Tin Biển Đông – 17/01/2018
Philippines, Trung Quốc
thảo luận kế hoạch thăm dò dầu khí chung ở biển Đông
Philippines và Trung Quốc vào tháng tới sẽ thảo luận cách thực thi thỏa thuận thăm dò dầu khí chung tại Biển Tây Philippines mà Việt Nam gọi là Biển Đông.
Nhật báo Inquirer hôm 16/1 trích lời ông Alan Peter Cayetano, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines cho biết như vừa nêu hôm 15 tháng một.
Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Philippines thì liên doanh thăm dò dầu khí giữa hai nước là một trong những vấn đề được nêu ra tại diễn đàn song phương tổ chức ở thủ đô Manila vào tháng tới.
Từ năm ngoái, cả Philippines và Trung Quốc đồng ý thiết lập diễn đàn nhằm bàn thảo vấn đề tranh chấp song phương tại khu vực biển trong vùng đặc quyền kinh tế 370 hải lý của Philippines tại Biển Đông.
Ngoại trưởng Alan Peter Cayetano cho biết thêm về mặt khái niệm thì cả hai phía đều mong muốn thăm dò chung. Điều này được đưa vào tuyên bố nhân chuyến thăm của thủ tướng Lý Khắc Cường đến Philippines vào năm ngoái. Bước tiếp theo là hai phía sẽ tìm cách đi đến thỏa thuận phù hợp với luật pháp của Phi lẫn Trung Quốc; miễn sao không đụng đến vấn đề chủ quyền lãnh hải.
Ông Alan Peter Cayetano nhắc lại Manila sẽ không bao giờ nhượng bộ trong vấn đề lãnh thổ quốc gia; tuy nhiên quyền chủ quyền thì có thể bàn thảo. Điều này có nghĩa nếu một khu vực thuộc về đất nước của bạn nhưng bạn không có đủ khả năng tài chính và kỹ thuật để khai thác, phát triển nó thì có thể chọn đối tác.
Cũng theo ngoại trưởng Philippines thì Manila và Bắc Kinh cũng sẽ tìm kiếm những thỏa thuận tương tự cùng các bên có tranh chấp tại Biển Đông.
Việt Nam sắp đón chiến hạm Gepard thứ tư
Thêm một chiến hạm Gepard 3.9 do Nga sản xuất sắp về đến Việt Nam.
Đây là chiến hạm Gepard 3.9 thứ tư do Việt Nam đặt hàng theo hai hợp đồng đóng tàu chiến với nước Nga của chính phủ Hà Nội.
Theo truyền thông Việt Nam, chiếc Gepard 3.9 vừa nêu được một tàu vận tải chở từ cảng Novorossiysk của Nga và sẽ đến cảng Cam Ranh của Việt Nam vào cuối tháng này.
Hai chiếc tàu Gepard 3.9 đầu tiên đã được Nga giao cho Việt Nam vào năm 2011. Chiến thứ ba giao cho Việt Nam hồi năm ngoái 2017.
Biện pháp trang bị thêm tàu chiến này được xem là nỗ lực của Việt Nam nhằm hiện đại hóa lược lượng hải quân của mình để ứng phó với sự gia tăng lấn lướt của Trung Quốc ở Biển Đông. Các tàu chiến Gepard có trang bị tên lửa diệt chiến hạm, pháo phòng không, cũng như có khả năng săn tàu ngầm.
Hợp tác quốc phòng Pháp – Việt : Sắp tới sẽ là Biển Đông ?
Hôm 11/01/2018, Việt Nam và Pháp đã tổ chức cuộc đối thoại quốc phòng lần thứ hai tại Thành phố Hồ Chí Minh. Sáng kiến này bắt đầu từ năm 2016, tập trung vào lãnh vực an ninh trong quan hệ đôi bên. Tờ báo The Diplomat đặt câu hỏi, bước tiếp theo của việc hợp tác quân sự Pháp-Việt sẽ là gì ?
The Diplomat nhận định, giữa Việt Nam và Pháp có mối quan hệ lịch sử lâu dài, qua việc Pháp đô hộ Việt Nam suốt một thế kỷ. Việt Nam nằm trong Đông Dương thuộc Pháp, cho đến khi đánh bại « mẫu quốc » giành được độc lập vào năm 1954. Quan hệ ngoại giao chính thức được thành lập vào năm 1973, nhưng chỉ mới được đẩy nhanh trong những năm gần đây, khi Pháp-Việt tuyên bố mối quan hệ đối tác chiến lược năm 2013.
Paris coi việc siết chặt quan hệ với Hà Nội là một phần của nỗ lực rộng lớn hơn nhằm tăng cường ảnh hưởng Pháp tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và đặc biệt là tại Đông Nam Á. Về phía Việt Nam, việc tăng cường tình hữu nghị Pháp-Việt nằm trong chính sách đối ngoại đa phương, tìm kiếm mối quan hệ tốt đẹp với các cường quốc, đặc biệt là năm thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.
Riêng trong lãnh vực quốc phòng, hai bên đã ký kết thỏa thuận hợp tác vào năm 2009. Từ đó đến nay đã có nhiều tiến bộ đáng kể về nhiều mặt, từ các hoạt động trao đổi cho đến cho đến những tương tác về chống tội phạm xuyên quốc gia. Pháp và Việt Nam bắt đầu tổ chức Đối Thoại Chính Sách Quốc Phòng lần đầu tiên tại Paris vào tháng 11/2016, qua đó hai nước đã ký thỏa thuận hợp tác về quân y và tham gia lực lượng giữ gìn hòa bình Liên Hiệp Quốc.
Riêng năm nay mang ý nghĩa quan trọng trong quan hệ Pháp-Việt, nhân kỷ niệm 45 năm thành lập quan hệ ngoại giao, và 5 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Đôi bên cho biết sẽ tiến hành một số hoạt động liên quan trong năm 2018, và rất có khả năng thủ tướng Pháp Edouard Philippe sẽ sang thăm Việt Nam trong năm nay.
Về quân sự, cuộc Đối Thoại Chính Sách Quốc Phòng lần thứ hai đã diễn ra hôm 11/1 tại thủ đô kinh tế Việt Nam – trước đây mang tên Sài Gòn. Đồng chủ trì hội nghị là thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng Quốc Phòng Việt Nam và phó đô đốc Hervé de Bonnaventure, phó tổng cục trưởng tổng cục Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược thuộc bộ Quân Lực Pháp.
Cuộc đối thoại tập trung vào việc tăng cường hợp tác trên những lãnh vực đã được bàn bạc và đã có những bước phát triển, như huấn luyện quân sự, đào tạo bác sĩ quân y, an ninh hàng hải, an toàn hàng không, các hoạt động gìn giữ hòa bình, hợp tác trong kỹ nghệ quốc phòng.
Cho dù không có chi tiết cụ thể nào được tiết lộ, nhưng đôi bên cho biết đã thỏa thuận tăng cường các chuyến thăm Việt Nam của các chiến hạm Pháp. Theo nhận xét của The Diplomat, an ninh hàng hải là chủ đề quan trọng trong hợp tác quốc phòng Pháp-Việt, không chỉ những hoạt động đơn lẻ, mà còn ở sự yểm trợ của Pháp đối với Việt Nam, trước sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc tại Biển Đông.
Gần đây một bài phóng sự trên Le Monde đã mô tả cuộc tuần tra vào cuối tháng 10/2017 của chiến hạm tối tân Pháp Auvergne tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chuyến hải hành của tàu Pháp bị phía Trung Quốc theo bén gót. Tháng 4/2017, chiến hạm Mistral hiện đại nhất của Pháp cùng với hộ tống hạm Courbet đã đến Sài Gòn, ở thăm Việt Nam một tuần lễ trong khuôn khổ chương trình hợp tác quốc phòng Việt-Pháp. Trước đó vào tháng 5/2016, chiến hạm chở trực thăng Tonnerre (L9014) thuộc lớp Mistral cũng đã thăm cảng Cam Ranh trong bốn ngày.
Hãng tin Bloomberg hôm 05/06/2016 đưa tin, bộ trưởng Quốc phòng Pháp lúc đó là ông Jean-Yves Le Drian đã tuyên bố tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, Pháp sẽ cổ vũ Hải quân các nước Liên Hiệp Châu Âu phối hợp tuần tra tại Biển Đông, để bảo đảm sự hiện diện thường xuyên trên vùng biển chiến lược này. Ông khẳng định Pháp sẽ cho chiến hạm và phi cơ đi qua « bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép ».
Trong lúc thái độ của Hoa Kỳ vẫn chưa rõ ràng, thì sự hiện diện tại Biển Đông – dù không thường xuyên – của Pháp, cường quốc biển thứ ba trên thế giới có thể là yếu tố tích cực, góp phần hạn chế căng thẳng trong khu vực. Đây cũng có thể là mục tiêu lâu dài của Việt Nam khi siết chặt hợp tác trong lãnh vực quốc phòng với nước Pháp.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20180117-hop-tac-quoc-phong-phap-viet-sap-toi-se-la-bien-dong