Tin khắp nơi – 27/01/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 27/01/2018

Bộ Trưởng Quốc Phòng Mattis:

ngoại giao là cách để đối phó với Bắc Hàn

Pearl Harbor, Hawaii – Trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Nam Hàn ở Hawaii, Bộ Trưởng Quốc Phòng Jim Mattis nhấn mạnh ngoại giao là cách để đối phó với cuộc khủng hoảng Bắc Hàn.

Ông Mattis đưa ra nhận xét trên một ngày sau khi Ngoại Trưởng Nam Hàn Kang Kyung-wha cho biết giải pháp quân sự đối với Bắc Hàn là không thể chấp nhận được. Theo ông Mattis phản ứng tốt nhất đối với mối đe dọa này là ngoại giao. Nhưng sự hậu thuẫn của các lựa chọn quân sự nhằm bảo đảm các nhà ngoại giao đàm phán với thế mạnh.

Chính phủ Trump tuyên bố họ tính tới mọi lựa chọn, để ngăn chặn Bắc Hàn theo đuổi hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử có khả năng tấn công Hoa Kỳ.

Hôm qua 26/01, Ngoại Trưởng Nam Hàn Kang Kyung-wha tuyên bố cuộc xung đột về chương trình nguyên tử của Bắc Hàn phải được giải quyết bằng phương pháp ngoại giao. Bà nói chắc chắn Washington sẽ hỏi ý kiến chính phủ Nam Hàn trước, nếu lựa chọn quân sự được tính tới. (Nguyên Trân)

http://www.sbtn.tv/bo-truong-quoc-phong-mattis-ngoai-giao-la-cach-de-doi-pho-voi-bac-han/

 

Phe đối lập Syria

sẽ không tham dự các cuộc hòa đàm Sochi

Vienna, Aó — Một phát ngôn viên của phái đoàn phe đối lập, tham gia các cuộc hòa đàm do Liên Hiệp Quốc tổ chức ở thành phố Vienna, cho biết phe đối lập Syria sẽ không tham dự một hội nghị hòa bình do Nga tổ chức tại Sochi vào tuần tới.

Trò chuyện với Reuters vào sáng nay 27/01 theo giờ địa phương, phát ngôn viên Yahya al-Aridi nói rằng chính quyền Syria và đồng minh Nga của họ không đưa ra các cam kết cần thiết. Đồng thời, hội nghị Sochi là một hình thức làm suy yếu nỗ lực trung gian của Liên Hiệp Quốc tại cuộc hòa đàm. Đó là hai trong nhiều lý do khiến phe đối lập Syria quyết định không có mặt tại Sochi.

Theo nhận xét của ông Aridi, xung đột nội bộ Syria nhưng mọi quyết định lại nằm trong tay Nga. Và rất nhiều lần Nga tuyên bố họ muốn giữ cho chế độ của ông Assad được tồn tại thêm một thời gian nữa.

Trong tuần qua, các cuộc đàm phán hòa bình ở Vienna do Liên Hiệp Quốc tổ chức cho chính quyền Syria và phe đối lập đã kết thúc. Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa đưa ra được một thông báo chung nào. Theo ban tổ chức, hiện nay Liên Hiệp Quốc vẫn chưa quyết định họ sẽ tham dự một hội nghị hòa bình ở Nga vào tuần sau hay không.

Các cường quốc Tây phương và một số quốc gia Ả Rập tin rằng hội nghị ở Sochi là nỗ lực nhằm tạo ra một tiến trình hòa bình riêng rẽ, có thể làm suy yếu nỗ lực của Liên Hiệp Quốc, đồng thời đặt nền móng cho một giải pháp phù hợp hơn cho ông Asaad, và cho đồng minh của ông là hai nước Nga và Iran. (Mai Đức)

http://www.sbtn.tv/phe-doi-lap-syria-se-khong-tham-du-cac-cuoc-hoa-dam-sochi/

 

Pháp lo sợ Bắc Hàn tiếp tục khiêu khích

sau khi thế vận hội mùa đông kết thúc

Tokyo, Nhật. (Reuters) – Tại một cuộc họp báo chung được tổ chức ở Tokyo vào sáng nay 27/01  theo giờ địa phương, Ngoại Trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nói với các phóng viên rằng hiện nay Pháp vẫn thận trọng và lo lắng trước các cuộc thử nghiệm nguyên tử có thể xảy ra của Bắc Hàn, sau khi Thế Vận Hội Mùa Đông ở Pyeongchang kết thúc. Vì thế, việc duy trì áp lực thông qua sự trừng phạt để đưa Bắc Hàn trở lại bàn đàm phán là điều cần thiết.

Theo tin Reuters, trong thời gian qua, Bắc Hàn đang phát triển kỹ thuật nguyên tử và hỏa tiễn, không những thường xuyên đe dọa hủy diệt Hoa Kỳ và Nhật Bản, mà còn chống lại các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Vào đầu tuần này, chính xác là vào ngày 23 tháng 1, Bắc Hàn tuyên bố có một lực lượng nguyên tử “mạnh mẽ và đáng tin cậy” có thể ngăn chặn bất cứ cuộc tấn công nào.

Có mặt tại buổi họp báo chung, nữ Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng Pháp Florence Parly cũng lên tiếng kêu gọi các bên cố gắng kiềm chế, để tránh những mâu thuẫn và xung đột không cần thiết. Bà Parly nói “cứng rắn không có nghĩa là thêm dầu vào lửa” mà có nghĩa là “thỏa hiệp với mọi cơ hội đối thoại”. Bà nói mình không phải là người thích đưa ra những luận điệu khiêu khích. Đôi khi chỉ cần nói hớ một câu, xung đột có thể xảy ra.

Reuters cho biết Bắc Hàn và Nam Hàn đồng ý thi đấu chung dưới một lá cờ thống nhất, ở một số môn thể thao tại Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang. (Mai Đức)

http://www.sbtn.tv/phap-lo-so-bac-han-tiep-tuc-khieu-khich-sau-khi-the-van-hoi-mua-dong-ket-thuc/

 

Thổ Nhĩ Kỳ điều động xe tăng vào Afrin- Syria

Oncupinar, Thổ Nhĩ Kỳ. (Reuters) – Hôm nay 27/01, Thổ Nhĩ Kỳ điều động thêm xe tăng vượt qua biên giới, vào thành phố Afrin nằm trong khu vực tây bắc của Syria, khi cuộc tấn công chống lại dân quân người Kurd vẫn tiếp tục.

Reuters cho biết nhân chứng thấy pháo binh Thổ Nhĩ Kỳ từ thành phố Hassa băng qua biên giới để vào Syria. Kể từ khi bắt đầu chiến dịch “Operation Olive Branch” với mục đích xâm nhập vào Syria, Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết quân đội của ông sẽ đẩy lùi dân quân người Kurd về phía thành phố Manbij thuộc miền đông Syria. Thành phố này là một phần lãnh thổ của dân quân người Kurd, nằm cách thành phố Afrin 60 dặm về phía đông. Đây cũng là nơi có sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ, nhằm ngăn chặn cuộc xung đột giữa binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ và dân quân người Kurd (được phía Mỹ hậu thuẫn). Bất kỳ sự tiến quân nào của phía Thổ Nhĩ Kỳ đối với thành phố Manbij cũng có thể ảnh hưởng đến nỗ lực của Hoa Kỳ, nhằm ổn định miền bắc Syria, nơi mà quân đội Hoa Kỳ chỉ có khoảng 2,000 binh sĩ, là một phần chính thức của liên minh quốc tế chống lại ISIS.

Tại buổi họp báo ở Ankara sáng nay, Tổng Thống Erdogan cho biết chính phủ Hoa Kỳ nói với ông rằng Mỹ sẽ không cung cấp vũ khí cho dân quân người Kurd nữa, khi cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại dân quân người Kurd ở Syria bước vào ngày thứ tám. (Mai Đức)

http://www.sbtn.tv/tho-nhi-ky-dieu-dong-xe-tang-vao-afrin-syria/

 

Ấn, ASEAN: Liên Kết Ấn Độ-Thái Bình Dương,

Qua Hợp Tác Hàng Hải, An Ninh, Chia Sẻ Kỹ Thuật

NEW DEHLI   –     Các viên chức lãnh đạo 10 thành viên ASEAN và Ấn Độ họp 1 hội nghị dấu ấn hôm Thứ Năm về khả năng mở rộng hợp tác hàng hải, an ninh, chia sẻ kỹ thuật để cùng phát triển, cùng thịnh vượng.

Nhân dịp hội nghị New Dehli này, Thủ Tướng Narendra Modi đã lắng nghe chuyện kể về nhiều thế kỷ chứng kiến thương nhân và di dân qua lại giữa Đông Nam Á và tiểu lục địa Ấn Độ, tạo ra cảnh phồn vinh tại 2 khu vực.

Tại trời Tây, Hoa Kỳ cũng đã nhận thấy nhu cầu liên kết Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương trong chiến luợc kinh tế và quốc phòng.

Thủ Tướng Ấn Độ góp ý “Tiếp xúc văn hoá đã vun bồi tình hữu nghị giữa các dân tộc – chúng ta chia sẻ hành trình này từ hàng chục thế kỷ. Nền văn hoá cổ Ramayana là di sản quý giá tại khu vực ASEAN và tiểu lục địa Nam Á”.

Ông Modi nhắc đến việc thực hành công ước LHQ về luật biển như là nguyên tắc pháp trị để các nước cùng tiến tới hoà bình và thịnh vượng. Hợp tác tìm cứu và cứu trợ sau thiên tai cũng là những vấn đề lớn trong hợp tác hàng hải.

Thủ Tướng Modi là lãnh đạo nước chủ nhà mời đại diện tất cả 10 nước ASEAN làm thượng khách của cuộc duyệt binh Ngày Cộng Hoà trúng ngày Thứ Sáu 26-1.

Trong 2 ngày trước, Thủ Tuớng Modi tiếp từng viên chức lãnh đạo ASEAN.

Ngoài ra, Thủ Tướng Modi công bố chương trình tiếp nhận 1000 nghiên cứu sinh của Institute of Technology tại New Dehli và đề nghị năm 2019 là “Năm du lịch ASEAN-Ấn Độ”.

https://vietbao.com/p122a276947/an-asean-lien-ket-an-do-thai-binh-duong-qua-hop-tac-hang-hai-an-ninh-chia-se-ky-thuat

 

Mỹ Giúp 6 Nước ASEAN

Chia Sẻ Tin Tình Báo Chống Khủng Bố

NUSA DUA, Indonesia  –    Sáng kiến chia sẻ tình báo để cùng chống khủng bố đã được 6 thành viên ASEAN thỏa thuận – giao ước “Our Eyes” cũng tăng cường các hợp tác về an ninh trong vùng là đồng thuận thể hiện mức độ cao về tin cậy lẫn nhau, theo nhận xét của giới phân tích.

Từ nay, viên chức cao cấp họp mỗi 2 tuần để chia sẻ tin tình báo và phát triển dữ liệu chung về nguy cơ bạo động của chủ nghĩa quá khích.

Trong năm qua, Đông Nam Á chứng kiến loạn quân khủng bố có liên lạc với ISIS tại Trung Đông nổi lên chiếm thành phố Marawi tại Philippines. Nhóm này gồm 1 số tay súng từ Malaysia và Indonesia kịch chiến nhiều ngày với quân đội bản xứ, gây đổ vỡ thành phố và hơn 1000 người chết, theo biên bản của chính quyền Manila.

Bộ trưởng quốc phòng Ryamizard Ryacudu của Indonesia nói giữa hội nghị họp tại Bali “Việc du kích Hồi Giáo từ Malaysia và Indonesia xâm nhập Philippines có vẻ đơn giản, nhưng hậu quả là ngoại hạng.

Chia sẻ tin tình báo bảo đảm bạo động như tại Marawi không tái diễn, vì có thể phòng ngừa”.

Ngoài Philippines, Malaysia và Indonesia, đại diện của Singapore, Thái Lan, Singapore đã ký kết văn bảnb “Our Eyes”.

Nhà phân tích John Blaxland của trường đại học quốc gia Australia nhận xét: đây là 1 phát triển có ý nghĩa, chúng ta sẽ thấy kết quả từ cơ chế này.

1 chuyên gia an ninh khác, yêu cầu ẩn danh, khuyến cáo: có hiệp ước vẫn hơn, nhưng phải hết sức loại trừ sự mất tin cậy và bất đồng để đạt hiệu quả cao.

Bộ trưởng quốc phòng Ryacudu tiên đoán Hoa Kỳ, Nhật và Australia sẽ tham gia.

Khi tiếp bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis tại Jakarta, ông đã yêu cầu giúp và đuợc nhận lời. Ông Ryacudu nói “Tôi rất vui, vì Hoa Kỳ có đủ mọi công cụ tinh vi, hiện đại”.

https://vietbao.com/p122a276946/my-giup-6-nuoc-asean-chia-se-tin-tinh-bao-chong-khung-bo

 

Trump: Đổi 1.8 Triệu Di Dân Lậu Trẻ,

Lấy 25 Tỉ MK Để Xây Tường

WASHINGTON   –   Sau nhiều tranh luận về xây tường biên giới và tiến trình cho di dân nhập tịch, trở ngại lớn nhất trong thương lượng là chương trình DACA nhanh chóng trở thành di trú hợp lệ là vấn đề mà TT Trump gây chuyển hướng phuơng cách giải quyết của đảng CH.

2 phe đưa ra lý cớ khác nhau – đề nghị do Bạch Ốc công bố hôm Thứ Năm sẽ chấp nhận 1.8 triệu di dân xâm nhập theo gia đình khi là vị thành niên (đuợc gọi chung là Dreamers).

Bạch Ốc muốn đổi lấy 25 tỉ MK để xây dựng tường biên giới – phiá đảng DC ám chỉ sẽ chấp thuận 1 phần.

Tuy thế, đề nghị mới của chính quyền Trump mở rộng thêm bất đồng về ý thưc hệ.

Ngay trong đảng CH, 1 phần tin rằng di dân là nguồn lực tốt trong khi ông Trump và đồng minh coi di dân là gánh nặng ngoài mong muốn.

Theo đề nghị của Bạch Ốc, xổ số cấp 50,000 thẻ xanh hàng năm và chưong trình bảo lãnh thân nhân bị bãi bỏ.

Trong lúc số hồ so tồn đọng đuợc giải quyết, giới bênh vực di dân cảnh báo: hậu quả không khác các đề nghị khắt khe đã trình ra 2 Viện lập pháp để giảm nhập cư từ 40% đến 50%.

Các nghị sĩ CH David Perdue và Tom Cotton hậu thuẫn đề luật giảm 50% di trú hợp pháp nhanh chóng tán thành loan báo hôm Thứ Năm của Bạch Ốc về DACA.

Trong 1 cuộc phỏng vấn của CNBC phát sóng sáng Thứ Sáu, TT Trump tiên đoán thương luợng sẽ thành công, và khen ngợi 2 nghị sĩ cùng đảng CH.

Các thủ lãnh DC gồm dân biểu Pelosi và nghị sĩ Dick Durbin khẳng định: không chấp nhận.

Theo nhận định của dân biểu DC Michelle Lujan Drisham, chính quyền Trump dùng Dreamers làm bình phong ngụy trang các chính sách kỳ thị, cô lập và phi-Hoa Kỳ.

https://vietbao.com/p122a276938/trump-doi-1-8-trieu-di-dan-lau-tre-lay-25-ti-mk-de-xay-tuong

 

Thẩm phán Mỹ

chặn nỗ lực trục xuất ngay người Campuchia

Một thẩm phán liên bang cuối ngày thứ Năm nói chính quyền Tổng thống Donald Trump không thể trục xuất ngay lập tức 92 công dân Campuchia khỏi Mỹ mà không cho phép họ có cơ hội thách thức hành động này tại tòa án trước.

Nhà chức trách di trú Mỹ đã tiến hành các vụ đột kích hồi tháng 10 năm ngoái và đã câu lưu khoảng 100 người Campuchia, nhiều người trong số đó đã chạy lánh chế độ Khmer Đỏ trong những năm 1970.

Sau khi đến Mỹ, những người Campuchia này đã bị kết án về những cáo buộc hình sự khác nhau, và đã bị ra lệnh trục xuất nhiều năm trước. Tuy nhiên Campuchia đã từ chối hồi hương họ, vì vậy họ được phóng thích và nhiều người đã có công ăn việc làm ổn định cho đến khi họ bị bắt lại vào năm ngoái.

Trong các cuộc thương thuyết đang diễn tiến về cải cách di trú, chính quyền Trump đang tìm kiếm các biện pháp mạnh hơn đối với những người nhập cư đã bị ra lệnh trục xuất nhưng nước của họ từ chối nhận lại.

Trong một phán quyết hôm thứ Năm, Thẩm phán Khu vực Liên bang Hoa Kỳ Cormac Carney tại Santa Ana, tòa án liên bang California, phán quyết rằng 92 người trong số những người Campuchia này vẫn đang bị câu lưu có thể khơi ra “những nghi vấn nghiêm trọng” về tính xác thực của những tuyên bố kết tội họ và lệnh trục xuất của họ.

Ba thẩm phán liên bang khác đã ban hành những phán quyết tương tự ngăn chặn chính phủ nhanh chóng trục xuất người nhập cư đã sống ở Mỹ từ lâu. Những phán quyết này liên quan đến những người Iraq, người Indonesia và người Somalia.

https://www.voatiengviet.com/a/tham-phan-my-chan-no-luc-truc-xuat-ngay-nguoi-campuchia/4227441.html

 

Mỹ chế tài Thứ trưởng Nga

Mỹ ngày 26/1 bổ sung tên của các quan chức Nga và các công ty năng lượng của Nga vào một danh sách đen chế tài, vài ngày trước khi những thông tin chi tiết về những chế tài bổ sung khả dĩ nhắm vào Moscow được công bố theo lịch trình.

Washington có thể công bố các báo cáo này sớm nhất vào ngày thứ Hai để vạch ra các khả năng mở rộng chế tài nhắm vào Nga liên quan tới cáo buộc nước này can thiệp vào cuộc Tổng thống năm 2016 ở Mỹ, một cáo buộc mà Điện Kremlin đã nhiều lần bác bỏ.

Nga vốn đã chịu các chế tài của Mỹ vì sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine vào năm 2014 và hỗ trợ thành phần ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã thêm 21 người và 9 công ty vào danh sách chế tài, trong đó có một số từng tham gia vào việc cung cấp các động cơ tua-bin khí Siemens cho Crimea.

Bộ nói thông báo hôm thứ Sáu không liên quan đến các báo cáo sẽ được công bố vào ngày thứ Hai.

Một trong số những người bị đưa vào danh sách là Thứ trưởng Năng lượng Nga Andrey Cherezov, người vốn đã bị Liên minh Châu Âu chế tài vì vai trò của ông này trong việc cung cấp các động cơ tua-bin khí cho Crimea vào năm ngoái.

Danh sách này cũng bao gồm Sergey Topor-Gilka, người đứng đầu công ty kỹ thuật Technopromexport của Nga, cũng như nhiều chi nhánh của công ty sản xuất dầu Surgutneftegaz, Bộ Tài chính cho biết.

Một phát ngôn viên của Rostec, hiện đang chịu chế tài của Mỹ và là công ty mẹ của Technopromexport, cho biết công ty này lấy làm tiếc vì công cụ chính của Mỹ trong các quan hệ quốc tế lại là áp lực chứ không phải đối thoại.

Bộ Năng lượng Nga từ chối bình luận ngay lập tức.

Trong một diễn biến khác, Mỹ có thể công bố các báo cáo sớm nhất là vào thứ Hai phác thảo quy mô cho các chế tài mở rộng nhắm vào Nga, bao gồm một danh sách các nhân vật ‘đầu sỏ’ chính trị nổi bật và những hạn chế tiềm năng đối với việc nắm giữ nợ của chính phủ Nga.

Dự luật chế tài ngày 2 tháng 8 yêu cầu Bộ Tài chính Mỹ chuẩn bị một danh sách các nhân vật ‘đầu sỏ’ chính trị quan trọng nhất của Nga “được xác định bởi sự thân cận của họ với chế độ Nga và tài sản ròng của họ.” Danh sách này sẽ đi kèm với một báo cáo “mô tả chi tiết các tác động tiềm năng của các chế tài mở rộng … để bao gồm nợ chính phủ và toàn bộ các sản phẩm phái sinh.”

Cả hai báo cáo này sẽ được trình lên Quốc hội vào cuối tháng 1, vài tuần trước khi Nga bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử Tổng thống mà ông Vladimir Putin được kỳ vọng sẽ giành chiến thắng.

https://www.voatiengviet.com/a/my-che-tai-thu-truong-nga/4227434.html

 

Trump: Phe Cộng hòa

sẽ chấp nhận cho ‘Dreamer’ được nhập tịch

Tổng thống Donald Trump hôm 26/1 tuyên bố sẵn sàng dịch chuyển lập trường về vấn đề di trú để thúc đẩy thông qua một thỏa thuận bảo vệ những người nhập cư bất hợp pháp được đưa đến Mỹ lúc nhỏ khỏi bị trục xuất và cho họ được nhập quốc tịch.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài CNBC phát ngày 26/1, ông Trump cũng cho biết các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa có chủ trương cứng rắn đối với vấn đề di trú, bao gồm Tom Cotton, John Cornyn và David Perdue, có thể tán đồng với kế hoạch cho những di dân này, được gọi là “Dreamer,” được nhập quốc tịch trong vòng từ 10 đến 12 năm.

“Họ thực sự đã dịch chuyển [quan điểm] rất nhiều, và tôi nghĩ họ sẵn sàng dịch chuyển nhiều hơn, và tôi cũng vậy,” Tổng thống Cộng hòa nói với CNBC trong một cuộc phỏng vấn từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos. “Chúng ta sẽ thấy. Nếu có một thỏa thuận ổn thỏa, tôi nghĩ họ sẽ làm như vậy.”

“Đây là những người có quan điểm rất mạnh mẽ về DACA (chương trình Hành động Trì hoãn cho Người đến Mỹ lúc nhỏ) và về vấn đề di trú nói chung. Và tôi nghĩ quan điểm của họ phần lớn là đúng,” ông Trump nói.

Vài giờ sau khi cuộc phỏng vấn của ông Trump được ghi hình, các quan chức cao cấp của Tòa Bạch Ốc hôm 25/1 phác thảo một kế hoạch di trú mà sẽ tạo ra một con đường cho khoảng 1,8 triệu người nhập cư bất hợp pháp tiến tới có được quốc tịch Mỹ. Đề xuất này bao gồm các biện pháp hạn chế một số chương trình nhập cư hợp pháp và cấp ngân quỹ cho một bức tường biên giới với Mexico.

Tòa Bạch Ốc mô tả đề xuất tăng hơn gấp đôi số người Dreamer được bảo vệ khỏi bị trục xuất như là một sự nhượng bộ lớn nhằm thu hút đủ số người ủng hộ từ phe Dân chủ cho một thỏa thuận di trú.

Để chiều lòng phe Cộng hòa, kế hoạch này sẽ cắt giảm chương trình bảo lãnh thân nhân của người nhập cư, thắt chặt an ninh biên giới và cung cấp hàng tỉ đôla ngân khoản cho một bức tường biên giới với Mexico, một trong những lời hứa lúc vận động tranh cử của ông Trump – và những đề xuất mà phần lớn đã không thu hút được sự ủng hộ của phe Dân chủ trước đó.

Kế hoạch của ông Trump đã nhanh chóng bị phe Dân chủ đả kích là không có cơ may được ủng hộ. Lãnh đạo Dân chủ Hạ viện Nancy Pelosi nói rằng kế hoạch đó bắt các Dreamer “làm con tin cho một mưu đồ chống người nhập cư đầy thù hằn” và cáo buộc chính quyền Trump tiến hành một chiến dịch “làm cho nước Mỹ trắng trở lại.”

Thỏa thuận này cũng bị chỉ trích bởi các nhóm ủng hộ nhập cư, những người gọi nó là một sự đổi chác tệ hại, lẫn các nhóm bảo thủ, những người chỉ trích việc mở rộng “ân xá” cho những người nhập cư bất hợp pháp.

https://www.voatiengviet.com/a/trump-phe-cong-hoa-se-cho-phep-dreamer-duoc-nhap-tich/4227431.html

 

Trump đề nghị tăng chi tiêu ngân sách quốc phòng 2019

Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ yêu cầu 716 tỷ đô la trong chi tiêu quốc phòng trong ngân sách 2019 mà ông sắp tiêt lộ vào tháng sau và con số này tăng 7% so với ngân sách năm nay, hai giới chức Mỹ cho biết ngày 26/1.

Ngân quỹ 716 tỷ đô la sẽ chi cho ngân sách thường niên của Ngũ Giác Đài, chi tiêu cho các cuộc chiến đang diễn ra và duy trì kho hạt nhân của Mỹ.

Ngân sách năm nay hiện vẫn chưa được Quốc hội thông qua.

Một trong những giới chức cho biết yêu cầu ngân sách 2019 sẽ theo sát các ưu tiên mà Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis tiết lộ hôm 19/1 trong Chiến lược Quốc phòng mà trong đó việc đối phó với Trung Quốc và Nga là trọng tâm.

Chiến lược Quốc phòng của Ngũ Giác Đài dài 11 trang không cho biết chi tiết công tác đối phó này sẽ được thực hiện thế nào, nhưng yêu cầu chi tiêu quốc phòng có thể phản ánh mục tiêu đó.

Bộ trưởng Mattis nói Hoa Kỳ đang mất lợi thế quân sự cạnh tranh với Trung Quốc và Nga, một thách thức trọng tâm với lực lượng võ trang Mỹ.

“Quân đội của chúng ta vẫn mạnh nhưng các khía cạnh cạnh tranh của chúng ta đang bị xói mòn trong các mặt chiến sự từ đường không, đường bộ, trên không gian và không gian mạng và sự xói mòn này đang tiếp diễn,” lãnh đạo ngành quốc phòng Mỹ nhấn mạnh.

Văn kiện ông Mattis công bố tuần trước cũng cho biết các nỗ lực hiện đại hóa sẽ tập trung vào các lực lượng hạt nhân, phòng thủ phi đạn, không gian và không gian mạng.

Theo Reuters

https://www.voatiengviet.com/a/trump-de-nghi-tang-chi-tieu-ngan-sach-quoc-phong-2019/4227133.html

 

Facebook: Nga tạo ra 129 sự kiện bầu cử ở Mỹ

Các đặc vụ người Nga đã tạo ra 129 sự kiện trên mạng truyền thông xã hội Facebook trong chiến dịch bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, theo Facebook trong cuộc điều trần trước Quốc hội, phơi bày ra trước ánh sáng các cáo buộc cho rằng Nga đã tung những thông tin không trung thực nhắm vào cử tri Mỹ.

Trong văn bản điều trần ghi ngày 8/1 gửi đến cho các nhà lập pháp Hoa Kỳ, công bố hôm 25/1, Facebook cho hay 338.300 tài khoản Facebook khác nhau đã theo dõi các sự kiện và đánh dấu 62.500 sự kiện họ sẽ tham dự. Facebook nói họ không có dữ liệu để xác định những sự kiện nào trong số đó đã thực sự diễn ra.

Nga bác bỏ kết luận của các cơ quan tình báo Mỹ rằng họ đã tìm cách xen vào nền dân chủ Mỹ.

Facebook đã trao lại những chi tiết vừa kể cho Quốc hội trong tháng này để đáp lại các câu hỏi bằng văn bản của Ủy ban Tình báo Thượng viện Hoa Kỳ.

Facebook nói họ thấy có “sự trùng lặp” giữa các hoạt động tiếp thị trực tuyến hồi năm 2016 do các đặc vụ Nga thực hiện với chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump, nhưng Facebook mô tả điều đó là “không đáng kể”.

Facebook nói họ không ở trong vị trí có thể xác nhận, hoặc bác bỏ những cáo buộc rằng có sự thông đồng giữa hai bên.

Ông Trump bác bỏ bất cứ sự thông đồng nào, ông mô tả các cuộc điều tra do các ủy ban quốc hội và công tố viên đặc biệt tiến hành, là một cuộc “săn phù thủy”.

Trước đó, Facebook nói khoảng 126 triệu người Mỹ có thể đã xem các nội dung chính trị do Nga giật dây trên Facebook trong thời gian hai năm, và có thể có tới 16 triệu ngườiMỹ bị ‘phơi nhiễm’ các thông tin do Nga phát tán trên Instagram.

https://www.voatiengviet.com/a/facebook-nga-tao-129-su-kien-bau-cu-o-my/4226728.html

 

Hong Kong cấm ứng cử viên trẻ ủng hộ dân chủ ra tranh cử

Hong Kong đã cấm một nhà hoạt động trẻ tuổi ra tranh cử trong cuộc bầu cử sắp tới.

Agnes Chow (Chu Đình), 21 tuổi, là một thành viên của đảng chính trị Demosisto ủng hộ dân chủ.

Cô đã hy vọng trở thành ứng cử viên tranh một ghế lập pháp trong cuộc bầu cử vào tháng 3 tới đây.

Tuy nhiên, chính quyền bất đồng với cương lĩnh của Demosisto bao gồm “sự tự quyết” hay độc lập cho Hong Kong.

Chính quyền Hong Kong nói trong một thông cáo: “Sự tự quyết hoặc thay đổi hệ thống Đặc khu Hành chính Hong Kong (HKSAR) bằng cách trưng cầu dân ý bao gồm lựa chọn độc lập là không nhất quán với tư cách hiến pháp và pháp lý của HKSAR.”

Cô Chow nói rằng việc cô bị truất quyền tranh cử là “sự sàng lọc chính trị.” Cô nói thêm rằng quyết định “bãi bỏ tư cách ứng cử viên của tôi có nghĩa là các quyền chính trị đang bị bóp nghẹt.”

“Động cơ của chính phủ là loại bỏ hi vọng của cả một thế hệ thanh niên,” Demosisto nói trong một thông cáo.

Demosisto được sáng lập bởi Joshua Wong (Hoàng Chi Phong), một trong những thủ lĩnh của Phong trào Dù vàng bắt đầu khi học sinh sinh viên xông vào sân trong của khuôn viên trụ sở chính quyền vào tháng 9 năm 2014, đòi tuyển cử tự do hoàn toàn tại thành phố bán tự trị này.

Là một đặc khu hành chính, Hong Kong được hưởng nhiều quyền tự do mà người dân ở Trung Quốc đại lục không được hưởng, theo thỏa thuận năm 1997 trao trả thành phố này từ nền cai trị của Anh về cho Bắc Kinh quản lý. Bắc Kinh đã siết chặt quyền kiểm soát Hong Kong trong những năm gần đây.

https://www.voatiengviet.com/a/hong-kong-cam-nu-ung-cu-vien-tre-ung-ho-dan-chu-ra-tranh-cu/4227675.html

 

Giáo sư Canada bị nghi làm gián điệp cho Trung Quốc

Một nhà nghiên cứu tại Đại học McGill ở thành phố Montréal, người có anh (em) trai ở Mỹ bị cáo buộc đánh cắp công nghệ và gửi nó về Trung Quốc, cũng là đối tượng bị tình nghi trong vụ này, một tờ báo địa phương ở Canada cho biết hôm thứ Năm.

Ông Ishiang Shih đã lợi dụng vị trí nghiên cứu của mình tại trường này để thu thập các bộ mạch tích hợp được sử dụng trong radar, thiết bị gây nhiễu sóng và phá sóng của quân đội Mỹ. Các chip máy tính này là tâm điểm của những cáo buộc của FBI đối với người anh (em) trai Yi-Chi Shih của ông này.

“Tôi không có bất kỳ bình luận nào,” ông Ishiang Shih nói với hãng tin AFP hôm thứ Năm.

Trước đó ông nói với nhật báo La Presse của Montréal rằng ông đã mua các bộ mạch này cho mục đích nghiên cứu. “Khi đó tôi đang chuẩn bị hồ sơ xin trợ cấp nghiên cứu,” ông nói.

Thứ Sáu tuần trước, người anh (em) trai Yi-Chi Shih bị FBI bắt giữ vì cáo buộc “thu giữ trái phép công nghệ và các bộ mạch tích hợp với ứng dụng quân sự được xuất khẩu sang một công ty của Trung Quốc mà không có giấy phép xuất khẩu.”

Các chip máy tính này bị cho là đã được chuyển tới Công ty Công nghệ GaStone Thành Đô ở Thành Đô, Trung Quốc.

Công ty này bị đưa vào danh sách đen vào năm 2014, theo Văn phòng Công tố viên Hoa Kỳ, “vì sự dính dáng của họ trong các hoạt động trái với lợi ích an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ – cụ thể, họ đã dính líu trong việc mua sắm bất hợp pháp những hàng hóa và công nghệ để sử dụng cho mục đích quân sự không được cho phép ở Trung Quốc.”

Đồng thời, cảnh sát Canada liên bang đã đột kích các văn phòng của JYS Technologies ở ngoại ô Montréal.

Công ty này thuộc quyền sở hữu duy nhất của Ishiang Shih và vợ ông ta.

Theo các tài liệu của FBI, JYI Technologies đã chuyển 800.000 đôla Canada cho một công ty được lập ra bởi một người đồng lõa của ông Yi-Chi Shih để mua hợp pháp những thứ được gọi là mạch tích hợp vi ba đơn khối, hay MMIC, ở Mỹ.

Một mẫu những bộ mạch này cũng được gửi tới phòng thí nghiệm Montréal của ông Ishiang Shih.

Công nghệ này, theo lời công tố viên Hoa Kỳ Nicola Hanna, “có thể được sử dụng để cho các công ty (ở Trung Quốc) những lợi thế đáng kể mà sẽ gây tổn hại lợi ích kinh doanh của Mỹ.

“Thông tin rất nhạy cảm này cũng có lợi cho những đối thủ nước ngoài, có thể sử dụng công nghệ để phát triển các ứng dụng quân sự mà sẽ gây tổn hại cho an ninh quốc gia của chúng ta.

https://www.voatiengviet.com/a/giao-su-canada-bi-nghi-lam-gian-diep-cho-trung-quoc/4227146.html

 

Đặc sứ TQ chưa đến Triều Tiên vì những lý do ‘phức tạp’

Đặc sứ Trung Quốc tại Triều Tiên hôm 26/1 cho hay có những lý do “phức tạp” khiến ông chưa tới nước này, nhưng những nỗ lực của Trung Quốc giúp đưa tới việc giải trừ hạt nhân bán đảo Triều Tiên và thúc đẩy hòa bình vẫn không ngơi nghỉ và không thay đổi.

Phó Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Khổng Huyễn Hựu, một người gốc Triều Tiên, trở thành đặc sứ của Bắc Kinh tại Triều Tiên vào tháng 8 năm ngoái.

Người tiền nhiệm của ông, Ngô Đại Vĩ, thực hiện chuyến thăm Triều Tiên được loan báo công khai lần gần đây nhất là vào năm 2016, kêu gọi kiềm chế sau khi Triều Tiên công bố kế hoạch phóng vệ tinh lên quỹ đạo bằng một rocket tầm xa.

“Lý do tôi vẫn chưa đến Triều Tiên kể từ khi được bổ nhiệm làm đặc sứ của chính phủ Trung Quốc về vấn đề bán đảo Triều Tiên là rất phức tạp,” ông Khổng nói với các phóng viên.

“Nhưng cho dù tôi có đến Triều Tiên hay không, lập trường vững chắc của chúng tôi theo đuổi duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo và quá trình giải trừ hạt nhân vẫn không thay đổi,” ông nói thêm.

“Công tác hòa giải ngoại giao chủ động của chúng tôi vẫn không dừng lại dù chỉ một chút.”

Tống Đào, người đứng đầu ban liên lạc đối ngoại trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, là quan chức cao cấp gần đây nhất từ Trung Quốc sang thăm Bình Nhưỡng vào tháng 11.

Ông Tống đến để thảo luận về kết quả đại hội Đảng ở Trung Quốc, và các tuyên bố của cả hai nước đều không đề cập đến cuộc khủng hoảng hạt nhân.

Triều Tiên đã tỏ ra ít quan tâm hơn đến việc đối phó với Trung Quốc về mặt ngoại giao liên quan tới chương trình vũ khí của họ hoặc nghe lời thúc giục của Bắc Kinh.

Trung Quốc là đồng minh thân cận nhất của Triều Tiên, nhưng Trung Quốc đã tức giận về các vụ thử phi đạn và hạt nhân của Triều Tiên và đã chấp thuận các biện pháp chế tài Liên Hiệp Quốc nhắm vào đất nước bị cô lập này.

https://www.voatiengviet.com/a/dac-su-trung-quoc-chua-den-trieu-tien-vi-nhung-ly-do-phuc-tap/4227145.html

 

Một thứ trưởng Nhật Bản từ chức vì lỡ lời

Một thành viên cấp thứ trưởng trong nội các chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từ chức hôm thứ Sáu, 26/1, sau khi lỡ lời và bị xem là đã coi thường gánh nặng mà cư dân đảo Okinawa phải gánh vác trong tư cách là “chủ nhà miễn cưỡng” cho lực lượng Mỹ trú đóng trên hòn đảo này nằm ở miền Nam Nhật Bản.

Vụ từ chức của ông Fumiaki Matsumoto, Thứ trưởng Văn phòng Nội các, sẽ làm ông Abe đau đầu vì vụ tai tiếng xảy ra ngay trước một cuộc bầu cử thị trưởng quan trọng ở Okinawa.

Khi một nhà lập pháp phe đối lập hỏi ông Abe trong phiên họp quốc hội hôm 25/1 về việc một loạt các máy bay trực thăng quân sự Mỹ đáp khẩn cấp xuống Okinawa mới đây, ông Matsumoto vặn lại, “Có bao nhiêu người chết vì chuyện đó?”, theo hãng tin Kyodo.

Ông Matsumoto hôm 26/1 nộp đơn xin từ chức, và được ông Abe chấp nhận, Kyodo đưa tin.

Trong cuộc bầu cử vào ngày 4/2 ở thành phố Nago, đương kim thị trưởng Susumu Inamine chạy đua với một ứng cử viên được Đảng Dân chủ Tự do của ông Abe ủng hộ. Ông Inamine kiên quyết chống lại kế hoạch di chuyển căn cứ không quân Futenma của Thủy Quân Lục chiến Hoa Kỳ, nằm ở một nơi khác của trên đảo Okinawa, tới thành phố của ông,

Chính phủ của ông Abe và chính quyền Okinawa đã đối đầu trong nhiều năm qua về kế hoạch di dời căn cứ quân sự Mỹ vì người dân sôi sục giận dữ, cho rằng họ phải vác gánh nặng một cách bất công khi phải hỗ trợ sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ tại Nhật Bản.

https://www.voatiengviet.com/a/mot-thu-truong-nhat-ban-tu-chuc-vi-lo-loi/4226830.html

 

Tình báo Hà Lan cung cấp bằng chứng

tin tặc Nga can thiệp bầu cử Mỹ

Trọng Thành

Báo chí Hà Lan vừa loan tin cơ quan tình báo nước này đã cung cấp “nhiều bằng chứng có ý nghĩa quyết định” về vụ tin tặc Nga xâm nhập hệ thống tin học của đảng Dân Chủ Mỹ, trong chiến dịch hạ uy tín của ứng cử viên tổng thống Hillary Clinton năm 2016.

Thông tín viên Pierre Benazet từ Bruxlles cho biết cụ thể,

« Hiệu dược phẩm mang tên Cozy Bear nằm ngay sát quảng trường Đỏ, thủ đô Matxcơva. Nhóm người làm việc dưới vỏ bọc này khó giữ được bí mật, bởi đã có nhiều tin đồn khẳng định họ có liên hệ với FSB, hậu thân chính của cơ quan mật vụ KGB thời Liên Xô. Nhìn chung, đây là một nhóm tin tặc, chuyên xâm nhập các hệ thống máy tính, để đánh cắp thông tin. Chính nhóm này đã đột nhập vào mạng tin học của đảng Dân Chủ Mỹ, theo ghi nhận của các nhà điều tra Hà Lan, kể từ năm 2014.

Hà Lan đã lập ra một đội ngũ hacker riêng. Đây là một cơ quan liên ngành, bao gồm các chuyên gia của cơ quan an ninh AIVD và cơ quan tình báo quân đội MIVD. Các nhà tin học của cơ quan phản gián Hà Lan đã xâm nhập được vào máy tính của lực lượng tin tặc Nga ở hiệu dược phẩm Cozy Bear, và thậm chí vào cả các camera kiểm soát ở đây.  Hacker Hà Lan thậm chí đã trụ lại ít nhất một năm trong hệ thống máy tính của nhóm tin tặc Nga, và chứng kiến việc hàng ngàn điện thư của đảng Dân Chủ Mỹ bị đánh cắp. Rất có thể đây là các điện thư đã được dùng để làm mất uy tín ứng cử viên Hillary Clinton.

Cũng rất có thể chính các thông tin của cơ quan tình báo Hà Lan đã được sử dụng làm cơ sở cho cuộc điều tra của FBI ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180127-tinh-bao-ha-lan-cung-cap-bang-chung-ve-vu-tin-tac-nga-can-thiep-bau-cu-my

 

Hoa kỳ : Đảng Dân Chủ bác bỏ dự thảo luật về nhập cư

Lãnh đạo nhóm Dân Chủ tại Hạ Viện, Nancy Pelosi, là người cương quyết chống đối dự thảo luật nhập cư của tổng thống Donald Trump. Ảnh 20/01/2018, tại Washington.REUTERS/Joshua Roberts

Dự thảo mới của tổng thống Trump về nhập cư đưa ra trước Quốc hội Mỹ vào hôm thứ Năm đã không được đón nhận như ông mong muốn : Đảng Dân Chủ cũng như một số nghị sĩ đảng Cộng Hòa đã bác bỏ đề nghị của tổng thống.

Thông tín viên RFI, Eric de Salve, từ San Francisco, cho biết chi tiết :

“Donald Trump đã cho là thỏa hiệp của ông “vô cùng hào phóng”, nhưng văn kiện đã bị các nghị sĩ Dân Chủ bác bỏ ngay. Văn bản được ông Stephen Miller, một trong những người cố vấn bảo thủ nhất của ông Trump, soạn thảo. Dự thảo đề nghị cấp quốc tịch cho số 1,8 triệu người không giấy tờ hợp lệ, trong đó có sinh viên đã được tạm thời hợp pháp hóa trong chương trình DACA của ông Barack Obama. Đảng Dân Chủ xem đây là một ưu tiên chính trị.

Nhưng đánh đổi lại thì Quốc Hội phải thông qua một ngân sách 25 tỷ đô la để xây bức tường dọc biên giới Mêhicô. Ngoài điều kiện này còn những biện pháp giảm nhập cư : tăng tốc việc trục xuất và chấm dứt đoàn tụ gia đình.

Đối với đảng Dân Chủ các hạn chế đó quá nghiêm ngặt. Hơn nữa, họ vẫn xem bức tường là một sự kỳ thị người nước ngoài. Thượng nghị sĩ Florida cho đó là “những biện pháp độc hại và không hiệu quả.” Ngay trong các nghị sĩ đảng Cộng Hòa, một số người cảnh báo là Thượng Viện sẽ không thông qua văn bản.

Tuần qua, trên vấn đề ngân sách, cuộc đọ sức hai bên đã khiến các cơ quan chính quyền đóng cửa trong 3 ngày. Để chấm dứt tình trạng shutdown, hai đảng đã đồng ý duy trì ngân sách cho đến mồng 8 tháng Hai, thời điểm mà Thượng Viện sẽ bỏ phiếu và tìm được sự đồng thuận về nhập cư.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180127-hoa-ky-dang-dan-chu-bac-bo-du-thao-luat-ve-nhap-cu

 

Davos : Lãnh đạo các nước kêu gọi toàn cầu hóa

cần « có đạo lý » hơn

Trọng Thành

Diễn đàn Kinh tế thế giới lần thứ 48 tại Davos, Thụy Sĩ kết thúc hôm qua, 26/01/2018. Hơn 3.000 người tham dự Diễn đàn, trong số đó có hơn 1.900 lãnh đạo doanh nghiệp, 70 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, cùng nhiều nhà hoạt động xã hội dân sự nổi tiếng. Một trong những tiêu điểm của Diễn đàn kinh tế đa phương này là sự hiện diện của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, nổi tiếng với quan điểm bảo hộ mậu dịch.

Tuy nhiên, lo ngại trước một viễn cảnh khủng hoảng kinh tế mới, cùng đòi hỏi tiến trình toàn cầu hóa phải công bằng hơn là những nét chính của tuần lễ nhiều hoạt động này, như nhận định của đặc phái viên RFI Mounia Daoudi từ Davos:

« Nếu như có một điều gì tạo được đồng thuận năm nay tại Diễn đàn Davos, thì đó là kinh tế toàn cầu đã được cải thiện và đây là điều không thể phủ nhận. Tăng trưởng trở lại trên mọi châu lục. Thế nhưng, có một nghịch lý là các bất trắc đè nặng lên chiều hướng phục hồi này cũng chưa bao giờ lớn đến như vậy. Cơn hưng phấn của các thị trường tài chính, lập hết kỷ lục này đến kỷ lục khác, khiến người ta lo ngại một bong bóng tài chính, và một khủng hoảng mới còn kinh hoàng hơn nhiều so với năm 2008.

Tại Davos, tất cả các lãnh đạo chính trị kế tiếp nhau lên diễn đàn đều kêu gọi tiến trình toàn cầu hóa cần phải có đạo lý hơn, có nghĩa là cần ưu tiên chia sẻ các nguồn phúc lợi, phương tiện duy nhất để chống lại các xu thế cực đoan các loại.

Diễn đàn Davos cũng chứng kiến sự trở lại của nước Pháp. Tổng thống Emmanuel Macron có một bài phát biểu rất được hoan nghênh, trong đó ông đặt vấn đề xem xét lại dự án xây dựng châu Âu và thế giới, với việc xác lập một ‘‘khế ước nhân loại’ về các tài sản chung. Một khế ước để mọi người chung tay đầu tư, chia sẻ và bảo vệ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đến Davos để ca ngợi cuộc cải cách thuế vừa được Quốc Hội thông qua, và kêu gọi các chủ lớn đầu tư. Ông Trump quảng bá : ‘‘Đây là thời điểm tốt nhất cho đầu tư’’. Tuy nhiên khẩu hiệu mới của Donald Trump, ‘‘Nước Mỹ trước đã, không phải là nước Mỹ một mình’’ không khiến ai bị mắc lừa ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180127-dien-dan-davos-lanh-dao-cac-nuoc-keu-goi-toan-cau-hoa-can-%C2%AB-co-dao-ly-%C2%BB-hon

 

Mỹ Hàn vẫn gia tăng áp lực lên Bình Nhưỡng

Mặc dù hai miền Triều Tiên đang hòa dịu vào dịp Thế Vận Hội Mùa Đông, Washington và Seoul sẽ vẫn gia tăng áp lực lên Bình Nhưỡng để buộc chế độ này từ bỏ chương trình hạt nhân. Đó là tuyên bố của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis hôm qua, 26/01/2018 tại Honolulu, Hawai, trước khi gặp đồng nhiệm Hàn Quốc Song Young-Moo tại căn cứ của Bộ tư lệnh Hoa Kỳ vùng Thái Bình Dương.

Ông Mattis nói rằng đáp lại mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên, hai nước vẫn đi theo con đường hòa bình, nhưng với sự yểm trợ của các phương án quân sự hiện có.

Cuộc gặp gở giữa hai bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Hàn tại Hawai diễn ra sau khi hôm thứ ba 23/01, lần đầu tiên từ gần 2 năm qua, một phái đoàn của Bắc Triều Tiên đã sang Hàn Quốc để chuẩn bị cho Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang ( 09-25/02 ). Sự kiện thể thao này đang làm hòa dịu quan hệ giữa Seoul và Bình Nhưỡng, đã trở nên rất căng thẳng do khủng hoảng hạt nhân.

Hôm qua, bộ trưởng Quốc Phòng Hàn Quốc đã kêu gọi Bắc Triều Tiên nhân cơ hội Olympic để đối thoại với Hoa Kỳ. Bình Nhưỡng cho tới nay vẫn nói là họ sẳn sàng đàm phán với Washington. Nhưng Hoa Kỳ đòi là trước tiên Bắc Triều Tiên phải có những bước cụ thể theo hướng phi hạt nhân hóa.

Trong chuyến viếng thăm Bắc Kinh trong 2 ngày kể từ hôm nay, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono dự trù sẽ kêu gọi Trung Quốc có những hành động mạnh mẽ hơn ngoài việc thi hành các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc để buộc Bình Nhưỡng từ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180127-my-han-van-gia-tang-ap-luc-len-binh-nhuong-du-hai-mien-trieu-tien-dang-hoa-diu

 

Bắc Triều Tiên : Phát pháo khai hỏa đầu năm 2018

Minh Anh

Năm 2018 bắt đầu với khá nhiều sự kiện quốc tế sôi động. Tạp chí Thế Giới Đó Đây ngày 27/01/2018 xin điểm lại những động thái đáng chú ý trong tháng Giêng này.

Bất ngờ lớn nhất có lẽ đến từ lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Ngay vào lúc tình hình bán đảo Triều Tiên căng thẳng tột độ, tưởng chừng chiến tranh sắp diễn ra, lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng đã thực hiện một cú tấn công ngoại giao ngoạn mục : Bình Nhưỡng thông báo tham gia Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang vào tháng 2/2018.

Tuyên bố này chẳng khác gì với những cơn địa chấn do các vụ thử tên lửa hạt nhân của Bắc Triều Tiên gây ra. Tuy nhiên, cơ hội vàng có một không hai đã được tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In nhanh chóng nắm lấy và có cử chỉ đáp trả bất chấp những lời lẽ nghi kỵ của đồng minh Hoa Kỳ. Hai bên đã liên tục có các cuộc đàm phán tại Bàn Môn Điếm thảo luận về thể thức tham gia, thành phần phái đoàn vận động viên, cổ động viên …

Kết quả là ngày 20/01/2018 Ủy Ban Thế Vận Hội Olympic Quốc Tế CIO, sau cuộc họp với đại diện hai miền Nam – Bắc Triều Tiên đã đồng ý để hai miền diễn hành chung trong lễ khai mạc và thành lập một đội tuyển nữ khúc côn cầu trên băng chung.

Sự việc diễn ra nhanh chóng khiến thế giới ngỡ ngàng. Theo giới quan sát, Kim Jong Un đã có một bước đi ngoại giao khôn khéo khi sử dụng lá bài « thống nhất » với Hàn Quốc, đồng thời tránh né được sức ép và đe dọa của Hoa Kỳ, như đánh giá của bà Marianne Peron Doise, chuyên gia về Trung Quốc, Nhật Bản và hải quân thuộc Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quân Sự Pháp trên đài RFI.

« Người ta thấy rõ mưu mẹo ngoại giao của Bắc Triều Tiên khi chìa lá bài xích lại gần với Hàn Quốc và nhất là khi nhắc đến từ ‘thống nhất’ thần kỳ. Chắc chắn là chính đất nước đang bị cô lập, do các lệnh trừng phạt lại có thể đưa ra những sáng kiến ngoại giao. Ý đồ quả thật là lớn khi chìa tay ra với Hàn Quốc để làm thất bại các chính sách trừng phạt của Hoa Kỳ và nhằm giảm thiểu các mối đe dọa mà Donald Trump tuyên bố.

Đây là quyết định chiến thuật cho phép Bình Nhưỡng tranh thủ thời gian, và tái lập bầu không khí hòa dịu trên bán đảo Triều Tiên. Cũng từ điều này, Bắc Triều Tiên muốn chứng tỏ đang nắm trong tay các lá bài làm chủ tình thế và như vậy có thể tùy nghi hành động ».

Một điều chắc chắn cả thế giới giờ đang muốn biết xem : Bước tiếp theo của Kim Jong Un sau Thế Vận Hội là gì ? Liệu cành ô liu Kim Jong Un mang tặng Moon Jae In có sẽ tiếp tục tồn tại hay không ? Hạ hồi phân giải.

Việt Nam : Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh « xông đất » tòa án

Một sự kiện khác cũng ít nhiều thu hút sự quan tâm của báo chí quốc tế là Việt Nam tuần đầu năm 2018 đã mở phiên tòa xét xử các lãnh đạo tập đoàn dầu khí Nhà Nước Việt Nam PetroVietnam (08/01/2018).

Hai mươi hai bị cáo phải ra hầu tòa với các tội danh « cố ý làm trái » và « tham nhũng » gây lỗ nghiêm trọng cho PetroVietnam. Trong số này có hai nhân vật đáng chú ý là Đinh La Thăng, cựu Ủy Viên Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam và Trịnh Xuân Thanh, cựu chủ tịch Hội Đồng Quản Trị PetroVietnam, nguyên phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang.

Tuy nhiên, quá trình bắt giữ và đưa ra xét xử ông Trịnh Xuân Thanh là được báo chí quốc tế nhắc đến nhiều nhất. Báo Pháp còn ví vụ việc này như một « tiểu thuyết gián điệp ». Bởi vì theo chính quyền Đức, ông Trịnh Xuân Thanh đã bị một nhóm người có vũ trang bắt cóc tại một công viên ở Berlin hồi tháng 7/2017. Vụ việc đã làm cho mối quan hệ bang giao giữa Đức và Việt Nam trở nên căng thẳng nghiêm trọng.

Riêng đối với ông Đinh La Thăng, tư pháp Việt Nam làm việc với tốc độ khẩn trương đáng ngạc nhiên, chỉ cần khoảng một tháng hoàn tất toàn bộ việc truy tố và đưa ra tòa. Sau nhiều ngày xét xử, ngày 22/01 vừa qua tòa án Hà Nội đã kết án ông Đinh La Thăng 13 năm tù giam, và ông Trịnh Xuân Thanh án tù chung thân.

Mặc dù được xét xử dưới mầu sắc chống tham nhũng, nhưng theo nhận định của giới quan sát quốc tế, tốc độ làm việc khẩn trương của tư pháp Việt Nam, vụ án này không che giấu được hình ảnh « thanh trừng nội bộ » lẫn nhau như nhận xét của bà Pénélope Faulkner, thuộc Ủy Ban Việt Nam vì Nhân Quyền trên làn sóng RFI :

« Ở đây lẽ ra tôi rất muốn nói rằng đó là một nỗ lực chống tham nhũng, nhưng rất tiếc đó lại là một cuộc tranh giành quyền lực giữa hai phe của đảng thì đúng hơn. Ban lãnh đạo hiện nay, được bầu lên vào năm 2016, là những người theo đường lối cứng rắn. Họ đang tìm cách loại trừ tất cả các thành viên của ban lãnh đạo cũ dưới thời ông Nguyễn Tấn Dũng ».

Một quan điểm cũng được báo Le Monde số ra ngày 25/01 cùng chia sẻ trong bài viết đề tựa « Tại Việt Nam : Chiến dịch chống tham nhũng nhuốm mầu sắc chính trị ». Tờ báo viết rằng :

« Vai vế của hai bị cáo chính khiến người ta nghĩ rằng phiên tòa ở Hà Nội mang màu sắc chính trị, dù diễn ra trong khuôn khổ một chiến dịch nhằm chống lại nạn dịch đang hoành hành tại một trong những nước tham nhũng nhất Đông Nam Á.

Ông Đinh La Thăng, ngoài chức vụ ủy viên Bộ Chính trị, còn là cựu bộ trưởng Giao Thông, cựu bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tức Saigon cũ, thủ đô kinh tế của cả nước. Ông Thăng còn là một trong những người thân cận của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, một « người chủ trương tự do » thân phương Tây, nạn nhân của một cuộc « thanh trừng » trong Đại hội Đảng năm 2016. » (Trích điểm báo ngày 25/01/2018)

Với những bản án vừa được tuyên, thì không biết nhà tù nào có vinh hạnh được đón hai ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh « xông đất » Tết Nguyên Đán Mậu Tuất 2018 này nhỉ ?

Những món quà năm mới không mong đợi của Donald Trump

Có lẽ sẽ không ai có nhiều quà năm mới 2018 bằng tổng thống Mỹ Donald Trump. Mở đầu là món quà không được mong đợi « Lửa và Cuồng nộ : Bên trong Nhà Trắng của Trump », một cuốn sách của nhà báo chính trị nổi tiếng người Mỹ, ông Michael Wolff.

Tác phẩm tập hợp những câu chuyện và giai thoại được thu thập qua hơn 200 cuộc phỏng vấn từ những người thân cận của tổng thống Mỹ, đặc biệt là từ vị cựu cố vấn đặc biệt Steve Bannon. Theo đó, ông Donald Trump không muốn trở thành tổng thống, không màng nghiên cứu đến Hiến Pháp, sợ bị đầu độc rồi phẫu thuật da đầu ; rồi con trai Trump Jr từng bị Steve Bannon cáo buộc là phản bội hay như tham vọng trở thành nữ tổng thống Mỹ đầu tiên của cô con gái Ivanka Trump…

Những thông tin trên đã thật sự làm cho ông Donald Trump nổi dóa và tìm cách ngăn chận việc phát hành. Như dự đoán trước ý định của chủ nhân Nhà Trắng, nhà xuất bản đã cho ra mắt độc giả sớm hơn 4 ngày dự kiến. Kết quả là sách bán chạy như tôm tươi, không đủ sách để bán. Tổng thống Mỹ không còn cách nào khác là lại đe dọa kiện tác giả, ngậm đắng nuốt cay cho đấy là « cuốn sách viễn tưởng ».

Ngày 20 tháng Giêng này còn đánh dấu một năm ông Donald Trump chính thức trở thành chủ nhân Nhà Trắng. Nhưng quà mừng cho ông lại là một cú « shutdown », tức là Hoa Kỳ rơi vào tình trạng bị tê liệt, chính quyền liên bang phải tạm ngưng hoạt động, công chức tạm thất nghiệp, nhiều công sở tạm đóng cửa do thiếu ngân sách. Nguyên nhân là hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ không đạt được thỏa thuận ngân sách 2018.

Cũng nhân ngày này phụ nữ Mỹ đã tặng cho tổng thống Mỹ một món quà khác không mấy gì làm ông thích thú. Hàng ngàn người đã ồ ạt xuống đường biểu tình tại nhiều thành phố lớn phản đối Donald Trump, từ vấn nạn quấy nhiễu tình dục, kỳ thị chủng tộc, phân biệt giới tính, bài người đồng tính, hay như phản đối sự bất tài của tổng thống.

Quả thật, một năm cầm quyền của nhà tỷ phú Mỹ có thể nói cũng không khác gì với tiêu đề quyển sách « Lửa và Cuồng nộ ». Hy vọng rằng quà tặng cho năm thứ hai nhiệm kỳ của tổng thống Mỹ sẽ khá hơn so với năm vừa qua.

Iran : khởi đầu năm mới với bạo động và « tối hậu thư » của Trump

Có cùng nỗi bất hạnh với tổng thống Mỹ Donald Trump là Iran. Các nhà lãnh đạo nước này không mấy vui vẻ khi phải đón năm 2018 với các cuộc biểu tình phản đối chính phủ bắt đầu từ cuối năm 2017 và kéo dài qua tuần đầu 2018. Các cuộc xung đột giữa những người biểu tình và lực lượng an ninh dẫn đến hệ quả là hàng chục người chết và hàng trăm người bị bắt. Cuộc biểu tình này đã thu hút sự quan tâm theo dõi của cộng đồng quốc tế.

Cuộc sống khó khăn vì cấm vận của quốc tế, cùng với chính sách thắt lưng buộc bụng do tổng thống Rohani ban hành từ năm 2013 khiến giới trẻ bất mãn. Nhà báo Ahmad Parhizi tại Teheran giải thích với ban tiếng Pháp đài RFI, viễn cảnh tương lai mịt mù là nguyên nhân chính của các cuộc biểu tình phản đối tại Iran.

« Đa số những người xuống đường phản đối là giới trẻ Iran, tuyệt vọng vì không thấy được chút tương lai sáng sủa nào trong trước mắt. Họ tìm cách tác động lên tất cả các đảng phái chính trị, nhất là những người ủng hộ cải cách bên trong chính phủ. Họ không tin rằng chính phủ hiện nay có khả năng hoặc có thiện chí giải quyết các vấn đề kinh tế, chính trị và nhất là chống tham nhũng. Chính vì vậy mà họ trở nên rất kiên quyết ».

Nỗi lo dẹp tan các đợt biểu tình vừa tạm lắng thì đến trung tuần tháng Giêng, tổng thống Mỹ Donald Trump lại dội một gáo nước lạnh cho Iran và ba cường quốc Tây Âu đã ký hiệp định hạt nhân Iran, đó là Anh, Pháp, Đức. Tổng thống Mỹ ra « tối hậu thư » ba nước này có 120 ngày để « khắc phục những thiếu sót khủng khiếp » trong thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) được ký kết vào tháng 07/2015, dưới thời tổng thống Barack Obama.

Nếu Iran và châu Âu không đạt được một thỏa thuận như mong muốn của Hoa Kỳ, chính quyền Donald Trump sẽ tái lập các lệnh trừng phạt nhắm vào Iran. Đòi hỏi này của tổng thống Mỹ đã không được nhiều chuyên gia tán đồng.

Ông Benjamin Hautecouverture, thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược khẳng định trên đài RFI rằng cơ chế thanh tra các cơ sở hạt nhân Iran là một cơ chế thanh tra quốc tế sâu sát nhất trên thế giới hiện nay. Do đó, các thanh tra của Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế (AIEA) mong muốn là văn bản này được coi như là chuẩn mực trong lĩnh vực thanh tra hạt nhân, làm mẫu cho các hiệp định trong tương lai.

Dẫu sao Iran cũng được an ủi phần nào khi nhận được sự ủng hộ từ ba cường quốc châu Âu (Anh, Pháp và Đức) nhất là từ Nga và Trung Quốc khẳng định không muốn nghe nhắc đến việc tái đàm phán thỏa hạt nhân. Với báo chí Pháp, lối ứng xử của Hoa Kỳ hiện nay là cách tốt nhất để làm suy yếu phe cải tổ tại Iran và thúc đẩy lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Hồi Giáo đòi phục hồi hoạt động chế tạo vũ khí nguyên tử (Le Figaro ngày 16/01/2018).

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20180127-bac-trieu-tien-phat-phao-khai-hoa-2018