Cứ đem lòng “vua” mà đo vận nước
Huệ Khưu
Tác giả gửi tới Dân Luận
Khi phiên xử ông Đinh La Thăng bắt đầu, thì một bài viết được cho là đình đám cũng đồng thời xuất hiện trên báo chí. Điều khiến người ta liên tưởng hai sự kiện này không chỉ vì cùng thời điểm, mà còn là tác giả bài viết này giống ông Thăng cũng là cựu ủy viên Bộ chính trị, cựu lãnh đạo ban Kinh tế trung ương, cựu Bí thư Thành ủy Tp. HCM, ông Trương Tấn Sang.
Thậm chí, họ đều là những ủy viên Bộ Chính trị hiếm hoi trong lịch sử phải chịu án kỷ luật của Đảng. 14 năm trước, ông Trương Tấn Sang bị xem xét và thi hành kỷ luật vì thời kỳ làm Bí thư Thành ủy TP HCM đã không chỉ đạo điều tra, ngăn chặn và có dấu hiệu bao che những hoạt động tội phạm của Trương Văn Cam (Năm Cam) cùng đồng bọn và có những khuyết điểm trong công tác cán bộ.
Thậm chí, họ đều là những ủy viên Bộ Chính trị hiếm hoi trong lịch sử phải chịu án kỷ luật của Đảng. 14 năm trước, ông Trương Tấn Sang bị xem xét và thi hành kỷ luật vì thời kỳ làm Bí thư Thành ủy TP HCM đã không chỉ đạo điều tra, ngăn chặn và có dấu hiệu bao che những hoạt động tội phạm của Trương Văn Cam (Năm Cam) cùng đồng bọn và có những khuyết điểm trong công tác cán bộ.
Quay trở lại bài viết của ông Trương Tấn Sang được đồng loạt dẫn lại, mỗi báo thay đổi một tựa đề khác nhau. Như Vietnamnet đặt tiêu đề là “Ngay lúc này, Đảng phải kiên quyết hành động”, Vnexpress lại đặt tiêu đề là “Làm gì để dân tin”, và Tuổi trẻ thì “Cứ đem lòng dân mà đo vận nước”.
Bài viết khá dài, dẫn chứng khá nhiều ví dụ về sự hưng vong của các triều đại trong lịch sử, sức mạnh của lòng dân, sự mục nát của giới cầm quyền, … cuối cùng là để nhằm mục tiêu rằng, đảng phải kiên quyết hành động, loại bỏ “những kẻ đó” !
Trước khi đi sâu vào mổ xẻ bài viết, phải thừa nhận rằng, người đọc có quyền đòi hỏi chất lượng cao ở một bài viết từ một người đã từng là một nguyên thủ quốc gia. Và nếu không có cái “danh” là cựu Chủ tịch nước, thì chắc chắn không thể có chuyện các báo chuyền tay nhau đăng bài như thế cả. Lưu ý rằng, tính Chính Danh cũng là yếu tố khá xuyên suốt trong bài viết, vậy nên tôi tin rằng, ông Sang sẽ mong nhận được sự phản hồi nhiều chiều, lắng nghe hai tai, như là triết lý về lòng dân như ông ấy đã nói.
Người đọc đòi hỏi chất lượng cao ở bài viết này là thấy được cái TÂM, cái TẦM, thậm chí là quyền biến khôn khéo, phải học được điều mới lạ, điều cao quý, và điều khôn ngoan trong tư duy bài viết của một cựu nguyên thủ quốc gia. Đọc bài viết phải thấy dứt khoát một điều rằng, đấy là một chính khách cấp cao, một nhà chính trị cấp cao viết, chứ không thể là một “nhà báo” nào đó viết chính trị được! Nhưng bài viết ấy thực sự thế nào?
Đầu tiên, ông Sang dẫn chuyện “Bão Táp Triều Trần”, dạng tiểu thuyết dã sử giống Tam Quốc Diễn Nghĩa, tức bảy thực ba hư, chứ không thuần túy chỉ là lịch sử. Đọc những tiểu thuyết dạng này, có thể suy ngẫm để đưa lại điều riêng tư cho nhận thức của mình. Nhưng thưa ông, nếu dùng nó để đánh giá lại lịch sử, thì lại là sai tuyệt đối!
Ông dẫn chuyện những vương triều thời Lý, Trần, Lê, với những suy ngẫm về lẽ thịnh suy do người cầm quyền, nhưng ông cần lưu ý rằng, chưa có bất cứ một triều đại nào ở bất cứ một quốc gia nào tồn tại vĩnh viễn, chứ không chỉ là hệ thống phong kiến Á Đông. Sự vĩnh viễn duy nhất, thì chỉ có đúng một khái niệm: Dân tộc!
Nên khi ông dẫn chứng về cụ Chu Văn An, người dâng sớ chỉ mặt 7 tên gian thần. Nhưng cụ Chu Văn An sống trong thời đại phong kiến, mang trong mình tư duy nho học, và với tâm lý chủ quan, thì việc một cụ giáo dâng sớ sẽ mang lại điều gì khi 7 vị quan – cứ coi là gian thần – bị chém đầu, và liệu nếu 7 người khác lên thay thì có tốt đẹp hơn không khi chế độ phong kiến vẫn còn đó ?
Dẫu sao cụ Chu Văn An vẫn là một tấm gương sáng trong thời đại ấy khi dám chỉ mặt đặt tên 7 tham quan nịnh thần, còn ông Sang tuy mượn điển tích, nhưng lại mập mờ, nói xa nói gần, không dám chỉ ra một cái tên, chỉ dùng những cụm từ như “những kẻ có lòng tham vô đáy” “những kẻ đó và bè cánh” hoặc cách phát biểu “đồng chí X Y Z” trước đây… Vậy thì bản thân khi đã từng là “quốc vương” ở một vị trí cao hơn ông Chu Văn An, ông có thấy thẹn với tiền nhân.
Ông nhắc đến vị vua nhà Lê và lòng cung kính tin dùng kẻ sỹ:‘hiền tài là nguyên khí quốc gia’, đã dựa vào các nhân tài để tạo dựng hàng loạt những giá trị văn hiến truyền lại cho đời sau”. Nhưng suốt “triều đại” của mình, người ta không thấy ông cho ra “nguyên khí quốc gia” nào, mà chỉ toàn là những bồi bút lưu manh mang danh trí thức và đại gia kiêm đại biểu quốc hội nào đó họ Đặng để đâm chọt, phá hoại quốc gia.
Ông cũng trích dẫn và bình luận: “Dân tộc Việt Nam không bao giờ sợ giặc ngoại xâm, chỉ sợ những người cầm quyền không đủ dũng khí để tự sửa mình, để thực hành nghiêm khắc nội bộ”. Vậy mà chính ông lại không “đủ dũng khí” để “nghiêm khắc nội bộ”, mà lại bao che cho những tên giang hồ như Năm Cam phá hoại, lũng đoạn xã hội. Khi nhắc đến người ta, ông có ngẫm tới mình không ?
Và khi ông nhắc đến nhà Trần. Thì cũng cần phải nói rằng, trên truyền thông Việt Nam trong thập kỷ qua, vẫn lan truyền hành trình 800 năm tìm về cội nguồn của những người Việt ở Hàn Quốc. Họ là những hậu duệ của nhà Lý đã phải trốn chạy khỏi đất nước trước sự truy sát khủng khiếp của nhà Trần, đến nỗi trên đất nước này, gần như không còn một người nào còn mang họ Lý? mà tác giả không phải là ai khác – Thái sư Trần Thủ Độ!
Đền Đô ở Bắc Ninh, hay còn gọi là Cổ Pháp điện, đền Lý Bát Đế, là một quần thể kiến trúc thờ 8 vị vua đầu tiên của nhà Lý, dấu ấn duy nhất còn lại, chứng minh sự hiện diện của một triều đại vàng son đã kéo dài hơn 200 năm trong lịch sử! Hơn 1000 năm đã trôi qua, Lý Bát Đế nằm đó, mưa sa gió lạnh, cô đơn và tủi hận, đã có ai đặt lại vai trò của Trần Thủ Độ nói riêng và sơ khai triều Trần nói chung, trong việc hủy diệt cả một dòng tộc người hay không?!.
Nhắc lại sự kiện này ra không phải là để chê bai hình tượng Trần Thủ Độ – kiến trúc sư trưởng kiến tạo Nhà Trần. Mà chỉ để nói rằng, cái xấu và cái tốt trong mỗi chính khách là lẽ thường. Khi nhìn về họ, hãy khách quan, trung thực với lịch sử. Dứt khoát không thể nhìn theo góc nhìn văn chương ba-xu, càng không thể dùng “tiền nhân” để răn dạy hậu thế bằng nhãn quan và sự hiểu biết nửa vời ấy được!
Nói đi cũng cần nói lại, rất lâu rồi người ta mới thấy một nhân vật từng là Nguyên thủ quốc gia xuất hiện và suy ngẫm về chính sách hiện nay, dựa trên lịch sử truyền thống dân tộc, đề cao vai trò của tầng lớp trí thức. Đây là nét mới đáng ghi nhận! Rất nhiều người đã và sẽ hồ hởi, hoan nghênh tinh thần này, nhưng khi và chỉ khi bài viết ấy thực sự lấy lịch sử ngàn năm để tìm ra những điều mới mẻ, lớn lao, không hề toan tính cá nhân, cho con đường đi của dân tộc.
Người ta sẽ càng hoan nghênh hơn, nếu ông Trương Tấn Sang đừng cắt gọt lịch sử chỉ để ám chỉ vào “những kẻ nào đó”, mà hướng vào những mục đích cao cả, những câu chuyện mang đậm truyền thống đoàn kết gắn bó, quật cường dân tộc,.. Những tinh thần đã tạo nên sức mạnh dựng nước và giữ nước trải dài qua hàng ngàn năm, để làm thành bài học cho hiện tại.
Có thể một bài viết sẽ không giải quyết được vấn đề gì trước mắt, nhưng ít nhất nó sẽ cho người ta thấy cái Tâm và cái Tầm của một cựu nguyên thủ quốc gia (bậc quân vương).
Trước đây, ông Trương Tấn Sang cũng từng có viết bài “Gánh nặng trách nhiệm trước lịch sử và tương lai” và bàn về hàng loạt khái niệm như vị “vua tốt”, “Minh Quân”,… để muốn nói rằng, người Việt ngày nay cần một vị “vua tài, có liêm sỉ” trước khi cần vị “vua tốt”. Ông từng nói “trong ban lãnh đạo, ai là những người đủ dũng cảm để gột sạch những vết nhem nhuốc làm vấy bẩn đội ngũ của chúng ta?”.
Thậm chí ông còn tự cho mình cái quyền thay mặt đảng khi tuyên bố: “Ai đó cảm thấy không đảm đương được công việc hãy tự nguyện trao lại mái chèo, hoặc Đảng buộc họ phải ra đi”.
Nhưng Ai đó là ai? Suốt mấy chục năm qua, dân chưa thấy ai “tự nguyện trao lại mái chèo”. Chỉ có những người đã bị kỷ luật những vẫn cố tìm “đủ dũng khí để tự sửa mình, để thực hành nghiêm khắc nội bộ”, “rút kinh nghiệm sâu sắc” rồi lại leo lên chức cao hơn ?
Nhưng Ai đó là ai? Suốt mấy chục năm qua, dân chưa thấy ai “tự nguyện trao lại mái chèo”. Chỉ có những người đã bị kỷ luật những vẫn cố tìm “đủ dũng khí để tự sửa mình, để thực hành nghiêm khắc nội bộ”, “rút kinh nghiệm sâu sắc” rồi lại leo lên chức cao hơn ?
Giá trị lịch sử là không thể phủ nhận, nhưng đem lịch sử – lại là sử từ tiểu thuyết – để nói xa nói gần, vào thời điểm người từng là đồng chí đang bị lôi ra đâm chém, lấy lịch sử ra để yêu cầu “kiên quyết hành động” để loại bỏ “những kẻ đó”, thì e rằng đó không phải là tầm vóc của một người từng là chính khách cấp nguyên thủ.
Và nếu nhà sử học Ngô Sĩ Liên còn sống, ông ấy sẽ viết thêm mấy dòng vào Đại Việt sử ký toàn thư như sau: “Lịch sử sau này sẽ ghi nhận đất nước có vị “vua” luôn trăn trở với vận nước, thế nước, nghĩ đến nỗi lòng của dân trước thời cuộc. Nhưng vị “vua” ấy đã không thực hiện những điều này khi còn đang cầm quyền.”
Chủ đề: Chính trị – xã hội
Từ khóa: Trương Tấn Sang, Huệ Khưu