Tin tức ngày – 21/01/2018
Trưởng nhóm nhạc Bắc Hàn
dẫn đầu đoàn Bắc Hàn kiểm tra Olympic
Một đoàn đại biểu Bắc Hàn vừa tới Nam Hàn trong một chuyến đi đột phá để kiểm tra các điểm biểu diễn văn hóa cho Thế vận hội Mùa đông, dự tính diễn ra vào tháng sau.
Dẫn đầu đoàn đại biểu là cô Hyon Song-wol, trưởng nhóm nhạc pop nữ Moranbong được yêu thích ở quốc gia bí mật.
Bắc Hàn đồng ý gửi một đoàn đại biểu tới Thế vận hội sau khi hai bên có các cuộc đối thoại cao cấp đầu tiên trong hai năm.
Quyết định này được cho là bước đột phá ngoại giao sau nhiều tháng căng thẳng về chương trình vũ khí hạt nhân.
Truyền thông địa phương cho thấy hình ảnh đoàn đại biểu Bắc Hàn vượt qua vùng biên giới được kiểm soát chặt chẽ trên một chuyến xe buýt trước khi tới thủ đô Seoul của Nam Hàn.
Được hàng trăm cảnh sát bao quanh, họ lên một chuyến tàu tới thành phố Gangneung ở phía Nam.
Nhưng các ống kính đều chĩa vào cô Hyon Song-wol.
Cô và nhóm nhạc gồm 10 thành viên là gương mặt hào nhoáng của Bắc Hàn – và còn được mệnh danh là phiên bản Spice Girls của Bình Nhưỡng.
Thường mặc trang phục váy ngắn và đi giày cao gót, họ trình bày các ca khúc nhạc pop kiểu phương Tây và các bài hát yêu nước – với phong cách mà dân Nam Hàn coi là ‘quê mùa’, hãng tin AFP cho biết.
Từng có tin đồn cô Hyon là bạn gái trước đây của lãnh đạo Kim Jong-un, nhưng tin đồn này bị những nhà quan sát Bắc Hàn phủ nhận.
Thế vận hội mùa đông: Bắc Hàn chuẩn bị gì?
Bắc Hàn sẽ cử đoàn tham gia Thế Vận hội Mùa đông
Cô Hyon sẽ dẫn đầu đoàn nghệ thuật Samjiyon gồm 140 thành viên tới dự Thế vận Hội Mùa đông. Đoàn này dự tính sẽ có hai màn biểu diễn – một ở Seoul và một ở Gangneung.
Chuyến đi hai ngày của đoàn đại biểu Bắc Hàn lần này sẽ là chuyến đầu tiên để chuẩn bị cho sự tham gia của Bình Nhưỡng tại Thế vận hội.
Tin cho hay đây là chuyến thăm miền Nam đầu tiên của các quan chức Bình Nhưỡng trong bốn năm qua.
Đoàn Bắc Hàn lần này gồm các vận động viên điền kinh, quan chức và hoạt náo viên.
Một đoàn khác sẽ thăm Nam Hàn tuần tới để kiểm tra cơ sở cho các vận động viên Bắc Hàn, trong khi Nam Hàn sẽ cử các quan chức đến resort trượt tuyết ở miền Bắc để kiểm tra địa điểm thi đấu này.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-42765405
Thượng viện Mỹ nỗ lực phút cuối tránh đóng cửa chính phủ
Thượng viện Mỹ sẽ có cuộc họp ngày Chủ Nhật nhằm chấm dứt tình trạng bế tắc về dự luật ngân sách trước khi tuần làm việc mới bắt đầu, khi nhiều cơ quan liên bang trên khắp nước Mỹ phải đóng cửa.
Hàng trăm ngàn nhân viên liên bang đối mặt với viễn cảnh phải nghỉ phép không lương.
Hôm thứ Bảy 20/1, các bên đã đổ lỗi cho nhau khi Thượng viện không nhất trí thông qua ngân sách mới để tránh đóng cửa chính phủ.
Trump và đảng Dân chủ đổ lỗi cho nhau
Chính phủ Hoa Kỳ đóng cửa, không thể giải ngân
‘Khả năng nhận thức của Trump bình thường’
Dự thảo luật cấp ngân sách cho chính phủ liên bang trong những tuần tới đã không nhận được 60 phiếu cần thiết hôm thứ Sáu 19/1.
Người lãnh đạo Thượng viện của đảng Cộng hòa, ông Mitch McConnell, nói các nghị sỹ sẽ bỏ phiếu vào 1 giờ sáng hôm thứ Hai (6 giờ sáng GMT) cho một dự luật để ‘nuôi’ chính phủ cho tới ngày 8/2.
Lần cuối cùng chính phủ Mỹ phải đóng cửa là hồi năm 2013, kéo dài 16 ngày.
Vì sao hai bên không nhất trí?
Đây là lần đầu tiên chính phủ phải đóng cửa khi chỉ có một đảng, đảng Cộng hòa, kiểm soát cả Nghị viện và Nhà Trắng.
Với kết quả bỏ phiếu hôm 19/1 là 50 phiếu thuận-49 phiếu chống, dự luật bổ sung ngân sách chưa đạt đủ 60 phiếu để được thông qua. Dù chiếm đa số ghế trong Thượng viện, đảng Cộng hòa không có đủ phiếu để thông qua dự luật nếu không được sự ủng hộ của một số nghị sỹ đảng Dân chủ.
Trump đóng chương trình bảo hộ nhập cư Daca
Dự luật di trú ‘ảnh hưởng hàng trăm ngàn người Việt’
Đảng Cộng hòa muốn tăng ngân sách cho an ninh biên phòng, trong đó có việc xây tường biên giới, và cải cách nhập cư, cũng như tăng chi tiêu quốc phòng.
Đảng Dân chủ thì yêu cầu bảo vệ không trục xuất hơn 700.000 người nhập cư không có giấy tờ, những người vào Mỹ khi là trẻ em.
Phe Cộng hòa nhượng bộ bằng đề nghị gia hạn thêm sáu năm chương trình bảo hiểm y tế cho trẻ em từ các gia đình có thu nhập thấp. Nhưng phe Dân chủ muốn chương trình này phải được gia hạn vĩnh viễn.
Tổng thống Trump cáo buộc đảng Dân chủ “lo lắng cho người nhập cư bất hợp pháp hơn nhiều so với quân đội hùng mạnh hay an ninh tại biên giới phía Nam nguy hiểm của chúng ta.”
Nhưng Thượng nghị sỹ Dân chủ đứng đầu, ông Chuck Schumer, đổ lỗi cho ông Trump và nói vị tổng thống chịu áp lực từ “những lực lượng cực hữu trong chính quyền.”
Phát ngôn viên Nhà Trắng bà Sarah Sanders cảnh báo: “Tổng thống sẽ không đàm phán về cải cách nhập cư cho tới khi đảng Dân chủ thôi không giở trò và tái mở cửa chính phủ.”
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42765404
Trump và đảng Dân chủ đổ lỗi cho nhau
Các màn đổ lỗi bắt đầu từ việc Thượng viện Hoa Kỳ không thông qua dự luật cấp ngân quỹ để chính phủ tiếp tục hoạt động.
Động thái này dẫn đến một số dịch vụ công ích bị tạm ngừng cung cấp.
Một dự luật cấp ngân quỹ cho chính phủ liên bang trong vài tuần tới đã không nhận được đủ 60 lá phiếu trước nửa đêm hôm 19/1.
Chính phủ Hoa Kỳ đóng cửa, không thể giải ngân
Mỹ bắt đầu giảm tài chính cho LHQ
Mỹ bác tin đổi chiều về Thỏa thuận Paris
Mỹ cắt 285 triệu đô ngân sách cho LHQ
Tổng thống Trump cáo buộc đảng Dân chủ đặt chính trị lên trên lợi ích của người dân Mỹ.
Đảng Dân chủ đổ lỗi cho ông Trump vì đã khước từ các thỏa thuận lưỡng đảng.
Các cuộc đàm phán tại Quốc hội tiếp tục hôm 20/1, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell nói rằng họ sẽ nhóm họp hôm 21/1 để cố gắng chấm dứt bế tắc.
Giám đốc ngân sách Nhà Trắng bày tỏ sự lạc quan rằng sẽ đạt được một giải pháp trước hôm 22/1.
Nhưng nếu không, hàng trăm ngàn viên chức liên bang phải đối mặt với viễn cảnh không có việc làm và văn phòng đóng cửa vào đầu tuần tới.
Lần gần đây nhất chính phủ Mỹ đóng cửa là vào năm 2013, kéo dài 16 ngày.
Rút dự luật ‘đảng viên cộng sản được làm công chức California’
Nhà Trắng tiết lộ thông tin tài chính quan chức
Bắt đầu xây mẫu tường biên giới Mỹ – Mexico
Mỹ chấm dứt miễn visa cho di dân Cuba
Tại sao hai bên không nhất trí?
Đây là lần đầu tiên việc chính phủ Mỹ đóng cửa xảy ra trong bối cảnh một đảng, đảng Cộng hòa, kiểm soát cả Quốc hội và Nhà Trắng.
Cuộc bỏ phiếu hôm 19/1 đạt tỷ lệ 50 phiếu thuận-49 phiếu chống trong lúc cần đạt 60 phiếu để thông qua dự luật. Với đa số 51 ghế trong Thượng viện, đảng Cộng hòa không thể thông qua dự luật nếu không nhận được sự ủng hộ của đảng Dân chủ.
Họ muốn cấp ngân quỹ cho an ninh biên giới – gồm cả việc xây tường biên giới – và cải cách nhập cư, cũng như tăng chi tiêu quân sự.
Đảng Dân chủ yêu cầu bảo vệ khỏi hơn 700.000 người nhập cư không có giấy tờ nhập cảnh Hoa Kỳ từ khi còn nhỏ và đang có nguy cơ bị trục xuất.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-42764140
Afghanistan: Bao vây, giết người ở khách sạn hạng sang
Ít nhất 5 thường dân thiệt mạng và 6 người bị thương trong vụ xả súng tại khách sạn Intercontinental ở Kabul.
Lực lượng an ninh Afghanistan nói họ đã giành lại quyền kiểm soát khách sạn hạng sang sau khi nơi này bị các tay súng tấn công.
Ba kẻ tấn công đều bị giết, Nasrat Rahimi, phát ngôn viên Bộ Nội vụ cho biết. Hơn 150 người đã được giải cứu.
Các tay súng đột nhập vào khách sạn Intercontinental đêm 20/1, bắn vào khách và nhân viên.
Đề cử người Mỹ gốc Việt lên thiếu tướng
Mỹ ‘không kích nhầm’ cảnh sát Afghanistan
Tấn công căn cứ quân sự Afghanistan
Đoàn xe Nato bị tấn công ở Afghanistan
Nghi phạm tấn công hộp đêm ‘huấn luyện’ ở Afghanistan
Có ghi nhận tiếng súng trong nhiều giờ sau khi khách sạn bị bao vây. Hiện chưa rõ về thương vong.
Cuộc tấn công bắt đầu khoảng 21:00 giờ địa phương, có ghi nhận các tay súng bắn vào nhân viên bảo vệ và cho nổ lựu đạn khi họ xâm nhập tòa nhà sáu tầng.
Afghanistan: Đánh bom tự sát gần trụ sở tình báo
Kabul: nổ bom ở đám tang, 4 người chết
Đánh bom tự sát ở Kabul: hơn 40 người chết
Có ghi nhận khách sạn đang tổ chức một hội nghị về công nghệ thông tin với sự tham dự của các quan chức vào thời điểm xảy vụ tấn công.
Một nhân chứng nói với Reuters rằng các kẻ tấn công đã bắt giữ những con tin.
Vụ tấn công diễn ra vài ngày sau khi Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Kabul đưa ra cảnh báo an ninh tại các khách sạn trong thành phố.
“Chúng tôi nhận được các báo cáo rằng các nhóm cực đoan có thể lên kế hoạch tấn công các khách sạn ở Kabul”, thông báo của sứ quán Mỹ phát đi hôm 18/1, dù văn bản này nói một khách sạn khác gần sân bay là mục tiêu khả dĩ.
“Các nhóm này cũng có thể nhắm mục tiêu vào các cuộc tụ họp, biểu tình, các cơ sở chính phủ, phương tiện giao thông, chợ, và những nơi người nước ngoài hay lui tới.”
http://www.bbc.com/vietnamese/world-42764141
Hàng ngàn phụ nữ tuần hành
đòi quyền bình đẳng ở Mỹ, khắp thế giới
Hàng ngàn người phụ nữ đã tề tựu về thủ đô Washington và các thành phố trên khắp nước Mỹ nhân dịp tròn một năm Tổng thống Donald Trump nhậm chức, để kêu gọi quyền bình đẳng về lương và chăm sóc y tế, để lên án tình trạng quấy rối tình dục, và để khuyến khích phụ nữ ra tranh cử.
Những người tuần hành cũng lên tiếng về các vấn đề khác, như bình đẳng chủng tộc, kiểm soát súng, bảo vệ người nhập cư, và những nỗ lực của những người bảo thủ nhằm rút ngân quỹ cấp cho tổ chức y tế Planned Parenthood.
Ước tính số người tham dự cuộc tuần hành ở Washington thấp hơn so với năm ngoái. Nhưng các cuộc tuần hành cũng đang diễn ra tại các thành phố lớn khác trên toàn quốc như New York, Philadelphia, Los Angeles; Chicago, Denver ở bang Colorado, Charlotte ở bang North Carolina, và Palm Beach ở bang Florida, nơi tổng thống thường đến nghỉ mát. Las Vegas sẽ tổ chức một cuộc tập hợp vào Chủ nhật để trùng với một nỗ lực vận động đăng ký cử tri. Ban tổ chức đang nhắm mục tiêu đến tới các bang dao động (nơi ứng cử viên Dân chủ và Cộng hòa có cơ hội chiến thắng tương đương) và hy vọng đăng ký được một triệu cử tri mới trên mạng.
Các cuộc tập hợp này được tổ chức để tiếp nối cuộc tuần hành của phụ nữ vào năm ngoái diễn ra ngay sau lễ nhậm chức của Tổng thống Trump. Nhiều phụ nữ trong cuộc tuần hành đó nêu ra sự phản đối của họ đối với vị tổng thống đương nhiệm, người đã bị ít nhất là 19 phụ nữ cáo buộc là có hành vi sai trái về tình dục.
Tổng thống Trump hôm thứ Bảy tweet về cuộc tuần hành, nói rằng, “Thời tiết đẹp trên khắp đất nước tuyệt vời của chúng ta, một ngày hoàn hảo để tất cả Phụ nữ Tuần hành. Hãy ra ngoài bây giờ và ăn mừng những cột mốc lịch sử và thành công kinh tế chưa từng có và sự kiến tạo của cải đã diễn ra suốt 12 tháng qua. Tỉ lệ thất nghiệp ở phụ nữ thấp nhất trong 18 năm!”
Trong năm qua, những câu chuyện về mức lương bất bình đẳng cho phụ nữ và tình trạng quấy rối tình dục từ những người đàn ông quyền lực đã trở thành chủ đề hàng đầu trong cuộc đối thoại toàn quốc. Hàng chục người đàn ông, trong đó có nhà làm phim Harvey Weinstein, nam diễn viên từng đoạt giải Oscar Kevin Spacey, người dẫn chương trình buổi sáng của đài NBC Matt Lauer, và Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Al Franken, bị mất hoặc từ chức vì cáo buộc quấy rối tình dục.
Phụ nữ cũng tuần hành tại Rome ở Ý, Kampala ở Uganda, Frankfurt ở Đức, và Osaka ở Nhật Bản, để phản đối nạn quấy rối tình dục. Các cuộc tuần hành cũng được hoạch định tại Bắc Kinh, Trung Quốc; Buenos Aires, Argentina; và Nairobi, Kenya.
Hôm thứ Sáu, các nhà hoạt động chống phá thai đã tổ chức cuộc tuần hành của riêng họ tại Washington, một sự kiện hàng năm được gọi là March for Life. Tổng thống Trump và Phó tổng thống Mike Pence đã có bài phát biểu trước đám đông qua đường truyền video từ Vườn Hồng Nhà Trắng.
“Chúng tôi luôn ở bên các bạn,” ông Trump nói với những người biểu tình chống phá thai. Ông Pence nói với đám đông rằng ông Trump là “tổng thống ủng hộ sự sống mạnh mẽ nhất trong lịch sử nước Mỹ.”
Một năm làm tổng thống,
Trump tự tạo nên hiện thực của riêng mình
“Chưa có năm đầu tiên nào như thế này,” Tổng thống Donald Trump nói trước một cuộc tập hợp hồi tháng trước ở bang Florida.
Đích thực là vậy.
Những nhà báo kiểm chứng sự thật chưa từng thấy năm đầu của một tổng thống Mỹ nào giống như năm vừa qua. Những phát biểu sai trái và phóng đại vẫn không ngừng tuôn ra từ tài khoản Twitter, các bài phát biểu và các cuộc phỏng vấn của ông Trump, đại đa số những tuyên bố này nhằm thỏa mãn cái tôi của ông.
Các vị tổng thống khác cũng bóp méo sự thật — George W. Bush về nguyên cớ cho cuộc chiến tranh Iraq, Barack Obama về những lợi ích của “Obamacare” — nhưng ông Trump lại ở một tầm vóc khác.
Ông thường xuyên trình bày những hành động mà ông định thực hiện như là những thành tựu mà ông đã đạt được (“Obamacare” đã chết, tiền đổ vào NATO), và thổi phồng tầm quan trọng của những gì mà ông đã làm (gọi những cắt giảm thuế của ông là lớn nhất từ trước tới giờ và là thành tích không sánh nổi trong lịch sử — cả hai đều không đúng). Ông phóng đại những vấn đề mà ông thừa hưởng (đường sá và cầu cống trong tình trạng “hư hỏng và rối loạn,” biên giới “mở toang hoang”), đề ra những mục tiêu tưởng tượng (6 phần trăm tăng trưởng kinh tế), và không học từ những sai lầm. Thay vào đó, ông lặp lại những phát biểu đó.
Hơn nữa, ông Trump thường bỏ qua cả bộ máy thu thập thông tin rộng lớn nằm dưới quyền của ông, mà thích tạo nên hiện thực của riêng mình qua những gì ông xem trên TV, hoặc nhận thức chủ quan.
Một số xu hướng và nét nổi bật trong những phát biểu của ông kể từ khi ông nhậm chức:
Nghệ thuật của những cái lớn nhất, tốt nhất
Ông Trump không cắt giảm thuế lớn. Ông cắt giảm thuế lớn nhất từ trước tới giờ. Ông không chiến thắng bầu cử. Ông chiến thắng bầu cử một cách “áp đảo.” Ông không chỉ làm cho Bộ Cựu chiến binh vận hành tốt hơn. Ông đuổi thẳng “những kẻ tàn độc.”
Thực tế là:
—Cuộc cải tổ thuế vào tháng 12 vừa rồi xếp sau cuộc cải tổ thuế của ông Ronald Reagan trong những năm đầu thập niên 80, những đợt cắt giảm thuế hậu Thế chiến thứ hai và ít nhất là một vài đợt cắt giảm thuế nữa.
—Chiến thắng bầu cử năm 2016 của ông xếp thứ 13 trong số 58 cuộc bầu cử tổng thống trong lịch sử Hoa Kỳ, theo một cuộc kiểm đếm của nhà khoa học chính trị John Pitney thuộc trường Đại học Claremont McKenna. Chiến thắng của ông không áp đảo. Tỉ lệ chiến thắng của ông trong Cử tri Đoàn chỉ dưới 57 phần trăm, thấp hơn so với cả hai tỉ lệ chiến thắng của ông Obama (61 phần trăm vào năm 2008 và 62 phần trăm vào năm 2012) và thấp hơn tất cả, ngoại trừ 2, trong số 10 cuộc bầu cử tổng thống gần đây nhất. Ngoài ra, ông cũng thua ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton về số phiếu phổ thông.
—Mặc dù ông tự hào rằng các nhân viên kém năng lực của Bộ Cựu chiến binh đang nhanh chóng bị loại bỏ — và về việc ban hành một đạo luật hồi giữa năm nhằm đẩy nhanh tiến trình đó — nhưng có nhiều nhân viên của Bộ Cựu chiến binh bị sa thải trong năm tài chính cuối cùng của ông Obama hơn là trong năm tài chính đầu tiên của ông Trump.
Những sứ mạng chưa hoàn thành
Ông Trump nhìn mọi thứ theo cách mà ông muốn và trình bày chúng như thể đó là hiện thực.
“Bạn biết đấy, ta có các nhà máy đang đổ vào nước ta trở lại. Bạn có bao giờ nghĩ sẽ nghe thấy điều này không?” “Tôi kêu gọi các đồng minh NATO của chúng ta làm nhiều hơn để củng cố liên minh thiết yếu của chúng ta và tạo điều kiện để các nước thành viên đóng góp đáng kể. Hàng tỉ và hàng tỉ đôla đang đổ vào vì sáng kiến đó.” “Công ăn việc làm đang đổ vào đất nước chúng ta.”
Thực tế là:
—Các nhà máy hiện không đổ vào Mỹ “trở lại” mà cũng không mọc lên số lượng lớn. Khi ông Trump đưa ra tuyên bố này, vào tháng 12, chi tiêu cho việc xây dựng các nhà máy đã giảm 14 phần trăm trong năm qua, tiếp tục đà giảm đều đặn kể từ giữa năm 2015. Còn về công ăn việc làm “đổ vào đất nước chúng ta,” ông Trump hy vọng cuộc cải tổ thuế của ông sẽ làm cho điều đó xảy ra, nhưng giờ thì vẫn chưa. Trong năm đầu tiên ông Trump nắm quyền, nền kinh tế đã thêm vào khoảng 170.000 việc làm mới mỗi tháng. Mức này thấp hơn một chút so với mức trung bình 185.000 trong năm 2016.
Các nhà sản xuất có gia tăng tuyển dụng nhân công, thêm 196.000 việc làm trong năm 2017, nhưng họ từng thêm vào nhiều việc làm hơn vào năm 2011 và 2014.
—Tiền hiện không đổ vào NATO và nó sẽ không đổ vào đó. Ý của ông Trump là ông đang hối thúc các thành viên NATO gia tăng ngân sách quân sự của chính họ để Mỹ không phải gồng mình gánh vác. Các nước thành viên NATO đã nhất trí trong nhiệm kỳ của ông Obama sẽ tăng chi tiêu quân sự trong những năm tới. Liệu ông Trump có giúp tăng tốc điều đó hay không thì còn phải chờ xem.
Cảnh tượng u ám
Ông Trump làm cho tình trạng liên bang trông tươi sáng hơn dưới quyền của ông bằng cách làm cho quá khứ u ám hết mức có thể. Trước khi ông lên cầm quyền, Mỹ “để biên giới của chính chúng ta mở toang hoang. Ai cũng có thể vào được.” Các lực lượng vũ trang của Mỹ gần như kiệt quệ. Luật y tế mà ông thừa hưởng và đã cố tìm cách bãi bỏ là một thảm họa “bảo hiểm cho rất ít người,” và về cơ bản là “đã chết.” Các vị tổng thống trước “khóa chặt nguồn năng lượng của Mỹ.”
Thực ra:
—Biên giới của Mỹ không hề lỏng lẻo từ trước khi ông Trump nhậm chức. Số vụ bắt giữ những người vượt biên trái phép — thước đo tốt nhất để biết có bao nhiêu người cố tình vượt biên trái phép — đã ở mức thấp nhất trong 40 năm qua trước khi chính sách biên giới của ông Trump bắt đầu có tác dụng. Chính phủ dưới thời các tổng thống George W. Bush và Obama đã tăng gấp đôi số lượng nhân viên trong lực lượng Tuần tra Biên giới trong khoảng một thập niên qua. Ông Obama đã bị những người vận động cho vấn đề di trú dè bỉu với cái tên “deporter in chief” (sếp sòng chuyên trục xuất) vì ông đã tăng cường các vụ trục xuất trước khi nới tay đối với một số nhóm người nhất định vào cuối nhiệm kỳ của ông.
—Obamacare bảo hiểm cho khoảng 20 triệu người khi ông Trump mô tả con số này là “rất ít.” Phần lớn những người được bảo hiểm là nhờ việc mở rộng Medicaid. Một yếu tố khác giúp mở rộng phạm vi bảo hiểm, những kế hoạch bảo hiểm được bán trong thị trường bảo hiểm cá nhân được trợ giá, đã thu hút khoảng 9 triệu người đăng ký cho năm 2018 dù giai đoạn đăng ký ngắn hơn rất nhiều, và ngân sách quảng cáo và các khoản chi trả của liên bang cho các công ty bảo hiểm bị cắt giảm. Luật thuế mới chấm dứt khoản tiền phạt Obamacare vì không có bảo hiểm, bắt đầu từ năm 2019. Điều này bãi bỏ một cấu phần chính trong luật của ông Obama, nhưng các phần thiết yếu khác của luật vẫn được giữ nguyên.
—Sản xuất năng lượng không bị kìm hãm dưới các chính quyền trước. Nó được khai mở, đặc biệt là dưới thời tổng thống Obama, chủ yếu là do những tiến bộ trong công nghệ cắt phá bằng thủy lực (fracking) giúp việc khai thác các mỏ khí thiên nhiên khổng lồ trở nên rẻ hơn. Sản xuất dầu cũng tăng lên đáng kể, giúp giảm dầu nhập khẩu. Trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, Mỹ lần đầu tiên trong nhiều thập niên sử dụng năng lượng sản xuất trong nước nhiều hơn năng lượng nhập khẩu. Trước ông Obama, ông Bush không phải là đối thủ của ngành năng lượng.
Lời lẽ của Trump về sản xuất năng lượng của Mỹ là vậy, song một trong những hành động có hệ quả to lớn của ông trên cương vị tổng thống là cho phép Mỹ tiếp nhận một nguồn dầu khác của nước ngoài, với việc ông chấp thuận đường ống dẫn dầu Keystone XL từ Canada.
Nghĩ sao nói vậy (và nói theo TV)
Ông Trump hình thành ấn tượng ngay tức thì về những gì ông xem trên TV hoặc nghe thấy và chia sẻ những quan điểm đó, giống những người bình thường trên mạng xã hội hoặc bên những ly cà phê. Sự khác biệt là lời của tổng thống có hàng triệu người nghe và có thể làm thay đổi thế giới.
—Ông Trump khiến quan hệ với Anh căng thẳng bằng việc tweet lại những video phát tán bởi một nhóm cực hữu ngoài luồng ở Anh mà họ nói là cho thấy sự cực đoan của người Hồi giáo. “Di dân Hồi giáo đánh đập cậu bé người Hà Lan chống nạng!” lời giới thiệu về một đoạn video nói, cho thấy một thanh niên tấn công một thanh niên khác chống nạng. Kẻ tấn công không phải là di dân người Hồi giáo. Người này là một công dân sinh ra ở Hà Lan, đã bị bắt và bị kết án về tội ác này. “Sự thật rất quan trọng,” Đại sứ quán Hà Lan tại Washington nói trong một dòng tweet nhắm tới ông Trump.
—Tổng thống khiến nhiều người bối rối vào tháng 2 khi ông nói tại một cuộc tập hợp rằng nhập cư đang khiến bạo lực và chủ nghĩa cực đoan lan rộng ở Thụy Điển, nhắc tới “chuyện xảy ra đêm qua ở Thụy Điển.” Chẳng có gì bất thường xảy ra ở Thụy Điển vào đêm trước, ngày 17 tháng 2, cả. Chỉ là ông Trump tình cờ xem một nhà phân tích nói về đề tài này trên đài Fox News.
Nhưng ông mau chóng tuyên bố phát biểu của ông không sai khi trả lời phỏng vấn tạp chí Time vào tháng sau: “Tôi nói thế đấy, mọi người phát điên lên. Thế là hôm sau có bạo loạn lớn ghê lắm, chết chóc, và các vấn đề.”
Điều đó cũng không đúng. Hai ngày sau cuộc tập hợp của ông, bạo loạn nổ ra trong một khu dân nhập cư chiếm đa số sau khi cảnh sát bắt giữ một nghi phạm ma túy. Xe cộ bị đốt cháy và các cửa hàng bị cướp phá, nhưng không ai thiệt mạng. Những vụ tấn công ở Thụy Điển liên quan tới chủ nghĩa cực đoan vẫn hiếm; điều ngạc nhiên lớn nhất đối với nhiều người Thụy Điển là viên cảnh sát lại thấy cần thiết phải nổ súng.
—Khi một đoàn tàu Amtrak lao khỏi đường ray ở bang Washington vào tháng 12, làm ba người chết và làm hàng chục người bị thương, ông Trump ngay lập tức quảng bá hoạch cải thiện cơ sở hạ tầng của mình. Chỉ sau đó ông mới gửi lời chia buồn và cầu nguyện cho các nạn nhân và cảm ơn nhân viên cứu hộ. Dòng tweet mở màn của ông: “Vụ tai nạn xe lửa vừa xảy ra ở DuPont, WA cho thấy hơn bao giờ hết tại sao kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng sắp được đệ trình của chúng tôi phải được phê chuẩn nhanh chóng. Bảy ngàn tỉ đôla xài ở Trung Đông trong khi đường sá, cầu cống, đường hầm, đường ray của chúng ta (và nhiều hơn nữa) rệu rã! Không còn lâu nữa đâu!”
Dù ông Trump vội vàng kết luận chỉ trong vòng vài giờ sau vụ tai nạn, các nhà điều tra mất hàng tháng mới đi đến kết luận dựa trên các dữ kiện. Nhưng đây là những điều rõ ràng ngay lập tức: Đoàn tàu khi đó chạy chuyến đầu tiên khai trương một tuyến đường mới và nhanh, không phải là một tuyến đường rệu rã mà sẽ là một ưu tiên của một kế hoạch cơ sở hạ tầng quốc gia. Và chuyến tàu khi đó chạy với vận tốc cao gấp hai lần vận tốc giới hạn.
Quen, rồi không quen
Ông Trump tuyên bố biết rõ một số người nhất định, để rồi quay trược 180 độ nói rằng không biết gì. Việc ông có quen với họ hay không thay đổi theo hoàn cảnh chính trị.
Vì thế khi George Papadopoulos, một cố vấn trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, nhận tội hồi tháng 10 về những liên lạc với Nga. “Rất ít người biết tình nguyện viên trẻ tuổi, cấp thấp này,” ông Trump tweet một lời hồi đáp. Sau khi bổ nhiệm Papadopoulos vào hội đồng cố vấn chính sách đối ngoại của ông vào tháng 3 năm 2016, ông Trump gọi anh ta là “một người xuất sắc” và tweet một bức hình về cuộc họp hội đồng với Papadopoulos ngồi ngang hàng với một số cố vấn của ông.
Steve Bannon bị đối xử như vậy mấy tháng trước khi bị sa thải khỏi vị trí chiến lược gia Nhà Trắng vào năm ngoái.
Ông Trump nói ông đã biết ông Bannon “từ nhiều năm qua” khi ông này trở thành giám đốc chiến dịch tranh cử của ông Trump vào tháng 8 năm 2016. Khi vị trí chiến lược gia trưởng của ông Bannon bị lung lay vào tháng 4, ông Trump nói “Trước đây tôi đâu có biết ông ta” khi Bannon được bổ nhiệm là giám đốc điều hành chiến dịch.
Ông Trump và ông Bannon trước đó đã quen biết nhau năm năm khi ứng cử viên Đảng Cộng hòa Trump, một tháng sau khi nhận đề cử, cho ông Bannon làm giám đốc điều hành chiến dịch.
David Bossie, người từng là phó quản lý chiến dịch của ông Trump, nói với AP rằng ông đã giới thiệu hai người với nhau vào năm 2011 tại tòa nhà Trump Tower và họ đã trở nên thân quen với nhau, khi ông Trump xuất hiện nhiều lần trên chương trình radio Breitbart của ông Bannon. Ông Bannon phỏng vấn ông Trump ít nhất chín lần vào năm 2015 và 2016 và các thành viên trong gia đình và ban vận động của ông trong nhiều dịp khác. “Họ tin vào các chủ trương của nhau, đó là lý do tại sao họ thân nhau như vậy,” ông Bossie nói.
Twitter sẽ báo người dùng biết họ
đã tiếp xúc với tuyên truyền của Nga
Twitter, hiện đang rà soát sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử năm 2016 ở Mỹ, cho biết họ sẽ thông báo cho một số người dùng biết liệu họ có tiếp xúc với các nội dung được tạo ra bởi một cơ quan tình nghi là cơ quan tuyên truyền Nga hay không.
Công ty cho biết họ sẽ gửi email cho 677,775 người ở Mỹ đã theo dõi, tweet lại hoặc thích những nội dung từ các tài khoản liên kết với Cơ quan Nghiên cứu Internet (IRA) trong suốt cuộc bầu cử.
IRA là một tổ chức của Nga mà, theo các nhà lập pháp và các nhà nghiên cứu, đã thuê hàng trăm người để thúc đẩy những nội dung ủng hộ Điện Kremlin dưới các tài khoản mạng xã hội giả tạo.
Twitter nói thêm rằng bởi vì họ đã đình chỉ các tài khoản này nên những nội dung đó không còn xuất hiện công khai trên nền tảng của họ nữa.
Các giám đốc điều hành Twitter hôm thứ Tư nói với các nhà lập pháp Mỹ rằng họ có thể sẽ thông báo cho người dùng biết về những tuyên truyền của Nga.
Công ty này hồi tháng 9 cho biết họ đã đình chỉ khoảng 200 tài khoản có liên hệ tới Nga và sau đó đình chỉ các quảng cáo từ hai cơ quan truyền thông là Russia Today và Sputnik vào tháng 10.
Tòa án Tối cao sẽ phán quyết
tính hợp pháp của lệnh cấm du hành của Trump
Tòa án tối cao Hoa Kỳ hôm thứ Sáu đã ấn định một cuộc đối đầu lớn liên quan tới quyền hành của tổng thống, đồng ý phán quyết về tính hợp pháp của lệnh cấm du hành mới nhất của Tổng thống Donald Trump nhắm vào công dân từ sáu nước với đa số dân là người Hồi giáo.
Tòa án với thành phần bảo thủ chiếm đa số theo lịch sẽ nghe các bên đưa ra luận cứ vào tháng 4 và phán quyết vào cuối tháng 6 về việc liệu lệnh cấm có vi phạm luật di trú liên bang hay điều khoản của Hiến pháp Hoa Kỳ cấm kì thị tôn giáo hay không. Chính sách của ông Trump, được loan báo vào tháng 9, đã ngăn hầu hết công dân từ các nước Chad, Iran, Libya, Somalia, Syria và Yemen nhập cảnh Mỹ.
Cuộc chiến pháp lý liên quan đến phiên bản thứ ba của một chính sách gây tranh cãi mà ông Trump lần đầu tiên tìm cách thi hành một tuần sau khi nhậm chức vào tháng 1 năm 2017.
Tòa án Tối cao, đang thụ lý một loạt các vụ kiện tụng có hệ quả lớn trong nhiệm kỳ hiện thời, ra dấu hiệu vào ngày 4 tháng 12 cho thấy rằng họ có thể sẽ giữ nguyên chính sách này. Sau khi các tòa án cấp thấp hơn đã ngăn chặn một phần chính sách này, Tòa án Tối cao biểu quyết với tỉ lệ 7-2 cho phép lệnh cấm có hiệu lực hoàn toàn trong khi các thách thức pháp lý do bang Hawaii và những nguyên đơn khác đệ trình vẫn tiếp tục.
Tổng thống Đảng Cộng hòa đã nói rằng chính sách này là cần thiết để bảo vệ Mỹ khỏi bị những kẻ chủ chiến Hồi giáo tấn công khủng bố.
Những người thách thức chính sách này lập luận nó được thúc đẩy bởi sự thù ghét của ông Trump đối với người Hồi giáo, nhấn mạnh điểm này tại tòa với một số thành công bằng cách trích dẫn những tuyên bố mà ông Trump đã đưa ra khi còn là một ứng cử viên và trên cương vị tổng thống.
Khi còn là ứng cử viên, ông Trump đã hứa “đình chỉ dứt điểm và hoàn toàn những người Hồi giáo nhập cảnh Hoa Kỳ.” Trên cương vị tổng thống, ông đã hủy bỏ các biện pháp bảo vệ dành cho hàng trăm ngàn người nhập cư được đưa vào Mỹ bất hợp pháp khi còn nhỏ, tìm cách tăng cường các vụ trục xuất và theo đuổi các biện pháp mới hạn chế nhập cư hợp pháp.
Vào tháng 11, ông chia sẻ các video bài xích người Hồi giáo trên Twitter do một nhân vật chính trị chủ trương cực hữu của Anh đăng tải.
Đức : Đảng SPD họp đại hội bất thường
về tham gia chính phủ liên minh
Bốn tháng sau cuộc bầu cử Quốc Hội, nước Đức vẫn chưa thành lập được chính phủ mới. Hôm nay, 21/01/2018, tại Bonn, đảng Xã Hội – Dân Chủ mở đại hội bất thường để quyết định có đàm phán phán hay không với đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo của thủ tướng Angela Merkel nhằm thành lập chính phủ liên minh.
Nội bộ SPD vẫn tiếp tục chia rẽ, chủ tịch đảng ông Martin Schulz sẽ phải cố gắng thuyết phục các lãnh đạo trong đảng để tham gia chính phủ liên minh.
Đặc phái viên RFI tại Bonn, Pascal Thibault tường trình:
Chính tại trụ sở Quốc Hội cũ (thời tây Đức), hôm nay diễn ra đại hội bất thường của đảng SPD. Điều này mang ý nghĩa biểu tượng bởi đại hội sẽ cho biết liệu phe Xã Hội-Dân Chủ có chấp nhận hay không tham gia liên minh với phe bảo thủ trong Quốc Hội được bầu hôm 24/09 vừa qua.
Cũng như tại đại hội gần đây nhất hồi tháng 12, đảng SPD sẽ tiến hành xem lại nội tình. Một số người trong đảng do chủ tịch Martin Schulz dẫn đầu sẽ bảo vệ các thỏa thuận sơ bộ đã có được cách đây 10 ngày với đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo và họ sẽ phải ủng hộ khởi sự các cuộc thương lượng nghiêm túc với phe bảo thủ. Họ bảo vệ những tiến bộ mà SPD đã đạt được trong văn kiện đầu tiên về chủ đề châu Âu hay các hồ sơ xã hội.
Với những người kiên quyết phản đối liên minh mới do phong trào thanh niên của SPD dẫn đầu, thì đảng Xã Hội Dân Chủ đang tích thêm một thất bại lịch sử như cách đây 4 tháng, sau liên minh kéo dài 4 năm với phe bảo thủ và SPD phải rút ra bài học và tự củng cố mình trong vị thế đối lập.
Lập trường đó càng trở nên kiên quyết khi những người phản đối liên minh lớn không nhận thấy trong thỏa thuận sơ bộ với cánh hữu có đường lối cánh tả của họ.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180121-duc-dang-canh-ta-spd-hop-ban-tham-gia-chinh-phu-lien-minh
Pháp rút đơn xin tổ chức Triển lãm Hoàn cầu 2025
Là chủ nhà của Cúp Bóng Bầu dục Thế giới 2023, tiếp theo là Thế Vận Hội 2024, Pháp quyết định từ bỏ xin đăng cai tổ chức Triển lãm Hoàn cầu 2025 vì sợ rủi ro tài chính. Quyết định này đã khiến nhiều người ủng hộ dự án thất vọng.
Thông báo chính thức đã được thủ tướng Pháp Edouard Philippe gửi đến ông Pascal Lamy, chủ tịch ủy ban tổ chức Expofrance 2025 hôm 19/01/2018 và được tuần báo Journal du Dimanche (JDD) công bố ngày 21/01.
Trong thư, thủ tướng Pháp nhắc đến triển vọng không vững chắc trong mô hình kinh tế của dự án Pháp và nói rõ trong bối cảnh « hồi phục tài chính công », ông không muốn « bắt tương lai phải chịu thêm những cam kết không thực hiện được ».
Theo tính toán, Pháp hy vọng thu hút được khoảng 35 đến 40 triệu khách tham quan, với giả thuyết khả quan nhất là đón được 65 triệu. Nhưng với con số thực lượng khách tham quan Triển lãm Hoàn cầu Milano 2015 (khoảng 20 triệu người) thì chính phủ Pháp cho rằng thu nhập sẽ bị giảm (từ 1,3 tỉ euro xuống còn 455 triệu euro) và như vậy sẽ là một rủi ro cho tài chính công.
Những người ủng hộ dự án đã phản đối gay gắt quyết định của thủ tướng Philippe vì Triển lãm Hoàn cầu 2025 là « cơ hội để nước Pháp thể hiện với thế giới, tái khẳng định các giá trị phổ quát và cổ vũ những tài năng văn hóa và khoa học của nước này », như phản ứng tiếc nuối của đảng Xã Hội.
Chủ tịch nhóm đảng Xanh EEVL tại Hội đồng Paris cho rằng « chi phí cho Thế Vận Hội 2024 đã giết chết dự án này ». Kể từ năm 1900, Pháp chưa từng tổ chức Triển lãm Hoàn cầu.
http://vi.rfi.fr/phap/20180121-phap-rut-don-xin-to-chuc-trien-lam-hoan-cau-2025
Woody Allen lại bị con gái nuôi tố cáo lạm dụng tình dục
Trả lời phỏng vấn đài CBS, Dylan Farrow, con gái nuôi của Woody Allen một lần nữa tố cáo nhà đạo Mỹ lạm dụng tình dục. Nhiều diễn viên điện ảnh lên tiếng lấy làm tiếc đã nhận lời tham gia các bộ phim của ông.
Woody Allen có thể tránh được đến bao lâu trận cuồng phong của làn sóng #Metoo đã làm rúng động giới nghệ sĩ và đạo diễn điện ảnh kể từ sau tiết lộ nhắm vào nhà sản xuất phim Harvey Weinstein ?
Hôm thứ Năm 18/01/2018, Dylan Farrow, con gái nuôi của vị đạo diễn Mỹ lừng danh một lần nữa tố cáo ông lạm dụng tình dục khi cô có 7 tuổi. Lời cáo buộc của cô đã nhận được sự ủng hộ từ người anh trai Ronan Farrow, cũng là một nhà báo và là người tiết lộ vụ tai tiếng Weinstein.
Ngay sau đó, Woody Allen đã bác bỏ những lời cáo buộc trên và lên án Dylan Farrow đã « lợi dụng một cách vô liêm sỉ » làn sóng chống quấy nhiều tình dục để đưa ra « những tố cáo không đáng tin cậy ».
Dylan Farrow năm nay 32 tuổi, từ 26 năm qua không ngừng tố cáo Woody Allen lạm dụng tình dục. Những cáo buộc này lại trùng khớp với tiết lộ về mối quan hệ của ông với một cô con gái nuôi khác của Mia Farrow, là Soon – Yi Previn, nhỏ hơn ông đến 35 tuổi.
Tuy nhiên, cho đến lúc này, Woody Allen vẫn luôn bác bỏ các cáo buộc trên. Ông cho rằng cô con gái nuôi đã bị người vợ cũ là Mia Farrow xúi bẩy nói dối sau cuộc ly hôn đầy căng thẳng. Dù tai tiếng này chưa bao giờ buông tha ông, nhưng cũng không vì thế cản trở Woody Allen trình làng những bộ phim nổi tiếng và đoạt giải các giải thưởng lớn trong các kỳ liên hoan phim quốc tế danh tiếng.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180121-woody-allen-lai-bi-con-gai-nuoi-to-cao-lam-dung-tinh-duc
Các nghị sĩ Mỹ ủng hộ cựu tổng thống Brazil Lula
Vài ngày trước phiên xử phúc thẩm, sự ủng hộ của quốc tế đối với ông Lula Da Silva gia tăng. Tại Hoa Kỳ, khoảng một chục nghị sĩ đã gửi thư tới chính quyền Brazil tố cáo « một chiến dịch trấn áp tư pháp » nhắm vào cựu tổng thống Brazil.
Từ Sao Paulo, thông tín viên Martin Bernard cho biết thêm thông tin :
12 người, đó là những nghị sĩ Quốc Hội lưỡng viện ở Washington, đã ủng hộ cựu tổng thống Brazil. Ông bị buộc tội tham nhũng và bị kết án 9 năm rưỡi tù trong phiên xử sơ thẩm.
Vài ngày trước phiên xử phúc thẩm, sẽ diễn vào thứ Tư 24/01, các nghị sĩ Mỹ đã gửi một bức thư tới đại sứ Brazil tại Hoa Kỳ và 11 thẩm phán Tòa Án Tối Cao Brazil.
Các nghị sĩ Mỹ khẳng định rằng ông Lula là nạn nhân một vụ án chính trị và các quyền bào chữa, bảo vệ lợi ích của ông không được tôn trọng. Họ coi đó là một chiến dịch trấn áp tư pháp.
Sáng kiến của các nghị sĩ Mỹ hưởng ứng một kiến nghị đòi cho ông Lula Da Silva được quyền ra ứng cử trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 10 tới, cho dù ông đang gặp rắc rối với tư pháp. Bốn cựu tổng thống các nước châu Mỹ Latinh và hai nhà làm phim, Oliver Stone và Costa-Gavras, đã ký kiến nghị này.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180121-cac-nghi-si-my-ung-ho-cuu-tong-thong-brazil-lula
Hoa Kỳ : « Shutdown » tác động đến cả du khách
Hoa Kỳ một lần nữa rơi vào tình trạng « Shutdown », tức một số cơ quan chính phủ Mỹ phải đóng cửa, tạm ngưng hoạt động, công chức tạm thất nghiệp và sẽ bị trả lương chậm vì thiếu ngân sách. Đảng Cộng Hòa và Dân chủ đã không đạt được thỏa thuận cho ngân sách chính phủ liên bang. Tình trạng « shutdown » này đang bắt đầu có những tác động đầu tiên trong lĩnh vực du lịch.
Tại New York, khu tượng đài Nữ Thần Tự Do và Bảo tàng Di Dân hôm qua 20/01/2018 không mở cửa khiến nhiều người du khách thất vọng.
Thông tín viên Marie Bourreau tại New York :
Bình thường, khi họ nghe tiếng còi hụ, du khách biết ngay là chỉ cần có 10 phút băng sông là đến khu vực tượng Nữ Thần Tự Do và bảo tàng Ellis Island. Thế nhưng, hôm nay, do không đạt được đồng thuận về ngân sách liên bang, họ đành phải chiêm ngưỡng tượng từ xa. Một nỗi thất vọng tràn trề đối với Benjamin, du khách Pháp dành một tuần đến thăm Big Apple (biệt danh của thành phố New York).
‘‘Chúng tôi chỉ làm một vòng du ngoạn trên sông. Chúng tôi không thể đến và đặt chân lên Ellis Island hay Liberty Island’’.
Nằm dưới sự quản lý của Công Viên Quốc Gia, bảo tàng về di dân và khu vực tượng Nữ Thần Tự Do đã bị đóng cửa do tình trạng ‘‘shutdown’’, đặt nhiều công chức vào tình trạng thất nghiệp tạm thời. Coraline đã biết vụ việc nhưng cũng chẳng buồn tìm hiểu hậu quả
‘‘Chúng tôi có biết thông tin này khi chúng tôi đang dùng bữa điểm tâm ở khách sạn. Chúng tôi thấy « shutdown » cùng với việc đếm ngược giờ nhưng chúng tôi chẳng biết chính xác đó là gì và người ta đã giải thích điều đó với chúng tôi hôm nay…’’
Rất nhiều du khách, ngay vào lúc lên tầu, ít nhiều cũng đã bình tĩnh khám phá rằng chiếc vé mà họ mua trước đó không còn giá trị nữa.
‘‘ Đây là lần đầu tiên chúng tôi đến đây, nhưng thôi không sao, việc này cũng đâu có làm tôi chết đâu, chẳng sao cả. Còn có nhiều thứ nghiêm trọng hơn trong cuộc sống’’.
Trong lần shutdown cuối cùng năm 2013, tượng Nữ Thần Tự Do đã bị đóng cửa trong vòng hai tuần »
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180121-hoa-ky-%C2%AB-shutdown-%C2%BB-tac-dong-den-du-khach
Thổ Nhĩ Kỳ tấn công lực lượng Kurdistan tại Syria
Thổ Nhĩ Kỳ đã biến lời đe dọa thành hiện thực. Sau nhiều ngày chuẩn bị, ngày 20/01/2018, Ankara đã chính thức tung chiến dịch oanh kích « Nhánh Ô liu » nhắm vào Lực lượng Bảo vệ Nhân dân Kurdistan (YPG), luôn bị Ankara liệt vào danh sách « khủng bố », hiện kiểm soát vùng Afrin trên lãnh thổ Syria..
Chỉ sang ngày thứ hai của chiến dịch (21/01), quân nổi dậy Syria, được Ankara hậu thuẫn, và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã vào được vùng do lực lượng Kurdistan kiểm soát ở Afrin.
Từ Istanbul, thông tín viên RFI Alexandre Billette cập nhật diễn tiến :
Trước tiên, không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã oanh kích khoảng 100 mục tiêu. Sau đó, những chiến xa vượt biên giới hai nước để yểm trợ cho các lực lượng nổi dậy Syria thân Thổ Nhĩ Kỳ đã được triển khai tại chỗ.
Thổ Nhĩ Kỳ mở màn được chiến dịch này là nhờ Matxcơva. Nga đã rút hết quân khỏi khu vực liên quan. Hiện Nga lên tiếng kêu gọi « kiềm chế », một nghi thức ngoại giao chừng mực từ phía Matxcơva. Dường như Nga chấp nhận cuộc tấn công này của Thổ Nhĩ Kỳ với hy vọng là chiến dịch nhanh chóng hoàn tất và đổi lại Matxcơva sẽ nhận được một số nhượng bộ từ phía Ankara.
Ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ dấn thân vào một chiến dịch quy mô lớn, song cũng bắt đầu chú ý đến phản ứng ngoại giao. Một điều chắc chắn hiện nay là chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ không hề có ý định dừng lại. Tổng thống Erdogan đã nói rõ : Sau Afrin, chúng ta sẽ tấn công Manbij, một thành phố khác bị lực lượng Kurdistan kiểm soát ».
Ngoại trưởng Nga-Mỹ điện đàm về Syria
Theo Reuters, ngay khi Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch tấn công Afrin, ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và đồng nhiệm Mỹ Rex Tillerson đã thảo luận qua điện thoại về « tình hình tại Syria, kể cả những vấn đề liên quan đến giải pháp nhằm đảm bảo sự ổ định ở miền bắc nước này », theo đề xuất từ phía Mỹ. Hai lãnh đạo ngoại giao cũng nhắc đến « tiến trình giải quyết hòa bình cuộc xung đột tại Syria dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc ». Trong khi đó, vòng đàm phán mới về tình hình Syria dưới sự bảo trợ của Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ diễn ra tại Sotchi (Nga) vào cuối tháng Giêng.
Trong khi đó, 500 chiến binh Syria đầu tiên thuộc Lực lượng Biên phòng do Mỹ và liên quân quốc tế huấn luyện đã tốt nghiệp ngày 20/01 ở thành phố Hassaké. Đây là lực lượng khiến Thổ Nhĩ Kỳ tức giận vì gồm cả Lực lượng Bảo vệ Nhân Dân Kurdistan (YPG), luôn bị Ankara liệt vào danh sách « khủng bố », đồng thời đe dọa tấn công vùng Afrin (đông bắc Syria) do YPG kiểm soát.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180121-tho-nhi-ky-tan-cong-luc-luong-kurdistan-tai-syria