Thủ Tướng Ấn độ cùng kêu gọi giải quyết những tranh chấp biển đảo ở Biển Đông trên nguyên tắc song phương. Một ngạc nhiên rất lớn vì lâu nay Ấn độ “hướng đông”, cùng lập trường với Mỹ, chống đà bành trướng của TC ở Đông Nam Á, cho vay lãi suất ưu đãi cho VN mua vũ khí bảo vệ biển đảo. Nhưng sau đó vào cuối năm 2017, Mỹ bắt tay sát với Ấn, liên kết nhau trong Chiến lược “Ấn độ-Thái bình dương tự do, mở rộng” do Mỹ chủ trương nay đang thành hình.
Hai, TT Putin đòi hỏi Nhựt trả lại quần đảo Kuril cho Nga để Nhựt phải rút thế lực ở Biển Đông về miền Bắc để bảo vệ vùng biển và đảo Kuril của Nhựt do Nga đang khuấy rối, tranh chấp. Thâm ý của Nga là tạo tranh chấp đảo Kuril cộng với việc TC đã và đang tranh chấp đảo Senkaku, để Nhựt rơi vào thế lưỡng đầu thọ địch; Nhựt khó có thể làm đầu tàu kéo các nước Á Châu Thái bình dương trong liên minh chống TC, tiếp với Mỹ.
Bộ Quốc Phòng Nga ngày 25/03/2016 cũng đã tiết lộ kế hoạch bố trí hoả tiễn hiện đại và xây dựng căn cứ Hải Quân tại vùng quần đảo Kuril đang có tranh chấp với Nhật Bản. Tàu của Hạm Đội Nga vào tháng Tư sẽ đến khu vực này để nghiên cứu khả thi trong vòng ba tháng.
Làm thế là Nga buộc Tokyo phải quan tâm trở lại với mặt trận phía Bắc, qua đó giảm bớt nguồn lực dành cho phía Nam, nhất là khu vực Biển Đông, nơi mà Nhật Bản không có lợi ích trực tiếp. Trung Quốc sẽ hưởng lợi nhờ chiến thuật đông tiến ra Thái bình dương của Nga. Làm thế là Nga giải toả bớt áp lực, giải vây cho TC đang bị nhiều nước Đông Nam Á Phi, Việt, Mã, Nam dương, Brunei chống TC.
Ba, TT Nga Putin không ngừng chiến thuật giải vây cho TC ở Đông Bắc Thái bình dương, mà Nga còn đi xa hơn xuống Đông Nam Á. Nga còn giúp TC bằng cách trực tiếp can thiệp vào các nước ASEAN bị TC xâm lấn, chiếm cứ và quân sự hoá biển đảo ở Biển Đông nữa. Tin Reuters, ngày 20/05/2016, tại cuộc họp thượng đỉnh ở Sochi, Nga sẽ ký với ASEAN một hiệp ước, trong đó cho thấy Moscow đang thông qua ASEAN can thiệp vào các tranh chấp ở Biển Đông, đồng thời mở rộng ảnh hưởng Nga ở châu Á. Theo dự thảo hiệp ước Nga-ASEAN, các bên phải «tự kềm chế, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình theo đúng các nguyên tắc được cả thế giới thừa nhận của luật pháp quốc tế».
Và hiện thời Bộ Trưởng Quốc Phòng Nga công du Đông Nam Á, viếng thăm Miến Điện, Lào và Việt Nam. Thông tấn xã nhà nước Nga cho biết mục đích của chuyến đi là để thảo luận sự hợp tác quân sự của nước Nga với các nước trong khu vực. Nga hiện nay là quốc gia bán vũ khí lớn nhất cho CSVN, từ máy bay chiến đấu, hoả tiễn phòng thủ bờ biển, cho đến chiến hạm và tàu ngầm.
Chiến dịch nam tiến của Nga, xâm nhập vào ASEAN ở Đông Nam Á là một công hai việc. Một là giúp cho TC củng cố cuộc xâm lấn. Hai là giúp cho Nga hậu CS khôi phục sự hiện diện và vị thế vang bóng một thời của Liên xô mà Nga là “chủ đạo”.
Bốn, TT Putin của Ngavà Chủ tịch Tập Cận Bình của TC, từ mấy năm nay đã bày tỏ tình hữu nghị thắm thiết giữa hai chế độ mà hai ông cầm đầu. Hai bên đã ký kết khoảng 40 văn bản hợp tác trong nhiều lãnh vực, năng lượng, hàng không, tài chính và không gian.
Giao thương đã tăng gần 10 lần. TC đã cứu bồ Nga khi bị Mỹ và Liên Âu trừng phạt vì vụ Nga thôn tính Crimea. Năm ngoái, TC mua của Nga 400 tỉ đô la dầu khí. TC bỏ nhiều vốn giúp cho Nga xây dựng đường ống dẫn khí «Sức mạnh Xibêri», với giá thành khoảng 27 tỉ euro. Việc giao khí đốt sẽ bắt đầu từ năm 2018».
TC cũng ký một thỏa thuận khung về việc lập một công ty liên doanh, TC có thể đứng ra mua 100 phi cơ Sukhoi Superjet 100 của Nga trong ba năm tới. Ông Putin còn cho biết Bắc Kinh chấp nhận chi ra 300 tỉ rúp (5,2 tỉ euro) để xây đường cao tốc nối liền hai nước.
Năm và sau cùng, TT Putin của Nga vốn là cựu trung tá mật vụ KGB của CS Liên xô có một giấc mộng lớn muốn phục hồi Nga thành Liên xô bá chủ Đế Quốc CS.
Chủ Tịch Tập cận Bình vốn là hoàng tử đỏ của TC cũng có giấc mộng lớn muốn TC trở thành Trung Hoa bá chủ các chư hầu Á châu.
Nga hậu CS và TQ hiện CS càng ngày càng xích lại gần nhau trong chiến lược chống Mỹ chuyển trục quân sự sang Á châu Thái bình dương để ngăn chận TC thống trị Á châu Thái bình dương, khống chế tự do hàng hải là quyền tự do theo luật quốc tế và cũng là quyền lợi cốt lõi của Mỹ./.(VA)
https://vietbao.com/p123a276951/bien-dong-nga-nhay-vo-tiep-tc
Mẫu Hạm Mỹ Sẽ Vô VN, Nga Tố Mỹ Bao Vây TQ
HÀ NỘI – Hoa Kỳ bắt đầu năm 2018 bằng tín hiệu không nhầm lẫn về tham vọng của Trung Cộng tại Biển Đông, theo tinh thần “chiến lược quốc phòng mới” mô tả Trung Cộng là “đối thủ chiến lược”.
Tuần này, bộ trưởng quốc phòng của nội các Trump công du Vietnam và Indonesia, 2 thành viên then chốt của ASEAN có tranh chấp biển đảo với Trung Cộng.
Hôm Thứ Tư, bộ trưởng quốc phòng Tuớng Jim Mattis mô tả Indonesia là “bản lề của vùng Indo-Pacific” cùng lúc công nhận hành động của Jakarta trong việc đặt lại tên vùng biển gần nhóm đảo Natuna là “North Natuna Sea”. Vùng này đuợc biết là giàu tài nguyên năng luợng thuộc “lãnh hải kinh tế” của Indonesia nhưng trùng lặp với “đường chín đoạn” của Trung Cộng.
Bộ trưởng Mattis gặp TT Widodo và cuộc duyệt binh của quân đội Indonesia gồm hoạt cảnh cắt đầu rắn uống huyết.
Thông cáo báo chí của Bộ quốc phòng Hoa Kỳ loan báo: 2 bên khảng định khả năng hợp tác an ninh hàng hải và mô tả chuyến đi 3 ngày của bộ trưởng quốc phòng Jim Mattis là thành công tốt đẹp.
Chuyến đi Vietnam của bộ truởng quốc phòng Hoa Kỳ cũng nhằm đào sâu hợp tác quốc phòng.
Hôm Thứ Năm, Tướng Mattis ngỏ lời cảm ơn Hà Nội về sự hợp tác trừng phạt Bắc Hàn làm mất nguồn than đá nhập cảng Vietnam bằng giá rẻ.
Với Hà Nội, Washington là đối trọng cấp thiết để đương đầu tham vọng hàng hải của Trung Cộng tại Bển Đông, nhất là khi ASEAN không có hành động chung thách thức Beijing.
Hôm 20-1, Hoa Kỳ đưa khu trục hạp USS Hopper tới gần bãi cạn Scaborough, là đối tượng tranh chấp giữa Trung Cộng và Philippines. Giới phân tích tin rằng đây có thể sắp là điểm nóng. Tàu USS Hopper đến trong hoạt động gọi là “Tự do hàng hải” của hải quân Hoa Kỳ.
Trong khi đó bản tin của thông tấn Nga Sputnik tiếng Việt hôm Thứ Năm cho biết rằng:
“Việt Nam có mức tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trong khu vực, do đó đối với Việt Nam tự do hàng hải và khả năng tiếp cận Biển Đông có ý nghĩa quyết định về mặt kinh tế và, tất nhiên, trong lĩnh vực đảm bảo an ninh”, — Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ “chăm sóc” đến lợi ích của Việt Nam. Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, giáo sư Dmitry Mosyakov, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu các nước Đông
Nam Á, Australia và Châu Đại Dương của Viện Phương Đông (Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga) cho biết: “Chuyến công du của James Mattis và những lời tuyên bố như vậy là một biểu hiện rõ ràng của chính sách xây dựng hàng rào (hedge policy) mà Mỹ đang thực thi”. “Chính sách này là gì? Hoa Kỳ đang tập trung nỗ lực để giữ vai trò chủ đạo trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, họ cố gắng tạo ra vòng vây bao quanh Trung Quốc, để xung quanh Trung Quốc có các quốc gia có thể đối phó với sức mạnh ngày càng tăng và những tham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh. Washington có ý định đấu tranh với Trung Quốc bằng bàn tay của người khác, họ phớt lờ lợi ích của các quốc gia nhỏ và vừa trong khu vực nằm giữa hai siêu cường.”
Ngoài ra, bản tin của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) hôm 25 tháng 1 cho biết rằng một hàng không mẫu hạm Mỹ sẽ viếng thăm Việt Nam trong năm nay. Bản tin VOA viết như sau:
“Một tàu sân bay của hải quân Mỹ sẽ tới thăm Việt Nam lần đầu tiên sau chiến tranh, Bộ Quốc phòng Việt Nam xác nhận.
“Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis hôm 25/1 cho biết là dự kiến tàu sẽ ghé thăm cảng Đà Nẵng vào tháng 3 năm nay. Người phát ngôn của Lầu Năm Góc Jeff Davis cho biết Bộ trưởng Mattis đã thảo luận với người đồng cấp phía Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, về chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ trong một cuộc họp kín.
“Ý tưởng tàu sân bay Mỹ thăm Việt Nam được đưa ra trong chuyến thăm của người đứng đầu Bộ Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, tới Mỹ vào giữa năm ngoái.
“Ông Davis được AP trích lời cho biết bộ Quốc phòng Việt Nam đang chờ sự thông qua của các quan chức cấp cao trong chính phủ, nhưng thông báo của Bộ trưởng Mattis cho thấy dường như mọi việc đã êm xuôi.
“Trong một cuộc gặp gỡ chính thức với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm 25/1, Bộ trưởng Mattis nói: “Xin cám ơn ông đã tăng cường hợp tác bằng chuyến thăm sắp tới của tàu sân bay của chúng tôi tới Đà Nẵng vào tháng 3.”
“Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc nhận định với VOA rằng tàu sân bay này sẽ cập cảng Tiên Sa, nơi trước đây là căn cứ hải quân của Mỹ ở Đà Nẵng trong chiến tranh Việt Nam.
“AP nhận định chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ có phần chắc sẽ làm Trung Quốc tức giận vì đây là một động thái quan trọng của Mỹ nhằm tăng cường sức mạnh quân sự trong khu vực.”
https://vietbao.com/p124a276887/mau-ham-my-se-vo-vn-nga-to-my-bao-vay-tq