Tin khắp nơi – 16/01/2018
Kim Jong Un dùng ”ngoại giao rock Moranbong” để quyến rũ thế giới – Minh Anh
Ngày 15/01/2018, hai miền Nam – Bắc Triều Tiên tiếp tục đàm phán về việc tham gia Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang. Kết quả là Bình Nhưỡng thông báo gởi 140 nghệ sĩ đến biểu diễn tại kỳ đại hội thể thao quốc tế lớn này. Đáng chú ý là trong phái đoàn nghệ thuật, còn có nhóm nhạc pop nữ nổi tiếng Moranbong. Với báo La Croix (16/01/2018), sự việc cho thấy « Bắc Triều Tiên muốn quyến rũ thế giới tại Thế Vận Hội ».
Sau hai cuộc đàm phán, lần thứ nhất vào ngày 09/01 và lần thứ hai 15/01, Bắc Triều Tiên đã quyết định gởi một phái đoàn đến tham gia Thế Vận Hội Mùa Đông không chỉ có các vận động viên, huấn luyện viên, cổ động viên, pom-pom girls (các nữ hoạt náo viên) mà còn có cả nghệ sĩ.
Phái đoàn nghệ thuật được gởi đi lần này sẽ do ông Kwon, một quan chức cao cấp thuộc bộ Văn Hóa dẫn đầu. Nhưng đáng ngạc nhiên nhất là sự hiện diện của nữ ca sĩ Hyon Song Wol, ngôi sao nhạc pop và là giọng ca chính của ban nhạc pop nữ nổi tiếng của Bắc Triều Tiên, Moranbong.
(Ở đây RFI Tiếng Việt xin lưu ý là năm 2013, tình báo Hàn Quốc từng loan tin là ca sĩ Hyon Song Wol, người yêu cũ của Kim Jong Un đã bị hành quyết. Sự việc đã được báo chí phương Tây loan tin rộng rãi, nhưng hôm nay không thấy đính chính).
La Croix cho biết nhóm nhạc nữ đặc biệt này, được thành lập vào năm 2012 ngay sau ngày Kim Jong Un lên nắm quyền, bao gồm 10 nữ nghệ sĩ, do chính lãnh đạo Bắc Triều Tiên tuyển chọn. Ban nhạc đã làm chao đảo sàn nhạc trong nước, nổi tiếng thể hiện thành công các ca khúc Mỹ và phương Tây như My Way hay bài hát chính cho phim Rocky. Hình ảnh ban nhạc nữ trẻ, đệm đàn violon và chơi ghitare điện tràn ngập các màn ảnh TV trong các quán bar, nhà hàng, khách sạn.
Theo tác giả bài viết, ông Dorian Malovic, với việc gởi ban nhạc pop nữ này đến Hàn Quốc, chế độ Bình Nhưỡng đang chơi lá bài « quyến rũ văn hóa » khi cho phô bày hình ảnh một đất nước hiện đại, ngoài sự mong đợi của cả thế giới.
Thế nhưng, theo La Croix, kế hoạch « quyến rũ » của Kim Jong Un cũng có thể gặp nhiều trở ngại. Một số nhạc phẩm trong danh mục của ban nhạc nữ này mang ý nghĩa ngợi ca lãnh tụ và đảng Lao Động Triều Tiên như « Sinh nhật Mẹ » hay « Chúng tôi gọi ông ấy là Cha ». Với Hàn Quốc, những lời lẽ ca tụng này rất có thể sẽ bị xem là vi phạm an ninh quốc gia và có thể bị cấm.
Thêm vào đó là cảnh trí sân khấu. Các nữ nghệ sĩ biểu diễn trên những nền ảnh mang đậm tính « hiếu chiến » như cảnh diễu binh, tập trận, bắn tên lửa ca ngợi vinh quang của Kim Jong Un. Và nhất là giọng ca chính, Hyon Song Wol lại là đại tá quân đội. Đây cũng chính là những lý do vì sao một buổi biểu diễn tại Bắc Kinh đã bị hủy vào năm 2015.
Dù vậy, La Croix cho rằng chủ đề này cũng nhậy cảm như vấn đề hạt nhân và tên lửa. Do đó, nếu muốn nền « ngoại giao rock Moranbong » không bị chết yểu như tại Bắc Kinh, chắc chắn là cả hai bên Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên sẽ phải có những bước nhượng bộ.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180116-kim-jong-un-ngoai-giao-rock-moranbong-the-gioi
Hội nghị Vancouver bàn về cấm vận đối với Bắc Hàn
Ngày 16/1, tại Vancouver, Canada, các vị ngoại trưởng của 20 quốc gia sẽ gặp nhau để bàn thảo về các biện pháp cần làm, nhằm buộc Bắc Hàn phải ngưng chương trình chế tạo võ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Trong hội nghị quốc tế do hai chính phủ Hoa Kỳ và Canada đồng tổ chức, các quốc gia tham dự sẽ đặc biệt chú trọng tới 2 điểm là sử dụng áp lực ngoại giao và áp lực kinh tế đối với chính phủ Bình Nhưỡng.
Hầu hết những nước từng giúp Nam Hàn trong cuộc chiến Triều Tiên 1950-1953 đều cử đoàn tham dự hội nghị. Hai quốc gia ủng hộ Bắc Hàn trong cuộc chiến vừa nói là Nga và Trung Quốc được mời nhưng từ chối tham dự.
Hội nghị quốc tế Vancouver diễn ra giữa lúc có những dấu hiệu cho thấy căng thẳng giữa Nam và Bắc Hàn đang giảm bớt, sau khi Bình Nhưỡng đồng ý nói chuyện trực tiếp với Seoul, và gửi đoàn vận động viên sang dự Thế Vận Hội Mùa Đông 2018 tổ chức tại Pyeongchang, Nam Hàn.
Tin từ Bắc Kinh nói rằng Chủ Tịch Nhà Nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói chuyện qua điện thoại với Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump. Trong cuộc điện đàm, người lãnh đạo đảng và nhà nước Trung Quốc kêu gọi Tổng Thống Trump tìm cách giảm bớt mức độ căng thẳng với Bắc Hàn.
Một viên chức Bắc Kinh nói rõ hơn là ông Tập Cận Bình mong muốn Hoa Kỳ nắm bắt cơ hội, trực tiếp nói chuyện với Bình Nhưỡng.
Vì thế, những bài viết được truyền thông Trung Quốc phổ biến đều cho rằng hội nghị quốc tế Vancouver sẽ không đạt được kết quả nào đáng kể, đồng thời chỉ trích hội nghị là bằng chứng cho thấy vẫn còn những nước nuôi dưỡng tư tưởng còn sót lại từ thời chiến tranh lạnh.
Các nhà hoạt động dân chủ Hong Kong kháng án tù
Ba lãnh đạo trẻ trong phong trào dân chủ Hong Kong vào ngày 16 tháng một tiếp tục kháng cáo đối với những bản án tù mà cơ quan chức năng đặc khu hành chánh này đã tuyên cho họ.
Hoàng Chi Phong, La Quán Thông và Chu Vĩnh Khang vào tháng 8 năm ngoái bị tuyên án tù vì vai trò lãnh đạo phong trào Dù Vàng hồi năm 2014. Trước đó một tòa cấp dưới phạt Hoàng Chi Phong và La Quán Thông lao động công ích; còn Chu Vĩnh Khang án treo. Tuy nhiên, sau khi có sự can thiệp của chính quyền đặc khu hành chánh Hong Kong, cả ba bị tòa phúc thẩm tuyên án tù từ 6 đến 8 tháng.
Dẫu thế ba nhà hoạt động này được cho tại ngoại chờ kháng án tiếp.
Biện pháp của chính quyền Hong Kong đối các nhà hoạt động vì dân chủ trẻ bị cho là bằng chứng thêm nữa về ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh đối với đặc khu hành chánh Hong Kong.
Đây là nơi được hưởng qui chế ‘một quốc gia, hai thể chế’ sau khi Anh Quốc trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997. Theo thỏa thuận được đưa ra giữa hai phía, người dân đặc khu được hưởng những quyền mà tại Hoa Lục không có; trong đó có quyền tự do ngôn luận và quyền trực tiếp bầu ra một số đại diện ở quốc hội; cũng như có cơ quan tư pháp độc lập.
Phong trào Dù Vàng nổ ra nhằm ủng hộ dân chủ, đòi hỏi những cam kết đã thỏa thuận phải được tôn trọng.
Philippines thu hồi giấy phép trang tin Rappler
Chính phủ Philippines thu hồi giấy phép hoạt động của Rappler, một trong những trang tin hàng đầu của nước này.
Nhà chức trách nói website có hai nhà đầu tư Hoa Kỳ đã vi phạm một điều khoản trong hiến pháp quy định giới hạn quyền sở hữu phương tiện truyền thông chỉ dành cho công dân Philippines.
Chính phủ bác bỏ cáo buộc rằng họ nhắm tới các cơ quan truyền thông chỉ trích Tổng thống Rodrigo Duterte.
Rappler vốn có hiềm khích với ông Duterte về các chính sách trị an gây tranh cãi của ông, cho biết sẽ kháng cáo.
Con trai Duterte bác cáo buộc giúp buôn ma túy
Ông Duterte muốn thiết quân luật toàn quốc
Hôm 15/1, Harry Roque, phát ngôn viên của ông Duterte, cho biết phán quyết rút giấy phép Rappler “không phải về sự vi phạm quyền tự do báo chí”.
Ông Roque nói: “Vấn đề là sự tuân thủ 100% quyền sở hữu và quản lý phương tiện thông tin đại chúng thuộc về người Philippines.”
“Không ai được đứng trên luật pháp và Rappler phải tuân thủ,” ông nói thêm.
‘Quyền nói lên sự thật’
Nhà chức trách cho biết phán quyết này đã được áp dụng vì Rappler đã vi phạm luật lệ về hiến pháp Philippines liên quan đến các khoản tiền nhận được từ Omidyar Network, một công ty được sáng lập bởi người sáng lập eBay, doanh nhân Pierre Omidyar và công ty đầu tư quốc tế North Base Media.
Nó cho biết “sự tồn tại của trang web không có mục đích nào khác ngoài việc tạo ra một kế hoạch lừa đảo để vi phạm hiến pháp”.
Rappler khẳng định rằng bất kỳ khoản đầu tư nước ngoài nào nhận được đều không ảnh hưởng đến quyền sở hữu của trang web và mô tả hành động đó là “sự quấy rối”.
Các nhà phê bình cho hay phán quyết của SEC là một cú đánh vào tự do báo chí và “quyền nói lên sự thật đối với giới quyền lực”.
Phóng viên Reuters bị truy tố ở Myanmar
Kiểm soát mạng: VN học Trung Quốc được không?
Thượng Nghị Sĩ Paolo Benigno Aquino IV nói rằng việc chấm dứt hoạt động của Rappler là “chiến thắng của tin giả, và là sự mất mát của những tiếng nói bất đồng chính kiến và tự do ngôn luận.”
Thượng nghị sĩ Risa Hontiveros nói: “Đây là một ví dụ điển hình của kẻ độc tài”.
Bà nói trong một bản tuyên bố: “Tôi thúc giục công chúng và tất cả các học viên truyền thông bảo vệ tự do báo chí và quyền nói lên sự thật đối với giới quyền lực.”
Biên tập viên quản lý của Rappler, Chay Hofilena, nói với hãng tin AFP rằng công ty có ý định nộp đơn kháng cáo lên toà án của SEC, có hiệu lực trong 15 ngày.
Trong một tuyên bố được công bố trên website, Rappler cho biết quyết định của SEC là “lần đầu tiên trong lịch sử” và nói rằng trang sẽ “tiếp tục mang đến những tin tức, giám sát giới cầm quyền”.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42701004
Anh: Tiết lộ mua bán bằng giả gây sốc
Helen Clifton & Matthew ChapmanFile on Four
Hàng ngàn công dân Anh quốc mua bằng giả từ một cơ sở kinh doanh bằng cấp dỏm ở Pakistan, một cuộc điều tra của BBC Radio 4 cho hay.
Trong số những người mua bằng giả có cả các y tá, bác sĩ tham vấn của Dịch vụ y tế quốc gia.
Một người Anh được ghi nhận chi gần 500.000 bảng cho văn bằng giả.
Về tấm bằng Mỹ của ông Nguyễn Xuân Anh
‘Việt Nam là cứ bám víu quá mức vào cái bằng’
Thể hiện đẳng cấp bằng giáo dục hay vật chất?
Hoa hậu Myanmar bị truất quyền thi sắc đẹp tại Việt Nam
Bộ Giáo dục Anh cho biết họ “hành động quyết liệt để dẹp tình trạng gian lận bằng cấp gây thiệt hại cho những người theo học trường lớp thực thụ”.
Axact, tự nhận là “hãng công nghệ thông tin lớn nhất thế giới”, quản lý mạng lưới hàng trăm trường đại học trực tuyến giả do các đại lý từ trung tâm dịch vụ Karachi ở Pakistan điều hành.
Kinh doanh dưới những tên trường như Brooklyn Park University và Nixon University, họ gắn kèm hình ảnh những sinh viên cười rạng rỡ và thậm chí các bài báo giả ca ngợi về trường của họ.
Singapore đứng đầu xếp hạng giáo dục quốc tế
Có thể bắt chước giáo dục Phần Lan?
‘Nhập khẩu giáo dục’ phải xét đến môi trường VN
Học phí Vinschool gây tranh cãi?
Theo tài liệu mà BBC Radio 4 được tiếp cận, hơn 3.000 chứng chỉ, bằng cấp giả do Axact cấp đã được bán cho những người mua ở Anh trong năm 2013 và 2014, gồm bằng thạc sĩ và tiến sĩ.
Lướt qua danh sách những người mua bằng giả của Axact UK, BBC thấy nhiều nhân viên của Dịch vụ y tế quốc gia, gồm một bác sĩ nhãn khoa, các y tá, bác sĩ tâm lý và nhiều bác sĩ tham vấn.
Một bác sĩ tham vấn tại một bệnh viện thực hành ở London đã mua một văn bằng nội khoa từ Belford University giả vào năm 2007.
Vị bác sĩ này trước đây đã bị Hội đồng Y khoa Anh quốc (GMC) kỷ luật vì không báo cáo về việc mình có tiền án. Người này nói với BBC rằng ông ta đã không dùng các bằng cấp này vì chúng “chưa được chứng nhận”.
Một bác sĩ gây mê đã mua bằng “quản lý bệnh viện” cho biết ông không sử dụng bằng cấp này ở Anh.
Và một bác sĩ tham vấn về cấp cứu nhi khoa, người mua bằng “thạc sĩ công nghệ chăm sóc sức khỏe”, nói “bất ngờ hoàn toàn” khi BBC cho biết bằng cấp của ông là giả mạo.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-42699580
Nga và bầu cử Mỹ: Ủy ban Tình báo Hạ viện gặp cựu Cố vấn Chiến lược của Trump
Cựu Cố vấn chiến lược của Tổng thống Donald Trump, Steve Bannon, hôm 16/1 sẽ gặp môt ủy ban Hạ viện Mỹ đang điều tra liệu Nga có xen vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 hay không.
Cuộc phỏng vấn với Ủy ban Tình báo Hạ viện diễn ra giữa lúc đang xảy ra xích mích giữa ông Bannon và Tổng thống Trump về những lời bình luận của ông Bannon với Michael Wolf, tác giả của quyển sách “Fire and Fury: Inside the Trump White House – Lửa và Thịnh nộ: Bên trong Toà Bạch Ốc của ông Trump”.
Trong cuốn sách, tác giả trích lời ông Bannon miêu tả một cuộc gặp gỡ vào tháng 6/2016 giữa những người thân tín của ông Trump- trong đó có con trai và con rể của ông là Donald Trump Jr. và Jared Kushner, với một luật sư người Nga là “có tính cách phản bội” và “không yêu nước.”
Cuộc gặp gỡ diễn ra sau khi Donald Trump Jr. được cho biết qua một email rằng chính phủ Nga có những thông tin bất lợi cho ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton. Trump Jr. trả lời: “Tôi rất thích.”
Ông Bannon, một nhân vật đi đầu đấu tranh cho nghị trình “Nước Mỹ Trên Hết” của ông Trump, bị sa thải khỏi Toà Bạch Ốc hồi tháng 8 năm ngoái. Sau đó ông Bannon trở về với trang mạng tin tức có lập trường hữu khuynh, Breibart News. Ông tiếp tục liên lạc với Tổng thống Trump và tìm cách cổ vũ cho nghị trình của ông Trump.
Ông Trump hồi đầu tháng này tố Bannon là “mất trí” khi xuất hiện tin tức về những lời bình luận của ông Bannon với ông Wolff. 6 ngày sau đó, ông Bannon từ nhiệm chức vụ Chủ tịch Điều hành tại Breitbart News.
Ông Bannon là nhân vật được biết tiếng mới nhất ra điều trần trước Ủy ban Tình báo Hạ viện trong khuôn khổ cuộc điều tra đang được tiến hành vào những cáo buộc cho rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ.
Nga bác bỏ cáo buộc nói họ xen vào cuộc bầu cử Mỹ, trong khi ông Trump gạt bỏ mọi cáo buộc về bất cứ sự thông đồng giữa chiến dịch vận động tranh cử của ông với người Nga.
Trễ hơn trong tuần này, ủy ban tình báo Hạ viện sẽ lắng nghe điều trần của ông Corey Lewandowski, người từng quản trị chiến dịch tranh cử của ông Trump. Ông Lewandowski nói với đài phát thanh WABC-AM rằng ông trông đợi cuộc điều trần kín sẽ diễn ra vào ngày thứ Tư hoặc thứ Năm tới.
Ông Lewandowski nói với đài phát thanh WABC:
“Tôi sẵn sàng ngồi xuống nói chuyện với họ. Tôi chẳng có gì để dấu giếm.”
Ông khẳng định:
“Tôi không thông đồng, hợp tác hay phối hợp với bất cứ người Nga nào, cơ quan Nga nào hoặc bất cứ ai khác tìm cách tác động tới cuộc bầu cử.”
Các thành viên Đảng Dân chủ trong Ủy ban Tình báo Hạ viện tố cáo các đảng viên của Đảng Cộng hoà là vội vã kết thúc cuộc điều tra để bao che cho Tổng thống Trump, bất chấp yêu cầu của họ đòi phỏng vấn thêm các nhân chứng khác. Các đảng viên Đảng Cộng hoà bác bỏ lời tố cáo này.
Vợ chồng bị bỏ tù về tội tra tấn, bỏ đói con ruột
Nhà chức trách bang California cho biết một cặp vợ chồng bị bắt giữ hôm thứ Hai 15/1, đã cầm giữ 13 đứa con của họ trong nhà trong các điều kiện bẩn thỉu.
Vợ chồng David và Louise Turpin bị câu lưu với tiền tại ngoại hầu tra ấn định ở mức 9 triệu đôla, trong khi cảnh sát điều tra những cáo buộc cho rằng họ đã tra tấn và đặt trẻ con trong tình trạng nguy hiểm.
Cảnh sát được báo về tình hình tại ngôi nhà ở thành phố Perris, gần Los Angeles, sau khi một trong các nạn nhân, cô con gái 17 tuổi của cặp vợ chồng này, thoát được ra khỏi nhà và liên lạc với cảnh sát bằng điện thoại di động.
Nhân viên cảnh sát cho biết cô gái bị suy dinh dưỡng trầm trọng tới mức trông giống như một đứa trẻ lên 10 thay vì là một thiếu nữ 17 tuổi.
Cảnh sát phát hiện ngôi nhà trong đó họ tưởng là có 12 đứa trẻ, nhưng trên thực tế, một số trong các nạn nhân là người đã tới tuổi trưởng thành, từ 18 tới 29 tuổi.
Cảnh sát nói nạn nhân nhỏ nhất mới lên 2, một số nạn nhân bị trói vào giường bằng giây xích sắt và ổ khóa.
Cảnh sát mô tả căn nhà là tối tăm và có mùi hôi nồng nặc. Các nạn nhân trong tình trạng cáu bẩn và hình như bị bỏ đói.
Dựa trên thông cáo báo chí do Sở Cảnh sát Quận Riverside, thì chính quyền địa phương nói cặp vợ chồng điều hành một trung tâm dạy học tại gia và trong mấy năm trở lại đây lâm vào tình cảnh khó khăn tài chánh.
Một thông báo của cảnh sát nói cặp vợ chồng trong cuộc không đưa ra một lý do hợp lý nào vì sao đàn con của họ bị cầm giữ trong các điều kiện tệ hại như vậy.
https://www.voatiengviet.com/a/vo-chong-bi-bo-tu-ve-toi-tra-tan-bo-doi-con-ruot/4209712.html
NT Nga, Iran thảo luận về Syria và thỏa thuận hạt nhân Iran
Ngoại Trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại Trưởng Iran Mohammad Javad Zarif thảo luận về cuộc xung đột ở Syria và thoả thuận hạt nhân Iran trong một cuộc điện đàm, Bộ Ngoại giao Nga cho biết hôm thứ Ba 16/1.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết:
“Hai bên đã trao đổi những quan điểm về một loạt vấn đề quốc tế, kể cả tiến trình hòa bình Syria trong bối cảnh Hội nghị Đối thoại Quốc gia Syria ở Sochi, cũng như về tình hình xoay quanh Kế hoạch Hành động Toàn diện Hỗn hợp về chương trình hạt nhân Iran.”
https://www.voatiengviet.com/a/nga-iran-thao-luan-ve-syria-va-thoa-thuan-hat-nhan-iran/4210060.html
Myanmar, Bangladesh chuẩn bị hồi hương người tị nạn Rohingya
Myanmar và nước láng giềng Bangladesh vừa hoàn tất một thỏa thuận để đưa về nước người Hồi giáo Rohingya đã chạy ra khỏi Myanmar để tránh một chiến dịch quân sự tàn bạo nhắm vào họ.
Bangladesh ra tuyên bố hôm thứ Ba 16/1 nói rằng những vụ hồi hương sẽ khởi sự vào tuần tới, mục đích là hoàn tất tiến trình này nội trong hai năm.
Chính quyền Bangladesh nói tiến trình hồi hương sẽ ưu tiên cho “các đơn vị gia đình” và trẻ mồ côi, cũng như “trẻ em sinh ra trong những trường hợp không mong muốn” – ám chỉ những đứa trẻ ra đời sau những vụ hãm hiếp. Theo thỏa thuận này, Bangladesh sẽ thành lập 5 trại chuyển tiếp để chuyển người tị nạn vào hai trung tâm tiếp cư tại bang Rakhine của Myanmar.
Tuy nhiên Hội Ân xá Quốc tế miêu tả thỏa thuận này là “quá sớm”, và nói rằng người Rohingya- vốn không hề được tham khảo ý kiến trước khi đạt thỏa thuận, không được bảo đảm là họ sẽ an toàn một khi trở về.
Ông James Gomez, Giám Đốc đặc trách Đông Nam Á và Thái Bình Dương của Hội Ân xá Quốc tế, nói trong một tuyên bố ngày 16/1:
“Những hành động cản trở và chối bỏ trách nhiệm của nhà chức trách Myanmar không đưa ra bất cứ lý do nào khiến ta có thể hy vọng rằng các quyền của những người Rohingya trở về sẽ được bảo vệ, hoặc những lý do đã khiến họ phải bỏ nhà cửa chạy đi lánh nạn lúc ban đầu, giờ không còn nữa.”
Ông Gomez nhấn mạnh:
“Người Rohingya có toàn quyền được trở về sinh sống ở Myanmar, nhưng không nên quá vội vã buộc người dân phải trở vê với một hệ thống phân biệt sắc tộc. Bất cứ trường hợp cưỡng bức hồi hương nào cũng là một hành động vi phạm luật pháp quốc tế.”
Ước lượng 650.000 người Rohingya đã chạy sang Bangladesh lánh nạn kể từ tháng 8 năm ngoái, khi các lực lượng Myanmar phát động một chiến dịch phóng hỏa đốt làng ở bang Rakhine để trả đữa các vụ tấn công do thành phần chủ chiến Rohingya thực hiện nhắm vào các chốt kiểm soát của cảnh sát Myanmar.
Người tị nạn sinh sống trong các trại đông đức tại quận Cox Bazar của Bangladesh, đã kể lại với các tổ chức nhân quyền về những hành động tàn bạo do các lực lượng an ninh Myanmar thực hiện, kể cả đốt nhà cửa và toàn bộ nhiều ngôi làng, nổ súng bừa bãi và hãm hiếp.
Liên Hiệp Quốc miêu tả những hành động do các lực lượng Myanmar thực hiện là “những hành động thanh tẩy chủng tộc tiêu biểu.”
Myanmar bác bỏ những câu chuyện được báo cáo là “phóng đại”, và quân đội Myanmar tuyên bố họ không có phạm bất cứ hành vi ngược đãi nào.
Người đào tị Triều Tiên lên tiếng sau khi vợ con ông bị Trung Quốc hồi hương
Người đào tị Triều Tiên Lee Tae-won đang đau khổ tuyệt vọng sau nỗ lực đưa vợ và con tới Hàn Quốc bất thành. Vợ và con trai của ông bị Trung Quốc cưỡng chế hồi hương và có phần chắc sẽ bị cầm tù và có thể bị hành quyết.
Ông Lee nói: “Tôi không biết nói gì hơn ngoài lời xin lỗi với vợ và con. Tôi thực sự có lỗi vì tôi không làm được gì.”
Sau khi đến Hàn Quốc vào năm 2015, người đào thoát Triều Tiên đã đổi tên thành Lee để tránh bị an ninh Triều Tiên phát hiện và trả thù.Vợ ông và con trai bốn tuổi được cho là đi cùng một nhóm gồm 10 người đào thoát đã bị Trung Quốc bắt giữ ngay sau khi họ vượt biên giới Triều Tiên vào Trung Quốc vào cuối tháng 10.
Ông Lee lần cuối nói chuyện với vợ qua điện thoại vào tháng 11, khi ấy bà đang ở trong một trung tâm giam giữ ở Trung Quốc.
Ông Lee nói: “Ngay khi vợ tôi nói với tôi rằng bà sắp bị hồi hương, cuộc điện đàm đã bị cắt. Tôi nghĩ rằng cuộc gọi đã bị cắt vì cảnh sát nghe được nội dung trong cuộc nói chuyện. Vậy là hỏng hết mọi chuyện.”
Năm nay, Trung Quốc đã gia tăng việc bắt giữ và hồi hương những người Triều Tiên đang cố gắng chạy trốn cảnh nghèo khó và đàn áp ở Triều Tiên.
Theo tổ chức Human Rights Watch, chỉ trong tháng 7 và tháng 8, có đến 41 người Triều Tiên đã bị bắt, so với 51 vụ bắt giữ được ghi nhận trong suốt năm ngoái.
Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc đang tăng cường các vụ bắt giữ những người vượt biên nhằm ngăn chặn làn sóng người tị nạn khi mà các lệnh trừng phạt kinh tế nghiêm khắc hơn đối với các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng làm tăng tình trạng khan hiếm lương thực ở Triều Tiên.
Viễn cảnh ”hậu Khamenei”: Iran có tìm ra lối thoát? – Trọng Thành
Những ngày cuối 2017, đầu 2018, Iran vừa qua một biến động lớn. Nhiều người so sánh với mùa hè năm 2009, khi dân chúng rầm rộ tuần hành phản đối tổng thống bảo thủ Ahmadinejad tái đắc cử. Cuộc phản kháng lần này ngay lập tức chấm dứt sau can thiệp của Vệ Binh Cộng Hòa. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nguồn gốc khủng hoảng Iran rất sâu xa, bởi bế tắc nằm trong chính phương thức vận hành của chế độ Cộng Hòa Hồi Giáo. Giáo sư Yann Richard (1), một chuyên gia về Iran, một mặt chỉ ra các khiếm khuyết của các lực lượng mong muốn thay đổi, mặt khác khẳng định người Iran cần chuẩn bị một giải pháp thực tế cho « thời kỳ hậu giáo chủ Khamenei ».
Bài viết dành cho Le Monde, hôm nay, 16/01/2018, với tựa đề « Thời kỳ hậu giáo chủ Khamenei : vấn đề chủ yếu tại Iran » mở đầu với câu hỏi : «Liệu chúng ta có chứng kiến sự cáo chung của một chế độ từng gây đảo lộn thế giới Hồi Giáo và cả hành tinh, từ gần 40 năm nay ? ». Câu hỏi đi kèm với nhận xét : « Khủng hoảng (Iran) trước hết là một cuộc khủng hoảng nội bộ, nhưng cũng cần được đặt trên cái nền của tình trạng hỗn loạn đang gia tăng khắp vùng Trung Đông ».
Kể từ 2013 « không gì thay đổi thực sự »
Để có được một giải pháp cho tương lai Iran, trước hết phải có cái nhìn đúng đắn về khủng hoảng hiện tại. Theo Yann Richard, đã « không có gì thay đổi thực sự » kể từ năm 2013, tức kể từ khi tổng thống Rohani – được xếp vào thành phần « cải cách » – lên nắm quyền.
Dân chúng bất mãn về đời sống kinh tế ít được cải thiện, đặc biệt trong bối cảnh Hoa Kỳ tiếp tục duy trì cấm vận về tài chính, cho dù các trừng phạt quốc tế dần dần được dỡ bỏ, theo thỏa thuận hạt nhân 2015 với Teheran. Tình hình cũng không có gì sáng sủa hơn trong lĩnh vực nhân quyền : bắt bớ tràn lan, tự do ngôn luận, tự do báo chí bị ngăn cản, ngay cả trong lĩnh vực nghệ thuật, các nghệ sĩ cũng thường xuyên bị đe dọa.
Đọc thêm : Iran : Biểu tình đầu 2018 phơi bày ”các rạn nứt” của chế độ
Chuyên gia về Iran nhấn mạnh là các cuộc phản kháng vừa qua không hề đe dọa lật đổ chế độ, bởi chế độ hiện hành vẫn « hùng mạnh », cho dù có nhiều kẻ thù bên trong, cũng như bên ngoài. « Phản ứng có vẻ không quyết đoán » của tổng thống Rohani cho thấy nhà lãnh đạo này phải đối mặt với hàng loạt đối thủ trong nội bộ chế độ. Cuộc chiến « chống tham nhũng » và minh bạch tài chính, cũng như xích dần lại với các nước châu Âu khiến ông Rohani có thêm nhiều kẻ thù thuộc phe cứng rắn, trung thành với di sản của cố giáo chủ Khomeini (1902-1989), người lãnh đạo cuộc Cách mạng Hồi Giáo Iran 1979.
Hoàn toàn thiếu « cơ chế đối trọng »
Điểm yếu lớn nhất của đối lập Iran là không có được các « đảng phái, cơ quan ngôn luận, chương trình hành động ». Sự bất mãn của dân chúng « không có lãnh đạo dẫn dắt, không có tư tưởng chính trị, không có ý thức hệ », bởi vậy sẽ không đi đến đâu. Theo chuyên gia Yann Richard, tại Iran hiện tại hoàn toàn thiếu vắng một cơ chế « đối trọng » cho phép ngăn chặn việc lạm dụng quyền lực của giới chính trị. « Không có một nền báo chí tự do, các đảng phái xứng với tên gọi này, và một nền tư pháp độc lập. Tham nhũng và đàn áp đã làm mọi thứ tê liệt ».
Đối lập Iran đồng thời lại liên tục « bị nhử mồi » bởi « cuộc chơi bầu cử » do chế độ mở ra, cứ bốn năm một lần, mang lại hy vọng có được sự thay đổi về chính trị. Trên thực tế cho dù có các thế lực khác nhau lên nắm quyền, như lãnh đạo « cải cách » Khatami lên làm tổng thống năm 1997, rồi đến lượt « phe bảo thủ » với Ahmadinejad năm 2005, rồi sau đó là nhà « cải cách » Rohani năm 1993, nhưng đã không có gì thay đổi thực sự. Trong khi đó, « quyền lực trên thực tế » nằm trong tay lực lượng Vệ Binh Cộng Hòa và « sự thao túng ngày càng xảo quyệt » của giáo chủ Ali Khamenei, người kế nhiệm cố giáo chủ Khomeini.
Mâu thuẫn sâu xa : Những cội nguồn lịch sử
Chuyên gia về Iran Yann Richard chỉ ra mâu thuẫn sâu xa trong xã hội Iran giữa một bộ phận « công luận Iran », quan tâm trước hết đến đời sống trong nước, với thế lực cứng rắn trong chính quyền, muốn bằng mọi giá mở rộng ảnh hưởng của Iran tại khu vực. Một trong những khẩu hiệu chính của những người biểu tình năm 2009 là « lên án chủ nghĩa bành trướng của nước Cộng Hòa Hồi Giáo, thay vì tìm kiếm một chính sách chấn hưng thực sự đối với kinh tế trong nước ».
Giáo chủ Khameini cùng với lực lượng Vệ Binh Cộng Hòa có cùng chung một mục tiêu, tìm mọi cách ngăn cản việc Iran sáp gần lại Hoa Kỳ. Nỗ lực mở rộng ảnh hưởng khu vực của thế lực cứng rắn được một bộ phận công luận Iran ủng hộ bởi tư tưởng phục hận, cho phép quốc gia này tìm lại được niềm « tự hào », là lãnh đạo khu vực một thời vang bóng.
Vị thế lãnh đạo của quốc gia Ba Tư thời cận đại tan vỡ sau hai cuộc chiến tranh với nước Nga. Iran phải chấp nhận hòa ước năm 1828, với đủ điều bất lợi, dưới áp lực phương Tây. Cuộc Cách mạng Hiến pháp 1906 và việc phát hiện ra dầu mỏ tại Iran năm 1908 cũng không thay đổi đáng kể số phận của đất nước. Ngành dầu mỏ nước này do người Anh « kiểm soát ». « Phong trào dân tộc Mossadegh quốc hữu hóa các mỏ dầu, nhưng một cú đảo chính, do Hoa Kỳ đạo diễn năm 1953, đã chấm dứt các tham vọng độc lập ».
Thế lực chính trị trung tâm khu vực : Cưỡi trên lưng hổ
Chỉ đến khi cuộc Cách mạng Hồi Giáo nổi lên vào năm 1979, với biến cố các nhân viên đại sứ quán Mỹ bị bắt làm con tin, « nỗi nhục » nói trên mới được xóa bỏ. Tiếp theo đó, với cuộc chiến 8 năm chống Irak, chính quyền Hồi Giáo Iran đã « chứng minh » với thế giới có khả năng « tự vệ bằng cách huy động sức mạnh của cả một dân tộc ». Theo tác giả, giờ đây, « ngay cả những người ít chịu ảnh hưởng của tư tưởng Khomeini nhất cũng phải công nhận là Iran, kể từ giờ, nằm ở trung tâm của mọi xung đột khu vực, không phải với tư cách là một quốc gia chư hầu của phương Tây, mà như một chủ thể có một chiến lược riêng ».
Tuy nhiên, cùng với sự thay đổi về địa chính trị nói trên, là sự mở cửa dần dần của xã hội Iran, với sự hình thành một tầng lớp có học vấn, trẻ tuổi. Đông đảo giới trẻ Iran – được tiếp xúc với nền giáo dục phương Tây – khát khao thăng tiến, nhưng vì không có cơ hội tại Iran, đã trở thành những người bất đồng chính kiến ngay trên quê hương mình.
Đọc thêm : Iran, đối tác không thể thiếu tại Trung Đông ? (phần 1)
Cùng với những người thất nghiệp, những người bị bỏ rơi, giới trẻ có học vấn phản kháng lại chính sách hy sinh lợi ích của dân chúng trong nước, vì các lợi ích đầy tham vọng trong khu vực, đứng về phía Palestine chống lại Israel, hay mở rộng ảnh hưởng của hệ phái Hồi Giáo Shia, mà Teheran tự coi là người cầm lá cờ đầu.
Nguy cơ « Saddam Hussein » thứ hai và sự non yếu của lực lượng cải cách
Nhà nghiên cứu Yann Richard so sánh tình hình hiện nay ở Trung Đông giống với thời kỳ năm 1980, khi Saddam Hussein tấn công Iran. Cũng tương tự, Iran hiện đang đối mặt với « đe dọa mới từ bên ngoài », cụ thể là từ Ả Rập Xê Út. Lãnh đạo tối cao Iran, giáo chủ Khamenei dường như đang khai thác cơ hội này để tập hợp thế hệ trẻ dưới lá cờ của giới giáo sĩ, để chiến đấu chống lại kẻ thù chung. Việc Ả Rập Xê Út gia tăng mua sắm vũ khí tối tân khiến viễn cảnh này ngày càng trở nên hiện hữu.
Giáo chủ Iran Khamenei hiện đã gần 80 tuổi. Khả năng ông Khameini qua đời trong thời gian tới, với viễn cảnh Iran rơi vào tình trạng trống không quyền lực là điều mà rất nhiều người Iran đặt ra lâu nay.
Trong bối cảnh này, đối với những ai đang tìm kiếm hướng đi cho một thời kỳ hậu Khameini, chuyên gia về Iran cảnh báo : Sẽ không thể có « các giải pháp đơn giản » cho xã hội Iran. Việc tìm ra một giáo chủ mới, có khả năng đem lại sự đoàn kết cho toàn dân tộc, là điều không tưởng. Trừng phạt của Hoa Kỳ chỉ càng khiến căng thẳng gia tăng, càng làm cho lực lượng « dân quân Hồi Giáo » độc quyền hơn về kinh tế, cũng như trong các hoạt động ở nước ngoài.
Yann Richard lo ngại, trong một xã hội thiếu vắng dân chủ như ở Iran, thế lực được coi là « cải cách », hay « cộng hòa », hiện tại khó có khả năng tìm ra được một giải pháp thực tiễn, giúp cải thiện tình hình an ninh của khu vực và phục hồi kinh tế trong nước.
—-
(1) Giáo sư Yann Richard, Đại học Université Paris 1 Panthéon-Sorbonne, chuyên gia về lịch sử Iran, văn học Ba Tư và và hệ phái Hồi Giáo Shia.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180116-thoi-hau-khamenei-van-de-chu-yeu-cua-xa-hoi-iran
Ankara phản đối Mỹ giúp lập lực lượng an ninh biên giới Kurdistan – Anh Vũ
Quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ lại thêm căng thẳng. Ankara đã phản ứng dữ dội với việc Washington thông báo thành lập « lực lượng an ninh biên giới » gồm các binh sĩ người Kurdistan và Ả Rập trong lãnh thổ Syria giáp với Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ vẫn coi lực lượng Kurdistan là khủng bố. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hứa sẽ « tiêu diệt từ trong trứng nước » các đơn vị quân sự như vậy. Ông thông báo sẵn sàng mở chiến dịch tấn công vào lãnh địa đang nằm dưới sự kiểm soát của người Kurdistan bên Syria.
Thông tín viên RFI tại Istanbul, Alexandre Billette tường trình :
Một « đội quân khủng bố » được Hoa Kỳ đào tạo. Trên đây là đánh giá của ông Recep Tayyip Erdogan dành cho lực lượng an ninh mà Washignton thông báo thành lập. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không chịu trách nhiệm về hậu quả, nếu Ankara phải hành động, để loại trừ sự xuất hiện của lực lượng trên ở biên giới của mình.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua đã liên tiếp đưa ra các tuyên bố công phẫn : Đó là một sự khiêu khích, một hành động điên rồ…. Sự hiện diện của các chiến binh người Kurdistan YPG vốn bị coi là khủng bố và có liên hệ với đảng PKK, là điều mà chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ không thể chấp nhận được.
Ankara muốn phòng trước việc thành lập lực lượng thù địch với họ bằng cách tiến hành chiến dịch tấn công hai thành phố của Syria bên biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ là Afrin và Minbej, hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng dân quân Kurdistan.
Tất cả về mặt quân sự đã sẵn sàng, ông Recep Tayyip Erdogan tuyên bố, chiến dịch có thể bắt đầu bất kỳ lúc nào. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ còn dọa tiến hành các chiến dịch trong những vùng biên giới khác cho đến khi « tiêu diệt kẻ khủng bố cuối cùng », theo như lời ông nói.
Khủng hoảng chính trị Rumani: Thủ tướng cánh tả lại phải từ chức – Mai Vân
Thủ tướng Rumani Mihai Tudose đã bị buộc phải từ chức vào hôm qua, 15/01/2017, sau khi mất hậu thuẫn của chính đảng Xã Hội Dân Chủ (SPD) của ông. Ông là vị thủ tướng thứ hai thuộc đảng này phải từ chức trong không đầy 7 tháng.
Nguyên do từ chức là bất đồng giữa ông Tudose với lãnh đạo đảng Liviu Dragnea. Trả lời Reuters, một nhân vật đảng SPD cho biết là đa số tuyệt đối trong đảng đã bỏ phiếu đòi ông Tudose từ nhiệm. Phó thủ tướng Paul Stanescu sẽ tạm thay thế trong vòng 45 ngày.
Ông Tudose được chỉ định vào chiếc ghế thủ tướng vào tháng 6/2017, nhưng căng thẳng với lãnh đạo đảng đã bộc phát rất sớm và đạt đỉnh cao vào tuần qua khi ông Tudose đòi bộ trưởng Nội Vụ, một người thân cận với ông Liviu Dragnea, từ chức.
Người tiền nhiệm của ông Tudose, Sorin Grindeanu, cũng đã bị ông Dragnea lật đổ, nhân một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào tháng 6 năm ngoái (2017).
Giờ đây thì đảng SPD phải tìm một thủ tướng khác, và người mới còn phải được tổng thống chấp thuận và nghị viện thông qua.
Theo giới quan sát, tổng thống Klaus Iohannis, thuộc cánh trung hữu có thể gây khó khăn.
Hệ quả của việc thủ tướng Tudose từ chức là chương trình viếng thăm Rumani của thủ tướng Nhật Shinzo Abe, dự trù hôm nay, thứ Ba, bị xáo trộn. Thủ tướng Abe phải hủy cuộc gặp với chính phủ, và chỉ có cuộc tiếp xúc với tổng thống vào cuối ngày, trong lúc phía Rumani rất muốn ông Abe hiện diện trong cuộc trao đổi giữa hai phái đoàn chính phủ.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180116-khung-hoang-chinh-tri-rumani-thu-tuong-canh-ta-lai-phai-tu-chuc
Tây Ban Nha dọa đưa Catalunya trở lại quy chế bảo hộ – Anh Vũ
Hôm qua, 15/01/2018, lãnh đạo chính phủ Tây Ban Nha đã cảnh cáo phe chủ trương đòi Catalunya độc lập rằng quyền tự trị của vùng sẽ lại bị đình chỉ trong trường hợp ông Carles Puigdemont cố tìm cách lãnh đạo chính quyền Catalunya từ Bruxelles.
Trong cuộc họp lãnh đạo đảng cầm quyền tại Madrid, thủ tướng Mariano Rajoy khẳng định chủ tịch vùng Catalunya sẽ phải nhận chức và điều hành công việc bằng người thực việc thực, chứ không thể điều hành công việc từ BruxelLes.
Thủ tướng Tây Ban Nha cảnh báo, nếu không làm được như vậy thì điều khoản 155 của Hiến pháp cho phép đình chỉ quy chế tự trị của Catalunya, vẫn có hiệu lực.
Trong cuộc khủng hoảng Catalunya đòi ly khai, chỉ vài giờ sau khi nghị viện Catalunya tuyên bố độc lập, thủ tướng Mariano Rajoy, hôm 27/10/2017, đã vận dụng điều luật trên để phế truất chính quyền vùng, giải tán nghị viện và cho tổ chức bầu cử sớm.
Cuộc bầu cử trước thời hạn đầu tháng 12 vừa qua vẫn mang lại chiến thắng cho phe đòi ly khai Catalunya với 70 trên 135 phiếu. Đảng của ông Puigdemont về đầu trong khối ly khai và có thể đứng ra thành lập chính quyền vùng. Nhưng hiện ông này đang bị truy tố vì tội nổi loạn và biển thủ. Đang sống lưu vong tại Bỉ, nếu hồi hương, ông Puigdemont có thể sẽ bị bắt giam ngay lập tức. Trước mắt, ông Puigdemont muốn nhậm chức và điều hành chính quyền vùng Catalunya từ bên ngoài. Đây là điều mà Madrid không thể chấp nhận.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180116-tay-ban-nha-canh-bao-dua-catalunya-tro-lai-quy-che-bao-ho
Venezuela: Đặc nhiệm tấn công nhóm cựu cảnh sát nổi dậy – Anh Vũ
Hôm qua,15/01/2018, cảnh sát và lực lượng đặc nhiệm Venezuela đã mở cuộc tấn công lớn vào nhóm của Oscar Perez. Cựu thanh tra cảnh sát khoa học hình sự này hồi tháng 6 năm ngoái đã nổi tiếng với vụ ném lựu đạn vào Tòa Án Tối Cao, từ trên chiếc trực thăng cướp được để tỏ thái độ chống chính quyền của tổng thống Maduro. Hành động của cựu nhân viên cảnh sát đã bị chính quyền coi là « khủng bố » và Caracas đã ra lệnh bắt ông.
Thông tín viên Julien Gonzales tại Caracas tường trình:
Trên đường phố cũng như trên mạng xã hội, Oscar Perez là chủ đề bàn luận ở khắp mọi nơi tại Caracas ngày hôm qua. Cuộc tấn công buổi sáng nhằm vào Oscar Perez và nhóm của ông trong khu phố nghèo ngoại ô Caracas đã được chứng kiến gần như trực tiếp. Cựu thanh tra cảnh sát khoa học hình sự đã tung lên mạng Instagram nhiều vidéo, ghi lại hình ảnh cảnh sát tấn công.
Cuộc tấn công đã gây nhiều thương vong: hai cảnh sát bị chết. Bộ Nội Vụ quả quyết rằng các thành viên mà họ gọi là thuộc “ổ khủng bố” đã bị tiêu diệt và 5 kẻ tội phạm khác đã bị bắt. Tuy vậy, cơ quan này không nêu danh Oscar Perez.
Đọc thêm : Vụ tấn công Tòa án Venezuela : Chính quyền hoảng sợ
Tối qua, các thắc mắc vẫn còn, trước tiên là về diễn biến chiến dịch. Trong khi mà Oscar Perez, mặt bê bết máu, trong một vidéo, cam đoan muốn ra hàng, chính quyền đưa ra giải thích khác, khẳng định các lực lượng an ninh đã bị tấn công, trong khi các thương lượng đầu hàng đang diễn ra.
Một ẩn số khác: Oscar Perez có nằm trong số những người bị giết hay bị bắt? Không có khẳng định nào chính thức, hay từ tổng thống. Ông Maduro có nhắc đến cuộc tấn công trong một thông điệp gửi quốc dân, nhưng không đưa ra chi tiết về danh tính của những người bị tiêu diệt hay bắt giữ trong chiến dịch.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180116-venezuela-dac-nhiem-tan-tan-cong-nhom-cuu-canh-sat-noi-day
Trung Quốc: Nguy cơ thảm họa sinh thái sau tai nạn tàu dầu Iran – Mai Vân
Chiếc tàu chở dầu Iran Sanchi đã chìm từ Chủ nhật 14/01/2018 ngoài khơi Thượng Hải sau một tuần lễ bốc cháy vì đụng phải một tàu chở hàng Trung Quốc. Theo bộ Giao Thông Trung Quốc, dầu trên mặt biển vẫn còn cháy.
Sự cố này đang gây lo ngại về nguy cơ thảm họa sinh thái. Tàu Sanchi chở 136.000 tấn dầu loại nhẹ (condensat) mà tác hại đến môi trường rất khó lường. Thông tín viên RFI Heike Schmidt thường thuật từ Bắc Kinh:
“Việc tàu chở dầu Iran Sanchi chìm là kịch bản tồi tệ nhất. Khi con tàu cháy thì số 136.000 tấn dầu rất nhẹ tiếp tục bốc hơi. Nhưng bây giờ tàu nằm dưới đáy biển, dầu tràn ra ngoài, đe dọa hệ sinh thái đa dạng nhất vùng biển Hoa Đông, vốn đã bị tàu cá Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc khai thác quá đà.
Loại dầu condensat còn đe dọa đầu độc các loại cá voi, rùa biển. Nhưng điều mà giới chuyên gia lo ngại nhất là số 1000 tấn dầu mazout, sử dụng để chạy máy tàu. Loại dầu diesel rất nặng này thuộc diện rất bẩn, vô cùng độc hại đối với sinh vật dưới biển.
Máy bay giám sát đã phát hiện 3 thảm dầu đang trôi dạt về phía Nhật Bản, vì bị gió lớn và các dòng thủy lưu đẩy đi”.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180116-trung-quoc-nguy-co-tham-hoa-sinh-thai-sau-tai-nan-tau-dau-iran