Tin Việt Nam – 19/01/2018
Viết Facebook, nhiều người bị ‘mời lên phường’
Tại Việt Nam, đã có những trường hợp bị giới chức mời đến làm việc vì cho là vi phạm khi đăng thông tin trên Facebook, nhưng một luật sư nói luật hiện hành không quy định rõ ràng vấn đề này.
‘Chương May Mắn’ nói về ảnh Cần Thơ
Giám định chết ở đồn công an ‘là bí mật’?
Thừa Thiên-Huế hủy phạt, xin lỗi bác sĩ Truyện
Công an Vĩnh Long và vụ Nguyễn Hữu Tấn ‘tự sát’
VN không hài lòng vì Facebook thiếu hợp tác
“Mời lên phường”
Từ Hà Nội, nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh cho BBC biết đã ít nhất sáu lần bị “mời lên phường”, trong đó bốn lần do nội dung bà viết trên Facebook.
Bà Hạnh nói nhiều người trong giới hoạt động đòi dân chủ tại Việt Nam cũng bị nhiều lần “mời lên phường”, hoặc “ép lên phường” vì những nguyên nhân tương tự.
Mới đây nhà hoạt động Nguyễn Văn Trung Sơn cho hay một Facebooker có tên Võ Phương Thuận bị mời lên Trụ sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Long An làm việc do “đăng bài viết trên mạng xã hội có dấu hiệu vi phạm pháp luật”.
Báo chí nhà nước từng tường thuật vụ Facebooker “Chương May Mắn” bị Sở Thông tin Truyền thông Cần Thơ yêu cầu “đến làm việc” do đăng hình cổng chào của địa phương cạnh ảnh đồ lót nữ.
“Hiểu quyền của mình”
Bà Thúy Hạnh nói bà hiểu quyền của mình nên “chưa lên trình diện lần nào theo thư mời”.
“Tôi có quyền không đi khi nhận được thư mời từ nhà chức trách”, bà Hạnh nói với BBC.
Facebooker “Chương May Mắn” cũng cho BBC biết không đi vì ông “có tự do tưởng tượng, biểu đạt mà không vi phạm pháp luật hoặc thuần phong mỹ tục.”
Sau 20 năm, Internet ‘chuyển hoá’ Việt Nam như thế nào?
VN: ‘Báo chính thống lẽo đẽo theo mạng xã hội’
Facebook nói gì về vụ VN ‘chặn thông tin xấu’?
Nhìn từ góc độ luật pháp, luật sư Phùng Thanh Sơn từ TP Hồ Chí Minh cho BBC biết về luật pháp “nếu là mời thì người ‘được mời’ có quyền không đi.”
“Hiện tại không có bất kỳ quy định nào quy định khi người dân nhận được giấy mời của cơ quan có thẩm quyền (kể cả công an) thì phải đi hoặc là sẽ bị chế tài.”
Nếu là lệnh ‘triệu tập’ thì rắc rối hơn, nhưng “chỉ những người tiến hành tố tụng như điều tra viên, thẩm phán được phân công thụ lý vụ án mới được triệu tập”, theo luật sư Sơn.
“Việc triệu tập này chỉ có thế được thực hiện sau khi khởi tố vụ án. Do đó, nếu khi chưa có quyết định khởi tố mà công an gửi giấy triệu tập là không đúng quy định và có dấu hiệu của việc lạm quyền. Trong trường hợp này, người bị triệu tập có thể làm đơn khiếu nại hoặc tố cáo hành vi lạm quyền đó đến cơ quan có thẩm quyền.”
Luật ‘không rõ ràng’
Khi có thư mời người viết Facebook lên làm việc, một trong các lý do được giới chức đưa ra là “đăng tải nội dung có dấu hiệu vi phạm pháp luật”.
Tuy nhiên luật sư Phùng Thanh Sơn nói thế nào là ‘vi phạm pháp luật’ lại không được quy định rõ ràng trong luật hiện hành.
“Nếu bày tỏ ý kiến cá nhân thích hoặc không thích, thậm chí phê phán, chê bất kỳ tổ chức, cá nhân, chính sách, hiện tượng nào thì đây là việc hoàn toàn bình thường, là quyền tự do ngôn luận của mỗi cá nhân đã được ghi nhận một cách minh thị trong Hiến pháp năm 2013,” luật sư Sơn nói.
“Nhưng nếu bày tỏ ý kiến cá nhân mà chứa đựng nội dung xúc phạm, bôi nhọ, thông tin sai sự thật thì tuỳ theo tính chất mức độ vi phạm người đăng tải có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi làm nhục hoặc hành vi vu khống người khác.”
Hiện nay luật không có định nghĩa, giải thích thế nào là tuyên truyền hay xuyên tạc chống phá.Luật sư Phùng Thanh Sơn
“Việc một thông tin xấu mà đúng sự thật 100% thì việc người dân chia sẻ thông tin đó không thể gọi là tuyên truyền chống phá người có thông tin bất lợi bị chia sẻ được.”
“Hiện nay luật không có định nghĩa, giải thích thế nào là tuyên truyền hay xuyên tạc chống phá.”
“Chính vì vậy mà tội tuyên truyền chống phá nhà nước đang bị lạm dụng để xử lý người bất đồng chính kiến,” luật sư từ TP Hồ Chí Minh nói với BBC.
Luật sư Sơn cho rằng “trước khi đăng bất kỳ nội dung nào trên mạng xã hội, người đăng cần xác định mục đích của việc đăng tải đó là gì và nội dung có làm tổn thương người khác không hay có làm cho xã hội tốt hơn không.”
Nhưng không phải ai cũng biết thấu đáo quyền lợi và trách nhiệm của mình như vậy.
Bà Thúy Hạnh nói một số người mới tham gia hoạt động nhân quyền, nhận được giấy mời như vậy thì “run lắm”.
Câu chuyện được nêu ra trong bối cảnh giới chức Việt Nam cho hay sẽ đẩy mạnh xử lý các thông tin xấu, độc hại trên mạng xã hội.
Mới đây, Bộ Trưởng Thông tin và Truyền Thông Trương Minh Tuấn có buổi làm việc với đại diện Facebook tại Hà Nội, nơi ông Tuấn khen ngợi Facebook ‘hợp tác tốt’ khi tháo gỡ khoảng gần 700 tài khoản vi phạm theo yêu cầu của bộ.
Tuy nhiên ông khuyến khích Facebook “phát triển lành mạnh” hơn tại Việt Nam, theo truyền thông trong nước.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42742928
Tại sao Chính phủ Việt Nam đổi tên Tập đoàn Viettel?
Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel vừa chính thức đổi tên thành Tập đoàn Công Nghiệp – Viễn thông Quân đội, theo nghị định chính phủ công bố hôm 12/1.
Hai nhà quan sát và phân tích quân sự, Jon Grevatt và Carl Thayer, chia sẻ hai quan điểm tương đối khác nhau về động thái này.
Mở rộng chương trình quốc phòng tại Viettel
Nhà phân tích công nghiệp quốc phòng của hãng chiến lược Jane’s, ông Jon Grevatt nói với BBC hôm 19/1 rằng việc đổi tên cho thấy Viettel, hay Bộ Quốc phòng, đang tái cấu trúc và mở rộng việc phát triển công nghiệp quốc phòng của Việt Nam.
Đại tá Viettel về Bộ Tư lệnh Tác chiến mạng
‘Cần phấn đấu có nhiều Viettel hơn nữa’
Việt Nam: Quân đội vẫn làm kinh tế, nhưng sẽ giảm?
Nghị định 05/2018/ND-CP cho phép Viettel quản lý hệ thống viễn thông cũng như “thiết kế, nghiên cứu, phát triển, sản xuất, lắp ráp và sửa chữa hệ thống liên lạc quân sư và các thiết bị khác”.
Ông Grevatt nhận định động thái này có thể là hướng phát triển hệ thống C4ISR, là hệ thống chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc tình báo và trinh sát.
Ông Grevatt nói C4ISR dùng kỹ thuật điện tử để tăng cường khả năng tác chiến giữa các hệ thống phòng thủ và tấn công, giúp tăng cường quy mô phòng vệ, gia tăng khả năng phát hiện kẻ thù, hay giám sát trong vùng đặc quyền kinh tế v.v…
“Không chỉ Việt Nam, mà Thái Lan, Campuchia và Singapore đều đang mở rộng phát triển trong mảng phòng thủ C4ISR này. Nếu như anh không cập nhật và phát triển, anh sẽ tạo ra mở ra một lỗ hổng điểm yếu.
“So sánh với các nước trong khu vực, Việt Nam thật ra chậm hơn một chút. Chắc chắn là không thể sánh với Singapore vì nó là nước có nhiều mối liên kết quốc tế nhất trong khu vực. Nhưng Thái Lan có lẽ cũng vượt mặt Việt Nam, trong việc hiểu và sử dụng C4ISR,” ông Grevatt nói.
Đổi tên để ‘hợp thức hóa và thu giữ lợi nhuận’?
Nhưng theo giáo sư Carl Thayer, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam và bang giao quốc tế, việc Viettel đổi tên tạo ra một “vỏ bọc hoàn hảo”.
Theo vị giáo sư của Học viên Hải quân Úc, việc đổi tên là một cách để Bộ Quốc Phòng hợp thức hoá tính sở hữu của bộ đối với tập đoàn Viettel.
Ông Thayer nói bộ có thể sử dụng ngân sách để đầu tư vào mục đích quốc phòng nhưng đồng thời thu giữ các nguồn lợi nhuận khác bao gồm cả thương mại lẫn quốc phòng.
Carl Thayer nói ông nghi ngờ liệu chính phủ Việt Nam có bất cứ hệ thống nào giám sát hiệu quả các hoạt động thu chi ngân sách của Bộ Quốc Phòng.
Năm 2017, lợi nhuận của Viettel đạt mức kỷ lục với 250.800 tỷ VND và nhắm tới 500.000 tỷ VND vào 2020.
Vốn điều lệ hiện tại của Viettel tính tới 5/1/2018 là 121.520 tỷ và dự kiến sẽ tăng lên 300.000 tỷ VND đến hết năm 2020.
Lãnh đạo Hà Nội và Viettel ‘đã gặp cụ Kình’
Các góc nhìn ‘Quân đội VN trong kinh doanh’
Viettel mở mạng di động ở Tanzania
Tuy nhiên NĐ 05/2018/ND-CP cũng cho thấy chính phủ Việt Nam, hiện đang sở hữu 100% vốn điều lệ của Viettel, có khả năng cổ phần hoá tập đoàn này.
Theo ông Thayer, từ 2007, Viettel đã được chỉ thị là một trong những doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc Phòng cần phải cổ phần hoá những mảng đầu tư không thuộc quân đội.
Nhưng đã hơn 10 năm qua, Viettel vẫn hoàn toàn thuộc quyền sở hữu và quản lý của Bộ Quốc Phòng và không chỉ thống lĩnh mảng viễn thông, Viettel còn có nhiều công ty con trên nhiều mảng, như mạng Internet 4G, bất động sản, ngân hàng, bưu chính, truyền thông, trung tâm thể thao…
“Nếu chỉ phát triển quân sự thì anh thu lợi nhuận bằng cách nào? Và việc xây dựng trung tâm bóng đá thì liên quan gì đến quân đội?” ông Thayer đặt câu hỏi.
Ông nhận định, Viettel rõ ràng đang là viên ngọc quý, đem về lợi nhuận vô cùng lớn trong và cả ngoài nước, không dễ gì Bộ Quốc phòng từ bỏ.
Viettel hiện có hơn 85 triệu người sử dụng các loại dịch vụ tập đoàn này cung cấp trên 12 quốc gia, phần lớn nằm trong khu vực Đông Nam Á, Nam Mỹ và Châu Phi.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42747552
VN trả giá mô hình qua vụ Thăng – Thanh?
Vụ án và phiên tòa xét xử các ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và những người khác tại Hà Nội cho thấy Việt Nam đang phải ‘trả một giá’ cho những vấn đề ở nội bộ và thể chế có nguồn gốc ít nhất từ 20-30 năm trước, một nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam từ Amsterdam nói với BBC.
Trao đổi với Bàn tròn thứ Năm của BBC Việt ngữ hôm 18/01/2018 từ Amsterdam, Tiến sỹ Jonathan London từ Đại học Leiden, Hà Lan, cũng bình luận về khía cạnh có hay không ‘pháp quyền’ qua phiên tòa này, ông nói:
Vụ xử ông Thanh là ‘mũi tên bắn nhiều con chim’
Phiên tòa Thăng & Thanh – nước mắt và công lý
Ai mà nghĩ là Việt Nam có pháp quyền thỉ chẳng biết gì về pháp quyền. Pháp quyền thì bộ máy tư pháp hoàn toàn tự chủ, chắc chắn Việt Nam chưa có cái đóTS. Jonathan London
Vì sao nhà Trịnh Xuân Thanh nộp khắc phục 4 tỷ?
Hai phiên tòa và giọt nước mắt quan chức
“Ai mà nghĩ là Việt Nam có pháp quyền thì chẳng biết gì về pháp quyền. Pháp quyền thì bộ máy tư pháp hoàn toàn tự chủ, chắc chắn Việt Nam chưa có cái đó.
“Và đại đa số người Việt Nam có đọc, có biết, có tìm hiểu thì cũng biết rất rõ và vấn đề là dân không phải chờ để nhà nước và đảng cố gắng tìm một giải pháp nào đó, mà toàn xã hội phải nỗ lực hơn nữa để gây áp lực cho cả nước Việt Nam để có thể đề cập vấn đề này.
“Bởi vì tương lai của Việt Nam tùy thuộc vào khả năng của người dân, không chỉ là đảng và nhà nước, để đề cập vấn đề tham nhũng một cách hệ thống, hiệu quả và như thế thì mới được.”
‘Đang trả một giá’
Đưa ra quan sát về Việt Nam thông qua vụ án và phiên tòa đang xét xử các ông Thăng, Thanh và những người khác, ông Jonathan London, người hiện là Giáo sư tại Đại học Leiden, Hà Lan, cho rằng Việt Nam ‘đang trả một giá’, ông nói tiếp với Bàn tròn:
“Tôi thấy Việt Nam hiện nay đang trải qua một quá trình chính trị. Những gì mà chúng ta đang thấy tiếp diễn không phải là vấn đề pháp luật, nó là một chuyện chính trị, một quá trình chính trị. Nó cũng là một cách thức và một hậu quả của một quá trình đã kéo dài khoảng 20 hoặc 30 năm, đó là những nỗ lực của nhà nước và đảng Cộng sản Việt Nam để nuôi một giai cấp kinh doanh trong nội bộ bộ máy.
Tôi thấy Việt Nam hiện nay đang trải qua một quá trình chính trị. Những gì mà chúng ta đang thấy tiếp diễn không phải là vấn đề pháp luật, nó là một chuyện chính trị, một quá trình chính trị. Nó cũng là một cách thức và một hậu quả của một quá trình đã kéo dài khoảng 20 hoặc 30 nămTS. Jonathan London
“Và như chúng tôi đã thấy, vì có một số hạn chế của các thể chế trong cả nước, đã có khá nhiều vấn đề, từ vấn đề tham nhũng cho đến vấn đề ngân hàng v.v… [điều] đó cũng đã được phản ánh trong những cạnh tranh trong những vấn đề chính trị ở Việt Nam. Và hiện nay như các nhận xét khác đã đưa ra rồi, Việt Nam đang trả một giá. Tất nhiên, Việt Nam phải cố gắng đề cập [xử lý] vấn đề tham nhũng, nhưng rất nhiều người đã nói đó là một vấn đề hệ thống, một vấn đề không thể được xử lý qua một chiến lược mà chỉ mất vài người.
“Hơn nữa, chúng tôi thấy có một số rủi ro không chỉ đối với chính trị, mà còn đối với nền kinh tế của đất nước, chẳng hạn vấn đề ‘bắt cóc’ Trịnh Xuân Thanh ở bên Đức có khả năng có hậu quả với hiệp định thương mại giữa Việt Nam và châu Âu, là một hiệp định vô cùng quan trọng cho nền kinh tế của Việt Nam, có thể nó sẽ bị mất.”
Theo nhà nghiên cứu này, Việt Nam đang đứng trước nhiều câu hỏi, ông nói:
“Do đó có nhiều câu hỏi mà Việt Nam cần phải trả lời, một là làm sao đề cập vấn đề hệ thống, tham nhũng không phải chỉ là vài người, nó liên quan đến thể chế và thứ hai nữa là dù ai cũng đồng ý phải xử lý vấn đề tham nhũng, thì tầm nhìn về tương lai của Việt Nam là như thế nào?
“Nên cả nước Việt Nam đang thấy một quá trình dù là quan trọng, dù có ý nghĩa lịch sử, nhưng chưa rõ lắm nó sẽ ảnh hưởng tới tương lai của Việt Nam như thế nào, mà chỉ có lo lắng liệu Việt Nam có đủ năng lực để giải quyết một vấn đề liên quan khá sâu đối với thể chế và làm sao những người trong và ngoài bộ máy nhà nước Việt Nam có quan tâm đến vấn đề tham nhũng có thể tác động.
“Bởi vì hiện nay tôi và những người khác lo rằng quá trình chính trị chúng ta đang chứng kiến chưa chắc sẽ giải quyết một cách hiệu quả vấn đề tham nhũng mà đã có một giá rất cao ở Việt Nam,” TS. Jonathan London nêu quan điểm với BBC Tiếng Việt.
Mời quí vị bấm vào đường dẫn nàyđể theo dõi hội luận tại Bàn tròn thứ Năm hôm 18/01/2018.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42746422
Vụ xử ông Thanh là ‘mũi tên bắn nhiều con chim’
Việc xét xử ông Trịnh Xuân Thanh là một mũi tên ‘bắn vào nhiều con chim’, trong khi phiên tòa với các ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh ‘có màu sắc chính trị nội bộ’, một cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam nói với BBC Tiếng Việt.
Bình luận với Bàn tròn thứ Năm hôm 18/01/2018 từ Sài Gòn, Luật sư Trần Quốc Thuận nói:
Phiên tòa Thăng & Thanh – nước mắt và công lý
Chưa có phiên tòa nào xử nhanh như thế và những phiên tòa như thế này, theo chúng tôi biết ở Việt Nam, nó có một định hướng nào đấy, nó hơi lai lai như một vụ án có màu sắc chính trị, mà chính trị nội bộLuật sư Trần Quốc Thuận
Vì sao nhà Trịnh Xuân Thanh nộp khắc phục 4 tỷ?
Hai phiên tòa và giọt nước mắt quan chức
“Việc xử Trịnh Xuân Thanh, tôi đánh giá là một mũi tên bắn nhiều con chim. Một là xử nhanh, như chúng ta thấy chưa có phiên tòa nào xử nhanh như thế và những phiên tòa như thế này, theo chúng tôi biết ở Việt Nam, nó có một định hướng nào đấy, nó hơi lai lai như một vụ án có màu sắc chính trị, mà chính trị nội bộ.
“Khi Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh có án rồi, những cơ quan khác, những người có ý kiến tham gia, thì có lẽ không tham gia được và Việt Nam cũng muốn chứng minh cho Đức biết rằng Trịnh Xuân Thanh là một người có tội, rồi sau này có những bước tiến.
“Cho nên việc nói qua, nói lại để đòi hỏi chuyển Trịnh Xuân Thanh đi sang Đức có lẽ tạo cho bên phía Đức, theo tôi nghĩ, yếu thế hơn.”
‘Chuyện buồn cười, ảo tưởng’
Bình luận về những lời đề nghị và nguyện vọng của các bị cáo tại phiên tòa, Luật sư Trần Quốc Thuận nói tiếp:
“Chuyện Trịnh Xuân Thanh xin đi qua Đức để sống với vợ con thì đó là một chuyện buồn cười, ảo tưởng, không có chuyện đó.
“Còn trường hợp ở tù, nếu người nhà là cha mẹ hay người thân thiết mà có thể bệnh, từ trần, thì có thể người ta cho về để tang. Việc đó đã có tiền lệ, hoặc có trường hợp nào đó cho về một tí, tạm đình chỉ thi hành án trong một thời gian, có người áp tải về nhà. Trường hợp đó như anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, khi người nhà chết, thì anh cũng có về đốt nhang.
Về trong nội bộ, theo tôi được biết, thì không phải 100% người ta đồng tình. Có người cho rằng thường chỉ trừ tội phản quốc, tội này kia, không nên xử đến Bộ Chính trị, hoặc là cao hơn thế này, thế kia, thì nó dẫn tới những vụ án nữaLS Trần Quốc Thuận
“Trường hợp đó thì có, còn trường hợp ở tù mà cho về thế này, thế kia, mà nhất là đi qua Đức, thì đúng là chuyện hão huyền.”
Ông Đinh La Thăng: ‘Muốn làm ma tự do’
LS Schlagenhauf ‘theo dõi sát vụ ông Thanh’
Xử ông Thăng nhưng có ‘xử được cơ chế’?
Khi được hỏi vụ án và phiên xử mang ‘màu sắc chính trị nội bộ’ là thế nào, Luật sư Trần Quốc Thuận nói tiếp:
“Về trong nội bộ, theo tôi được biết, thì không phải 100% người ta đồng tình. “Có người cho rằng thường chỉ trừ tội phản quốc, tội này kia, không nên xử đến Bộ Chính trị, hoặc là cao hơn thế này, thế kia, thì nó dẫn tới những vụ án nữa…”
Trước câu hỏi về vấn đề có nên chỉ rõ ‘vùng cấm’ hay không trong vụ án này, kể cả tới các vị trí lãnh đạo cao cấp như Tổng Bí thư hay Thủ tướng, nếu vi phạm pháp luật, Luật sư Thuận nêu quan điểm:
“Ở Việt Nam hiện nay, theo qui định của Đảng Cộng sản Việt Nam, thì không bao giờ Tòa, hay Viện Kiểm sát, công an Việt Nam được khởi tố, truy tố một đảng viên cả. Nếu một đảng viên bị khởi tố, truy tố, đưa ra xét xử thì đảng viên đó hoặc là phải bị đình chỉ tư cách đảng viên, hoặc phải bị khai trừ đảng, thì lúc đó mới xử.
“Chứ Tòa án và công an Việt Nam không bao giờ xử, truy tố một đảng viên, vì đảng viên đó phải có một cấp ủy quản lý. Còn đối với những người cấp cao, chúng ta biết như là ông Đinh La Thăng, thì phải là Bộ Chính trị.
“Ông Đinh La Thăng lúc đó hết Ủy viên Bộ Chính trị rồi, thì ông còn là Ủy viên Trung ương Đảng, thì giao cho Ban Chấp hành Trung ương. Có một qui định là có quyền đình chỉ nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy viên Trung ương… Vùng cấm này được hiểu như thế nào, thì đó lại là một câu chuyện khác.”
Bấm vào bấm vào đường dẫn này theo dõi hội luận tại Bàn tròn thứ Năm hôm 18/01/2018.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42738540
Hà Nội hoãn ca nhạc Trung Quốc vào ngày mất Hoàng Sa
Một buổi biểu diễn văn hóa của một đoàn nghệ thuật thuộc khu tự trị Nội Mông của Trung Quốc, nhằm kỷ niệm ngày mở đầu quan hệ ngoại giao Việt- Trung, dự định diễn ra vào tối ngày 19/1 ở Hà Nội, đã bị hoãn lại với lý do được cơ quan tổ chức là Bộ Văn Hóa, Thể Thao, và Du Lịch đưa ra là vì lý do kỹ thuật.
Hãng tin AP của Mỹ cũng loan tải sự việc này và đề cập đến sự phản đối của dân chúng Việt Nam vì cho rằng một sự kiện liên quan đến Trung Quốc được tổ chức trong một ngày mất mát của quốc gia như thế là một sự xúc phạm. Ngày 19/1 cũng là ngày kỷ niệm trận hải chiến Hoàng Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc mà kết cục là Hoàng Sa đã mất về tay Trung Quốc. Hơn 70 chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh trong trận hải chiến này.
Hãng AP nói rằng người phát ngôn Bộ Văn Hóa, Thể Thao, và Du Lịch là ông Nguyễn Thái Bình đã từ chối bình luận về việc này.
Ông Đinh Kim Phúc, một nhà nghiên cứu Biển Đông ở Sài Gòn cho rằng chính sức ép của dư luận đã làm cho buổi biểu diễn bị hủy bỏ.
“Tôi nghĩ là (do) dư luận của nhân dân, lên tiếng của cộng đồng mạng, tất cả, dù thích hay không thích thì lòng yêu nước vẫn là số một, khi đụng đến tự ái dân tộc.”
Ông nói thêm rằng việc tổ chức sự kiện này vào một ngày mất mát của dân tộc là điều không thể chấp nhận được.
Trước đó trên mạng Facebook đã có những dòng chữ yêu cầu Bộ Văn Hóa phải đình chỉ buổi biểu diễn vì đó là ngày kỷ niệm mất Hoàng Sa.
Quần đảo Hoàng Sa đã từng do lực lượng Việt Nam Cộng Hòa, tức là miền Nam Việt Nam trước năm 1975, trấn giữ sau khi người Pháp rút khỏi Đông Dương. Vào tháng Một năm 1974, hải quân Trung Quốc đã tấn công lực lượng Việt Nam Cộng hòa và chiếm đóng quần đảo này sau một trận hải chiến đẫm máu.
Việt Nam luôn tuyên bố chủ quyền của mình trên quần đảo này cho đến nay. Tuy nhiên, trên thực tế Trung Quốc đang quản lý và trong những năm gần đây tiến hành xây dựng, củng cố những căn cứ quân sự và dân sự trên những đảo thuộc Hoàng Sa, cũng như Trường Sa.
Trong khi đó, vào ngày 19/1, tại Sài Gòn và Hà Nội, một số người tại Việt Nam đã tổ chức buổi tưởng niệm ngày mất quần đảo Hoàng Sa về tay Trung Quốc 44 năm về trước bất chấp những ngăn cản của chính quyền. Ông Đinh Kim Phúc cho chúng tôi biết tình hình buổi tưởng niệm diễn ra tại Sài Gòn:
“Sáng nay trời mưa, rồi có một số người bị canh ở nhà không đi được, nên chỉ có rải rác một vài anh em ra tượng Đức Trần Hưng Đạo thắp nhang, chứ không tổ chức được như mọi năm.”
Theo ông Phúc thì không có việc đàn áp của lực lượng an ninh như đã từng xảy ra một số lần tưởng niệm ngày mất Hoàng Sa trước đây.
Báo Tuổi Trẻ tại Sài Gòn dịp này cho đăng bài tựa đề ‘Nhật Tảo chiến hạm oai hùng’, kể lại chuyện một chiến hạm của lực lượng Hải quân Việt Nam Cộng Hòa lúc đó đã hy sinh trong trận đánh chống lại các tàu chiến của Trung Quốc vào tháng Giêng năm 1974.
Ông Đinh Kim Phúc nhận xét:
“Báo chí Việt Nam trong những năm gần đây được công khai nhắc lại trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974. Nhưng mà liều lượng mức độ thì tùy theo mối quan hệ Việt- Trung diễn biến như thế nào. Tôi thấy trong bảy năm qua thì đến ngày 19 tháng Giêng thì báo chí địa phương thoải mái nhắc lại, nhưng nhắc ở liều lượng nào thì tùy vào ban biên tập của các báo. Năm nay theo tôi thì không bằng mấy năm trước.”
Ông cho rằng nguyên nhân có thể là do quan hệ Việt Nam- Trung Quốc đang trở nên nồng ấm hơn.
http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/paracel-memorial-01192018075258.html
An ninh mạng Việt Nam
bảo vệ an ninh quốc gia hay đàn áp đối lập?
Kính Hòa RFA
Chỉ trong thời gian vài ngày đầu năm 2018, báo chí nhà nước Việt Nam chính thức loan tin là quân đội Việt Nam cũng như Bộ Công an Việt Nam có thành lập những lực lượng đặc biệt là lực lượng 47 của quân đội và bộ phận A68 của công an để thực hiện bảo vệ an ninh quốc gia trên mạng điện tử.
Quan niệm về an ninh quốc gia
An ninh quốc gia được các cơ quan chức năng đưa ra như là lý do thành lập của lực lượng 47 hay cơ quan A68, nhưng lý do này tức khắc bị nhiều blogger, những nhà hoạt động cho dân chủ và giới bất đồng chính kiến lên tiếng bác bỏ, cho rằng các lực lượng này được nhà nước Việt Nam thành lập là chỉ để đàn áp những ý kiến khác với đảng cầm quyền trên không gian điện tử mà thôi.
Trong những nội dung an ninh quốc gia mà họ quan niệm thì có một quan niệm rằng khi những lợi ích của đảng cầm quyền, của chính quyền bị xâm phạm thì đó là xâm phạm lợi ích và an ninh quốc gia.
-Nhà báo Chu Vĩnh Hải.
Nhà báo về hưu Chu Vĩnh Hải, hiện sống tại Thành phố Vũng Tàu, cho rằng quan niệm của những người cộng sản về an ninh quốc gia khác với những quan niệm thông thường trên thế giới:
“Trong những nội dung an ninh quốc gia mà họ quan niệm thì có một quan niệm rằng khi những lợi ích của đảng cầm quyền, của chính quyền bị xâm phạm thì đó là xâm phạm lợi ích và an ninh quốc gia.”
Đảng Cộng sản hiện là đảng duy nhất cầm quyền tại Việt Nam, và kể từ khi thông tin điện tử phát triển tại Việt Nam trong vài chục năm trở lại đây, Đảng Cộng sản đã bị nhiều chỉ trích trên không gian mạng, nơi mà họ không thể hoàn toàn kiểm soát như hệ thống báo chí, sách vở được in theo cách thức truyền thống.
Một nhà báo khác là ông Võ Văn Tạo sống ở Nha Trang cho rằng, ngoài những quan niệm thông thường như là bảo vệ quyền lợi kinh tế, bí mật quốc phòng của quốc gia, thì đối với những người cộng sản đang cầm quyền, một phần lớn trong vấn đề an ninh quốc gia chính là đối phó với sự phản đối của người dân trong nước. Điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn xảy ra tại nước cộng sản láng giềng Trung Quốc, nơi ngân sách Bộ Công An lớn hơn Bộ Quốc phòng.
Chúng tôi đặt vấn đề an ninh quốc gia, hiểu theo nghĩa phòng chống hacker, bảo vệ những hệ thống tài chính, kinh tế,….với một chuyên gia tin học là ông Hoàng Ngọc Diêu, hiện sống tại Úc và đã từng làm việc tại Việt Nam cũng như quan tâm nhiều đến vấn đề này tại Việt Nam, thì ông cho rằng từ lâu Chính phủ Việt Nam đã có thành lập những nhóm kỹ thuật để phòng chống nạn tin tặc, nhưng đó không phải là những biện pháp hữu hiệu:
“Thì cũng có những động thái cảnh báo về chuyện virus, chuyện hacking,… Nhưng đó là những biện pháp có tính chất đối phó nhất thời, chứ không phải là những biện pháp có tính chính sách, nền tảng.
Việt Nam bây giờ là một ổ virus, spam, rất khủng khiếp ngày càng được các nhóm kỹ thuật quan tâm. Nhưng họ lại hoàn toàn không có biện pháp nào để triệt tiêu những cái đó. Ví dụ như là họ không có những chính sách chế tài, hay ngăn chận việc sử dụng những phần mềm bất hợp pháp.
Năm bảy năm gần đây, vấn đề an ninh mạng tại Việt Nam trở nên tồi tệ. Cách đây không lâu là một vụ hack vô sân bay Tân Sơn Nhất, thay đổi những nội dung trong đó. Có vô vàn những vụ hack vô các trang nhà của các ban ngành hay bộ này khác.
Sự việc sân bay Tân Sơn Nhất, lớn nhất Việt Nam, bị tấn công mạng xảy ra vào tháng Ba năm 2017. Khi đó báo chí Việt Nam có loan tải phát biểu của nhà chức trách rằng đây không phải là lần đầu tiên mà hệ thống máy tính của sân bay bị tấn công.
Trên trang nhà của công ty bảo mật tin học Securitybox có trụ sở tại Hà Nội, viết rằng qui mô các cuộc tấn công mạng tại Việt Nam ngày càng trở nên lớn và mức độ nguy hiểm tăng lên. Cũng theo lời công ty này, mục tiêu tấn công đang ngày càng được chuyển hướng, nhắm vào các tập đoàn kinh tế lớn. Theo thống kê của Securitybox, trong 9 tháng đầu năm 2017 có 9964 vụ tấn công mạng vào các tổ chức và cá nhân ở Việt Nam.
Hoạt động của lực lượng 47 và A68
Trở lại vấn đề xoay quanh lực lượng 47 và A68, nhà báo Chu Vĩnh Hải nói rằng những người làm việc cho hai lực lượng này hoạt động một cách ẩn danh:
“Chẳng bao giờ họ sử dụng tính chính danh của họ đâu, chỉ ẩn khuất vào các nick manes (biệt danh) nào đó thôi.”
Theo ông Hải, ngoài hoạt động tranh luận trên mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, mạng xã hội được nhiều người dùng nhất Việt Nam, để bảo vệ Đảng Cộng sản, chống lại những quan niệm trái ngược với đảng như là đa nguyên chính trị, tam quyền phân lập, xã hội dân sự,…các lực lượng 47 và A68 cũng có thể có những hoạt động mang tính kỹ thuật:
“Tôi nghĩ là trong vấn đề này có thể là lực lượng 47, hoặc A68, có một bộ phận hacker để họ report (báo cáo) những tài khoản Facebook có uy tín đối với cộng đồng. Thứ hai là gửi những mã độc, phần mềm độc hại đến các cá nhân có tầm ảnh hưởng và bất đồng chính kiến với chính quyền.”
Một trong những nạn nhân của việc báo cáo này là ông Võ Văn Tạo, có trang Facebook được nhiều người theo dõi. Ông nói:
Việt Nam bây giờ là một ổ virus, spam, rất khủng khiếp ngày càng được các nhóm kỹ thuật quan tâm. Nhưng họ lại hoàn toàn không có biện pháp nào để triệt tiêu những cái đó.
-Chuyên gia tin học Hoàng Ngọc Diêu.
“Cái chính là cãi cọ với nhau, tranh luận với nhau, còn cái nữa là làm những tiểu xảo kỹ thuật để dập tắt những trang mà họ thấy có ảnh hưởng xã hội nhiều, tức là report. Bản thân tôi cũng đã bị phạt mất ba ngày. Có gì đâu tôi chỉ mô tả lại vụ Vũ nhôm thôi. Tôi đặt vấn đề Vũ nhôm là ai, tại sao Bộ Công an không lên tiếng. Có vậy thôi mà cũng bị Facebook bảo là vi phạm qui chế cộng đồng. Chúng tôi thừa biết đó là người của bên công an quân đội, họ đông lắm, họ xúm xít vào để report, Facebook thì máy móc, thấy nhiều người report thì chặn, không biết nội dung như thế nào.”
Câu chuyện Vũ nhôm mà ông Tạo đề cập liên quan đến một vụ án tham nhũng lớn, trong đó người bị tình nghi, ông Phan Văn Anh Vũ, biệt danh Vũ nhôm, được biết là một sĩ quan công an.
Vào năm 2014 đã có nhiều trang Facebook cá nhân bất đồng chính kiến nổi tiếng như blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Lân Thắng, Nguyễn Quang Lập,…đã bị đánh sập do bị report.
Nhà báo Chu Vĩnh Hải đánh giá tính hiệu quả của lực lượng an ninh mạng của Đảng Cộng sản:
“Theo tôi thì họ có phát huy được một ít, vì họ đông, và cũng có tính chuyên nghiệp, cho nên cũng có hiệu quả. Nhưng mà dần dần thì sự thật cũng phơi bày thôi. Vì bây giờ thông tin nhiều chiều cho nên người dân nhận thức được những vấn đề xưa nay họ tin họ yêu, không như trước nữa, họ hiểu hơn về mặt xã hội.”
Theo tác giả Nguyễn Thế Phương, một nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, viết trên trang báo mạng Diplomat, thì việc chống lại cái gọi là diễn biến hòa bình, tức là thay đổi chế độ một cách hòa bình, trên mạng thông tin điện tử đã làm cho nhà cầm quyền thấy rằng phải huấn luyện một lực lượng chuyên nghiệp để thực hiện việc bút chiến trên mạng, nhưng theo ông thì còn sớm để đánh giá sự thành công của lực lượng này, vì cách thức tuyên truyền mà ông gọi là theo lối cũ đã không thể thuyết phục được những tầng lớp dân chúng trẻ tuổi ngày càng đông tại Việt Nam nữa.
Nhà báo Chu Vĩnh Hải thì nhấn mạnh rằng việc đổ công sức vào các lực lượng bút chiến này là một sự lãng phí nguồn lực quốc gia, thay vì sử dụng nguồn lực đó cho những mục đích bảo vệ an ninh quốc gia thực sự như là chống tin tặc, bảo vệ kinh tế đất nước.
Chúng tôi có tìm cách gửi lời yêu cầu bình luận về việc bảo vệ an ninh quốc gia trên mạng điện tử, đến Bộ Công an Việt Nam, qua trang web của bộ này nhưng không thành công.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/task-force-47-a68-national-security-01182018124729.html
Tích hợp giáo trình sử địa, giáo viên nói gì?
Việt Nam dự tính sẽ tích hợp hai môn lịch sử và địa lý lại thành một môn học trong giáo trình tiểu học. Dự thảo này gặp nhiều phản ứng trong giới giáo viên và các nhà nghiên cứu, bởi hai môn lịch sử và địa lý, về mặt bản chất hoàn toàn trái ngược với nhau. Môn lịch sử thuộc về lĩnh vực xã hội học, môn địa lý thuộc về tự nhiên học. Nếu tích hợp hai môn này lại sẽ gặp rất nhiều khó khăn cho người giảng dạy. Những nhận định của các giáo viên và nhà nghiên cứu dưới đây sẽ nói lên điều này.
Liệu có khả thi?
Thầy Hoàng Nam, một cựu giáo viên, hiện đang thực hiện một công trình về giáo dục Việt Nam, chia sẻ:“Sẽ gặp khó khăn tại vì môn địa lý nó thuần về tự nhiên hơn, còn lịch sử lại theo tiến trình lịch sử. Mà cái này khó khăn nữa là trong quá trình đào tạo, anh không đào tạo tích hợp, anh đào tạo đơn môn thôi, mà giờ dạy đa môn tích hợp chắc chắn sẽ gặp khó khăn.”
Theo thầy Hoàng Nam, việc tích hợp hai môn lịch sử và địa lý thành một môn, cho dù giảng dạy ở cấp phổ thông trung học, lúc này học sinh đã có đủ tuổi nhận thức và bề dày tri thức thường thức thì vẫn không ổn bởi vấn đề đánh tráo khái niệm của kiểu tích hợp này. Trường hợp dạy cấp phổ thông cơ sở thì càng nguy hiểm hơn bởi độ tuổi này chưa có đủ nhận thức và tư duy phán đoán đúng sai. Trường hợp tích hợp hai môn này trong giáo trình tiểu học thì quá nguy hiểm.
Sẽ gặp khó khăn tại vì môn địa lý nó thuần về tự nhiên hơn, còn lịch sử lại theo tiến trình lịch sử. – Thầy Hoàng Nam
Sự nguy hiểm mà thầy Hoàng Nam muốn nhắc đến ở đây là tính nhân bản, lòng yêu thiên nhiên và tính hiếu kỳ, khám phá tự nhiên có thể bị bóp chết. Vì sao? Thầy Hoàng Nam giải thích, trước đây, chưa bàn chuyện lịch sử hiện tại viết đúng hay sai như thế nào, nhưng rõ ràng dạy sử riêng, địa riêng. Khi hai môn này dạy riêng lẻ, thông qua môn địa lý, giáo viên có thể giải thích hoặc giới thiệu thêm cho học sinh kiến thức tự nhiên, chẳng hạn như tại vùng A có các tỉnh, tại vùng này có loại cây gì đặc trưng, con vật nào sống hợp với vùng đất này và con người phải làm gì để sống chan hòa với thiên nhiên nơi đó…
Ngược lại, với xu hướng tích hợp, khi nói về vùng đất A nào đó thì sẽ có những nhân vật lịch sử gắn với nó, ví dụ như ông A là nhà cách mạng, từng bắn bao nhiêu quân thù, từng đánh Mỹ cứu nước, là anh hùng… Với trẻ con, tâm hồn và trí nhớ của các cháu như tờ giấy trắng, mỗi môn học là một vết mực ghi lên tâm trí các cháu. Trong khi đó, giáo trình lịch sử Việt Nam hiện tại có quá nhiều vấn đề để bàn, nếu gieo rắc những thứ này vào trí nhớ trẻ em, thật khó mà nói được tâm hồn của chúng khi lớn lên sẽ ra sao.
Đồng quan điểm với nhà nghiên cứu Hoàng Nam, ông Lê Khế, một giáo viên dạy môn lịch sử vừa nghỉ hưu, hiện đang sống tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, chia sẻ:“ Cả nền giáo dục mà, từ a đến z là để dạy con người biết nghe chứ không phải con người biết sáng tạo. Thường thường lịch sử nó sẽ định hướng cho một triều đại nhưng không có lịch sử nào tệ như bây giờ. Tức là luôn luôn người ta viết sử thuận theo họ đương nhiên rồi, mình có muốn cũng không thay đổi được nhưng mà ở chỗ lý ra phải có lẽ phải, liêm sỉ. Ví dụ như hiện tại đang kỷ niệm 50 năm Mậu Thân, rõ ràng là gắng gượng. Một sự thất bại ê chề, kể cả chính trị, quân sự, tất cả mọi cái nhưng giờ nó công khai nó kỷ niệm, nó làm hoành tráng, sự kiện lịch sử đó chứ, lý ra phải biết hối lỗi. Những vùng đất như Huế và nhiều vùng khác nữa, lý qua phải lập những trai đàn, thông qua tôn giáo mà giải cho họ. Nhưng không, họ kỷ niệm một cách hoành tráng là nhờ sự lãnh đạo của A mới có B, có C…”
Theo thầy Lê Khế, nói về lịch sử Việt Nam là câu chuyện dài, và thật đáng tiếc là hiện tại, hầu hết các giáo trình lịch sử trong giáo dục đều là những bộ sử một chiều, lịch sử của bên thắng cuộc. Có rất nhiều vấn đề để nói về tính trung thực của môn lịch sử Việt Nam hiện tại. Trong trường hợp gắn thêm những kiến thức không thật này vào thì có thể nói đây là mối nguy hiểm chứ không đơn giản là giáo dục lệch lạc.
Người đứng lớp nói gì?
Thầy giáo Hoàng Kim Hùng, dạy môn địa lý, hiện đang sống ở thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắc Lắc, chia sẻ:“Dạy địa lý nhưng mà có gắn liền ví dụ như nói về thực vật thì nó gắn với môn sinh. Ví dụ như sinh học gắn liền với thực vật, động vật rồi gắn liền với địa lý, nên ví dụ như có thể tích hợp môn sinh. Như sử thì qua địa được chứ địa mà qua sử thì không có gì để nói. Cái đó rất là khó, bởi vì một người giáo viên sử thì không có kiến thức địa, một người dạy địa thì không có kiến thức sử thì làm sao dạy, có bồi dưỡng cũng rất là khó bởi vì kiến thức anh dạy không có, như anh giờ nói anh dạy qua sử thì chịu rồi. Ví dụ như địa lý và gắn với sinh học thì còn được chứ địa và sử thì chịu. Rất là khó khăn đấy!”
Thầy Hoàng Kim Hùng chia sẻ thêm rằng chuyện tích hợp hai môn điạ lý và lịch sử thành một chẳng khác nào trộn mắm rò với mù tạc. Một khi hai thứ này trộn lẫn với nhau thì không những là vô cùng khó ăn mà có thể là ăn không được, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của những người bị cao huyết áp và dị ứng mùi. Nhưng hiện tại, nếu Bộ giáo dục mang hai môn lịch sử và địa lý tích hợp với nhau thì cũng chẳng khác mấy so với việc trộn mù tạc với mắm rò.
Cái đó rất là khó, bởi vì một người giáo viên sử thì không có kiến thức địa, một người dạy địa thì không có kiến thức sử thì làm sao dạy. – Thầy Hoàng Kim Hùng
Thầy Hùng cho rằng chỉ có một cách nghĩ duy nhất cho việc tích hợp hai môn địa lý và lịch sử là một phương cách tuyên truyền mới của chế độ. Gắn vào ký ức non nớt của trẻ em ngay từ khi chúng ghi nhận thế giới xung quanh, đặc biệt là ghi nhận thế giới tự nhiên thông qua môn học địa lý bằng cách gắn thêm nhân vật lịch sử, sự kiện chế độ.
Và với đà này, sẽ có rất nhiều thế hệ sau bị thay thế tình yêu thiên nhiên, óc khám phá bằng lòng tôn sùng chế độ và tính vâng phục. Như để kết thúc buổi nói chuyện, thầy giáo Hùng kết luận rằng nếu vẫn cứ tiếp tục nhồi nhét những thông tin lịch sử lệch lạc vào trí nhớ của các thế hệ sau này thì cái giá phải trả không còn dừng ở thế hệ, giai đoạn lịch sử nữa, mà là cả một dân tộc phải trả giá vì điều này.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
Thứ trưởng Ngoại giao Vatican gặp Thủ tướng Việt Nam
Ngày 18/1, Thứ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Vatican, Đức ông Antoine Camilleri, đã có cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội trong chuyến thăm Việt Nam 4 ngày.
Trang tin chính thức của chính phủ Việt Nam nói Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định với giới chức Vatican rằng “Việt Nam luôn chủ trương đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương giáo, nhất quán thực hiện chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo của mọi người và đặc biệt quan tâm phát triển các vùng có đồng bào theo đạo đang gặp khó khăn kinh tế để nâng cao đời sống người dân”.
Ông Phúc cũng bày tỏ mong muốn thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với Vatican.
Đáp lời, Thứ trưởng Ngoại giao Tòa thánh chuyển lời chào và lời chúc lành của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tới Việt Nam và nói ông ấn tượng về truyền thống văn hóa dân tộc, cuộc sống phong phú, năng động và người Công giáo và sự giao thoa tôn giáo và văn hóa tại Việt Nam.
Trước đó, khi dâng lễ tại Nhà thờ Chính tòa Hà Nội cùng với Tổng Giám mục Nguyễn Văn Nhơn và các tu sĩ, giáo dân tại đây, Đức ông Camilleri nói:
“Giáo hội Việt Nam rất gần gũi với trái tim Đức Thánh Cha. Ngài theo dõi sát sao niềm vui, sự thành công, những băn khoăn của Giáo hội Việt Nam”.
Đây là lần thứ hai Đức ông Camilleri đến Việt Nam. Trong chuyến công du lần này, ngoài Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đại diện của Vatican còn gặp gỡ nhiều giới chức cấp cao khác của Việt Nam, trong đó Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn và Trưởng ban Tôn giáo Vũ Chiến Thắng.
https://www.voatiengviet.com/a/thu-truong-ngoai-giao-vatican-gap-thu-tuong-viet-nam/4215336.html
Nhà máy Nghi Sơn lùi ngày thử nghiệm
Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn ở tỉnh Thanh Hóa chưa chạy thử được trong quý I năm nay như dự kiến bởi do một số lỗi kỹ thuật
Tân Hoa Xã dẫn nguồn tin từ báo trong nước cho biết là vụ chạy thử nghiệm có thể được lùi sang quý II hoặc thậm chí quý III, và nói thêm rằng việc xây dựng nhà máy lọc dầu hiện đã hoàn thành 96,6%.
Dự án này do Công ty Liên doanh TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn làm chủ đầu tư, bao gồm các bên tham gia là Tập đoàn Dầu khí Quốc tế Kuwait và công ty Idemitsu Kosan của Nhật Bản mỗi bên nắm giữ 35,1% cổ phần, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) sở hữu 25,1%, và Mitsui Chemicals (Nhật) sở hữu 4,7%.
Dự án triển khai thực hiện từ năm 2008 với tổng mức đầu tư 9,2 tỷ USD; quy mô đầu tư là 670 ha trên bờ, 590 ha mặt nước; sản lượng khoảng 200.000 thùng dầu thô/ngày.
Tháng 5 năm 2017, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã từng lùi ngày vận hành sang đầu năm 2018, trong khi kế hoạch ban đầu là quý III năm 2017. Lý do đưa ra đại để là máy móc chưa được hoàn thành để sẵn sàng hoạt động.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an
xử lý các ‘đối tượng’ kích động gây rối các trạm BOT
Vào tối ngày 18/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi công điện yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải cung cấp cho Bộ Công an các hồ sơ, tài liệu về các đối tượng chống phá, gây rối tại các trạm thu phí BOT thời gian vừa qua.
Trong công điện, người đứng đầu chính phủ Việt Nam bày tỏ lo ngại việc các tổ chức phản động lợi dụng những phản đối ở các trạm thu phí BOT để gây mất trật tự an ninh.
Công đoạn của Thủ tướng có đoạn viết ‘tình hình phức tạp tại các trạm thu giá xảy ra ở một số tỉnh, đặc biệt các tỉnh phía Nam, nếu không được cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các cấp chính quyền ở các địa phương tập trung phối hợp xử lý thì có thể các đối tượng xấu càng lợi dụng, lấn tới, tiềm ẩn những hành vi gây mất an ninh trật tự, kể cả các tổ chức phản động lợi dụng phá hoại chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự thông qua việc phá hoại hình thức đầu tư BOT’.
BOT là từ viết tắt của xây dựng, vận hành và chuyển giao. Các dự án BOT thời gian qua đã tiến hành mở nhiều trạm thu phí đường bộ trên khắp cả nước và gặp phải sự phản kháng của người dân, đặc biệt là các lái xe vì họ cho rằng những trạm thu phí này hoặc thu phí quá cao hoặc được lập ở vị trí không hợp lý.
Công điện của Thủ tướng chính phủ xác định rằng việc thu hút đầu tư theo hình thức PPP (hợp đồng đối tác giữa nhà nước và tư nhân), trong đó có BOT, đã góp phần tạo những tay đổi tích cực cho hệ thống giao thông, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội, hội nhập khu vực và thế giới, được nhân dân ủng hộ. Thủ tướng khẳng định việc thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT là chủ trương nhất quán cần tiếp tục triển khai trong thời gian tới để phát triển hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông vận tải.
Tuy nhiên, người đứng đầu chính phủ cũng thừa nhận quá trình triển khai các dự án BOT đã có một số bất cập cần tập trung khắc phục. Ông cho rằng các bất cập này đang bị các đối tượng xấu lợi dụng, kích động, chống phá.
Trước đó, vào ngày 16/1, báo Người Lao động trích lời của một số lái xe ở tỉnh Vĩnh Long và Bình Dương cho biết họ đã bị công an mời lên làm việc trong tháng này để trả lời một số việc liên quan đến vụ gây rối trật tự.
Theo thống kê của Vnexpress, một xe hơi đi tức Bắc vào Nam phải đi qua khoảng 40 trạm thu phí với chi phí trung bình khoảng 35,000 đồng một lượt một xe. Như vậy, chi phí cho các trạm BOT cho một xe đi từ Bắc vào nam là khoảng 1,3 triệu đồng.
Bộ trưởng quốc phòng Nga và Mỹ thăm Việt Nam tuần tới
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu sẽ thăm Việt Nam từ 23 đến 24/1 trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis thăm Việt Nam từ 24 đến 26/1, theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Việt Nam.
Báo Tuổi trẻ hôm 19/1 cho biết Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam sẽ chủ trì lễ đón Bộ trưởng Quốc Phòng Nga Shoigu và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis lần lượt vào ngày 23 và ngày 25/1 tại trụ sở Bộ Quốc phòng ở Hà Nội.
Ông Shoigu từng phát biểu rằng Nga xem Việt Nam là một đồng minh chiến lược và đối tác chủ chốt về củng cố an ninh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ông Shoigu nói như vậy khi đón tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch tại Moscow vào năm 2016. Trong khi phía Hà Nội xem Nga là đối tác quan trọng, bạn bè thân thiết lâu năm của Việt Nam.
Vào tháng 8 năm nay, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đã có chuyến công du đến Mỹ, gặp ông Mattis tại Ngũ Giác Đài, khẳng định Việt Nam coi Mỹ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu. Khi ấy, ông Mattis đã tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc đảm bảo tự do hàng hải, tự do di chuyển trên biển, trên không và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp cho phép và sẵn sàng hợp tác với Việt Nam ở những nội dung mà Việt Nam có nhu cầu.
Trong diễn biến liên quan, trang tin của Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết, vào chiều 19/1, Đoàn đối thoại Chương trình Đối tác Bang (SPP) của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ do Thiếu tướng Michael Stencel, Tư lệnh Vệ binh Quốc gia bang Oregon của Hoa Kỳ đã đến thăm Việt Nam. Trong cuộc gặp với Thượng tướng Phạm Ngọc Minh, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, hai bên nhất trí cho rằng cùng với mối quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ, hợp tác quốc phòng giữa hai nước thể hiện thông qua một số lĩnh vực hợp tác như cứu trợ nhân đạo, ứng phó thảm họa thiên tai, đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ, khắc phục hậu quả chiến tranh.
Phát biểu tại một hội thảo về quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam hôm 17/1 tại thành phố Hồ Chí Minh, Đại sứ Hoa Kỳ
nhấn mạnh: “Hai quốc gia của chúng ta chia sẻ một lịch sử đặc biệt: sau nhiều năm chiến tranh và gian khó, chúng ta đã cùng nhau vun đắp một Quan hệ Đối tác Toàn diện vững mạnh và lâu dài – một mối quan hệ không chỉ mang lại lợi ích cho chúng ta, mà cho toàn bộ khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Cũng như tôi, Ngài Tổng thống Hoa Kỳ tin tưởng vào Việt Nam và tầm quan trọng của Quan hệ Đối tác Toàn diện của chúng ta,” theo tin từ Facebook của Tổng lãnh sự Hoa Kỳ.
Truyền thông trong nước trích lời Đại sứ Kritenbrink tuyên bố: “Tổng Thống Trump đặt 100% niềm tin vào Việt Nam và cam kết sẽ hành động để đẩy mạnh quan hệ đối với với Việt Nam, vì lợi ích của hai quốc gia, ở tầm khu vực và cả thế giới.”
Cũng tại cuộc hội thảo này tiến sĩ Amy Searight, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Và Quốc Tế (CSIS), nhấn mạnh khía cạnh Mỹ đặc biệt ưu tiên giúp đỡ Việt Nam và các nước châu Á ở lĩnh vực quốc phòng.
Báo Tuổi Trẻ trích lời bà Searight nói giữa bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông leo thang và thái độ ứng xử của Trung Quốc, chính quyền Tổng thống Trump đã thể hiện cam kết với Việt Nam qua kế hoạch lần đầu tiên đưa tàu sân bay đến thăm Việt Nam, dự kiến vào tháng 3/2018.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 18/1 cho báo chí biết Hoa Kỳ và Việt Nam đang trao đổi về khả năng tàu sân bay Mỹ có thể đi thăm Việt Nam lần đầu tiên trong năm 2018.
https://www.voatiengviet.com/a/bo-truong-quoc-phong-nga-va-my-sap-tham-vietnam/4215161.html
Đầu tư nước ngoài quan tâm
việc Việt Nam chống tham nhũng
Các nhà phân tích tin rằng các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam sẽ hoan nghênh các thông lệ kinh doanh công bằng và khả đoán hơn khi chính phủ điều tra những người đứng đầu các công ty địa phương về tham nhũng.
Một số công ty nước ngoài có thể rà soát để đảm bảo là sổ sách kế toán sạch sẽ vào lúc các công tố viên điều tra các giám đốc điều hành tại các công ty Việt Nam do có nghi vấn về tham nhũng. Các nhà kinh tế dự đoán rằng hầu hết mọi người sẽ ca ngợi cuộc trấn áp đó như là bước tiến tới minh bạch, công bằng trong kinh doanh, và các công ty đối tác địa phương được điều hành tốt hơn.
Ông Song Seng Wun, nhà kinh tế thuộc bộ phận ngân hàng tư nhân của CIMB ở Singapore, nói: “Việc chống tham nhũng, theo tôi cho đến nay, dường như được đón nhận tốt. Ít nhất là trên bề mặt, có nỗ lực chống tham nhũng và làm cho minh bạch hơn trong cách thức kinh doanh như là một cách để đảm bảo nền tảng vững chắc hơn”.
Sự tin tưởng gia tăng của các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất, những người thích Việt Nam vì đất đai và lao động rẻ, sẽ giúp duy trì nền kinh tế tổng thể của đất nước Đông Nam Á.
Đầu tư nước ngoài góp phần ổn định GDP trị giá 202 tỷ đô la của Việt Nam. Ngân hàng Phát triển châu Á kỳ vọng GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm nay.
Các chuyên gia kinh doanh cho biết, các công ty nước ngoài có thể rà soát lại các thủ tục kế toán và xử lý tiền nội bộ để đảm bảo rằng họ tuân thủ các quy định, đề phòng trường hợp một nhân viên bất mãn liên lạc với nhà chức trách.
Ralf Matthaes, giám đốc điều hành của Infocus Mekong Research, một công ty nghiên cứu thị trường ở thành phố Hồ Chí Minh, nói rằng các công ty phương Tây thường tuân theo luật chống tham nhũng nghiêm ngặt của Anh khi ở Việt Nam, mặc dù các nhà đầu tư từ các nơi khác ở Châu Á có thể sử dụng các tiêu chuẩn khác.
Hãng xe hơi Ford và Intel nằm trong số những nhà đầu tư nước ngoài nổi tiếng nhất. Nhưng phần lớn vốn đầu tư đến từ Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản và Đài Loan. Các nhà máy của nước ngoài thường sản xuất hàng hoá, từ may mặc cho đến điện thoại thông minh, để xuất khẩu.
Dustin Daugherty, chuyên viên cao cấp về tình báo kinh doanh thuộc công ty tư vấn Dezan Shira & Associates ở thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: “Có sự khác biệt giữa các quốc gia khác nhau”.
Nói chung, ông nói, “Đến nay, họ theo hướng tuân thủ nhiều hơn. Họ quan tâm hơn đến việc tuân thủ các quy tắc, ít đi tắt hơn”.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2017, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký tại Việt Nam đạt 29,68 tỷ đô la tính đến ngày 20/12, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2016.
Các công ty trong nước và nước ngoài thường hưởng lợi từ nhau hơn là cạnh tranh. Ví dụ, các nhà cung cấp địa phương cung cấp nguyên liệu thô cho các nhà máy nước ngoài, hoặc hỗ trợ ở phần cuối chu trình sản xuất, kinh doanh.
Nhưng một công ty sạch có thể bị thua thiệt trong các giao dịch đất đai, trợ cấp hoặc mua sắm của chính phủ nếu cạnh tranh với một công ty dính dáng đến tham nhũng sẵn sàng trả công.
Theo Carl Thayer, giáo sư danh dự của Đại học New South Wales, Úc, rốt cuộc các công ty nhà nước cũng sẽ có thể đối đầu với các công ty nước ngoài. Sự thay đổi đó sẽ làm tăng tính cấp bách về việc cần có sự công bằng trong kinh doanh.
Theo ông, các quan chức Việt Nam đang “cố gắng một lần với nỗ lực mới nhằm cải thiện hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hoá và tư nhân hóa chúng, làm cho chúng có hiệu quả hơn để chúng có thể cạnh tranh với nước ngoài, cũng như đi tới các nước khác và hoạt động”.
Ông Thayer, người chuyên về các vấn đề Đông Nam Á, cho rằng tham nhũng “dường như không ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư nước ngoài nhưng nó làm tổn thương Việt Nam”.
Triều Tiên sẽ diễu binh, một ngày trước Olympics?
Triều Tiên có thể đang chuẩn bị tổ chức một cuộc diễu hành quân sự một ngày trước Thế Vận hội Mùa Đông ở Hàn Quốc vào tháng tới, bất chấp hai miền đang tìm cách hàn gắn các quan hệ liên Triều.
Hãng tin Reuters dẫn lời các nhà ngoại giao Tây phương ở Bình nhưỡng cho hay một số giới chức quốc phòng quốc tế đã nhận được thư mời đến dự Lễ Kỷ niệm năm thứ 70 ngày thành lập Quân đội Nhân dân Triều Tiên nhằm ngày 8/2 sắp tới.
Hình ảnh vệ tinh chụp hồi gần đây cho thấy nhiều đoàn quân đang được huấn luyện tại bãi tập diễu hành, theo Scott LaFoy, một nhà phân tích cho trang mạng NK Pro, vốn vẫn theo dõi tình hình Triều Tiên.
Dựa trên các hình ảnh vệ tinh, ông LaFoy cho biết:
“Cuộc diễu hành hình như có sự tham dự của khoảng 28 đội pháo binh hay đội quân khác, một ban quân hành truyền thống, và có thể thêm nhiều nhân sự khác.”
Vẫn theo nhà phân tích này thì một số quân xa sẽ có mặt trong buổi diễu hành.
Nếu Triều Tiên tiến hành với kế hoạch thực hiện cuộc diễu binh vào ngày 8/2, thì nó sẽ diễn ra một ngày trước Lễ Khai mạc Thế vận hội Mùa Đông ở Pyeonchang bên Hàn Quốc.
Hành động phô trương lực lượng của miền Bắc có thể đe dọa các nỗ lực cởi mở hãy còn mong manh giữa đôi bên, giữa lúc hai miền đang lên kế hoạch để cùng sánh bước bên nhau dưới một ngọn cờ duy nhất để thể hiện tình đoàn kết trước các cuộc tranh tài Olympics, đồng thời mở lại các cuộc đàm phán chính thức đầu tiên trong hai năm hồi tháng Giêng.
Theo nhà phân tích thì cuộc diễu binh năm nay có lẽ sẽ nhỏ hơn so với cuộc diễu binh hùng hậu trong năm trước, ảnh vệ tinh không cho thấy các quân xa loại lớn có khả năng mang tên lửa.
Không lâu trước đó, các nỗ lực của Triều Tiên tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân và phi đạn đạn đạo xuyên lục địa, thách thức các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, dẫn đến các biện pháp trừng phạt và cả những cuộc thảo luận giữa các giới chức Mỹ về triển vọng thực hiện các cuộc tấn công quân sự.
https://www.voatiengviet.com/a/trieu-tien-dieu-binh-mot-ngay-truoc-olympics/4215366.html
Nhật, Australia thúc đẩy quan hệ quốc phòng
Thủ tướng Australia, Malcolm Turnbull ngày 18/1 tới Nhật trong sứ mạng thúc đẩy quan hệ quốc phòng giữa sự bành trướng hàng hải của Trung Quốc và chương trình võ khí hạt nhân leo thang của Triều Tiên.
Sau khi tham quan một căn cứ huấn luyện quân sự bên ngoài Tokyo cùng Thủ tướng Nhật, Shinzo Abe, ông Turnbull phát biểu về tầm quan trọng của tinh thần đoàn kết chống lại sự hung hăng của Triều Tiên.
Thủ tướng Australia kêu gọi duy trì chế tài quốc tế đối với Bình Nhưỡng.
Lãnh đạo Australia và Nhật đang nhắm chung quyết một hiệp ước an ninh mới và sẽ thảo luận cách tăng cường quan hệ kinh tế song phương bao gồm việc thúc đẩy ký kết thỏa thuận tự do thương mại đa quốc xuyên Thái Bình Dương.
https://www.voatiengviet.com/a/nhat-uc-thuc-day-quan-he-quoc-phong-/4214298.html