Ông Đinh La Thăng trong phiên tòa ngày ở Hà Nội. Ảnh chụp ngày 8 tháng 1 năm 2018. AP Viện kiểm sát nhân dân Hà Nội hôm 11/1, tức ngày thứ 4 của phiên xử, đã đề nghị mức án đối với hai cựu quan chức dầu khí Việt Nam là ông Đinh La Thăng và ông Trịnh Xuân Thanh cùng 20 bị cáo liên quan. Dư luận và các luật sư có ý kiến gì về những mức án được đề nghị?
Nghiêm khắc nhưng chưa công minh
Ngay khi tin tức loan đi VKS Toà án Nhân dân Hà Nội đề nghị 14 đến 15 năm tù giam cho ông Đinh La Thăng, với cáo buộc đã có hành vi phạm vào tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Luật sư Phan Trung Hoài – bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng – trả lời phỏng vấn báo trong nước cho biết ông bất ngờ với bản luận tội của VKS vì có nhiều nội dung không giống với bản cáo trạng đã truy tố các bị cáo.
RFA có liên lạc với Luật sư Phan Trung Hoài nhưng ông gác máy khi chúng tôi vừa nêu câu hỏi.
Luật sư Hoàng Văn Hướng, trưởng văn phòng luật Hoàng Hưng cho biết ông không trực tiếp tham gia vụ án, nhưng qua thông tin từ báo chí và kinh nghiệm chuyên môn, ông nhận thấy đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng xét theo căn cứ buộc tội.
Nhận định về mức án Viện Kiểm sát đề nghị đối với hai bị cáo là Đinh La Thăng và ông Trịnh Xuân Thanh, Luật sư Hoàng Hướng nói rằng trước tiên cần phải phân tích ra hành vi khách quan của từng bị cáo một với những vai trò khác nhau. Từ đó, ông có ý kiến:
“Với mức án đề nghị tôi cho là nó quá nghiêm khắc. Bởi vì qua quan sát của tôi đối với ông Đinh La Thăng, mức từ 14-15 năm tù, xét thấy qua những lời khai của ông ấy tại toà thì để thực hiện việc điều hành ký hợp đồng tổng thầu nhiệt điện Thái Bình thì rõ ràng ông ấy có quyền chủ động. Tuy nhiên về mặt vốn và một số các hoạt động khác thì như ông ấy đã khai là hoàn toàn có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thậm chí là Bộ Chính trị nữa. Theo quan điểm của tôi, điều này cần làm rõ. Nếu đúng như thế thì đó là những cái mang tính tương đối khách quan có thể giảm nhẹ hình phạt cho ổng.”
Trong phiên tòa sáng ngày 9/1/2018, ông Đinh La Thăng khẳng định với Hội đồng xét xử rằng: Chỉ định thầu “do chủ trương của Bộ Chính trị”.
Với mức án đề nghị tôi cho là nó quá nghiêm khắc. – LS Hoàng Văn Hướng
Với kinh nghiệm 8 năm làm hội thẩm, nhà báo Võ Văn Tạo cũng cho rằng phiên toà chưa thật sư công minh. Ông đặt câu hỏi:
“Cái người lớn nhất, tập thể hay cá nhân cao nhất trong việc này tại sao không ra hầu toà?”
Đối với ông Trịnh Xuân Thanh, luật sư Hoàng Văn Hướng đề cập đến 1 chi tiết để lý giải vì sao khung hình phạt VKS đề ra là mức án chung thân, theo nhận xét khách quan của ông, nó liên quan đến cuộc chạy trốn từng gây xôn xao dư luận của ông Trịnh Xuân Thanh.
“Hành vi phạm tội thì đã nhận, nhưng với việc ông ấy trốn tránh, từ việc nọ tạo ra việc kia gây ra khủng hoảng về ngoại giao. Thứ ba nữa là nhà nước và chính phủ đang phát động phong trào chống tham nhũng nên việc áp dụng pháp luật phải nghiêm để có tính chất răn đe.”
Phiên toà biểu diễn
Đầu tháng 12 vừa qua, khi ông Đinh La Thăng bị bắt tạm giam để điều tra về việc làm thất thoát tài sản tại Tổng công ty dầu khí Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động xã hội dân sự đã từng khẳng định “Đây chỉ là cuộc thanh trừng nội bộ.”
Thì bây giờ khi ông Đinh La Thăng nhận mức án đề nghị 14 đến 15 năm tù giam và ông Trịnh Xuân Thanh bị đề nghị mức án chung thân, Tiến sĩ Nguyễn Quang A vẫn giữ nguyên quan điểm đó và nói thêm rằng, đây là “phiên toà biểu diễn với bản án đã định sẵn.”
“Tôi nghĩ rằng người ta đã định trước hết rồi. Nếu đưa thấp quá thì khó mà nặng quá thì cũng khó. Với ông Trịnh Xuân Thanh, tội cố ý làm trái thì cũng là chục năm thôi. Nhưng nhận hối lộ, tham nhũng thì chuyện phải lên đến tử hình, mà tử hình thì khó ăn khó nói với Đức, nên đề ra chung thân.
Còn ông Thăng thì đặt ra mười mấy năm về tội cố ý làm trái. Thật sự nếu khui ra những chuyện khác thì sẽ nặng nề hơn rất nhiều. Nhưng lúc đó thì lại đụng đến quá nhiều người khác nữa.”
Tuy thế, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng chưa thể khẳng định mức án đề nghị của VKS sẽ là mức án cuối cùng dành cho các bị cáo.
Việc truy tố ông Đinh La Thăng ở mỗi tội cố ý làm trái gây hiệu quả nghiêm trọng là không đúng, không công bằng và không chính xác. Tôi tin chắc là cơ quan pháp luật đã bỏ lọt 2 tội là nhận hối lộ và lạm dụng chức quyền chiếm đoạt tài sản.- Nhà báo Võ Văn Tạo
Một nhận định khác của nhà văn Võ Văn Tạo cho thấy các cáo buộc do VKS đưa ra về phía ông Đinh La Thăng là chưa có sự công bằng. Ông nói:
“Việc truy tố ông Đinh La Thăng ở mỗi tội cố ý làm trái gây hiệu quả nghiêm trọng là không đúng, không công bằng và không chính xác. Tôi tin chắc là cơ quan pháp luật đã bỏ lọt 2 tội là nhận hối lộ và lạm dụng chức quyền chiếm đoạt tài sản.”
Án oan?
Quan sát phản ứng của dư luận và các nhà quan sát, chúng tôi thấy luật sư Trần Vũ Hải có ý kiến đối lập với nhà báo Võ Văn Tạo. Trên trang cá nhân của mình, luật sư Trần Vũ Hải đưa ra quan điểm của ông và chúng tôi xin trích dẫn lại ở đây:
“Theo ông Đinh La Thăng, việc chỉ định cho PVC làm tổng thầu để khẩn trương thực hiện dự án, được Thủ tướng đồng ý từ 2009 và phù hợp Kết luận 41 năm 2006 của Bộ Chính Trị về Chiến Lược phát triển Tập đoàn Dầu khí (đa ngành).
Mặt khác, kết luận giám định thiệt hại 119 tỷ của giám định viên là xác định trên cơ sở tính số tiền lãi tạm ứng 1115 tỷ đồng này bị PVC chiếm dụng, trong khi hầu hết khoản tiền gốc được coi đã thu hồi. Kết luận này gây tranh cãi…
Khi nói đến câu chuyện kinh doanh, lỗ lãi, cần nhìn tổng thể, không thể đơn giản cắt khúc như Kết luận Giám định.
Cá nhân tôi cho rằng, ông Đinh La Thăng và các đồng sự liên quan bị oan, trong vụ án này!”
Cá nhân tôi cho rằng, ông Đinh La Thăng và các đồng sự liên quan bị oan, trong vụ án này! – LS Trần Vũ Hải
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng cho rằng đã làm doanh nghiệp, thì có lúc được, lúc không.
“Nếu làm cặn kẽ ra thì còn nhiều thứ lắm. Chuyện cố ý làm trái thì có ông pháp doanh nào mà không làm trái? Bản thân qui định của nó đã là như vậy. Doanh nghiệp là doanh nghiệp. Có lúc lỗ, có lúc được. Nếu ăn cắp hay biển thủ thì nó rành rành. Còn cố ý làm trái để thất thoát thì tôi nghĩ là còn có những cái thất thoát gọi là gấp hàng chục lần.”
Hiểu một cách gián tiếp và theo dõi mạng xã hội, có thể thấy quan điểm của Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng là phản ứng của một số không nhỏ dư luận về mức án dành đề nghị trong vụ Thăng – Thanh, đặc biệt là đối với ông Đinh La Thăng. Điều này được Luật sư Hoàng Văn Hướng nhắc đến bằng cách phân tích các điểm có thể xem là tình tiết giảm nhẹ, đó là thành tích của ông Đinh La Thăng trong thời gian tại vị.
“Ấn tượng nhất là giai đoạn ổng làm Bộ trưởng Bộ Giao thông thì bộ mặt giao thông của Việt Nam thay đổi hẳn. Giai đoạn thứ hai dù có 1 năm ở TP HCM với vai trò Bí thư thành uỷ, tất cả hiện tượng xã hội như cướp giật…đều có chuyển biến, cả thành phố hoạt động, chuyển mình.”
Mức án đề nghị đối với hai ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh có phải là mức án cuối cùng hay chưa? Câu trả lời chỉ được tiết lộ khi phiên toà kết thúc. Cũng cần phải nói thêm, là chiều tối cùng ngày VKS đưa ra mức án, tờ báo mạng Vietnamnet đã đăng tải bài viết mang nội dung đi ngược lại lời khai trước toà của ông Đinh La Thăng, bài viết có tên “Thực hư thông tin Bộ Chính trị chỉ đạo chỉ định thầu nhà máy nhiệt điện”, trong đó có đoạn viết và chúng tôi xin trích dẫn nguyên văn: “Có thể thấy rõ, văn bản Kết luận số 41 của Bộ Chính trị ngày 19/1/2006 không có nội dung chỉ đạo xây dựng nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2; và càng không có chỉ đạo chỉ định thầu đối với công trình này.”