Tin khắp nơi – 19/01/2018
Ngân sách chính phủ Mỹ mắc kẹt vì vấn đề di dân
Dự luật nhằm tránh cho chính phủ liên bang Mỹ bị đóng cửa gặp trở ngại ở Thượng viện Hoa Kỳ tối thứ Năm, 18/1, bất chấp vài giờ trước đó Hạ viện đã thông qua một dự luật cấp ngân sách cho một tháng.
Nếu không có thêm nguồn ngân sách mới, dù chỉ có tính tạm thời đến đâu, nhiều cơ quan liên bang trên khắp Hoa Kỳ sẽ buộc phải đóng cửa từ nửa đêm thứ Sáu, 19/1, khi số tiền ngân sách hiện có bị hết hạn.
Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát đã thông qua ngân sách cho giai đoạn từ nay đến 16/2 trong cuộc bỏ phiếu lưỡng đảng với tỉ lệ 230-197, sau đó chuyển dự luật đến Thượng viện xem xét, cùng lúc Tổng thống Donald Trump thúc giục rằng ông cần ký vào dự luật trước thời hạn chót vào ngày 19/1.
Tuy nhiên, cả bên đảng Dân chủ lẫn đảng Cộng hòa ở Thượng viện đều có những người phản đối dự luật của Hạ viện vì nhiều lý do khác nhau, làm cho dự luật có nguy cơ bị mắc kẹt.
Một cuộc tranh cãi gay gắt đã nổ ra ở Thượng viện ngay sau khi Hạ viện thông qua, và nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục hôm 19/1.
Điều đó làm gia tăng những phỏng đoán rằng Washington hoặc sẽ bị đóng cửa hoặc Quốc hội chỉ thông qua một dự luật chi tiêu có thời hiệu rất ngắn – có thể không quá một vài ngày – để các nhà lập pháp có thêm thời gian đàm phán.
Phía Dân chủ không ủng hộ bất kỳ dự luật nào không bảo vệ cho những di dân trẻ tuổi yếu thế khỏi bị trục xuất.
Hiện tại, những người Dân chủ đã đoàn kết lại với nhau chống việc cấp ngân sách bổ sung tạm thời, trừ khi vấn đề di cư được giải quyết, dù động thái này đi kèm rủi ro chính trị.
Trong khi đó, phía Cộng hòa đang trong tình trạng rối loạn sau khi Tòa Bạch Ốc đưa ra một loạt các thông điệp trái ngược nhau.
Tuần trước, ông Trump ban đầu thúc giục cần có một thỏa thuận lưỡng đảng về di dân, rồi lại bác bỏ. Đề xuất của Thượng viện sẽ bảo vệ những di dân trẻ tuổi không có giấy tờ, và tăng cường các tường rào dọc theo biên giới Hoa Kỳ-Mexico, phần nào thực hiện dần lời cam kết của tổng thống về xây dựng bức tường biên giới.
Nhưng ngay cả về vấn đề đó, một trong những lời hứa được ông Trump nói đi nói lại nhiều nhất khi tranh cử năm 2016, Tòa Bạch Ốc cũng làm người ta rối trí. Chánh văn phòng John Kelly nói với các nhà lập pháp hôm 17/1 rằng ông Trump không hiểu được thực tế của việc xây dựng một bức tường biên giới khổng lồ.
Vị chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc nói: “Tôi đã chỉ ra với tất cả các thành viên có mặt trong phòng là họ đều nói điều này điều khác trong chiến dịch tranh cử mà những điều đó có thể đúng hoặc không đủ thông tin”.
Tổng thống đã đáp lại trên Twitter: “Bức tường là bức tường, nó đã chưa bao giờ thay đổi hay biến thể từ ngày đầu tiên tôi ấp ủ suy nghĩ về nó”.
Điểm mấu chốt đối với các nhà lãnh đạo Quốc hội bên đảng Cộng hòa là: không dành lá phiếu nào cho các đề xuất về di dân và an ninh biên giới trừ khi ông Trump tham gia.
Lãnh đạo khối đa số đảng Cộng hòa, Thượng nghị sĩ Mitch Mcconnell, nói: “Ngay khi chúng tôi biết được ông ấy ủng hộ điều gì, tôi mới tin rằng chúng tôi không phí thời gian và công sức”.
Phía đảng Dân chủ cho rằng đảng Cộng hòa không có khả năng điều hành.
Lãnh đạo khối thiểu số đảng Dân chủ, Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, nói: “Điều duy nhất cản trở chúng ta là những xáo trộn không ngừng đến từ đầu bên kia của Đại lộ Pennsylvania [ý nói Tòa Bạch Ốc]. Nó làm cho những người đảng Cộng hòa bị tan rã. Chúng tôi hầu như không biết phải đàm phán với ai”.
Ông Trump đã đặt ra một ngày trong tháng 3 làm ngày hết hạn của Đạo luật Trì hoãn Hành động Pháp lý đối với Những người đến Mỹ khi còn là Trẻ em, gọi tắt là DACA, là một chương trình cấp giấy phép lao động và học tập tạm thời cho những di dân trẻ tuổi. Đảng Cộng hòa muốn có nhiều thời gian hơn để thảo luận về vấn đề di dân. Hồi đáp từ phía đảng Dân chủ đang ngày càng bất mãn là: không còn thời gian.
(VOA, Reuters)
https://www.voatiengviet.com/a/ngan-sach-chinh-phu-my-mac-ket-vi-van-de-di-dan/4215050.html
Quốc hội Mỹ tìm cách
tránh tình trạng đóng cửa chính phủ
Các đảng viên Cộng hòa trong Hạ viện Mỹ ngày 18/1 định xúc tiến biểu quyết một biện pháp chi tiêu tạm thời để tránh việc chính phủ bị đóng cửa sau thời hạn chót là nửa đêm 19/1.
Các nhà lập pháp có hai lựa chọn: một là nhất trí biện pháp chi tiêu tạm thời trong 1 tháng, hai là đóng cửa chính phủ cho đến khi nào thống nhất được về ngân quỹ.
Nếu biện pháp tạm thời được thông qua, tháng sau các nhà lập pháp sẽ thương lượng một gói chi tiêu trang trải cho phần còn lại của năm tài khóa 2018 chấm dứt vào ngày 30/9.
Và nếu họ thông qua biện pháp tạm thời thì đây là biện pháp thứ tư kiểu này trong những tháng gần đây.
Khó khăn
Lãnh đạo phe Cộng hòa ở Quốc hội đang chật vật kiếm cho đủ sự ủng hộ đối với biện pháp chi tiêu tạm thời 1 tháng. Một số người phản đối việc thông qua thêm một dự luật chi tiêu tạm thời nữa, một số người muốn chi tiêu dành cho các chương trình quốc phòng nhiều hơn ngay cả trong dự luật tạm thời này.
Di trú cũng là vấn đề gây khó khăn. Một số nhà lập pháp Dân chủ tuyên bố sẽ phản đối bất cứ kế hoạch chi tiêu nào thiếu sự bảo vệ dành cho 800 ngàn di dân tới Mỹ bất hợp pháp từ nhỏ, còn được gọi là thế hệ ‘Dreamers’. Nhóm di dân này không bị trục xuất nhờ chương trình DACA dưới thời Tổng thống Obama. Chương trình này đã bị Tổng thống Trump chấm dứt hồi năm ngoái.
Vấn đề thứ ba là bảo hiểm trẻ em. Ông Trump phản đối một biện pháp có thể gia hạn bảo hiểm sức khỏe trẻ em trong 6 năm tới. Biện pháp này được đông đảo phe Dân chủ ủng hộ nhưng chỉ được một số nhà lập pháp Cộng hòa tán thành như một phương tiện để dự luật được thông qua.
Gói chi tiêu đang được biểu quyết không bao gồm đủ số chi tiêu cho quốc phòng để làm hài lòng phe Cộng hòa, không bảo vệ các di dân Dreamers, và những điều khoản về bảo hiểm sức khỏe trẻ em rất khiêm tốn so với những đòi hỏi của phe Dân chủ.
Gói chi tiêu tạm thời dự kiến được Hạ viện biểu quyết vào 7 giờ tối nay, giờ miền Đông Hoa Kỳ.
Hành động từ Thượng viện
Nếu được Hạ viện thông qua, gói chi tiêu tạm thời này sẽ được Thượng viện biểu quyết vào ngày mai, 19/1.
Nhưng chưa chắc là nó sẽ được thông qua. Hai Thượng nghị sĩ Cộng hòa đã thông báo không ủng hộ biện pháp này, nghĩa là dự luật cần sự ủng hộ của ít nhất 11 Thượng nghị sĩ Dân chủ mới đạt được 60 phiếu cần có để được thông qua.
Chính phủ Mỹ từng bị đóng cửa trước đây. Lần cuối cùng vào năm 2013 vì bế tắc về chính sách chăm sóc sức khỏe. Lần đó chính phủ bị đóng cửa 16 ngày và hàng trăm ngàn nhân viên chính phủ liên bang phải nghỉ ở nhà.
Những công việc nào phải ngưng lại và những phần việc nào vẫn tiếp tục hoạt động trong giai đoạn chính phủ đóng cửa còn tùy, nhưng các dự án nghiên cứu liên bang phải ngưng trệ, công viên quốc gia đóng cửa, các chương trình dinh dưỡng liên bang bị đình chỉ, đình hoãn xét duyệt đơn xin trợ cấp khuyết tật của cựu chiến binh, như trường hợp của năm 2013.
Kể từ năm 1976, chính phủ Mỹ đã chính thức đóng cửa 18 lần.
Khủng hoảng Ukraine: Kiev tuyên bố Nga là ‘kẻ xâm lược’
Nghị viện Ukraine vừa thông qua luật gọi những vùng bị quân ly khai thân Nga chiếm giữ ở miền đông là vùng đất đang bị Nga tạm thời chiếm đóng.
Luật về tái hoà nhập khu vực được ủng hộ bởi 280 dân biểu và gọi Nga là một “nước xâm lược”.
Moscow đã lên án điều này và cho rằng dự luật sẽ bị coi như bước khởi đầu của “một cuộc chiến tranh mới”.
Ukraine: ‘Nga đứng sau vụ tấn công mạng’
Lãnh đạo Nga nói người VN ‘hiểu rõ cảm xúc người Crimea’
GS Tạ Ngọc Tấn: ‘Gorbachev là kẻ cơ hội’
Bắc Hàn ‘tấn công’ giao dịch tiền ảo Nam Hàn
Hơn 10.000 người đã thiệt mạng tại miền Đông Donetsk và Luhansk kể từ thời điểm các vụ xung đột nổ ra vào tháng 4 năm 2014.
Một tháng trước đó, Nga đã kiểm soát bán đảo Crimea ở phía Nam của Ukraine.
Các nhà lập pháp của Ukraine đã thông qua dự luật này vào hôm thứ Năm (18/1) sau cuộc thảo luận sôi nổi kéo dài tới ba ngày.
“Liên bang Nga có hành động xâm lược chống lại Ukraine và tạm thời chiếm hữu một phần lãnh thổ của đất nước,” tài liệu tuyên bố.
Văn bản cũng tố cáo việc Moscow gửi các lực lượng vũ trang tới các vùng Donetsk và Luhansk, không tôn trọng hiệp định ngừng bắn.
Ukraine và phương Tây tố cáo Nga việc họ gửi quân đội tới các khu vực này và trang bị vũ khí cho nhóm ly khai.
Moscow phủ nhận hành động này, nhưng thừa nhận có những “tình nguyện viên” từ Nga hỗ trợ các nhóm phiến quân.
Trong một tuyên bố hôm thứ Năm (18/1), Bộ Ngoại Giao Nga cáo buộc Kiev đang cố gắng giải quyết các cuộc xung đột ở miền đông nước này bằng vũ trang.
Phía Nga cũng cho rằng dự luật mới này vi phạm hiệp định hoà bình Minsk được thực thi từ năm 2015.
Sự gia tăng căng thẳng giữa Kiev và Moscow diễn ra chỉ vài tuần sau khi Ukraine và quân ly khai trao đổi hàng trăm tù nhân và cũng là cuộc trao đổi tù binh lớn nhất kể từ khi cuộc xung đột bùng phát
Phản ứng từ truyền thông Ukraine
Dự luật mới được đưa tin trên các trang báo ở Ukraine vào ngày thứ Sáu. Nhưng dường như truyền thông Ukraine không bị ấn tượng bởi việc này.
Trong một bài phê bình gay gắt, tờ báo lá cải Vesti bày tỏ mối lo ngại về nhân quyền, “ai sẽ bị coi là “kẻ thù của nhân dân”, rồi những ngôi nhà được tìm thấy là của ai và ai sẽ kiếm được lợi nhuận từ thương mại [với các khu vực nổi dậy]?”
Trang web tin tức Ukrayinska Pravda cũng tỏ ra hoài nghi khi cho rằng: “Mặc dù có những điểm yếu nhưng cả chính quyền và phe đối lập thừa nhận: dự luật không thể giải quyết được vấn đề chiếm đóng”.
Hoa Kỳ ‘có thể cấp vũ khí’ cho Ukraine
Ukraine cấm thí sinh Nga dự thi Eurovision
Bộ ba những nhà lãnh đạo khai tử Liên Xô
Hàng không mẫu hạm của TQ đến Hong Kong
“Dự luật được thông qua: Làm thế nào chúng ta lấy lại Donbass”, một tiêu đề từ tờ KP. Tờ báo này cũng nhắc đến một cách chi tiết “các điều khoản tranh cãi không được đưa vào dự luật”.
Tờ báo của Nga Kommersant thì cho rằng dự luật mới này sẽ góp phần tích cực vào việc bãi bỏ hiệp định Minsk và xem như “Kiev quay lưng lại với Paris và Berlin, và đặt quyền lợi chiến lược lên Washington.”
http://www.bbc.com/vietnamese/business-42745656
Mỹ: Cặp cha mẹ xiềng xích con chối tội
David Turpin, 56 tuổi, và Louise Turpin, 49 tuổi, đang phải đối mặt với cáo buộc hành hạ, lạm dụng và giam giữ trái phép.
Họ đã bị bắt sau khi một cô con gái trốn khỏi ngôi nhà, nơi cảnh sát tìm thấy anh chị em của cô bị xích vào giường và bị suy dinh dưỡng trầm trọng.
Cặp đôi này xuất hiện trong phiên tòa nhiều giờ sau khi các công tố viên đưa ra chi tiết các cáo buộc khủng khiếp về các vụ bạo hành.
Cưỡng hiếp ‘live’ trên Facebook
Trẻ gốc Việt gửi thiệp Noel cho Trump về Mẹ Nấm
Trẻ em Việt đưa lậu vào Anh mất tích
Khởi tố hình sự vụ án dâm ô trẻ em
Công tố viên hạt Riverside, ông Mike Hestrin, cho biết cặp vợ chồng bị cáo buộc đã phạt các con họ bằng cách trói chúng, ban đầu bằng dây thừng và sau đó xích vào giường.
Ông nói các hình phạt kéo dài vài tuần hoặc vài tháng, và theo chiều hướng ngày càng mạnh bạo hơn.
Các công tố viên cho biết có bằng chứng cho thấy những đứa trẻ không được tháo xích để đi vệ sinh.
Cô con gái vị thành niên trốn thoát và báo cảnh sát về ngôi nhà nơi các anh chị em cô bị giam giữ đã ấp ủ kế hoạch bỏ trốn trong suốt hai năm.
Các cáo buộc gây sốc gồm:
Những đứa trẻ đã quen với việc bị đánh đập thường xuyên, bao gồm bị siết cổ
Chỉ được phép tắm một lần trong một năm
Phải thức suốt cả đêm và chỉ được đi ngủ vào bốn hoặc năm giờ sáng và ngủ ban ngày
Không được phép chơi bất cứ đồ chơi nào dù nhiều đồ chơi được tìm thấy còn nguyên trong bao bì
Nếu rửa tay phần trên cổ tay sẽ bị phạt vì tội “nghịch nước”
Được phép ăn một bữa một ngày nhưng đôi khi bố mẹ mua thức ăn, ví dụ như bánh bí ngô, và đặt nó ở nơi lũ trẻ có thể nhìn thấy nhưng không được phép ăn
Chưa bao giờ được đi kiểm tra răng miệng và không đi kiểm tra sức khỏe trong hơn bốn năm
Thiếu kiến thức cơ bản về cuộc sống, và không biết cảnh sát là gì
Sự phản bội nghiêm trọng
James Cook, Phóng viên BBC từ Riverside, California
Vụ việc này đã gây ra làn sóng phẫn nộ trên khắp Hoa Kỳ và lan rộng khắp nơi, và phòng xử án nhỏ chật cứng khi các bị cáo xuất hiện.
David và Louise Turpin mặc trang phục nhã nhặn. Họ thỉnh thoảng liếc nhau qua bàn để bản sao của bộ luật hình sự California và các tờ giấy liên quan đến vụ việc của họ. Một luật sư ngồi giữa hai người.
Đôi vợ chồng chỉ nói ngắn gọn để xác nhận rằng họ đã hiểu và chấp nhận các chi tiết thủ tục liên quan đến buổi điều trần tiếp theo của họ.
Những cáo buộc mà họ chối bỏ nằm trong số những cáo buộc nghiêm trọng nhất mà các cặp cha mẹ có thể phải đối mặt: phản bội những đứa con của chính họ, một sự phản bội mà các công tố viên cáo buộc đã diễn ra trong nhiều năm, nếu không phải là hàng chục năm.
Một số trẻ được cho là khỏe mạnh, nhưng một số khác chắc chắn đã bị tổn thương nghiêm trọng cả về thể chất và tinh thần sau những gì phải trải qua.
Các con của họ, tuổi từ 2 đến 29 được điều trị tại bệnh viện kể từ khi được giải cứu hôm thứ Hai, 15/1.
Đứa trẻ hai tuổi có trọng lượng bình thường nhưng những đứa trẻ khác bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng.
Trẻ 12 tuổi có cân nặng tương đương một trẻ 7 tuổi và người 29 tuổi chỉ nặng 37 kg.
Một số trẻ bị suy giảm nhận thức và mắc “bệnh thần kinh, đó là tổn thương thần kinh, do hậu quả của sự lạm dụng thể chất cực đoan và kéo dài,” ông Hestrin nói.
Một số có thể đọc và viết. Ông Turpin có đăng ký mở trường tư thục ở nhà tại California, gọi là Trường Sandcastle Day School.
Cảnh sát đã thu được hàng trăm trang nhật ký mà những đứa trẻ được phép viết và đang tìm kiếm bằng chứng dựa trên đó.
Trước khi chuyển đến California, gia đình này từng sống ở Texas.
Em gái phụ nữ Việt bị nan y có visa vào Mỹ
Đài Loan phá vỡ vụ trẻ Việt nhập cư lậu
‘Sống ở Mỹ, nên học cách tự tin’
Tại một thời điểm, cặp cha mẹ bị cáo buộc đã sống trong một ngôi nhà khác và chỉ đến để đưa thức ăn cho lũ trẻ, giới chức cho hay.
Cặp vợ chồng này có thể phải đối mặt với 94 năm tù.
Ông Turpin cũng phải đối mặt với một “tội có hành dâm ô với trẻ dưới 14 tuổi” đối với một trong số những người con của ông.
Cảnh sát California tìm thấy 13 người con trong tình trạng suy dinh dưỡng trong một ngôi nhà bẩn thỉu, hôi hám.
Trước đó, cảnh sát tưởng rằng tất cả đang trong tuổi vị thành niên nhưng sau đó nhận ra rằng một số đã trưởng thành nhưng bị suy dinh dưỡng.
Ông Hestrin cho biết, khi cảnh sát tới nơi, ba đứa con của cặp vợ chồng đang bị xích vào giường.
Các cáo buộc chống lại David và Louise Turpin:
12 cáo buộc tra tấn
1 cáo buộc David Turpin tội dâm ô trẻ em
7 cáo buộc ngược đãi người phụ thuộc
6 cáo buộc ngược đãi / bỏ rơi trẻ em
12 cáo buộc giam giữ trái phép
http://www.bbc.com/vietnamese/world-42742927
Trung Quốc: Luật sư nhân quyền Dư Văn Sinh bị bắt
Luật sư nhân quyền nổi tiếng người Trung Quốc Dư Văn Sinh đã bị bắt giữ khi đang trên đường cùng con trai đến trường, gia đình ông cho biết.
Dư Văn Sinh, một nhà phê bình Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã bị bắt giữ bởi khoảng một chục người, trong đó có cả đội đặc nhiệm, sau khi ông rời căn hộ của mình cùng với con trai vào sáng ngày thứ Sáu (19/1), vợ ông cho biết.
Phong trào #MeToo đã lan đến Trung Quốc?
Luật sư nhân quyền Trung Quốc ‘mất tích’
Trước đó, ông Dư đã kêu gọi cho một cuộc bầu cử và cải cách hiến pháp.
Hàng trăm luật sư nhân quyền nước này đã bị các nhà chức trách giam giữ và chất vấn trong những năm gần đây.
Nhiều giờ trước khi bị giam giữ, ông Dư chỉ trích các nhà lãnh đạo Trung Quốc và kêu gọi một cuộc cải cách chính trị thông qua một lá thư ngỏ được viết bằng tiếng Hoa trên Twitter.
Ông Dư nói: “Việc chỉ định người đứng đầu chính phủ chỉ với một cuộc bầu cử đảng duy nhất không mang ý nghĩa của một cuộc bầu cử,”
“Nó không mang lại sự tin tưởng cho quốc gia, xã hội dân sự hoặc các quốc gia khác trên thế giới.”
Hiện tại vẫn chưa rõ nơi ông Dư đang bị giam giữ và cảnh sát địa phương thì nói với hãng tin AFP rằng họ không biết về việc ông đang bị giam giữ.
Vợ ông Dư nói với hãng tin Reuters: “Tôi chưa nhận được bất cứ văn bản hợp pháp nào về việc chồng tôi bị giam giữ và thậm chí cũng không biết chồng tôi bị bắt vì tội danh gì.”
Ông Dư tiết lộ giấy phép hành nghề của ông đã bị thu hồi hồi đầu tuần.
Chính quyền nước này cho biết ông Dư không được tuyển dụng bởi một công ty luật có giấy phép nào trong sáu tháng qua, nhưng nhà hoat động nhân quyền cáo buộc rằng đó là kết quả của sự phản đối của ông với lãnh đạo Đảng Cộng sản.
Nhà nghiên cứu về Trung Quốc của Tổ chức Ân xá Quốc tế, Patrick Poon, nói với AFP: “Đây giống như hành động trả đũa ông Dư vì các tuyên bố trên truyền thông.”
“Tôi e ngại là ông ta có thể bị truy tố với một tội danh nghiêm trọng như “kích động lật đổ chính quyền nhà nước”, ông cho biết thêm
Ông Dư, một cựu luật sư về thương mại, đã làm việc với rất nhiều trường hợp nhạy cảm, bao gồm cả việc bảo vệ các luật sư nhân quyền khác bị bắt giữ bởi chính phủ.
Ông cũng là một thành viên của nhóm đứng ra cố gắng kiện chính phủ Trung Quốc vì đã thất bại trong việc cải thiện chất lượng không khí tại thủ đô Bắc Kinh
Hơn 300 luật sư, trợ lý hợp pháp và các nhà hoạt động xã hội đã bị thẩm vấn, và hơn hai chục người đã bị điều tra chính thức kể từ khi cuộc đàn áp do chính phủ dẫn đầu bắt đầu vào năm 2015.
Một số đã bị kết án tù lâu dài, trong khi một số khác vẫn đang chờ đợi bản án
http://www.bbc.com/vietnamese/world-42745657
Thủ tướng Nam Hàn xin lỗi về phát biểu
liên quan đội nữ khúc côn cầu hai miền
Thủ tướng Nam Hàn Lee Nak-Yon vào ngày 19/1 lên tiếng xin lỗi về phát biểu liên quan cơ hội chiến thắng của đội khúc côn cầu trên băng nữ của nước này tại Thế vận hội mùa đông Pyeongchang. Lời xin lỗi được đưa ra vào khi chính quyền Seoul không thể dập tắt chỉ trích đối với biện pháp thành lập đội nữ khúc côn cầu trên băng chung giữa hai miền.
Giới chỉ trích tại miền nam cho rằng đội gồm tuyển thủ hai miền như thế sẽ tước đi cơ hội giành chiến thắng và việc tham gia của các vận động viên miền nam. Họ nói rõ đội nữ khúc côn cầu của miền Nam đủ tiêu chuẩn tranh giải chứ không phải được cho dự vì lý do nào khác.
Thủ tướng Lee Nak Yon vào ngày thứ ba 16/1 vừa qua phát biểu rằng đội thống nhất tham gia với tư cách là nước chủ nhà chứ không phải là vì mục tiêu dành huy chương. Đội nữ khúc côn cầu trên băng của Nam Hàn chỉ xếp thứ 22 và Bắc Hàn chỉ xếp thứ 25 trên thế giới. Ngoài ra, ông nghe được là mục tiêu của đội miền Nam chỉ giành chiến thắng 1 đến 2 trận và các vận động viên đều ủng hộ việc đưa một số cầu thủ giỏi của Bắc Hàn vào đội nhằm nâng cao thêm năng lực.
Trước sự chỉ trích rộng rãi của công chúng, người đứng đầu chính phủ Nam Hàn đã phải thừa nhận những phát biểu mà ông đưa ra gây hiểu lầm.
Trong tuần này, hai miền Triều Tiên đã đồng ý thành lập đội nữ khúc côn cầu trên băng thi đấu chung tại Thế vận hội Pyeongchang mà Seoul muốn tuyên truyền là một “Thế vận hội Hòa bình”, nhằm giảm bớt căng thẳng hiện nay tại bán đảo Triều Tiên về chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn.
Đoàn ca nhạc Bắc Hàn sang miền Nam biểu diễn
Một phái đoàn Bắc Hàn gồm 7 thành viên do cô Hyon Song Wol , trưởng nhóm nhạc nữ Morangbon, dẫn đầu vào ngày thứ bảy 20/1 xuống miền Nam.
Theo hãng tin AFP hôm 19/1, cô Hyon Song –Wol, dẫn đầu phái đoàn tiền trạm của miền bắc đi kiểm tra những nơi được đề nghị để phía Bắc biểu diễn nghệ thuật ngay tại thủ đô Seoul và thành phố Gangneung nhân dịp diễn ra Thế vận hội mùa đông Pyeongchang ở nam Hàn.
Như vậy cô Hyon Song-Wol trở thành quan chức miền Bắc đầu tiên sang thăm miền nam kể từ năm 2014; không kể các quan chức tham gia vòng đàm phán vừa rồi ở phía nam Khu Phi Quân Sự giữa hai miền Triều Tiên.
Cô Hyon Song-Wol, một bạn gái cũ của lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un, từng bị nêu danh trong một báo cáo vào năm 2013 ở Nam Hàn nói rằng cô này và chừng hơn chục nhạc sĩ văn công khác của miền bắc bị xử tử do xuất hiện trong một phim khiêu dâm.
Lúc bấy giờ Bình Nhưỡng giận dữ bác bỏ tin đưa ra và rồi cô Hyon xuất hiện trên truyền hình Nhà nước Bắc Hàn.
Bộ Thống Nhất Nam Hàn cũng thông tin thêm cô Hyon Song-Wol còn là người đứng đầu của Dàn nhạc giao hưởng Samjiyon gồm 80 thành viên nằm trong đoàn nghệ thuật Bắc Hàn sang biểu diễn ở miền nam tổng cộng 140 người. Đây là hoạt động nghệ thuật đầu tiên được thực hiện kể từ năm 2002, khi đó Bình Nhưỡng cử đoàn gồm 30 ca sĩ và vũ công tới Seoul dự một sự kiện chung.
Bắc Hàn và Nam Hàn đã đồng ý sẽ cùng diễu hành chung vào ngày khai mạc Thế vận hội Pyeongchang dưới ngọn cờ Triều Tiên Thống nhất, có nền trắng và hình bán đảo Triều Tiên màu xanh và đội khúc côn cầu nữ của hai nước sẽ kết hợp lại và tranh tài với các quốc gia khác trong kỳ Thế vận hội này.
Một cuộc thăm dò ý kiến tại Nam Hàn cho thấy chỉ có 40,5% người dân ủng hộ hoạt động này. Một phần lớn hơn , 49,4% không ủng hộ Bắc Hàn diễu hành dưới lá cờ của nước mình.
Cũng vào ngày 19/1, ngọn đuốc Olypic đã được rước qua Daeseongdong, một ngôi làng nhỏ nằm tại khu vực phi quân sự giữa hai miền.
Đài Loan ngưng cấp đường bay mới cho phía Trung Quốc
Đài Loan đã ngưng việc chấp nhận đơn xin có thêm chuyến bay mới của hai hãng không Trung Quốc vì lý do vài tuần gần đây các hãng này đã sử dụng 4 đường bay gây tranh cãi quá gần Đài Loan. Hãng tin Reuters trích lời một giới chức của Đài Loan giấu tên cho biết tin này hôm 19/1.
Theo giới chức Đài Loan, hãng hàng không China Eastern Airlines đã xin thêm 106 chuyến bay trong khi hãng Xiamen Airline xin thêm 70 chuyến bay nhân dịp Tết âm lịch sắp đến.
Thời gian gần đây, Trung Quốc đã mở thêm những tuyến đường bay mới gây tranh cãi, trong đó có đường bay hướng bắc M503 qua eo biển Đài Loan mà không thông báo cho Đài Loan biết.
Đài Loan đã lên tiếng bày tỏ quan ngại vì cho rằng các đường bay mới quá gần các đường bay cũ nối tới các sân bay tại hai nhóm đảo do Đài Loan kiểm soát nằm gần Trung Quốc và đe dọa an toàn đường bay.
Trung Quốc phản bác lập luận an toàn đường bay và nói nước này không cần sự chấp thuận của Đài Loan với các đường bay này.
Bà Ho Shu-ping, Phó Giám đốc cơ quan quản lý hàng không dân dụng của Đài Loan hôm 19/1 cho biết Đài Loan cũng đã yêu cầu các hãng hàng không Trung Quốc không được sử dụng đường bay M503 nhưng một số hãng vẫn tiếp tục sử dụng.
Thân nhân người Nhật bị Bắc Hàn bắc cóc
tiếp tục tìm công lý
Gia đình những công dân Nhật Bản bị phía Bắc Hàn bắt cóc muốn Tòa Hình sự Quốc tế điều tra về sự mất tích của những người bị bắt cóc và tìm kiếm sự trừng phạt đối với lãnh đạo Bắc Hàn. Nhóm hỗ trợ các gia đình nạn nhân tại Nhật cho hãng tin AFP biết tin này hôm 19/1.
Người đại diện nhóm hỗ trợ Kazushiro Araki nói với AFP rằng gia đình những người mất tích và những người ủng hộ họ sẽ đệ đơn tìm kiếm sự trừng phạt đối với lãnh tụ Kim Jong Un của Bắc Hàn và yêu cầu một cuộc điều tra về nghi vấn bắt cóc ít nhất 100 người Nhật Bản. Nhóm dự định nộp đơn vào tuần tới.
Hồi năm 2002, Bắc Hàn thừa nhận đã cử mật vụ bắt cóc 13 người Nhật trong những năm 1970 và 1980. Những người Nhật này sau khi bị bắt cóc về Bắc Hàn được giao nhiệm vụ đào tạo cho các điệp viên Bắc Hàn tiếng Nhật và phong tục Nhật.
5 người Nhật sau đó đã được trở về Nhật Bản. Bắc Hàn nói 8 người kia đã chết nhưng không đưa ra được bằng chứng chắc chắn nào.
Trong khi đó, Tokyo cho rằng có ít nhất 17 người bị bắt cóc. Nhóm hỗ trợ các gia đình nạn nhân cho rằng có đến 470 người Nhật mất tích có liên quan đến Bắc Hàn.
Chính phủ Nhật Bản cho biết đang hợp tác chặt chẽ với các gia đình nạn nhân liên quan đến đơn kiến nghị.
Một báo cáo vào năm 2014 của Liên Hợp Quốc về nhân quyền ở Bắc Hàn ước tính có khoảng 200.000 người từ nhiều nước đã bị mật vụ Bắc Hàn bắt cóc. Phần lớn trong số này là công dân Nam Hàn bị kẹt lại sau chiến tranh Triều Tiên hồi những năm 1950 – 1953. Có hàng trăm người từ các nước Malaysia, Thái Lan, Singapore, Romania, Pháp và Li băng đã bị Bắc Hàn bắt hoặc mất tích sau khi đến thăm nước này trong giai đoạn từ những năm 1960 đến những năm 1980.
Đại diện người Rohingya ra yêu sách trước khi hồi hương
Chỉ vài ngày trước khi chương trình hồi hương người tỵ nạn Rohingya từ Bangladesh về lại Myanmar được triển khai, một nhóm đại diện cho tập thể Hồi Giáo thiểu số này đưa ra danh sách những đòi hỏi chính phủ Myanmar cam kết, trước khi họ đồng ý trở về lại Myanmar cư trú.
Những yêu sách được đại diện người Hồi Giáo Rohingya đưa ra bao gồm đòi hỏi chính phủ Myanmar phải cho họ được quyền nhập tịch, phải công nhận người Rohingya là một tập thể thiểu số, được hưởng mọi quyền lợi như các sắc dân thiểu số khác đang sinh sống trên đất Myanmar, kể cả quyền lợi được cấp đất để xây nhà, trồng trọt, xây trường học và thánh đường Hồi Giáo.
Yêu sách còn đòi chính phủ Myanmar phải công khai xác nhận quân đội là thủ phạm những vụ đàn áp, bắn giết, đốt nhà, cướp của và hãm hiếp, đòi chính phủ phải trả tự do ngay tức khắc những người Rohingya đang bị quân đội bắt giữ trong những cuộc hành quân mang danh nghĩa truy lùng khủng bố, cũng như ngưng ngay việc đăng tải trên báo chí hay chiếu trên TV hình ảnh, tên tuổi, của những người Hồi Giáo Rohingya bị tình nghi là khủng bố.
Hãng thông tấn Reuters cho hay đây chỉ là những yêu sách sơ khởi, vì nhóm đại diện người Rohingya đang thu thập thêm ý kiến của người đồng hương, trước khi gửi cho chính phủ Myanmar.
Hiện đang có hơn 650.000 người Rohingya tạm trú tại Bangladesh. Theo thỏa thuận giữa Bangladesh và Myanmar, chương trình hồi hương người tỵ nạn sẽ được bắt đầu từ thứ Ba tuần tới và kết thúc trong vòng 2 năm.
Chính phủ Myanmar cũng cam kết ngăn chận làn sóng người Hồi Giáo Rohingya tìm đường sang Bangladesh lánh nạn, nhưng theo tin của AP, trong 2 ngày vừa qua có hơn 100 người Hồi Giáo Rohingya chạy sang được Bangladesh, nói rằng họ chạy trốn vì bị quân đội Myanmar bắt làm lao công.
Trung Quốc cấm học sinh đến nhà thờ Hồi Giáo
Giới chức quận Quảng Hà, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc, vừa ra thông cáo cấm học sinh không được viếng thăm đền thờ Hồi Giáo trong thời gian nghỉ mùa đông.
Tin này được tờ Hoàn Cầu Thời Báo xuất bản ở Bắc Kinh loan tải trong số ra ngày 19 tháng một.
Bài báo cho hay không chỉ cấm học sinh viếng đền thờ, thông cáo của Ủy ban Nhân dân quận Quảng Hà còn ghi rõ là học sinh trong quận không được đọc sách về tôn giáo, ý muốn nói kinh Koran. Thông cáo cũng nhấn mạnh thay vì đọc kinh, đọc sách tôn giáo, học sinh từ mẫu giáo cho đến trung học của quận sẽ được nhà trường hướng dẫn học hỏi tư tưởng của đảng, tham gia các sinh hoạt mang tính chính trị.
Hiện vẫn không rõ nguyên nhân tại sao quy định này được ban hành. Quận Quảng Hà có hơn 250.000 dân, trong đó người theo đạo Hồi chiếm tới 98%.
Dân nhiều nước theo dõi tin tức về Mỹ
Một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew, trụ sở ở Washington DC, cho thấy có nhiều quốc gia quan tâm đến tin tức thời sự liên quan nước Mỹ, trong đó 43% những người Việt Nam được hỏi nói là họ theo dõi tin về Hoa Kỳ một cách sát sao.
Cuộc khảo sát được thực hiện trong năm 2017, trên tổng số 37 quốc gia trong đó Việt Nam xếp thứ 24. Canada là nước đứng đầu danh sách với 78% số người được hỏi có theo dõi tin tức của Mỹ. Tiếp sau đó là Hà Lan với 75% và 4 đồng minh thân cận của Mỹ là Nhật Bản, Đức, Australia và Nam Hàn.
Xếp hạng cuối cùng danh sách là Peru chỉ với 22% người được hỏi tỏ ra hứng thú với tin tức về Hoa Kỳ.
Tại 10 quốc gia châu Âu, trung bình khoảng 51% người dân quan tâm đến tình hình nước Mỹ. Trong khi đó tại Mỹ Latin người dân lại có vẻ ít theo dõi hơn.
Khảo sát đưa ra kết luận rằng các quốc gia có nền giáo dục phát triển hơn thì sẽ có nhiều người dân quan tâm đến tình hình nước Mỹ hơn. Ngoài ra, những nước có xu hướng yêu thích âm nhạc hay điện ảnh của Mỹ cũng có tỷ lệ người quan tâm tin tức về quốc gia này cao hơn.
TT Trump hủy chuyến đi Florida
vì chính phủ Mỹ sắp bị đóng cửa
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump bỏ kế hoạch đi về khu nghỉ mát của ông vào thứ Sáu 19/1 khi Quốc hội đang tiến gần đến thời hạn chót là nửa đêm thứ Sáu phải thông qua dự luật cấp ngân sách ngắn hạn để tránh cho chính phủ liên bang không bị đóng cửa, theo đài truyền hình CNN trích lời một người phát ngôn Tòa Bạch Ốc.
Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát tối thứ Năm 18/1 đã thông qua dự luật cấp ngân sách cho giai đoạn từ nay đến 16/2 trong cuộc bỏ phiếu lưỡng đảng với tỉ lệ 230-197, sau đó chuyển dự luật đến Thượng viện xem xét, cùng lúc Tổng thống Donald Trump thúc giục rằng ông cần ký vào dự luật trước thời hạn chót vào cuối ngày 19/1.
Tuy nhiên, cả bên đảng Dân chủ lẫn đảng Cộng hòa ở Thượng viện đều có những người phản đối dự luật của Hạ viện vì nhiều lý do khác nhau, làm cho dự luật có nguy cơ bị mắc kẹt.
Chính phủ Mỹ
lập bộ phận bảo đảm ‘tự do tôn giáo’ trong Bộ Y tế
Chính phủ Mỹ sẽ lập ra một bộ phận trong bộ y tế có nhiệm vụ tập trung vào việc bảo đảm “lương tâm và tự do tôn giáo” cho các nhân viên y tế, những người nói rằng tín ngưỡng của họ ngăn họ thực hiện phá thai và các cuộc phẫu thuật khác.
Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ nói trong một thông cáo công bố hôm thứ Năm rằng việc thành lập bộ phận mới này trong Văn phòng Quyền Dân sự sẽ cho họ “sự tập trung mà họ cần để thi hành một cách tích cực và hữu hiệu các luật hiện hành bảo vệ quyền của lương tâm và tự do tôn giáo.”
Nỗ lực này có phần chắc lẽ làm hài lòng các nhà hoạt động Kitô giáo bảo thủ, nhiều người trong số này đã bỏ phiếu cho Tổng thống Donald Trump, và những nghị sĩ Cộng hòa trong Quốc hội, nhưng sẽ làm phật lòng những người ủng hộ quyền sinh sản và những người theo Đảng Dân chủ.
Politico hôm thứ Tư đưa tin Bộ Y tế đang nhắm mục tiêu bảo vệ những nhân viên không muốn thực hiện các vụ phá thai, chăm sóc cho bệnh nhân chuyển giới tính hoặc thực hiện các cuộc phẫu thuật khác dựa trên lý do đạo đức hoặc tôn giáo.
Bộ phận này sẽ thi hành sự bảo vệ đó và tiến hành các cuộc thẩm xét về sự tuân thủ, kiểm toán và các hành động thi hành khác để đảm bảo các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế cho phép nhân viên có những phản đối về mặt tôn giáo hoặc đạo đức không tham gia.
Ông Trump vào tháng 5 năm ngoái đã ký một sắc lệnh hành pháp gọi là “Cổ súy Tự do Ngôn luận và Tự do Tôn giáo,” theo sau đó là các quy định mới nhằm loại bỏ một sắc lệnh pháp lý rằng bảo hiểm y tế phải cung cấp các biện pháp tránh thai. Việc thành lập bộ phận này là tuân theo sắc lệnh đó, theo các văn bản của Bộ Y tế.
Nga tố cáo Mỹ
làm lộ thông tin ngân hàng của giới chức ngoại giao
Bộ Ngoại giao Nga ngày 18/1 tố cáo các giới chức Mỹ tiết lộ với báo giới thông tin tài chính riêng tư của các quan chức ngoại giao Nga làm việc tại Hoa Kỳ và yêu cầu những người chịu trách nhiệm phải bị trừng trị.
Tờ Buzzfeed tuần này loan tin các quan chức Mỹ đang điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016 đang điều nghiên hồ sơ các giao dịch tài chính liên quan đến các nhà ngoại giao Nga. Nguồn tin này cũng trích dẫn chi tiết một số giao dịch ngân hàng.
“Rõ ràng là điều này không thể xảy ra mà giới hữu trách không hay biết,” Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh trong thông cáo.
Thông cáo nói thêm các giao dịch bị tiết lộ không gì hơn ngoài các chi trả định kỳ nhưng vấn đề đã bị làm méo mó để biến thành chuyện tình nghi.
“Chúng tôi yêu cầu nhà chức trách Mỹ thực thi luật quốc gia của họ và các cam kết quốc tế, ngưng ngay lập tức việc phát tán thông tin mật bất hợp pháp và bắt những ai vi phạm phải chịu trách nhiệm, kể cả những người có chức vị hữu quan trong chính quyền nhà nước Mỹ,” Bộ Ngoại giao Nga nói.
Theo Reuters
Ông Trump tố cáo Nga giúp Triều Tiên vi phạm chế tài
Tổng thống Mỹ Donald Trump tố cáo Nga giúp Triều Tiên vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế.
Phát biểu với Reuters, ông Trump nói Bình Nhưỡng đang ngày càng tiến triển trong tham vọng phát triển phi đạn đạn đạo có thể bắn tới Hoa Kỳ.
Ông Trump ca ngợi Trung Quốc về nỗ lực giới hạn cung ứng than và dầu cho Triều Tiên nhưng ông nhấn mạnh Bắc Kinh có thể làm nhiều hơn nữa giúp kìm chế Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, theo lời Tổng thống Mỹ, Nga dường như đang điền khuyết vào những chỗ trống Trung Quốc để lại.
Ông Trump cũng cho biết có thể sẵn sàng họp tay đôi với lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un, nhưng nói rằng ‘chắc gì ngồi xuống nói chuyện sẽ giải quyết được vấn đề.’
Theo loan báo ngày 18/1 của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-oin tin rằng việc Bình Nhưỡng sẵn lòng tổ chức các cuộc đối thoại khả dĩ là bằng chứng cho thấy các chế tài đang có tác dụng.
Ngoại trưởng Tillerson tán dương Bắc Kinh trong việc áp lực Triều Tiên và bày tỏ tin tưởng rằng các biện pháp trừng phạt chung cuộc sẽ buộc chế độ Bình Nhưỡng phải ngồi vào bàn thương nghị để kìm chế chương trình phi đạn đạn đạo của quốc gia cộng sản này.
https://www.voatiengviet.com/a/trump-to-cao-nga-giup-trieu-tien-vi-pham-che-tai-/4214301.html
Ý phá vỡ một mạng lưới tội phạm Trung Quốc
Cảnh sát Ý ngày 18/01/2018 thông báo bắt giữ khoảng 30 người và đập tan một nhóm tội phạm người Trung Quốc, thống lĩnh ngành vận chuyển hàng hóa. Mạng lưới tội phạm này hiện diện trên khắp nước Ý, tại Pháp, Tây Ban Nha và Đức.
Trong một thông cáo được AFP trích dẫn, cảnh sát Ý giải thích rằng « tổ chức tội phạm này hoạt động mạnh không chỉ tại Ý mà trên khắp châu Âu, khẳng định ưu thế thống lĩnh bằng cách đe dọa các doanh nghiệp đồng hương » trong lĩnh vực vận chuyển đường bộ và kho bãi tại Ý, Paris, Madrid và Neuss, gần Düsseldorf của Đức.
Nhóm tội phạm này bị nghi ngờ đã dùng đến các « thủ đoạn đe dọa và bạo lực » và « đã thu lợi bất chính từ các hoạt động tội phạm mang đặc tính băng đảng Trung Quốc như cưỡng ép, cho vay nặng lãi, tổ chức đánh bạc, mãi dâm và buôn ma túy ».
Vụ bắt giữ diễn ra trong khuôn khổ cuộc điều tra mang tên « China Truck », do cảnh sát vùng Prato, một thành phố gần Florenzia tiến hành. Đây là khu vực tập trung một cộng đồng người Hoa đông đảo chủ yếu hoạt động trong ngành may mặc. Nhiều doanh nghiệp, phương tiện đi lại, bất động sản và tài khoản ngân hàng trị giá nhiều triệu euro đã bị tạm giữ.
AFP nhận định chiếc vòi bạch tuộc tội phạm Trung Quốc đã vươn đến châu Âu. Đây có lẽ là mạng lưới tội phạm lớn nhất tại châu Âu. Hội Tam Hoàng Trung Quốc giờ trở thành một nhóm tội phạm đa quốc gia.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180119-y-pha-vo-mot-mang-luoi-toi-pham-trung-quoc
Quan hệ Mỹ-Trung
sẽ còn trồi sụt theo tính khí của TT Trump
Vào lúc tổng thống Mỹ Donald Trump kết thúc năm đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình và khởi đầu năm thứ hai, giới quan sát đều ghi nhận tác động của tính khí thất thường của ông trên đường lối đối ngoại của Hoa Kỳ trong năm qua, mà ví dụ điển hình nhất là vấn đề quan hệ với Trung Quốc. Theo nhiều chuyên gia được nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 19/01/2018 trích dẫn, quan hệ Mỹ-Trung trong năm thứ hai trong nhiệm kỳ của tổng thống Trump cũng sẽ tiếp tục lên xuống theo sự xoay chiều của nhà lãnh đạo Mỹ.
Đối với giới phân tích, trong một năm qua, tổng thống Mỹ đã xác định hai vấn đề cấp bách nhất mà Washington cần đến sự hợp tác của Bắc Kinh để giải quyết : Một là thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc, và hai là đẩy lùi hiểm họa hạt nhân Bắc Triều Tiên. Trên cả hai lãnh vực này, sau một năm cầm quyền của ông Trump, Hoa Kỳ đều có dấu hiệu gặp thất bại. Thâm thủng mậu dịch của Mỹ không giảm, mà còn tăng thêm, trong lúc Bắc Triều Tiên đã cho thấy là rất có thể họ đã sở hữu vũ khí nguyên tử.
Vấn đề được nêu bật là tổng thống Mỹ đã không giữ một thái độ nhất quán trong chính sách đối với Trung Quốc. Thoạt đầu, tổng thống Mỹ đã rất gay gắt với Bắc Kinh, cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ, đánh cắp dữ liệu tin học cũng như cướp công ăn việc làm của người Mỹ.
Thế nhưng sau đó, đặc biệt trong hai cuộc tiếp xúc với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng Tư tại Mỹ và tháng 11 năm 2017 tại Bắc Kinh, ông lại hữu hảo với Trung Quốc, thậm chí còn ca ngợi ông Tập Cận Bình. Câu nói được giới quan sát nhắc lại là tuyên bố : « Tôi không đổ lỗi cho Trung Quốc… Làm sao có thể đổ lỗi cho một đất nước biết tận dụng lợi thế của mình vì lợi ích của dân mình ? »
Chỉ ít lâu sau, ông Trump lại xoay chiều, cứng giọng với Trung Quốc, cáo buộc Bắc Kinh là đã làm quá ít để ngăn chặn chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, đồng thời bãi bỏ cơ chế « Đối Thoại Kinh Tế Toàn Diện » Mỹ-Trung. Và trong chiến lược an ninh quốc gia được ông Trump công bố vào tháng 12/2017, Trung Quốc đã bị tố cáo là cố tìm cách phá hoại các lợi ích an ninh của Hoa Kỳ.
Trên hiện trường, hai thỏa thuận thương mại khổng lồ đã bị tan vỡ : Hợp tác sắp hình thành giữa tập đoàn viễn thông Hoa Vi (Huawei) của Trung Quốc và AT & T của Mỹ đã tan rã vì chính quyền Mỹ đã tỏ ý quan ngại trước quan hệ giữa Hoa Vi với chính phủ Trung Quốc và các cơ quan an ninh. Cũng như vậy, kế hoạch của nhóm Alibaba của Trung Quốc mua lại tập đoàn dịch vụ chuyển tiền MoneyGram của Mỹ cũng bị bác bỏ.
Năm đầu là vậy, năm hai sẽ ra sao. Theo giới quan sát, với nhiều cuộc điều tra của chính phủ Hoa Kỳ nhắm vào các hoạt động thương mại và đầu tư của Trung Quốc đang tiến hành, với hiểm họa hàng Trung Quốc bị áp thuế chống bán phá giá ngày càng rõ nét, khả năng quan hệ Mỹ-Trung được cải thiện không thấy đâu.
Vấn đề là tổng thống Mỹ lại nổi tiếng với tính khí thất thường, do đó không loại trừ khả năng ông lại đổi ý. Đây chính là mối quan ngại của các công ty Mỹ tại Trung Quốc.
Theo bà Tara Joseph, chủ tịch Phòng Thương Mại Hoa Kỳ tại Hồng Kông, cộng đồng doanh nhân Hoa Kỳ ở Trung Quốc đang áp dụng chiến thuật chờ thời vì không tài nào biết được những chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ ra sao.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180119-quan-he-my-trung-se-con-troi-sut-theo-tinh-khi-cua-tt-trump
Mỹ : TT Trump sẵn sàng
chịu thẩm vấn của công tố viên đặc biệt Mueller
Tổng thống Mỹ rất « mong muốn » được trả lời những câu hỏi của công tố viên đặc biệt Robert Mueller đặc trách điều tra về vụ nhóm vận động tranh cử của ông Trump bị tình nghi thông đồng với Nga trong cuộc bầu cử năm 2016. Luật sư Nhà Trắng Ty Cobb ngày 18/01/2018 đã cho biết như trên khi trả lời phỏng vấn của một đài truyền hình Mỹ.
Theo hãng tin Pháp AFP, ông Ty Cobb khẳng định rằng tổng thống Donald Trump « rất muốn giải thích mọi điều với công tố viên đặc biệt… và cung cấp những lời khai cần thiết để kết thúc vụ việc ».
Đây là một thay đổi thái độ của tổng thống Mỹ, vì chỉ cách đây một tuần, ông Trump từng từ chối tham gia cuộc thẩm vấn của ông Mueller, và chỉ trích cuộc điều tra Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ là lãng phí thời gian, không khác gì một « cuộc săn phù thủy », chỉ là để bôi nhọ ông.
Hồ sơ DACA : Tư pháp Mỹ đòi Tối Cao Pháp Viện can thiệp
Bộ Tư pháp Mỹ ngày 18/01/2018, đã yêu cầu Tối Cao Pháp Viện Mỹ bác bỏ phán quyết của một thẩm phán cấp dưới đã ngăn chặn quyết định của tổng thống Donald Trump về việc chấm dứt một chương trình DACA. Đây là kế hoạch từng được đưa ra để bảo vệ hàng trăm ngàn thiếu niên theo cha mẹ nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ trước đây.
Đó là phán quyết định ngày 09/01/2018 của thẩm phán liên bang San Francisco William Alsup, theo đó chương trình DACA vẫn có hiệu lực trong khi chờ đợi các vụ kiện chính quyền về việc bãi bỏ chương trình này được giải quyết.
Theo giới phân tích, đây là một động thái bất thường của chính quyền Trump, nhằm né tránh Tòa Phúc thẩm số 9 tại San Francisco, vốn đã từng bác bỏ quyết định của tổng thống Mỹ tạm thời cấm công dân từ 7 nước Hồi Giáo vào Mỹ. Tối Cao Pháp Viện Mỹ hiện có đa số theo xu hướng bảo thủ thiên về phía đảng Cộng Hòa.
Tai nạn tầu dầu Iran :
Thủy triều đen hình thành trên biển Hoa Đông
Tai nạn tầu dầu Iran tiếp tục gây quan ngại cho các nước trong khu vực. Sau nhiều ngày bốc cháy và đã chìm dưới đáy đại dương, nhưng nhiên liệu từ tầu vẫn tiếp tục tràn ra biển. Một vết dầu loang khổng lồ, có diện tích bằng thủ đô Paris đang hình thành. Tại hiện trường, nhiều nhóm chuyên gia đang tìm cách hạn chế tầm mức của thảm họa.
Từ Thượng Hải, thông tín viên Angélique Forget tường thuật :
« Nhìn từ trên cao, đó là một lớp dầu khổng lồ đang lan rộng trên mặt nước. Theo Cơ quan Quản lý Đại dương Trung Quốc, vết dầu có diện tích hơn 100 km².
Chiếc tầu chở dầu của Iran, chìm xuống đáy biển hôm Chủ Nhật (14/01) và 136.000 tấn dầu nhẹ được chở trên tầu gần như đã đổ hết ra biển. Theo một số chuyên gia, nguy cơ ô nhiễm môi trường ít nghiêm trọng hơn là loại dầu nặng.
Nhưng tình hình rất có thể trở nên nghiêm trọng nếu như đến lượt 1.000 tấn dầu chạy máy cũng tràn ra biển. Đây là mối bận tâm chính của các cơ quan hàng hải Trung Quốc. Các cơ quan này sẽ triển khai các loại tầu ngầm tự hành để thám hiểm các vùng nước xung quanh xác tầu.
Trên mặt nước, tầu chiến Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản tìm cách rửa sạch lớp dầu tràn. Tuy nhiên, một quan chức hàng hải ở Thượng Hải cũng nhìn nhận rằng nhiệm vụ sẽ rất khó khăn.
Cùng với thảm họa môi trường là một thảm kịch nhân mạng : Trong số 32 thành viên thủy thủ đoàn, người ta chỉ tìm được ba thi thể. Không còn chút hy vọng nào tìm thấy người sống sót và các chiến dịch tìm kiếm đã bị ngưng lại ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180119-tai-nan-tau-dau-iran-thuy-trieu-den-hinh-thanh-tren-bien-hoa-dong
Nga tố cáo Ukraina chuẩn bị chiến tranh
Matxcơva tố cáo Kiev chuẩn bị « một cuộc chiến tranh mới » sau khi Quốc Hội Ukraina, ngày 18/01/2018, thông qua một đạo luật gọi là « tái hội nhập » các tỉnh miền đông bị phe ly khai thân Nga kiểm soát.
Từ năm 2014, cuộc chiến ở Donbass đã làm cho hơn 10.300 người chết. Đạo luật mới gọi Nga là kẻ « xâm lược » và hai tỉnh Donest và Lugansk là « vùng bị địch tạm chiếm » được 280 phiếu thuận trên tổng số 450 dân biểu.
Theo thông cáo của bộ Ngoại Giao Nga, chính quyền Ukraina « đang chuẩn bị chiến tranh ». Từ Kiev, thông tín viên Sébastien Gobert tường thuật :
« Đây là tín hiệu cho người dân Donbass và Crimée : Quý vị đang ở trong phần lãnh thổ bất khả phân của Ukraina. Trên mạng xã hội, tổng thống Petro Porochenko hoan nghênh đạo luật vừa được Quốc Hội Ukraina biểu quyết. Đạo luật về lãnh thổ này ấn định rõ quy chế vùng chiến tranh và xem các tỉnh ly khai là « vùng lãnh thổ bị tạm chiếm ».
Văn kiện cũng định nghĩa rõ vai trò của quân đội trong tình hình hiện nay và tăng cường thẩm quyền của tổng tư lệnh tối cao, tức là tổng thống Ukraina. Những người chống đối cho rằng đạo luật này nhằm trao cho tổng thống Petro Porochenko toàn quyền điều động quân đội mà không bị Quốc Hội kiểm soát.
Cuộc tranh luận chung quanh dự luật này gây ra nhiều phản ứng chống đối tại Kiev và bị lên án mãnh liệt tại Matxcơva. Theo điện Kremlin, đạo luật về « vùng bị tạm chiếm » cho thấy Ukraina chọn giải pháp chiến tranh để giải quyết xung khắc thay vì chọn con đường ngoại giao.
Kiev biện minh là vẫn tiếp tục ưu tiên cho giải pháp ngoại giao và chìa bàn tay thân thiện với dân chúng địa phương.
Vấn đề là cần phải có nhiều nỗ lực khác bởi vì một đạo luật mới không đủ để chấm dứt một cuộc xung đột giằng co và cải thiện đời sống cho ba triệu dân Donbass ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180119-nga-to-cao-ukraina-chuan-bi-chien-tranh
Syria đe dọa bắn hạ máy bay Thổ Nhĩ Kỳ
nếu Ankara can thiệp
Nếu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào Afrin thì Syria sẽ bắn hạ máy bay xâm nhập. Damas đưa ra lời hăm dọa này vào lúc tổng thống Erdogan đe dọa sẽ đánh vào một căn cứ địa của lực lượng Kurdistan-Syria do Mỹ hậu thuẫn.
Theo bản tin AFP ngày 18/01/2017, trợ lý ngoại trưởng Syria Faysal Moqdad cho biết Damas đã thông báo với Ankara là không quân Syria sẽ bắn hạ mọi máy bay Thổ Nhĩ Kỳ nếu xâm nhập không phận Syria. Quan hệ Damas-Ankara căng thẳng lên từ sau khi Hoa Kỳ thông báo giúp người Kurdistan-Syria lập một lực lượng « an ninh biên giới » 30.000 quân.
Nghi ngờ Mỹ muốn giúp sắc tộc Kurdistan lập quốc, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ sử dụng vũ lực tiêu diệt lực lượng này trước khi thành hình. Mục tiêu trước tiên là thành phố Afrin.
Cũng theo AFP, Ankara nói dễ làm khó vì can thiệp quân sự vào Afrin sẽ đụng phải Mỹ lẫn Nga. Hai nước này đều có hiện diện quân sự trong vùng và đều ủng hộ người Kurdistan-Syria mà Thổ Nhĩ Kỳ xem là cùng phe với khủng bố PKK.
Trong thế lưỡng nan, ngày 18/01, tổng tham mưu trưởng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bay sang Matxcơva tìm hậu thuẫn.
Trong khi đó, tại Liên Hiệp Quốc, tổng thư ký Antonio Guterres kêu gọi Hội Đồng Bảo An mở lại cuộc điều tra truy tìm thủ phạm sử dụng vũ khí hóa học sát hại thường dân tại Syria.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180119-damas-de-doa-ban-ha-may-bay-tho-nhi-ky-neu-ankara-can-thiep
Tổng thống Ai Cập cách chức lãnh đạo cơ quan tình báo
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sissi, ngày 18/01/208, đã cách chức lãnh đạo cơ quan tình báo và bổ nhiệm chánh văn phòng tổng thống thay thế. Không có thông tin cụ thể về việc này và báo chí Ai Cập cũng không có nhiều bình luận. Quyết định được đưa ra vào lúc chỉ còn hai tuần nữa là đến thời điểm đăng ký của các ứng viên cho cuộc bầu cử tổng thống được tổ chức trong năm 2018.
Từ Cairo, thông tín viên Alexandre Buccianti gửi về bài tường trình :
« Cơ quan tình báo Ai Cập mà lãnh đạo là tướng Khaled Fawzy vừa bị cách chức, phụ trách các hoạt động tình báo ở nước ngoài cũng như ở trong nước. Vị giám đốc nổi tiếng nhất của cơ quan này là tướng Omar Soliman, được bổ nhiệm làm phó tổng thống một ngày trước khi cựu tổng thống Hosni Moubarack phải từ chức, vào năm 2011.
Đây là một cơ quan đầy quyền lực nhưng sau đó bị cơ quan quân báo cạnh tranh mà người đứng đầu trước đây là tướng Abdel Fattah Al Sissi, trước khi ông được bổ nhiệm làm bộ trưởng Quốc Phòng.
Nguyên nhân trực tiếp của việc cách chức tướng Fawzy dường như có liên quan đến các vụ rò rỉ thông tin. Nhật báo Mỹ New York Times đã đăng nội dung các cuộc điện đàm mà tờ báo khẳng định là của một sĩ quan quân báo, theo đó, bên quân báo đã đề nghị các ngôi sao truyền thông Ai Cập đưa ra các bình luận giảm nhẹ tầm quan trọng của vấn đề Jerusalem.
Quyền giám đốc cơ quan tình báo Ai Cập là tướng Abbas Kamel, cố vấn thân cận của tổng thống Sissi ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180119-tong-thong-ai-cap-cach-chuc-lanh-dao-co-quan-tinh-bao
Lá bài Lực lượng Biên phòng Kurdistan của Mỹ tại Syria
Ngày 13/01/2018, Washington thông báo ý định thành lập Lực lượng Biên phòng tại Syria (Boder Securiry Force) từ giờ đến vài năm nữa để duy trì ổn định trong khu vực và ngăn khủng bố thánh chiến tái xuất hiện.
Ngày 15/01, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tuyên bố “giết ngay trong trứng nước lực lượng khủng bố” mà Mỹ định xây dựng. Ngay hôm sau 16/01, đến lượt thủ lĩnh quân du kích Kurdistan tại Syria cam kết “dọn sạch” khu vực khỏi “hiểm họa” Thổ Nhĩ Kỳ, như từng “quét sạch Daech khỏi vùng”.
Washington tính toán gì khi muốn duy trì lực lượng Kurdistan tại Syria ? Phản ứng của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ như thế nào ? RFI tiếng Việt tổng hợp một số bài viết (Le Monde, RTL Bỉ, Mediapart, Sputnik) về chủ đề này.
Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ e ngại Lực lượng Bảo vệ Nhân dân Kurdistan ?
Lực lượng Bảo vệ Nhân dân Kurdistan (YPG) hiện kiểm soát nhiều đô thị quan trọng ở một số vùng tây bắc Syria (gần biên giới phía nam Thổ Nhĩ Kỳ), trong đó có hai thành phố lớn Manbij và Afrin.
YPG là một đồng minh chủ đạo của Mỹ và liên quân quốc tế trong cuộc chiến chống thánh chiến tại Syria, nhưng lại bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là “quân khủng bố”. Theo thông báo của Hoa Kỳ, YPG sẽ chiếm một nửa quân số và giữ vị trí quan trọng trong lực lượng biên phòng khoảng 30.000 người và nửa còn lại là Lực lượng Dân chủ Syria (FDS), hiện kiểm soát tất cả các vùng đất bên hữu ngạn sông Euphrate cho đến biên giới Irak.
Cùng với đồng minh Ả Rập, người Kurdistan tại Syria đã thành lập Liên đoàn Bắc Syria, một thực thể chính trị hoạt động trên các địa bàn do họ kiểm soát. Ông Khaled Issa, đại diện tại Paris của Liên đoàn này, được Le Monde trích đăng ngày 16/01, cho biết, “kế hoạch chính trị của chúng tôi là một kế hoạch Syria và lực lượng biên phòng chỉ có mục đích bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Syria”.
Mỹ tính gì khi muốn thành lập Lực lượng Biên phòng tại Syria ?
Quân đội Mỹ khẳng định lực lượng biên phòng mới tại Syria không nhằm mục đích đối đầu với Ankara. Cụ thể, theo phát biểu của tướng Ryan S. Dillon, phát ngôn viên tại Bagdad của liên quân quốc tế với nhật báo Le Monde (16/01), “Liên quân quốc tế kết hợp với FDS để thiết lập một lực lượng an ninh dọc biên giới giữa Irak và Syria. Mục tiêu của lực lượng này là đánh bại hoàn toàn tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, ngăn chặn mọi điều kiện có thể khiến tổ chức này tái xuất hiện và hạn chế làn sóng chiến binh khủng bố nước ngoài tại Irak, Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu”.
Tuy nhiên, theo Le Monde, 30.000 người là một con số ấn tượng. Tháng 12/2017, bộ Quốc Phòng Mỹ từng thừa nhận sẽ duy trì một đội ngũ 2.000 quân Mỹ tại Syria, được triển khai ban đầu trong khuôn khổ chống Daech. Hiện giờ, mối đe doạ thánh chiến tạm lùi xa, các quan chức Mỹ công khai thanh minh sự hiện diện của lực lượng này là nhằm “ngăn chặn ảnh hưởng của Iran và sự ủng hộ của Matxcơva đối với chế độ Bachar Al Assad”, như phát biểu ngày 11/01 trước Ủy ban Đối Ngoại Thượng Viện Mỹ của ông David Satterfield, trợ lý ngoại trưởng tạm quyền, đặc trách về Cận Đông.
Còn chuyên gia Joshua Landis, giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Trung Đông tại đại học Oklahoma, đánh giá rằng Hoa Kỳ tìm cách ngăn cản Damas lấy lại quyền kiểm soát lãnh thổ Syria. Ông viết : Bằng cách duy trì một chính phủ Syria suy yếu và chia rẽ, Hoa Kỳ hy vọng bác bỏ những thắng lợi của Iran và Nga. Washington cũng muốn là chính sách ủng hộ Kurdistan sẽ tăng thêm ảnh hưởng của Mỹ trong vùng và sẽ giúp đẩy lùi Iran. Trong bối cảnh này, quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ bị vạ lây.
Thổ Nhĩ Kỳ đòi diệt “ổ khủng bố”, Nga tố Mỹ ngăn Syria thống nhất
Ankara luôn cáo buộc dân quân Kurdistan là một chi nhánh của đảng Lao Động Kurdistan (PKK), thường gây bạo động tại Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 1984 và bị liệt vào danh sách “khủng bố”. Vì vậy, Ankara luôn sợ rằng YPG đóng quân lâu dài tại cửa ngõ phía nam của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trang Sputnik (16/01) của Nga nhắc lại rằng tháng 03/2017, Ankara thông báo thành công của chiến dịch loại người Kurdistan khỏi các vùng đất gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria, nhưng thường xuyên đe dọa tấn công Mabij và Afrin. Đây cũng là nhận định của đại diện Liên đoàn Bắc Syria tại Paris với Le Monde : “Ankara muốn chiếm Afrin đổi lại việc Damas chiếm lại tỉnh Idlib”, trong khi đây lại là vùng đất Syria cuối cùng vẫn hoàn toàn nằm trong tay các phe nổi dậy chống chế độ của tổng thống Bachar Al Assad.
Tổng thống Erdogan thẳng thừng tuyên bố “chiến dịch có thể bắt đầu bất cứ lúc nào” và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến bước “cho đến khi không còn một kẻ khủng bố nào”. Còn tổ chức Quan Sát Bắc Syria (Northern Syrian Observer, NSO), được Sputnik trích dẫn, cho biết Hoa Kỳ đã thỏa thuận ngầm chuyển súng phóng tên lửa phòng không cho Lực lượng Bảo vệ Nhân dân Kurdistan (YPG). Quân đội Mỹ cũng nói rõ với YPG chỉ sử dụng loại vũ khí này trong trường hợp Afrin bị các lực lượng thân Thổ Nhĩ Kỳ tấn công.
Nhật báo Le Monde nhắc lại rằng Ankara từng dọa như vậy, nhưng không thể thực hiện nếu không được Matxcơva “bật đèn xanh” vì quân đội Nga duy trì sự hiện diện tại một khu vực ở Afrin. Còn theo nhận định của Jean-Paul Baquiast, trên blog Mediapart (16/01), nếu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thật sự tấn công Lực lượng Bảo vệ Nhân dân Kurdistan như lời đe dọa của tổng thống Erdogan, điều này sẽ khiến Damas, đặc biệt là Matxcơva, phẫn nộ. Như vậy, Washington hy vọng làm suy yếu liên minh Nga-Thổ. Trong khi đó, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đang thúc đẩy một tiến trình được cho là nhằm giảm bớt căng thẳng quân sự giữa các bên tham chiến tại Syria.
Nga và Mỹ chạy đua căn cứ quân sự ở Syria ?
Một bài viết khác trên Sputnik (17/01), dịch từ tuần báo Defense News, nhận định “Nga và Hoa Kỳ dường như chạy đua căn cứ quân sự tại Syria” vì muốn tăng cường hiện diện ở quốc gia có vị trí chiến lược này. Mỹ đã triển khai căn cứ ở Tabqa, trước là một căn cứ không quân Syria, gần thành phố Raqqa. Tại đây, các cố vấn Mỹ đang huấn luyện lực lượng Kurdistan. Một căn cứ khác đã được xây tại Al-Tanf, và quân đội Mỹ không chấp nhận sự hiện diện của lực lượng Nga và Syria tại đây.
Trong khi đó, Nga có hai căn cứ quân sự trên lãnh thổ Syria : một căn cứ không quân ở Hmeimim và một hải quân ở Tartus. Vị tướng nghỉ hưu người Liban Wehbe Katicha giải thích nguyên nhân Nga và Mỹ cạnh tranh nhau trên lãnh thổ Syria, kể cả về lĩnh vực căn cứ quân sự, là do vị trí chiến lược của nước này tại Cận Đông và vùng Vịnh.
Ngoài ra, Nga cũng muốn trở lại là một cường quốc trên thế giới. Vẫn theo vị tướng Liban, chính chiến dịch quân sự tại Syria đã giúp Nga tăng lượng xuất khẩu vũ khí. Thỏa thuận bán hệ thống tên lửa địa đối không S-400 Triumph của Nga cho Ả Rập Xê Út cũng là kết quả từ thành công của các chiến dịch quân sự Nga tại Syria.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180119-la-bai-luc-luong-bien-phong-kurdistan-cua-my-tai-syria
Châu Âu chuẩn bị gia tăng trừng phạt các lãnh đạo Venezuela
Liên Hiệp Châu Âu chuẩn bị áp dụng các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Venezuela. Các biện pháp này được đưa ra sau vụ trấn áp đối lập tại Venezuela và nhắm vào 7 quan chức trong chính quyền của tổng thống Nicolas Maduro.
Từ Bruxelles, thông tín viên Quentin Dickinson cho biết thêm thông tin :
« Liên Hiệp Châu Âu chuẩn bị siết chặt thêm gọng kìm đối với chính quyền Caracas. Trên cơ sở thỏa thuận chính trị ở cấp đại sứ giữa 28 thành viên Liên Hiệp Châu Âu, ngoại trưởng các nước này, vào đầu tuần tới, sẽ thông qua một danh sách các quan chức cao cấp Venezuela bị cấp nhập cảnh vào châu Âu và nếu họ có tài khoản ở châu Âu thì những tài khoản này sẽ bị phong tỏa cho đến khi có lệnh mới.
Rất ít khi Liên Hiệp Châu Âu đưa ra các biện pháp trừng phạt cùng lúc nhắm vào nhiều quan chức cao cấp đến như vậy. Trong danh sách này, người ta thấy có tên của nhân vật số hai trên thực tế của Venezuela, Diosdado Cabello, chủ tịch Đảng Xã Hội, bộ trưởng Nội Vụ, tướng Nestor Reverol.
Giám đốc cơ quan tình báo Gustavo Gonzalez Lopez, Viện trưởng viện Công Tố Tarek William Saab, cựu chỉ huy lực lượng Vệ Binh Quốc Gia Antonio Benavides, chủ tịch Ủy Ban Bầu Cử Quốc Gia Tibisay Lucena, Chánh án Tòa Án Tối Cao Maikel Moreno, cũng nằm trong danh sách này.
Do cấm vận vũ khí và các phương tiện kỹ thuật phục vụ đàn áp đã được áp dụng, những biện pháp trừng phạt mới này nhằm ép buộc chính quyền của tổng thống Maduro phải tiến hành đối thoại với các lực lượng đối lập dân chủ tại Venezuela »
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180119-chau-au-chuan-bi-gia-tang-trung-phat-cac-lanh-dao-venezuela
Ấn Độ thử hỏa tiễn tầm bắn 5.000 km
có sức răn đe Trung Quốc
Trong một thông cáo chính thức ngày 18/01/2018, bộ Quốc Phòng Ấn Độ cho biết đã thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo Agni-5. Tầm bắn của hỏa tiễn này không được nêu lên, nhưng theo các chuyên gia vũ khí, Agni-5 là loại tên lửa có tầm bắn 5.000km, có thể bắn tới mọi địa điểm trên lãnh thổ Trung Quốc. Nhiều nhà phân tích không ngần ngại cho rằng New Delhi như vậy đã có thêm một thứ vũ khí mới để răn đe Bắc Kinh.
Trong bản thông cáo, bộ Quốc Phòng Ấn Độ cũng đã nhắc đến mục tiêu răn đe của loại vũ khí này, khi giải thích rằng : « Cuộc thử nghiệm thành công của hỏa tiễn Agni-5 khẳng định lại năng lực tên lửa được chế tạo tại Ấn Độ, và củng cố thêm năng lực răn đe đáng tin cậy » của Ấn Độ.
Theo giới quan sát, năng lực răn đe của Ấn Độ là có thực vì lẽ nước này sở hữu vũ khí hạt nhân, và vì tên lửa Agni-5 có thể mang theo một vật thể nặng hơn 1.000 kg, New Delhi hoàn toàn có thể gắn đầu đạn nguyên tử lên hỏa tiễn đạn đạo đời mới này để bắn đi.
Thông cáo của bộ Quốc Phòng Ấn Độ còn nói đến việc tên lửa Agni-5 được phóng đi từ giàn phóng di động. Điều đó có nghĩa là New Delhi hoàn toàn có thể đặt Matxcơva, Athens, vùng Trung Đông, Tokyo, Bắc Kinh vào trong tầm ngắm của vũ khí nguyên tử của mình.
Tuy nhiên, theo nhật báo Mỹ The New York Times, đối tượng răn đe chính của Ấn Độ là Trung Quốc, trong bối cảnh quân đội hai bên cách đây không lâu còn trải qua hai tháng đối đầu căng thẳng ở vùng Doklam trên dãy Himalaya, sát biên giới hai nước, một sự cố biên giới được cho là nghiêm trọng nhất trong vòng 30 năm gần đây.
Theo chuyên gia Ấn Độ Nitin Gokhale, cho đến nay, New Delhi chưa từng có một loại tên lửa nào có khả năng đánh vào các « mục tiêu có giá trị cao » ở Trung Quốc, và cuộc thử nghiệm thành công tên lửa Agni-5 vào ngày 18/01 đã khiến cục diện thay đổi, với hầu hết lãnh thổ Trung Quốc, bao gồm cả các thành phố ven biển phía đông như Thượng Hải, đều nằm trong tầm bắn của vũ khí hạt nhân Ấn Độ.
Đối với chuyên gia này, kể từ nay, Bắc Kinh sẽ phải « suy nghĩ hai lần » trước khi gây sự với New Delhi.
Trong quá khứ, Trung Quốc đã nhiều lần chỉ trích Ấn Độ về kế hoạch phát triển tên lửa Agni-5.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180119-an-do-thu-hoa-tien-tam-ban-5000-km-co-suc-ran-de-trung-quoc