Trung tướng Phan Văn Vĩnh ‘không bị bắt’ nhưng sao không lên tiếng?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Trung tướng Phan Văn Vĩnh ‘không bị bắt’ nhưng sao không lên tiếng?

Thiền Lâm

(Cali Today)Chỉ hai tuần sau khi xảy ra vụ đào thoát của “Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ”, ngành công an lại phát lộ những dấu hiệu của một scandal khác.

Trung tướng Phạm Quý Ngọ – Thứ trưởng bộ Công an (phải) trao quyết định Tổng cục trưởng cảnh sát nhân dân cho Thiếu tướng Phan Văn Vĩnh. Vào đầu năm 2014, ông Phạm Quý Ngọ bất ngờ bị đột tử. Cái chết không rõ ràng của ông Ngọ vẫn gây tranh cãi cho đến ngày nay. Ảnh: Tổng cục Cảnh sát

Ngày 12/1/2018, Facebook Lê Nguyễn Hương Trà phát tin:

“Vào cuối tháng 8.2017, hai cổng game cờ bạc Rikvip và Tip.Club đã phải tạm ngừng hoạt động vô thời hạn; các ứng dụng trên App store, Androi và Window phone cũng bị gỡ bỏ.

Kéo theo là hàng loạt các đại lý cấp 1 bị bắt, cùng đại gia game bài là Dương, con rể 2 của cựu UVBCT Phạm Quang Nghị. Mở rộng điều tra, rất nhiều tướng tá ngành Công an dính vô vụ này. Gần tháng trước, trung tướng Phan Văn Vĩnh bị khám xét văn phòng, mở đầu cho nhiều lùm xùm rằng ngành công an sẽ trảm ít nhất 5 tướng của hai vụ, trong đó có Rikvip và Tip.Club

Trung tướng Phan Văn Vĩnh nguyên là Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Tổng cục II); từng ghi dấu ấn sự nghiệp với vụ án Lê Văn Luyện và vụ bắt giữ bầu Kiên; tướng Vĩnh đã bị bắt vào chiều 11.1. Liên quan vụ này còn có tướng Nguyễn Thanh Hóa, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50).

– Doanh thu của hai sới bạc online tiền ảo đổi tiền thật trên, được biết ước tính khoảng 8.000 tỉ/tháng”.

Được biết, ông Phan Văn Vĩnh thôi giữ chức Tổng cục trưởng từ tháng 4-2017 để nghỉ chế độ.

Cùng ngày 12/1/2018, Thiếu tướng Lương Tam Quang- Chánh Văn phòng Bộ Công an – thông tin cho báo Pháp Luật TP.HCM: “Hiện chưa có thông tin gì về việc khởi tố này. Đây là thông tin không có căn cứ, cơ sở gì”.

Tuy những thông tin trên Facebook Lê Nguyễn Hương Trà là chưa thể kiểm chứng về mức độ chính xác, nhưng hiện tượng lạ lùng là trong khi Bộ Công an có phản ứng rất nhanh như thể “phản bác luận điệu sai trái và xuyên tạc” của facebook này, nhân vật Phan Văn Vĩnh vẫn bặt tăm.

Vì sao chỉ cần một động tác đơn giản là đưa Trung tướng Phan Văn Vĩnh ra xuất hiện trước công luận, kèm theo phát ngôn, hình ảnh và video là có thể xóa tan được mối nghi ngờ về việc ông Vĩnh bị bắt, thì Bộ Công an lại không làm thế mà chỉ đưa người phát ngôn của bộ này ra “thanh minh”?

Hơn nữa, cách nói của Thiếu tướng Lương Tam Quang có thể được hiểu là “chưa có thông tin về khởi tố” chứ không khẳng định “sẽ không khởi tố” đối với Trung tướng Phan Văn Vĩnh.

Một hiện tượng rất đáng chú ý và mổ xẻ là ngay trước vụ việc Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Thiếu tướng Lương Tam Quang – Chánh Văn phòng Bộ Công an đã bị “hố” nặng vụ Phan Văn Anh Vũ.

Vào ngày 31/12/2017, mạng xã hội bất chợt dậy sóng bởi thông tin Phan Văn Anh Vũ bị cơ quan cửa khẩu Singapore tạm giữ tại cửa khẩu Singapore – Malaysia. Sau đó, báo Straits Times của Singapore cũng đăng tin một nhân vật có tên ‘Phan Van Anh Vu’ bị chặn lại tại cửa khẩu Tuas của Singapore ngày 28/12.

Đến ngày 2/1/2018, website của Cơ quan Xuất nhập cảnh Singapore (ICA) có tên miền www.ica.gov.sg đã đăng tải thông tin, Cơ quan Xuất nhập cảnh Singapore (ICA) xác nhận đã tạm giữ người có tên ‘Phan Van Anh Vu’ từ ngày 28/12 vì “vi phạm quy định Luật Xuất nhập cảnh”. Khi dó, câu chuyện về Phan Văn Anh Vũ bị bắt ở Singapore đã rất rõ.

Nhưng vào buổi sáng 3/1/2018, Thiếu tướng Lương Tam Quang – Chánh Văn phòng Bộ Công an lại cho báo chí nhà nước hay là vẫn chưa nhận được thông tin ông Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) đang bị tạm giữ tại Singapore.

Chỉ một ngày sau – ngày 4/1/2018, chính các nhân viên công an của Bộ Công an đã “dẫn độ” Phan Văn Anh Vũ từ Singapore về sân bay Nội Bài của Việt Nam.

Một “hố” khác của Bộ Công an là vụ Trịnh Xuân Thanh: vào cuối tháng 7/2017, ít giờ đồng hồ sau khi nhà báo Huy Đức bất thần đưa tin trên facebook của ông “Trịnh Xuân Thanh về mà báo chí im ắng nhỉ!”, Bộ trưởng công an Tô Lâm lại nói như phân bua với báo chí nhà nước: “Đến giờ tôi vẫn chưa có thông tin gì” trước câu hỏi về những thông tin cho là cơ quan điều tra đã di lí Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam rồi của phóng viên Pháp Luật TP.HCM. Để chỉ một ngày sau – ngày 31 tháng Bảy năm 2017 – Trịnh Xuân Thanh dường như đã được đặc cách “đầu thú tại trực ban Bộ Công an”.

Năm 2017 và sang đầu năm 2018 đã xảy ra hiện tượng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong Bộ Công an Việt Nam, tối thiểu trên phương diện phát ngôn.

Chưa kể dư luận ngày càng lùm xùm về “thực tế có hai bộ công an”…

Cứ theo cách phát ngôn từ Bộ trưởng công an Tô Lâm đến Chánh Văn phòng Bộ Công an, không thể trách dư luận xã hội suy luận theo cách “cứ Bộ Công an nói Có thì cần hiểu là Không, và ngược lại”.

Vào lần này, chỉ quan sát trên mạng xã hội cũng có thể dễ dàng nhận ra phần lớn ý kiến thể hiện mối tin cậy vào thông tin của Facebook Lê Nguyễn Hương Trà mà chẳng mấy tin tưởng vào lời giải thích của Thiếu tướng Lương Tam Quang.

Để nếu trong một thời gian ngắn nhất mà Bộ Công an không thể đưa hoặc “vận động” Trung tướng Phan Văn Vĩnh ra “trình diện” trước công chúng, người ta sẽ chắc chắn rằng ông Vĩnh bị bắt thật và vụ bắt bớ này có thể mở màn cho một loạt biến động lớn trong Bộ Công an chính vào năm 2108 này.

Thiền Lâm

(Cali Today)
http://www.tintuchangngayonline.com/2018/01/trung-tuong-phan-van-vinh-khong-bi-bat.html