Tin khắp nơi – 24/01/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 24/01/2018

Biểu tình chống Trump

đến Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Thụy Sĩ

Những người chống chủ nghĩa tư bản hôm thứ Ba 24/1 đã biểu tình tại các thành phố lớn của Thụy Sĩ phản đối Tổng thống Mỹ Donald Trump đến dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Người biểu tình đã phá vỡ hàng rào an ninh ở trung tâm hội nghị tại Davos.

Những người tổ chức cánh tả kêu gọi biểu tình với khẩu hiệu “Không mời Trump” và “Đập tan WEF!”

Tổng thống Trump theo kế hoạch sẽ phát biểu vào thứ Sáu 26/1 trước Hội nghị Kinh tế Thế giới đang diễn ra tại thành phố Davos ở dãy Alpine của Thụy Sĩ. WEF là hội nghị thường niên của các nhà lãnh đạo kinh tế và chính trị thế giới.

Khoảng hai mươi người biểu tình đã phá vỡ hàng rào an ninh để tiến vào Trung tân Hội nghị Davos, cầm theo những biểu ngữ và hô to “Dẹp WEF.” Cảnh sát đã chặn và giải tán những người biểu tình này trong ôn hòa.

Ông Alex Hedinger, một trong những người tham gia biểu tình nói với hãng tin Reuters: “Ông Trump chỉ là một trong số những người mà chúng tôi chống. Chúng tôi năm nào cũng biểu tình chống Diễn dàn Kinh tế Thế giới. Dù Trump có đến dự hay không, chúng tôi không quan tâm. Ông Trump có thể chỉ là một hình ảnh nổi bật nhất của thế giới đó.”

Hơn 4.000 binh sĩ Thụy Sĩ được triển khai cùng với hơn 1.000 cảnh sát bảo vệ an ninh cho hội nghị. Lệnh cấm bay cũng được áp dụng tại khu vực hội nghị.

Cảnh sát ước tính khoảng 2.000 người biểu tình tại thành phố Zurich. Những người biểu tình mang theo những biểu ngữ chống toàn cầu hóa và bảo vệ môi trường, như “Không Trump, không than đá, không xăng dầu, không nhiên liệu hóa thạch. Người biểu tình tuần hành qua trung tâm tài chánh Zurich, nơi các nhà kinh doanh tài chánh và ngân hàng được khuyến cáo đừng nên đến khu vực cho phép biểu tình.

Hàng trăm người biểu tình cũng tuần hành tại các quảng trường ở Geneva, Lausanne và Fribourg. Tại Geneva người biểu tình mang các biểu ngữ như “Kinh tế Thế giới Thất bại”, “phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, tư bản” và “Đừng đụng tới quyền phụ nữ.”

https://www.voatiengviet.com/a/bieu-tinh-chong-trump-den-dien-dan-kinh-te-the-gioi-o-thuy-si/4221763.html

 

Ông Trump bác tin giám đốc FBI dọa từ chức

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 23/1 bác tin nói rằng giám đốc Cục Điều tra Liên bang Christopher Wray dọa từ chức vì áp lực từ Tòa Bạch Ốc và Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions đòi ông phải sa thải phụ tá hàng đầu của mình.

“Ông ấy không hề làm vậy, không hề,” Tổng thống Trump khẳng định khi được hỏi về chuyện này tại một sự kiện ở Phòng Bầu Dục.

“Ông ấy sẽ làm tốt phận sự của mình,” Tổng thống Trump nói thêm.

Trang tin Axios nói Bộ trưởng Tư pháp Sessions, bị Tổng thống Trump thúc giục, áp lực ông Wray phải sa thải người phó hàng đầu là Andrew McCabe cùng các thành viên khác trong ‘bộ sậu’ của cựu giám đốc FBI James Comey.

Năm ngoái, ông Trump sa thải ông Comey khi ông ấy đang dẫn đầu FBI điều tra sự can dự của Nga vào bầu cử Mỹ 2016.

“Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng giám đốc Wray,” phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc Sarah Huckabee Sanders tuyên bố với báo giới.

Khi phóng viên hỏi liệu ông Trump có giữ lại các nhân vật khác trong FBI có ý không ủng hộ ông, bà Sanders nói: “Tổng thống cảm thấy nếu cần có thay đổi gì thì giám đốc FBI sẽ quyết định và thực hiện.”

Trong một vài dịp, ông Trump đã lên Twitter bày tỏ bất bình với ông Andrew McCabe. Phát ngôn nhân Sanders hôm 23/1 từ chối bình luận thêm về số phận của ông McCabe, chỉ lưu ý rằng theo dự kiến ông ấy sẽ sớm rời FBI.

“Ông ấy đang trong tiến trình về hưu, tôi không có bình luận gì thêm về việc này, tôi chỉ muốn nói rằng Tổng thống muốn giám đốc Wray ra quyết định mà ông cảm thấy thích hợp và cần thiết để vận hành cơ quan FBI,” bà Sanders nói thêm.

https://www.voatiengviet.com/a/trump-bac-tin-giam-doc-fbi-doa-tu-chuc-/4221001.html

 

Putin vào vai vị cứu tinh của Nga trước bầu cử

Adam RobinsonBBC Monitoring

Được miêu tả như một nhà lãnh đạo, một bậc đại trượng phu và là người bảo vệ đất nước Nga chống lại Phương Tây, Tổng thống Vladimir Putin giờ còn thể hiện qua hình ảnh đầy huyền bí trên truyền thông nhà nước.

Trước bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào tháng 3, các kênh truyền hình hàng đầu do Nhà nước Nga kiểm soát mô tả ông Putin như một vị cứu tinh của quốc gia, người chữa lành sự phân rẽ trong lịch sử Nga và cứu đất nước khỏi hỗn loạn.

Bầu cử Nga: Putin lại tranh cử tổng thống

Thủ lĩnh đối lập Nga bị tù giam

Cháu nội Stalin nghĩ gì về ông mình?

Tranh cãi về ‘Di chúc Lenin muốn loại Stalin’

Thông điệp được truyền tải qua một bộ phim tài liệu trên kênh truyền hình quốc gia Rossiya 1 nói về một tu viện – điểm đến yêu thích của ông Putin – Tu viện Valaam trên một quần đảo nhỏ ở Hồ Ladoga.

Bị đóng cửa từ thời điểm Liên Xô cai trị và gần như bị huỷ hoại hoàn toàn vì bỏ bê rất lâu, Tu viện Valaam được tái thiết sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ, với giúp đỡ của chính ông Putin – theo thông điệp bộ phim truyền tải.

Valaam được miêu tả nhiều lần trong bộ phim như là “tấm gương phản chiếu nước Nga”. Sự khôi phục của nó từ đống đổ nát sau Thế Chiến 2 có ý nghĩa như một phép ẩn dụ cho cuộc hành trình quốc gia dưới thời ông Putin.

“Valaam đã chết khi Nhà nước Nga bị phá huỷ,” người dẫn trong bộ phim nói.

“Nó đã được khôi phục lại, và Nhà nước chúng ta cũng hồi sinh giống như vậy,” lời trong video nói vậy cùng cảnh ông Putin thăm quan tu viện.

Tái sinh

Chuyến thăm đầu tiên của ông Putin đến quần đảo này được mô tả giống như một sự kiện mang tính thần thoại.

“Đây là nơi một chiếc thuyền được neo đậu, từ đó ông Putin xuất hiện,” lời thuyết minh cùng với tiếng nhạc sôi động truyền tải thông điệp này.

Giám mục Pankraty, kể lại việc một người nghỉ hưu ” phải rụi mắt để chứng kiến Valaam không phải là một ảo giác, ảo ảnh”, và sau đó ông Putin giúp phục hồi lại một tu viện bị huỷ hoại mà ông phát hiện được trong rừng gỗ.

Một thông điệp liên tục được lặp lại trong video, đó là sự tương phản của môt tu viện cũ bị phá hoại, đổ nát và sự hiện diện hiện tai của nó – một sự hồi sinh tương tự giống như đất nước Nga từ một đống hỗn loạn và nỗi hổ thẹn quốc gia trong những năm 1990.

Một chủ đề khác được lặp lại đó là việc ông Putin đã đưa Nga trở lại với niềm tin từ chủ nghĩa vô thần chiến đấu của thời kỳ Liên Xô, đồng thời hàn gắn được rạn nứt giữa những người thiết tha với vị thế quyền lực của chủ nghĩa liên bang Xô Viết và những người quay trở lại với truyền thống Chính phủ đế quốc trước Cách mạng và Chính thống giáo Nga.

Một số vụ thanh trừng khét tiếng lịch sử

Nơi Hồi giáo và Thiên chúa giáo là bạn

Vị tướng đánh bại Hitler

Những công trình có nền nhà đẹp nhất thế giới

Trong bộ phim, ông Putin cho rằng mầm mống của sự hoà giải đã diễn ra ngay cả trong những ngày đen tối nhất, bởi vì quân đội Xô viết đã cho các nhà sư thời gian để thu thập các kỷ vật, di tích của tu viện trước khi lấy lại chúng một cách hợp pháp trong Thế chiến thứ hai.

Sau đó ông lập luận rằng chủ nghĩa cộng sản và Kitô giáo chủ yếu là cùng một ý tưởng, và so sánh lăng mộ của nhà lãnh đạo cách mạng Bôn sê vích Vladimir Lenin với các di tích nhà thờ của truyền thống Kitô giáo.

“Đế chế thứ Năm”

Các chủ đề tương tự như – ông Putin là vị cứu tinh quốc gia và là sự thống nhất của chủ nghĩa Xô Viết và các truyền thống trước Cách mạng – được đưa nổi bật trong một phim tài liệu khác trên truyền hình quốc gia, với các thuật ngữ huyền bí hơn.

Trước đó bộ phim cựu chiến binh siêu hạng Alexander Prokhanov, một bộ phim sử thi năm tập đã được phát sóng trên kênh tin tức Rossiya 24 của nhà nước trong kỳ nghỉ năm mới ở Nga.

Nội dung chính của bộ phim kể về việc nhà nước là trung tâm thiêng liêng đối với đời sống Nga, là chủ thể của những thảm hoạ thường kỳ xuyên suốt lich sử, trước mỗi thời điểm được giải cứu và hồi sinh lại một thời kỳ hưng thịnh nhờ sự can thiệp của Chúa.

Sau khi Cách mạng Tháng Mười hạ bệ Đế Quốc Nga, vai trò tạo phép lạ này rơi vào Joseph Stalin, người dựng ra Đế chế Đỏ (Red Empire) mới mẻ, quang vinh, theo Prokhanov. Nhưng huyền thoại đó đã bưng lấp những vụ xâm phạm nhân quyền nghiêm trọng của Stalin.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, vị cứu tinh của đất nước là Vladimir Putin, Prokhanov lập luận.

Ông cho biết thời kỳ Putin là thời kỳ vàng son mới nhất của Nga – gọi là “Đế Quốc V”.

Bầu cử

Chỉ còn hai tháng nữa là đến ngày bầu cử tổng thống, ngày 18/03.

Tất cả những việc này như thể hé ra cánh cửa của điện Kremlin cho chiến dịch tranh cử để ông Putin giành nhiệm kỳ tổng thống lần thứ tư.

Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà phim tài liệu Valaam được đưa ra và thuyết minh bởi Andrei Kondrashov, một nhà báo nổi tiếng gần đây được bổ nhiệm làm phát ngôn viên của ông Putin.

Vai trò của London trong Cách mạng Nga

‘Cỗ xe tăng bay’ Xô-viết hồi sinh trên đất Mỹ

Vì sao không phải ai xem phim hài cũng cười?

Ông Dzerzhinsky được dựng tượng ở VN là ai?

Mặc dù có những cuộc biểu tình phản đối chống tham nhũng hồi năm ngoái và những bằng chứng cho thấy sự bất mãn ngày càng gia tăng bởi mức sống ngày càng sụt giảm, nhưng câu chuyện về sự hồi sinh của một quốc gia đầy vinh quang dường như được đưa tin và thảo luận bởi rất nhiều những người Nga.

Các cuộc thăm dò chính thức cho thấy sự ủng hộ của ông Putin hiện tại vào khoảng 80%.

Nhưng Kremlin dường như vẫn có vẻ hồi hộp.

Người được nhìn nhận là thách thức lớn nhất đối với ông Putin, lãnh đạo đối lập và nhà vận động chống tham nhũng Alexei Navalny, đã bị cấm tranh cử do bản án hình sự mà nhiều người xem như là một động cơ chính trị.

http://www.bbc.com/vietnamese/business-42789192

 

Thái Lan sẽ sớm hợp pháp hóa cần sa y tế?

Buntoon Niyamapha là một cựu cảnh sát Thái Lan bắt đầu hút cần sa từ khoảng cuối thập niên 1970.

Ngay khi đạo luật về ma túy mới quy định việc sử dụng cần sa là bất hợp pháp, ông lập tức rời ngành cảnh sát và mở một xưởng rượu whiskey nhỏ.

Niyamapha nói với BBC rằng ông chỉ bắt đầu nghiên cứu về cần sa y tế khi em gái ông bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư tử cung vào năm 2012.

Ông nói rằng những chế phẩm cần sa ông chiết xuất lúc đó, dù không hoàn hảo, nhưng đã cứu được em gái ông, người lúc đó phải phẫu thuật và xạ trị.

Nếu muốn hút cần sa mà không bị đuổi việc?

Người Việt bị bắt ở trại cần sa Anh

“Ngay khi viện nghiên cứu ung thư ở nhiều quốc gia xác nhận rằng ung thư có thể được điều trị hiệu quả bằng cần sa thì tôi không thể chờ viện ung thư Thái Lan giúp em mình được nữa.”

Hơn 20 quốc gia đã hợp pháp hóa việc sử dụng cần sa y tế, nhưng ở Thái Lan, đất nước vốn được biết đến là nguồn gốc của “Thái ép” (Thai Stick) thì người hút cần sa có thể bị phạt một năm tù.

“Tôi tìm hiểu trên Internet cho tới khi tôi phát hiện Rick Simpson, một người Mỹ tự chiết xuất cần sa để tự chữa trị cho mình, và tôi lại tiếp tục,” ông nói trong ngôi nhà của mình ngoại ô Bangkok, nồng nặc mùi cần sa.

Ông nói Rick Simpson giúp ông mở rộng tầm mắt và tin rằng luật pháp cần phải thay đổi bởi vì cần sa y tế sẽ giúp cứu sống nhiều người hơn.

“Nếu tôi sợ thứ luật pháp lỗi thời này, thì tất cả những người thân yêu của tôi đã chết rồi,” ông nói.

Căn nhà của Niyamapha chào đón cả những bệnh nhân lâu năm lẫn bệnh nhân mới, những người đến mua những lọ đựng chế phẩm chiết xuất từ cần sa.

Niyamapha cho biết ông dùng một phần doanh thu để giúp đỡ các bà mẹ có con mắc bệnh não mà không có khả năng trả viện phí.

“Công việc này rất mệt mỏi… thậm chí còn mệt hơn là làm cảnh sát. Tôi không có thời gian để ngủ. Tôi cũng phải thực hiện nhiều chuyến đi để thuyết trình hoặc theo dõi bệnh nhân,” ông nói.

“Nếu Doanh nghiệp dược phẩm nhà nước (GPO) tiếp quản công việc của tôi, tôi sẽ chấp nhận. Trách nhiệm này phải là của chính phủ chứ không phải những người nhỏ bé như chúng tôi.”

Các bác sĩ Thái Lan nói gì?

Somnuk Siripanthong nằm trong nhóm khoảng 30 bác sĩ làm việc với Niyamapha, để chẩn đoán bệnh và kê toa dùng chế phẩm.

Siripanthong cho biết nhiều kết quả nghiên cứu đã chứng minh rằng cần sa y tế có tác dụng giống gen áp chế ung thư TP53 và không có tác dụng phụ.

“Nhiều bệnh nhân ung thư sử dụng cần sa y tế được kiểm tra máu và cho thấy tế bào ung thư của họ giảm dần. Đây là những người đã từ chối hóa trị và xạ trị.”

Nhiều người hỏi tại sao Siripanthong có thể đưa ra tuyên bố như vậy khi ở Thái Lan chưa có nghiên cứu nào chứng minh điều đó.

“Tôi đã bảo họ hãy nhìn vào những bệnh nhân đang sống sót này,” Siripanthong nói.

Ông nói rằng có hai chất trong cần sa có thể kết hợp: Cannabidiol (CBD) và Tetrahydrocannabinol (THC). Chất đầu tiên làm giảm sự viêm và tăng trưởng của khối u, trong khi loại chất thứ hai làm tăng chức năng nhận thức và sự thèm ăn.

Ông kêu gọi nhiều bác sĩ ở Thái Lan đứng ra ủng hộ cần sa y tế, nhưng Hiệp hội Y khoa Thái Lan chưa sẵn sàng cho việc này.

“Nghiên cứu chúng tôi không đủ điều kiện để công nhận chế phẩm này là thuốc. Chúng tôi cần phải điều trị bệnh dựa theo căn nguyên của nó. Nếu có nhiều nghiên cứu hơn trong tương lai, thì có thể sẽ có thay đổi,” phát ngôn viên Hiệp hội Chanwalee Srisukho nói với BBC Tiếng Thái.

“Chúng tôi mong người bệnh không bỏ qua các loại thuốc thông thường vì các loại thuốc này đã được nghiên cứu đầy đủ. Đối với một số loại ung thư, nếu được phát hiện sớm thì có cơ hội 90% được chữa khỏi,” bà nói.

Quan điểm của thế giới về cần sa thay đổi

Dùng cần sa y tế là hợp pháp ở nhiều quốc gia gồm Hà Lan, Colombia, Uruguay, Canada và Úc. Tại Hoa Kỳ, California là tiểu bang thứ sáu hợp pháp hóa việc sử dụng cần sa để tiêu khiển, hơn 20 năm sau khi đã hợp pháp hóa cần sa y tế.

Ngày đầu bán cần sa hợp pháp ở Colorado

Tháng 10 năm ngoái, Peru thông qua luật cho phép cần sa y tế.

Ở Thái Lan, cần sa từng được ghi nhận có trong thành phần của nhiều loại thuốc cổ truyền trước khi bị cấm vào năm 1943.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-42799810

 

Venezuela kêu gọi bầu tổng thống sớm

Quốc Hội Lập hiến ủng hộ chính phủ Venezuela sắp đặt lịch tổ chức cuộc bầu cử tổng thống mới vào trước cuối tháng Tư.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro nói với hàng ngàn người ủng hộ ông tại một cuộc tập hợp rằng ông sẵn sàng cho nhiệm kỳ mới sáu năm.

Phe đối lập bị suy yếu và chia rẽ và nhiều đối thủ tiềm năng chính của tổng thống đang đang sống lưu vong hoặc bị tù đày.

Maduro ‘muốn gặp riêng Trump’

Mỹ đóng băng tài sản tổng thống Venezuela

Tổng thống Venezuela kêu gọi đối thoại

Venezuela: Trump cảnh báo Maduro

Venezuela: Cấm đối lập tranh cử năm 2018

Nhưng cựu ứng viên tổng thống Henrique Capriles nói rằng chính phủ rất không được lòng người dân nên có thể bị mất phiếu bầu.

“Chính phủ và nhà lãnh đạo làm hầu hết người dân Venezuela phẫn nộ”, ông viết trên Twitter và thúc giục phe đối lập “đoàn kết cứu giúp nền dân chủ”.

Ông Capriles bị chính phủ Venezuela cấm không được ra tranh cử tổng thống trong 15 năm hồi tháng 4/2017 do sai phạm trong quản lý tài chính công khi làm thống đốc bang Miranda.

Ông bác bỏ mọi cáo buộc và cho rằng chúng mang động cơ chính trị.

Ông Maduro nói cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống sẽ được tiến hành “dù có hoặc không có phe đối lập”.

‘Sớm nhất có thể’

Ông Henry Ramos Allup, cựu chủ tịch Quốc hội thời phe đối lập kiểm soát, cho biết quyết định kêu gọi bỏ phiếu sớm là động thái nhằm trả đũa các biện pháp trừng phạt của Liên minh Châu Âu đối với các quan chức nước này.

Ông cáo buộc chính phủ chiếm đoạt quyền lực hợp pháp của người dân qua việc thành lập Quốc hội Lập hiến nhằm bỏ qua Quốc hội hiện hành.

Cuộc bầu cử Quốc hội Lập hiến từng bị phe đối lập tẩy chay.

Venezuela: Đảng cầm quyền thắng cử, đối lập lên án

Công tố viên trưởng Venezuela bác việc bị sa thải

Khủng hoảng Venezuela: Nam Mỹ lên án Trump

Venezuela phải đối mặt với tình trạng thiếu nhu yếu phẩm trong nhiều năm.

Ông Maduro nói các quốc gia nước ngoài, nhất là Hoa Kỳ và Tây Ban Nha, đang dẫn dắt chiến dịch nhằm lật đổ chính phủ xã hội chủ nghĩa của Venezuela.

Phe đối lập đổ lỗi cho tham nhũng và các chính sách của Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Venezuela cầm quyền từ năm 1999, là nguyên nhân dẫn đến bạo lực lan tràn và nền kinh tế sụp đổ.

Ông Maduro trúng cử tổng thống tháng 4/2013, kế nhiệm ông Hugo Chavez, người qua đời do bệnh ung thư.

Ông kêu gọi Hội đồng bầu cử quốc gia của Venezuela “ấn định ngày bầu cử sớm nhất có thể.”

Ông nói với những người ủng hộ ông tại thủ đô Caracas: “Chúng ta hãy giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống và chấm dứt mối đe dọa của đế quốc.”

“Cuộc bầu cử này dành cho tôi và nên được tổ chức ngay Chủ nhật tuần sau”.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-42799770

 

Hàng chục ngàn người Philippine sơ tán vì núi lửa

Hơn 61 ngàn người phải sơ tán khỏi vùng núi lửa Mayon đang phun trào ở Philippine, kèm cột khói bụi cao đến 5 kilomet và nham thạch phun ra từ miệng núi lửa này.

Cơ quan thiên tai của Philippines cho biết như vừa nêu vào ngày 24/1 và đưa ra mức cảnh báo số 4 trên thang nguy hiểm 5 bậc. Cảnh báo này được đưa ra sau khi có thêm 5 đợt phun trào dung nham dữ dội từ miệng núi lửa trong khoảng thời gian 19 tiếng đồng hồ từ sáng thứ ba.

Viện Nghiên cứu núi lửa và địa chấn Philippines cho biết những những dòng dung nham  phun trào kéo dài hơn một giờ với những đám tro bụi bay cao từ 3-5 km trên miệng núi lửa.

Reuters cho biết nhiều trường học ở 17 thành phố bị đóng cửa. Các đô thị ở Albay và tỉnh Camarines Sur gần đó cũng bị ảnh hưởng. Khoảng 56 chuyến bay đã bị hủy.

Mayon là ngọn núi lửa cao khoảng 2.460 m, có hoạt động mạnh và bất ổn nhất trong số 22 núi lửa trên toàn Philippines.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/thousands-more-filipinos-displaced-as-volcanic-lava-fires-ash-5-km-high-01242018091816.html

 

EU yêu cầu Trung Quốc

thả nhà xuất bản sách bất đồng chính kiến

Liên minh châu Âu EU ngày 24 tháng 1 đã lên tiếng yêu cầu chính phủ Trung Quốc trả tự do ngay lập tức cho ông ông Quế Dân Hải, một nhà xuất bản bất đồng chính kiến tại Hong Kong, công dân Thụy Điển, người được cho là đã bị cảnh sát Trung Quốc bắt đi hôm thứ bảy, 20/1.

Trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh, đại sứ EU ông Hans Dietmar Schweight đã thúc giục chính quyền Hoa Lục trả tự do ngay lập tức cho ông Quế và cho phép ông được đoàn tụ với gia đình cũng như được hỗ trợ lãnh sự và y tế.

Bộ Ngoại giao Thụy Điển cho biết Bộ trưởng Ngoại giao nước này là bà Margot Wallstrom đã triệu đại sứ Trung Quốc 2 lần trong 3 ngày qua đến để hỏi về vấn đề liên quan đến ông Quế Dân Hải. Trước đó hôm 23/1, bà Margot Wallstrom cũng đã yêu cầu Bắc Kinh trả tự do cho ông Quế và nói rằng ông cần được tạo điều kiện gặp gỡ các nhà ngoại giao Thụy Điển cũng như nhân viên y tế.

Ông Quế Dân Hải là một trong 5 người ở Hong Kong đã từng bị mất tích hồi năm 2015 và sau đó được phát hiện là đã bị Trung Quốc giam giữ. Ông Quế bị bắt khi đang đi nghỉ ở Thái Lan. 4 người khác sau đó đã trở về Hong Kong.

Ông Quế được trả tự do vào tháng 10 năm ngoái sau khi phải chịu án tù vì tội vi phạm giao thông hồi năm 2003. Con gái ông Quế cho biết kể từ khi được thả, ông Quế đã phải sống trong một căn hộ có sự giám sát chặt chẽ của cảnh sát. Ông là người đã xuất bản các cuốn sách nói về đời tư của những lãnh tụ đảng cộng sản Trung Quốc.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/eu-envoy-urges-china-to-release-swedish-book-publisher-01242018081614.html

 

Giám đốc CIA bị thẩm vấn

trong cuộc điều tra Nga phá bầu cử Mỹ

Văn phòng của công tố viên đặc biệt mới đây đã thẩm vấn Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) Mike Pompeo trong cuộc điều tra cáo buộc Nga phá cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 và khả năng ban vận động tranh cử của Tổng thống Donald Trump câu kết với Moscow, theo tin của hãng NBC hôm thứ Tư 24/1.

Thông tin này được loan tải một ngày sau khi Bộ Tư pháp nói văn phòng của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller đã thẩm vấn Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions hồi tuần trước, một diễn biến đáng kể trong cuộc điều tra vốn đã làm lu mờ năm thứ nhất nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump.

Văn phòng của ông Mueller cũng đã thẩm vấn cựu giám đốc FBI James Comey không lâu sau khi ông Comey bị Tổng thống Trump sa thải hồi tháng 5 năm ngoái, theo một nguồn tin thân cận nói với hãng thông tấn Reuters. Ông Comey bị sa thải đã dẫn tới việc ông Mueller được chỉ định tiếp nhận cuộc điều tra của FBI về vụ Nga phá bầu cử Mỹ.

Vụ sa thải ông Comey đã trở thành tâm điểm của vấn đề liệu Tổng thống Trump đã cản trở công lý liên quan đến cuộc điều tra Nga.

Hãng tin NBC trích lời những người biết tin không cho biết cuộc thẩm vấn ông Pampeo xảy ra khi nào, nhưng nói rằng một người gần gũi với cuộc điều tra nói ông Pampeo là một nhân chứng trong vụ ông Comey bị sa thải.

Đại diện của CIA cho biết cơ quan tình báo này không bình luận về tin tức của NBC loan tải.

NBC còn loan tin rằng cựu trợ lý cấp cao của cuộc vận động tranh cử và sau đó là chiến lược gia Tòa Bạch Ốc, ông Steve Banon theo dự trù sẽ làm việc với văn phòng của ông Mueller trước cuối tháng 1. Ông Bannon trước đó đã đạt được thỏa thuận là sẽ được văn phòng của ông Mueller thẩm vấn thay vì ra trước đại bồi thẩm đoàn.

Các cơ quan tình báo của Mỹ kết luận rằng Nga đã can thiệp vào cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016 bằng tấn công tin tặc và tuyên truyền nhằm làm cho lợi thế nghiêng về ông Trump. Nga phủ nhận các cáo buộc đó. Ông Trump bác bỏ bất cứ câu kết nào với Nga, và gọi cuộc điều tra của ông Mueller là một chiều bài “khủng bố chính trị.”

Các cuộc bàn luận đang diễn ra về khả năng văn phòng của ông Mueller sẽ phỏng vấn Tổng thống Trump, theo một người thạo tin về cuộc điều tra. Báo Washington Post loan tin vào chiều tối thứ Ba 23/1 rằng Công tố viên Đặc biệt Mueller muốn phỏng vấn ông Trump trong vài tuần nữa.

Người phát ngôn Tòa Bạch Ốc Sarah Sanders hôm thứ Ba nói rằng Tòa Bạch Ốc sẽ “hoàn toàn hợp tác với Công tố viên Đặc biệt.” Tổng thống Trump nói với các phóng viên báo chí rằng ông “hoàn toàn không bận tâm” về việc Bộ trưởng Sessons bị thẩm vấn.

Việc Bộ trưởng Tư pháp Sessions bị thẩm vấn là vụ đầu tiên được biết về một thành viên nội các bị cuộc điều tra của Công tố viên Đặc biệt Mueller thẩm vấn.

https://www.voatiengviet.com/a/giam-doc-cia-bi-tham-van-trong-cuoc-dieu-tra-nga-pha-bau-cu-my/4221904.html

 

Nổ súng trường học ở Kentucky, 2 người chết

Một nam sinh 15 tuổi nổ súng tại trường trung học ở miền Tây Kentucky ngày 23/1, giết chết hai bạn học và làm bị thương hàng chục người khác trước khi bị bắt, theo nguồn tin từ cảnh sát và thống đốc.

Án mạng xảy ra lúc 8 giờ sáng tại trường trung học Marshall County ở Benton, Kentucky.

Đây là bạo lực súng ống học đường mới nhất tại Mỹ.

14 em học sinh bị trúng đạn, 2 em trong số này bị thương nặng. Một nữ sinh 15 tuổi chết tại chỗ và một nam sinh 15 tuổi chết tại bệnh viện, thống đốc Matt Bevin cho biết.

Cảnh sát cho hay nghi can 15 tuổi mang súng ngắn vào trường và nhả đạn.

Thống đốc Bevin loan báo nghi can đã bị bắt giữ ngay tại hiện trường.

Chưa rõ nguyên nhân vụ việc và danh tánh các học sinh liên hệ chưa được xác định công khai.

https://www.voatiengviet.com/a/no-sung-truong-hoc-o-kentucky-2-nguoi-chet-/4220997.html

 

Mỹ bắt nghi can mang súng đến gần Tòa Bạch Ốc

Cảnh sát khu vực thủ đô Washington DC của Hoa Kỳ vừa bắt giữ một nghi can vì phát hiện người này ngồi trên trên gần Tòa Bạch Ốc với một khẩu súng đã nạp đạn sáng sớm ngày 23/1.

Nghi can được xác định danh tánh là Bryan D. McHugh, cư dân thành phố Alexandria, bang Virginia.

Người này bị truy tố tội mang theo súng không có đăng ký và không có giấy phép mang súng.

Các đặc vụ chìm phát hiện chiếc xe khả nghi gần khu vực Tòa Bạch Ốc vào khoảng 2:30 rạng sáng, họ gọi cảnh sát hỗ trợ khi thấy nghi can mang theo một khẩu súng đã nạp đạn.

Con đường gần Tòa Bạch Ốc tạm thời đóng cửa để lượng lực chức năng lục soát chiếc xe tình nghi và được mở lại sau khi cảnh sát công bố an toàn.

https://www.voatiengviet.com/a/my-bat-nghi-can-mang-sung-den-gan-toa-bach-oc-/4220992.html

 

Phe Dân chủ rút lui sự hợp tác về vấn đề tường biên giới

Các nhà lập pháp bên đảng Dân chủ ngày 23/1 rút lại đề nghị tài trợ cho bức tường biên giới đề xướng bởi Tổng thống Mỹ Donald Trump trong khi Thượng viện tái tục các cuộc thương lượng căng thẳng về tương lai các di dân bất hợp pháp tới Mỹ khi còn nhỏ.

Một ngày sau khi chấm dứt tình trạng đóng cửa chính phủ, lãnh đạo phe Dân chủ ở Thượng viện, Chuck Schumer, tuyên bố rút khỏi đề nghị này vì, theo lời ông, Tổng thống Trump không không theo đúng những gì nêu lên trong thỏa thuận với ông hồi thứ sáu tuần trước.

“Cho nên, chúng tôi sẽ phải bắt đầu trên một nền tảng mới và đề nghị về bức tượng bị loại ra khỏi bàn thương lượng,” ông Schumer cho báo giới biết.

Khi tranh cử Tổng thống năm 2016, ông Trump tuyên bố Mexico sẽ phải chi tiền xây bức tường dọc biên giới Tây Nam của Mỹ để ngăn di dân lậu tràn qua Mỹ. Mexico bác ý tưởng này.

Kết quả là, ông Trump buộc phải yêu cầu Quốc hội cho phép lấy ngân quỹ từ tiền thuế dân đóng để xây tường. Chính phủ ước tính chi phí sẽ trên 21 tỷ đô la.

Các nhà lập pháp của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa lập luận rằng có nhiều công cụ thực thi an ninh biên giới hữu hiệu hơn bức tường thành, cho nên đề nghị của ông Trump trở thành một điểm gay cấn trong các cuộc thương lượng về vấn đề di trú.

Khi được hỏi liệu ông Schumer có đồng ý cho chi 25 tỷ đô la để Tổng thống thực hiện bức tường biên giới hay không, nhân vật số hai của đảng Dân chủ trong Thượng viện, Dick Durbin, không tranh cãi về con số, chỉ nói rằng “Ông ấy làm như thế trong bối cảnh một cuộc thương lượng.”

Thượng nghị sĩ John Cornyn, nhân vật số hai của phe Cộng hòa ở Thượng viện, chỉ trích ông Schumer về việc rút lại ý tưởng tài trợ cho bức tường biên giới.

Ông Cornyn nói hành động này sẽ đẩy lùi các cuộc thương thảo về số phận của các di dân tới Mỹ bất hợp pháp từ nhỏ.

Trong một tin nhắn trên Twitter, Tổng thống Trump nói rằng chẳng ai biết được đôi bên Cộng hòa và Dân chủ có đạt được một thỏa thuận về số phận các di dân này trước thời hạn 8/2 hay không, nhưng ông bày tỏ tin tưởng rằng cả đôi bên sẽ nỗ lực hết mình.

https://www.voatiengviet.com/a/phe-dan-chu-rut-lui-su-hop-tac-ve-van-de-tuong-bien-gioi-/4220988.html

 

Syria, Nga tố Mỹ nói dối về tấn công vũ khí hóa học

Syria và Nga hôm thứ Tư tố cáo Hoa Kỳ nói dối về các cuộc tấn công vũ khí hóa học trong cuộc xung đột Syria, như một cách để đánh lạc hướng các nỗ lực nhằm chấm dứt giao tranh.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói với hãng tin Interfax rằng bất cứ khi nào có tiến bộ trong các nỗ lực hòa bình, thì y như rằng Hoa Kỳ lại tung “các bản tin được dàn dựng, không được chứng thực” về các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria.

Thứ Trưởng Ngoại giao Nga phát biểu một ngày sau khi Hoa Kỳ cùng các đồng minh NATO phát động chiến dịch gây áp lực chống việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria, trong khi nêu đích danh Nga là nước đã bảo vệ cho chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Phát biểu tại Paris, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson nói các cuộc tấn công gần đây ở Đông Ghouta đã gây ra những quan ngại nghiêm trọng là chế độ Bashar al-Assad ở Syria có thể tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học chống lại chính người dân của họ.

Ngoại Trưởng Tillerson nói:

“Cho dù là ai đã thực hiện các cuộc tấn công, thì xét cho đến cùng, Nga cũng phải chịu trách nhiệm về các nạn nhân ở Đông Ghouta và vô số người Syria khác đã trở thành nạn nhân bị tấn công bằng vũ khí hóa học kể từ khi Nga can dự vào Syria”.

Ông Tillerson cho biết có ít nhất 20 người thiệt mạng trong vụ tấn công bằng khí chlorine ở Đông Ghouta, gần Damascus.

Ngoại Trưởng Tillerson cùng các bộ trưởng ngoại giao Pháp, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ, đã phát động chương trình Hợp tác Quốc tế để Quy Trách nhiệm cho những ai sử dụng Vũ khí Hóa học.

Hơn 20 quốc gia có cùng quan điểm đã chuẩn thuận một cam kết chính trị để chia sẻ thông tin chống lại việc sử dụng vũ khí hóa học trên toàn thế giới.

https://www.voatiengviet.com/a/syria-nga-to-my-noi-doi-ve-tan-cong-vu-khi-hoa-hoc/4221861.html

 

Đánh bom xe kép ở Benghazi, Libya, 35 người chết

Số tử vong do hai vụ đánh bom xe xảy ra cách nhau 15 phút ở thành phố Benghazi, miền Đông Libya tăng lên tới 35 người hôm thứ Tư, chưa kể khoảng 60 người bị thương, theo các giới chức y tế cho biết.

Vụ nổ đầu tiên xảy ra đêm thứ Ba 24/1, nhắm vào các tín đồ vừa rời khỏi một đền thờ Hồi giáo ở quận Al Salmani ngay ở trung tâm Benghazi.

Vụ nổ thứ nhì xảy ra15 phút sau đó, là vụ nổ gây nhiều tử vong nhất bởi vì nó nhắm tấn công những người đã tụ tập tại hiện trường vụ nổ thứ nhất.

Tin Reuters cho biết có nhiều giới chức an ninh cấp cao trong số những trường hợp thương vong.

Con số tử vong này nằm trong số tử vong cao nhất trong một cuộc tấn công duy nhất, kê từ khi Libya rơi vào tình trạng rối loạn sau cuộc nổi dậy đã lật đổ nhà độc tài Libya Moammar Gadhafi vào năm 011.

Benghazi giờ đang nằm dưới quyền kiểm soát của Quân đội Quốc gia Libya (LNA). Lãnh đạo LNA là Khalifa Haftar, một Tư Lệnh đầy quyền lực đóng quân tại miền Đông Libya, từng chiến đấu chống các phần tử Hồi giáo cũng như các đối thủ khác tại phố cảng Benghazi cho tới cuối năm ngoái.

https://www.voatiengviet.com/a/danh-bom-xe-kep-o-benghazi-libya-35-nguoi-chet/4221744.html

 

Thượng viện bỏ phiếu xác nhận Jerome Powell

làm Chủ Tịch Quỹ Dự Trữ Liên Bang

Washington DC (Reuters)- Tại buổi bỏ phiếu chiều hôm qua 23/01, đa số Thượng Viện đồng ý xác nhận ông Jerome Powell làm Chủ Tịch Quỹ Dự Trữ Liên Bang (FED), để bảo đảm tính liên tục trong chính sách tiền tệ.

Ông Powell được cho là một sự lựa chọn không gây tranh cãi, vì ông có quan điểm gần gũi với Chủ Tịch đương nhiệm Janet Yellen. Không chỉ là một luật sư và là một cựu chủ ngân hàng đầu tư, mà ông còn phục vụ trong Hội Đồng Quản Trị của Quỹ Dự Trữ Liên Bang từ năm 2012 tới nay.

Trong tháng 11, ông Powell 64 tuổi, được Tổng Thống Trump đề cử để kết nhiệm bà Yellen. Trong buổi điều trần được Thượng Viện tổ chức vào tháng 11, ông Powell bênh vực kế hoạch làm nhẹ bớt các quy định trong khu vực tài chính, nói rằng ông sẽ “phản ứng quyết liệt” đối với bất cứ cuộc khủng hoảng nào trong tương lai. Ông Powell không bao giờ phản đối quyết định về chính sách tiền tệ trong suốt gần 6 năm làm việc tại Quỹ Dự Trữ Liên Bang. Tuy nhiên, biên bản về các cuộc thảo luận tại ngân hàng trung ương trong năm 2012, được công bố trong tháng này cho thấy mức độ không hài lòng với chương trình mua trái phiếu quá lớn của Quỹ Dự Trữ Liên Bang.

Ông Powell luôn ủng hộ quan điểm của bà Yellen về chính sách tiền tệ. Trong những năm gần đây, ông chia sẻ mối lo ngại của bà Yellen rằng lạm phát yếu chứng minh cho sự thận trọng về việc tiếp tục tăng lãi suất. (Mai Đức)

http://www.sbtn.tv/thuong-vien-bo-phieu-xac-nhan-jerome-powell-lam-chu-tich-quy-du-tru-lien-bang/

 

Olympic Pyeongchang :

Nhiều vận động viên tên tuổi Nga bị loại vì doping

Mai Vân

Danh sách đầu tiên những người có thể bị loại, không được tham gia Thế Vận Hội mùa đông Pyeongchang được công bố vào hôm qua, 23/01/2018, đã làm cho làng thể thao Nga sững sờ. Nằm trong danh sách là rất nhiều ngôi sao tên tuổi như Viktor Ahn trong môn trượt băng tốc độ, Anton Shipulin vô địch biathlon.

Câu hỏi hiện nay là liệu Nga có tẩy chay cuộc tranh đua thể thao này hay không ? Thông tín viên RFI Daniel Vallot tại Matxcơva tường thuật :

 Trong số 500 vận động viên được Nga đề nghị, hơn một trăm có khả năng không được tham gia Thế Vận Hội vào tháng Hai tới đây. Danh sách đầu tiên của Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế chỉ là tạm thời, nhưng cũng cho thấy sự nghi ngờ lớn đối với ngành thể thao Nga và những người đại diện họ.

Sự hiện diện trên danh sách đen này của Viktor Ahn nhiều lần đoạt giải trong bộ môn trượt băng của anh, hay nhà vô địch môn phối hợp biathlon Anton Shipulin, lại càng gây thêm tiếng vang.

Bộ trưởng Thể Thao Nga Pavel Kolobkov lấy làm tiếc là danh sách đã « gây sốc nơi các vận động viên và fan của họ ». Liên Đoàn Trượt Băng Nga phát biểu thẳng thừng hơn, gọi Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế CIO là kẻ « độc tài và bạo ngược », tố cáo một hành vi khiêu khích để buộc các vận động viên Nga từ bỏ Thế Vận Hội.

Vào tháng 12 vừa qua, Nga đã đồng ý để các nhà vô địch của mình tham gia Thế Vận Hội nhưng không dưới lá cờ Nga. Còn hiện nay thì nước này bị bàng hoàng khi thấy những vận động viên tài giỏi bị loại khỏi cuộc thi.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180124-the-van-hoi-nhieu-van-dong-vien-nga-ten-tuoi-nga-bi-loai-vi-doping

 

Diễn đàn Kinh tế Davos :

Merkel-Macron bảo vệ mầu cờ Liên Hiệp Châu Âu

Thu Hằng

Ngày 24/01/2018, diễn đàn kinh tế Davos, Thụy Sĩ, bước sang ngày làm việc thứ hai. Tổng thống Pháp và thủ tướng Đức sẽ có bài phát biểu vào cuối ngày để bảo vệ tự do mậu dịch trước chủ nghĩa bảo hộ của tổng thống Mỹ Donald Trump.

Hiện đang ở thế mạnh vì khối đồng euro hồi phục, lãnh đạo hai nước Đức và Pháp, được mệnh danh là « Merkron », tìm cách thể hiện hình ảnh đối lập với mô hình Mỹ của tổng thống Trump.

Hãng tin Pháp AFP ví tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến Davos như đến vùng đất đã hoặc gần như được chinh phục, sau khi đón tiếp trọng thể nhiều ông chủ của các đại tập đoàn tại lâu đài Versailles trong chương trình « Chọn nước Pháp » (Choose France).

Ông Macron, người muốn đóng vai trò ngoại giao quan trọng ở Cận Đông, cũng muốn tranh thủ chuyến công du Davos để đàm thoại với quốc vương Jordanie Abdallah II, cũng như với thủ tướng Israel Benjamin Netanyahou. Tuy nhiên, tổng thống Pháp sẽ không gặp đồng nhiệm Mỹ vì ông Donald Trump chỉ đến Davos vào ngày 25/01.

Theo ông Richard Edelman, giám đốc một công ty tư vấn quan hệ công có tiếng, nhận định : « Tổng thống Pháp đang là hiện tượng trong thời điểm này » vì thủ tướng Đức vẫn chưa thành lập được chính phủ, dù Đức vẫn là đầu tầu kinh tế không thể chối cãi của khu vực đồng euro.

http://vi.rfi.fr/phap/20180124-dien-dan-kinh-te-davos-merkel-macron-bao-ve-mau-co-lien-hiep-chau-au

 

Canada tuyên bố

sẽ ký kết Hiệp Định TPP mới gồm 11 nước

Mai Vân

Chính quyền Canada ngày hôm qua, 23/01/2018, đã loan báo việc sẽ ký kết Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương, phiên bản mới, đã được 11 nước còn lại điều chỉnh sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định. Quyết định ký kết TPP được loan báo vào lúc các nhà thương thuyết Canada, Mêhicô và Mỹ khởi động vòng đàm phán thứ 6 về hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ NAFTA năm 1994 mà Washington đã đe dọa sẽ hủy bỏ.

Canada nằm trong số 12 nước thành viên ban đầu đã ký hiệp định TPP. Tuy nhiên, Canada lại là một trong những nước vào cuối năm ngoái, đã từng gây trở ngại cho việc thông qua dự thảo hiệp định TPP sửa đổi mà 11 nước còn lại trong nhóm đã cố hoàn tất để tiếp tục tiến trình thành lập vùng tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương mà không có Mỹ.

Đàm phán vẫn tiếp diễn, và trong hai ngày 22-23/01 vừa qua, đại diện 11 nước còn lại trong TPP đã họp lại tại Tokyo để hoàn thiện các chi tiết và thông qua dự thảo hiệp định mới, được đặt tên lại là CPTPP – Hiệp Định Toàn Diện và Tiến Bộ Xuyên Thái Bình Dương.

Theo thông báo của Nhật Bản, hiệp định CPTPP sẽ được ký kết tại Chi Lê vào ngày 08/03 tới đây.

Theo các nhà quan sát, với việc tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa rút Hoa Kỳ ra khỏi NAFTA, trong lúc việc đạt được thỏa thuận NAFTA mới còn cần rất nhiều thời gian, Canada đã cảm thấy là cần phải ký kết ngay hiệp định TPP để bảo tồn lợi ích của mình.

Phát biểu tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới Davos, thủ tướng Canada Justin Trudeau khẳng định là nước ông « đang nỗ lực đàm phán (lại) NAFTA và ông cũng biết rõ là những điều mà Canada có thể hoàn thành với các đối tác trong CPTPP sẽ không chỉ tốt cho người dân Canada mà còn cho mọi công dân của cả 11 quốc gia » trong khối.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180124-canada-tuyen-bo-se-ky-ket-hiep-dinh-tpp-moi-gom-11-nuoc