Trong hai bài phân tích liên tiếp, trang mạng Pháp East Pendulum – chuyên theo dõi tình hình quân sự và công nghệ quân sự Trung Quốc – đã ghi nhận hai sự kiện có liên hệ với nhau: Tàu sân bay duy nhất của Trung Quốc, chiếc Liêu Ninh, chở theo một phi đội chiến đấu cơ, cùng với một hải đội hộ tống, đã rời căn cứ thẳng đường xuống Biển Đông. Ít hôm sau, có tin là lực lượng thủy quân lục chiến Trung Quốc cũng được phái xuống vùng Biển Đông tập trận đổ bộ ở hai địa điểm, trong đó có một nơi gần quần đảo Hoàng Sa.
Thông tin về hoạt động của chiếc Liêu Ninh không hề được phía Trung Quốc chính thức tiết lộ, nhưng trong bài viết « Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh trực chỉ Biển Đông » đăng ngày 06/01/2018, trang mạng Pháp đã căn cứ vào các nguồn tin từ Đài Loan để vạch rõ hành trình của con tàu Trung Quốc.
Theo tác giả bài phân tích, chiếc Liêu Ninh, được 5 chiến hạm hộ tống, đã bắt đầu vượt qua eo biển Đài Loan vào đêm mồng 4, rạng sáng mồng 5 tháng Giêng, trên nguyên tắc là để thực hiện loạt tập huấn đầu năm tại vùng Biển Đông. như đã từng làm cũng vào đầu năm ngoái 2017.
Tuy nhiên, khác với năm ngoái, thay vì đi đường vòng, xuyên qua chuỗi đảo thứ nhất theo ngã eo biển Miyako gần quần đảo Nhật Bản, ra Thái Bình Dương, đi xuống phía Nam, rồi quay trở vào Biển Đông qua eo biển Ba Sĩ phía nam Đài Loan, lần này hạm đội Trung Quốc đã đi dọc theo bờ biển Trung Quốc, thẳng xuống Biển Đông.
Câu hỏi đặt ra là trên đường về, liệu hải đội tàu sân bay Trung Quốc có tìm cách đi bọc quanh Đài Loan theo hướng Đông hay không, điều mà Bắc Kinh đã từng làm trước đây để thị uy.
Vốn rất nhạy cảm với các cuộc diễn tập quân sự của Trung Quốc tại các vùng gần lãnh thổ của mình, các phương tiện truyền thông Đài Loan, như thông lệ, đã theo dõi sát hành trình của đoàn chiến hạm Trung Quốc.
Theo các nguồn tin này, thì tàu sân bay Trung Quốc đã nhổ neo, rời căn cứ gần Thanh Đảo vào ngày 02/01, và sau đó tập kết tại một vùng cấm bay trên Biển Hoàng Hải với một số tàu hộ tống, bao gồm hai khu trục hạm lớp 052C (Trịnh Châu và Tế Nam) của Hạm Đội Đông Hải, và ít nhất ba chiến hạm khác trong Hạm Đội Bắc Hải.
Thoạt đầu, Quân Đội Đài Loan cho rằng hạm đội Trung Quốc có thể vòng qua phía đông Đài Loan để làm một số thao tác thị uy, nhưng rốt cuộc thì tàu sân bay Trung Quốc và các chiến hạm tháp tùng theo đã đi dọc theo bờ biển thẳng xuống phía nam. Một cựu quan chức hải quân Đài Loan cho rằng sở dĩ hạm đội Trung Quốc mau chóng đi về phía Nam, đó là để tránh đợt khí lạnh Bắc Cực đang tràn xuống.
Theo các nguồn tin của chính quyền Đài Loan, hàng không mẫu hạm Trung Quốc đã nhanh chóng vượt qua eo biển Đài Loan với máy bay nằm yên trên boong, không hề có bất kỳ hoạt động nào, điều được cho là biểu hiện thái độ « kiềm chế » của phía Trung Quốc. Hạm đội Trung Quốc đã rời khỏi vùng nhận dạng phòng không Đài Loan ngày 05/01 vào khoảng 21 giờ giờ địa phương.
Hải Quân Trung Quốc tập trận đổ bộ trên Biển Đông
Do việc Trung Quốc hoàn toàn im lặng về hoạt động của tàu sân bay Liêu Ninh ở Biển Đông, nhiều suy đoán đã được đưa ra. Trong một bài viết khác ngày 09/01/2018, trang mạng East Pendulum đã gắn chuyến công tác của tàu Liêu Ninh với những cuộc tập trận vừa diễn ra của Hải Quân và Thủy Quân Lục Chiến Trung Quốc trên Biển Đông.
Theo trang mạng Pháp, lần đầu tiên trong lịch sử, ngày 03/01/2018, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ra lệnh cho toàn thể quân đội nước này khởi động các cuộc tập huấn quân sự cho năm mới 2018. Trong khuôn khổ đó, một đơn vị Thủy Quân Lục Chiến với thiết bị hùng hậu, đã đặc biệt được phái xuống Biển Đông.
Một bài viết trên trang web của quân đội Trung Quốc cho biết là tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến đó đã khởi sự chiến dịch tập trận bằng một bài tập theo kịch bản khẩn cấp chuyển quân và thiết bị lên tàu, dưới sự yểm trợ của lực lượng phòng không và phòng thủ ven biển.
Các đơn vị xe tăng lội nước ZTD-05 cùng các loại xe bọc thép và lực lượng bộ binh khác đã dồn dập đổ về căn cứ hải quân Trạm Giang theo đường bộ và đường biển, để từ đó chuyển lên chiếc Tỉnh Cương Sơn 999, một trong những chiếc tàu đổ bộ lớn của Hải Quân Trung Quốc lớp 071, có khả năng vận chuyển đến hơn 20.000 tấn, cũng như lên một chiếc tàu vận chuyển xe tăng khác.
Thông tin chính thức của Trung Quốc không cho biết là lực lượng này tập trận ở đâu, nhưng những thông cáo quy định hai khu vực tạm thời cấm tàu thuyền và phi cơ cho thấy là lực lượng đổ bộ Trung Quốc đã trực chỉ Biển Đông, cụ thể là hướng về đảo Hải Nam, rồi đến phía nam quần đảo Hoàng Sa, gần bờ biển Việt Nam.
Hai “xạ trường quân sự” gần Hải Nam và gần Hoàng Sa
Vùng cấm đầu tiên, cấm mọi loại phi cơ dưới độ cao 15.000 mét được thiết lập ở phía đông đảo Hải Nam, tiếp giáp Biển Đông, gần đảo Bắc Trĩ (Beishi), nơi thường được sử dụng làm địa bàn cho quân đội Trung Quốc tập đổ bộ. Lệnh cấm thâm nhập nơi dùng làm « xạ trường quân sự » có hiệu lực lần đầu tiên ngày 07/01, từ 14:40 đến 18:00 giờ địa phương, và sau đó là ngày 09/01, từ 16:00 đến 17:00.
Ngoài ra, một vùng cấm phi cơ khác ở một địa điểm cách vùng cấm thứ nhất khoảng 590 km, và chỉ cách quần đảo Hoàng Sa 123 km về phía đông, cũng đã được tạo ra với cùng một lý do tập bắn, và có hiệu lực ngày 08/01 từ 16:00 đến 18:00.
Căn cứ vào khoảng cách giữa hai khu vực, và tốc độ di chuyển của tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn, có hai giả thuyết được nêu lên : Hoặc là hạm đội đổ bộ Trung Quốc đã tập di chuyển giữa hai vùng cấm theo một kịch bản cụ thể nào đó, hoặc hạm đội đó chỉ tập trận ở khu vực gần đảo Bắc Trĩ, còn vùng cấm gần Hoàng Sa rất có thể là dành cho hải đội tác chiến của tàu sân bay Liêu Ninh đang hiện diện trong khu vực.
Cho đến nay, chưa có thông tin nào được tiết lộ về khả năng hải đội tàu sân bay Trung Quốc cùng phối hợp tập trận với lực lượng đổ bộ của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhưng điều chắc chắn là trong một cuộc phỏng vấn, phó chỉ huy lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến Trung Quốc được huy động xuống Biển Đông, đã cho biết là hoạt động tập trận sẽ bao gồm cả phần hợp đồng tác chiến với các tàu ngầm và phi cơ của Hải Quân Trung Quốc.
Tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc sắp ra biển ?
Nếu chiếc Liêu Ninh đã tham gia cuộc tập trận đầu năm của Trung Quốc tại Biển Đông, báo chí nước này chắc chắn sẽ loan tin rộng rãi trong thời gian sắp tới đây nhằm tuyên truyền về uy lực quân sự của Trung Quốc, cũng như hù dọa các láng giềng.
Trong khi chờ đợi, cũng trong mục đích tuyên truyền đó, trang tin chính thức Trung Quốc china.org ngày 10/01/2018 đã nêu lên khả năng chiếc tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc, mà nước này tự đóng và đã cho hạ thủy vào tháng Tư năm ngoái, sẽ bắt đầu chạy thử nghiệm trên biển ngay vào giữa tháng 2 tới đây.
Trả lời tờ Hoàn Cầu Thời Báo, chuyên gia về hải quân Lý Kiệt (Li Jie) ở Bắc Kinh đã cho biết tin trên, đồng thời giả định rằng trong chuyến xuống Biển Đông lần này, chiếc Liêu Ninh có lẽ đã chở theo thủy thủ đoàn dự kiến cho chiếc hàng không mẫu hạm thứ hai đó để cho họ học tập kinh nghiệm thực tế.
Mỹ cáo buộc Trung Quốc “quân sự hóa khiêu khích” ở Biển Đông
Minh Thu |
3
Một quan chức cấp cao Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc đang “quân sự hóa khiêu khích” Biển Đông. Do đó, Mỹ cũng sẽ tiếp tục điều động tàu thuyền tới Biển Đông để tiến hành tuần tra nhằm đảm bảo tự do hàng hải.
Hôm nay (9/1), ông Brian Hook, cố vấn cấp cao của Ngoại trưởng Rex Tillerson cho biết, vấn đề Biển Đông được đưa ra thảo luận trong tất cả các cuộc đối thoại an ninh và ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc.
Một số nhà phân tích thì cho rằng, sự tập trung của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với vấn đề Biển Đông đang có phần sụt giảm do cuộc khủng hoảng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Lời bình luận của ông Hook được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc vẫn tiếp tục tiến hành xây dựng trái phép trên những khu vực đang tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông cũng như lắp đặt radar và xây dựng nhiều công trình khác phục vụ mục đích quân sự.
“Hành động quân sự hóa khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông là nhằm thách thức luật pháp quốc tế. Trung Quốc đang bao vây các nước nhỏ hơn theo nhiều cách. Mỹ sẽ tiếp tục duy trì hoạt động bảo vệ tự do hàng hải để Trung Quốc biết rằng Mỹ vẫn sẽ bay qua, đưa tàu thuyền và hoạt động ở những khu vực mà luật pháp quốc tế cho phép”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Hook chia sẻ trong một cuộc họp qua điện thoại.
Truyền thông Trung Quốc từng đưa tin về việc nước này tiến hành xây dựng trên các hòn đảo ở Biển Đông hồi năm ngoái. Dự án xây dựng trái phép của Trung Quốc đã được tiến hành trên tổng diện tích 290.000 m2.
Trước đó, vào tháng 12/2017, Viện Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á tại Washington cho hay, Trung Quốc đã cho lắp đặt một radar ở bãi Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa (của Việt Nam). Ngoài ra, nhiều đường hầm có khả năng được dùng để lưu trữ đạn dược cũng đã được Trung Quốc xây xong trên bãi Subi (thuộc chủ quyền của Việt Nam).
Trung Quốc hiện còn có kế hoạch phóng thêm 10 vệ tinh từ khu vực phía nam đảo Hải Nam trong 3 năm tới nhằm kiểm soát toàn bộ hoạt động trên Biển Đông.
“Chúng tôi thực sự tin rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc không phù hợp với những gái trị và trật tự quy định. Trong khi trật tự là nền tảng của nền hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và cả trên thế giới. Khi hành động của Trung Quốc vượt quá những giá trị và trật tự được thiết lập, Mỹ sẽ đứng lên để bảo vệ luật pháp”, ông Hook nhấn mạnh.
Về phần mình, Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố chủ quyền trên gần 90% diện tích Biển Đông. Bắc Kinh cũng nhiều lần kêu gọi Washington không can thiệp vào vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông bởi Mỹ không tuyên bố chủ quyền ở khu vực này. Thậm chí, Trung Quốc còn cho rằng, hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông của Mỹ là hành động vi phạm chủ quyền của quốc gia này.
Ngoài vấn đề Biển Đông, ông Hook cho biết Mỹ phản đối việc Trung Quốc đơn phương mở thêm 4 tuyến đường bay dân dụng trên eo biển Đài Loan hồi tuần trước mà không tham vấn giới chức Đài Loan.
Trước đó, Trung Quốc cũng đã nhiều lần tiến hành các cuộc “tuần tra bao vây đảo” gần Đài Loan, khu vực mà lâu nay Bắc Kinh coi chỉ là một tỉnh ly khai. Phía Đài Loan đã cực lực phản đối hành động của Trung Quốc và xem động thái của Bắc Kinh là mối đe dọa tới an ninh khu vực.
“Chúng tôi phải đối những hành động đơn phương như trên. Chúng tôi muốn chính quyền Bắc Kinh và Đài Bắc tiến hành các cuộc đối thoại mang tính xây dựng về những vấn đề liên quan tới hàng không dân dụng”, ông Hook nói.