Tin Việt Nam – 16/01/2018
Việt Nam tiếp tục bị xếp hạng là quốc gia không có tự do
Việt Nam không phải là một quốc gia tự do. Đó là xếp hạng của Tổ chức theo dõi tự do và dân chủ, Freedom House, có trụ sở tại Hoa Kỳ, công bố trong báo cáo thường niên 2018, vào ngày 16 tháng Một, năm 2018.
Theo tổ chức này, tại Việt Nam, quyền tự do được xếp hạng 6/7, trong đó hạng 7 là những quốc gia mất tự do nhất. Tương tự, quyền chính trị của người dân được xếp hạng 7/7 tức là không có quyền hạn chính trị nào. Lĩnh vực khá nhất của Việt Nam là các quyền dân sự được xếp hạng 5/7.
Theo báo cáo của Freedom House, năm 2017 là năm mà nền dân chủ gặp khủng hoảng trên toàn thế giới, trong đó có cả Hoa Kỳ quốc gia được xem là mẫu mực của dân chủ. Cụ thể chính phủ của tổng thống Donald Trump xâm phạm những chuẩn mực đạo đức, cũng như làm giảm tính minh bạch của họ.
Theo báo cáo mới công bố, trong tổng số 195 quốc gia được khảo sát chỉ có 88 quốc gia được gọi là tự do, chiếm 45% các quốc gia trên thế giới; Số có phần nào tự do là 58, tức 30% và số không có tự do là 49 nước, chiếm 25% .
Các quốc gia được xếp hạng tệ nhất là Syria, Bắc Hàn, và một số nước khác vùng Trung Đông, Trung Á và châu Phi.
Tại châu Á có những sự kiện sau đây được Freedom House nêu ra như là minh chứng cho sự thoái trào của nền dân chủ, đó là các nghị sĩ ở Hong Kong bị bãi chức, các thủ lĩnh đối lập bị bỏ tù, Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục tăng cường sự kiểm sóat đối với truyền thông, Chính phủ Cam Pu Chia giải tán đảng đối lập.
http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/freedom-house-vietnam-not-free-01162018073544.html
Dân biểu Úc lên tiếng về tình trạng nhân quyền Việt Nam
Ông Chris Hayes, một dân biểu Úc vừa gửi thư cho Ngoại trưởng Úc Julia Bishop, yêu cầu bà thúc giục chính quyền Hà Nội trả tự do cho ba nhà hoạt động Việt Nam là cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bà Trần Thị Nga và anh Nguyễn Văn Oai.
Trong bức thư gửi cho bà ngoại trưởng vào ngày 16 tháng 1 năm 2018, dân biểu Úc Chris Hayes nói rõ là một công dân Úc được sống trong tự do, dân chủ và thể chế tam quyền phân lập, ông quan ngại trước tình trạng đàn áp, bắt bớ và bị kết tội với những điều luật mơ hồ ngày càng nhiều ở Việt Nam.
Ông Chris Hayes mong mỏi bà ngoại trưởng Úc mạnh mẽ thúc giục chính quyền Việt Nam trả tự do cho ba nhà hoạt động trên.
Thư của dân biểu Chris Hayes nhắc đến Cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh với bút danh “Mẹ Nấm” bị chính quyền Việt Nam bắt giữ từ tháng 10 năm 2016 và bị Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa tuyên án 10 năm tù giam tại phiên tòa sơ thẩm hôm 29 tháng 6 năm 2017 với tội danh tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, theo điều 88 BLHS.
Trước phiên xử phúc thẩm Mẹ Nấm vào tháng 11 năm 2017, luật sư bào chữa cho bà là luật sư Võ An Đôn đã bị kỷ luật xoá tên khỏi danh sách Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên.
Một nhà hoạt động xã hội khác cũng được ông nói tới là bà Trần Thị Nga bị chính quyền bắt giữ vào tháng 1 năm 2017 và bị Tòa án tỉnh Hà Nam tuyên án 9 năm tù giam tại phiên sơ thẩm vào tháng 7 năm 2017 và tuyên y án vào phiên phúc thẩm hôm 22 tháng 12 năm 2017. Bà cũng bị kết tội vi phạm điều 88 BLHS Việt Nam.
Dân Biểu Úc Chris Hayes cũng nói tới trường hợp mới nhất là nhà hoạt động Nguyễn Văn Oai, vừa bị tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An y án 5 năm tù giam và 4 năm quản chế tại phiên xử phúc thẩm hôm 15 tháng 1 năm 2018.
Tại phiên sơ thẩm hôm 18 tháng 9 năm 2017 diễn ra tại Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An, anh Nguyễn Văn Oai bị truy tố tội Không chấp hành án theo Điều 304 Bộ luật Hình sự và tội Chống người thi hành công vụ theo Điều 257 BLHS.
Anh Nguyễn Văn Oai là thành viên của nhóm Thanh niên Công giáo và Tin Lành ở vụ xử “âm mưu lật đổ chính quyền” hồi 2013 tại Việt Nam. Anh bị chính quyền Việt Nam bắt giữ vào tháng 1 năm 2017.
Bộ Công an Việt Nam thành lập Cục An Ninh Mạng
Bộ Công an Việt Nam đã thành lập Cục An ninh Mạng hay còn gọi là Cục A68 với mục tiêu được cho biết nhằm bảo vệ an ninh mạng và đấu tranh chống lại các thế lực chống lại Đảng và Nhà nước.
Đây là thông tin được ông Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết tại buổi họp báo về kết quả công tác năm 2017 và phương hướng 2018 của Bộ Công an, diễn ra vào chiều 15 tháng giêng vừa qua.
Ông Nam nói rằng những thông tin lan truyền trên mạng liên quan đến ngành công an đều được giao cho Cục A68, chẳng hạn như vụ án Vũ “nhôm” hay tin đồn ông Phan Văn Vĩnh, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát dính líu đến một vụ đánh bài.
Báo cáo của Bộ Công an cũng khẳng định rằng năm 2017 là một năm an ninh quốc gia của Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn do biến động trên thế giới, khu vực và trong nước.
Trong khi đó, tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 73 diễn ra vào cùng ngày, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã tái khẳng định rằng nhiệm vụ của Bộ Công an là làm sao để đảm bảo Đảng lãnh đạo lực lượng công an một cách trực tiếp và tuyệt đối.
Ông Trọng cũng ngỏ lời khen ngợi công an Việt Nam đã làm tốt trong các vụ án chống tham nhũng lớn, bao gồm việc điều tra và khởi tố hàng trăm vụ án tham nhũng trong đó có cả các quan chức cấp cao của Đảng. Ông Trọng hi vọng chiến dịch chống tham nhũng năm 2018 sẽ quyết liệt và cứng rắn như năm 2017 vừa qua.
Trước đó, vào ngày 8/1 Bộ Quốc phòng cũng công bố quyết định thành lập Bộ tư lệnh tác chiến không gian mạng với nhiệm vụ được nói là bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng và công nghệ thông tin trong toàn quân. Lực lượng này còn được gọi là lực lượng 47 với 10,000 người. Tên gọi lực lượng 47 được lấy theo số của chỉ thị 47 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về những điều đảng viên không được làm, trong đó có quy định về việc giám sát, quản lý việc cung cấp, sử dụng dịch vụ internet trong quân đội, quản lý báo chí, xuất bản.
Hai nhà hoạt động phản đối Formosa sẽ ra tòa ngày 25/1
Hai nhà hoạt động tham gia khởi kiên nhà máy Formosa gây ô nhiễm môi trường biển miền Trung sẽ phải ra tòa vào ngày 25/1/2018 tới đây.
Quyết định do Toà án nhân dân huyện Diễn Châu, Nghệ An đưa ra ngày 12/1/2018.
Hai người hiện đang bị giam giữ và phải ra tòa gồm anh Hoàng Đức Bình, Phó Chủ tịch Phong trào Lao động Việt, và anh Nguyễn Nam Phong, vốn là tài xế chở linh mục Nguyễn Đình Thục, quản xứ Song Ngọc, giáo phận Vinh. Anh Hoàng Đức Bình bị cáo buộc tội “chống người thi hành công vụ” và “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo điều 258 của Bộ luật hình sự. Anh Nguyễn Nam Phong bị truy tố về tội “chống người thi hành công vụ” theo điều 257.
Nhà hoạt động Hoàng Đức Bình, bị bắt vào ngày 15/5/2017 tại Diễn Châu, Nghệ An khi đang đi trên một chiếc xe cùng linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Đình Thục.
Anh Nguyễn Nam Phong bị bắt vào ngày 28 tháng 11 năm ngoái.
Sau khi có quyết định của Toà án Nhân dân huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An về ngày xét xử, linh mục Nguyễn Đình Thục đã gửi lên toà án 1 lá đơn đề nghị được làm chứng tại phiên toà. Linh mục Nguyễn Đình Thục yêu cầu viện kiểm sát nhân dân huyện Diễn Châu trả tự do vô điều kiện cho anh Nguyễn Nam Phong và Hoàng Đức Bình và cho ông được tham dự phiên toà với tư cách là người làm chứng.
Nội dung lá đơn cũng được linh mục Nguyễn Đình Thục đăng tải trên trang cá nhân của ông, trong đó ghi rõ: “Tôi là người có trách nhiệm trực tiếp giúp đỡ bà con giáo dân Song Ngọc kiện Formosa, theo sự hướng dẫn của Ban Hỗ trợ Các Nạn nhân ô nhiễm biển Giáo phận Vinh. Do vậy, anh Hoàng Đức Bình chỉ là người cộng tác giúp tôi trong công việc này; anh Nguyễn Nam Phong đi cùng với tôi để lái xe giúp tôi mỗi khi tôi mệt hoặc cần làm công việc khác.”
Việt Nam: Thực phẩm ‘bẩn’ tồn tại ‘hàng chục năm’
Con người là ‘mắt xích cuối cùng’ của chu trình canh tác nhiễm hóa chất và con người bị tàn phá sức khỏe là chuyện đương nhiên, theo Nhà sáng lập Greener Group.
Trả lời BBC tại Hà Nội, ông Nguyễn Hoàng Phương, cũng là kiến trúc sư, nói người dân cần phải biết nguồn gốc, xuất xứ và cách gieo trồng các sản phẩm mà họ mua để ăn.
Nguyễn Hoàng Phương: Thống kê cho thấy tỉ lệ người mắc bệnh ung thư hàng năm của Việt Nam đang tăng lên rất nhanh và nó trở thành một bệnh dịch lan tràn ở khắp xã hội cũng như những căn bệnh khác có hại với sức khỏe. Và điều đó có thể cho thấy Việt Nam có vấn đề về môi trường: môi trường về không khí, nước và thực phẩm. Có thể là sự kết hợp của cả ba thứ đó. Tuy nhiên câu chuyện về thực phẩm bẩn nó đã tồn tại hàng chục năm rồi bởi nông nghiệp của Việt Nam đã bị nhiễm hóa chất rất lớn qua quá trình canh tác.
Mỹ Linh nói gì về thực phẩm sạch?
Thực phẩm ở Việt Nam an toàn đến đâu?
Nhà nước có trách nhiệm gì với thực phẩm?
Doanh nhân Nhật mở chuỗi nhà hàng pizza tại Việt Nam
Tại Việt Nam nguồn nước là vấn đề lớn nhất. Canh tác nông nghiệp với việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu hóa học, thuốc diệt cỏ hóa học và không có liều lượng nào được khuyến cáo hoặc được chấp nhận đã đẩy tới thực trạng là những dư lượng đó trong đất bị ngấm theo nước mưa xuống mạch nước ngầm và từ mạch nước ngầm đó lan tràn ra khắp cả vùng đồng bằng, cả Bắc bộ và Nam bộ.
Nước nhiễm kim loại nặng và các loại hóa chất đó đã ảnh hưởng trực tiếp tới súc vật nuôi. Ví dụ như cá, thủy sản và tiếp tục đó là ảnh hưởng tới cây thực vật rồi từ đó ảnh hưởng tới thức ăn gia súc và cuối cùng là con người lại ăn tất cả những thứ đó qua bữa ăn hàng ngày của mình. Con người là mắt xích cuối cùng của chu trình hóa chất đó và con người bị tàn phá sức khỏe là chuyện đương nhiên.
BBC: Công việc cụ thể của nhóm Greener là gì?
Nguyễn Hoàng Phương: Bản chất của Greener Group chính là một cộng đồng kết nối và khuyến khích tất cả những người nào muốn có được cuộc sống có thực phẩm sạch và an toàn hơn rất nhiều.
Nhóm chúng tôi được thành lập vào năm 2013. Đầu tiên thì chúng tôi quan tâm tới các vấn đề môi trường nói chung như không khí, nguồn nước, cảnh quan… Tuy nhiên khi nhìn thấy câu chuyện nổi trội là thực phẩm ảnh hưởng tới chất lượng sống và tính mạng con người thì ngay lập tức chúng tôi thấy cần phải đi tìm nguyên nhân và giải pháp để làm sao có được thực phẩm sạch.
Do đó chúng tôi đang lật lại từng mắt xích đó. Chúng tôi đang cố gắng sản xuất phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, thuốc trừ sâu hữu cơ, thuốc diệt cỏ hữu cơ và khuyến nghị người nông dân đi theo con đường khác tức là nông nghiệp hữu cơ.
Thực ra trong chuỗi cung cầu này thì người nông dân là người thiệt hại rất nhiều. Các sản phẩm của họ chủ yếu là bán cho những lái buôn, chủ thầu chứ không bán trực tiếp cho người tiêu dùng.
Tức là chúng tôi giúp họ đưa các sản phẩm sạch tới tay người tiêu dùng để khép kín chuỗi cung cầu. Bởi nếu không làm vậy thì các sản phẩm người nông dân làm ra không ai biết, không ai mua thì cuối cùng người nông dân lại quay lại thói quen cũ là đi vào các sản phẩm cho phép họ “ăn xổi” tuy ảnh hưởng tới sức khỏe con người rất lớn.
Thực ra trong chuỗi cung cầu này thì người nông dân là người thiệt hại rất nhiều. Các sản phẩm của họ chủ yếu là bán cho những lái buôn, chủ thầu chứ không bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Và cái giá người tiêu dùng trả là giá rất cao là do khâu trung gian. Khi chúng tôi tính toán thì trồng trọt hữu cơ và trồng trọt vô cơ thì chi phí vượt lên không quá nhiều. Tất nhiên phải có một khâu nào đó thua thiệt và đó chính là khâu trung gian và bài toán phải giải quyết là xóa bỏ khâu trung gian thì người tiêu dùng cũng được lợi và người nông dân cũng được lợi.
BBC: Khó khăn nhất trong công việc của nhóm là gì?
Nguyễn Hoàng Phương: Khó khăn nhất chính là thay đổi thói quen của người nông dân. Họ đang sống và làm như vậy hàng chục năm nay. Tuy nhiên họ bắt đầu giật mình và thấy các sản phẩm hóa học như vậy ảnh hưởng tới chính sức khỏe của họ và họ bắt đầu mong muốn có thay đổi. Tuy nhiên họ vẫn chần chừ là nếu thay đổi như thế thì họ có thể bán ra thị trường được hay không và họ có thể thu được tiền thế nào để tiếp tục cuộc sống bình thường. Thì lúc này phải có những người làm trung gian giúp họ đưa sản phẩm sạch, được trồng theo quy trình sạch như thế ra thị trường. Giới thiệu với người tiêu dùng và khi người tiêu dùng đồng ý mua sản phẩm đó thì cả người tiêu dùng và người sản xuất bắt đầu giúp nhau trong một quy trình thay đổi theo một hướng đi khác, đó là trồng trọt hữu cơ.
Chúng tôi dùng Facebook làm công cụ để người sử dụng có thể tương tác và giao tiếp và chúng tôi cũng muốn những người nông dân với tư cách là người sản xuất và cũng là người tiêu dùng kết bạn với nhau trên Facebook và tương tác với nhau. Tất cả hành vi của người nông dân đều được điều chỉnh bởi người tiêu dùng vì người ta phải công khai và minh bạch tất cả mọi thứ trong quá trình sản xuất và anh sẽ được khách hàng quay lại giúp anh bằng cách tiêu thụ những sản phẩm như thế.
Chúng tôi cũng muốn những người nông dân với tư cách là người sản xuất và cũng là người tiêu dùng kết bạn với nhau trên Facebook và tương tác với nhau.
Việt Nam có đường biên giới dài với nhiều nước và buôn bán tiểu ngạch đưa rất nhiều thực phẩm các loại khác nhau vào và đó là thực trạng rất khó kiểm soát được về chất lượng. Có rất nhiều loại hoa quả, nấm từ Trung Quốc, kể cả thuốc trừ cỏ trừ sâu không được cấp phép cũng được tuồn qua biên giới. Những người sống tại đô thị rất lo lắng vì họ không phân biệt nổi đâu là hàng trồng trong nước và đâu là hàng nhập và chất lượng của nó thế nào. Đó dường như là một bài toán không có lời giải.
Tôi nghĩ là hiện các cơ quan phụ trách an toàn thực phẩm của nhà nước cũng biết các vấn đề này vì họ phải va chạm và ăn uống thực phẩm không sạch hàng ngày. Tuy nhiên giải quyết được vấn đề này không phải dễ.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42700261
Hai phiên tòa và giọt nước mắt quan chức
Nhà báo Mạc Việt HồngGửi bài từ Warsaw, Ba Lan
Sự kiện nổi bật nhất đầu năm Việt Nam có lẽ là phiên xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và 20 đồng phạm thuộc Tập đoàn Dầu Khí và…phần họ khóc.
Vụ án gây chú ý không chỉ bởi con số hàng ngàn tỉ thất thoát, mà còn vì đây là lần đầu tiên một Ủy viên Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam bị đem ra xét xử.
Ông Đinh La Thăng: ‘Muốn làm ma tự do’
LS Schlagenhauf ‘theo dõi sát vụ ông Thanh’
Dư luận viết về vụ ông Đinh La Thăng
TBT Trọng: ‘Cách mạng Tháng 10 mãi ngời sáng’
Về phía Trịnh Xuân Thanh, những lùm xùm xung quanh nghi vấn ‘bắt cóc’ khiến không chỉ dư luận trong nước mà quốc tế, nhất là nước Đức cũng để tâm theo dõi.
Hai ‘nhân vật chính’ hiện được Viện Kiểm sát đề nghị mức án 14-15 năm tù và chung thân.
Ông Thăng mong muốn sẽ nhận được bản án nhân văn để có thể về chết bên người thân, được là ‘ma tự do’ không phải làm ma trong tù
Khác với các vụ án xử những người bất đồng chính kiến, phiên tòa được báo chí trong nước tường thuật khá chi tiết, đầy đủ.
Bên cạnh dàn luật sư hùng hậu, các bị cáo cũng có thời gian tương đối dài rộng để tự bào chữa.
Ông Thăng nhiều lần khóc
Theo tờ Tuổi Trẻ, trong phần tự bào chữa dài hơn một tiếng rưỡi, ông Đinh La Thăng đã nhiều lần khóc.
Ông kể phải dậy từ 5 giờ sáng để ra tòa trong tiết trời lạnh; rằng ông có hai con gái, một cháu phát triển không bình thường cần có sự chăm sóc của bố mẹ; về người cha già yếu gần 90 tuổi và bản thân ông cũng bệnh tật, phải uống thuốc từ nhiều năm nay.
Ông Thăng cũng trích lời tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, rồi ví ông Trọng với cố Chủ tịch Hồ Chí Minh và qua đó mong muốn sẽ nhận được bản án nhân văn để có thể về chết bên người thân, được là ‘ma tự do’ không phải làm ma trong tù.
Bị cáo Thăng cũng xót xa vì chắc sẽ không có cơ hội về được về đưa tiễn cha mình, khi ông ấy qua đời.
Ngay sau đó, đến lượt Trịnh Xuân Thanh khóc than về thân phận sẽ làm ‘con ma tù’ của mình và xin lỗi các lãnh đạo tập đoàn Dầu Khí.
Hai người đàn ông nước mắt lã chã ở tòa khiến nhiều người so sánh với hình ảnh trái ngược của hai người phụ nữ kiên cường mặc dù bị tuyên án hết sức nặng nề.
Phiên tòa của hai chị diễn ra cách đó chỉ có vài tháng.
Hai người mẹ nuôi con nhỏ
Người thứ nhất là blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người mẹ đơn thân đang nuôi hai con nhỏ. Chị đã trải qua cả hai phiên xử sơ thẩm và phúc thẩm với bản án 10 năm tù giam.
VN ‘tăng việc quản thúc’ trước đối thoại nhân quyền
TQ và cuộc chiến của các luật sư nhân quyền
Phiên tòa Mẹ Nấm: Lời cuối giữa mẹ và con gái
Người thứ hai là nhà hoạt động Trần Thị Nga – người mẹ của hai bé trai 7 tuổi và 4 tuổi – với bản án 9 năm tù giam.
Khác với hai ông Thăng và Thanh, hai người phụ nữ này hoàn toàn đơn độc trước tòa, người thân không được phép vào dự, luật sư bào chữa hầu như bị vô hiệu hóa.
Họ hầu toà trong vòng vây dầy đặc của những người mặc sắc phục, sau nhiều ngày bị biệt giam và không nhận được bất kỳ một tin tức gì từ gia đình.
Mặc dù hoàn cảnh riêng tư éo le và bị khủng bố tinh thần trong quá trình giam giữ cũng như xét xử, nhưng người ta không nhìn thấy dù chỉ một giọt nước, một giây yếu lòng hay một lời than vãn, xin xỏ nào từ hai người phụ nữ.
Báo chí và bộ máy truyền thông khổng lồ của nhà nước Việt Nam đã không có được bất kỳ một cơ hội nào, dù nhỏ nhất để hạ uy tín của các bị cáo, dù đó chính là điều mà những người làm tuyên truyền mong muốn.
Chính nghĩa đổi ngôi?
Nói cho công bằng, ông Thăng và Thanh không phải là những đấng nam nhi hy hữu đã khóc ở tòa án. Trước đó không lâu, cựu giám đốc công ty dược phẩm Pharma trong vụ ‘thuốc chữa ung thư giả’ cũng đã nức nở ngay sau khi nghe tuyên án.
Vụ OceanBank diễn ra hồi tháng 9/2017, những đại gia ngành Ngân Hàng một thời ‘ngồi trên tiền’ cũng mếu máo vì người có mẹ ung thư, người có con đang nằm viện…
Lịch sử Việt Nam từng ghi nhận nhiều người tù cộng sản bất khuất thời tiền cách mạng, hay ở xà lim Côn Đảo trong giai đoạn trước năm 1975. Nhiều người chết trong tù, có những tử tù ra pháp trường vẫn hiên ngang, dám làm dám chịu, sống chết vì lý tưởng.
Những hình ảnh như vậy ở người cộng sản không còn nữa, kể từ khi họ nắm quyền. Không ít ông ‘quan cách mạng’ ngày nay trở thành những nhà tư bản khệnh khạng, tận dụng mọi cơ hội để vơ vét, sa đà trong ăn chơi, hưởng lạc, phung phí tài nguyên quốc gia.
Nhà hoạt động Thúy Nga ‘sắp bị truy tố Điều 88’
VN dạy nhân quyền từ mẫu giáo đến đại học
Nhân quyền tại VN sẽ tốt hơn khi Mỹ rời TPP?
Ba người, một tổ chức nhận giải nhân quyền
Nhiều người ‘thét ra lửa’ khi đương chức, nhưng lại ‘nhũn như chi chi’ trước vành móng ngựa.
Sự run rẩy của ‘các đồng chí bị lộ’ trước tòa đã xóa nhòa đi hình ảnh của cha ông họ trước kia, những người mà sự dũng cảm của họ đã góp phần làm nên thắng lợi.
Nhưng chính nghĩa trong một xã hội luôn tồn tại.
Như một định luật, nó dường như chỉ chuyển từ lực lượng này sang lực lượng khác, từ tay nhóm người này qua tay những người khác.
Nó nằm đâu đó, trong lời tuyên bố dõng dạc của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh rằng, nếu làm lại từ đầu, chị vẫn chọn con đường mà mình đã đi.
Nó ánh lên trên gương mặt sáng ngời của cô gái trẻ Phương Uyên khi cô khảng khái khẳng định, chỉ chống đảng cộng sản, không chống lại đất nước, dân tộc.
Nó nằm trong bản án dài 16 năm tù của doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức, khi ông chấp nhận không chịu lùi bất kỳ một phân nào để đổi lấy tự do.
Và còn rất nhiều những tù nhân lương tâm khác nữa.
Họ cũng có mẹ già, con dại; nhiều người đã không được nhìn mặt người thân của mình lần cuối vào phút lâm chung.
Hình ảnh kiên trung, bất khuất, sự hy sinh vì lý tưởng của họ chính là điều mà dân tộc Việt Nam đang thiếu hụt.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, chủ biên tạp chí Đàn Chim Việt Online tại Warsaw, Ba Lan.
Xem thêm các bài của BBC về ông Đinh La Thăng:
http://www.bbc.com/vietnamese/forum-42703591
Cựu tù nhân Vũ Văn Hùng ‘đột ngột bị bắt’
Ông Vũ Văn Hùng, từng bị án 3 năm tù vì “Tuyên truyền chống Nhà nước”, đã bị bắt theo tội “cố ý gây thương tích”, bà Lý Thị Tuyết Mai, vợ ông Hùng cho BBC biết hôm 16/1.
Bà Mai nói hôm 4/1, ông Hùng, 51 tuổi, đi họp Hội Giáo chức Chu Văn An từ trưa nhưng đến tối khi bà về nhà thì không thấy ông đâu.
“Tôi đi tìm khắp nơi, hỏi bạn bè thì bạn bè nói hình như bị bắt. Trời mưa gió, hai mẹ con đi tìm ở công an quận Hà Đông, đến công an phường Thanh Xuân Bắc thì mới biết,” bà Mai nói.
Nghệ An xử ông Nguyễn Văn Oai 5 năm tù
Đại diện XHDS nói gì với phái đoàn ngoại giao EU?
Vụ án Nguyễn Văn Đài: bắt thêm 4 người
Bà Mai cho biết khi đến quận thì thấy ông Hùng ngồi ở trực ban, bị còng vào ghế.
“Tôi hỏi ‘anh bị sao’ thì anh Hùng nói ‘anh bị người ta vu khống và đánh anh’. Tôi hỏi tại sao lại thế thì họ không cho tôi lại gần, rồi họ mở khóa đưa anh ấy đi đâu không biết,” bà Mai nói tiếp.
Bà Mai cho biết một cán bộ công an tên Kim Minh Đức cho biết ông Hùng bị bắt vì “gây rối trật tự công cộng” nhưng có lệnh tạm giam theo tội “cố ý gây thương tích”.
‘Cố ý gây thương tích’
Trả lời BBC hôm 16/1, người hỗ trợ pháp lý cho ông Hùng, luật sư Ngô Anh Tuấn, cho biết hôm 4/1 ông Hùng thuật lại rằng có hai thanh niên lạ mặt “tát liên tiếp vào mặt ông” và đe dọa nếu ông không về nhà ngay thì sẽ tấn công.
“Ông Hùng lúc đó cũng có phản kháng và đó là cái cớ để người ta bắt giữ ông,” ông Tuấn nói.
Bà Mai cho biết gia đình đã nhận lệnh tạm giam, nhưng tội danh bị đổi thành “Cố ý gây thương tích.”
Luật sư Tuấn cho rằng, “Việc bị bắt vì một tội và tạm giam vì một tội khác hay xảy ra đối với giới bất đồng chính kiến.”
Luật sư cho biết theo luật, hai tháng tạm giam, ông Hùng sẽ phải được thả về, và triệu tập khi tòa xét xử vụ án.
Bản án năm 2009
Ông Vũ Văn Hùng hay viết blog về các vấn đề xã hội với bút danh Tụ Tinh Thần.
Ngày 28/7/2008, tại cầu vượt Mai Dịch (quận Cầu Giấy, Hà Nội), ông đã viết và treo khẩu hiệu “Tham nhũng là hút máu dân”,”Lạm phát giá cả tăng cao là giết dân”.
Vào tháng 9/2008, ông bị bắt tại nhà riêng theo Điều 88 Bộ luật Hình sự, bị tạm giam 15 tháng trước khi được ra tòa.
Phiên tòa ở Hà Nội tháng 10/2009 xử ba bị cáo, gồm ông Vũ Văn Hùng, Trần Đức Thạch và Phạm Văn Trội, cùng bị truy tố về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Ðiều 88, Khoản 1, điểm c – Bộ Luật Hình sự.
Hai ông Trần Đức Thạch và Vũ Văn Hùng cùng lĩnh án 3 năm tù giam, quản chế 3 năm, còn ông Phạm Văn Trội lĩnh án 4 năm tù giam, quản chế 4 năm.
Ông Vũ Văn Hùng được trả tự do vào tháng 9/2011.
Năm 2010, ba người này cùng được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) trao giải thưởng Hellman/Hammett, ghi nhận “sự dũng cảm đối mặt với khủng bố chính trị”.
Phiên xử Nguyễn Văn Oai
Trong khi đó, hôm 15/1, tại phiên phúc thẩm, tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An tuyên y án 5 năm tù giam và 4 năm quản chế đối với nhà hoạt động Nguyễn Văn Oai.
Luật sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho ông Oai nói rằng, “Tôi cho rằng đây là bản án oan sai,”
Năm 2011, ông Nguyễn Văn Oai bị bắt với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79, bộ luật hình sự.
Nghệ An xử ông Nguyễn Văn Oai 5 năm tù
Tổ Chức Theo dõi Nhân Quyền (HRW) cũng ra thông cáo hôm 14/1/2018 kêu gọi Việt Nam hủy bỏ các cáo buộc về vi phạm lệnh quản chế đối với nhà vận động Nguyễn Văn Oai.
Theo HRW, ông Nguyễn Văn Oai bị kết án năm năm tù vì vi phạm điều kiện quản chế, theo điều 304 của bộ luật hình sự và chống người thi hành công vụ, theo điều 257 của bộ luật hình sự trong phiên xử hồi tháng Chín năm 2017.
Nhưng HRW cho rằng lệnh quản chế đối với ông “được căn cứ trên một bản cáo trạng và bản án không thỏa đáng về việc ông có liên quan tới một tổ chức chính trị bị cấm ở Việt Nam”.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42701005
‘Ưu, khuyết’ công an VN được nêu tại hội nghị toàn quốc
Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 73 vừa kết thúc ở Hà Nội hôm 16/1 sau hai ngày họp.
TBT Trọng ra bộ sách về Con đường Đổi mới
TBT Trọng và hai năm ‘chỉnh đốn Đảng’
‘Đã nhúng chàm liệu còn rửa được không?’
Phát biểu chỉ đạo hôm 15/1, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh “phải bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng Công an”.
Ông đưa ra đánh giá về những “kết quả quan trọng” mà lực lượng công an đã làm trong năm 2017.
Chức năng tham mưu
“Đã thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước những vấn đề cơ bản, quan trọng về ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, mở rộng đối ngoại, hợp tác quốc tế.
Chủ động đề xuất các chủ trương, đối sách phù hợp để xử lý kịp thời, có hiệu quả các tình huống, nhất là các vấn đề nhạy cảm, không để bị động, bất ngờ.
Đã tích cực, chủ động nghiên cứu, đề xuất Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; tham mưu Chính phủ ban hành “Chỉ thị về tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới”, các Chiến lược, Chương trình quốc gia về phòng, chống tội phạm… “
Bảo vệ Apec
“Đóng góp rất quan trọng vào thành công của năm APEC 2017, không để xảy ra sơ xuất, sai sót nào.”
Bảo vệ an ninh quốc gia
“Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, vô hiệu hoá nhiều âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, phản động, không để hình thành tổ chức chính trị đối lập trong nước.
Giữ vững an ninh tại các địa bàn chiến lược Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ.
Số vụ vi phạm pháp luật được phát hiện, xử lý cao hơn năm trước.
Nhanh chóng điều tra, làm rõ các vụ trọng án giết người, cướp tài sản; truy bắt và vận động đối tượng truy nã đầu thú.
Tăng cường đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vi phạm pháp luật và tội phạm về môi trường; đẩy nhanh tiến độ điều tra, đưa ra truy tố, xét xử các vụ án nghiêm trọng, phức tạp về ma tuý, kinh tế, tham nhũng.
Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng: phát hiện, xử lý, kiến nghị xử lý 68 vụ, 107 đối tượng tham nhũng. Kết luận điều tra 197 vụ, 467 bị can; truy tố 219 vụ, 481 bị can; xét xử sơ thẩm 205 vụ, 433 bị cáo về các tội tham nhũng, trong đó có nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, có cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, cán bộ đương chức và cán bộ nghỉ hưu.”
An ninh nhân dân
“Phối hợp với các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các địa phương, nhất là hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng Quân đội nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, xây dựng nền an ninh nhân dân, góp phần giải quyết ổn định nhiều vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự ngay từ đầu và từ cơ sở.”
Đối ngoại
“Tham gia tích cực vào các tổ chức, diễn đàn an ninh, cảnh sát đa phương, khu vực và toàn cầu, đặc biệt là Liên hợp quốc, INTERPOL và ASEANPOL, qua đó tạo ra tiền đề và điều kiện thuận lợi cho công tác phòng ngừa, đấu tranh với âm mưu, hoạt động chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch, phản động và tội phạm.”
Chỉnh đốn kỷ cương
“Chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng Công an nhân dân.
Chú trọng giữ gìn kỷ cương, kỷ luật trong Công an, xây dựng uy tín, hình ảnh của cán bộ, chiến sĩ Công an.”
Khuyết điểm
Ông Nguyễn Phú Trọng cũng kêu gọi “nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ những khuyết điểm, tồn tại”.
Làm rõ trách nhiệm, nguyên nhân để xảy ra tình hình mất an ninh, trật tự ở một số địa bàn;
Nắm tình hình an ninh chính trị nội bộ, an ninh kinh tế vẫn còn là khâu yếu;
Công tác đấu tranh ngăn chặn, vô hiệu hoá hoạt động chống đối của một số tổ chức còn hạn chế;
Công tác phòng ngừa nghiệp vụ, đấu tranh trấn áp tội phạm hình sự lưu động hiệu quả chưa cao;
Còn xảy ra nhiều vụ cháy, nổ, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng;
Công tác quản lý cán bộ, bảo vệ nội bộ vẫn còn sơ hở, để xảy ra một số vụ việc nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng Công an nhân dân;
Xảy ra lộ, lọt bí mật trong ngành;
Ý thức và tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ chưa cao;
Một số ít còn tư tưởng trung bình chủ nghĩa, thiếu rèn luyện phấn đấu vươn lên, thậm chí suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống.
Vụ ‘Vũ nhôm’ và cuộc chiến không vùng cấm
‘Đại án dầu khí’ tác động cải cách ở VN thế nào?
Nhiệm vụ của công an năm 2018
Đặt ra mục tiêu cho lực lượng công an năm 2018, ông Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo:
Bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng Công an
Bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia, tạo sự chuyển biến rõ nét về trật tự, an toàn xã hội
Nâng cao chất lượng công tác dự báo, phân tích tình hình; nhận diện rõ đối tác, đối tượng; phát hiện từ sớm các mối đe doạ
Phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động lôi kéo, móc nối, tác động, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.
Tập trung tấn công, trấn áp mạnh các loại tội phạm, trong đó có tham nhũng
Gương mẫu đi đầu về xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Khẩn trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh, gọn; điều chỉnh, bố trí về tổ chức bộ máy Bộ Công an
Rà soát, cơ cấu lại và quản lý chặt chẽ, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong Công an, chú trọng phát triển công nghiệp an ninh.
Bế mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết thêm năm 2018 là “Năm công tác tổ chức, cán bộ”, xây dựng Đề án “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp bộ máy Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” báo cáo Bộ Chính trị.
‘Còn Ðảng thì còn mình’
Ở cuối bài phát biểu, ông Nguyễn Phú Trọng dặn dò lực lượng công an:
“Hãy luôn luôn ghi nhớ, khắc sâu vào tâm trí mình và thực hiện cho bằng được chân lý: “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”; “Còn Ðảng thì còn mình”; “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”!”
Là một trong những khẩu hiệu nổi tiếng nhất về công an Việt Nam, câu nói “còn Đảng thì còn mình” vốn là của cố Tổng bí thư Lê Duẩn.
Ông Lê Duẩn đưa ra câu này tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 13, năm 1959, nguyên văn là: “Công an là vũ khí sắc bén, là trụ cột của Đảng, Đảng giao cho Công an nhiệm vụ bảo vệ Đảng. Công an phải thấy Đảng giao vận mệnh của Đảng cho mình. Vì vậy, Đảng lựa chọn Công an trong những người trung thành nhất với Đảng, những người chỉ biết sống chết với Đảng, chỉ biết còn Đảng thì còn mình.”
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42706443
Việt Nam: Cho phá sản ngân hàng
là ‘hợp xu hướng quốc tế’?
Một chuyên gia nói tin Việt Nam chính thức cho phá sản ngân hàng từ ngày 15/1 “hợp xu hướng quốc tế” trong lúc người khác cảnh báo “nguy cơ hiệu ứng dây chuyền.”
VN: Quy định phá sản ngân hàng ‘đã có từ lâu’
Việt Nam: ‘Lãnh đạo ngân hàng dễ bị khép tội’
‘Rất khó để dẫn giải ông Trần Bắc Hà’
Vụ bắt Trầm Bê ‘thể hiện quyết tâm Tổng Bí thư’
Vụ bắt ông Trầm Bê: Sẽ còn ai nữa?
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng chính thức có hiệu lực từ ngày 15/1, lần đầu tiên đưa ra phương án phá sản một ngân hàng để tái cấu trúc hệ thống.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Chính phủ quyết định chủ trương phá sản ngân hàng được kiểm soát đặc biệt theo quy định tại Luật này.
‘Tín hiệu tốt’
Hôm 16/1, trả lời BBC, ông Nguyễn Việt Khoa, giảng viên Khoa Luật, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, nói: “Việc cho phá sản ngân hàng là phù hợp với xu hướng quốc tế, nhưng quan trọng hiện là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam trong một thời gian dài bị lợi ích nhóm chi phối.”
“Một số ngân hàng không đủ chuẩn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước hoặc kinh doanh không hiệu quả buộc phải hợp nhất, sáp nhập hoặc buộc phải phá sản bắt buộc.”
“Về lâu dài, tôi cho rằng quy định này mang lại tín hiệu tốt cho nền kinh tế, xoá bỏ mục đích lập ngân hàng để phục vụ lợi ích riêng và làm sân sau cũng cấp vốn cho các ông chủ công ty, tập đoàn kinh tế.”
Đề cập về những quan ngại của người đang gửi tiền tiết kiệm tại các ngân hàng Việt Nam, ông Việt Khoa cho biết: “Ban đầu, tin quy định này có hiệu lực ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý người gửi tiền. Tuy nhiên, hoạt động gửi tiền cũng được xem là một hoạt động kinh doanh, và ngân hàng thương mại cũng là một doanh nghiệp nên việc chịu rủi ro trong kinh doanh cũng là tất yếu.”
Về lâu dài, tôi cho rằng quy định này mang lại tín hiệu tốt cho nền kinh tế, xoá bỏ mục đích lập ngân hàng để phục vụ lợi ích riêng.ông Nguyễn Việt Khoa, giảng viên Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh
“Vì vậy, người gửi tiền buộc phải lựa chọn hoặc phân tán số tiền gửi vào những ngân hàng thương mại làm sao để được an toàn nhất, đó cũng là động lực buộc các ngân hàng thương mại cải tiến đặc biệt là hệ thống quản lý rủi ro để tạo niềm tin cho khách hàng.”
“Tôi cho rằng, với tình hình hiện nay tại Việt Nam, quy định cho phá sản ngân hàng thương mại chẳng ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế. Nền kinh tế không lo thiếu vốn khi đã có những ngân hàng nước ngoài và các quỹ đầu tư đã quen với thị trường Việt Nam.”
“Trong hàng chục năm qua, có thể nói đây là giai đoạn khởi đầu cho việc điều hành hệ thống ngân hàng mà tôi cho là tốt nhất, đi đúng quỹ đạo của nền kinh tế, và là mạch máu đúng nghĩa của nền kinh tế.”
Hai vụ Trịnh Xuân Thanh và Trầm Bê: có dấu hiệu lạ?
Từ Trịnh Xuân Thanh đến Trầm Bê, Hồ Thị Kim Thoa
‘Luật sư có tiếng’ bào chữa cho ông Đinh La Thăng
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ‘giám sát kém’
Thêm lãnh đạo ngân hàng bị khởi tố
‘Vấn đề lớn’
Trái ngược ý kiến trên, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phú nói với Ben Ngô của BBC Tiếng Việt từ Đại học Strasbourg, Pháp:
“Việc một tổ chức tín dụng (ngân hàng) bị thua lỗ đi đến phá sản là một hiện tượng bình thường của nền kinh tế, cũng như các doanh nghiệp khác được lập ra, lớn mạnh lên, và phá sản hoặc biến mất đi vào một thời điểm nào đó.”
“Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng lại có nhiều vai trò khác. Nó không chỉ là nơi nhận tiền gởi của khách hàng, mà có vai trò cung cấp vốn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo hiểm.”
Nếu một tổ chức tín dụng bị phá sản, mà là một ngân hàng lớn thì sẽ có nguy cơ gây hiệu ứng dây chuyền, có thể gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tếTiến sĩ Nguyễn Văn Phú, Đại học Strassbourg, Pháp
“Nếu một tổ chức tín dụng bị phá sản, mà là một ngân hàng lớn thì sẽ có nguy cơ gây hiệu ứng dây chuyền, có thể gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế.”
“Theo Luật Các tổ chức tín dụng, khi một ngân hàng bị phá sản, người dân sẽ chỉ được đền bù tối đa là 75 triệu đồng. Đó là về phía người dân. Tuy nhiên, việc phá sản này sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ký gởi tiền hoặc là chủ sở hữu/cổ đông ở đây. Ngoài ra, khi một ngân hàng bị phá sản, nguy cơ là các ngân hàng khác cũng bị liên đới, chẳng hạn vì có sở hữu chéo. Những điều này sẽ gây hiệu ứng dây chuyền và ảnh hưởng rộng lên các hoạt động kinh tế.”
Ông Nguyễn Văn Phú nói thêm: “Tất nhiên, có luật về phá sản của các ngân hàng là tốt, nhưng cho phép một ngân hàng phá sản trên thực tế sẽ là vấn đề lớn trong tình hình hiện nay.”
“Việt Nam nên nghiên cứu kỹ các kinh nghiệm trên thế giới. Ví dụ như qua cuộc khủng hoảng toàn cầu vừa qua, bắt đầu từ việc phá sản của ngân hàng Lehman Brothers năm 2008 ở Hoa Kỳ. Nền kinh tế Iceland bị khủng hoảng trầm trọng khi ba ngân hàng lớn bị phá sản và phải bị quốc hữu hóa, dẫn đến việc nước này nằm trên bờ vực phá sản.”
“Trường hợp của Hy Lạp và Tây Ban Nha trong đợt khủng hoảng vừa qua cũng gần như vậy.”
Theo ông Phú, “Trong trường hợp của Việt Nam, trong khi thông tin thiếu minh bạch, hay nói cách khác là thông tin bất đối xứng, tin đồn có ảnh hưởng rất lớn, việc cho một ngân hàng phá sản là việc phải rất cẩn thận. Cần phải xem xét quy mô của việc này, xem xét ảnh hưởng có thể có lên người dân và doanh nghiệp, nhất là trong môi trường thông tin thiếu minh bạch.”
“Ngoài ra, cũng cần lưu ý là việc cho phá sản một ngân hàng nhiều khi không thực hiện được vì những lý do nêu trên, nên nhà nước phải can thiệp, như là quốc hữu hóa. Đã có tiền lệ là Ngân hàng Nhà nước mua ba ngân hàng GPBank, OceanBank và CBBank với giá 0 đồng. Do đó cần đánh giá hệ lụy có thể có lên ngân sách nhà nước và nợ công của việc quốc hữu hóa các ngân hàng này.”
Liệu việc cho phá sản ngân hàng có thể giúp ngăn ngừa cuộc khủng hoảng ngành tài chính Việt Nam trong tương lai?
Ông Nguyễn Việt Khoa chia sẻ thêm với BBC: “Giá như, quy định cho phá sản ngân hàng có hiệu lực sớm hơn, nghĩa là nếu lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cầu thị trước các ý kiến của các chuyên gia và không bị lợi ích nhóm chi phối thì hàng ngàn tổ chức, cá nhân đã không bị mất tiền oan trước quyết định mua ngân hàng thương mại không đồng, hay việc yêu cầu cổ đông phải ủy quyền không hủy ngang tất cả các cổ phần cho Ngân hàng Nhà nước.”
“Có thể nói hai quyết định trước đây của Ngân hàng Nhà nước nằm ngoài khía cạnh luật pháp để lại hậu quả là hàng nghìn cán bộ, nhân viên ngân hàng thương mại phải đứng trước vành móng ngựa và ít nhiều góp phần làm quá tải nhà tù hiện nay.”
“Và đây có thể nói là một bài học đắt giá trong việc điều hành chính sách, nhưng về lâu dài, Luật Các tổ chức tín dụng cần sửa đổi theo hướng đặt vị trí Ngân hàng Nhà nước độc lập với cơ quan hành pháp, nghĩa là thống đốc trực thuộc Quốc hội và không bị chi phối bởi việc điều hành kinh tế của Chính phủ.”
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng được Quốc hội Việt Nam thông qua hồi tháng 11/2017.
Luật này chính thức có hiệu lực thi hành kể từ 15/01/2018.
http://www.bbc.com/vietnamese/business-42699581
Việt Nam y án nhà hoạt động Nguyễn Văn Oai 5 năm tù
Ngày 15/1, trong một phiên xét xử phúc thẩm, Tòa án tỉnh Nghệ An đã y án 5 năm tù giam và 4 năm quản chế đối với nhà hoạt động Nguyễn Văn Oai.
Hãng tin Reuters cho biết toà án nhân dân tỉnh Nghệ An mở phiên toà xét xử phúc thẩm đối với nhà hoạt động Nguyễn Văn Oai với cáo buộc tội danh “chống người thi hành công vụ” theo điều 257, và “không chấp hành án quản chế tại địa phương” theo điều 304, Bộ luật hình sự.
Luật sư Hà Huy Sơn nói với Reuters rằng bản án phúc thẩm đối với ông Oai là “không công bằng và không khách quan.”
Trước khi diễn ra phiên phúc thẩm, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế kêu gọi Việt Nam xóa bỏ các cáo buộc đối với nhà hoạt động Nguyễn Văn Oai và phóng thích ông ngay lập tức.
ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói trong một tuyên bố: “Việc chính quyền trừng phạt ông Nguyễn Văn Oai mang tính chất trả đũa và không xác đáng. Đáng lẽ ông Nguyễn Văn Oai không bị xử có tội ngay trong phiên tòa sơ thẩm, và nội dung lệnh quản chế của bản án sơ thẩm thể hiện trực tiếp ý chí muốn kiểm soát suy nghĩ và quyền tự do phê phán, quyền biểu tình của Nguyễn Văn Oai. Đây là biểu hiện mới nhất của chính sách đàn áp không hạn chế nhằm vào những người bất đồng chính kiến.”
Ông Nguyễn Văn Oai là một cựu tù nhân lương tâm trong vụ án “14 Thanh niên Công giáo và Tin lành” bị chính quyền Việt Nam bắt giữ năm 2011 và bị kết tội năm 2013 theo điều 79 tức là “lật đổ chính quyền nhân dân.”
Năm 2015 sau khi mãn án 4 năm tù, ông Oai tuyên bố không nhận mình có tội. Khi ra khỏi tù, ông Oai hoạt động trong lĩnh vực dân quyền, như lên tiếng và hướng dẫn giáo dân đấu tranh chống lại các khoản thuế khóa, lạm thu về giáo dục, cho đến khi bị bắt lại vào tháng 1 năm 2017.
https://www.voatiengviet.com/a/vietnam-y-an-nha-hoat-dong-nguyen-van-oai-5-nam-tu/4209777.html