Quốc hội Mỹ tìm cách tránh tình trạng đóng cửa chính phủ
Các đảng viên Cộng hòa trong Hạ viện Mỹ ngày 18/1 định xúc tiến biểu quyết một biện pháp chi tiêu tạm thời để tránh việc chính phủ bị đóng cửa sau thời hạn chót là nửa đêm 19/1.
Các nhà lập pháp có hai lựa chọn: một là nhất trí biện pháp chi tiêu tạm thời trong 1 tháng, hai là đóng cửa chính phủ cho đến khi nào thống nhất được về ngân quỹ.
Nếu biện pháp tạm thời được thông qua, tháng sau các nhà lập pháp sẽ thương lượng một gói chi tiêu trang trải cho phần còn lại của năm tài khóa 2018 chấm dứt vào ngày 30/9.
Và nếu họ thông qua biện pháp tạm thời thì đây là biện pháp thứ tư kiểu này trong những tháng gần đây.
Khó khăn
Lãnh đạo phe Cộng hòa ở Quốc hội đang chật vật kiếm cho đủ sự ủng hộ đối với biện pháp chi tiêu tạm thời 1 tháng. Một số người phản đối việc thông qua thêm một dự luật chi tiêu tạm thời nữa, một số người muốn chi tiêu dành cho các chương trình quốc phòng nhiều hơn ngay cả trong dự luật tạm thời này.
Di trú cũng là vấn đề gây khó khăn. Một số nhà lập pháp Dân chủ tuyên bố sẽ phản đối bất cứ kế hoạch chi tiêu nào thiếu sự bảo vệ dành cho 800 ngàn di dân tới Mỹ bất hợp pháp từ nhỏ, còn được gọi là thế hệ ‘Dreamers’. Nhóm di dân này không bị trục xuất nhờ chương trình DACA dưới thời Tổng thống Obama. Chương trình này đã bị Tổng thống Trump chấm dứt hồi năm ngoái.
Vấn đề thứ ba là bảo hiểm trẻ em. Ông Trump phản đối một biện pháp có thể gia hạn bảo hiểm sức khỏe trẻ em trong 6 năm tới. Biện pháp này được đông đảo phe Dân chủ ủng hộ nhưng chỉ được một số nhà lập pháp Cộng hòa tán thành như một phương tiện để dự luật được thông qua.
Gói chi tiêu đang được biểu quyết không bao gồm đủ số chi tiêu cho quốc phòng để làm hài lòng phe Cộng hòa, không bảo vệ các di dân Dreamers, và những điều khoản về bảo hiểm sức khỏe trẻ em rất khiêm tốn so với những đòi hỏi của phe Dân chủ.
Gói chi tiêu tạm thời dự kiến được Hạ viện biểu quyết vào 7 giờ tối nay, giờ miền Đông Hoa Kỳ.
Hành động từ Thượng viện
Nếu được Hạ viện thông qua, gói chi tiêu tạm thời này sẽ được Thượng viện biểu quyết vào ngày mai, 19/1.
Nhưng chưa chắc là nó sẽ được thông qua. Hai Thượng nghị sĩ Cộng hòa đã thông báo không ủng hộ biện pháp này, nghĩa là dự luật cần sự ủng hộ của ít nhất 11 Thượng nghị sĩ Dân chủ mới đạt được 60 phiếu cần có để được thông qua.
Chính phủ Mỹ từng bị đóng cửa trước đây. Lần cuối cùng vào năm 2013 vì bế tắc về chính sách chăm sóc sức khỏe. Lần đó chính phủ bị đóng cửa 16 ngày và hàng trăm ngàn nhân viên chính phủ liên bang phải nghỉ ở nhà.
Những công việc nào phải ngưng lại và những phần việc nào vẫn tiếp tục hoạt động trong giai đoạn chính phủ đóng cửa còn tùy, nhưng các dự án nghiên cứu liên bang phải ngưng trệ, công viên quốc gia đóng cửa, các chương trình dinh dưỡng liên bang bị đình chỉ, đình hoãn xét duyệt đơn xin trợ cấp khuyết tật của cựu chiến binh, như trường hợp của năm 2013.
Kể từ năm 1976, chính phủ Mỹ đã chính thức đóng cửa 18 lần. – VOA