Tin Việt Nam – 25/01/2018
Nghĩ về công lý
Tuệ Tâm
Cứ mỗi độ đến Tết, dịp Xuân về lòng tôi lại có những bùi ngùi khó tả khi nghĩ về hai sự kiện thảm sát xảy ra trên dải đất miền Trung. Đó là hai sự kiện thảm sát đã được diễn ra vào mùa Xuân năm Mậu Thân (1968) tại Huế và sự kiện thảm sát tại Mỹ Lai (huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi). Nếu những người đã chết ở Mỹ Lai phần nào được nguôi ngoai, vì hung thủ đã được xác định, những kẻ thủ ác đã vài lần phải ra tòa để đối diện tội ác của mình; thì tại Huế, những kẻ giết người vẫn sống nhởn nhơ, họ không chịu bất cứ sự trừng phạt của công lý. Những người đã khuất hay thân nhân còn sống của họ chẳng thể nào tìm được công lý cho dù thời gian đã trôi qua 50 năm.
Từ những con số cho biết, số người đã chết trong vụ càn quét ở Mỹ Lai(3/1968) lên đến 504 người, trong đó đa phần là trẻ con, phụ nữ và người già. Dù đã được giấu nhẹm nhưng chỉ hơn một năm sau (11/1969) vụ thảm sát đã bị vỡ lở, những kẻ đã xuống tay với đồng bào tại Mỹ Lai đã phải ra tòa, đối diện với công luận về những tội ác mà họ đã gây ra. Những người đã chết vì bởi súng đạn của quân đội Hoa Kỳ, một dòng giống ngoại lai không cùng máu mủ với dân tộc Việt Nam.
Trong khi đó, một vụ thảm sát kinh hoàng hơn, số người chết và mất tích lên đến 7,600 người và điều đáng nói hơn, kẻ thủ ác không phải là người ngoại tộc, mà chính là người Việt gây ra. Cuộc thảm sát tàn khốc do quân đội Bắc Việt và Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, những lực lượng mà trước khi chết, những người bị thảm sát ở Huế vẫn gọi là “đồng bào”.
Nếu ở Mỹ Lai chỉ hơn một năm sau sự việc vỡ lở, thì cho đến nay, những người chết ở Huế vẫn chưa thể nhắm mắt vì những kẻ thủ ác vẫn chưa trả giá cho những tội ác mà họ gây ra. Hay nói theo cách khác, công lý vẫn chưa được thực thi cho dù đã 50 năm trôi qua.
Chẳng những vậy, nhân 50 năm xảy ra thảm kịch tang thương Mậu Thân, chính quyền còn cho mở đợt tuyên truyền rầm rộ về cái mà họ gọi là chiến thắng “Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968”. Hàng loạt tác phẩm thơ văn đã được tung ra trong dịp này nhằm mục đích tuyên truyền, ca ngợi cái mà chính quyền gọi là “chiến thắng”. Những việc làm đó chẳng những không đem lại công lý cho người đã khuất, mà nó còn sát muối vào vết thương chưa kịp lành của những người còn sống sót. Đau đớn hơn, việc làm tổn thương ấy còn được thực hiện đều đặn hàng năm.
Trong vụ thảm sát Mỹ Lai, truyền thông, báo chí hàng năm lại rêu rao, kể chi tiết từng cái chết, sự đau thương của những người còn sống nhằm mục đích khơi gợi, nuôi dưỡng sự căm thù đối với chính quyền Hoa Kỳ; thì trong vụ thảm sát tại Huế, chính quyền dường như câm bặt. Không một tờ báo nào nói đến những mất mát, con số thiệt hại mà người dân Huế phải gánh chịu sau khi bị quân đội Bắc Việt và Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam tấn công. Những người bị thảm sát đã phải chết một cách đau đớn, như bị chôn sống, dùng cuốc để giết. Bộ máy tuyên truyền coi việc giết chết hàng ngàn người dân bằng những hình thức hết sức man rợ như thời Trung cổ là “chiến thắng vẻ vang”, được tung hô như là “thành quả cách mạng” và đều đặn trong vài chục năm đều rêu rao nhắc về chiến thắng vỹ đại ấy.
Thật khó để có thể có công lý cho những người đã khuất, hoặc thân nhân của những người còn sống khi mà nhà nước CSVN vẫn còn tồn tại. Vì chính nhà nước này là kẻ đã gây ra tấn thảm kịch tại Huế. Dù muốn, dù không họ cũng phải che giấu sự thật để bảo vệ sự chính danh của mình. Một khi mất đi sự chính danh, chính quyền này chẳng còn có thể trụ vững để tiếp tục cai trị người dân trong nước.
Đã rất nhiều lần trên các diễn đàn hay trong những lần ngồi nói chuyện với nhau, một số trí thức, văn nghệ sỹ tạm gọi là “cấp tiến” và có nguồn gốc từ miền Bắc nói rằng, họ mong rằng sau khi chế độ độc tài Cộng sản sụp đổ sẽ không có bất cứ cuộc trả thù nào đối với những người đã từng phục vụ cho chính quyền Cộng sản. Công an hay những người từng gây ra các vụ bắt bớ, tống giam, gây hàm oan cho giới đấu tranh dân chủ sẽ không bị trả thù. Tôi hoàn toàn ủng hộ ý kiến ấy. Trong lịch sử chúng ta đã từng chứng kiến sự trả thù dã man của phe chiến thắng đối với phía thua cuộc. Đó là kể từ sau 1975, khi cộng sản Bắc Việt cưỡng chiếm được miền Nam. Họ đã bắt hàng chục, hàng trăm ngàn quân-cán-chính của chính quyền VNCH vào những nhà tù và hành hạ họ ở đó cho đến lúc chết. Tôi mong sao điều đó sẽ không tái diễn.
Tuy nhiên, công lý cần phải được thực thi. Một xã hội chỉ có dân chủ, tự do chỉ khi công lý được coi trọng. Những kẻ thủ ác gây ra cuộc thảm sát kinh hoàng ở Huế, những người đã gây ra cái chết cho anh Nguyễn Hữu Tấn (Vĩnh Long), những kẻ đã giết chết ông Hoàng Văn Ngài (Đắk Nông)…và rất nhiều nạn nhân hoặc thân nhân của họ đều phải được thấy công lý. Nói cách khác, những kẻ thủ ác phải bị đưa ra tòa để đối diện với tội ác và trả giá cho những gì mà họ đã gây ra với đồng loại của mình. Vì không thể nào công lý xuất hiện ở Mỹ Lai, nhưng lại biến mất ở Huế; công lý chỉ có ở với người này nhưng lại biến mất ở gia đình khác được.
Bài viết có sử dụng các con số từ Wikipedia nên khi đối chiếu với những số liệu từ các trang mạng, tài liệu khác sẽ có đôi chút khác biệt.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/think-about-justice-01252018063625.html
Vụ BOT: ‘Phạt xe dừng quá 5 phút là đổ dầu vào lửa’
Một luật sư nói với BBC rằng Bộ Giao thông và chính phủ Việt Nam “nên tập trung giải quyết cái gốc của vấn đề” thay cho “giải pháp nhất thời.”
Tin cho hay, từ hôm 25/1, thanh tra giao thông tiến hành xử lý lái xe vi phạm biển cấm dừng đậu quá 5 phút được lắp đặt tại các trạm BOT.
Bàn tròn thứ Năm: U23 Việt Nam sẽ thắng trận chung kết?
Thủ tướng VN: ‘Xử lý người kích động, chống phá’ ở trạm BOT
Thu phí BOT Cai Lậy: Khác gì ép ‘mãi lộ’?
Trước đó, Tổng Cục đường bộ Việt Nam gửi công điện hỏa tốc đến các nhà đầu tư BOT, Cục cao tốc, các cục quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành yêu cầu chủ đầu tư “lắp biển báo phân làn đường, biển báo cấm dừng, cấm đỗ xe tại trạm thu phí và phải hoàn tất trước ngày 25/1.”
“Tổng cục đường bộ Việt Nam yêu cầu các nhà đầu tư bổ sung các camera ở khu vực trạm, thu thập số liệu, trích xuất các file dữ liệu hình ảnh, thống kê các tình huống cố tình gây rối, kích động mất trật tự an toàn giao thông, gửi về Tổng cục đường bộ để gửi Bộ Công an và Ủy ban Nhân dân các tỉnh xử lý,” báo Tuổi Trẻ tường thuật.
Tài xế đòi quyền lợi ở BOT Cai Lậy
Hôm 25/1, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, nói với BBC: “Thật ra quy định xử phạt dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe trái quy định gây ùn tắc giao thông thì bị xử phạt từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đã được quy định từ năm 2016 trong một nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông chứ không phải đến nay mới có.”
Mọi quyết sách của Bộ Giao thông-Vận tải nói riêng và của Chính phủ nói chung phải đặt trên nền tảng công bằng thì mới có thể bền vững và đạt được sự đồng thuận trong xã hội.luật sư Phùng Thanh Sơn
“Tuy nhiên, vấn đề cần bàn ở đây được hiểu thế nào là “trái quy định”. Anh không thể đặt/đưa ra biển báo “trái quy định” rồi căn cứ vào cái sai trái đó đi xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông được.”
‘Giải pháp công bằng’
Luật sư Sơn phân tích: “Các công ty BOT chỉ đơn thuần là đơn vị kinh tế chứ không phải là cơ quan quản lý nhà nước về giao thông. Do đó, những biển báo cấm dừng, cấm đậu do chủ đầu tư BOT tự gắn không có giá trị pháp lý, cho dù biển báo đó có nguồn gốc từ đâu.”
“Ngay cả việc lắp đặt biển cấm dừng, cấm đỗ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thì cũng phải tuân thủ quy chuẩn quốc gia về báo hiệu đường bộ. Chỉ những loại biển nào có trong quy chuẩn thì mới được sử dụng để làm căn cứ xử phạt.”
“Theo QCVN 41:2016, trong nhóm biển báo cấm thì chỉ có loại biển báo cấm theo giờ, nghĩa là các phương tiện không được dừng, đỗ xe trong một khung giờ nhất định chứ không có loại biển giới hạn thời gian dừng, đỗ theo từng loại phương tiện.”
Độc quyền BOT, ‘sự cố’ Cai Lậy và bất ổn thể chế
Thu phí đường bộ: Dân Trung Quốc, Anh ‘cũng bức xúc’
‘Phát hiện nhiều vi phạm trong các dự án BOT’
Luật sư Sơn nói thêm: “Nếu chủ đầu tư BOT và Tổng cục đường bộ Việt Nam dùng “thủ thuật” này để giải quyết tình trạng ùn xe tại các trạm BOT là không khả thi.”
“Dừng xe để đóng phí có liên quan đến cả nhân viên thu phí. Do đó, việc dừng xe quá 5 phút không chỉ do lỗi của tài xế mà còn do lỗi của nhân viên thu phí (như thao tác chậm, không chuẩn bị đủ tiền lẻ, kiểm đếm chậm….) nên cũng rất khó xác định được yếu tố lỗi để xử phạt.”
“Nếu cả chục xe xếp hàng. Mỗi xe dừng 4 phút 59 giây rồi lăn bánh thì tình trạng ùn tắc vẫn diễn ra. Hoặc họ có thể phản đối bằng cách khác, khi gần đến trạm thu phí họ cho xe lăn bánh một cách chậm chạm để đến chốt thu phí thì cơ quan chức năng cũng không thể làm gì được.”
“Theo tôi, Bộ Giao thông-Vận tải và Chính phủ nên tập trung vào giải quyết cái gốc của vấn đề là vị trí đặt trạm BOT không hợp lý chứ không phải là thu phí cao hay thấp.”
“Việc Tổng cục đường bộ Việt Nam phát đi thông báo hỏa tốc yêu cầu khẩn trương lắp các biển báo cấm dừng trong lúc người dân rất bức xúc về vị trí các trạm BOT chẳng khác nào đang “đổ dầu vào lửa.”
“Lẽ ra, giới chức ngành giao thông nên rà soát lại các dự án BOT và truy trách nhiệm những cá nhân liên quan trong việc “tư nhân hóa” mạng lưới giao thông công cộng bằng các hợp đồng BOT.”
“Từ đó, tham mưu cho chính phủ một giải pháp công bằng cho người dân chứ không phải đưa ra một giải pháp nhất thời, mang tính đối phó với người dân trong khi bức xúc của họ là hoàn toàn chính đáng.”
“Mọi quyết sách của Bộ Giao thông-Vận tải nói riêng và của Chính phủ nói chung phải đặt trên nền tảng công bằng thì mới có thể bền vững và đạt được sự đồng thuận trong xã hội.”
Theo văn bản của Tổng cục Đường bộ, các chủ đầu tư BOT được yêu cầu lắp biển báo phân làn đường, biển báo cấm dừng, cấm đỗ xe tại trạm thu phí trước 25/1.
Từ khi có biển cấm, mọi hành vi cản trở giao thông tại trạm thu phí sẽ bị phạt tiền với mức thấp nhất 800.000 đồng và cao nhất 2.000.000.
Hôm 18/1, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc ký Công điện bày tỏ quan điểm cứng rắn về xử lý “các đối tượng xấu lợi dụng kích động, chống phá” tại các trạm thu phí BOT.
Văn bản nhấn mạnh không để “các đối tượng xấu càng lợi dụng, lấn tới, tiềm ẩn những hành vi gây mất an ninh trật tự, kể cả các tổ chức phản động lợi dụng phá hoại”.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42784714
‘VN cần trình giấy phép mua vây cá mập Chile’
Một người làm về bảo tồn động vật cho BBC biết rằng quy trình cấp phép để khai thác và mua bán vây cá mập ở Chile rất ngặt nghèo.
Bà Nguyễn Trang, nhà bảo tồn động vật hoang dã bị buôn bán trái phép, đồng thời hiện là nghiên cứu sinh tiến sỹ tại Anh Quốc về bảo tồn động vật, trao đổi với BBC ngày 24/1:
“Ngay sau khi có thông tin về vụ việc, tôi đã gửi email cho Sea Shepherd Chile [một tổ chức phi lợi nhuận về bảo tồn động vật biển thành lập tại Anh Quốc, có văn phòng tại Chile] về các điều luật liên quan đến cá mập.”
“Trong email phản hồi, Sea Shepherd cho hay vây cá mập được mua bán hợp pháp tại Chile phải có giấy phép do Cục Thủy sản Chile cấp.
“Nghĩa là nếu phía Việt Nam cho rằng vây cá mập phơi trên mái Đại Sứ Quán Việt Nam tại Chile được mua tại chợ địa phương, họ cần đưa ra được giấy phép này để chứng minh.”
Nhân viên thương vụ VN ‘mua vây cá mập cho gia đình’
Ecuador bắt tàu đánh bắt vi cá mập của TQ
Bà Nguyễn Trang giải thích: “Điều này là vì Chile có luật cấm đánh bắt cá mập chỉ để lấy vây (nghĩa là đánh bắt cá mập chỉ để chặt lấy vây, đa phần khi cá còn sống, rồi vứt xác xuống biển), tuy nhiên nước này cũng cho phép đánh bắt cá mập một cách bền vững.”
“Tuy nhiên quy trình lấy giấy phép rất ngặt nghèo.”
“Tức là ngư dân chỉ được phép đánh bắt với số lượng cho phép những loài cá mập không có trong sách đỏ trong vùng biển nước này. Ngoài ra, ngư dân phải đem cá mập bắt được lên cảng trong tình trạng còn nguyên cơ thể, vây, nội tạng. Cục Thủy sản Chile sau khi kiểm tra đủ điều kiện mới cấp giấy phép để hợp pháp việc lấy vây hoặc mua bán các vật phẩm từ con cá mập này.”
“Những giấy phép này ghi lại nhận dạng cụ thể của từng vây (giống vân tay để định dạng nhân thân), do đó có thể sử dụng để đối chiếu vây được cấp phép hợp pháp với vây do mua bán hay tàng trữ trái phép.”
‘Chưa có luật bảo vệ cá mập tại Việt Nam’
Ở góc độ bảo tồn, bà Trang cho hay ‘rất bất ngờ, buồn và bất bình’ về sự việc.
“Từ nhiều năm nay, các nhà khoa học và bảo tồn trên thế giới đã kêu gọi cộng đồng quốc tế bảo vệ cá mập khỏi nạn tuyệt chủng do hành vi săn bắt và lấy vây”, chuyên gia bảo tồn nói với BBC.
“Việt Nam cũng có nhiều nỗ lực trong việc phòng chống nạn tiêu thụ và buôn bán các sản phẩm từ động vật hoang dã trái phép. Năm 2016, Hoàng tử Anh William sang Việt Nam để thúc đẩy các nỗ lực của chính phủ chống lại nạn buôn bán trái phép động thực vật hoang dã.”
“Vụ việc phơi vây cá mập tại Đại Sứ Quán Việt Nam tại Chile có thể làm tiêu tan những nỗ lực nói trên.”
Anh Quốc tịch thu thuốc ‘cổ truyền’ làm từ cao hổ cốt
Cá mập và nỗi ám ảnh chết chóc
Thế giới có nên ăn giống người Quảng Đông?
Tê tê đứng trước nguy cơ tuyệt chủng
Bà Trang cũng cho biết ở góc độ luật pháp, “Hiện tại trên thế giới chỉ có khoảng 30 nước có luật bảo vệ cá mập (cấp độ quốc gia).”
“Việt Nam chưa có luật nào về bảo vệ cá mập hay buôn bán, khai thác vây cá mập.”
Tuy nhiên, Việt Nam đã tham gia công ước quốc tế về buôn bán các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã đang bị nguy cấp (CITES) từ năm 1994″, theo trang tin chính thức của CITES.
Cụ thể, cá mập lần đầu tiên được đưa vào phụ lục II của CITES từ năm 2003. “Các loài trong phụ lục II không bị đe dọa tuyệt chủng, nhưng cần kiểm soát việc buôn bán để tránh ảnh hưởng tới sự sống còn của chúng”, theo quy định trong công ước.
Năm 2016, có thêm 12 loài cá mập được đưa vào Phụ lục II của CITES.
“Mặc dù các loài thủy sản bị khai thác thương mại đã được đưa vào các Phụ lục CITES trong những năm qua, nhưng các danh sách gần đây đặt ra những thách thức và cơ hội mới cho các bên tham gia trong việc bảo đảm rằng việc kinh doanh là hợp pháp, bền vững và có thể truy xuất nguồn gốc,” thông tin từ website của CITES cho hay.
Theo bà Trang, “trường hợp nhân viên Đại Sứ Quán Việt Nam tại Chile mang vây cá mập ra khỏi Chile mà không có giấy phép của CITES thì phải chịu trách nhiệm theo điều khoản CITES.”
‘Tác dụng bồi bổ, chữa bệnh’?
Chợ vi cá mập online tại Việt Nam có vẻ khá ‘sầm uất’ và không khó để đặt mua. Giá giao động từ 10 triệu đồng đến vài chục triệu đồng một kilogram vi cá mập tùy loại, từ ‘còn nguyên vây’, ‘khô’, ‘tươi’, đến ruốc vi cá.
BBC gọi điện đến số điện thoại trên website của một công ty ghi có trụ sở chính tại Phú Yên chiều 24/1 thì được nhân viên ở đây cho biết giá một kilogram vi cá mập khô làm sạch ‘loại trung bình’ là 25 triệu đồng.
Nhân viên cũng cho biết đây là ‘vi cá mập Việt Nam.’
Vi cá mập cũng được quảng cáo tại nhiều website là “có đến 89% chất đạm, 01% đường bột, 0.22% lượng chất béo và cung cấp 384 calo ngoài ra còn có thêm chất khoáng trong 100g vi cá mập khô” và “có thể chữa các bệnh xương khớp, mắt, bồi bổ cơ thể.”
Thậm chí còn có nơi quảng cáo vi và sụn cá mập như thần dược chữa ung thư.
Về khía cạnh sức khỏe, bà Trang cho biết “Hội nghiên cứu ung thư ở Vương Quốc Anh đã công bố nghiên cứu cho hay chúng không hề có khả năng chữa hay ngăn chặn ung thư.”
“Cũng không có bằng chứng khoa học nào khẳng định ăn thịt, xương, sụn hay vây cá mập tốt cho sức khỏe.”
“Thậm chí, có nghiên cứu cho thấy cá mập, cá voi, cá heo và nhiều loài động vật biển khác nữa có nồng độ thủy ngân trong cơ thể rất cao. Con người nếu ăn phải thực phẩm có nồng độ thủy ngân cao có thể nguy hại tới sức khỏe.”
Website chính của Tổ chức Cancer Research UK nêu rõ: “Một số người sử dụng sụn cá mập như một liệu pháp thay thế để điều trị ung thư. Điều này có nghĩa là họ sử dụng nó thay vì các biện pháp điều trị ung thư thông thường như hóa trị hoặc xạ trị.”
“Việc này có thể rất có hại cho sức khoẻ của bạn và chúng tôi không khuyên bạn làm điều này.”
Trong diễn biến liên quan, trang Twitter của Cơ quan ngư nghiệp và nuôi trồng thủy sản quốc gia Chile (Sernapesca) đăng hình hôm 23/1 cho hay bộ ngoại giao Chile đã gặp phái đoàn Việt Nam để bàn về vụ vây cá mập.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42799771
Hàng không mẫu hạm Mỹ thăm cảng Đà Nẵng
Một tàu sân bay của Mỹ dự kiến sẽ đến thăm Đà Nẵng vào tháng 3 tới. Thông tin được Bộ Quốc phòng Việt Nam thông báo tại Hà Nội hôm thứ năm, ngày 25 tháng 1 năm 2018 sau buổi hội đàm giữa Đại Tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ James Mattis,
Đây là lần thứ 6 Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ thăm Việt Nam kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995, và cũng là lần đầu tiên ông James Mattis đến Việt Nam với cương vị người đứng đầu Lầu Năm Góc. Chuyến thăm của ông Mattis kéo dài hai ngày từ 24 – 25 tháng 1 năm 2018.
Tại buổi hội đàm, hai vị bộ trưởng Việt Nam và Mỹ chia sẻ một số vấn đề được khu vực và quốc tế quan tâm, đánh giá kết quả hợp tác song phương trong thời gian vừa qua.
Ngoài ra, hai bên đã thống nhất sẽ trình lãnh đạo cấp cao để phê duyệt tàu sân bay Hoa Kỳ thăm Đà Nẵng, Việt Nam vào tháng 3 tới.
Trước đó, trong tuyên bố chung Việt – Mỹ nhân chuyến thăm của Tổng thống Trump đến Việt Nam vào tháng 11.2017, lãnh đạo hai nước đã đồng ý kế hoạch cho phép tàu sân bay Mỹ lần đầu tiên thăm cảng của Việt Nam trong năm 2018.
Cũng tại buổi hội đàm, hai bên đã đồng ý sẽ tiếp tục hợp tác để sớm khởi công dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa, và Hoa Kỳ giúp Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc.
Du lịch biên giới Việt-Trung tăng cao
Số khách du lịch qua cảng biên giới Đông Hưng tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc và Việt Nam đạt gần 10 triệu lượt khách vào năm ngoái, tăng 28% so với năm trước đó.
Đông Hưng là cảng đất liền lớn thứ ba của Trung Quốc và là cảng duy nhất kết nối Trung Quốc với Việt Nam bằng cả đường bộ và đường biển.
Một quan chức của văn phòng kiểm soát biên giới thành phố Đông Hưng cho biết thành phố này đã thành lập một khu biên mậu và một khu mua sắm miễn thuế thí điểm. Tại đó khách du lịch được phép mua các sản phẩm miễn thuế lên tới 8000 Nhân Dân Tệ (1.252 US đô la) mỗi ngày.
Các quan chức của văn phòng du lịch Đông Hưng cũng cho hay là thành phố này đã mở các tour du lịch tự lái đến thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh của Việt Nam vào tháng 11 năm 2016. Bắt đầu từ tháng 1 năm 2017, hai thành phố cùng nhau quảng bá du lịch tại một số địa điểm ở Trung Quốc và Việt Nam.
Khoảng 192.000 du khách từ thành phố Đông Hưng đến Việt Nam bằng giấy phép du lịch xuyên biên giới trong 11 tháng đầu năm 2017, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước.
Lo âu vì ngân hàng được phép phá sản
‘Luật các tổ chức tín dụng’ sửa đổi bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/01/2018 cho phép ngân hàng chọn phương án phá sản. Đây là một trong những hình thức mà chính phủ Việt Nam nói nhằm tái cơ cấu các ngân hàng bị cho là yếu kém. Người dân nghĩ gì về luật đó?
Nỗi lo tiền gửi ngân hàng
Các ngân hàng ở Việt Nam trong thời gian qua gặp nhiều tai tiếng, cụ thể như vụ 17 sổ tiết kiệm hơn 400 tỷ “bốc hơi’ sau 5 năm gửi tại Oceanbank, 32 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm biến mất tại BIDV, bị mất gần 800 triệu trong tài khoản của VietinBank… Nguyên nhân hầu hết đều chưa có kết luận rõ ràng.
“Chị có hay xem báo đài, thì cũng thấy có một số ngân hàng người dân gửi vào trường hợp cách đây 2 tháng có chị gửi bên một ngân hàng cũng uy tín, cũng lớn lắm mà mất hai mươi mấy tỉ không rõ nguyên nhân thì mình cũng hoang mang lo ngại. “
Vào khi những tin xấu về rủi ro khi gửi tiền tại ngân hàng khiến nhiều người quan ngại, thì nay thêm tin ngân hàng được phép phá sản. Mức qui định bồi thường tối đa cho người gửi tiền khi ngân hàng phá sản là 75 triệu đồng cũng khiến người dân hoang mang vì họ nghe nói người gửi 100 triệu cũng như người gửi 10 tỉ đồng cũng chỉ được bồi thường như nhau.
Một mặt thì nhà nước kêu là bảo hộ tiền gửi nhưng một mặt thì cho phép người ta phá sản như vậy thì rất là nguy hiểm.
– Người dân
“Cái đó rất là phi lý, một mặt thì nhà nước kêu là bảo hộ tiền gửi nhưng một mặt thì cho phép người ta phá sản như vậy thì rất là nguy hiểm. Thứ hai là hiện tại cái cơ chế kiểm soát của nhà nước đối với ngân hàng hiện nay rất lỏng lẻo. Ví dụ như vừa qua các ngân hàng, các vụ án chúng ta thấy được gì? Lúc đụng ra mới biết là các ngân hàng nó bị mất. Chứ ngoài ra mình không có cơ chế ngăn ngừa. Hệ thống thanh tra của ngân hàng không có hiệu quả. Vừa qua các vụ án chúng ta đã thấy rồi. Giờ nó kêu là nhà nước mua 0 đồng như vậy toàn bộ vốn ngân hàng cũng đã mất rồi chứ đừng nói là cái tiền gửi của ngân hàng. Mà gửi bao nhiêu cũng đền bù có 75 triệu.”
Như vậy cho dù người dân và các doanh nghiệp gửi tiền trăm hay tiền tỉ, mức bồi thường cào bằng này hết sức có lợi cho ngân hàng khi phá sản. Thiệt hại tất nhiên là phía người gửi, và nhất là với khách hàng có số tiền gửi lớn.
“Làm như vậy thì đâu có được. Tiền người ta gửi vô rồi nếu mà phá sản thì trả không hết một lần thì trả từ từ… Thí dụ người ta trả chậm hay gì đó nếu mà người ta không có đủ khả năng thì cũng phải ráng trả chậm cho những người đã gửi số tiền trong ngân hàng.”
Lâu nay, người đi vay nếu mất khả năng trả nợ thì sẽ bị ngân hàng áp dụng các biện pháp xử phạt như tăng lãi suất, phạt tiền, tịch thu và thanh lý tài sản của người đi vay với mục đích thu hồi lại số tiền gốc và lãi về cho ngân hàng. Trước tin chỉ được nhận mức bồi thường tối đa 75 triệu khi ngân hàng được cho phá sản khiến nhiều người nghĩ đến biện pháp rút tiền gửi.
“Nếu nghe thông tin như vậy thì người dân cũng phải rút thôi chứ làm sao mà để được. Nếu mà để lỡ lúc chờ phá sản rồi thì không rút được nữa.”
“Chắc chắn phải rút ra rồi tìm hiểu ngân hàng nào tin tưởng mới gửi.”
Tuy vậy, trong trường hợp chưa tìm ra kênh đầu tư cho khoản tiền của mình, thì gửi ngân hàng hưởng lãi suất tiếp tục là một giải pháp nhưng phải ‘chọn mặt gửi vàng’.
“Đầu tiên mình phải lựa ngân hàng có uy tín chút. Ví dụ bây giờ chúng ta chưa có kênh đầu tư nào hết thì tạm thời chúng ta phải gửi ngân hàng chứ giờ sao giờ. Ôm tiền ở nhà thì nó cũng vậy thôi.”
Nghe thông tin như vậy thì người dân cũng phải rút thôi chứ làm sao mà để được. Nếu mà để lỡ lúc chờ phá sản rồi thì không rút được nữa.
– Người dân
Để có được đánh giá chính xác về uy tín của một ngận hàng tại Việt Nam hiện nay cũng khá khó khăn; vì đối với các con số do ngân hàng công bố người dân cũng không có cách nào kiểm chứng những số liệu đó.
“Nói chung thì người ta gửi tiền vô thì ít người biết lắm. Có nhiều người chỉ biết gửi tiền lấy kì hạn, chứ có nhiều người ta cũng đâu biết là ngân hàng nó làm ăn ra sao.”
“Cái luật đó nó được thông qua thì cái quyền lợi của người gởi cần phải xem lại.”
Một số người dân cho rằng luật cho phá sản có được điểm tích cực là khiến các ngân hàng cần phải cố gắng hoàn thiện và phải làm sao chiếm được sự tin tưởng của các khách hàng.
“Mình sống ở đâu thì mình theo luật ở đó thôi. Nhưng mà bây giờ VN đã gia nhập WTO từ rất là lâu rồi và tham dự tất cả các định chế thương mại các thứ. Thì bây giờ luật cũng cho các ngân hàng nước ngoài vào rất là nhiều. Và nếu anh nhìn và nếu anh làm ngân hàng thì với anh đây là một cơ hội. Nếu như ngân hàng anh có thể cung cấp dịch vụ tốt hơn thì hoàn toàn anh có thể thu hút được khách hàng nhiều hơn, thì người dân cũng nhiều sự lựa chọn hơn. Không phải phụ thuộc vào một số ngân hàng, mọi người cứ nói ngân hàng nhà nước là an toàn, nhưng mà thực sự nó có an toàn thật hay không? Nếu mà ngân hàng nước ngoài người ta cung cấp được dịch vụ tốt hơn như thế thì chắc chắn người ta sẽ lấy được khách hàng thôi.”
Đó cũng là điều mà nhiều người đang trông chờ; đặc biệt sau khi một loạt các quan chức ngân hàng đang phải ra tòa và chịu án về những khoản lỗ suốt thời gian qua.
Việt Nam và Ấn Độ cùng cảnh giác với Trung Quốc
Ngày 24/1, Thủ tướng Việt Nam ông Nguyễn Xuân Phúc có cuộc hội đàm với người tương nhiệm Ấn Độ ông Narendra Modi tại thủ đô New Delhi, nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm ASEAN – Ấn Độ và Lễ kỷ niệm lần thứ 69 Ngày Cộng hòa Ấn Độ.
Hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ trao các thỏa thuận hợp tác gồm Bản ghi nhớ giữa Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam và Bộ Thông tin và Phát thanh truyền hình Ấn Độ về hợp tác trong lĩnh vực thông tin và phát thanh truyền hình và Thỏa thuận giữa Cục Viễn thám Quốc gia và Cơ quan Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ về thực hiện Dự án “Xây dựng Trạm dò tìm, tiếp nhận dữ liệu và Trung tâm xử lý dữ liệu ảnh vệ tinh”
Cùng ngày, ông Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ Tống thống Ấn Độ Ram Nath Kovind và cùng thảo luận các biện pháp hiệu quả để đạt mục tiêu kim ngạch 15 tỷ đô la Mỹ giữa hai quốc gia vào năm 2020.
Về lĩnh vực an ninh quốc phòng, không thấy hai bên bàn luận chi tiết mà chỉ nói chung chung là sẽ thúc đẩy hợp tác hiệu quả hơn nữa. Về chuyện biển Đông ông Phúc đã hoan nghênh Ấn Độ hợp tác với Việt Nam thăm dò, khai thác dầu khí tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng đã gặp gỡ để thảo luận với các doanh nghiệp lớn của Ấn Độ có dự án ở Việt Nam như dự án thép và năng lượng của tập đoàn Tata, dự án đường tàu của L&T, dự án dầu khí với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Ấn Độ,…
Việt Nam thông qua kế hoạch hành động nghề cá
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa thông qua kế hoạch hành động trong nghề cá từ nay đến 2025 nhằm thúc đẩy phát triển bền vững nghề cá, đóng góp vào an ninh quốc gia và khu vực cũng như hội nhập quốc tế. Thông tấn xã Việt Nam ngày 25 tháng Một loan tin vừa nêu.
Đây là biện pháp tổng quát, mới nhất được đưa ra sau khi Việt Nam bị Liên Minh Châu Âu cảnh cáo “thẻ vàng” liên quan đến những vi phạm trong ngành đánh bắt vào tháng 10 năm ngoái.
Theo kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông sẽ thành lập một nhóm thanh tra liên ngành chịu trách nhiệm phòng ngừa các vi phạm thông qua việc quản lý và kiểm tra các nguyên liệu sản phẩm nhập khẩu từ biển.
Thủ tướng cũng yêu cầu nâng cấp hệ thống kỹ thuật của các trạm trên bờ tại Cục Thủy sản và 28 tỉnh, thành ven biển nhằm tận dụng tối đa thông tin từ 10.000 tàu đánh cá, đồng thời, thiết lập một cơ sở dữ liệu đánh bắt cá để theo dõi và xác nhận nguồn gốc của cá đánh bắt địa phương, và một hệ thống giám sát hiệu quả để từ chối nhập khẩu sản phẩm từ đánh bắt IUU.
Từ năm 2021 đến năm 2025, Việt Nam xác định đầu tư vào ba trung tâm đánh cá chính, các cảng cá và các trung tâm hậu cần để tạo điều kiện cho các tàu cá nước ngoài đóng và vận chuyển cá.
Với vị trị địa lý thuận lợi gồm 3.260 km đường bờ biển cùng hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, Việt Nam hy vọng trở thành nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế vào năm 2020. Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm ngoái kim ngạch xuất khẩu hải sản của Việt Nam đạt hơn 8,4 tỷ USD, tăng 15% so với năm trước.
“Bảo kê” ngư trường diễn biến phức tạp
Trong khi đó, tại Cà Mau, tình trạng tranh chấp ngư trường vẫn liên tục diễn biến phức tạp khiến nhiều ngư dân bức xúc, Mạng báo Sài Gòn Giải Phóng loan tin này vào ngày 25 tháng một.
Tình trạng tranh giành và chiếm giữ ngư trường đã dẫn đến nhiều cuộc đụng độ căng thẳng giữa các ngư dân. Đặc biệt, có nhóm còn ngang nhiên chiếm giữ và buộc ngư dân phải trả phí 30 triệu đồng nếu đánh bắt trong vùng biển mà họ đang chiếm giữ.
Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Cà Mau, có xảy ra hiện tượng tranh chấp ngư trường tại một khu vực được xác định; còn việc cho thuê ngư trường thì chưa có đủ cơ sở thông tin để kết luận.
Tỉnh Cà Mau sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ban, ngành để điều tra và làm rõ những phản ánh của người dân đồng thời tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát các khu vực xảy ra tranh chấp để kịp thời ngăn chặn các hoạt động đánh bắt cá trái phép, góp phần bảo vệ an ninh trên biển để người dân có thể yên tâm sản xuất.
Hoãn phiên tòa xét xử hai người giúp đỡ nạn nhân Formosa
Tiến Thiện
Sáng ngày 25/1/2018 theo dự kiến phiên tòa xét xử nhà hoạt động Hoàng Đức Bình và anh Nguyễn Nam Phong sẽ diễn ra nhưng bị hoãn vào phút chót với lý do luật sư bào chữa vắng mặt.
Việc hoãn phiên tòa sơ thẩm ngày hôm nay theo luật sư Hà Huy Sơn là một kế hoạch “đã được chuẩn bị từ trước”.
Luật sư Hà Huy Sơn nói: “Việc hoãn phiên tòa này thì chúng tôi cũng đã dự tính từ trước. Do trong phiên tòa có 4 luật sư gồm luật sư Hà Huy Sơn, Nguyễn Hà Luân, Lê Văn Luân và luật sư Ngô Anh Tuấn. Riêng luật sư Ngô Anh Tuấn bào chữa cho cả hai anh Hoàng Đức Bình và Nguyễn Nam Phong. Ngày hôm nay luật sư Ngô Anh Tuấn có cái lịch tham gia phiên tòa ở nơi khác, nên anh làm đơn báo xin hoãn không thể tham gia được. Theo luật quy định, khi luật sư vắng mà bị cáo vẫn yêu cầu cần có luật sư thì tòa bắt buộc phải hoãn.”
Luật sư Hà Huy Sơn giải thích thêm: “Tòa cũng đã dự trù, nếu ra phiên tòa ngày hôm nay hỏi ý kiến anh Hoàng Đức Bình và Nguyễn Nam Phong, mà một trong hai người có ý kiến cần luật sư Ngô Anh Tuấn thì tòa phải hoãn. Sự chuẩn bị từ trước ở đây thể hiện ở chỗ, tòa án huyện Diễn Châu là cơ quan xét xử nhưng mượn trụ sở của tòa án tỉnh Nghệ An ở Vinh nên họ mang cả con dấu của tòa án huyện Diễn Châu theo, vì tòa án Diễn Châu cách đó 40-50 km. Tôi cho rằng có chuẩn bị từ trước đối với tình huống hoãn phiên tòa là như thế.”
Việc hoãn phiên tòa này thì chúng tôi cũng đã dự tính từ trước. – LS. Hà Huy Sơn
Không chỉ dự trù cho tình huống phải hoãn phiên tòa, mà chính quyền tỉnh Nghệ An còn bố trí rất đông công an, cảnh sát, tìm cách ngăn cản những người tham dự phiên tòa. Nhiều nhà hoạt động tại Nghệ An đã được cơ quan công an gửi giấy mời làm việc vào đúng ngày xét xử hôm nay. Trong số đó có cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Đình Cương, Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Văn Nghĩa, Trần Thị Tô. Họ là những người sống gần trụ sở tòa án và đều được “mời đi làm việc” trong ngày 25/01/2018.
Bên cạnh đó, nhà hoạt động công đoàn Nguyễn Thị Minh Hạnh, chủ tịch Phong Trào Lao Động Việt, từ Sài Gòn ra Nghệ An dự phiên tòa cũng bị công an Nghệ An chặn, bắt giữ và có hành vi mà bà gọi là “hành xử côn đồ” ngay tại sân bay Vinh. Bà Minh Hạnh cho biết nhà cầm quyền Nghệ An đã nhúng điện thoại của bà vào nước, lấy mất của bà hơn 1 triệu đồng và ép buộc bà trở lại Sài Gòn ngay trong đêm 24/1.
Cô Minh Hạnh tường thuật lại: “Khi thấy tôi bước xuống máy bay, thì an ninh đã bắt lôi tôi đi. Họ đưa tôi vào một phòng không có ai cả. Họ lục soát tất cả các đồ đạc, lục tung tất cả các đồ đạc, lấy đi hai chiếc điện thoại thường và một chiếc Iphone. Khoảng một lúc sau họ lại quay lại tiếp tục lục túi xách và cướp của tôi 1,1 triệu đồng và họ nói đây là tiền vé máy bay mà tôi phải về hôm nay. Tôi nói tôi không có nhu cầu đó. Họ hành xử rất côn đồ, thậm chí giơ tay dọa nạt và đánh đập và buộc tôi phải chấp nhận những yêu cầu của họ. May mắn tôi gạt được cánh tay của họ. Những người nam rất to con hung hãn để gây áp lực cho tôi.”
Họ hành xử rất côn đồ, thậm chí giơ tay dọa nạt và đánh đập và buộc tôi phải chấp nhận những yêu cầu của họ.- Nguyễn Thị Minh Hạnh
Nhà hoạt động Hoàng Đức Bình là một thành viên của phong trào Lao Động Việt có tham gia đấu tranh cho quyền lợi của các ngư dân bị thiệt hại do thảm họa Formosa. Nhà cầm quyền cáo buộc ông tội “chống người thi hành công vụ” và “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.
Ông Nguyễn Nam Phong, người giáo xứ Song Ngọc là tài xế của linh mục Nguyễn Đình Thục trong đợt đi kiện Formosa vào ngày 14/2/2017 bị quy tội “chống người thi hành công vụ” theo khoản 2 điều 257.
Hai ông bị bắt do có liên quan đến việc đồng hành và giúp người dân Quỳnh Lưu đi kiện Formosa chiều 14/2/2017. Trong sự kiện đó có hàng trăm người bị đánh, trong đó có ít nhất 29 người phải cấp cứu ở bệnh viện hoặc các trạm y tế. Ông Nguyễn Nam Phong là người lái xe của linh mục Nguyễn Đình Thục lúc đó và đã không mở cửa xe để bảo vệ hai nữ tu, và giáo dân bên trong xe khi công an bẻ gạt nước, đập mạnh vào cửa xe.
Trong Đơn Đề Nghị được làm nhân chứng trong phiên tòa xử hai ông, linh mục Nguyễn Đình Thục đã nhận định “Việc anh Phong không mở cửa xe vừa là thực hiện theo yêu cầu của chủ xe, vừa là lương tâm và trách nhiệm của một tài xế, thể hiện lòng can đảm bảo vệ những người trong xe. Việc làm này hoàn toàn vô tội và đáng khen ngợi.”
Ông Brad Adams của tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW) trong thông cáo trước phiên tòa này kêu gọi Việt Nam trả tự do cho hai nhà hoạt động và nhấn mạnh Việt Nam không có dấu hiệu nào cho thấy đã giảm bớt tình trạng đàn áp nhắm vào các nhà hoạt động nhân quyền trong vòng 14 tháng qua. HRW đồng thời kêu gọi các nhà tài trợ và đối tác thương mại quốc tế cần lên tiếng mạnh mẽ đối với những vi phạm nhân quyền của Chính phủ Việt Nam.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/trial-for-two-activists-postponed-01252018103257.html
Bộ trưởng Mỹ thắp hương chùa Trấn Quốc
để gửi thông điệp gì?
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã dành riêng thời gian trong chuyến thăm chính thức 2 ngày tới Hà Nội để thăm viếng ngôi chùa cổ nhất tại thủ đô của Việt Nam.
Giữa các cuộc gặp với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch hôm 25/1, Bộ trưởng Mattis đã tới thắp hương tại chùa Trấn Quốc, một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam trên Hồ Tây ở Hà Nội.
Hồ Tây là nơi gần chỗ máy bay của Thượng nghị sĩ John McCain bị bắn rơi vào năm 1967 trong chiến tranh Việt Nam. Lúc bấy giờ ông McCain là một phi công của Hải quân Mỹ. Ông McCain bị áp giải từ hồ Trúc Bạch và giam tại nhà tù Hỏa Lò cho tới khi được thả vào năm 1973.
Trong chiến tranh Việt Nam, máy bay của Thượng nghị sỹ John McCain, lúc đó là phi công của hải quân Hoa Kỳ bị bắn rơi trên Hồ Tây cách chùa Trấn Quốc không xa.
Đương kim Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis không hề tham chiến tại Việt Nam. Tại Chùa Trấn Quốc, người đứng đầu Lầu Năm Góc trao đổi với nhà sư trụ trì và ca ngợi không gian thanh bình của ngôi chùa cổ hơn 1.400 năm gắn liền với sự ra đời của nhà nước đầu tiên ở Việt Nam.
Tôi nghĩ chuyến thăm ngôi đền của ông Mattis còn để gửi đi thông điệp là Hoa Kỳ có thể tăng cường hợp tác với Việt Nam để giúp Việt Nam bảo vệ tốt hơn lãnh thổ và quốc gia của mình giống như ý nghĩa của tên ngôi đền đó.
Lê Hồng Hiệp, viện Nghiên cứu ĐNÁ ISEAS-Ysof Ishak
“Tuyệt đẹp. Thanh bình. Tôi nghĩ không gian này làm cho ta trầm tư hơn,” ông Mattis nói với các nhà sư trong lúc thăm viếng ngôi chùa vào khoảng 5 giờ chiều giờ địa phương, theo ghi nhận của William Gallo, phóng viên VOA tháp tùng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.
Theo nhận định của nhà phân tích chính trị Lê Hồng Hiệp từ Singapore, chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới chùa Trấn Quốc “mang tính biểu tượng để gửi đi một thông điệp về sự tôn trọng và hiểu biết về lịch sử và quá khứ của ông Mattis đối với Việt Nam.”
Truyền thông trong nước cho rằng đây là hoạt động nhằm tìm hiểu thêm về văn hóa Việt Nam của ông Mattis.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp của viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof-Ishak nói việc thể hiện sự quan tâm và hiểu biết về lịch sử và văn hóa Việt Nam của người đứng đầu bộ quốc phòng Mỹ cho thấy ông Mattis muốn tạo dựng một sự tin tưởng và gần gũi hơn với lãnh đạo và người dân Việt Nam.
Trước khi tới Hà Nội hôm 24/1, Bộ trưởng Mattis nói ông tìm kiếm “sự tin cậy và hợp tác” với Việt Nam trong chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam, quốc gia Đông Nam Á được Washington coi là một trong 3 đối tác an ninh quan trọng trong khu vực.
TS Hiệp cho rằng ông Mattis, một nhân vật vốn được coi là có lập trường cứng rắn với Trung Quốc, còn gửi đi một thông điệp sâu hơn từ chuyến viếng thăm chùa Trấn Quốc.
“Bản thân chữ ‘Trấn Quốc’ liên quan đến việc bảo vệ đất nước và lãnh thổ của Việt Nam đặc biệt trong bối cảnh có các mối đe dọa đặc biệt từ phương Bắc. Tôi nghĩ chuyến thăm ngôi đền của ông Mattis còn để gửi đi thông điệp là Hoa Kỳ có thể tăng cường hợp tác với Việt Nam để giúp Việt Nam bảo vệ tốt hơn lãnh thổ và quốc gia của mình giống như ý nghĩa của tên ngôi đền đó.”
Trong chuyến thăm chùa, ông Mattis cùng phái đoàn tháp tùng đã lưu lại để dùng trà với các sư.
Cựu Tổng thống Barack Obama cũng đã từng đến thăm một ngôi chùa ở Việt Nam trong chuyến thăm của ông vào tháng 5/2016. Vị tổng thống tiền nhiệm của ông Trump tới thăm chùa Ngọc Hoàng ở thành phố HCM để tỏ lòng tôn kính đối với truyền thống văn hóa của Việt Nam.
Chuyên gia: ‘VN sẽ điều chỉnh
để thích ứng sau chuyến thăm của ông Mattis’
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis đã tới Hà Nội trong chuyến thăm 2 ngày hôm 24/1 để “xây dựng lòng tin” và thắt chặt quan hệ an ninh với Việt Nam trong bối cảnh Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng trong khu vực. Dịp này, VOA – Việt ngữ có cuộc phỏng vấn với giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng thuộc Đại học George Mason ở bang Virginia.
VOA: Thưa giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, giáo sư có thể nhận định về mục đích chuyến công du Việt Nam của ông Jim Mattis?
Nếu Mỹ lùi mà Trung Quốc tiến thì họ phải điều chỉnh và thích ứng với lực lượng nào tốt nhất ở trong vùng. Vì vậy phía Việt Nam sẽ thăm dò xem mức độ cam kết của Mỹ như thế nào và khả thi đến mức độ nào.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Đây là chuyến thăm Đông Nam Á. Ông đã đến Indonesia trước rồi mới đến Việt Nam. Trước chuyến công du, ông có nói rằng ông muốn sang để tăng cường quan hệ quốc phòng với các đồng minh và các đối tác, dĩ nhiên trong đó Việt Nam và Indonesia. Ổng nói là như thế, nhưng lồng trong toàn khung cảnh toàn diện, chuyến đi này là sự tiếp nối cách thức làm việc của Mỹ từ khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống. Trong khi ông Trump có những tuyên bố bất nhất, gây nghi ngờ về tính khả tín của các cam kết với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, thì các cộng sư viên quân sự của ông ấy tìm cách trấn an đồng minh và đối tác. Những lời tuyên bố và hành động ve vãn Trung Quốc từ sau cuộc gặp gỡ ở Mara Lago vào tháng 4/2017 và sau cuộc tiếp đón hoành tráng của Trung Quốc dành cho ông trong chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng 11 vừa qua đã gây cảm tưởng ở phía Đông Nam Á rằng ông Trump muốn mặc cả với Trung Quốc, bỏ rơi Đông Nam Á, thành ra có thể phải thích ứng. Vì thế cho nên chuyến công du của ông Mattis là rất cần thiết. Nhất là chuyến công du xảy ra sau khi ông ấy dự cuộc đối thoại Shangri la và đầu tháng 6 vừa qua. Khi ấy Trung Quốc có lập trường rất cứng rắn đối với vấn đề Đài Loan và Biển Đông. Thành ra các quốc gia đang chờ đợi xem ông ấy phản ứng ra sao.
VOA: Giáo sư có nghĩ rằng chuyến công du này là nhằm củng cố an ninh quốc phòng trung khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương trước nguy cơ bị Trung Quốc khống chế?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Các nước hiểu rằng tổng thống Trump có thể nói thế nào, nhưng Bộ Quốc phòng, mà nhất là ông Mattis, có lập trường cứng rắn với Trung Quốc, vì khi người ra nghi ngờ rằng ông Trump muốn ve vãn với Trung Quốc, thì ông Mattis nói rõ ông không làm như vậy. Như đã chuẩn bị trước khi đi, sách lược quốc phòng công bố ngày 19/1 đã xem Trung Quốc là cạnh tranh chiến lược với Mỹ. Sách lược đó nói rõ hơn rằng Trung Quốc có kế hoạch khống chế khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương trong đoản kỳ và thay thế vai trò lãnh đạo của Mỹ trong trường kỳ. Thêm vào đó, vào tuần trước ở Ấn Độ, tại một cuộc hội nghị giữa ông Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ và ông Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân của Nhật. ông Đô đốc Harry Harris cảnh báo rằng Trung Quốc là một lực lượng phá hoại có tính cách chuyển tiếp trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và kêu gọi các nước trong khu vực tăng cường khả năng phòng thủ, và hợp tác với nhau để bảo vệ lưu thông hàng hải.
VOA: Phía Việt Nam mong đợi điều gì trong chuyến đi của ông Jim Mattis?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Phía Việt Nam thường chờ xem phía Mỹ làm gì thì họ mới đối phó được. Bởi vì từ xưa Việt Nam muốn có một đối tác mà họ gọi là cân bằng mềm ‘soft balancing’ với các quốc gia lớn trong khu vực. Mỹ là một quốc gia quan trọng. Nếu Mỹ lùi mà Trung Quốc tiến thì họ phải điều chỉnh và thích ứng với lực lượng nào tốt nhất ở trong vùng. Vì vậy phía Việt Nam sẽ thăm dò xem mức độ cam kết của Mỹ như thế nào và khả thi đến mức độ nào.
VOA: Những điểm chính trong chuyến đi này là gì, thưa giáo sư?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Ông Mattis nói rõ mục đích của ổng là tìm cách tăng cường hợp tác quốc phòng với đồng minh và đối tác, nhưng trên đường khi bay đến Indonesia, ông nói với báo chí rằng ông đến Việt Nam ông sẽ lắng nghe nhiều hơn là nói. Ông muốn biết thái độ của Việt Nam đối với nhu cầu hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Việt Nam. Ông cũng có thể bàn về vấn đề mua bán vũ khí, và việc tàu sân bay của Mỹ thăm Việt Nam trong năm nay. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam xác định sách lược quốc phòng với Mỹ và vai trò của Mỹ trong sách lược đó, qua đó nói rõ nhu cầu của Việt Nam là gì.
VOA: Xin chân thành cảm ơn giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng.
Dân biểu California chất vấn Facebook
về việc đồng lõa với bạo quyền CSVN
Một dân biểu tiểu bang California vừa gửi cho Tổng giám đốc Mark Zuckerberg của công ty Facebook một bức thư, tố giác nhà cầm quyền CSVN đang sử dụng một đội quân mạng gọi là Lực Lượng 47, để bịt miệng người bất đồng chính kiến trên trang mạng xã hội phổ biến này.
Trang mạng Courthouse News cho hay như vậy hôm Thứ Tư 24/01. Lực Lượng 47 sử dụng 10,000 người trong quân đội CSVN, để theo dõi các hoạt động trên mạng, và mục đích của lực lượng này được nói là nhằm “đấu tranh chống những quan điểm sai trái trên mạng”. Trong thư gửi ông Zuckerberg, Dân biểu Ash Kalra, theo đảng Dân Chủ từ San Jose, cáo buộc công ty truyền thông xã hội khổng lồ là làm theo những yêu cầu của Lực Lượng 47.
Theo tổ chức Human Rights Watch, Facebook đã đóng ít nhất 159 trương mục của người Việt Nam trong năm 2017. Việt Nam hiện có hơn 64 triệu người sử dụng Facebook, đứng thứ 7 thế giới.
Dân biểu Kalra cho biết, các cử tri gốc Việt của ông tin rằng Facebook biết về Lực Lượng 47, và đang hoặc đồng lõa với hành động của lực lượng này, hoặc đang chủ động hỗ trợ việc xóa bỏ những nội dung trên mạng không thuận lợi với nhà cầm quyền cộng sản.
Ông Kalra hối thúc Facebook nên lắng nghe các nhà hoạt động trên mạng, và bảo đảm những quan điểm không được nhà cầm quyền nước ngoài ưa thích không bị dập tắt. Theo báo mạng Courthouse News, cho đến tối Thứ Tư, Facebook vẫn chưa đưa ra bình luận nào về bức thư của vị dân biểu tiểu bang California.
Huy Lam / SBTN
http://www.sbtn.tv/dan-bieu-california-chat-van-facebook-ve-viec-dong-loa-voi-bao-quyen-csvn/