Tin Biển Đông – 26/01/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 26/01/2018

Biển Đông : Paris lên án chính sách

« chuyện đã rồi » của Bắc Kinh

Tú Anh

Trong bài phỏng vấn dành cho báo Nikkei trước khi lên đường sang Tokyo ngày 26/01/2018, bà Florence Parly, bộ trưởng bộ Quân Lực Pháp lên án hành động lấn chiếm của Trung Quốc tại Biển Đông và cho biết Pháp và Nhật sẽ nâng cấp các cuộc tập trận chung.

Trong bài phỏng vấn, bộ trưởng quân lực Pháp cho biết chính phủ Pháp đã sẵn sàng « phát triển các cuộc tập trận chung » Pháp-Nhật trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, để chứng tỏ sự hiện diện của quân đội hai nước, đặc biệt là đối với Trung Quốc. Mục tiêu cụ thể là trong năm nay là « hải quân hai nước tổ chức các cuộc tập trận chung, song phương cũng như đa phương, kể cả tập đổ bộ tại nhiều nơi trong khu vực ». Theo Nikkei, Pháp-Nhật nhiều lần tập trận chung, nhưng cuộc tập trận đa phương đầu tiên với quy mô lớn chỉ mới được tiến hành năm 2017 với hải quân Mỹ và Anh Quốc. Từ nay, hai nước sẽ hợp tác nhiều hơn.

Bộ trưởng Florence Parly cho rằng Pháp-Nhật cần biểu lộ quyết tâm bảo vệ an ninh và quyền tự do hàng hải tại Biển Đông và sẵn sàng can thiệp chung khi tình thế đòi hỏi. Lên án chiến lược của Trung Quốc đặt quốc tế trước « chuyện đã rồi », nữ bộ trưởng Pháp cảnh cáo : Không phải cứ cấm cờ ở nơi nào đó, thì nơi đó đổi chủ.

Cũng theo đối sách của Mỹ, bộ trưởng Quân Lực Pháp cho biết thêm là trong năm nay, hải quân Pháp sẽ đi xuyên qua biển Đông nhiều lần để thực thi quyền tự do lưu thông. Trung bình mỗi năm, tàu chiến Pháp qua lại khu vực Trung Quốc tranh chấp với Đông Nam Á từ ba đến bốn lần, nhất là gần quần đảo Trường Sa.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180126-bien-dong-paris-len-an-chinh-sach-%C2%AB-chuyen-da-roi-%C2%BB-cua-bac-kinh

 

Ấn muốn siết chặt quan hệ hàng hải với Đông Nam Á

Ấn Độ mời lãnh đạo các nước ASEAN dự hội nghị thượng đỉnh vào ngày 25/1 để tăng cường an ninh hàng hải trong khu vực đang bị Trung Quốc lấn lướt, theo nguồn tin từ các giới chức và giới ngoại giao.

Ấn Độ đang theo đuổi chính sách “Hành động hướng Đông” nhằm phát triển các mối quan hệ chính trị và kinh tế với Đông Nam Á, nhưng những nỗ lực này chỉ có tính cách thăm dò và theo sau Trung Quốc rất xa. Thương mại của Trung Quốc với ASEAN lớn hơn Ấn Độ 6 lần, đạt mức 470 triệu đô la trong giai đoạn 2016-2017.

Trung Quốc cũng đã mở rộng sự hiện diện tại Nam Á, xây dựng các cảng biển và nhà máy điện tại các nước chung quanh Ấn Độ, như Pakistan và Sri Lanka, và cản trở New Delhi trong việc tìm đồng minh mới.

Thủ tướng Narendra Modi đã mời tất cả các nhà lãnh đạo của 10 nước thành viên ASEAN tham dự lễ Độc lập Ấn Độ vào ngày 26/1 với cuộc diễu hành phô trương sức mạnh quân sự và văn hóa đa dạng của Ấn Độ.

Các nhà lãnh đạo bao gồm bà Aung San Suu Kyi của Myanmar, Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Tổng thống Philippine Rodrigo Duterte sẽ thảo luận về hợp tác hàng hải, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết trong một tuyên bố.

Ấn Độ và các nước ASEAN đều nhấn mạnh đến sự cần thiết của tự do hàng hải và các vùng biển rộng mở. Ấn cũng đã có các mối quan hệ hải quân mạnh mẽ với các nước Singapore, Việt Nam, Indonesia,Thái Lan, và Malaysia, bà Preeti Saran thư ký tại Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết.

“Các hoạt động thăm viếng của các chiến hạm, phối hợp tuần tra, tập trận song phương diễn ra tốt đẹp,” bà Saran nói. “Và mỗi khi chúng ta có những cuộc thảo luận quốc phòng với quốc phòng hay hải quân với hải quân, thì những cuộc thảo luận này diễn ra tốt đẹp theo như nhận xét của các nước ASEAN.”

Một vài nước ASEAN có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc mong muốn Ấn có sự giao tiếp rộng lớn hơn nữa trong khu vực, theo nhận định của các chuyên gia.

https://www.voatiengviet.com/a/an-muon-siet-chat-quan-he-hang-hai-voi-dong-nam-a/4225855.html

 

Biển Đông: Ấn Độ – ASEAN

yêu cầu giải quyết tranh chấp theo luật quốc tế

Trọng Thành

Ấn Độ và ASEAN vừa có cuộc họp thượng đỉnh lịch sử, với việc lần đầu tiên New Delhi mời toàn bộ 10 lãnh đạo khối các nước Đông Nam Á tham dự lễ kỉ niệm Ngày Cộng Hòa Ấn Độ. Trong bản « Tuyên bố chung Delhi », được công bố hôm qua, 25/01/2018, hai bên đặc biệt nhấn mạnh rằng các tranh chấp tại Biển Đông phải được giải quyết thể theo luật pháp quốc tế.

Hợp tác về « chính trị và an ninh » là lĩnh vực được hai bên quan tâm trước hết. Trong Tuyên bố chung Delhi, Ấn Độ và ASEAN tái khẳng định vai trò trung tâm của Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á trong kiến trúc an ninh quốc tế đang hình thành tại khu vực, với nguyên tắc « rộng mở, minh bạch, không loại trừ ai và dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế ».

Thông cáo chung khẳng định « tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định an toàn hàng hải và an ninh, tự do hàng hải và hàng không trong khu vực » nói chung, và mọi tranh chấp cần được « giải quyết bằng con đường hòa bình », thể theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, mà trong đó Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 là một trụ cột.

Biển Đông là khu vực địa chiến lược duy nhất được Ấn Độ và ASEAN nêu tên trong văn bản nói trên. Tuyên bố chung Delhi khẳng định ủng hộ việc thực thi « hoàn toàn và đầy đủ » Tuyên Bố về Ứng Xử của Các Bên ở Biển Đông (gọi tắt là DOC) và kêu gọi các bên liên quan sớm hoàn tất Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông (COC), nhằm phòng ngừa và tạo cơ sở pháp lý để giải quyết các xung đột tại khu vực này.

Tuyên bố chung Delhi cũng thúc đẩy các hợp tác về kinh tế giữa Ấn Độ và ASEAN trong khuôn khổ không gian thương mại tự do song phương, « bảo vệ và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên trên biển tại Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương », tăng cường hợp tác về giao thông đường bộ, đường biển và hàng không, công nghệ tin học. Trong số các hợp tác văn hóa xã hội, hợp tác đào tạo Anh ngữ, cổ vũ cho các quan hệ văn hóa, văn minh lâu đời giữa các nước Đông Nam Á và Ấn Độ, nhất là tại khu vực đồng bằng sông Mê Kông, được chú ý hàng đầu.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180126-bien-dong-thong-cao-chung-an-do-asean-nhan-manh-tranh-chap-phai-duoc-giai-quyet-theo

 

USS Carl Vinson, biểu tượng mới của quan hệ Mỹ-Việt

Thanh Phương

Sự kiện một hàng không mẫu hạm Mỹ lần đầu tiên sẽ ghé thăm Việt Nam vào tháng 3 tới là một dấu hiệu cho thấy quan hệ giữa hai quốc gia cựu thù đang được thắt chặt thêm, hơn 4 thập niên sau khi kết thúc chiến tranh Việt Nam.

Thông tin chuyến viếng thăm của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson đến Đà Nẳng vào tháng 3 đã được đưa ra ngày 25/01/2018, trong ngày thứ hai của chuyến viếng thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis.

Đây sẽ là một chuyến viếng thăm lịch sử vì cho tới nay chưa bao giờ có một hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ cập bến Việt Nam. Trước đây, trong thời gian chiến tranh Việt Nam, các hàng không mẫu hạm của Mỹ chỉ hoạt động ở ngoài khơi, chứ không ghé vào các cảng của Việt Nam.

Được đặt theo tên của một dân biểu Quốc Hội Hoa Kỳ và được đưa vào sử dụng từ năm 1982, hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson có chiều dài hơn 300 mét là một trong những hàng không mẫu hạm đa năng lớp Nimitz, chạy bằng năng lượng hạt nhân. Đây là một trong 10 hàng không mẫu hạm khổng lồ của hải quân Mỹ và là một trong những hàng không mẫu hạm lớn nhất thế giới. Trên hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson có một phi đội khoảng 70 chiến đấu cơ các loại, phần lớn là chiến đấu cơ F-18 có khả năng hoạt động ngày đêm, bất kể thời tiết, với tốc độ siêu thanh.

Bình thường hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson có hơn 3.000 quân nhân điều khiển và bảo trì tàu. Khi triển khai hoạt động ở nước ngoài, tàu nhận thêm hơn 2.000 nhân sự đi cùng của không đoàn số 2.

USS Carl Vinson đã từng tham gia vào nhiều chiến dịch quân sự của Mỹ ở nước ngoài, đặc biệt là hỗ trợ cho chiến dịch Enduring Freedom ở Afghganistan vào năm 2001 nhằm đáp trả các vụ tấn công khủng bố ở Hoa Kỳ 11/09 năm đó. Vào tháng 4 năm ngoái, USS Carl Vinson đã được điều động đến vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh Hoa Kỳ và quốc tế nói chung ngày càng quan ngại về chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.

Hiện nay, đội tàu sân bay USS Carl Vinson đang được triển khai ở vùng tay Thái Bình Dương trong khuôn khổ các hoạt động bình thường. Và chính là trong khuôn khổ hoạt động ở khu vực này mà USS Carl Vinson sẽ ghé thăm cảng Đà Nẳng vào tháng 3 tới.

Theo nhận định của hãng tin Reuters ngày 25/01, chuyến viếng thăm của một hàng không mẫu hạm Mỹ chắc chắn sẽ nhận được sự hoan nghênh của nhiều nước đang lo ngại trước đà bành trướng của Trung Quốc, đặc biệt là tại Biển Đông.

Reuters trích lời các nhà ngoại giao cho biết là thông tin về chuyến viếng thăm của hàng không mẫu hạm Carl Vinson đến Đà Nẳng được xác nhận sau nhiều tháng thương thuyết quân sự trong hậu trường giữa Hà Nội và Washington.

Khả năng một hàng không mẫu hạm Mỹ ghé thăm Việt Nam đã được nêu lên khi tổng thống Donald Trump tiếp thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng vào tháng 5/2017. Đàm phán về vấn đề này đã tiếp diễn khi bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch gặp đồng nhiệm Mỹ Jim Mattis ở Washington vào tháng 8 năm ngoái.

Reurters cũng nhắc lại rằng vào tháng 10 năm ngoái, thứ trưởng Quốc Phòng Nguyễn Chí Vinh đã dẫn đầu một phái đoàn 11 quan chức Việt Nam đến quan sát các phi cơ hoạt động trên hàng không mẫu hạm Carl Vinson ngoài khơi California. Ông Nguyễn Chí Vịnh như vậy đã là quan chức cao cấp nhất của chế độ Hà Nội lên thăm một hàng không mẫu hạm của Mỹ. Cho nên, khi tiếp thứ trưởng Quốc Phòng Việt Nam, đô đốc John Fuller, tư lệnh Nhóm tác chiến tàu sân bay số 1 ( CSG-1 ) đã xem đây là « một ngày có tính chất lịch sử »

Cho tới nay, nhiều chiến hạm của Mỹ đã mở các chuyến viếng thăm Việt Nam cùng với đà cải thiện quan hệ giữa hai nước. Mang tính biểu tượng nhất trong số đó là chuyến viếng thăm của tàu ngầm USS Frank Cable và tàu tên lửa dẫn đường USS John S. Mc Cain đến Vịnh Cam Ranh, từng là căn cứ

quân sự của Mỹ trong thời gian chiến tranh Việt Nam. Nhưng rõ ràng chuyến ghé thăm sắp tới của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson là mang tính biểu tượng cao hơn cả.

Trong những năm gần đây, các đơn vị của Hải quân Hoa Kỳ đã tiến hành các cuộc tập huấn với hải quân Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam chưa tham gia vào cuộc thao dượt quân sự RIMPAC, vẫn được tổ chức 2 năm một lần, quy tụ hải quân của 26 quốc gia, dưới sự chỉ huy của Mỹ.

Việt Nam cũng đã mua nhiều thiết bị quân sự của Hoa Kỳ, trong đó có tàu tuần duyên lớp Hamilton. Năm ngoái, Washington đã tiến thêm một bước trong việc thắt chặt quan hệ quân sự với Hà Nội qua việc bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam.

Theo nhận định của ông Ian Storey, chuyên gia về Biển Đông của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, được hãng tin Reuters trích dẫn, chuyến thăm của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson « có ý nghĩa rất lớn » và là « một biểu tượng hiển nhiên của quan hệ quốc phòng đang được thúc đẩy trước đà lớn mạnh của Trung Quốc ».

Theo Reuters, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Trung Quốc do vấn đề Biển Đông, đa số người dân Việt Nam ủng hộ việc Hà Nội thắt chặt quan hệ với Washington.

Bộ Quốc Phòng Việt Nam hôm qua cũng đã ra thông cáo nhấn mạnh chuyến thăm chính thức Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ diễn ra trong bối cảnh khuôn khổ “Đối tác toàn diện” giữa hai nước « không ngừng được củng cố, phát triển, đặc biệt sau các chuyến thăm viếng lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao hai nước năm 2017 ».

Cũng theo thông cáo của bộ Quốc Phòng Việt Nam, về phương hướng thời gian tới, hai nước sẽ « thúc đẩy hợp tác theo các nội dung trong Bản Ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng (MOU) ký năm 2011, Tuyên bố Tầm nhìn chung vế quan hệ quốc phòng (JVS) ký năm 2015, Kế hoạch hành động 3 năm giai đoạn 2018 – 2020 và thoả thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước ». Những hợp tác đó sẽ giành ưu tiên cho « việc khắc phục hậu quả chiến tranh, nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển, quân y, đào tạo tiếng Anh…

Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng hoan nghênh Hoa Kỳ tiếp tục hợp tác để sớm khởi công Dự án xử lý môi trường nhiễm dioxine tại sân bay Biên Hòa và tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc.

Chuyến đi của bộ trưởng Quốc Phòng Jim Mattis diễn ra ngay sau khi Lầu Năm Góc vào tuần trước vừa công bố chiến lược an ninh mới của Mỹ. Chiến lược này tập trung vào việc xây dựng các đối tác và thắt chặt các liên minh để đối phó với hai quốc gia bị xem là mối đe dọa chủ yếu đối với Hoa Kỳ là Trung Quốc và Nga.

Đối với Hoa Kỳ, Việt Nam có một vị trí chiến lược trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương, mà Hoa Kỳ đang cố thúc đẩy thành một vùng tự do và rộng mở, tức là một vùng mà quyền tự do hàng hải và luật pháp quốc tế được tôn trọng nghiêm chỉnh, đặc biệt là ở khu vực Biển Đông. Khi gặp các lãnh đạo Việt Nam, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đã đặc biệt nhấn mạnh đến quyền tự do hàng hải ở vùng Biển Đông. Theo ông Mattis, đây là một vấn đề quan trọng đối với nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh của Việt Nam.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20180126-uss-carl-vinson-bieu-tuong-moi-cua-quan-he-my-viet