Vụ án tham ô: Đinh La Thăng 13 năm tù, Trịnh Xuân Thanh chung thân — Truyền thông tiếng Anh nói về bản án Đinh La Thăng

Cac Bai Khac

No sub-categories

Vụ án tham ô: Đinh La Thăng 13 năm tù, Trịnh Xuân Thanh chung thân — Truyền thông tiếng Anh nói về bản án Đinh La Thăng

Một tòa án ở Hà Nội hôm 22/1 đã kết án một cựu ủy viên Bộ Chính trị 13 năm tù và một quan chức ngành năng lượng tù chung thân vì phạm tội tham ô và “cố ý làm trái”, theo báo chí nhà nước.

Đài Tiếng nói Việt Nam và Thông tấn xã csvn loan tin rằng Đinh La Thăng, cựu ủy viên Bộ Chính trị, cũng là chính trị gia cấp cao nhất từng bị xét xử trong nhiều thập kỷ, nhận án tù 13 năm do “cố ý làm trái các quy định nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), nhận án chung thân cho cả tội tham ô lẫn cố ý làm trái.

Trước phiên tòa ít lâu, Đức nói các đặc vụ Việt Nam đã bắt cóc Thanh tại một công viên ở Berlin. Việt Nam phủ nhận cáo buộc đó, nói rằng Thanh đã “tự thú”. Vụ này đã làm căng thẳng quan hệ hai nước.

Cùng bị kết án với Thăng, Thanh hôm 22/1 là 20 bị cáo khác cũng vi phạm pháp luật trong một dự án nhiệt điện của PVN, gây thiệt hại 119 tỉ đồng, tương đương 5 triệu đôla. Mức án dành cho những người này là từ án treo cho đến 22 năm tù giam.

Dự kiến sẽ còn các phiên xét xử khác trong năm nay, một phần của chiến dịch do Đảng Cộng sản chỉ đạo nhắm vào các sai phạm và quản lý yếu kém. Ngoài vụ án đã được đưa ra xét xử hôm 22/1, cả hai Thăng, Thanh đều bị truy tố vì các vụ tham nhũng khác nữa.

Một số nhà bình luận cho rằng hoạt động trấn áp này còn có động cơ chính trị, mà theo họ là nhắm vào những người thân cận của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sau khi lực lượng an ninh bảo thủ của csvn gia tăng ảnh hưởng từ năm 2016, sau một cuộc đấu quyền lực trong đảng.

Các phóng viên nước ngoài không được vào phòng xử án, và cũng không được theo dõi gián tiếp qua đường truyền video ở một phòng khác như các phóng viên Việt Nam.

Ở bên ngoài tòa án, hơn 100 người Việt Nam tụ tập khi tòa tuyên án. Một viên chức nhà nước nghỉ hưu nói ở bên ngoài tòa rằng bản án thể hiện sự nghiêm minh đúng mức.

Người đã về hưu có tên Hoàng Đình Thanh, 70 tuổi, nói: “Tôi nghĩ đó là bản án công bằng. Đất nước cần phải chống tham nhũng”.

Một số người tỏ ý thông cảm với Thăng vì những việc tốt ông đã làm cho đất nước. Bà Hoàng Thị Hà, một chủ cửa hàng, 42 tuổi, nói: “Tôi hiểu là những người mắc sai phạm phải bị trừng phạt. Nhưng ông Thăng đã làm nhiều việc tốt cho đất nước. Tôi từng mong ông ấy được khoan hồng vì ông ấy có công. Án tù dành cho ông ấy hơi nặng”.

Giáo sư Jonathan London, giảng viên Đại học Leiden ở Hà Lan, cũng là một chuyên gia về Việt Nam, nói cần có thêm các cải cách và quyết tâm của chính quyền cộng sản để triệt tận gốc nạn tham nhũng.

Ông nói tuy những bản án tù như thế này có thể gây chấn động, nhưng lịch sử ở các nước khác cho thấy về lâu dài cách tốt nhất để chống tham nhũng không phải là bằng hình phạt. Thay vào đó, theo ông, “Đó chính là cải cách thể chế và mức độ cam kết về minh bạch mà công chúng Việt Nam lâu nay vẫn kêu gọi, trong khi đáng tiếc là các nhà lãnh đạo Việt Nam lâu nay vẫn chưa sẵn sàng áp dụng”.

Đây cũng là quan điểm mà cựu tù nhân lương tâm Trương Duy Nhất chia sẻ với VOA trong một cuộc phỏng vấn về phiên tòa xét xử Thăng, Thanh. Blogger chuyên bình luận về chính trị, xã hội Việt Nam nói:

“Muốn chống tham nhũng thật sự, muốn hạn chế triệt để những tham nhũng, phải xây dựng một thể chế thật sự dân chủ, thật sự minh bạch, tam quyền phân lập, độc lập tư pháp, báo chí phải tự do”.

Mặc dù vậy, ông Nhất cũng đưa ra quan điểm có tính thực tiễn là để đạt những điều đó ở Việt Nam, phải “phấn đấu dần dần”.

Ông nói việc “thanh trừng, đưa ra khỏi bộ máy những kẻ ăn tàn phá hại” mà nhà chức trách Việt Nam đã và đang làm trong hơn một năm rưỡi trở lại đây là việc cần thiết trong quá trình đó. Ông đưa ra hình ảnh ẩn dụ là muốn “thiết kế lại, trang hoàng lại một cái nhà”, việc cần làm trước hết là “dọn rác rưởi ra khỏi cái nhà đó đã”.

Cuộc chiến chống tham nhũng của Việt Nam từng tập trung vào hai ngành ngân hàng và năng lượng, nhưng gần đây đã mở rộng sang các lĩnh vực khác, trong đó có bất động sản và đảng bộ các tỉnh.

Bên cạnh vụ án vừa kết thúc xét xử hôm 22/1, Đinh La Thăng còn bị truy tố về vai trò trong việc PVN mua cổ phần trị giá 36 triệu đôla của ngân hàng Ocean Bank. PVN đã mất sạch khoản đầu tư này. Dự kiến phiên xét xử liên quan đến vụ Ocean Bank sẽ diễn ra trong những tháng tới.

Trịnh Xuân Thanh sẽ sớm ra tòa trở lại hôm 24/1 trong một vụ án khác, với cáo buộc tham ô hơn 600.000 đôla từ một dự án bất động sản. – Theo VOA

***

Cựu ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng bị tuyên 13 năm tù tội cố ý làm trái, bị cáo Trịnh Xuân Thanh án chung thân vì tội tham ô, theo phán quyết của tòa ở Hà Nội ngày 22/1.

Ngay sau khi phiên tòa kết thúc hôm 22/1, nhiều tờ báo tiếng Anh đã đưa ra bình luận.

Trên trang BBC News, phóng viên Jonathan Head nhận định:

“Kể từ khi phe bảo thủ của đảng Cộng sản nắm quyền kiểm soát Bộ Chính trị tại đại hội Đảng cách đây hai năm, phe này đã để mắt đến các quan chức được cho rằng đã trở nên giàu có bất thường trong suốt nhiệm kỳ dài 10 năm của Thủ tướng bị mãn nhiệm (Nguyên văn tiếng Anh: “the decade-long tenure of ousted Prime Minister”) Nguyễn Tấn Dũng.

Phiên tòa cho người Việt Nam thấy một cảnh tượng về những vị trước đây từng ‘không ai chạm tới được’ đang khóc lóc xin khoan hồng.

Lãnh đạo đảng đang sử dụng các phiên tòa được đưa tin rộng rãi này để bẻ gãy bất kỳ sự phản đối tiềm ẩn nào từ những người thân cận ông Dũng, đồng thời để cho công chúng biết rằng họ nghiêm túc trong việc kiềm chế nạn tham nhũng lan rộng trong bối cảnh kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng.”

Cây bút James Hookway viết trên Wall Street Journal: “Nỗ lực chống tham nhũng thường được ủng hộ của thường dân Việt Nam, nói rằng họ mệt mỏi khi phải hối lộ để có chỗ học cho con. Cảnh sát giao thông thường kéo người đi xe máy sang một bên nhằm đòi tiền.

“Mặt khác, cuộc thanh trừng phản ứng đấu đá quyền lực nội bộ tác động tới đảng Cộng sản cầm quyền, giống như thanh trừng chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình ở Trung Quốc đã loạI ra rìa một số đối thủ tiềm năng.

Một số nhà phân tích nói cuộc thanh trừng chắc không thể giải quyết vấn nạn tham nhũng lớn hơn ảnh hưởng tới đất nước.”

Báo Asia Times đặt vụ xử trong bối cảnh Việt Nam “giảm bớt phụ thuộc vào mô hình doanh nghiệp nhà nước”.

“Câu chuyện Đinh La Thăng lại càng bộc lộ rủi ro tiềm ẩn của việc nhà nước quản ly doanh nghiệp.

“Phán quyết bước ngoặt với Thăng là chỉ dấu đầu tiên rằng việc điều tra doanh nghiệp nhà nước đã mở rộng sang cả các chính khách, những người tạo điều kiện cho tham nhũng và quản lý kém gây hại cho kinh tế.”

Hãng tin Reuters cho biết “năm nay dự kiến còn thêm các phiên xử trong cuộc tiễu trừ do đảng Cộng sản lãnh đạo, mà chính phủ nói là nhắm tới lừa đảo và quản lý kém.”

Reuters nói thêm: “Tuy nhiên, các nhà chỉ trích nói cuộc tiễu trừ cũng có động cơ chính trị, và nhắm tới những người gần với cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sau khi ảnh hưởng của lực lượng an ninh bảo thủ của Việt Nam gia tăng năm 2016 theo sau cuộc đấu tranh quyền lực trong đảng.”

Các mức án tại phiên tòa:

Nhóm bị cáo phạm tội cố ý làm trái:

Đinh La Thăng (SN 1960, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam – PVN): 13 năm tù.

Trịnh Xuân Thanh (SN 1966, nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam – PVC): 14 năm tù tội Cố ý làm trái; tù chung thân tội Tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt cho cả hai tội là tù chung thân.

Phùng Đình Thực (SN 1954, nguyên Tổng giám đốc PVN): 9 năm tù.

Nguyễn Quốc Khánh (1960, nguyên Phó tổng giám đốc PVN): 9 năm tù.

Nguyễn Xuân Sơn (1962, nguyên Phó tổng giám đốc PVN): 9 năm tù.

Vũ Đức Thuận (1971, nguyên Tổng giám đốc PVC: 7 năm tù tội Cố ý làm trái); 15 năm tội Tham ô tài sản.

Ninh Văn Quỳnh (SN 1958, nguyên Kế toán trưởng, kiêm Trưởng Ban tài chính kế toán và Kiểm toán PVN): 7 năm tù.

Lê Đình Mậu (SN 1972, nguyên Phó trưởng Ban Kế toán và Kiểm toán PVN): 4 năm, 6 tháng tù.

Vũ Hồng Chương (1953, nguyên Trưởng Ban quản lý dự án điện lực Dầu khí Thái Bình 2): 3 năm tù treo.

Trần Văn Nguyên (1979, nguyên Kế toán trưởng Ban quản lý dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2): 30 tháng tù treo.

Nguyễn Ngọc Quý (1953, nguyên Phó chủ tịch HĐQT PVC): 6 năm tù.

Nguyễn Mạnh Tiến (1966, nguyên Phó tổng giám đốc PVC): 6 năm tù.

Phạm Tiến Đạt (1979, nguyên Kế toán trưởng PVC): 4 năm, 6 tháng tù.

Trương Quốc Dũng (SN 1982, nguyên Phó Tổng giám đốc PVC): 17 tháng tù.

Nhóm bị cáo phạm tội tham ô:

Nguyễn Anh Minh (1977, nguyên Phó Tổng PVC): 16 năm tù.

Bùi Mạnh Hiển (1976, nguyên Chánh Văn phòng PVC): 10 năm tù.

Lương Văn Hòa (1980, nguyên Giám đốc Ban điều hành Dự án Vũng Áng – Quảng Trạch thuộc Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC): 10 năm tù.

Nguyễn Thành Quỳnh (1973, nguyên Giám đốc Kỹ thuật công nghệ, Tổng công ty CP Miền Trung – công ty Cổ phần- Đà Nẵng): 8 năm tù.

Lê Thị Anh Hoa (1979, nguyên Giám đốc công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa): 3 năm tù treo. – BBC