Đọc báo Pháp – 23/01/2018
Châu Âu đã ngây thơ
trong quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ?
Ngày 23/01/2018 khai mạc diễn đàn kinh tế Davos, Thụy Sĩ. Trong bối cảnh Hoa Kỳ thực thi chính sách bảo hộ mậu dịch và Trung Quốc tìm cách chiếm đoạt công nghệ tiên tiến, mục « Ý kiến – Thảo luận » của báo Les Echos có bài « Châu Âu nên thoát khỏi tình trạng ngây thơ khi đối mặt với Trung Quốc và Hoa Kỳ ». Bài viết của nhà nghiên cứu chính trị Zaki Laidi, thuộc trường Khoa học Chính trị Pháp.
Kể từ khi vào Nhà Trắng, hầu như toàn bộ các quyết định của tổng thống Mỹ Donald Trump đều trái ngược với những nguyên tắc, ưu tiên của châu Âu bởi vì, các quyết định này nhằm làm suy yếu cơ chế quan hệ đa phương, được coi là thuộc tính của châu Âu. Câu hỏi đặt ra là châu Âu nên làm gì để đối phó với những cách lập luận của các cường quốc như Hoa Kỳ hay Trung Quốc ?
Một trong những thách thức chính đối với châu Âu hiện nay là mối đe dọa nhắm vào Tổ Chức Thương Mại Thế Giới – WTO. Đương nhiên, tổ chức này không thể giải quyết hết được mọi vấn đề, nhưng tổng thống Mỹ muốn làm tê liệt WTO, xóa bỏ nguyên tắc công bằng thương mại. Đây là một thách thức lớn và Hội Đồng Châu Âu cần tái khẳng định sự gắn bó với WTO. Nói một cách cụ thể là chiến lược của châu Âu phải dựa trên một nguyên tắc đơn giản và vững chắc : Đó là bảo vệ châu Âu nhưng không áp dụng bảo hộ.
Tác giả giải thích, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch là một cái bẫy chết người vì hai lý do. Thứ nhất, chính sách bảo hộ sẽ dẫn đến hậu quả, phản ứng dây chuyền. Ngay cả khi Donald Trump quyết định nâng cao mức thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc, điều này cũng không làm thay đổi gì.
Thâm hụt cán cân thương mại là hậu quả của việc mất cân đối giữa tiêu dùng và tiết kiệm. Nếu người dân Mỹ tiếp tục chi tiêu nhiều hơn là tiết kiệm, thì Hoa Kỳ tiếp tục bị nhập siêu trong trao đổi thương mại với Trung Quốc. Nước Đức ở trong trường hợp ngược lại. Dân Đức tiết kiệm quá nhiều và tiêu thụ quá ít, do vậy, mức xuất siêu của Đức rất lớn.
Thứ hai, tác giả nhấn mạnh, các biện pháp chống bán phá giá cũng ít hiệu quả. Hoa Kỳ đánh thuế chống bán phá giá rất cao đối với các sản phẩm thép của Trung Quốc, nhưng ngành này của Mỹ vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, nếu bảo hộ mà không tiến hành tái cơ cấu hoặc hiện đại hóa thì các biện pháp bảo hộ sẽ gây ra hậu quả « gậy ông đập lưng ông ».
Còn trong quan hệ với Trung Quốc, thì ưu tiên tuyệt đối của châu Âu là tránh để cho Trung Quốc chiếm đoạt các tiến bộ công nghệ. Không thể chấp nhận điều kiện mà Bắc Kinh đặt ra là nếu muốn vào thị trường Trung Quốc thì phải chuyển giao công nghệ.
Để làm được việc này, châu Âu có hai cách thức hành động : gây áp lực mạnh để thuyết phục Trung Quốc ký với châu Âu một hiệp định về đầu tư và kiểm soát chặt chẽ các hoạt động đầu tư, mua lại của Trung Quốc, đặc biệt đối với những ngành công nghệ tiên tiến của châu Âu.
Điều đáng phấn khởi là Đức đã chấp nhận ý tưởng này của Pháp để cùng hành động. Điều đáng lo là một số nước Đông Âu có cái nhìn lệch lạc và thiển cận, chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt, chấp nhận các đầu tư của Trung Quốc bất chấp các quy định của Bruxelles.
Do vậy, châu Âu phải chú ý đấu tranh cùng lúc trên hai mặt trận : một bên là những nước chủ trương tự do hóa thương mại, không bao giờ muốn áp dụng các cơ chế kiểm soát, và bên kia là những quốc gia đề cao quá mức vấn đề chủ quyền quốc gia chỉ quan tâm đến việc bảo vệ lợi ích của riêng mình.
Để thực hiện chiến lược này, các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu và Ủy Ban Châu Âu phải phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau. Tác giả kết luận : Trong một thế giới bị thống trị bởi những kẻ thèm khát ăn thịt, thì không có chỗ cho những người ăn chay.
Syria : Nỗi ám ảnh của Erdogan
Về thời sự quốc tế, bài xã luận của Le Monde bày tỏ sự quan ngại của mình về chiến dịch tấn công người Kurdistan của Thổ Nhĩ Kỳ tại vùng Afrin, lãnh thổ Syria. Bài viết có tựa đề : « Cuộc xâm nhập Syria của Thổ Nhĩ Kỳ là mạo hiểm ».
Nhật báo đặt câu hỏi : « Vì sao ông Erdogan lại có một quyết định rủi ro lớn như thế là châm ngòi nổ tại khu vực vào lúc mà những tàn tích của Daech vẫn còn chưa tan khói ? ». Rồi tờ báo cũng tự trả lời : « Bởi vì, ông ấy muốn ngăn chặn bằng mọi giá sự hình thành một không gian trong tay người Kurdistan ở sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Quyết tâm coi việc này thành ‘một cuộc chiến quốc gia’ như ông tuyên bố hôm Chủ Nhật vừa qua với người dân trong nước, đã trở thành nỗi ám ảnh đối với ông ».
« Choose France » và quản ngục đình công :
Đề tài chính trên các báo
Đề tài chính trên trang nhất các nhật báo Pháp tập trung quanh đề tài tổng thống Macron mở chiến dịch « cám dỗ » các doanh nghiệp nước ngoài trước khi đến tham dự diễn đàn Davos, tại Thụy Sĩ vào ngày mai.
Le Monde thông báo : « Macron muốn tái khởi động hấp lực của nước Pháp ». Hôm qua, nguyên thủ Pháp đã tiếp 140 lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia tại cung điện Versailles. Mục tiêu của cuộc họp này là muốn trưng bày hình ảnh một nước Pháp như là « một điểm đáng được đầu tư ».
Sau cuộc gặp này, La Croix ở một góc nhỏ trên trang nhất tự hỏi : « Phải chăng Pháp lại trở nên hấp dẫn ? ». Les Echos cho rằng là « có ». Bởi vì theo quan điểm của nhật báo kinh tế, ông Macron đã thành công chiến dịch « chiêu dụ ». Tổng cộng 3,5 tỷ euro đầu tư đã được thông báo sau cuộc họp này.
Như để củng cố thêm sự hấp dẫn của nước Pháp, Paris đã tạm thời đưa ra « nhiều biện pháp mới để thu hút đầu tư vào Pháp », tít nhỏ trên trang nhất của Les Echos. Chẳng hạn như miễn phần đóng góp về hưu cho chuyên viên Pháp hay nước ngoài đến sống hay trở về Pháp. Mở thêm các trường học quốc tế như tăng thêm 1000 chỗ nhập học tại Ile-de-France ngay từ tháng 9/2018.
Tờ Libération mỉa mai cho rằng kết quả ngày hôm nay không chỉ có công của Macron mà còn có một phần « thành tích » của người tiền nhiệm François Hollande. Tờ báo đề tít : « Đầu tư nước ngoài. Cảm ơn Hollande ! ».
Cũng trong lĩnh vực kinh tế, trang nhất Les Echos chạy tít lớn thông báo : « Kinh tế thế giới tăng trưởng trở lại ». Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF dự báo mức tăng trưởng toàn cầu trong năm 2018 và 2019 sẽ là 3,9%. Tờ báo ghi nhận chính sách cải cách thuế của tổng thống Mỹ Donald Trump trong trước mắt tạm thời củng cố tăng trưởng kinh tế Mỹ. Trong khi nền kinh tế Pháp có dấu hiệu năng động trở lại.
« Quá tải, cực đoan hóa : chất nổ hỗn hợp trong các trại tù » là lời cảnh báo lớn trên trang nhất của Le Figaro. Cuộc đình công của các quản giáo bắt đầu từ cuối tuần trước vẫn tiếp tục cho đến hôm nay nhằm phản đối điều kiện làm việc và bảo đảm an toàn sau vụ hai quản giáo ở trại tù Borgo, Corse đã bị một tù nhân hành hung. Sau cuộc gặp hôm qua chưa có kết quả, cuộc đàm phán giữa bộ trưởng và các nghiệp đoàn tiếp tục trong ngày hôm nay.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180123-chau-au-quan-he-tq-hk-qt-db
Tin đọc nhanh
(AFP) – Nhật Bản : Nhiều người bị thương vì động đất và bão tuyết
Trận bão tuyến mạnh nhất từ bốn năm nay đã khiến hơn 330 chuyến bay từ Tokyo bị hủy vào ngày 22/01/2018. Ít nhất có 67 người bị thương do trượt ngã ở thủ đô Nhật Bản. Tuyết rơi dày hơn 10 cm trong vòng 12 tiếng. Cơ quan dự báo khí tượng lo ngại về thiệt hại vật chất và giao thông bị rối loạn. Trong khi đó, núi lửa Kusatsu Shirane, gần một khu trượt tuyết phía tây bắc Tokyo, đã phun trào khiến ít nhất 16 người bị thương.
(AFP) – Indonesia : Một trận động đất mạnh làm rung chuyển Jakarta
Hôm nay 23/01/2018, nhân viên trong nhiều tòa nhà văn phòng cao tầng ở thủ đô Indonesia đã được sơ tán. Tuy nhiên, chính quyền địa phương loại trừ khả năng xảy ra sóng thần và chưa nêu con số nạn nhân. Theo Viện Địa-Lý của Mỹ (USGS), trận động đất xảy ra ở độ sâu 43 km và tâm chấn nằm cách phía tây nam tỉnh Banten khoảng 81 km.
(Reuters) – Trung Quốc mời Mỹ Latinh và vùng Ca-ri-bê tham gia “Một vành đai, một con đường”
Trung Quốc ngày 22/01/2018 đã mời Mỹ Latinh và các quốc gia vùng Ca-ri-bê tham gia dự án con đường tơ lụa mới “Một vành đai, một con đường”, coi đó là một phần của một thỏa thuận tăng cường hợp tác kinh tế và chính trị tại khu vực vốn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Hoa Kỳ trong lịch sử. Theo ngoại trưởng Trung Quốc, khu vực này vốn thích hợp một cách tự nhiên với sáng kiến “Một vành đai, một con đường”. Trong một cuộc họp giữa Trung Quốc và 33 thành viên của Cộng đồng của các quốc gia Mỹ Latinh và Caribê (CELAC), các bên đã ký một thỏa thuận mở rộng quan hệ.
(AFP) – Mỹ mở cửa tòa đại sứ tại Jerusalem trước cuối năm 2019
Nhân chuyến thăm Israel, phát biểu trước Quốc Hội nước này, phó tổng thống Mỹ Mike Pence hôm qua 22/01/2018 thông báo đại sứ quán Mỹ tại Tel Aviv sẽ được chuyển về Jerusalem từ nay tới cuối năm 2019 : “Jerusalem là thủ đô của Israel, và tổng thống Donald Trump đã chỉ đạo bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ngay lập tức chuẩn bị để di dời đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới Jérusalem”. Phản ứng trước thông báo trên, Palestine cho rằng phát biểu của phó tổng thống Mỹ Mike Pence là “một món quà cho những kẻ cực đoan”.
(AFP) – Pháp tổ chức Diễn Đàn Quốc Tế về an ninh mạng
10.000 chuyên gia an ninh mạng và giới lãnh đạo an ninh mạng tư nhân và của chính phủ ngày 23/01/2018 tập trung về thành phố Lille, miền bắc nước Pháp để tham gia Diễn Đàn Quốc Tế về an ninh mạng, nhằm tìm giải pháp đối đầu với nạn tin tặc đang có xu hướng tăng mạnh trên toàn cầu. Theo một nghiên cứu được Norton công bố, nạn tin tặc đã khiến người Pháp mất 6,1 tỉ euro.
(AFP) – Miến Điện tố cáo Bangladesh đình hoãn hồi hương người Rohingya
Chương trình hồi hương người Rohingya tị nạn ở Bangladesh, trên nguyên tắc bắt đầu vào hôm nay, 23/01/2018, nhưng đã bị đình hoãn. Miến Điện lên tiếng tố cáo quốc gia láng giềng thiếu chuẩn bị và gây chậm trễ, trong lúc Miến Điện đã sẵn sàng. Bangladesh còn bị chỉ trích là không thông báo trước. Trong lúc đó các viên chức Bangladesh ở vùng biên giới cho biết vào hôm nay rằng họ đã thấy cháy lớn tại một ngôi làng người Rohingya vào tối qua, và nghe cả tiếng súng nổ trước khi lửa bốc lên. Khu vực ngôi làng bị cháy, phía tây Miến Điện, là nơi dự trù đón người tỵ nạn hồi hương.
(AFP) – Liên Hiệp Châu Âu xóa tên 8 nước trong danh sách đen “thiên đường thuế”
Trong cuộc họp tại Bruxelles ngày 23/01/2018, bộ trưởng Tài Chính các quốc gia Liên Hiêp Châu Âu đã rút 8 nước ra khỏi danh sách thiên đường thuế thành lập vào tháng 12/2017 và bao gồm 17 quốc gia. Trong số quốc gia được xóa tên có cả Panama, nơi xuất phát vụ tai tiếng “Paradise papers” và còn có Hàn Quốc, Tunisia, Mông Cổ… Lý do được nêu lên là các nơi này là đã cam kết đưa ra biện pháp có thể trấn an Châu Âu. Nhưng cam kết thế nào thì không nói rõ. Quyết định trên của các bộ trưởng Châu Âu đã bị các tổ chức phi chính phủ như Oxfam, chỉ trích là thiếu minh bạch, không nghiêm túc.
(AFP) – Hồng Kông: Hoàng Chi Phong được tại ngoại hầu tra
Nhà đấu tranh dân chủ Hồng Kông Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) đã được tự do vào hôm nay, 23/01/2018, trong lúc chờ kết quả kháng án. Lãnh tụ sinh viên phong trào Dù Vàng này đã bị tống giam từ hôm 17/01 sau khi bị kết án 3 tháng tù do vai trò trong phong trào xuống đường năm 2014.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180123-tin-doc-nhanh