Diễn quá “tài”
Nguyễn Quang A
23-1-2018
(phỏng theo một phỏng vấn thực với một báo nước ngoài chiều 22-1-2018)
Chào ông tôi là X từ báo Y muốn hỏi ông vài câu hỏi về vụ đại án tham nhũng vừa kết thúc hôm nay.
Vâng chào cô, cô cứ hỏi.
Q: Phiên xử vụ đại án tham nhũng đã tuyên phạt Đinh La Thăng 13 năm tù vì tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng, ông Trịnh Xuân Thanh 14 năm tù vì tội cố ý làm trái và chung thân vì tội tham ô tài sản. Theo ông hình phạt như thế là nặng hay nhẹ?
A: Vụ này khá lý thú và tôi chỉ giới hạn ở những gì mà bên công tố đã đưa ra và chỉ dựa vào các lập luận, chứng cứ được báo chí tường thuật và những điều tôi nói dưới đây không hề có nghĩa là tôi ủng hộ mấy bị cáo đó (thực ra tôi rất khinh họ, nhưng đó là chuyện khác không dính đến luật pháp hay vụ xử này).
Nếu chỉ dựa vào các căn cứ như được báo chí tường thuật, mà một nền tư pháp độc lập hoạt động với luật trị (rule of law) nghiêm minh phải làm, thì tôi nghĩ lẽ ra tất cả họ (chí ít 13 bị cáo bị quy tội cố ý làm trái) chứ không chỉ ông Thăng phải được tuyên vô tội và được trả tự do ngay sau khi phiên toà kết thúc.
Q: Sao lại lạ thế, ông có thể làm rõ thêm?
A: Hãy chỉ xét đến tội cố ý làm trái (các quy định kinh tế) gây hậu quả nghiêm trọng. Đây là một tội không có ở bất kỳ một nền tư pháp tiên tiến nào và tôi nghĩ chỉ có trong luật Việt Nam. Tội danh này cũng đã bị loại bỏ khỏi Luật hình sự số 100/2015/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 27-11-2015 và lẽ ra đã có hiệu lực từ ngày 1-7-2016; nhưng luật này đã bị hoãn thi hành bởi một Nghị quyết của Uỷ Ban Thường vụ Quốc hội ngày 29-6-2016 (chưa đến 48 giờ trước khi nó có hiệu lực) và sau đó được sửa đổi bổ sung bởi Luật số 12/2017/QH14 ngày 20-6-2017 có hiệu lực từ 1-1-2018. Luật số 12/2017/QH14 tuy vẫn bỏ tội cố ý làm trái các quy định kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng lại bổ sung 9 tội danh mới [trong đó có a) vi phạm quy định về quản lý và sử dụng tư sản nhà nước gây thất thoát lãng phí; b) vi phạm về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; c) vi phạm quy định về đầu tư công trình gây hậu quả nghiêm trọng]. Và 15 bị cáo (trong đó có Đinh La Thăng) đã bị truy tố theo mấy điều bổ sung này (ngoài 10 bị cáo bị buộc tội tham ô trong đó Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận cũng bị cáo buộc cả tội cố ý làm trái). Như thế vở diễn đã bắt đầu từ khá lâu, chí ít từ 29-6-2016.
Các công tố viên đã cáo buộc Đinh La Thăng gây thất thoát 119 tỷ đồng do ứng trước cho PVC để xây dựng nhà máy nhiệt điện được chỉ định thầu chứ không phải qua đấu thầu (vi phạm một hay tất cả các điểm bổ sung a), b), và c) kể trên. Thực ra con số 119 tỷ này là thất thoát tưởng tượng vì đó là lãi giả định nếu số tiền ứng trước đó đươc gửi tiết kiệm ở ngân hàng lúc đó. Như thế cáo buộc này là phi lý và không thể chấp nhận được.
Tôi chưa bàn đến tội tham ô mà các bằng chứng được báo chí loan tải cũng chưa thuyết phục.
Q: Tại sao không quy tội tham ô hay tham nhũng đối với ông Thăng?
A: Tôi không biết, nhưng có thể là khó tìm ra bằng chứng. Cũng có thể nó sẽ dính đến hàng loạt các vị to hơn ông Thăng và làm thế thì không tiện cho họ.
Q: Có lẽ ông Thăng còn có nhiều vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng khác lớn hơn 119 tỷ bị cáo buộc rất nhiều mà sao không thấy nhắc đến.
A: Cái “tài” của vở diễn là ở đó. Nếu tính đến ba tội danh bổ sung a), b), và c) kể trên và nhắc đến những thất thoát như việc đầu tư vào Venezuela (mất trắng gần 1 tỷ USD) thì tất cả các cựu Uỷ viên Bộ Chính trị của ĐCSVN và nhiều uỷ viên đương chức khác và rất rất nhiều ông bà tai to mặt lớn phải ra toà. Thế thì bình chắc hẳn vỡ tan.
Q: Vụ án này được coi là đại án tham nhũng và được nhiều người ủng hộ, có lấy lại được uy tín của ĐCSVN không?
A: Những người cộng sản nói chung, và cộng sản Việt Nam nói riêng rất tài trong việc nhồi sọ người dân, và với các thủ thuật lành nghề như vậy nhiều khi họ đã được sự ủng hộ của không ít người, kể cả một số trí thức có đầu óc. Đến các đài báo quốc tế mà cũng gọi vụ này là đại án tham nhũng thì có thể thấy họ làm việc thao túng dư luận rất hiệu quả trong ngắn hạn. Nhưng về dài hạn thì là phản tác dụng.
Q: Vì sao ạ?
A: Vì dần dần người dân (chí ít gia đình, anh em họ hàng và người thân của những người bị kết án này) hiểu ra vấn đề rằng người ta diễn khéo đến thế nào (đến mức mà một số báo đài quốc tế cũng tin cơ mà), thì cái niềm tin phù du ấy sẽ tan thành mây khói. Đó là chưa nói đến ai cấm được người dân suy luận về rất rất nhiều vị khác cũng vi phạm các điều “hơi kỳ quái” của luật hiện hành như ba điểm bổ sung a), b), và c) kể trên.
Tôi hiểu rồi, xin cám ơn ông
Không có chi.