Tin Việt Nam – 23/01/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 23/01/2018

Tháng Chạp âm ỉ Tết

Tháng Chạp về với sương mù lãng đãng, mưa xuân phơ phất trên những đám ruộng mạ non… Một cảm giác rất khó tả kéo qua tâm hồn con người. Có thể mỗi người cảm nhận về Tết theo cách riêng của mình, nhưng nhìn chung, dường như cảm thức về thời gian đang chuyển trục, đang quay nghiêng cùng vạn vật, hàng sầu đông vặn mình trút lá thay áo mới, hay trẻ nhỏ trở nên hiếu động hơn và người lớn trở nên tất bật, ưu tư hơn trước một tuổi mới. Hình như đây là cảm nhận chung, niềm tư lự chung của mọi người. Tháng Chạp Việt nam, sau lũ lụt, sau hàng loạt khó khăn, xăng tăng giá, điện tăng giá, vật giá leo thang, dường như Tết cũng rất nỗi niềm!

Vật giá leo thang, Tết sẽ buồn hơn

Bà Hương, cư dân Hà Nội, làm nghề buôn thúng bán mẹt, chia sẻ:“Bây giờ ế ẩm lắm, không biết tại sao Tết năm nay mặc dù đã sang tháng Chạp rồi mà vẫn bán ế ẩm, nó khác với mọi năm nhiều. Gần Tết mà hoa bán không được, hoa năm nay cũng xấu do thời tiết xấu, người ta thì ít mua sắm. Không biết lấy gì ăn Tết đây!”.

Bà Hương chia sẻ thêm là với tình hình giá xăng tăng, giá điện tăng và mọi thứ vật giá leo thang, trong khi đó người kiếm sống bằng buôn thúng bán mẹt như bà lại gặp quá nhiều khó khăn trong việc kiếm cơm. Trong suốt năm 2017, lực lượng công an, dân phòng các quận, huyện, phường, xã ở Hà Nội đã không ngừng bố ráp các thành phần buôn thúng bán mẹt như bà.

Và kết quả là những người buôn thúng bán mẹt, dựa vào vỉa hè để kiếm sống, nuôi con ăn học, nuôi cha mẹ già đều phải trôi dạt, tan tác, chưa biết đời sẽ về đâu. Mặc dù bị bố ráp, đạp đổ, đánh đập, giằng co, tịch thu… đủ các cực hình, nhưng bà Hương nói rằng bà không thể rời bỏ vỉa hè được, bởi chấp nhận rời bỏ vỉa hè cũng có nghĩa là chấp nhận để mẹ già đói, khát, con thơ thất học. Chính vì vậy, cho dù trời lạnh giá, cho dù cuộc đời bầm dập giữa thủ đô, bà vẫn cứ bất khuất đứng lên để chống lại sợ hãi mà tiếp tục bán hàng rong.

Bây giờ ế ẩm lắm, không biết tại sao Tết năm nay mặc dù đã sang tháng Chạp rồi mà vẫn bán ế ẩm. – Bà Hương

Ngày hết Tết về, mặc dù các anh dân phòng, các bác thương binh dẹp lề đường chịu rét chịu lạnh để ra sức càn quét người buôn thúng bán mẹt, thì những người buôn thúng bán mẹt như bà Hương vẫn quyết bám giữ vị trí, cho dù bị xua đuổi, mất hết mọi thứ vẫn quyết tâm phục hồi sức lực mà tiếp tục cuộc chiến cơm áo gạo tiền, tiếp tục kiếm thêm vài đồng lẻ mà tích cóp mua cái bánh chưng cho mẹ già, sắm bộ áo quần mới cho con trẻ đi học.

Cái công cuộc chiến đấu với lạnh giá và đạp đổ để kiếm cái bánh chưng ăn Tết của bà Hương cũng như nhiều người nghèo buôn thúng bán mẹt nơi mảnh đất ngàn năm văn hiến như Hà Nội sao nghe chan chứa nước mắt và cay đắng!

Mơ hồ hoa đào hoa cúc

Với nhiều nông dân ngoại thành Hà Nội, việc tranh thủ canh tác trên những thửa đất đã bị nhà nước thu hồi để kiếm chút tiền ăn Tết vẫn là công việc chính. Nếu không còn đất canh tác, họ phải trôi dạt tứ xứ làm thuê và họ cũng có thể bị đuổi việc bất kì giờ nào bởi công việc không có hợp đồng, công ty bóp nghẹt người lao động…

Ông Lương Đình Can, một cư dân ngoại thành Hà Nội, chia sẻ:“Người nông dân trồng hoa đào bây giờ không thể đủ sống quanh năm được. Đất bây giờ bị thu hẹp rồi, nhà nước lấy hết đất rồi. Bây giờ không còn hoa đào, không còn đất để trồng nữa đâu. Sau khi nhà nước lấy hết đất mà không tạo công ăn việc làm cho người nông dân, người nông dân phải khổ thôi! Các công trình mọc lên ngày càng nhiều thì mình hết đất đề trồng trọt, phải đi làm thuê tứ xứ thôi…”.

Ông Can nói thêm là cái cảm giác Tết về đối với một người nông dân không còn đất để canh tác như ông thật là buồn cười, nó vừa vô vị, vừa trống rỗng. Bởi một phần do thời tiết năm nay giá rét kéo nhì nhằng, những mảnh ruộng trồng hoa đào, su hào, bắp cải của ông cũng như nhiều gia đình khác không phát triển nổi, nên chuyện kiếm tiền sắm Tết nghe ra có vẻ mơ hồ đối với ông.

Bây giờ không còn hoa đào, không còn đất để trồng nữa đâu. – Ông Lương Đình Can

Và ông Can cũng nhấn mạnh là cảm giác này chỉ còn trong tháng Chạp năm nay, chứ sang năm sau, các công trình chính thức xây dựng thì người nông dân như ông chỉ còn biết ngồi chơi xơi nước, trông chờ vào con cái chứ chẳng thể canh tác được ở đâu nữa.

Tình trạng những nông dân không còn đất để canh tác như ông Can có vẻ như ngày càng nhiều thêm ở Hà Nội, dường như các công trình bê tông cốt thép ngày càng mọc lên nhiều ở thành phố Hà Nội tỉ lệ thuận với số nông dân không còn đất canh tác, nhận một ít tiền đền bù chẳng thấm vào đâu để rồi đối mặt với vật giá leo thang, nguy cơ ngân hàng phá sàn, người nông dân không biết làm gì ngoài việc gửi tiền vào ngân hàng để kiếm lãi sống qua ngày để rồi mất trắng khi ngân hàng tuyên bố phá sản… Mọi mối nguy ngày càng nhiều thêm.

Bà Lương Thị Một, nông dân ở Ba Vì, Hà Nội, đồng quan điểm với ông Can, chia sẻ:“Mất đất thì bà con thì phải tự tìm công ăn việc làm thôi. Con cháu thì tự xin việc, chúng tôi thì cấy mớ rau, chạy xe ôm hay buôn bán nhì nhằng ngoài chợ quê. Đất canh tác thì nhà nước đã thu hồi mười năm nay nhưng tiền thì chưa trả, chúng tôi già rồi, đâu thể xin làm công nhân hay chạy xe ôm được…”.

Bà Một chia sẻ thêm là hiện tại, giá nông sản Việt Nam đã bắt đầu tăng vọt, năm nay vụ mùa nông sản tăng giá gấp sáu lần so với mọi năm. Nhưng bù vào đó, thời tiết khắc nghiệt khiến cho việc trồng trọt quá sức khó khăn, tiền đầu tư cũng tăng lên gấp bốn, gấp năm lần mọi năm, nên đâu cũng vào đó, lợi tức của người nông dân vẫn giẫm chân tại chỗ.

Thêm nữa, sắp tới đây, trong dịp cận kề Tết, cũng như mọi năm, nông sản Trung Quốc sẽ đổ bộ sang Việt Nam và nông sản Việt bị bao vây bởi nông sản Trung Quốc. Như vậy, vật giá leo thang, nông sản thua thiệt, quĩ đất ngày càng eo hẹp… Mọi thứ như đang bao vây người nông dân. Và Tết về, người nông dân trở nên tư lự, buồn bã trước một tuổi mới cũng là điều dễ hiểu.

Chúng tôi chỉ biết cầu nguyện Thượng Đế thương xót những người nông dân, những người buôn thúng bán mẹt, những lao động nghèo tại Việt Nam mà ban cho họ một cái Tết ấm áp, sum vầy và bình an!

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam

http://www.rfa.org/vietnamese/news/reportfromvn/lunar-new-year-tet-is-coming-01232018095807.html

 

Nhân viên thương vụ VN ‘mua vây cá mập cho gia đình’

Đại sứ quán Việt Nam tại Chile xác nhận số vây cá mập, bị báo địa phương chụp hình, đã được một cán bộ thương vụ mua tại chợ ‘để sử dụng trong gia đình’.

Thông cáo được truyền thông Việt Nam hôm 23/1 dẫn lại nói: “Văn phòng Thương vụ Việt Nam báo cáo số vây cá mập trên được thân nhân của một cán bộ thuộc văn phòng mua tại chợ dân sinh ở trung tâm thủ đô Santiago de Chile để sử dụng trong gia đình”.

Sứ quán Việt Nam nói họ đang làm việc với bộ ngoại giao Chile để “phối hợp xác minh”, và “sẽ xử lý nghiêm nếu có vi phạm” trong vụ phơi vây cá mập này.

Vụ việc gây xôn xao mấy ngày qua bắt đầu từ bài báo trên tờ El Mostrador của Chile cho hay vây cá mập được nhìn thấy trên nóc tòa nhà thương vụ của Đại Sứ Quán Việt Nam tại Chile, ở địa chỉ 2897 Eliodoro Yáñez, thủ đô Santiago.

Theo đó, bức ảnh được chụp ngày 18/1 khi người dân báo cáo ngửi thấy mùi hôi bốc ra từ khu vực Đại Sứ Quán.

Ecuador bắt tàu đánh bắt vi cá mập của TQ

Vì sao cá chết không là ‘sự kiện’?

Hai ngư dân VN ‘bị oan’ ra tòa ở Indonesia

Anh Quốc tịch thu thuốc ‘cổ truyền’ làm từ cao hổ cốt

Bài báo cũng cho hay cộng đồng khoa học quốc tế bày tỏ sự ‘bối rối và kinh ngạc’ trước sự việc.

Theo mô tả từ bài báo, các vây cá mập này xuất hiện trên mái nhà Đại Sứ Quán Việt Nam từ ngày 13/1. Hàng xóm cho hay ban đầu chỉ thấy một số lượng nhỏ, nhưng năm ngày sau thì đã có ít nhất 100 cái.

Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh ngày 22/1 đã yêu cầu các đơn vị chức năng của bộ gồm Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Thương vụ Việt Nam tại Chile báo cáo, giải trình về sự việc.

Bộ Công thương cũng gửi văn bản tới Bộ Ngoại giao đề nghị phối hợp, chỉ đạo Đại Sứ Quán Việt Nam tại Chile xác minh sự việc.

“Mua ở chợ”?

Thông cáo của ngành ngoại giao Việt Nam cho hay số vi cá mập này được mua tại chợ dân sinh ở trung tâm thủ đô Santiago, theo báo Tuổi Trẻ.

Nhưng tờ El Mostrador dẫn lời chuyên gia bảo vệ cá mập Max Bello của The Pew Charitable Trust nói: “Chile không có trung tâm chế biến nào để lấy vây cá”.

“Có thể quan sát thấy đây là những vết cắt tươi, có thể thấy cả cấu trúc xương”, bài báo trên El Mostrador viết.

“Số vây cá mập được cho là đang trải qua quá trình phơi khô, một giai đoạn trước khi xử lý các yếu tố độc hại để tạo nguyên liệu cho món canh đắt nhất thế giới: súp vây cá mập. Món ăn này được tiêu thụ chủ yếu ở Trung Quốc và Việt Nam. Mỗi năm có thêm gần 100 triệu con cá mập bị giết trên thế giới.”

“Ở Chile, việc cắt xén vây cá mập còn sống và sau đó ném thân cá xuống biển từng bị phát hiện và xử phạt. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên những mảnh vi cá mập được phát hiện đang trong quá trình sấy khô,”

Ông Alex Munoz – giám đốc National Geographic khu vực Mỹ La Tinh – phát biểu: “Không thể tin được. Tôi luôn muốn biết rằng vây cá được phơi khô ở đâu nhưng tôi không thể ngờ rằng người ta phơi ngay trong khu vực Providence. Đây là lần đầu tiên tôi thấy điều này tại Chile”.

Ông Matías Asun, giám đốc Greenpeace, chỉ ra rằng “cá mập là một loài nguy cấp, từ nhiều năm nay, các tổ chức bảo vệ động vật đã cố gắng bảo vệ loài này. Việc bắt và cắt vây cá mập, thường được sử dụng trong nhà bếp, là một hành động tàn bạo và bất hợp pháp bị xử phạt tại Chile.”

Nhận định về vụ việc vây cá mập phơi trên mái Đại Sứ Quán Việt Nam, ông Matías Asun nói: “Một tình huống như thế này xảy ra ở lãnh thổ Chile là điều nghiêm trọng.”

Bị cấm theo luật Chile?

Cũng theo tờ El Mostrador, “Theo luật pháp Chile, nước này cấm buôn bán và tiêu thu vây cá mập từ năm 2011. Luật cấm này áp dụng với vây của tất cả các loài cá mập, gồm 53 loài sinh sống tại vùng biển của Chile, chứ không phải chỉ vây của những loài đang bị đe dọa tuyệt chủng.”

“Việc khám phá vây cá mực phơi trên nóc nhà toà đại sứ có thể gây một vấn đề ngoại giao, vì nhân viên sứ quán đã lạm dụng quyền bất khả xâm phạm của các cơ sở lãnh sự để làm chuyện phi pháp.”

“Vụ việc phơi vây cá mập phơi trên nóc nhà một toà đại sứ gây rúng động. Nó diễn ra vào đúng lúc bà Sylvia Earle, một trong những chuyên viên bảo vệ môi trường được kính nể nhất thế giới, đang thuyết trình về hiểm họa diệt chủng của cá mập, và từ đó, hiểm họa mất cân bình của biển cả, tại hội nghị về tương lai của trái đất, một hội nghị khoa học quan trọng nhất tại Nam Mỹ.”

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42784731

 

Việt Nam đón Bộ trưởng Quốc phòng Nga và Mỹ

Cả Bộ trưởng quốc phòng của Liên bang Nga và Hoa Kỳ sẽ có chuyến thăm Việt Nam gần như cùng một lúc để thảo luận về hợp tác quốc phòng về chiến lược cũng như thông thương vũ khí.

Sáng hôm thứ Ba, 23/1, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoygu đã có cuộc gặp với người đồng cấp Việt Nam, tướng Ngô Xuân Lịch.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis thì đang có buổi hội đàm với Tổng thống Indonesia Joko Widodo và dự kiến sẽ sang thăm Việt Nam sau đó.

Mỹ-Việt hứa hẹn tăng hợp tác quốc phòng

‘Trung Quốc không quân sự hóa Biển Đông’

Biển Đông: vì sao Trung Quốc ‘phủ đầu’ ngay đầu năm?

Theo AFP, trong chuyến thăm một tuần đến châu Á, ông Mattis hi vọng tăng cường hợp tác quốc phòng với Indonesia và Việt Nam, khi sức mạnh quân sự của Trung Quốc lớn mạnh dần trong khu vực.

“Chúng ta đều có chung vùng Thái Bình Dương – một đại dương với cái tên có ý nghĩa là hòa bình – chúng tôi muốn thấy nó tiếp tục yên bình, để tất cả quốc gia đang sinh sống và sử dụng nó có thể tiếp tục thịnh vượng,” ông Mattis nói với báo chí tháp tùng ông trên chiếc phi cơ đến Châu Á.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-42784791

 

Cựu tù chính trị Vương Văn Thả

bị tuyên án tù theo điều 88

Tòa án Nhân dân tỉnh An Giang vào sáng ngày 23 tháng Một đã tuyên án 12 năm tù đối với một cư sĩ Phật giáo Hòa Hảo thuần túy là ông Vương Văn Thả, với cáo buộc theo Điều 88 Bộ luật Hình sự, “Tuyên truyền chống Nhà nước”. Một facebooker có liên hệ chặt chẽ với gia đình ông Thả cho đài Á Châu Tự Do biết tin này vào chiều ngày 23/1. Nhưng vì lý do an toàn cho gia đình ông Thả và nguồn tin mà người này không thể nêu danh tính người đưa tin.

Facebooker có tên Công Lý Dân Tộc cho đài ACTD biết như sau:

Phiên tòa diễn tiến trong tinh thần phản kháng của anh Thả. Anh Thả phản kháng dữ dội lắm do anh Thả không thấy con của ảnh đâu. Anh Thả cũng hỏi rằng tại sao tòa án nhân dân mà không cho nhân dân vô? Anh Thả kêu gọi phải có luật sư. Luật sư của anh Thả không nhìn thấy ở đâu hết. Anh Thả kêu gọi phải có luật sư quốc tế, phải được xử công bằng thì mới chấp nhận xét xử. Anh Thả la lối, chống lại và bị khống chế bằng bạo lực rồi bị đem vô phòng riêng. Trong phòng riêng thì họ tuyên án. Trong lúc anh Thả bị khống chế, thì hai đứa cháu bức xúc quá và đã đập đầu rất mạnh xuống bàn đòi tự tử, yêu cầu buông anh Thả ra. Sự việc như vậy đó. Kết quả là anh Vương Văn Thả bị tuyên 12 năm tù. Con trai Vương Thanh Thuận bị tuyên 7 năm. Hai người cháu là Nguyễn Văn Thượng bị tuyên 6 năm và Nguyễn Nhật Trường cũng bị tuyên 6 năm.”

Bốn bị cáo trong vụ án này bao gồm ông Vương Văn Thả (sinh năm 1969), Vương Thanh Thuận (sinh năm 1990, là con trai ông Thả) cùng hai người cháu ông Thả là Nguyễn Nhật Trường (sinh năm 1985) và Nguyễn Văn Thượng (sinh năm 1985).

Luật sư Nguyễn Khả Thành, người được Tòa án Nhân dân tỉnh An Giang cấp giấy chấp thuận là luật sư bào chữa cho bị cáo Vương Văn Thả, nhưng vì lý do cá nhân nên ông không thể tham dự phiên tòa.

Vào khoảng 18:30 chiều ngày 23 tháng Một, Đài RFA liên lạc với Luật sư Nguyễn Khả Thành và được cho biết ông không nhận được tin tức nào liên quan đến phiên tòa dự kiến diễn ra trong cùng ngày và ông cũng không thể liên lạc với vợ và con gái của bị cáo Vương Văn Thả. Luật sư Nguyễn Khả Thành nói:

“Sau phiên tòa, tôi có gọi điện thoại cho chị Lê Thị Lệ Hà với cô Vương Ngọc Thảo thì cả hai người đều không có bắt máy. Không liên lạc được.”

Luật sư Nguyễn Khả Thành còn cho biết theo hồ sơ của cáo trạng thì có 3 luật sư, thuộc luật sư đoàn tỉnh An Giang bào chữa cho vụ án này. Luật sư Trần Ngọc Bản bào chữa cho bị cáo Vương Văn Thuận (bị cáo có trình độ học vấn 7/12). Luật sư Trần Quang Anh bào chữa cho hai bị cáo Nguyễn Nhật Trường và Nguyễn Văn Thượng (2 bị cáo đều không biết chữ). Luật sư Nguyễn Khả Thành không thể đến dự phiên tòa nên bị cáo Vương Văn Thả (bị cáo có trình độ học vấn 1/12) không có luật sư bào chữa.

Vào tối cùng ngày phiên tòa diễn ra, chúng tôi liên lạc qua điện thoại với gia đình của 4 bị cáo, nhưng không thể gặp được họ.

Ông Vương Văn Thả, cư sĩ Phật giáo Hòa Hảo thuần túy, ngụ tại tỉnh An Giang, là một cựu tù nhân lương tâm. Ông Thả từng bị kết án 3 năm tù hồi năm 2012 với cáo buộc “Lợi dụng tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích của tổ chức, công dân”, theo Điều 258 Bộ luật Hình sự Việt Nam, và mãn án vào hồi đầu tháng 10 năm 2015.

Vào dịp Tết Nguyên Đán năm Đinh Dậu, ông Vương Văn Thả bắt đầu lên tiếng trên mạng xã hội về hoàn cảnh và chính kiến của ông đối với chế độ Cộng sản tại Việt Nam. Cả gia đình ông Vương Văn Thả, gồm 9 người bị lực lượng công an, cảnh sát cơ động…bao vây cô lập trong thời gian gần 2 tháng, cho đến ngày 18 tháng 5 năm 2017, ông Vương Văn Thả cùng người con trai và hai người cháu song sinh bị bắt.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/dissident-hoa-hao-buddhists-put-on-trial-01232018081626.html

 

Trịnh Xuân Thanh và 7 người tiếp tục ra tòa ngày 24/1

Vào ngày 24 tháng 1, Tòa án Nhân dân Hà Nội mở phiên tòa xét xử ông Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp Dầu khí VN(PVC) và bảy đồng phạm trong vụ án “Tham ô tài sản tại PVP Land”.

Phiên tòa kéo dài đến ngày 6 tháng 2, kể cả Thứ Bảy, Chủ Nhật.

Bảy đồng phạm gồm Nguyễn Ngọc Sinh, nguyên Tổng giám đốc PVP Land; Đào Duy Phong, nguyên Chủ tịch HĐQT PVP Land; Lê Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty 1/5; Nguyễn Thị Kim Thoa, Kế toán trưởng công ty 1/5; Huỳnh Nguyễn Quốc Duy làm nghề môi giới; Thái Kiều Hương, Phó tổng giám đốc công ty VietSan; Đinh Mạnh Thắng, nguyên chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư và thương mại Dầu khí Sông Đà.

Như vậy là chỉ hai ngày sau khi kết thúc phiên xử trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), ông Trịnh Xuân Thanh lại phải hầu tòa ở một vụ án khác, cũng liên quan đến tội Tham ô tài sản.

Trong số các bị cáo trong phiên tòa tới còn có ông Đinh Mạnh Thắng, em trai của ông Đình La Thăng, cựu Ủy Viên Bộ Chính Trị, nguyên Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam PVN. Hôm 22/1, ông Đinh La Thăng mới bị tòa kêu án 13 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, khiến PVN thiệt hại 119 tỷ đồng.

Theo cáo buộc của Viện Kiểm Sát, nhóm mua cổ phần của PVP Land đã chi cho các ông Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng, Đào Duy Phong và Đặng Sỹ Hùng tổng số tiền 49 tỷ đồng, trong đó bị cáo Trịnh Xuân thanh chiếm đoạt 14 tỷ.

Cơ quan điều tra cho biết ông Trịnh Xuân Thanh đã hoàn trả 14 tỷ cho người đưa, nhưng sự việc này diễn ra sau khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án, nên coi như PVP Land vẫn bị chiếm đoạt số tiền  này.

Cũng theo Viện Kiểm sát, ông Trịnh Xuân Thanh là người có vai trò quyết định trong việc mua bán, chuyển nhượng cổ phần PVP Land với giá thấp hơn thực tế để chia nhau chiếm đoạt tiền chênh lệch. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, ông Trịnh Xuân Thanh không thừa nhận việc chỉ đạo, thỏa thuận này.

Trong phiên xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại PVC mới kết thúc hôm 22 tháng 1 vừa qua, ông Trịnh Xuân Thanh bị tuyên án tù chung thân.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/former-oil-exec-to-be-tried-with-another-charges-01232018081055.html

 

Chuyến thăm của hai tướng Nga, Mỹ có ý nghĩa gì?

Theo đánh giá nhận định của nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam và bang giao quốc tế Carl Thayer, việc gặp gỡ với cả hai quan chức quân đội cấp cao của Hoa Kỳ và Nga, cho thấy thể hiện chính sách của Việt Nam về “đa dạng hóa và đa phương hoá” về quan hệ với các cường quốc.

Mattis sẽ nói với Lịch rằng Hoa Kỳ coi Trung Quốc là một đối thủ chiến lược của Hoa Kỳ đang tìm cách làm suy yếu vị trí của Mỹ trong khu vực. Mattis sẽ thảo luận với Lịch về mức độ mà Việt Nam sẽ hợp tác với Hoa Kỳ để tạo ra một hệ thống liên kết an ninh góp phần ổn định khu vực và đảm bảo quyền tự do tiếp cận với Biển Đông.Carl Thayer, Giáo sư Học viện Hải quân Úc

“Việt Nam quan tâm đến việc chứng minh rằng bản thân độc lập và đóng góp tích cực cho an ninh khu vực, do đó cả Nga và Hoa Kỳ đều quan tâm đến việc hỗ trợ Việt Nam. Ví dụ, Việt Nam có thể thảo luận về hợp tác quốc phòng với cả hai Bộ trưởng và tiến tới khi phù hợp với lợi ích quốc gia của Việt Nam,” ông Thayer viết trên phúc trình do ông đăng tải đánh giá chuyến thăm của Jim Mattis tới Việt Nam.

“Mattis sẽ nói với ông Ngô Xuân Lịch rằng Hoa Kỳ coi Trung Quốc là một đối thủ chiến lược của Hoa Kỳ đang tìm cách làm suy yếu vị trí của Mỹ trong khu vực. Mattis sẽ thảo luận với Lịch về mức độ mà Việt Nam sẽ hợp tác với Hoa Kỳ để tạo ra một hệ thống liên kết an ninh góp phần ổn định khu vực và đảm bảo quyền tự do tiếp cận với Biển Đông.

“Về vấn đề an ninh hàng hải, Bộ trưởng Mattis có thể sẽ nêu ra cách mà cả hai bên có thể tăng cường hơn nữa hợp tác, như các ghé cảng thường xuyên hơn của Hải quân Hoa Kỳ sau chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ đầu tiên đến Cảng Quốc tế Cam Ranh vào cuối năm nay,” ông Thayer viết trong bản báo cáo.

Ông Thayer nhận định Trung Quốc sẽ rất muốn tìm hiểu xem Việt Nam dự định phát triển hợp tác quốc phòng với Hoa Kỳ đến đâu và sự hợp tác này sẽ nhắm đến Trung Quốc đến mức nào.

“Trung Quốc cũng sẽ quan tâm để tìm hiểu phạm vi của các vụ thông thương vũ khí của Nga cho Việt Nam. Nga hiện là nguồn cung cấp 57% vũ khí nhập khẩu cho Trung Quốc và 88% cho Việt Nam.

“Tất cả các nước khu vực ở Ấn Độ-Thái Bình Dương cũng sẽ quan tâm đến kết quả của chuyến thăm cả hai bộ trưởng quốc phòng đến Việt Nam,” ông Thayer kết luận.

Báo TQ nói ‘Hoa Kỳ khiến Trung Quốc tăng tốc quân sự hóa ở Biển Đông’

Hôm 22/1 khi ông Mattis vừa đến thủ đô Jakarta, tờ báo hàng đầu của Trung Quốc, Nhân dân Nhật báo, nói sự kiểm soát ở Biển Đông của Trung Quốc sẽ chỉ gia tăng và là phản ứng thích đáng với sự “khiêu khích” của Hoa Kỳ.

Tờ báo dẫn chứng việc tàu khu trục USS Hopper của Hoa Kỳ được cho hay trước đó đã đi vào khu vực 12 hải lý của bãi đá ngầm Scarborough, khu vực Philippines tuyên bố chủ quyền mà Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham.

Theo Reuters, tờ Nhân dân Nhật báo là tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc nói, với tình hình đang cải thiện ở Biển Đông (TQ gọi là Biển Nam Trung Hoa), rõ ràng rằng Hoa Kỳ là phía quân sự hóa khu vực.

Mỹ ‘hoan nghênh VN chủ động ở Châu Á–TBD’

Mỹ và VN muốn tăng cường quan hệ quốc phòng

Tại sao Chính phủ Việt Nam đổi tên Tập đoàn Viettel?

“Nếu bên liên quan một lần nữa làm rắc rối và gây căng thẳng, thì nó sẽ chỉ làm cho Trung Quốc đi đến kết luận này: để bảo vệ hòa bình ở Biển Nam Trung Hoa, Trung Quốc phải tăng cường và tăng tốc khả năng của mình ở đó,”

“Khi quy mô và chất lượng quân sự của Trung Quốc được cải thiện, việc kiểm soát Biển Nam Hải của Trung Quốc cũng sẽ được cải thiện. Trung Quốc có thể gửi nhiều tàu hải quân hơn để đáp trả và có thể thực hiện các bước như huy động các hòn đảo.”

Quân đội Hoa Kỳ cho biết họ thực hiện các hoạt động “tự do hàng hải” trên khắp thế giới, bao gồm cả trong các khu vực mà các đồng minh tuyên bố chủ quyền.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-42784791

 

Nga ‘quảng cáo’ tên lửa

và lên kế hoạch tập trận chung với VN

Moscow và Hà Nội đang xây dựng kế hoạch hợp tác quân sự cho năm 2018-2020, bao gồm các cuộc tập trận chung giữa hai nước. Hãng thông tấn Nga TASS dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết trong cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Hà Nội ngày 23/1.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu có cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch.

Ngoài vấn đề hợp tác quân sự, Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu nói nước Nga sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong việc trang bị và sử dụng vũ khí tại Syria với các quốc gia đối tác.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga nói thêm rằng nhiều nước Đông Nam Á đang muốn mua hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 của Nga. Đây là hệ thống mà Nga đang sử dụng để bảo vệ căn cứ không quân Hmeymim và quân cảng Tartus tại Syria.

Sau cuộc hội đàm với tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu đã đến “chào xã giao” Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, theo VnExpress.

Nguồn tin này nói “Hợp tác quân sự giữa Việt Nam – Liên bang Nga đã diễn ra nhiều năm nay, mang tính chất truyền thống và không nhằm chống lại nước thứ ba nào”.

Những năm gần đây, Việt Nam đã mua của Nga nhiều khí tài quân sự mới, trong đó có 6 tàu ngầm lớp Kilo (Varshavyanka) và tàu hộ vệ tên lửa Gepard.

Hà Nội là điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến đi của Bộ trưởng Quốc phòng Nga đến ba nước Đông Nam Á là Myanamar, Lào, Việt Nam.

Chuyến đi của Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu được kỳ vọng sẽ mang về cho nước Nga nhiều hợp đồng bán vũ khí lớn.

Tại Myanmar, ông Shoigu đã đem về cho Nga hợp đồng bán 6 tiêm kích Su-30 cho Tập đoàn Sukhoi.

Sau Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Việt Nam sẽ tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đến Hà Nội từ ngày 24 tới 26/1.

https://www.voatiengviet.com/a/nga-quang-cao-ten-lua-va-len-ke-hoach-tap-tran-chung-voi-vn/4220328.html

 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm Việt Nam

để siết chặt bang giao

Nửa thế kỷ sau cuộc tấn công Tết Mậu thân đánh tan hy vọng chiến thắng của Mỹ tại Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis đến thăm cựu thù mưu tìm một thắng lợi khác: mối quan hệ đối tác tiến triển từng bước tại một phần đất của thế giới mà Ngũ Giác Đài xem là cốt yếu trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc và Nga.

Ông Mattis, một vị tướng hồi hưu từng gia nhập thủy quân lục chiến trong thời chiến tranh Việt Nam nhưng không tham chiến tại Việt Nam, hôm 21/1 lên đường sang Châu Á với chặng dừng chân đầu tiên kéo dài hai ngày tại Indonesia trước khi thăm Hà Nội trong hai ngày 24 và 25/1 để họp với các giới chức cao cấp trong chính phủ và quân đội Việt Nam.

Một sự trùng hợp là ông Mattis có mặt tại Việt Nam chỉ vài hôm trước kỷ niệm 50 năm ngày cộng sản mở cuộc tấn công Tết Mậu Thân, 30 và 31/1 năm 1968 khi Bắc Việt tấn công vào một loạt các mục tiêu chính yếu tại miền Nam trong số đó có thành phố Huế, cố đô và là một biểu tượng văn hóa nằm trên bờ Sông Hương. Lúc bấy giờ, ông Mattis là một học sinh trung học năm cuối của Trường Columbia ở Richland, Washington. Năm sau đó, ông gia nhập Lực lượng Trừ bị Thủy quân Lục chiến.

Cuộc tấn công Tết Mậu Thân là một đòn bẩy quan trọng cho quân Bắc Việt dù chung cuộc đó là một thất bại quân sự. Trận này đã làm sụp đổ lòng tin của các nhà lãnh đạo Mỹ là họ sẽ sớm đạt được một thỏa thuận hòa bình có lợi cho Hoa Kỳ. Trong một bài diễn văn đọc tại Washington vào tháng 11 năm 1967, tư lệnh quân đội Mỹ tại Việt Nam lúc bấy giờ, Đại tướng William Westmoreland có lời tuyên bố nổi tiếng rằng cuộc chiến sắp bước vào giai đoạn kết thúc.

Chiến tranh kéo dài thêm 7 năm sau khơi dậy những cuộc biểu tình phản chiến trên đường phố Mỹ và làm rung chuyển chính trị Hoa Kỳ, trước khi quân cộng sản Bắc Việt chiến thắng và những người Mỹ cuối cùng phải di tản vào năm 1975.

Hai nước cựu thù dần dần bỏ qua những khác biệt thời chiến, một phần vì cùng chia sẻ những quan ngại về sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc và lập trường hung hăng của nước này tại Biển Đông.

Chính quyền Tổng thống Trump xem Việt Nam như một đối tác để chống lại việc đòi chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc tại Biển Đông, bao gồm quần đảo Trường Sa mà Đài Loan, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Brunei cùng đòi chủ quyền.

Mãi tới năm 1995 hai nước Việt-Mỹ mới bình thường hóa quan hệ. Hai mươi năm sau, Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán võ khí sát thương cho Việt Nam.

Việt Nam sẵn lòng với mối quan hệ đối tác mới với Mỹ trong lúc họ tìm cách đa dạng hóa các mối quan hệ an ninh, ngoại giao trong khu vực trước sự bành trướng của Trung Quốc. Việt Nam từng có cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc năm 1979 và những ‘cay đắng’ trong mối quan hệ với người láng giềng phương Bắc ngày càng sâu sắc hơn.

Cuộc chiến tranh Việt Nam đối với Ngũ Giác Đài chưa hẳn là một tàn tích lịch sử khi mà cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng chuyên trách tìm kiếm lính Mỹ mất tích trong chiến tranh vẫn còn chỉ đạo những nỗ lực tìm kiếm, nhận dạng hài cốt lính Mỹ tử trận tại Việt Nam. Nhiều chục năm tìm kiếm vẫn chưa tìm ra đủ số hơn 1200 người mất tích tại Việt Nam cùng với 350 người mất tích ở Lào, Campuchia, và Trung Quốc.

Đối với những người Mỹ thuộc thế hệ chiến tranh Việt Nam, Huế và cuộc tấn công Tết Mậu Thân vẫn còn là một biểu tượng khó phai mờ về cuộc chiến.

Ông Mattis là người gần đây nhất trong một loạt các Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm Việt Nam nhằm mở rộng quan hệ an ninh và đề cập tới sức mạnh quân sự gia tăng của Trung Quốc.

Trước ông Mattis, cựu Bộ trưởng Ash Carter công du Việt Nam vào tháng 6 năm 2015, đánh dấu hai thập niên quan hệ Việt-Mỹ. Dịp đó, ông Carter cũng loan báo rằng Ngũ Giác Đài sẽ phái một chuyên gia gìn giữ hòa bình tới đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội để giúp Việt Nam chuẩn bị cho nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc.

Trước đó 3 năm, cựu Bộ trưởng Leon Panetta cùng đối tác phía Việt Nam đã trao đổi các kỷ vật cá nhân của những người lính ngã xuống trong cuộc chiến.

Đương kim Bộ trưởng Quốc phòng Mattis trước đây chưa từng đến Việt Nam.

Phát biểu với phóng viên tháp tùng trong chuyến công du lần này, ông Mattis nhấn mạnh một trong những vấn đề lớn được nêu lên tại chặng dừng Việt Nam sẽ là quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, sự tôn trọng luật lệ quốc tế và chủ quyền của các nước.

“Chúng ta cùng chia sẻ Thái Bình Dương. Đó là một đại dương có tên gọi hòa bình. Chúng tôi muốn khu vực này vẫn yên bình để tất cả các nước sinh sống ở đó, sử dụng đại dương này, được thịnh vượng,” Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh.

https://www.voatiengviet.com/a/bo-truong-quoc-phong-my-tham-viet-nam-de-siet-chat-bang-giao/4219709.html

 

Đức ‘tiếc’ điều gì trong vụ xử ông Trịnh Xuân Thanh?

Viễn Đông

Bộ Ngoại giao Đức mới lên tiếng về những “điều đáng tiếc” trong vụ xử ông Trịnh Xuân Thanh, dù cho biết “còn quá sớm để có đánh giá cuối cùng”.

Nhân vật gây sóng gió quan hệ Hà Nội và Berlin bị kết án tù chung thân hôm 22/1 trong vụ xử cùng với ông Đinh La Thăng.

Một nguồn tin trong Bộ Ngoại giao Đức cho VOA Việt Ngữ biết rằng các quan sát viên của nước này cũng như của đại sứ quán Pháp, Mỹ và phái đoàn Châu Âu đã được phép tham dự phiên xử kéo dài hơn hai tuần.

Ông Thăng và Thanh ‘cầu cứu’ Tổng bí thư Trọng?

Luật sư Đức của ông Thanh nêu đích danh Tổng bí thư Trọng

Tuy nhiên, bà Maria Adebahr, nữ phát ngôn viên của Bộ này nói rằng Berlin “cũng lấy làm tiếc rằng báo chí quốc tế không được phép vào đưa tin” và “luật sư người Đức [của ông Thanh] đã không được cho nhập cảnh vào Việt Nam để dự”.

Người phát ngôn này nói thêm: “Chúng tôi đã nhiều lần nói rõ với phía chính phủ Việt Nam về quan điểm của Đức đối với án tử hình. Chúng tôi ghi nhận bản án [hôm 22/1] không có mức án này. Giờ một phiên tòa khác sắp bắt đầu. Chúng tôi vẫn chờ xem phiên tòa này diễn ra như thế nào”.

Hiện chưa rõ vì sao đại diện ngoại giao của Đức lại nhắc tới mức án cao nhất khi đề cập tới vụ xử ông Thanh.

Nhưng quan chức từng gây chú ý dư luận từ vụ chiếc xe sang cá nhân mang biển của cơ quan nhà nước trị giá nhiều tỷ đồng dự kiến sẽ ra tòa vào ngày 24/1 trong vụ án “tham ô tài sản” khác thời còn lãnh đạo Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam, với mức án có thể lên tới tử hình.

Bà Adebahr nói rằng phía Đức sẽ “cố gắng để luật sư [Đức] có thể tiếp cận thân chủ của mình”, cũng như để “báo chí quốc tế và các quan sát viên từ Liên hiệp châu Âu” có thể dự phiên xử ông Thanh ngày 24/1.

“Chúng tôi sẽ theo dõi rất kỹ phiên tòa sắp tới cũng như các diễn biến sau đó”, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức nói.

Quan hệ Đức – Việt được cho vẫn đang trong giai đoạn khủng hoảng sau khi Berlin tháng Tám năm ngoái cáo buộc Hà Nội bắt cóc ông Thanh, trong khi chính quyền trong nước nói rằng ông “đầu thú”. Hai bên vẫn chưa hé lộ kết quả của các cuộc đàm phán về vụ này trong nhiều tháng qua.

Vụ xử Thăng – Thanh: Tổng Trọng vươn xa tới đâu?

Ông Trịnh Xuân Thanh sợ làm ‘ma tù’

Khi được hỏi suy nghĩ về án tù chung thân, bà Petra Isabel Schlagenhauf, nữ luật sư người Đức của ông Thanh, nói rằng “đó là phiên tòa không công bằng”, nhất là khi thân chủ của mình đã “bị bắt cóc mang về xử tại Việt Nam”.

Chúng tôi mong chờ và hy vọng rằng chính phủ Đức sẽ tiếp tục tìm giải pháp chấm dứt sự giằng co về ngoại giao trong vụ này cũng như tìm ra giải pháp cho thân chủ của tôi.

Nữ luật sư người Đức của ông Thanh nói.

Bà cũng bày tỏ hy vọng rằng “chính phủ Đức sẽ tiếp tục tìm giải pháp chấm dứt sự giằng co về ngoại giao trong vụ này cũng như tìm ra giải pháp cho thân chủ của tôi”.

Phiên tòa thứ hai xử ông Thanh dự kiến kéo dài từ ngày 24/1 tới ngày 6/2 với 8 bị cáo, trong đó có cả ông Đinh Mạnh Thắng, em trai của ông Đinh La Thăng.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cuối năm ngoái từng yêu cầu “xét xử công minh” ông Thanh và các đồng phạm.

https://www.voatiengviet.com/a/duc-de-cap-nhung-dieu-dang-tiec-trong-vu-xu-ong-trinh-xuan-thanh/4220110.html